HomePTLĐ PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO HTPTLĐ.Phát Triển Ơn Điều HànhVề Giáo Dục Cơ Đốc Và Tổ Chức Hội Thánh

Mục sư Nguyễn Duy Tân

Giáo dục của thế gian tạo nên nhiều người đầy kiến thức nhưng cũng đầy lòng kiêu ngạo. Nhưng trong Chúa, người càng có nhiều kiến thức Kinh Thánh thì càng trở nên khiêm nhường nhờ được biến đổi bởi chân lý.

Dĩ nhiên có một số người càng học nhiều thì lại càng sinh lòng kiêu ngạo. Đó là lỗi của họ. Chúng ta không nên vì đó mà kết luận rằng giáo dục kiến thức Lời Chúa của các trường Kinh Thánh hay trường Thần học là xấu hay sai! Xưa nay, Đức Chúa Trời đã dấy lên rất nhiều giáo sư đầy ơn. Họ là hình ảnh đầy tình thương và khiêm nhường của Đấng Christ để làm gương cho những tôi tớ Chúa đã được học hỏi từ họ, qua những môn học mà họ dạy cũng như qua chính đời sống họ. Nhờ đó họ cũng đã trở thành những người hầu việc Chúa đầy ơn và đã cứu vô số linh hồn về cho Ngài.

Mệnh lệnh của Chúa trong Mathiơ 28:19 là “Vậy, hãy đi DẠY DỖ muôn dân…” Như vậy, dạy dỗ anh em chúng ta để họ đi ra dạy dỗ người khác đó là mệnh lệnh của Chúa cho chúng ta!

Lời Chúa trong Công vụ 2:42 nói rằng: “Vả, những người ấy bền lòng giữ LỜI DẠY của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” Đó là một trong nhiều bằng cớ cho thấy Hội Thánh đầu tiên đã quý trọng sự dạy dỗ của các sứ đồ và tiếp tục dạy cho nhau những gì họ học được. Nhờ đó, họ tiếp tục vững mạnh trong sự hiểu biết Chúa.

Công vụ 5:42 cũng ghi rằng: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ DẠY DỖ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ.”

Nếu cho rằng giáo dục về Thánh Kinh hay Thần đạo là tôn giáo hoặc là vô ích thì Chúa ban cho nhiều người có ơn tứ dạy dỗ để làm gì? Giáo dục về Lời Chúa không phải là bắt chước thế gian, vì theo lịch sử của thế giới, giáo dục của thế gian bắt nguồn từ giáo dục Cơ-đốc.

Càng học hiểu Lời Chúa cách sâu nhiệm thì đời sống người học càng được thánh hoá. Nếu người nào không được thánh hoá thì đó là nan đề của cá nhân họ. Chúng ta không nên bêu xấu nền giáo dục Cơ đốc hay chế nhạo bất cứ người nào đã dày công học hỏi nhiều năm để có cấp bằng thần học nào đó. Bằng cắp chỉ là hình thức để công nhận công khó của một sinh viên. Học hỏi để thêm hiểu biết Lời Chúa và kinh nghiệm của người có ơn Chúa thì rất ít lợi cho chức vụ và không có gì sai, ngoại trừ người nào đó, vì kiến thức cao hay có nhiều bằng cấp mà lên mình kiêu ngạo, thì đó là do cá nhân họ không trưởng thành trong nếp sống thuộc linh hay không được Chúa biến đổi mà thôi. Người càng có kiến thức phải càng trở nên khiêm nhường như Chúa. Đó là mục đích của giáo dục trong Chúa. Các trường KT luôn kêu gọi tôi tớ Chúa học theo Đấng Christ và trở nên người mang hình ảnh của Ngài. Nếu chúng ta xem thường kiến thức, chúng ta phải trải qua 40-50 năm trong chức vụ, làm nhiều sai lầm, rồi mới học được những gì mà vị giáo sư có thể chia sẻ lại cho chúng ta chỉ trong vòng một vài tháng! Đó là lợi ích của giáo dục!

Mọi người không nên giới hạn Đức Chúa Trời vô hạn! Ngài có nhiều cách để dạy dỗ chúng ta, như là qua vũ trụ, qua Kinh Thánh, qua chính con Ngài, qua Đức Thánh Linh, qua những người có ơn giảng dạy, và dĩ nhiên cũng qua giáo dục Cơ-đốc trong mọi hình thức. Nhưng chúng ta cũng phải chọn những tổ chức nào dạy dỗ sát với Lời Chúa, vì ngày nay cũng có nhiều trường Kinh Thánh có chiều hướng tự do, có những môn học lệch lạc với những chân lý của Lời Ngài.

Việc chống lại tổ chức hội thánh hữu hình hay tổ chức giáo hội là sai vì hội thánh hay tổ chức giáo hội là hình ảnh thấy được cần có của Hội Thánh vô hình, là Thân Thể Đấng Christ. Dĩ nhiên, những lãnh đạo của tổ chức đôi khi cũng làm những lỗi lầm, nhưng dựa vào đó mà cho rằng tổ chức là vô ích, là tôn giáo thì không đúng. Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời là gương mẫu của trật tự và tổ chức. Ví dụ như Ngài tổ chức cho dân Y sơ ra ên theo mô hình một đạo binh trong cuộc hành trình rời Ai cập đến Đất Hứa. Không có tổ chức thì Môi se không thể nào lãnh đạo dân sự vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc hành trình của dân tộc nầy.

Hội thánh ban đầu cũng có tổ chức rõ ràng. Nếu người nào, dù là mục sư hay chấp sự, mà nghĩ rằng mình có quyền hành cai trị thay vì điều hành hay phục vụ hội thánh Chúa, thì đó là vì cá nhân họ hiểu sai vai trò của mình. Chúng ta không nên vì đó mà bỏ qua sự tổ chức hội thánh cách trật tự, có đường hướng rõ ràng, và điều hành công việc theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, trong tinh thần vâng phục nhau và tôn trọng nhau.

Công vụ 20:28 nhắc nhở chúng ta về vai trò của mục sư hay trưởng lão trong hội thánh: “Anh em hãy GIỮ mình và toàn thể bầy chiên mà Thánh Linh đã đặt anh em làm GIÁM MỤC, để CHĂN DẮT hội thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.” Trong những bản dịch khác, chữ giám mục nói đến vai trò hay trách nhiệm canh giữ (overseer) và chăn dắt hội thánh như người chăn chiên thật, sẵn sàng hy sinh và chịu trách nhiệm trên sự sống còn của bầy chiên. Đó là trách nhiệm được Đức Thánh Linh giao phó, nên người chăn cũng như ban lãnh đạo hội thánh phải vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài chứ không làm chi vì lợi riêng hay ý riêng, dù rằng Hội thánh có tổ chức tương tợ như các tổ chức bên ngoài (1Phierơ 5:2,3).

Nên nhớ rằng, Đức Chúa Trời cũng thường bày tỏ sự hướng dẫn của Ngài qua những lãnh đạo chịu trách nhiệm trên mình, nên chúng ta hãy tin cậy Chúa mà tôn trọng thẩm quyền của họ để công việc của chúng ta được Ngài ban phước. Chữ “giám mục” (overseer) trong Công vụ không phải là một chức phận có cấp bực, nhưng là công tác hay nhiệm vụ của một người có trách nhiệm coi sóc bầy chiên mà Chúa giao cho. Đó cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người trong tổ chức. Mục sư Giáo hạt trưởng cũng coi sóc (oversee) các mục sư trong địa phận mình chịu trách nhiệm. Mục sư Hội trưởng cũng coi sóc (oversee) các mục sư giáo hạt trưởng. Mọi người đều là những người đồng công, làm chung một công tác, đó là “cùng làm việc với Đức Chúa Trời” để xây dựng Hội Thánh (vô hình) trong khi tập trung xây dựng hội thánh địa phương (hữu hình) hay giáo hội (hữu hình) của mình, như 1Côrinhtô 3:9 nói đến: “Vả, chúng tôi là BẠN CÙNG LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI; anh em là ruộng Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây.”

Vậy anh em hãy tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm, lắng nghe và học hỏi để phân tích và nhận biết lẽ thật qua những người có ơn dạy dỗ hay giảng dạy. Hãy luôn nhớ rằng mục đích của chúng ta không phải để tìm danh vọng riêng tư như người đời, nhưng để gây dựng Thân Thể Đấng Christ (Hội Thánh vô hình) bằng cách hết lòng gầy dựng hội thánh địa phương hay giáo hội của mình trong trật tự và khéo léo trong tổ chức. Cũng đừng quên mục đích tối hậu của chúng ta là để làm vinh hiển cho Danh Chúa trong mọi công tác của mình. Amen.

(C) 2019 TinlanhLibrary.info


Comments

Về Giáo Dục Cơ Đốc Và Tổ Chức Hội Thánh — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *