Truyện cổ Ấn Độ có câu truyện như sau:
Một người kia mua của anh láng giềng một miếng đất. Mua đất xong người ấy liền đào lỗ để dựng cột nhà. Nhưng may mắn thay, anh đào trúng ngay một hũ vàng. Vốn là người thành thật và lương thiện, anh liền mang hũ vàng qua nhà người láng giềng trả lại và nói:
– Tôi tìm thấy nó trong miếng đất anh bán cho tôi, tôi mua đất chứ không mua vàng, vậy tôi trả lại hũ vàng cho anh.
Người láng giềng cũng lương thiện không kém, anh không nhận hũ vàng và giải thích:
– Tôi mừng cho anh đó, khi bán đất cho anh tôi có ý định bán tất cả những gì chứa đựng trong đó. Vậy hũ vàng này là của anh, tôi không có quyền nhận lại.
Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến khi trời sập tối mà chẳng có ai chịu nhận hũ vàng. Cuối cùng, cả hai đều đồng ý để đến sáng hôm sau hy vọng mọi việc sẽ sáng tỏ. Cả hai không ngủ sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không biết. Sáng hôm sau, người mua đất liền nói:
– Tôi đã suy xét kỹ lại thì quả lời nói của anh hôm qua rất là chí lý, tôi đã mua đất của anh thì tất nhiên, mọi sự có trong đất thuộc về tôi.
Người láng giềng cũng nói lên sự suy đi xét lại của mình như sau:
– Không phải vậy, hôm nay tôi đã xét kỹ lại thì lời nói của anh hôm qua quả là xác đáng, anh không thể nào mua món hàng mà chính anh không có ý mua, anh chỉ có ý mua đất chứ không mua vàng, anh trả lại hũ vàng cho tôi thật là hợp lý.
Kể từ hôm đó, hai người láng giềng thân thiết trở thành thù địch. Họ lôi nhau ra tòa và dùng đủ mọi lý lẽ, biện pháp để chiếm cho bằng được hũ vàng, cả hai đều nhân danh công lý để tranh lấy phần thắng.
Khi con người bị lòng tham chi phối thì hành động bao giờ cũng được lý trí biện minh. Một văn sĩ kia đã viết, “Thị dục làm mờ cả lương tri con người, khi thị dục nổi lên thì lương tri sẽ đội nón ra đi!”
Thật vậy, khi những ham muốn vật chất nổi lên trong lòng hai người bạn láng giềng thì họ có đủ mọi lý lẽ để chiếm cho bằng được hũ vàng. Thật khó khăn biết bao khi đứng trước đồng tiền mà phải dửng dưng, và hướng lòng mình về những giá trị cao cả hơn.
Dùng lý trí để biện minh cho thị dục đó là một thứ ngụy biện vốn là cơn cám dỗ thông thường nhất của con người. Một khi đã lấy sự ngụy biện làm nếp nghĩ bình thường, thì con người trở thành dối trá lúc nào không biết. Sống trong dối trá, biện hộ cho sự dối trá, con người cũng lấy sự dối trá làm điều hay lẽ thật.
Câu gốc suy gẫm:
“Vì mọi sự trong thế gian như ham muốn của xác thịt, ham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo về những gì mình có thuộc đời nầy, đều không từ Đức Chúa Cha mà đến, bèn là từ thế gian mà ra. Vả, thế gian với những ham muốn của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời sẽ còn lại đời đời.” (1 Giăng 2:16-17)

Mục sư Hùng Vương


Comments

Hủ Vàng — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *