HUYỀN NHIỆM GIÁNG SINH / Bảo Ngọc

DẪN NHẬP

Có một sự kiện vĩ đại nhất, ý nghĩa nhất trong cõi thời gian này đó là Đấng Christ giáng thế làm người để cứu rỗi nhân loại. Vì vậy, Chúa Jesus giáng sinh là một Tin Mừng lớn cho muôn dân, là một bước ngoặc vĩ đại để cứu chuộc con người tội lỗi. Đây là một huyền nhiệm lớn mà cho đến ngày nay tâm trí con người không thể hiểu thấu nên dẫn đến hoài nghi, phủ nhận, phạm thượng.

Trong bài này, người viết sẽ tìm hiểu về huyền nhiệm giáng sinh của Chúa Jesus qua nền tảng Kinh Thánh, để thấy được Ngài là dòng dõi của người nữ, là Ngôi Lời trở nên xác thịt và cũng chính là Đức Chúa Trời quyền năng.

I. DÒNG DÕI NGƯỜI NỮ

Sau khi A-đam và Ê-va ăn trái cấm, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian. Đức Chúa Trời đã tìm kiếm họ, Ngài không tuyên án tử hình, nhưng để công bố Phúc Âm trong Sáng-thế-ký 3: 15 “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy và mầy sẽ cắn gót chân người.” Lời phán này được gọi là: Phúc Âm nguyên thủy, vì cụm từ “Dòng dõi người nữ” và “Người sẽ giày đạp đầu mầy” ở đây ám chỉ Đấng Christ và sự chiến thắng của Ngài trên Sa-tan.[1] Khi Đấng Christ giáng sinh, Ngài đã được “sinh bởi người nữ, sinh dưới luật pháp” (Ga-la-ti 4: 4).

Đối với tâm trí con người thì “Dòng dõi người nữ” là một điều phi thực tế. Nhưng ở đây chính là Lời phán của Đức Chúa Trời. Trên thế giới này, ai cũng là dòng dõi của người nam, con của người nam. Nhưng chỉ có một ngoại lệ duy nhất đó là Chúa Jesus, Ngài là dòng dõi của một người nữ, vì Ngài được hoài thai bởi Thánh Linh và sinh bởi một nữ đồng trinh tên là Ma-ri. Đây là một phép lạ đã được Ê-sai nói tiên tri trước đó 700 năm: “ Vậy nên chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi. Nầy một gái đồng trinh sẽ thọ thai, sanh một trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7: 14). Điềm siêu nhiên này cho thấy Ngài chính là Đức Chúa Trời. Được thai dựng bởi Thánh Linh, Ngài là Thần 100% và được sinh bởi Ma-ri, Ngài là Nhân 100%. Đó chính là Thần Nhân Jesus Christ. Trong bảng gia phổ của Ngài, Ma-thi-ơ đã ký thuật rõ ràng: “Còn Ma-ri thì sinh Jesus, gọi là Christ” (Ma-thi-ơ 1: 16). Đây chính là Lời Thánh Linh linh cảm không ai có thể xuyên tạc hay cố ý làm lệch lạc được.

Người ta gọi Ngài là “Em-ma-nu-ên” có nghĩa “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Ma-thi-ơ 1: 23). Họ không gọi Ngài là “Jesus ở cùng chúng ta” nhưng gọi là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” đã cho thấy Thần tánh của Ngài trong danh xưng này. Trong chức vụ Ngài là Con Đức Chúa Trời, Đấng chịu sai đi, nhục hóa làm người, vâng phục Cha chịu chết trên thập tự giá để hoàn hành công tác cứu chuộc. Nhưng trong bản chất, Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài có Thần tánh như Đức Chúa Trời. Như lời Thánh Ca: “Dẫu Chúa có hình thể như ta, vẫn chiếu sáng Thần tánh như Cha!”[2] Đây chính là điều Kinh Thánh khẳng định. Sự kiện Cải chánh 500 năm trước đã đem mọi tín hữu quay lại với Kinh Thánh – Lời Đức Chúa Trời chứ không phải hiểu theo quan niệm con người hữu hạn, mà giới hạn Thần tánh của Đức Chúa Trời.

II. NGÔI LỜI TRỞ NÊN XÁC THỊT

Giăng 1: 1 ký thuật: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” Đây là câu Kinh Thánh khẳng định Thần tánh của Chúa Jesus. Ở đây bày tỏ “Ngôi Lời” có từ ban đầu, không hề có khởi đầu nhưng đã hiện hữu từ suốt cõi đời đời [3] quá khứ. Ngài không phải là Ngôi vị lần đầu khi làm Hài Nhi ở Bết-lê-hem. Ngài không phải là tạo vật, trái lại Ngài là Đấng tạo dựng nên muôn vật (Giăng 1: 3; Col 1: 16b) bao gồm cả loài ngưởi, thiên sứ, vạn vật, vũ trụ… đến những “vật không thấy được đều bởi Ngài làm nên.” Vì vậy Ngài là Đấng Tạo Hóa.[4] Giăng 1: 14 cũng bày tỏ: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” có nghĩa là “Đức Chúa Trời đã trở nên con người.” Ở đây vị sứ đồ đã dùng thuật ngữ Logos (ο’ λογος / the Word) một từ ngữ triết học phổ biến của Hy-lạp đương thời dùng để chỉ nguyên tắc luận lý trong con người và trên bình diện hoàn vũ, đó là nguyên tắc tạo nên vũ trụ, cai trị vũ trụ, vạn vật…[5] Giăng đã khoác cho Phúc Âm một chiếc áo mới để cắt nghĩa rõ ràng Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời đã đến thế gian trong hình dạng con người. Nếu như trong các tôn giáo khác là con người đi tìm Cứu Chúa nên họ đã bị lạc bước thờ hình tượng vì lầm tưởng thần tánh Đức Chúa Trời như vàng, bạc, đá (Công vụ 17: 29), thì Cơ đốc giáo là Đức Chúa Trời đi tìm con người qua hành động nhục hóa trở nên xác thịt.

Vì vậy, “Ngôi Lời trở nên xác thịt để ở giữa loài người,” nếu Ngôi Lời chỉ là Đức Chúa Trời, Ngài không thể cư ngụ giữa chúng ta. Nhưng ở đây Ngài đã “trở nên” xác thịt để thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại. Bốn sách Phúc âm đã ký thuật cho chúng ta câu chuyện về Đức Chúa Trời đã trở nên con người. Ngài đã trở nên con người để rao giảng, công bố và bày tỏ Đức Chúa Trời chúng ta. Do đó, trong sự nhục hóa, Đấng Christ là Đức Chúa Trời được tỏ ra trong xác thịt (I Ti-mô-thê 3: 16). Tuy nhiên, dù “Ngài đến trong xứ mình, song dân mình chẳng nhận lấy” (Giăng 1: 11). Cho đến ngày nay, dân tộc Do-thái vẫn phủ nhận Ngài và họ vẫn còn trông chờ Đấng Messiah.

Nếu không có Chúa Jesus, con người không có cách nào để thấy Đức Chúa Trời. Chính nhờ Chúa Jesus là “Con một ở trong lòng Cha và giải bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1: 18). Chính Chúa đã nói “Ai thấy Ta tức là đã thấy Cha” (Giăng 14: 8). Ngài cũng khẳng định “Ta với Cha là một” (Giăng 10: 30), đây là lời tuyên bố về quyền bình đẳng của Ngài với Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy Chúa Jesus là Đức Chúa Trời theo ý nghĩa trọn vẹn nhất và bình đẳng với Đức Chúa Cha.[6] Có nhiều phân đoạn Kinh thánh chứng minh Con và Cha là một như Giăng 17: 22, I Giăng 2: 23…. Những câu Kinh thánh mạnh mẽ này cho thấy Con và Cha đồng nhất trong sứ mạng của Chúa Jesus, hiệp một trong bản chất, tuy có sự riêng biệt về nhân dạng.[7] Dù tâm trí con người không thể hiểu đầy đủ việc Con với Cha là một như thế nào, vì cớ theo quan niệm thiên nhiên của con người thì “Con là Con và Cha là Cha, cả hai tách biệt nhau.” Nhưng Kinh thánh khẳng định Con với Cha là một, ai thấy Con là thấy Cha và Con cũng được gọi là Cha đời đời (Ê-sai 9: 5). Đây chính là huyền nhiệm!

Khi nhục hóa làm người, Ngài đã trở nên con người “đầy ân điển.” Ân điển là ơn ban cho người không xứng đáng, nếu không bởi ân điển, con người không thể nào tiếp cận với Ngài được. Toàn thể nhân loại không ai xứng đáng với tình yêu của Ngài. “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu điều ấy không đến từ anh em bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2: 7). Qua sự giáng sinh của Chúa Jesus, ân điển của Đức Chúa Trời không chỉ ban cho con người trong khoảnh khắc nhưng mở ra cả một thời đại ân điển (thời đại Tân Ước) cho loài người hôm nay. “Lẽ thật” đây chính là ἀλήθεια: có nghĩa là sự thật, thật. Trong cả vũ trụ này không có điều gì là “Thật” cả, trừ ra Chúa và Kinh Thánh. Chỉ có Ngài là sự thật, chính Chúa Jesus phán: “Ta là Đường đi, Lẽ thật và sự sống…” (Giăng 6: 24, 17: 17). Chúa Jesus là sự Thật, chính Ngài buông tha mọi người khỏi tội lỗi, sự chết, bất cứ ai tin Ngài, đều được cứu rỗi, thoát khỏi tội lỗi, sự hình phạt đời đời… y như Kinh thánh khẳng định: “Khi các ngươi sẽ biết Lẽ thật và Lẽ thật sẽ được buông tha các ngươi” (Giăng 8: 32). Vì vậy, những ai không biết lẽ thật sẽ ở trong tình trạng tối tăm, tội lỗi, mê tín.[8]

III. ĐỨC CHÚA TRỜI QUYỀN NĂNG

Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể trở nên con người, thậm chí là con của loài người (Ma-thi-ơ 16: 13) được? Đây chính là huyền nhiệm! Trong cõi đời đời quá khứ Ngài là Đức Chúa Trời, chúng ta không thể biết Ngài, nhưng trong cõi thời gian này Ngài đã trở nên con người, Ngài bước vào cuộc sống nhân sinh. Ngài là “Một Con Trẻ sinh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta… Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận và là Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời là Chúa bình an” (Ê-sai 9: 5). Chính tiên tri Ê-sai đã dự ngôn về Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời.

Qua các sự bày tỏ của Kinh thánh, chúng ta có thể thấy Đấng Christ là:

Đấng vô hạn nhưng đã trở nên hữu hạn.
Đấng Tạo Hóa đã trở nên tạo vật
Đức Chúa Trời đã trở nên con người.
Ngài vừa là của lễ vừa là Thầy tế tễ…

Đó chính là công tác cứu chuộc mà Chúa Jesus đã dành cho nhân loại. Đức Chúa Trời quyền năng đã giáng thế trở thành Jesus người Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê nơi chốn bị khinh dễ. Những điều này vượt quá sự hiểu biết và suy tư của chúng ta. Là một tín hữu chúng ta chỉ tiếp nhận trong đức tin. Đức tin là: “thực thể những điều mình hy vọng bằng cớ của điều mình chưa thấy” (Hê 11: 1).

Năm xưa trong vườn Ê-đen, Ma quỷ đã lừa dối Ê-va (Sáng thế ký 3: 4 – 5) khi xuyên tạc Lời Đức Chúa Trời nói không thật để dụ dỗ Ê-va, A-đam phạm tội và đưa cả nhân loại vào chỗ chết. Hôm nay, dòng dõi của ma quỷ cũng xúi giục con người đừng tin Chúa Jesus là Đức Chúa Trời bằng cách phủ nhận Thần tánh của Ngài. Khiến nhiều người vấp ngã khi đặt lý trí con người trên những gì Kinh thánh mặc khải. Lời Đức Chúa Trời là nền tảng cho đức tin, những gì về Đức Chúa Trời cần hiểu theo đức tin chứ không chỉ theo lý trí. Vì vậy, để con người hữu hạn nhận biết Đấng vô hạn là một điều không thể, tạo vật đánh giá Đấng Tạo hóa là một sự sai lầm. Nhưng vì con người cứ tự đề ra những quy định rồi hạn chế Đức Chúa Trời trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình dẫn đến mất đức tin và phát sinh ra nhiều tà giáo nguy hiểm.

Tuy Kinh Thánh không cho biết ngày Chúa Jesus giáng sinh và cũng không đưa ra nguồn gốc của lễ giáng sinh. Cho nên, thay vì quan tâm đến lễ hội chúng ta hãy quan tâm đến Lời Chúa về sự giáng sinh của Ngài. Chúng ta cần hiểu biết lẽ thật về sự giáng sinh của Chúa Jesus, Thần tánh, Nhân tánh và công cuộc cứu chuộc của Ngài. Sự Giáng sinh là một trong những lẽ đạo quan trọng của niềm tin Cơ đốc, nếu chúng ta không hiểu rõ sẽ khó đứng vững trước những những lập luận của tà giáo. Nếu đời sống thuộc linh chúng ta xây dựng trên Lời Kinh Thánh thì dù cho kẻ thù dùng các tà giáo nguy hiểm cũng không thể đánh đổ đức tin của chúng ta nơi Cứu Chúa Jesus được.

KẾT LUẬN

Hai mươi thế kỷ đã trôi qua, huyền nhiệm về sự Giáng sinh của Chúa Jesus Christ đã được Kinh thánh bày tỏ cách rõ ràng. Đấng Christ là Dòng Dõi người nữ được sinh ra bởi quyền năng của Thánh Linh. Để trở thành Em-ma-nu-ên, Ngôi Lời đã trở nên xác thịt cư ngụ giữa chúng ta, đầy ân điển và lẽ thật. Chúa Jesus không chỉ là Hài Nhi giáng sinh cách khiêm nhường tại Bết-lê-hem, nhưng Ngài chính là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha đời đời, Chúa bình an. Ngài cũng là Đấng tạo Hóa, bình đẳng với Đức Chúa Trời, là một với Đức Chúa Trời.

Huyền nhiệm lớn nhất, ân điển lớn nhất, phước hạnh lớn nhất chính là Đấng Thần Nhân Jesus ban cho chúng ta hôm nay! Chúng ta có đang tin nhận, kinh nghiệm, rao giảng và bước đi cách vũng vàng với Chúa Jesus không?

Nguyện cầu Chúa Jesus Christ ban ơn cho tất cả chúng ta trong Mùa Giáng Sinh này. A-men!

20/ 12/ 2017
Bảo Ngọc

_______
[1] H.P. Ruger, “On Some Versions of Gen 3: 15, Ancient and Modern.” Bitrans 27, no. 1 (January 1976), 106.
[2] Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Bài 53 “Kìa Thiên Binh Cùng Nhau Trổi Hát.”
[3] William Macdonald, Kinh Thánh Chú Giải Tân Ước (Nasville: Thomas Nelson Pulishhers, 2004), 317.
[4] William Macdonald, Op. cit., 318.
[5] UUC, Sứ Điệp Tân Ước (Anaheim: UUC, 2000 ), 84.
[6] William Macdonald, Op. cit., 389.
[7] GJ. Wenham et. al, Giải Nghĩa Kinh Thánh – Tập 5 (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2004), 473.
[8] William Macdonald, Op. cit., 377.


Comments

Huyền Nhiệm Giáng Sinh — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *