HomeCĐGD CƠ ĐỐC GIÁO DỤCCHỦ ĐỀ TRONG THẦN HỌC CỰU ƯỚC

Nguyễn Vũ, D. Min. / Kim Dung, M. Div.

Khi nói đến chủ đề (central theme, central concept, focal point, essential root idea, underlying idea) là nói đến một ý tưởng chính yếu, xuyên suốt cả Cựu Ước, qua từng sách, từng thời kỳ của Cựu Ước. Nói đến chủ đề không có nghĩa chúng ta nói đến một ý tưởng duy nhất, nhưng là ý tưởng nổi bật nhất, quan trọng nhất trong Thần Học Cựu Ước. Mỗi nhà nghiên cứu Kinh Thánh có thể khám phá và lựa chọn những chủ đề khác nhau, nhưng không có nghĩa là loại bỏ những ý tưởng quan trọng khác.

Các nhà Thần Học Thánh Kinh đã dùng phương pháp qui nạp (inductive method) để khám phá ra những chủ đề này, nghĩa là họ khám phá ra chủ đề, sau khi đã nghiên cứu từng sách, từng thời kỳ riêng rẽ và tìm thấy một ý tưởng chung làm nền tảng cho cả Cựu Ước. Phương pháp qui nạp là phương pháp thường được áp dụng từ đặc thù đến tổng quát, nghĩa là đưa ra kết luận bằng cách tổng quát hóa các ý tưởng sau khi nghiên cứu những trường hợp cụ thể điển hình.

Trong phương pháp học Kinh Thánh theo lối qui nạp, bạn chỉ đưa kết luận (hay chủ đề) của phân đoạn Kinh Thánh, sau khi nghiên cứu ý nghĩa của những sự kiện riêng rẽ, “cá biệt” trong phân đoạn đó. Cũng vậy, khi các bạn soạn một bài giải kinh, bạn đặt chủ đề cho phân đoạn Kinh Thánh sau khi đã “làm rõ nghĩa”. Việc chọn chủ đề cho Thần Học Cựu Ước cũng giống như chọn đề tài cho một bài giảng giải kinh. Cùng một phân đoạn Kinh Thánh, mỗi người có thể khám phá những chủ đề (ý tưởng chính) khác nhau sau khi phân tích phân đoạn Kinh Thánh đó. Một người, theo cách hiểu, cách nhìn của mình, có thể cho rằng ý tưởng này nổi bật hay quan trọng hơn ý tưởng kia, và theo đó chọn một chủ đề. Dĩ nhiên, không một chủ đề nào là tuyệt đối được gọi là tâm điểm, trừ khi chính nó là điểm kết hợp toàn bộ.

Khác với Tân Ước, Cựu Ước là lịch sử của tuyển dân Y-sơ-ra-ên, qua lịch sử đó Chúa mặc khải về Ngài cho con người cách tiệm tiến theo thời gian. Mỗi thời kỳ Chúa mặc khải cho Y-sơ-ra-ên (và cho chúng ta) những chân lý về Ngài cách rõ ràng hơn. Tất cả các chủ đề đều nói lên mối tương quan của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên cũng như với nhân loại, chẳng hạn Lời Hứa (là lời hứa với con người), Hiệp Thông (là hiệp thông với con người), Giao Ước (là giao ước với con người), v.v…

Thật ra các chủ đề mà các nhà Thần Học Thánh Kinh chọn đều liên quan với nhau cách rất chặt chẽ. Chúng ta không thể nói đến Hiệp Thông mà không nói đến Lời Hứa, không thể nói đến Lời Hứa mà không nói đến Giao Ước, v.v… cho dầu mỗi người có thể chọn một chủ đề mà mình cho rằng (và chứng minh rằng) nổi bật nhất. Có chủ đề hay không là vấn đề thuộc phương pháp luận (methodology) hơn là thuộc nội dung của Thần Học Cựu Ước. Khi nghiên cứu Cựu Ước, mỗi người có một phương cách tiếp cận (approach) Cựu Ước khác nhau và khám phá nội dung theo cái nhìn của mình (perspective). Dựa trên phương pháp tiếp cận (approach) và cái nhìn (perspective) của mình, khi nghiên cứu thần học Cựu Ước mỗi người sẽ chọn một chủ đề hoặc không chọn chủ đề nào cả. Dầu người nghiên cứu chọn chủ đề hay không hoặc dầu chọn một chủ đề hay nhiều chủ đề, nội dung Cựu Ước – sự mặc khải của Đức Chúa Trời không hề thay đổi.

Người không chọn chủ đề muốn thấy Thần Học Cựu Ước sinh động, nói cách khác muốn thấy phương cách hành động của Đức Chúa Trời biến thiên theo dòng sống của con người qua từng thời đại, từng hoàn cảnh, từng nơi, từng lúc trong thời đại Kinh Thánh. Như thế Thần Học Cựu Ước trở thành hội nhập (contextualized) và có ý nghĩa (relevant) đối với chúng ta ngày nay. Dù cá nhân hay cộng đồng đức tin, khi đối diện với Cựu Ước thì Lời Chúa vẫn là chân lý bất biến nhưng bản chất của thần học là sinh động (dynamic). Tại điểm này, bạn cần phân biệt thần học (theology) với giáo lý hay niềm tin (doctrines, beliefs). Người chọn chủ đề muốn hệ thống hóa tư tưởng Cựu Ước trong một chủ đề chung nhất. Đây là chủ đề trọng tâm mà các chủ đề khác vừa kết nối vừa xoay quanh. Điều này giúp chúng ta thấy được mối liên hệ rất “hữu cơ” của các chủ đề khác với nhau; thấy được mặc khải của Đức Chúa Trời được phát triển một cách nhất quán và tiệm tiến.

Qua các tác phẩm của các nhà Thần Học Cựu Ước, chủ đề chung cho Cựu Ước xem ra rất đa dạng, mang ít nhiều tính chủ quan dựa trên nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, dầu một chủ đề có tính chủ quan, nhưng khi vấn đề càng được phân tích, giải thích cách có nền tảng và có sức thuyết phục, thì chủ đề đó càng trở nên khách quan và càng được nhiều người chấp nhận.
(Còn tiếp)
________________
* Trích trong môn Chủ Đề Thần Học Cựu Ước đang giảng dạy on line tại Thánh Kinh Thần Học Việt Nam (VBI). Mời các bạn ghi danh học miễn phí.


Comments

CHỦ ĐỀ TRONG THẦN HỌC CỰU ƯỚC — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *