HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Bổn Phận Phải Kỷ Luật” -1Côr. 5:1-13
BH – “Bổn phận phải kỷ luật”
(Loạt Bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)
I Côrinhtô 5.1-13
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Khi tôi còn học lớp 8, giáo sư dạy Anh ngữ của tôi là Bà Fryman đã cho chúng tôi làm bài tập mỗi thứ Sáu. Chỉ có hai loại điểm mà thôi: A hay F. Một là bạn đậu, hoặc là bạn rớt. Bà cho chúng tôi viết hai câu sau đây: Kết quả sau cùng của việc học hành là phải biết tự kỷ luật mình. Bạn tự kỷ luật khi bạn làm những gì bạn biết mình phải làm, dù có muốn làm hay không, với hết khả năng mà chẳng ai bảo mình phải làm điều đó. Khi dạy chúng tôi về văn phạm, Mục tiêu của Bà Fryman là truyền đạt một lẽ thật quan trọng hơn, nó giúp cho chúng tôi đi suốt phần còn lại của đời sống mình. Bà muốn chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của sự kỷ luật, đặc biệt là tự kỷ luật.
Kỷ luật rất quan trọng trong từng lãnh vực của cuộc sống. Cần phải có kỷ luật trong lớp học hoặc học trò sẽ không chịu học. Cần phải có kỷ luật trong toà án hay chiến trường hoặc sẽ chẳng có một chiến thắng nào cả. Cần phải có kỷ luật trong huấn luyện quân sự hay nhiều sinh mạng phải bị chết mất. Chúng ta phải sống kỷ luật với tiền bạc của chúng ta hay chúng ta sẽ không có đủ tiền để trả những hoá đơn. Chúng ta phải biết kỷ luật với việc ăn uống hay chúng ta sẽ quá tải. Bạn đã tiếp thu được bức tranh rồi đấy. Mỗi lãnh vực trong cuộc sống đều đòi hỏi phần kỷ luật, làm theo những gì bạn biết mình phải làm dù bạn cảm thấy thích làm hay không!?!
Đời sống thuộc linh của chúng ta cũng cần kỷ luật nữa. Như Chúa Jêsus đã phán: “Tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Mathiơ 26.41). Chúng ta phải kỷ luật bản thân mình về mặt thuộc linh. Chúng ta phải nói “vâng” với việc đọc Kinh Thánh hàng ngày và thì giờ dành cho sự cầu nguyện và suy gẫm. Chúng ta phải nói “không” với sự cám dỗ và tội lỗi. Chúng ta thường xuyên vất vả với việc xây khỏi điều chi là sai lầm và làm theo điều chi là phải lẽ. Phaolô vốn biết rõ nỗi vất vả nầy. Ông sánh nó với các vận động viên trong I Côrinhtô 9.24-27: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”.
Vì lẽ đó, không có gì phải ngạc nhiên đối với chúng ta khi thấy Hội Thánh cũng cần kỷ luật nữa. Tuần vừa qua chúng ta đã xem xét địa vị làm cha của sứ đồ Phaolô đối với Hội Thánh Côrinhtô. Ông đã gọi họ là con cái yêu dấu của ông (4.14). Ông nói: “tôi đã dùng Tin Lành mà sanh anh em ra” (4.15).
Có người trong Hội Thánh Côrinhtô đã lên mình (4.18) hay kiêu ngạo, để cho tội lỗi và sự dạy giả dối bước vào Hội Thánh. Phaolô đã hứa đến với họ và đem theo phần kỷ luật. Ông hỏi ở câu 21: “Anh em muốn điều gì hơn: muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì?” Tôi ví điều nầy với chuyến đi bằng đường bộ với gia đình tôi, ở đó tôi cảnh cáo mấy đứa con của tôi bằng cách nói: Các con có muốn bố dừng xe và quay lại chỗ đó chứ? Kỷ luật trong Hội Thánh là một phần việc rất khó. Ngày nay kỷ luật được thực thi rất ít ỏi. Có rất ít Cơ đốc nhân biết nhiều về phần kỷ luật đó. Tuy nhiên, chúng ta cần toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta là một Hội Thánh theo ý nghĩa của Kinh Thánh, khi ấy chúng ta phải hiểu rõ và thực hành kỷ luật cho Hội Thánh. Chúng ta hãy chia phân đoạn Kinh Thánh gốc làm bốn phần: NHU CẦN, PHƯƠNG PHÁP, ĐỘNG LỰCPHẠM VI kỷ luật của Hội Thánh.
I. Nhu cần phải kỷ luật (các câu 1-2a).
A. TIN ĐỒN VỀ TÌNH TRẠNG PHI ĐẠO ĐỨC (câu 1a).
Côrinhtô là “thành phố tội lỗi” của Đế quốc La mã. Thành nầy cũng được biết là rất trác táng và đủ thứ dâm dật mà từ ngữ “Côrinhtô hoá” kết hiệp với lối sống băng hoại nhất. Tình trạng buông thả về tình dục đã không sao kềm chế được giữa vòng xã hội ngoại giáo. Chính tội lỗi về tình dục đã làm bật ra vấn đề phải kỷ luật Hội Thánh trong thư tín của Phaolô.
Ở câu 1 Phaolô nói: “Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình!” Hãy đặc biệt chú ý đến cụm từ Có tin đồn ra khắp nơi là điều đã làm cho chính mình Phaolô bị sốc. Dường như mối quan hệ về tình dục nầy đã làm cho ai nấy đều biết rõ hết. Có lẽ Phaolô đã hay được từ “người nhà Cơ-lô-ê” (đối chiếu 1.11). Phaolô không đưa ra tên tuổi vì mọi người đều biết rõ ông đang nói tới ai rồi. Một trong những biểu thị đầu tiên về phần kỷ luật Hội Thánh là khi AI CŨNG BIẾT HẾT về tội lỗi đó. Làm sao Hội Thánh làm chứng có hiệu quả cho xã hội được? Nếu những người chưa tin Chúa đang đồn đãi về tội phạm tình dục trong Hội Thánh, khi ấy sự làm chứng của họ sẽ bị mai một đi. Tội lỗi như thế đem lại sự quở trách trên Hội Thánh và trên Đấng Christ!
B. CẤP ĐỘ PHI ĐẠO ĐỨC (câu 1c).
Phaolô không che giấu điều gì với chúng ta. Ông kể ra tội lỗi theo cách đặc biệt là:dâm loạncó kẻ lấy vợ của cha mình. Dâm loạn dịch chữ porneia và đề cập tới đủ loại sinh hoạt tình dục bất hợp pháp. Từ đó chúng ta mới có từ ngữ “pornography” [khiêu dâm].
Việc lấy vợ của cha mình dường như chỉ ra người đàn bà là mẹ kế chớ không phải mẹ ruột. Bà ta là người đàn bà mà cha người ấy đã cưới sau khi mẹ ruột người qua đời hoặc ly dị. Có thể bà ta hãy còn trẻ, sấp sỉ với tuổi tác của người con hơn là với người cha. Các chi tiết không được đưa ra, họ cũng không cần phải biết.
Mặc dù bà ta không phải là cật ruột máu mủ, và sấp sỉ tuổi của người con hơn là với người cha, Luật pháp Môise xét đoán loại loạn luân nầy theo cùng cấp độ giống như thể phạm với mẹ ruột của mình vậy. Lê vi ký 18.7-8 chép: “Chớ cấu hiệp cùng mẹ mình; bằng cấu hiệp, tất làm nhục cho cha mẹ. Chớ cấu hiệp cùng kế mẫu, bằng cấu hiệp, ấy làm nhục cho cha mình”. Câu 29 thêm: “vì phàm ai làm một trong những điều quái gớm ấy sẽ bị truất khỏi dân sự mình”. Truất khỏi có ý nói tới hình phạt chính.
Một lần nữa hãy nhìn vào câu 1 và chú ý về mối quan hệ. Thứ nhứt, đây là mối quan hệ đang tiếp diễn. Hãy chú ý thì hiện tại của động từ “lấy”. Ở đây không nói người ĐÃ LẤY vợ của cha mình, mà người đang “LẤY”. Điều nầy hiển nhiên đã diễn ra trong một thời gian và vẫn còn đang diễn ra. Người nầy không chịu ăn năn song đã sống rất loạn nghịch.
Thứ hai, có lẽ sự việc không phải là tiệc mới cưới đây. Chúng ta đoán ra điều nầy vì sự kết án không phải là tà dâm mà là dâm loạn (“gian dâm” – theo bản Kinh Thánh KJV). Có lẽ mối quan hệ đã khiến cho người đàn bà kia bị cha của người nầy ly dị. Thứ ba, người đàn bà có lẽ là người chưa tin Chúa. Phaolô không kêu gọi đưa ra phần kỷ luật để nghịch với bà ta.
C. SỰ GHÊ TỞM CỦA TÌNH TRẠNG PHI ĐẠO ĐỨC (câu 1b).
Phaolô lưu ý rằng tội nầy “dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy”. Từ sử gia Cicero, chúng ta biết loại loạn luân nầy đã bị cấm đoán trong đạo đức lỏng lẻo của luật pháp La mã. Xã hội ở thành Côrinhtô rất là xấu xa, thậm chí họ không làm giảm thiểu đi tình trạng nầy. Khi tội lỗi của người tin Chúa ghê tởm đến nỗi nó gây sốc cho người ngoại đạo, Hội Thánh phải hành động để bảo hộ và bảo tồn tình trạng thanh sạch của Hội Thánh.
D. SỰ DUNG CHỊU TÌNH TRẠNG PHI ĐẠO ĐỨC (câu 2a).
Tội lỗi của người nầy xấu xa đủ, nhưng tội lỗi của Hội Thánh còn tệ hại hơn. Thay vì xử lý với người anh em nầy trên cơ sở Kinh Thánh, họ đã quét toàn bộ sự việc dưới tấm thảm rồi giả vờ như chẳng có gì xảy ra. Hội Thánh đã được dạy dỗ đầy đủ. Họ vốn biết rõ họ cần phải làm gì rồi! Hãy xem câu 9: “Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm”. Trong thư tín không phải là kinh điển trước đó, Phaolô đã giải thích các vấn đề nầy rồi.
Bây giờ hãy xem câu 2: “Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu…”. Mặc dù tội lỗi ai nấy đều đã nhìn biết, mặc dù vụ bê bối nầy cả trong và ngoài Hội Thánh, họ đã từ chối không xử lý đến. Như Phaolô đã nói với họ ở 4.18, họ đã lên mình kiêu ngạo, họ tự mãn. Họ cũng kiêu ngạo không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình. Họ cũng kiêu ngạo không buồn rầu về người anh em nầy. Trong sự kiêu căng, họ bất chấp tất cả tình huống.
Đúng ra, họ đang hợp lý hoá tội lỗi. Chúng ta thường làm theo như thế. Có lẽ họ tưởng rằng chẳng ai trong họ đã kết hôn thì ngoại tình không thường xuyên thì chẳng có gì là tồi tệ cả. Có thể người phụ nữ kia chẳng phải là thuộc viên Hội Thánh, họ tưởng rằng họ chẳng có trách nhiệm chi hết. Có thể họ đã hợp lý hoá cái điều tình huống cần là tình cảm và sự thông cảm, và có thể người phụ nữ nầy không cứ cách nào đó sẽ được đưa về với Đấng Christ bằng cách ngủ với con ghẻ của mình, vì cớ người là Cơ đốc nhân !
Thật là lố bịch, có phải không? Tuy nhiên, sự việc nầy vẫn còn đang xảy ra bất cứ lúc nào. Mùa hè vừa qua, chúng tôi có một đường cống bị rỉ dưới nền nhà. Chúng tôi cứ phải ngửi cái mùi nầy luôn song không biết đấy là gì. Chúng tôi đặc biệt ngửi thấy nó khi máy lạnh được mở ra. Chúng tôi mở đèn sáng lên rồi xịt chất làm thơm phòng, làm vậy cũng giúp ích được một chút, nhưng nó chẳng loại bỏ được cái mùa khó chịu ấy. Sự hợp lý hoá cũng giống như chất làm thơm phòng kia. Bạn có thể tự nhũ thầm tội lỗi không khó chịu nhưng nó không đẩy cái mùi khó chịu đi. Khi Hội Thánh không chịu kỷ luật các thuộc viên của mình, Đức Chúa Trời sẽ kỷ luật Hội Thánh. Hãy nhìn vào Khải huyền 2.18- 23. Ở đây chúng ta thấy bức thư của Chúa Jêsus viết gửi cho Hội Thánh Thi-a-ti-rơ. Đây là một Hội Thánh đã được khen ngợi về công việc, lòng thương yêu, sự hầu việc, đức tin … và lòng nhịn nhục. Thế mà Hội Thánh lại để cho mộtGiê-sa-bên bước vào và làm đồi bại hội chúng với sự tà dâm. Chúa Jêsus phán Ngài đã cung ứng cho Hội Thánh nầy thì giờ để ăn năn, song Hội Thánh không ăn năn thì sự phán xét sẽ xảy đến. Hãy chú ý câu 23: “Ta sẽ đánh chết con cái nó; và mọi Hội thánh sẽ rõ ta là Đấng dò biết lòng dạ loài người; và ta sẽ tùy công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo lại”.
Sự phán xét đã xảy đến với Hội Thánh hầu cho các Hội Thánh khác sẽ tôn trọng sự phán xét của Chúa. Chúng ta cần phải yêu thương nhưng phải khẳng định theo các tiêu chuẩn công bình của Kinh Thánh. Chúng ta không nên hợp lý hoá tội lỗi ở giữa chúng ta. Êphêsô 5.3 chép: “Phàm những sự gian dâm, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ”. Thay vì bỏ qua tội lỗi, chúng ta nên khóc lóc về tội lỗi ấy. Khi một người trong chúng ta nổi loạn nghịch cùng Chúa, phần còn lại lẽ ra phải than khóc. Hãy chú ý II Côrinhtô 12.21: “Có lẽ nào khi tôi đến nơi anh em, Đức Chúa Trời lại làm cho tôi phải hạ mình xuống về việc anh em một lần nữa, và tôi sẽ phải khóc lóc về nhiều kẻ trước đã phạm tội mà không ăn năn về những sự ô uế, gian dâm, luông tuồng họ đã phạm, hay sao?”
II. Phương pháp kỷ luật (các câu 2b-5).
Chúng ta biết chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự kỷ luật trong Hội Thánh, vì vậy chúng ta sẽ phải xử sự như thế nào đây. Hãy xem lại câu 2 một lần nữa: “Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!” Phương pháp kỷ luật là trừ bỏ đi thuộc viên loạn nghịch kia. Cách hành động ngay tức khắc, ấy là người nầy cần phải bị trừ bỏ hay cắt bỏ ra khỏi mối giao thông của Hội Thánh.
A. NHỮNG BƯỚC CỦA SỰ KỶ LUẬT (câu 2b).
Phaolô không đặt ra giải pháp nầy. Giải pháp nầy đến từ chính mình Chúa Jêsus. Ở Mathiơ 18.15-17 chúng ta đọc: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”. Hãy chú ý cẩn thận cách tiến hành.
Thứ nhứt, khi tội lỗi đã được biết rõ rồi thì phải xử lý theo cách riêng. Nếu ai đó phạm tội nghịch lại bạn hay bạn biết rõ một tội lỗi như thế, Kinh Thánh truyền cho bạn phải đi gặp người ấy rồi khuyên họ phải ăn năn. Đây là phần kỷ luật ở cấp một. Phần lớn nan đề có thể được đưa ra ở cấp độ nầy. Thứ hai, nếu người ấy từ chối không chịu ăn năn, bạn phải đem theo hai ba người làm chứng. Đúng vậy, đây là các lãnh đạo trong Hội Thánh nào có thể xác minh sự việc. Thứ ba, nếu anh chị em kia không chịu nghe theo các chứng nhân nầy, thì chẳng làm chi khác hơn là phải cáo cùng Hội Thánh. Tên tuổi và tội phạm của người cần phải báo cho cả Hội Thánh biết và cả Hội Thánh cần phải kêu gọi người ăn năn. Thứ tư, “nếu người không chịu nghe Hội thánh” thì người ấy cần phải được đối xử giống như “kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”.
Có người sẽ nghĩ rằng hành động như thế là quá thô bạo và trái với tình yêu thương. Tuy nhiên, đây là tình yêu thương đang tác động một hành động như thế. Chúng ta yêu người anh em lạc lối nầy và không cảnh cáo người thì sẽ bị Đức Chúa Trời xét đoán. Chúng ta làm mọi sự khả thi để trợ giúp cho người ấy. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua các hành vi của người ấy vì chính những việc đó sẽ hủy diệt cả người ấy và chúng ta. Hêbơrơ 12.6 chép: “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt”.
B. SỰ PHÁN XÉT CỦA KỶ LUẬT (câu 4) [Theo bản Kinh Thánh Anh ngữ thì câu nầy đi trước câu 3].
Câu 3 chép: “nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhân danh Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó”. Dù Phaolô không có mặt ở thành Côrinhtô, ông đang nắm lấy quyền lãnh đạo chăn bầy. Các lãnh đạo địa phương không chịu giáo huấn Hội Thánh nên Phaolô phải làm việc ấy. Trong hoàn cảnh của chúng ta, Mục sư và các trưởng lão phải phân biệt cẩn thận, với sự cầu nguyện khi phần kỷ luật bắt đầu.
C. HỘI CHÚNG VÀ PHẦN KỶ LUẬT (câu 3).
Câu 3 chép: “Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta)”. Giống như Chúa Jêsus đã phán: hãy cáo cùng Hội Thánh”, Phaolô nói Hội Thánh phải hội hiệp lại hay nhóm lại. Hãy chú ý, họ cần phải nhóm lại theo hai cách:
Thứ nhứt, họ cần phải hành động khi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta. Khi bạn hành động nhân danh của ai đó, bạn đang hành động theo địa vị của người ấy. Khi Hội Thánh hành động trong danh của Chúa Jêsus, Hội Thánh đang hành xử theo Lời của Ngài, làm theo những điều Ngài sẽ làm nếu Ngài hiện diện theo phần xác. Hãy nhớ, Ngài là đầu và chúng ta là thân thể.
Thứ hai, họ cần phải hành động với quyền phép của Đức Chúa Jêsus. Khi chúng ta nhân danh Ngài mà hành động, theo Lời của Ngài, chúng ta có thể được bảo đảm chắc chắn về quyền phép của Ngài. Hãy xem lại Mathiơ 18. Trong nội dung của phần kỷ luật, các câu 18-20 chép: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời. Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ”. Cũng vậy, khi chúng ta đối mặt với bổn phận khó khăn khi thực hành kỷ luật và chúng ta thi hành trong danh của Chúa căn cứ theo Lời của Ngài, chính mình Chúa có mặt ở đây, ở giữa chúng ta.
D. MỤC ĐÍCH CỦA KỶ LUẬT (câu 5).
Hãy chú ý câu 5: “rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus”. Trước tiên câu nầy nói cho chúng ta biết kỷ luật của Hội Thánh để phó một người như thế cho quỉ Satan, để hủy hoại phần xác thịt. Phó là một từ rất mạnh mẽ chỉ ra sự kết án hay giao cho sự hình phạt. Trong I Timôthê 1.20, Phaolô nói tới “Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ, ta đã phó cho quỉ Sa-tan rồi, hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa”. John MacArthur viết: Satan là kẻ cai trị thế gian nầy, và phó một người tin Chúa cho Satan là ném một người tin Chúa trở lại với thế gian, lìa khỏi phần quan tâm và chăm sóc trong mối giao thông Cơ đốc. Người ấy bị mất mọi quyền dự phần vào Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ, là nơi Ngài dự trù giữ cho thanh sạch với mọi giá”.
Thứ hai, câu 5 cho chúng ta biết lý do chúng ta phó một Cơ đốc nhân loạn nghịch cho Satan là để hủy hoại phần xác thịt. Điều nầy đề cập tới tình trạng bịnh tật hay thậm chí là sự chết. Một số Cơ đốc nhân đã ngã chết vì họ xúc phạm đến Tiệc Thánh. Satan có thể tấn công chúng ta và ngay cả làm cho chúng ta phải sức khoẻ xấu, nhưng hắn không thể giết chết chúng ta. Đức Chúa Trời đã cho phép Satan giáng cho Gióp thứ bịnh tật ghê gớm hầu cho ông muốn được chết, nhưng Satan không thể giết chết ông. Đấy là lý do tại sao Phaolô nói: “hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus”.
Việc luyện lọc Hội Thánh có mục đích sau cùng trong sự kỷ luật là để phục hồi lại người tín hữu ấy với mối tương giao. Bức thư thứ hai gửi cho người thành Côrinhtô cho thấy có lẽ người ấy đã chịu ăn năn (đối chiếu 2.5-11). Tuy nhiên, một anh em phạm lỗi vẫn còn là anh em. Giống như người con trai hoang đàng, chúng ta phải ao ước mong người trở lại. Galati 6.1-2 chép: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng. Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”.
III. Động lực cho phần kỷ luật (các câu 6-8).
A. PHẦN GIẢI THÍCH: TỘI LỖI LAN RỘNG GIỐNG NHƯ BỊNH TẬT (câu 6).
Mặc dù phần kỷ luật của Hội Thánh dường như khắc nghiệt lắm, những hậu quả của việc không kỷ luật lại còn nghiêm trọng hơn. Một trong những cuốn phim của miền tây mà tôi ưa thích là phim Lonesome Dove (Con chim câu cô đơn). Nếu bạn có xem phim ấy, bạn sẽ nhớ bối cảnh cụ Texas Ranger đã bị nhiễm trùng nơi chân, nhưng đe doạ bắn vị bác sĩ nếu bác sĩ cắt bỏ cái chân đó. Ông cụ chọn chết hơn là mất chân của mình. Có lẽ một minh hoạ hiển nhiên hơn là một khối u ung thư. Có ai đó trong các bạn đã đối diện với một việc giống như thế rồi. Phẩu thuật là cần thiết để cắt bỏ khối ung hầu chứng bịnh không phát triễn nữa và lan rộng khắp thân thể rồi đem lại sự chết. Tội lỗi giống như một chứng ung thư trên Hội Thánh. Khi nó chưa được cắt bỏ, nó sẽ đem bịnh tật đến cho thân thể. Tình trạng phi đạo đức được dung chịu trong Hội Thánh sẽ dẫn tới chỗ phá vỡ các tiêu chuẩn đạo đức rồi lan rộng tình trạng ấy càng thêm.
Phaolô nói trong câu 6: “Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu!…”. Nói cách khác: Hãy xem sự kiêu ngạo và lòng yêu mến thế gian của anh em đã đưa anh em tới đâu!?! Giờ đây anh em đang dung chịu tội lỗi trong Hội Thánh thậm chí kẻ ngoại đạo ngoài Hội Thánh cũng thấy gớm ghiếc nữa là. Ông cũng hỏi: “Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?” Chúng ta phải nói theo cách nầy: Một trái táo xấu có thể làm hư cả chùm.
B. MINH HOẠ: PHẢI NHƯ BÁNH KHÔNG MEN (câu 7).
Câu 7 chép: “Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi”. Trong thời xa xưa, trước khi bánh được đem nướng một ít men hay một ít bột được để riêng ra làm “bột khởi động” cho mẻ bánh kế tiếp. Một ít bột nầy chứa “men” sẽ làm cho bánh dậy lên ở ngày hôm sau.
Khắp cả Kinh Thánh, men luôn luôn được tiêu biểu cho tội lỗi. Ở đây, bột nhồi tiêu biểu cho Hội Thánh. Men sẽ tác động vào cả Hội Thánh. Nếu chúng ta không nắm lấy các bước cất bỏ tội lỗi ra khỏi giữa vòng chúng ta, nó sẽ làm cho cả thảy ra đồi bại.
Khi Đức Chúa Trời thiết lập Lễ Vượt Qua, Ngài đã truyền cho người Do thái phải làm bánh không men vì hai lý do: Thứ nhứt, họ không có thì giờ để chờ cho bột dậy lên. Họ cần phải ăn trong sự vội vàng (Xuất Êdíptô ký 12.39). Thứ hai, men tiêu biểu cho tội lỗi trong đời sống cũ của họ khi còn là nô lệ và nó không nên được đưa vào đời mới của họ trong sự tự do (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 13.7).
Chúng ta không kỷ niệm Lễ Vượt Qua cũ vì Chúa Jêsus là Lễ Vượt Qua của chúng ta và Ngài đã bị giết vì chúng ta. Người Do thái đã giết chiên con Lễ Vượt Qua ngay giữa ban trưa và lúc mặt trời lặn vào ngày 14 tháng Nisan. Đây đúng là thời điểm mà Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Ngài đã buông tha cho chúng ta đối với tội lỗi; vì lẽ đó chúng ta không nên phạm tội hay dung chịu tội lỗi. Chúng ta cần phải “luyện lọc” hay tự làm sạch mình đối với nó, hãy gạt bỏ tội lỗi đi.
C. PHẦN ỨNG DỤNG: GIỮ LỄ (câu 8).
Câu 8 chép: “Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật”.
Một lần nữa, chúng ta không phải là người Do thái. Chúng ta không kỷ niệm Lễ Vượt Qua. Vậy thì, đâu là lễ mà Phaolô mô tả ở đây? Chúng ta phải giữ lễ nào? Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu câu nầy theo hai cấp độ. Thứ nhứt, lễ tiêu biểu cho đời sống của chúng ta. Đấng Christ là Lễ Vượt Qua của chúng ta và chúng ta sống cho Ngài. Đời sống của chúng ta không nên được đánh dấu bằngmen gian ác độc dữ”, mà thay vì thế, bằng “bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật”.
Thứ hai, “lễ” tiêu biểu cho Tiệc Thánh của Chúa. Lễ Vượt Qua có từ Cựu Ước. Sự ứng nghiệm Giáo Ước Mới là mối thông công, là Tiệc Thánh. Người nào dính dáng với loại tội lỗi nầy sẽ bị gạt ra khỏi Hội Thánh và không được tiếp đón trong mối thông công của Tiệc Thánh.
IV. Phạm vi của sự kỷ luật (các câu 9-13).
A. HỘI THÁNH CÓ KỶ LUẬT DÀNH CHO NGƯỜI NÀO Ở BÊN TRONG (các câu 9,11).
Câu 9 chép: “Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm”. Phaolô đã viết một thư tín khác gửi cho người thành Côrinhtô không phải là một phần kinh điển của Hội Thánh. Trong bức thư nầy Phaolô đã cảnh báo họ “đừng làm bạn với kẻ gian dâm”. Làm bạn có ý nói “pha trộn với” hay “thân cận với”. Hãy nhớ Côrinhtô đã đầy dẫy với hạng người “gian dâm”.
Một Hội Thánh địa phương là một mối giao thông mật thiết. Vì lẽ đó, sự dạy kẻ gian dâm không có một chỗ nào trong Hội Thánh. Hãy xem trước ở 6.9-10: “Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu”. II Têsalônica 3.6 chép: “Hỡi anh em, nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, chúng tôi khuyên anh em phải lánh người anh em nào không biết tu đức hạnh mình, và không bước theo các điều dạy dỗ mà anh em đã nhận lãnh nơi chúng tôi”.
Hãy lưu ý ở câu 10 và câu 11: “đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian. Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy”. Những tín hữu nào không chịu ăn năn sẽ không có chỗ trong mối giao thông hay với Hội Thánh. Những tín đồ Thanh Giáo đã gọi điều nầy là: “xa lánh”. MacArthur nói:Chẳng có một sự miễn trừ nào hết. Ngay cả hạng người không bíêt ăn năn là một người bạn thân hoặc là một thành viên trong gia đình, người ấy cần phải bị trừ bỏ. Nếu người là một tín đồ thực, người sẽ không bị mất ơn cứu rỗi vì cớ tội lỗi của người, mà người phải bị mất đi sự tiếp giao với các tín hữu đồng đạo, để không làm hư hoại họ với sự gian ác của mình và không gánh chịu những hậu quả của tội lỗi người. Nỗi đau khổ của sự trống vắng như thế sẽ đưa người đến với sự ăn năn”.
Hãy chú ý hành động nầy không những được thực thi nghịch lại tình trạng gian dâm mà còn nghịch lại những kẻ nào “tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp”. Những phần mô tả nầy có ý nói tới những khuôn mẫu xử sự, lối sống hay có luôn. Vua Solomon là một minh hoạ rất thích ứng. Mặc dù Solomon đã nhận lãnh sự khôn ngoan từ nơi Đức Giêhôva, ông đã thải hồi sự khôn ngoan nầy trong các mối quan hệ của ông với nữ giới. Ông đã hạ thấp những tiêu chuẩn của mình qua việc cưới con gái của Pharaôn. Không lâu sau đó, ông bắt đầu liên kết với nhiều nước qua việc cưới nhiều con gái của nhiều vị vua. Sau một thời gian, ông đã sống trong một cung điện chứa đầy nhiều người nữ ngoại đạo. Ông không giúp họ trở lại đạo, mà họ đã làm cho ông ra hủ bại. Cũng vậy, tội lỗi ấy, giống như men sẽ làm cho Hội Thánh ra đồi bại.
B. HỘI THÁNH KHÔNG CÓ KỶ LUẬT GÌ DÀNH CHO NHỮNG KẺ Ở NGOÀI (các câu 10,12-13).
Rõ ràng, một số người thành Côrinhtô đã hiểu sai bức thư thứ nhứt của Phaolô. Hãy chú ý câu 10: “đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian”. Nếu chúng ta cần phải tự mình không còn tiếp xúc với hạng người phi đạo đức, chúng ta cần phải lìa khỏi thế gian.
Tội lỗi ở ngoài Hội Thánh không phải là sự nguy hiểm đâu. Tội lỗi ở trong Hội Thánh là điều mà chúng ta phải kỷ luật. Nếu chúng ta không gắn bó với thế gian, làm sao chúng ta làm chứng cho Đấng Christ được? Ngài là gì?… Thiết Hữu của tội nhân. Ngài đã đến đặng tìm và cứu kẻ bị hư mất. Ngài đã cầu nguyện trong Giăng 17.15: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác”. Ngài cũng đã cầu nguyện ở câu 18: “Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian”.
Chúng ta cần phải nhập thế, nhưng đừng làm theo đời nầy (Rôma 12.2). Đấy là nan đề cho cả Hội Thánh Côrinhtô và nhiều tín hữu ngày hôm nay. Phaolô hoàn tất chương nầy ở các câu 12-13: “Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em”. Chúng ta chẳng có gì phải làm với việc xét đoán kẻ ở ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có mạng lịnh phải trừ bỏ … kẻ gian ác. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta phải nên trọn vẹn, mà có nghĩa là chúng ta phải phục theo ý của Đức Chúa Trời và không nên bước theo lối tà ác. G. Campbell Morgan đã viết:Lịch sử của Hội Thánh cho thấy rằng Hội Thánh thanh sạch là Hội Thánh có quyền năng; còn Hội Thánh có tính kẻ cả và dung chịu đối với điều ác là Hội Thánh non nớt và bị tê liệt. Điều nầy dẫn tới sự cần thiết cần phải thực thi kỷ luật 1 John MacArthur, First Cirinthians (Chicago. Moody Bible Institute, 1984), p.126. 2 Ibid., p.130. 3 G. Campbell Morgan, The Corinthians Letters of Phaolô (Old Tappan. Fleming Revel Co., 1956), p.84

Comments

BH-“Bổn Phận Phải Kỷ Luật” -1Côr. 5:1-13 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *