HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Cho Những Ngày LễBG-“Ba Lý Do Tại Sao Cần Được Báp Têm”

baptism-jesus  

BG-“Ba Lý Do Tại Sao Cần Được Báp-tem”

Mục sư Nguyễn Duy Tân

 “Hãy đi dạy dỗ muôn dân. Hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19).

Báp têm không có nghĩa là…

[ ] “Nhúng nước” để được nhận vào nước Mỹ hay để được vào Thiên Đàng

[ ] “Phép rửa tội” để được sạch tội

[ ] “Phép mầu” nhờ đó chúng ta được cứu rỗi

[ ] “Nghi thức” để được gia nhập vào một giáo hội hay được phép bầu cử

Từ ngữ “báp-têm” là phiên âm từ chữ “baptême” trong tiếng Pháp mà chúng ta đã quen dùng từ thời Pháp thuộc. Chữ nầy có nguồn gốc từ chữ “baptisma” trong tiếng Hi-lạp (ngôn ngữ được dùng khi viết Kinh Thánh Tân Ước). Chữ baptisma phát xuất từ động từ baptizòbaptò có nghĩa là “trầm hay nhúng trong nước“, nhưng chính xác hơn có nghĩa là “nhúng toàn bộ một người hay vật nào đó vào trong nước sao cho nước phủ lấp hoàn toàn”.

Báp-têm là một thánh lễ dành cho những người đã bày tỏ lòng ăn năn hối cải và quyết định đặt lòng tin nơi Chúa để được tha tội, đã tin nhận Chúa cách thành thật để được cứu rỗi, tức là người đã được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, của sự chết và ma quỷ, và nhận được sự sống đời đời. Báp-têm không phải là lễ rửa tội nhưng là một nghi lễ hay thánh lễ mang 3 ý nghĩa sau đây:

  1. Để cho người tín hữu mới bày tỏ lòng vâng phục Chúa

 

Trước khi thăng thiên, lời cuối của Chúa Giê-xu cho các môn đệ là một mệnh lệnh có 2 phần: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân. Hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19).

Nếu chúng ta tin rằng khi đã tin nhận Chúa, chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa, thì chúng ta phải học hỏi Lời Chúa, làm chứng về Chúa và vâng theo mệnh lệnh thứ nhất là “dạy dỗ muôn dân”, còn có nghĩa là “môn đệ hóa muôn dân”, tức là mỗi chúng ta có trách nhiệm trở thành một môn đệ và giúp nhiều người khác trở thành môn đệ của Chúa. Nếu chúng ta vâng theo mệnh lệnh thứ nhất đó, thì cũng phải vâng theo mệnh lệnh thứ hai, đó là làm lễ Báp têm cho mọi người nào bằng lòng tin nhận Chúa.

Khi quý ông bà anh chị em nhận Lễ báp-têm, đó không không phải để được sạch tội, nhưng đó là cách mà quý ông bà anh chị em vâng theo mệnh lệnh thứ 2 của Chúa, để bày tỏ lòng vâng phục và kính mến Đấng đã dùng chính huyết của Ngài đổ ra nơi thập tự giá để rửa tội cho mình.

Chính Chúa Cứu Thế là Đấng hoàn toàn vô tội mà cũng đã làm gương cho chúng ta trong sự vâng phục khi Ngài chịu nhận thánh lễ Báp têm từ Giăng Báptít tại sông Giô-Đanh. Như vậy không có lý do nào chúng ta cứ chờ đợi, hẹn nay hẹn mai khi có cơ hội nhận thánh lễ này.

  1. Để cho người tín hữu mới có cơ hội công khai xưng nhận đức tin

 

Lời Chúa dạy: “Nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10).

Là Cơ đốc nhân chân chính, chúng ta đã xưng nhận đức tin qua sự công khai cầu nguyện tiếp nhận Chúa trước mặt hội thánh, qua việc thông báo với gia đình và bạn thân rằng mình đã tin nhận Chúa và đã trở thành Cơ đốc nhân, qua việc đi nhóm lại thờ phượng Chúa cách công khai không dấu diếm, v.v.  Như vậy, nhận thánh lễ Báp têm cũng là một cách mà người tín hữu công khai xưng nhận đức tin của mình. Đó cũng là lý do mà đôi khi nhiều hội thánh dành cho mỗi người nhận thánh lễ có cơ hội làm chứng ít phút về đức tin của mình, về cách nào mình được biết Chúa, và thế nào đời sống mình được biến đổi cách lạ lùng từ ngày tiếp nhận Chúa.

Thánh lễ báp-têm không phải là một nghi thức mới mẽ, nhưng ngay trong Hội thánh đầu tiên người ta đã thực hành điều đó cách công khai dù gặp nhiều bắt bớ khó khăn (Công vụ 2:41; 8:38; 9:17; 10:48; 16:33).

Đức tin là một việc riêng tư giữa mỗi một người với Chúa, nhưng chúng ta có trách nhiệm bày tỏ đức tin đó cho mọi người đều biết một cách không ngần ngại hay sợ hãi. Nhất là khi chúng ta nhận lễ báp têm, chúng ta nên làm chứng về những điều lạ lùng mà Chúa đã làm trong đời sống mình, vì việc đó có thể cảm động lòng những thân hữu hay bà con chưa tin Chúa, giúp cho họ sớm tin nhận Ngài.

Xưng nhận đức tin nơi Chúa cách công khai là một hành động vô cùng quan trọng, ví chính Chúa Chúa Giê-Su có phán dạy:

“Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ thì Ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha Ta ở trên trời; còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời” (Ma-thi-ơ 10:32-33).

 Vì vậy, là người thành thật tin nhận Chúa, chúng ta đừng cảm thấy xấu hổxưng mình là Cơ đốc nhân, không hổ thẹn cho mọi người biết mình là tín hữu Tin Lành, là người thờ kính ĐCT là tạo Hóa vĩ đại của vũ trụ, và Chúa Giê-su là Đấng chết thay cho mình. Chúng ta cũng không nên ngần ngại nhận thánh lễ Báp têm theo phương cách đặc biệt của Tin Lành thuần túy, là trầm mình dưới nước, không chỉ rưới nước trên đầu.

Chúa Giê-xu đã chịu chết tỏ tường cách nhục nhã trước mắt mọi người bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 19:20). Khi tin nhận Chúa, chúng ta đừng hổ thẹn bày tỏ đức tin của mình cho mọi người đều biết. Khi công khai xưng nhận đức tin trong thánh lễ báp-têm chúng ta chứng minh cách cụ thể mình là người có đức tin thật. Chúng ta khẳng định về sự chấp nhận Chúa vào đời sống, giao phó cuộc đời để Chúa làm Chủ, cam kết theo Chúa như một môn đệ của Ngài và thờ phượng Chúa qua cách sống của mình.

  1. Để cho người tín hữu mới làm chứng rằng mình đã được đồng chết và đồng sống lại với Chúa Cứu Thế.

 

Thánh Kinh dạy: “Anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Giê-xu là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:3-5).

Khi một giáo hội làm báp têm bằng cách đổ 1 ly nước hay chỉ rưới một chút nước lên đầu, thì đó là hình ảnh tượng trưng cho sự rửa tội mà thôi. Khi người ta làm thánh lễ cho một em bé chưa hiểu chi hết, thì dù có trầm mình bé xuống nước thì cũng không có ý nghĩa chi hết đối với em đó.

Tại sao theo truyền thống của Tin lành người ta thường trầm mình dưới nước? Khi một người được trầm mình dưới nước trong thánh lễ Báp-têm, điều đó tượng trưng cho việc đời sống cũ của người ấy đã chết và đã được chôn trong lòng đất. Rồi khi ra khỏi nước điều đó tượng trưng cho việc người tín hữu được đồng sống lại với Đấng Christ, để bước vào một đời sống mới. Nước của lễ Báp-têm không rửa tội hay chôn tội của chúng ta, nhưng chỉ có ý nghĩa tượng trưngnhắc người nhận lễ nhớ rằng mình đã được huyết Chúa rửa sạch tội lỗi, đã chết đối với con người cũ, là con người đầy xấu xa tội lỗi, và từ nay sống một đời sống mới, thánh khiết vì hằng ngày đuợc đổi mới bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Khi trầm mình dưới nước, đó là hình ảnh chúng ta được chôn dưới đất. Tại sao? Vì chúng ta đã chết. Chúng ta chết hồi nào, chết nơi đâu và chết với ai? Phao-lô nhắc chúng ta về điều đó trong Rôma 6:3-5 (đọc lại). Đó là một lẽ thật vô cùng nhiệm mầu, chúng ta khỏi bị hình phạt do tội lỗi của mình vì Đấng Christ đã chết thế cho chúng ta trên thập giá. Khi chúng ta chấp nhận Chúa là Đấng chết thay cho chúng ta, thì được ĐCT kể như chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá đồng một lúc với Đấng Christ. Khi Đấng Christ phục sinh, thi ĐCT cũng xem chúng ta như đã đồng được phục sinh với Ngài. Ít lắm chúng ta đã được sống lại trong tâm linh trong khi chờ đợi ngày thể xác mình cũng được phục sinh trong vinh hiển.

Kết luận: Như vậy, việc nhận thánh lễ Báp-têm chứng tỏ chúng ta:

(1) Vâng lời Chúa làm theo mạnh lệnh của Chúa.

(2) Công khai xác nhận cho mọi người biết về đức tin của chúng ta nơi Chúa.

(3) Quyết tâm chết hay khướt từ đời sống tội lỗi cũ, và bắt đầu sống một cuộc sống mới tốt đẹp trong Chúa, như Lời Chúa dạy: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Côrinhtô 5:17) và:Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi…” (Galati 2:20).

 Nguyền xin Chúa ban phước dư dật trên những ông bà anh chị em sắp được nhận thánh lễ Báp-têm hôm nay. Xin Chúa tiếp tục giúp đỡ quý vị để có thể sống một đời sống mới xứng đáng là một môn đồ thật của Chúa và luôn mang đến vinh hiển cho Danh Ngài. Amen.


Comments

BG-“Ba Lý Do Tại Sao Cần Được Báp Têm” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *