HomeSÁCH BỒI LINH-TÁC GIẢ MỸSách: "LINH LỰC DO CẦU"Sách: “LINH LỰC DO CẦU” – Chương 6 đến Chương 10

Sách: “LINH LỰC DO CẦU” – Chương 6 đến Chương 10

CHƯƠNG THỨ SÁU – “MỘT CHỨC VỤ CẦU NGUYỆN CÓ KẾT QUẢ”

Duyên cớ chính làm cho tôi ốm yếu và không kết quả là do tôi nhác nhớm không cầu nguyện, không sao giải nghĩa được. Tôi có thể viết, hoặc đọc, hoặc nói chuyện, hoặc nghe với một tấm lòng mau mắn; Nhưng, cầu nguyện là thiêng liêng và sâu nhiệm hơn mọi sự đó. Phận sự nào càng thiêng liêng, thì tấm lòng xác thịt của tôi càng hay tẻ tách khỏi nó. Sự cầu nguyện, kiên nhẫn và đức tin không bao giờ bị thất vọng. Từ lâu tôi đã học biết rằng nếu tôi muốn làm Mục Sư, thì phải có đức tin và chuyên cần cầu nguyện. Khi tôi có thể thấy lòng mình xứng hợp và tự do cầu nguyện thì mọi sự khác tương đối dễ dàng.  – RICHARD NEWTON

TA có thể đặt một định lý thiêng liêng rằng, trong mọi chức vụ thật  thành công, cầu nguyện là một năng lực rõ rệt và kiểm soát, – rõ rệt và kiểm soát trong đời sống ông Truyền Đạo, lại cũng rõ rệt và kiểm soát trong tâm tánh thiêng liêng sâu nhiệm của chức vụ ông. Chức vụ có thể có tư tưởng sâu xa, cẩn trọng, mà lại thiếu sự cầu nguyện. Ông Truyền Đạo có thể thiếu sự cầu nguyện mà vẫn được danh tiếng và hoan nghinh.  Tất cả guồng máy của đời sống và công việc ông Truyền Đạo có thể chạy mà vẫn không có dầu cầu nguyện, hoặc không có đủ để làm trơn một cái bánh xe có răng cưa. Nếu sự cầu nguyện không thành ra một năng lực rõ rệt và kiểm soát, thì không một chức vụ nào có thể là một chức vụ thiêng liêng, đảm bảo sự thánh khiết cho ông Truyền Đạo và cho Chi Hội ông.

Ông Truyền Đạo cầu nguyện, thì thật mới được Đức Chúa Trời vào trong công việc. Đức Chúa Trời không ngự vào công việc của ông Truyền Đạo như là một việc tất nhiên hay là theo những nguyên tắc tổng quát, nhưng Ngài ngự vào bởi sự cầu nguyện khẩn cấp đặc biệt. Chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời trong ngày ta tìm kiếm Ngài hết lòng, – điều đó đúng với ông Truyền Đạo cũng như đúng với tội nhơn ăn năn. Chức vụ chuyên cần cầu nguyện là chức vụ độc nhất vô nhị khiến ông Truyền Đao đồng cảm với tín đồ. Sự cầu nguyện cốt yếu liên kết chúng ta với loài người cũng như với Đức Chúa Trời vậy. Chức vụ chuyên cần cầu nguyện là chức vụ độc nhất vô nhị có đủ tư cách đảm đương những công việc và trách nhiệm cao quý của ông Truyền Đạo.

Trường Cao đẳng, học vấn, sách vở, môn Thần học và sự giảng dạy đều không thể tạo nên một ông Truyền Đạo, nhưng sự cầu nguyện thì tạo nên được. Chúa đã truyền lịnh cho các Sứ Đồ phải giảng đạo, nhưng lịnh ấy chẳng có hiệu lực gì cho đến ngày lễ Ngũ Tuần, họ nhờ cầu nguyện mà được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Một Mục Sư chuyên cần cầu nguyện thì đã vượt quá phạm vi của giới bình dân, của người kinh doanh thường, của các việc đời nầy, của sức hấp dẫn ở tòa giảng, của nhà tổ chức Giáo Hội hoặc vị lãnh tụ Giáo Hội mà bước vào phạm vi cao siêu mạnh mẽ hơn, tức là cõi thiêng liêng. Sự thánh khiết là kết quả do công việc ông; những tấm lòng và đời sống biến hóa chứng thực cho công việc ông và cho tánh chất trung tín, thiết thực của nó. Đức Chúa Trời ở cùng ông. Chức vụ của ông không dựng trên những nguyên tắc trần gian hoặc nông cạn.  Một cách sâu xa, ông được cung cấp những sự thuộc về Đức Chúa Trời và được huấn luyện về những sự ấy. Vì ông thông công sâu nhiệm và lâu dài với Đức Chúa Trời để chi hội mình được phước và vì tâm linh ông chiến đấu như hấp hối, nên ông đã được tôn làm “vua chúa” trong những sự thuộc về Đức Chúa Trời. Từ lâu, vẻ lạnh ngắt của nghề nghiệp đã tiêu tan dưới sự cầu nguyện sốt sắng của ông.

Vì thiếu cầu nguyên nên chúng ta thấy chức vụ của ông Mục Sư nầy chỉ có kết quả bề ngoài, còn chức vụ của nhiều ông Mục Sư khác lại chết cứng. Không một chức vụ nào được kết quả nếu không cầu nguyện nhiều, và sự cầu nguyện nầy phải hiệp với chánh giáo, bền vững và tăng thêm luôn. Câu gốc và bài giảng phải là kết quả của sự cầu nguyện. Văn phòng phải tắm gội bằng cầu nguyện, mọi phận sự của nó phải thấm nhuần cầu nguyện, và tất cả tinh thần của nó phải là tinh thần cầu nguyện.

Trên giường chết, một tôi tớ lựa chọn của Đức Chúa Trời đã nói rằng: “Tôi hối tiếc vì đã cầu nguyện ít quá!” Đối với một ông Truyền Đạo, đó là sự hối tiếc buồn rầu và đầy ân hận. Tổng Giám Mục Tait đã quá cố, có nói rằng: “Tôi muốn sống một đời cầu nguyện lớn lao, sâu nhiệm hơn, trung tín hơn!” Nguyện hết thảy chúng ta nói được như vậy!

Các ông Truyền Đạo trứ danh của Đức Chúa Trời đều có một đặc điểm trọng đại duy nhứt: Họ là những người chuyên cần cầu nguyện. Họ thường khác nhau nhiều điều, nhưng bao giờ cũng có cùng một trung tâm. Họ đã bắt đầu ở những chỗ khác nhau, đã đi những con đường khác nhau, nhưng đều hướng về một điểm: Họ là một, trong sự cầu nguyện. Đối với họ, Đức Chúa Trời là trung tâm hấp lực, và cầu nguyện là con đường dẫn đến Đức Chúa Trời. Những người nầy không phải thỉnh thoảng mới cầu nguyện, cũng không cầu nguyện chút ít trong những thì giờ thường lệ hoặc bất thường; Nhưng họ cầu nguyện đến nỗi các lời cầu nguyện của họ ngấm vào và nắn đúc tâm tánh họ; họ cầu nguyện đến nỗi sự cầu nguyện có ảnh hưởng tới đời sống của mình và của kẻ khác. Họ cầu nguyện đến nỗi tạo nên lịch sử của Hội Thánh và có ảnh hưởng tới trào lưu của các thời đại. Họ để nhiều thì giờ cầu nguyện, không phải vì nhận thấy cái bóng trên trắc ảnh hoặc trên cái kim đồng hồ, nhưng vì đối với họ, cầu nguyện là một việc quan trọng và hấp hối đến nỗi họ hầu như không bỏ qua được.

Đối với họ cũng như đối với Phao-lô, cầu nguyện tức là linh hồn chiến đấu và sốt sắng cố gắng; cũng như đối với Gia-cốp, cầu nguyện là vật lộn và đắc thắng; cũng như đối với Đấng Christ cầu nguyện là “lớn tiếng khóc than” (Hê-bơ-rơ 5:7). Họ “dùng đủ thứ khẩn đảo, nài xin mà cầu nguyện trong Thánh Linh; về điều đó hãy thức canh, bền đỗ mọi bề mà cầu nguyện” (Ê-phê-sô 6:18). “Sự khẩn cầu của người công nghĩa có nhiều quyền lực rất hiệu nghiệm” (Gia-cơ 5:16); là khí giới hùng mạnh nhứt cho những chiến sĩ hùng mạnh nhứt của Đức Chúa Trời. Lời tuyên bố về Ê-li rằng: Ông “vốn là người có tánh tình như chúng ta, người cầu nguyện khẩn thiết đừng cho mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm sáu tháng. Đoạn, người cầu nguyện lại trời bèn mưa, và đất sanh hoa lợi” (Gia-cơ 5:17). Thật gồm hết các đấng Tiên Tri và các ông Truyền Đạo đã vì Đức Chúa Trời mà làm kích động thế hệ của mình. Lời tuyên bố ấy cũng tỏ rõ khí cụ mà họ đã sử dụng để làm nên các phép lạ.

*******

CHƯƠNG THỨ BẢY

PHẢI BIỆT RIÊNG NHIỀU THÌ GIỜ CHO SỰ CẦU NGUYỆN

Các Giáo Sư trứ danh trong Đạo Đấng Christ đã luôn luôn nhận thấy cầu nguyện là nguồn soi dẫn tối cao của mình. Không cần phải đi xa quá giới hạn của Hội Thánh nước Anh, có lời chép về Giám Mục Andrews rằng, hằng ngày ông biệt riêng năm giờ quỳ gối cầu nguyện. Những quyết định thực tế lớn lao hơn hết làm cho đời sống người ta trong các thời kỳ Đạo Đấng Christ được phong phú, hoàn mỹ đều đã được trong khi cầu nguyện. CANON LIDDON 

Dầu theo tánh chất của sự việc, nhiều lời cầu nguyện riêng phải ngắn ngủi, theo lệ chung, những lời cầu nguyện công cộng phải ngắn ngủi và gọn ghẽ, dầu sự cầu nguyện ứng khẩu rất có cơ hội thuận tiện và giá trị, – nhưng trong sự thông công riêng với Đức Chúa Trời, thì giờ là một đặc điểm cốt yếu cho giá trị của nó. Để nhiều thì giờ ở với Đức Chúa Trời, đó là quý báu của mọi sự cầu nguyện có hiệu quả. Sự cầu nguyện mà ta cảm thấy như một lực lượng mạnh mẽ chính là kết quả gián tiếp hoặc trực tiếp do nhiều thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời. Sở dĩ những lời cầu nguyện ngắn ngủi của chúng ta có giá trị và linh nghiệm là nhờ những giờ cầu nguyện dài từ trước. Lời cầu nguyện ngắn ngủi mà thắng lợi thì không thể do một người đã chẳng thắng lợi với Đức Chúa Trời trong một cuộc vật lộn dai dẳng và mãnh liệt.

Nếu Gia-cốp không vật lộn thâu đêm, thì ông đã không thắng trận bởi đức tin. Không thể quen biết Đức Chúa Trời bằng cách đến thăm Ngài cách vội vã. Đức Chúa Trời không đổ ân tứ của Ngài trên những người tình cờ hoặc vội vã đến rồi đi. Biệt riêng nhiều thì giờ một mình với Đức Chúa Trời, đó là bí quyết để quen biết Ngài và có thế lực nơi Ngài. Ngài đổ các ân tứ quý giá hơn hết trên kẻ tuyên bố rằng mình mong ước và quý chuộng các ân tứ ấy, – tuyên bố bằng cách bền đỗ cầu xin và sốt sắng khuấy rối Đức Chúa Trời. Đấng Christ là gương mẫu của chúng ta trong sự cầu nguyện cũng như trong mọi điều khác, đã biệt riêng nhiều đêm trường để cầu nguyện! Ngài có thói quen cầu nguyện nhiều lắm! Ngài năng lui tới một chỗ riêng để cầu nguyện. Nhiều kỳ cầu nguyện lâu dài đã tạo nên lịch sử và tâm tính của Ngài. Phao-lô đã cầu nguyện ngày và đêm. Giữa những công việc hệ trọng, Đa-ni-ên đã dành thì giờ cầu nguyện mỗi ngày ba lần. Chắc hẳn trong nhiều cơ hội, Đa-vít đã cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa, và buổi tối rất lâu. Dầu chúng ta không thấy đặc biệt ghi chép khoảng thì giờ mà các Thánh Đồ trong Hội Thánh đó biệt riêng cầu nguyện, nhưng cũng đủ tỏ rõ họ đã để nhiều thì giờ cầu nguyện, và trong nhiều cơ hội, họ đã quan hệ cầu nguyện rất lâu.

Tôi không muốn ai nghĩ rằng phải lấy đồng hồ mà lường giá trị sự cầu nguyện, nhưng mục đích của tôi là ghi khắc trên trí óc chúng ta sự cần yếu phải để nhiều thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời, và nếu

đức tin chúng ta không có đặc điểm ấy thì chỉ là đức tin yếu đuối và nông cạn.

Những người đã rất hoàn toàn chứng minh Đấng Christ trong tâm tánh của mình và đã vì Ngài mà có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến thế gian, đều là những người biệt riêng nhiều thì giờ ở với Đức Chúa Trời, và lấy đó làm đặc điểm cốt yếu của đời sống mình. Ông Charles Simeon buổi sáng nào cũng chầu trước mặt Đức Chúa Trời từ bốn giờ đến tám giờ. Ông Wesley mỗi ngày để hai giờ cầu nguyện, và bắt đầu từ bốn giờ sáng. Một người quen biết ông rất thân đã viết về ông rằng: “Ông cho cầu nguyện là công việc của mình hơn bất cứ sự gì khác, và tôi từng thấy ông từ phòng riêng bước ra với một vẻ mặt êm tịnh, gần như sáng ngời”.

Ông John Fletcher đã in vết trên tường phòng mình do hơi thở của những lời ông cầu nguyện. Có khi ông cầu nguyện suốt đêm; ông luôn luôn cầu nguyện, thường thường cầu nguyện, và hết sức sốt sắng cầu nguyện. Cả đời ông là một đời cầu nguyện. Ông nói rằng: “Nếu chưa hướng tấm lòng lên Đức Chúa Trời, thì tôi chưa đứng dậy khỏi ghế ngồi”. Ông luôn luôn chào bạn hữu rằng: “Tôi có gặp ông đang cầu nguyện chăng?” Ông Luther nói rằng: “Nếu mỗi buổi sáng tôi không để đủ hai giờ cầu nguyện, thì ma-quỉ sẽ thắng trận suốt ngày. Tôi bận nhiều việc quá, nếu không cầu nguyện mỗi ngày ba giờ, thì không sao tiến bước được”. Ông dùng khẩu hiệu nầy: “Ai đã cầu nguyện cẩn thận, thì cũng đã nghiên cứu cẩn thận”.

Tổng Giám Mục Leighton biệt riêng nhiều thì giờ ở với Đức Chúa Trời đến nỗi ông dường như ở tình trạng suy giảm vĩnh viễn. Người chép tiểu sử của ông viết rằng: “Cầu nguyện và ngợi khen Chúa là công việc và nguồn vui thích của ông”. Giám Mục Kent ở cùng Đức Chúa Trời rất nhiều đến nỗi người ta nói rằng linh hồn ông được Đức Chúa Trời thu hút. Mỗi buổi sáng, trước khi đồng hồ điểm ba giờ, thì ông đã ở với Đức Chúa Trời rồi. Giám Mục Asbury nói rằng: “Tôi định mỗi khi có thể được, thì thức dậy bốn giờ sáng và cầu nguyện, suy gẫm suốt hai giờ đồng hồ”. Samuel Rutherford, mà hiện nay còn hương vị tin kính của ông, vẫn thức dậy lúc ba giờ sáng để cầu nguyện gặp Đức Chúa Trời. Ông Joseph Alleine thức dậy lúc bốn giờ sáng để “làm nghề cầu nguyện cho đến tám giờ”. Nếu ông nghe nói những nhà buôn khác làm việc trước khi mình thức dậy, thì ông kêu lên rằng: “Ôi! Điều nầy làm cho tôi xấu hổ biết bao! Chúa của tôi há chẳng có giá trị hơn chúa của họ sao?” Ai đã học thạo “nghề” nầy, thì sẽ được tùy ý  “lãnh tiền” với sự thỏa thuận của ngân hàng Thiên Thượng vô tận.

Một nhà Truyền Đạo thánh khiết nhứt và có ân tứ nhứt xứ Tô-cách-lan, có nói rằng: “Tôi cần phải biệt riêng những giờ tốt nhứt để thông công với Đức Chúa Trời. Đó là công việc cao quý và kết quả hơn hết của tôi, không nên quăng bỏ nó vào một xó nhà. Buổi sáng sớm từ sáu đến tám giờ, là những giờ không bị gián đoạn chi hết và đáng phải sử dụng như vậy. Sau lúc uống nước trà 3 giờ chiều là thì giờ tốt nhất của tôi, và đáng phải long trọng dâng hiến cho Đức Chúa Trời. Tôi không được bỏ thói quen cũ và tốt, tức là cầu nguyện trước khi đi ngủ, nhưng phải coi chừng, chớ ngủ gục. Khi tôi thức giấc lúc đêm khuya, thì tôi phải nhỏm dậy mà cầu nguyện. Sau bữa ăn lót dạ, chúng ta cũng nên để ít thì giờ cầu thay cho kẻ khác”. Đó là chương trình cầu nguyện của Robert McCheyne, đoàn thiết đảo của Hội Thánh Giám Lý (Methodiste) đáng ghi nhớ kia thật làm cho chúng ta hổ thẹn. Đây là thời khóa biểu của họ: “Từ bốn đến năm giờ sáng, cầu nguyện riêng; Từ năm đến sáu giờ chiều, lại cầu nguyện riêng”.

John Welch, nhà Truyền Đạo thánh khiết và kỳ diệu của xứ Tô-cách-lan, nghĩ rằng nếu ngày nào ông không để tám hoặc mười giờ cầu nguyện, thì ngày ấy đã bị bỏ phí. Ông có sẵn một cái mền để ban đêm thức dậy, thì choàng ngay vào mình mà cầu nguyện. Khi thấy ông nằm dưới đất mà khóc lóc, thì bà vợ thường than phiền, nhưng ông đáp rằng: “Ôi! Mình ơi! Tôi phải chịu trách nhiệm về ba ngàn linh hồn, và tôi không biết bao nhiêu người trong số đó đang gặp tình cảnh nào!”

*************

CHƯƠNG THỨ TÁM

TẤM GƯƠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện chính là năng lực cao siêu hơn hết mà tâm trí loài người có thể phát lộ; Cầu nguyện nghĩa là tập trung tất cả khả năng. Khối lượng những người ham mến thế gian và những người học thức đều tuyệt đối không thể cầu nguyện. – COLERIDGE

Giám Mục Wilson nói rằng: “Trong cuốn nhựt ký của H. Martyn, những điểm đầu tiên đánh mạnh vào trí óc tôi là tinh thần cầu nguyện, khoảng thì giờ ông biệt riêng cho phận sự ấy và lòng sốt sắng ông đem vào phận sự ấy”.

Ông Payson thường quỳ gối rất lâu trên sàn gỗ cứng, đến nỗi sàn lõm xuống. Người chép tiểu sử ông viết rằng: “Bất cứ ở trong cảnh ngộ nào, sự luôn luôn khẩn cấp cầu nguyện của ông cũng là điểm đáng chú ý nhứt trong lịch sử ông. Nó nêu rõ bổn phận của mọi người muốn ganh đua cho được cao siêu bằng ông. Ta chắc phải cho rằng một phần lớn sự thành công vẻ vang gần như không dứt của ông là do ông đã cầu nguyện sốt sắng, bền đỗ.

Hầu tước Derenty coi Đấng Christ là quý báu hơn hết; Có lần cầu nguyện thông công với Đức Chúa Trời, ông truyền lịnh cho đầy tớ đợi hết nửa giờ hãy gọi mình. Lúc đó anh ta nhìn thấy mặt ông qua một chỗ hở. Mặt ông hiện rõ sự thánh khiết cao siêu đến nỗi anh không muốn gọi ông. Môi ông mấp máy, nhưng ông hoàn toàn yên lặng. Anh chờ đợi cho đến hết ba giờ, rồi gọi ông. Bấy giờ ông đứng dậy và nói rằng đang khi ông thông công với Đấng Christ, thì nửa giờ ngắn ngủi quá!

Ông Brainerd nói rằng: “Tôi thích ở một mình trong lều tranh, vì tại đó tôi có thể để nhiều thì giờ cầu nguyện”.

Ông William Crownwell nổi tiếng trong lịch sử Hội Thánh Giám Lý vì có một đời sống thánh khiết, được thành công lạ lùng khi giảng dạy, và được Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện một cách diệu kỳ. Mỗi lần ông cầu nguyện suốt mấy giờ. Ông đi truyền đạo lưu hành như một ngọn lửa. Lửa bùng cháy trong thì giờ ông cầu nguyện. Khi ở nơi vắng vẻ, ông thường cầu nguyện một mạch bốn giờ đồng hồ.

Hằng ngày Giám Mục Andrews biệt riêng năm giờ đồng hồ để cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Huân Tước Henry Havelock luôn luôn biệt riêng hai giờ mỗi ngày để ở riêng với Đức Chúa Trời. Nếu phải tập trung quân đội lúc sáu giờ sáng, thì ông thức dậy lúc bốn giờ.

Hầu Tước Cairus ngày nào cũng thức dậy lúc sáu giờ sáng để có một giờ rưỡi nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện. Sau đó, lúc tám giờ mười lăm ông chủ tọa cuộc gia đình lễ bái.

Sự thành công của Tấn Sĩ Judson trong khi cầu nguyện là do ông biệt riêng nhiều thì giờ cầu nguyện. Về điểm nầy, ông nói rằng: “Nếu được, hãy sắp đặt công việc hầu cho có thể thư thái biệt riêng hai ba giờ mỗi ngày, hoặc hơn nữa; chẳng những để hành đạo, song cũng để cầu nguyện kín nhiệm và thông công với Đức Chúa Trời. Mỗi ngày bảy lần, hãy cố gắng tạm gác công việc và bạn bè, lui vào nơi riêng mà nâng linh hồn hướng về Đức Chúa Trời. Hãy bắt đầu một ngày như thế nầy: Thức dậy sau nửa đêm, và để ít thì giờ cho công việc thiêng liêng nầy giữa sự yên lặng và tối tăm của canh khuya. Cũng hãy làm công việc ấy lúc trời mới hừng đông, lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa, ba và sáu giờ chiều, chín giờ tối. Vì cớ Đức Chúa Trời, hãy quyết định làm như vậy. Hãy hy sinh mọi sự có thể hy sinh để giữ theo lệ ấy. Hãy nghĩ rằng thì giờ của anh ngắn ngủi, và không nên để công việc, bạn bè cướp mất Đức Chúa Trời của mình”.

Chúng ta nói rằng: “Không thể được, đó là những lời khuyên cuồng tín!” Nhưng Tấn Sĩ Judson đã đem ảnh hưởng của Đấng Christ đến một đế quốc, đã đặt nền tảng Nước Đức Chúa Trời bằng đá hoa cương bất diệt ở trung tâm nước Diến Điện. Ông đã thành công, và là một trong số ít người đã gieo rắc ảnh hưởng mạnh mẽ của Đấng Christ trên thế giới. Nhiều người có khả năng, thiên tài trổi hơn ông, nhưng đều không có ảnh hưởng lớn lao như vậy. Công việc truyền đạo của họ ví như bước chơn trên bãi cát, nhưng ông Judson đã ghi khắc công việc của mình trên đá cứng. Bí quyết làm cho nó sâu nhiệm và bền vững chính là vì ông đã biệt riêng nhiều thì giờ cầu nguyện. Ông dùng lời cầu nguyện mà nung sắt đỏ luôn, và tài khéo của Đức Chúa Trời đã dùng quyền phép bền vững mà nắn hình sắt ấy. Nếu không chuyên cần cầu nguyện, thì chẳng ai làm được công việc lớn lao, bền vững cho Đức Chúa Trời. Và nếu không biệt riêng nhiều thì giờ cầu nguyện, thì chẳng ai trở nên người chuyên cần cầu nguyện được.

Có thật rằng cầu nguyện chỉ là làm theo thói quen một cách buồn tẻ và máy móc chăng? Cầu nguyện có phải là một hành động mà chúng ta được huấn luyện cho đến khi những yếu tố chính của nó là lạt lẽo, ngắn ngủi và nông cạn chăng? “Có thật rằng theo như người ta phỏng đoán, cầu nguyện gần giống như tình cảm bán bị động, uể oải dốc ra suốt những phút hoặc những giờ mơ mộng nhẹ nhàng chăng ?”  –  Ông Canon Liddon nói tiếp: “Những ai thật đã cầu nguyện xin hãy trả lời. Họ thường viện dẫn vị tộc trưởng Gia-cốp mà mô tả sự cầu nguyện là vật lộn với một Quyền lực vô hình,  –  trong một cuộc đời sốt sắng. Quyền lực ấy  luôn luôn còn đến đêm khuya, hoặc luôn cả đến lúc hừng đông nữa. Có khi họ viện dẫn Phao-lô mà giải luận sự cầu thay thông thường là một cuộc giao tranh cộng đồng. Khi cầu nguyện, họ chăm chú nhìn vào Đấng cầu thay cao trọng trong vườn Ghết-sê-ma-nê, vào những giọt huyết rơi xuống đất trong cơn Ngài đau thương thống thiết vì cam chịu và hy sinh.

Quấy rầy là một phần yếu tố của sự cầu nguyện có kết quả. Chính là đặc biệt bởi sự cầu nguyện mà “Nước Thiên Đàng bị hãm ép đó choán lấy” (Ma-thi-ơ 11:12). Giám Mục Hamilton (đã quá cố) nói rằng: “Chẳng ai có thể kết quả nhiều trong sự cầu nguyện nếu thoạt tiên không coi sự cầu nguyện là một công việc mình phải được dự bị để làm trọn, và phải bền đỗ để theo đuổi với tất cả sự sốt sắng mà ta sẵn có khi xem xét những vấn đề mình cho là vừa hào hứng hơn hết, vừa cần thiết hơn hết”.

*******

CHƯƠNG THỨ CHÍN

BƯỚC VÀO MỘT NGÀY VỚI SỰ CẦU NGUYỆN

Tôi phải cầu nguyện trước khi thấy mặt bất cứ người nào. Thường khi tôi ngủ lâu, hoặc gặp ai lúc sáng sớm, thì đến mười một hoặc mười hai giờ trưa, tôi mới bắt đầu cầu nguyện kín nhiệm. Đó là một phương thức khổ hèn, nó không đúng theo Kinh Thánh. Đấng Christ thức dậy trước khi hừng đông và “đi vào nơi vắng vẻ” (Mác 1:35). Đa-vít nói rằng: “Vừa sáng, tôi tìm cầu Chúa” (Thi-thiên 63:1) và “Buổi sáng Ngài sẽ nghe tiếng tôi” (Thi-thiên 5:3). Sự cầu nguyện ở gia đình mất gần hết quyền phép cùng sự dịu dàng, và tôi không thể giúp ích cho những ai đến tìm phước nơi tôi. Lương tâm cảm thấy mắc tội, linh hồn không được nuôi nấng, và ngọn đèn không được sửa soạn. Vậy, khi cầu nguyện kín nhiệm, thì linh hồn thường không ăn nhịp. Tôi cảm thấy rằng nếu bắt đầu một ngày với Đức Chúa Trời, nếu thấy Ngài trước, nếu đưa linh hồn tôi đến gần Ngài trước khi đến gần người khác, thì tốt hơn nhiều. – ROBERT MURRAY McCHEYNE

NHỮNG người nào làm việc nhiều nhứt cho Đức Chúa Trời trong thế gian nầy đều đã quỳ gối cầu nguyện lúc sáng sớm. Ai bỏ thì giờ, cơ hội thuận tiện và tính chất tươi mới của lúc sáng sớm để làm những công việc khác, chớ không phải để tìm kiếm Đức Chúa Trời, thì suốt cả ngày khó lần tìm thấy Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không đứng đầu hàng trong tư tưởng và sự cố gắng của chúng ta trong buổi sáng, thì Ngài sẽ đứng cuối hàng suốt cả ngày đó.

Ở đằng sau sự thức dậy và cầu nguyện sớm nầy, còn có sự nóng nảy ước ao thúc đẩy chúng ta đuổi theo Đức Chúa Trời. Trễ nải buổi sáng chính là dấu hiệu của một tấm lòng trễ nải. Tấm lòng nào chậm trễ tìm kiếm Đức Chúa Trời sáng sớm, thì không còn ham thích Đức Chúa Trời nữa. Lòng Đa-vít sốt sắng tìm kiếm Đức Chúa Trời. Ông đói khát Đức Chúa Trời, nên đã tìm kiếm Ngài lúc sáng sớm trước khi hừng đông. Giường nằm và giấc ngủ không thể xiềng xích linh hồn ông vốn sốt sắng tìm kiếm Đức Chúa Trời. Đấng Christ nóng nảy mong ước thông công với Đức Chúa Trời. Vậy nên Ngài dậy sớm lâu lắm trước khi mặt trời mọc, và đi lên núi mà cầu nguyện. Khi các Môn đồ thức dậy hẳn, và xấu hổ vì chiều theo sự ham ngủ, thì họ muốn biết phải tìm thấy Ngài ở đâu. Chúng ta có thể đọc suốt danh sách những người đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế gian cho Đức Chúa Trời, và sẽ thấy họ đều tìm kiếm Đức Chúa Trời lúc sáng sớm.

Lòng mong ước Đức Chúa Trời mà không thể bẻ tan xiềng xích của giấc ngủ, thì sau khi ngủ đầy giấc, chỉ là một điểm yếu đuối, giúp ích cho Đức Chúa Trời rất ít. Lòng mong ước Đức Chúa Trời mà ở lại rất xa sau ma quỉ và thế gian lúc sáng sớm, thì sẽ không bao giờ đuổi kịp chúng.

Không phải chỉ thức dậy sớm mà người ta đã lên được hàng đầu và trở nên các Đại Tướng trong đạo quân Đức Chúa Trời, nhưng chính là nhờ lòng mong ước nhiệt liệt thúc đẩy họ và bẻ tan hết thảy xiềng xích chiều theo tư dục. Nhưng sự thức dậy sớm mở cửa, tăng thêm và truyền sức cho lòng mong ước. Nếu họ cứ nằm trên giường mà ngủ vùi, thì lòng mong ước sẽ bị dập tắt. Lòng mong ước đánh thức họ dậy và thúc đẩy họ đi tìm kiếm Đức Chúa Trời. Vì chú ý và làm theo tiếng kêu gọi như vậy, nên đức tin họ nắm được Đức Chúa Trời, và lòng họ được sự khải thị dịu dàng, đầy đủ hơn hết về Đức Chúa Trời. Đức tin mạnh mẽ cùng sự khải thị đầy đủ nó khiến họ trở nên những bậc thánh siêu việt; hào quang thánh khiết của họ chiếu xuống chúng ta, và ta được hưởng lấy sự vui thỏa do chiến thắng của họ. Nhưng chúng ta chỉ hưởng thụ hết mà chẳng sản xuất chi. Chúng ta xây mồ mả và khắc mộ chí cho họ, nhưng lại cẩn thận không noi theo gương họ.

Chúng ta cần có một thế hệ những ông Truyền Đạo biết tìm kiếm Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài lúc sáng sớm, biết dâng sự cố gắng tươi mới như giọt sương cho Đức Chúa Trời để bù lại, nhận được quyền phép tươi mới và đầy dẫy của Ngài, ngõ hầu đối với họ, Ngài sẽ như sương móc, đầy vui sướng và sức mạnh suốt cả ngày nóng bức và làm lụng khó nhọc. Tội lỗi to lớn của chúng ta là xao lãng không tìm kiếm Đức Chúa Trời. Con cái đời nầy còn khôn ngoan hơn chúng ta nhiều. Họ lo làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Chúng ta không tìm kiếm Đức Chúa Trời một cách sốt sắng và chuyên cần. Ai không nôn nả đuổi theo Đức Chúa Trời, thì không thể nắm lấy Ngài được; không một linh hồn nào nôn nả đuổi theo Đức Chúa Trời mà lại không tìm kiếm Ngài lúc sáng sớm.

********

CHƯƠNG THỨ MƯỜI

CẦU NGUYỆN VÀ THỰC HÀNH TIN KÍNH LIÊN HIỆP VỚI NHAU

Ông Mục Sư thời nay thiếu ảnh hưởng thiêng liêng là rõ ràng lắm. Tôi cảm biết như vậy trong chính trường hợp của tôi, và tôi cũng thấy như vậy trong trường hợp nhiều người khác. Tôi sợ rằng giữa vòng chúng ta có một tâm trạng quá thấp kém, quá mưu toan, quá cố gắng và quá vận động. Chúng ta hiến mình thái quá để làm thỏa mãn sở thích của người nầy và thành kiến của người kia. Chức vụ Mục Sư là một công việc trọng đại và thánh khiết; Để làm chức vụ ấy, chúng ta phải có một thói quen giản dị, một sự thản nhiên thánh khiết, nhưng khiêm cung đối với mọi kết quả. Khuyết điểm chánh yếu của các Mục Sư là thiếu thói quen thực hành tin kính. RICHARD CECIL

CHƯA bao giờ chúng ta cần những người nam và nữ thánh khiết như bây giờ; sự đòi hỏi có các ông Truyền Đạo thánh khiết và tận tụy  vì Đức Chúa Trời lại còn khẩn cấp hơn nữa. Thế giới đi những bước khổng lồ. Quỉ Sa-tan nắm chặt và cai trị thế giới; nó cố sức hoạt động để làm cho mọi phong trào thế giới phụng sự các mục đích của nó. Đạo phải làm công việc tốt nhất của Đạo, phải trình bày những kiểu mẫu đẹp đẽ và hoàn toàn hơn hết. Bằng mọi cách, các bậc thánh đời nay phải được kích thích bởi những lý tưởng cao siêu hơn hết và những khả năng lớn lao hơn hết bởi Đức Thánh Linh.

Phao-lô đã sống trên đầu gối, ngõ hầu Hội Thánh Ê-phê-sô lường biết bề cao, bề rộng, bề sâu của một bậc thánh khiết vô biên và “được đầy dẫy mọi sự đầy đủ của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 3:18-19). Ê-pháp-ra đã tự dốc đỗ trong sự cầu nguyện sốt sắng, chẳng khác gì một công việc làm cho kiệt lực, và một cuộc tranh đấu quyết liệt, ngõ hầu Hội Thánh Cô-lô-se “được tin chắc đầy đủ mà đứng trọn vẹn trong cả ý chỉ của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 4:12). Ở khắp mọi nơi, mọi việc trong thời đại các Sứ Đồ đều là gắng vó hầu cho con cái Đức Chúa Trời “thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhơn, tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13). Không có phần thưởng nào ban cho những người tí hon; không có gì khuyến khích những người già mà đời thiêng liêng vẫn còn con đỏ. Con đỏ phải lớn lên; người già phải sanh trái lúc tuổi già, phải béo tốt và tươi khỏe, chớ không nên yếu đuối và mang tật nguyền. Điểm thiêng  liêng nhứt của Đạo chính là những ông và những bà thánh khiết.

Không có một số tiền bạc, một bậc thiên tài hoặc văn hóa nào có thể làm chuyển động tình thế cho Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết làm cho linh hồn mạnh mẽ, cả con người bùng cháy vì yêu thương, vì mong ước thêm đức tin, thêm cầu nguyện, thêm sốt sắng, thêm dâng mình,  –  đó là bí quyết của quyền phép. Chúng ta cần có và phải có những sự ấy, và người ta phải là hiện thân của sự tận tụy do Đức Chúa Trời làm cho bùng cháy. Bước tiến của Đức Chúa Trời bị dừng lại, chánh nghĩa của Ngài bị “què”, Danh Ngài bị nhục mạ chính vì thiếu thốn những sự kiện trên đây. Thiên tài (dầu cao siêu và xuất sắc hơn hết), giáo dục (dầu học thức và trang nhã hơn hết), địa vị, phẩm cách, tên tuổi được tôn trọng, và các phẩm trật cao trong Giáo Hội, đều không thể làm chuyển động chiếc xe nầy của Đức Chúa Trời chúng ta. Đây là một xe bốc lửa, và chỉ những sức mạnh bốc lửa mới làm chuyển động nó được.

Thiên tài của Milton đã thất bại. Sức mạnh phi thường của Leo cũng thất bại. Tinh thần của Brainerd làm cho nó chuyển động được. Tinh thần của Brainerd bùng cháy vì Đức Chúa Trời, bùng cháy vì linh hồn người ta, không có gì phàm tục, trần gian, ích kỷ đã xen vào để làm giảm bớt sức mạnh và ngọn lửa thúc đẩy tiêu nuốt mọi sự nầy.

Cầu nguyện tạo nên cũng như lan truyền sự tin kính. Tinh thần tin kính là tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện và sùng kính liên hiệp với nhau như linh hồn với thân thể, như sự sống với trái tim. Nếu không có sùng kính, thì không có cầu nguyện thật; Và nếu không cầu nguyện, thì cũng không có sùng kính. Ông Truyền Đạo phải đầu phục Đức Chúa Trời trong sự sùng kính thánh khiết hơn hết. Ông không phải là một người nhà nghề, chức vụ của ông không phải là một nghề nghiệp; nó do Đức Chúa Trời thiết lập và là sự sùng kính, tận tụy với Đức Chúa Trời. Ông tận tụy với Đức Chúa Trời. Mục đích và dục vọng của ông là vì Đức Chúa Trời và hướng về Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện là cần thiết cho chức vụ ấy cũng như đồ ăn cần thiết cho mạng sống vậy.

Trên mọi sự khác, ông Truyền Đạo phải tận tụy với Đức Chúa Trời.  Các mối liên quan của ông Truyền Đạo với Đức Chúa Trời phải là phù hiệu và ủy nhiệm thơ của chức vụ ông. Các mối liên quan nầy phải rõ rang, dứt khoát, minh bạch, không thể nào lầm lẫn. Ông không nên có một thứ tin kính thông thường, nông cạn. Nếu ông không ưu tú trong ân điển, thì sẽ chẳng ưu tú chi hết. Nếu ông không giảng dạy bằng đời sống, tâm tánh, hành vi, thì ông không giảng dạy chi hết. Nếu sự tin kính của ông nhẹ bổng, thì dầu lời giảng dạy của ông êm ái, dịu dàng như âm nhạc và xuất sắc như A-bô-lô, nó cũng chỉ nhẹ như lông cánh chim, chập chờn và trôi nổi như mây buổi sáng hoặc sương móc lúc sớm mai.

Trong tâm tánh và hành vi của ông Truyền Đạo, không gì có thể thay thế sự tận tụy với Đức Chúa Trời. Tận tụy với một Hội Thánh, với dư luận, với một tổ chức, với chánh giáo,  –  mọi sự đó chỉ là nhỏ nhen, sai lạc và hư không một khi nó thành ra nguồn soi dẫn và sanh lực của một sự kêu gọi. Đức Chúa Trời phải là động lực chính trong sự cố gắng của ông Truyền Đạo, là nguồn suối và mũ triều thiên cho tất cả công khó của ông. Danh hiệu và vinh dự của Đức Chúa Jêsus-Christ, sự tấn bộ của chánh nghĩa Ngài, phải là mọi sự trong mọi sự. Ông Truyền Đạo không nên có sự soi dẫn nào khác ngoài ra Danh của Đức Chúa Jêsus-Christ, không nên có dục vọng nào khác ngoài ra làm cho Ngài được tôn vinh, không nên làm việc chi khác ngoài ra làm viêc cho Ngài. Như vậy, cầu nguyện sẽ là nguồn soi sáng cho ông, là phương pháp để tấn tới không ngừng, là vật đo lường sự thành công của ông. Mục đích vĩnh viễn và ước vọng duy nhứt mà ông Truyền Đạo có thể ham quý chính là có Đức Chúa Trời ở với mình.

Hơn bao giờ hết, trong thời đại nầy, chánh nghĩa của Đức Chúa Trời cần những chứng minh hoàn toàn về các khả năng của sự cầu nguyện. Không thời đại nào, không người nào sẽ làm gương chứng minh cho quyền phép của Đạo Tin Lành, trừ ra những thời đại hoặc những người chuyên cầu nguyện sâu nhiệm và sốt sắng. Một thời kỳ không có sự cầu nguyện thì sẽ chỉ có những gương mẫu kém sút về quyền phép Đức Chúa Trời. Những tấm lòng không cầu nguyện sẽ không bao giờ bay bổng tới đỉnh cao siêu nầy được. Có thể là một thời kỳ tốt đẹp hơn quá khứ, nhưng có điểm khác xa vô cùng giữa cãi thiện một thời đại bởi sức mạnh của nền văn minh đang tấn triển, và cãi thiện một thời đại bởi gia tăng bậc thánh khiết cùng sự giống như Đấng Christ do sức mạnh của cầu nguyện. Khi Đấng Christ hiện đến, thì dân Do-thái tốt hơn các thời đại trước nhiều. Ấy là hoàng kim thời đại trong đạo Pha-ri-si của họ. Thời đại hoàng kim của tôn giáo họ đã đóng đinh Đấng Christ vào Thập Tự Giá. Không bao giờ cầu nguyện thêm, không bao giờ cầu nguyện kém; không bao giờ dâng tế lễ thêm, không bao giờ dâng tế lễ kém; không bao giờ bớt thờ lạy hình tượng, không bao giờ thêm thờ lạy hình tượng;  không bao giờ thêm cuộc thờ phượng trong Đền thờ, không bao giờ bớt cuộc thờ phượng Đức Chúa Trời; không bao giờ thêm sự hầu việc bằng môi miệng, không bao giờ bớt sự hầu việc bằng tấm lòng (Đức Chúa Trời được thờ phượng bằng môi miệng của những kẻ mà tấm lòng và bàn tay đã đóng đinh Con Ngài vào Thập Tự Giá!); không bao giờ thêm số những người đến Đền thờ, không bao giờ bớt số các thánh đồ.

Chính năng lực của sự cầu nguyện tạo nên các thánh đồ. Các tâm tánh thánh khiết được tạo nên bởi quyền phép của sự cầu nguyện thật. Càng có thánh đồ thật, thì càng có cầu nguyện, càng có cầu nguyện thì càng có thánh đồ thật.


Comments

Sách: “LINH LỰC DO CẦU” – Chương 6 đến Chương 10 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *