HomePTLĐ PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO HTPTLĐ.Phát Triển Ơn Điều Hành24 Đề Nghị Thực Tế Giúp Xây Dựng HT

Mục sư Nguyễn D. Tân biên soạn theo tài liệu của MS Douglas D. Webster – © 2019 TinLanhLibrary.info

Mục sư Douglas D. Webster trong quyển “SELLING JESUS” (“BÁN CHÚA”) xuất bản bởi InterVarsity Press năm 1992, báo động cách khẩn cấp về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của những nhóm người có tinh thần xem Chúa Giêxu như một món hàng mà họ nghĩ rằng có thể bán Ngài bằng những cách thức được thông dụng trong giới thương mãi hiện đại (marketing techniques). Đối với họ, việc cứu người chỉ là đáp ứng những nhu cầu (meet the needs or demands) và truyền giảng không kết quả bằng khuyến mãi (promotion). Trong phần cuối của sách, Mục sư có 24 lời đề nghị thực tế để giúp chúng ta xây dựng hội thánh Chúa mà không bị ảnh hưởng bởi những lối phát triển hội thánh kiểu thế gian không đúng với những phương cách mà Chúa dạy.

Đề nghị #01 – Trong sự cố gắng xem Đức Chúa Trời là quan trọng hơn ngân quỹ hội thánh và cơ sở, hội thánh nên có một buổi nhóm cầu nguyện mỗi tháng một lần khoảng 2 tiếng đồng hồ dành cho những chấp sự và các trưởng ban hay uỷ viên. Việc đó giúp cho họ thấy rõ hội thánh là một gia đình của đức tin, cho họ nhận biết sự dạy dỗ của Kinh thánh là quan trọng trong sự thành công, sự lãnh đạo với tinh thần phục vụ và sự thờ phượng phải lẽ.

Đề nghị #02 – Đặt trọng tâm của mọi sinh hoạt hội thánh trên sự thờ phượng. Lấy sự thờ phượng làm mục tiêu chính của mọi buổi hội họp, của Cơ đốc giáo dục, của sinh hoạt thanh thiếu niên, nam giới phụ nữ, v.v. Giúp cho mọi người khám phá rằng việc đặt Đức Chúa Trời làm trung tâm điểm của mọi sinh hoạt sẽ là phương cách hữu hiệu nhất trong sự truyền giảng, thông công, huấn luyện, hội đồng truyền giáo, v.v. Tất cả những người nào có trách nhiệm trong chương trình thờ phượng cần gặp nhau mỗi tháng một lần để cầu nguyện và hoạch định chương trình.

Đề nghị #03 – Bắt đầu mỗi buổi thờ phượng bằng một thời gian ngắn để chuẩn bị tinh thần trong sự yên lặng và thầm nguyện. Điều đó giúp cho mỗi người có thể chuyển tinh thần đang bận rộn với cuộc sống sang tâm thần yên tĩnh để thờ phượng. Việc đó cũng giúp họ thấy được sự quan trọng của khía cạnh tâm thần trong sự thờ phượng, sự cần thiết của việc đến nhóm lại đúng giờ, tầm quan trọng của sự cầu nguyện và ngợi khen.

Đề nghị #04 – Nhấn mạnh tầm quan trọng của những tiêu chuẩn về sự yên nghỉ của Ngày Nghỉ hay ngày Thánh trong nhịp điệu đời sống gia đình và đời sống cá nhân. Dành riêng ngày của Chúa cho việc thờ phượng Ngài, thông công với anh chị em trong Chúa, và tăng trưởng thuộc linh, thay vì dành cho thể thao, mua sắm và giải trí. Người lãnh đạo làm điều đó qua sự dạy dỗ và làm gương thay vì như luật lệ và tôn chỉ. Đừng dùng ngày Chúa nhật cho những buổi họp hành, bàn thảo.

Đề nghị #05 – Đào tạo một hội thánh của những con người có tinh thần thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật chớ không có tinh thần làm khán giả hay chờ xem trình diễn. Tránh những việc làm có tính cách để giải trí, trình diễn ca nhạc, hài hước để giúp vui khán giả. Người hướng dẫn thờ phượng không phải là một MC. Phải xem tất cả mọi tiết mục đều có mục đích để thờ phượng Đức Chúa Trời thay vì sự thờ phượng là một phần trong những tiết mục khác. Đừng hiểu lầm giờ ca ngợi mới là giờ thờ phượng. Bớt nhẹ vai trò của người chủ lễ và thêm tầm quan trọng cho một chương trình đặt trọng tâm vào Đức Chúa Trời qua những bản thánh ca đầy ý nghĩa, có tính cách ngợi khen, tôn cao Danh Chúa, qua những lúc cầu nguyện, qua giờ giảng dạy, và tiệc thánh.

Đề nghị #06 – Tập cầu nguyện bằng Thi Thiên và tập kỷ luật thuộc linh. Nếu chỉ theo cách thông thường thì đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ lợt lạt, đầy máy móc, và thiếu sức sống. Những điều cần cầu nguyện không phải chỉ là bản liệt kê những bệnh tật của con cái Chúa. Tập cầu nguyện theo các bài Thi Thiên để cho con cái Chúa biết cách cầu nguyện đúng theo tiêu chuẩn thuộc linh, dồi dào hơn, trưởng thành hơn, và sâu nhiệm hơn. Dùng Thi Thiên trong những lúc cần tĩnh tâm, để hướng mọi người vào tinh thần thờ phượng và làm cho buổi hiệp nguyện thêm sự sâu nhiệm.

Đề nghị #07 – Mang sự giảng dạy trở lại với mục đích chân thật của nó, tức là hướng dẫn hội thánh vào trong sự dạy dỗ của Chúa cách toàn vẹn. Đừng nghĩ rằng phải phân biệt sự thuyết giảng với sự dạy dỗ. Đừng dùng Kinh thánh như một mở đầu cho một loạt ví dụ và chuyện vui. Thuyết giảng là thẳng thắng dùng Lời Thánh Kinh để dạy dỗ. Chính sức mạnh của Chân lý và quyền năng của Thánh Linh sẽ làm cho người ta được cảm động, được an ủi, nâng đỡ đức tin, cũng như sẽ sửa dạy và thách thức hội thánh. Sự giảng dạy trung thực cũng sẽ giúp giải đáp những thắc mắc của người đang tìm kiếm Chúa. Mục sư cần biết có thân hữu trong buổi nhóm để nhờ Thánh Linh hướng dẫn nói thêm vài lời hướng đến họ trong khi giảng dạy.

Đề nghị #08 – Giúp cho những thân hữu gặp sự dễ dàng trong việc họ tìm hiểu về hội thánh và Đạo Chúa. Chọn những người có ơn và giao cho họ trách nhiệm (Ban Tiếp Tân) tạo nhịp cầu thông cảm, kết bạn với những người mới đến. Tạo một sự kết thân nhẹ nhàng không có áp lực để những người mới không cảm thấy có sự ép buộc hoặc bị bỏ rơi không ai để ý đến mình. Mời họ đến những buổi sinh hoạt tại tư gia hoặc những buổi nhóm đặc biệt, nơi mà họ đỡ cảm thấy e ngại, và có cơ hội trò chuyện với các chấp sự hay các mục sư. Khuyến khích mọi người bày tỏ cho người mới đến thấy được tình yêu thương, sự ấm cúng, và lòng quan tâm, nhưng đừng ‘’rượt theo’’ hay ‘’đeo dính’’ với họ làm cho họ hoảng sợ.

Đề nghị #09 – Trong bất cứ nhóm nào, nhóm lớn, nhóm nhỏ, tráng niên, thanh niên, thiếu niên… họp vào sáng Chúa Nhật đều phải có sự giảng dạy Lời Chúa trong chương trình của mỗi nhóm. Nên có một chương trình đọc Lời Chúa hằng ngày cho hội thánh theo đề tài của những bài giảng trong tuần. Tìm cách khích lệ gia đình lễ bái, việc đọc Lời Chúa hàng ngày với những giải thưởng, vợ chồng cùng đọc Kinh Thánh, hoặc chia nhóm, mỗi nhóm 2-3 người hàng ngày cùng đọc Kinh Thánh với nhau qua điện thoại, v.v.

Đề nghị #10 – Giúp trẻ con sớm biết nghe và suy gẫm về Lời Chúa. Khuyến khích cha mẹ mua cho các em những quyển KT (Study Bible) đúng theo lứa tuổi của các em. Khích lệ chúng học thuộc lòng và hiểu nhiều câu gốc với phần thưởng thường xuyên. Tránh việc giúp cho nhóm trẻ con giải trí cho xong thì giờ, nhưng hiểu rỏ giờ nhóm là để thờ phượng, cầu nguyện, dâng hiến, và học Lời Chúa. Đừng tạo cho người lớn những buổi sinh hoạt với mục đích chỉ để giao tế (socializing). Tập cho mỗi người chuẩn bị trước cho bài học Trường Chúa nhật bằng cách học trước ở nhà đoạn Kinh thánh liên hệ hay làm bài học Kinh thánh trước khi đến lớp học. Việc đó giúp mang nhiều người đến lớp học TCN và thêm sự hăng say học hỏi Lời Chúa.

Đề nghị #11 – Dùng những nghi lễ của hội thánh như những cơ hội để nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của một sự cam kết cách cá nhân trong đời sống theo Chúa. Đừng thực hiện những nghi lễ chỉ để thích nghi với thông lệ và cho đủ nghi thức. Ngược lại dùng những nghi lễ như tiệc thánh, dâng con, báp tem làm cơ hội để gây dựng đức tin của con cái Chúa. Tránh đọc đi đọc lại cách máy móc những nghi thức được in sẵn để mọi người không cảm thấy nhàm chán và không còn chú ý đến ý nghĩa của buổi lễ, nhưng thay đổi những khúc KT có liên hệ và nhờ Đức Thánh Linh hướng dẫn để luôn có lời dạy dỗ mới mẽ và kêu gọi lòng cam kết của con cái Chúa.

Đề nghị #12 – Nhắc nhở con cái Chúa hiểu biết mục đích tối hậu của họ là sống thế nào để phản ảnh tình yêu và sự vinh hiển của Chúa qua đời sống mình. Huấn luyện để mọi người tập được tinh thần làm môn đệ, hy sinh và phục vụ, từ lúc còn trẻ và kéo dài cho đến suốt cuộc đời. Chỉ dẫn họ cách nào sống đời sống Cơ đốc nhân chân chính trong gia đình, tại sở làm, và trong sự chọn lựa nghành học để mỗi người có thể làm muối của đất và ánh sáng cho thế gian.

Đề Nghị #13 – Giúp cho thanh thiếu niên hiểu rõ văn hoá và phong tục dưới cái nhìn của Kinh thánh. Dùng Lời Chúa để đánh giá những biến cố, những triết lý, âm nhạc, những nhân vật quan trọng và danh tiếng. Các bạn trẻ phải có sự hiểu biết rõ ràng về Đức Chúa Trời và thân phận của con người, phải và quấy, thiện và ác, sự đau đớn và đau khổ. Cho họ học qua ít nhất là một sách Tin lành để họ hiểu rõ về đời sống và mục đích của Chúa Cứu Thế Jêsus. Không phải tất cả các trẻ con sinh trong gia đình Cơ-đốc và sinh hoạt thường xuyên với Hội Thánh đều có đức tin. Hãy giúp cho chúng được cơ hội xác nhận niềm tin, cầu nguyện tiếp nhận Chúa khi có đủ trí hiểu biết và nhận lễ Báp-têm.

Đề Nghị #14 – Thay đổi những áp lực biến Mục sư thành một người giám đốc (manager) thay vì là một nhà thần đạo, thành một người quản lý thay vì một lãnh đạo thuộc linh, thành một chủ lễ thay vì một người hướng dẫn thờ phượng. Với sự thỏa thuận của Ban Chấp sự, Mục sư nên giao phó những trách nhiệm hành chánh cho những tín hữu có khả năng và ơn Chúa. Phát triển một tinh thần đồng đội và hầu việc dựa trên căn bản của những ân tứ thuộc linh và lòng phó thác của những tín hữu trưởng thành trong Chúa. Khuyến khích những tín hữu học tập lãnh đạo để phát triển những tiềm năng nhưng bảo tồn quyền hạn và vai trò lãnh đạo của (các) Mục sư.

Đề Nghị #15 – Đòi hỏi hội thánh phải truyền bá Phúc Âm qua sự cách biệt hoàn toàn đối với văn hoá. Họ phải nhớ mình là những người được biệt riêng ra cách rõ ràng, để làm muối và ánh sáng cho thế gian. Luôn luôn từ chối sự hòa giải và làm theo những gì thế gian mong đợi hoặc đòi hỏi. Mục đích của hội thánh khi nhóm lại là để ngợi khen và dâng vinh quang cho Chúa. Lễ hôn phối và an táng phải là những buổi lễ thờ phượng với Đức Chúa Trời là trung tâm điểm. Nếu không làm được cách toàn vẹn thì thà không nên làm.

Đề Nghị #16 – Khuyến khích sự tương giao giữa cơ đốc nhân trong tinh thần đặt Đấng Christ làm trọng tâm. Mối liên hệ gần gủi giữa con cái Chúa với nhau không phải là những liên hệ có tính cách xã giao như những hội ái hữu ngoài đời, nhưng là một sự thể dục thuộc linh. Con cái Chúa sẽ càng cảm thấy gần gũi nhau khi họ dự phần hầu việc Chúa. Những buổi thông công sinh hoạt đều cần phải có phần cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa. Khuyến khích những người trong các nhóm hợp lực và chia nhau những công việc đặc biệt nào đó để làm việc với nhau hầu tạo thêm sự gần gũi. Khích lệ tất cả mọi người dự phần ít lắm một hay hai mục vụ nào đó của hội thánh. Mọi tín hữu (kể cả người lớn tuổi và khuyết tật) đều có thể dự phần vào mục vụ cầu nguyện, là mục vụ cần yếu nhất để yểm trợ cho tất cả các mục vụ khác.

Đề Nghị #17 – Hội Thánh nhỏ hay lớn đều phải có lớp huấn luyện cho những người lãnh đạo tương lai để họ thấy được những gì Lời Chúa đòi hỏi từ thành phần lãnh đạo cũng như phát triển khả năng. Phát triển liên hệ thầy trò (mentoring relationship) giữa những người lãnh đạo đã trưởng thành với những lãnh đạo tương lai. Trong mọi lãnh vực của hội thánh, luôn luôn chọn lựa những người lãnh đạo có đức tánh thánh khiết, khiêm nhường, và khôn ngoan trên phương diện thuộc linh.

Đề Nghị #18 – Khuyến khích mọi thuộc viên của hội thánh nên học qua một hay nhiều khóa huấn luyện để hiểu rõ tầm quan trọng của sự xưng nhận đức tin, đời sống làm chứng nhân cho Chúa, sự dâng hiến cuộc đời để phục vụ Chúa, và những trách nhiệm họ có thể đóng góp vào các mục vụ của hội thánh. Đừng ham có đông số thuộc viên đến nhà thờ để ngồi cho đầy ghế. Hãy khuyến khích những thuộc viên phát triển sự trưởng thành thuộc linh, tinh thần phục vụ, và chứng đạo.

Đề Nghị #19 – Thực hành kỷ luật hội thánh theo cách phòng ngừa và sửa dạy. So sánh sự quan tâm của mọi người về sức khoẻ thể xác với sức khoẻ thuộc linh của họ. Mỗi năm nên tổ chức một lần chương trình “kiểm tra (check up) sức khoẻ thuộc linh” cho con cái Chúa. Những “bác sĩ thuộc linh” sẽ là những người lãnh đạo thuộc linh của hội thánh. Họ sẽ có cơ hội trò chuyện cách thân mật với mỗi tín hữu để tìm hiểu về sự bước đi theo Chúa của họ (nhóm lại, đọc KT, cầu nguyện, kinh nghiệm ơn Chúa, v.v.), sự tăng trưởng thuộc linh (dẩm chân, thối lui, tấn tới?…), và trách nhiệm của họ trong hội thánh (trong năm qua đã mời bao nhiêu thân hữu đến với HT, làm chứng cho bao nhiêu người, giữ chức vụ gì? v.v.). Việc đó giúp cho mỗi tín hữu thấy sự tăng trưởng thuộc linh và sự đóng góp của họ được hội thánh quan tâm đến. Đây cũng là cơ hội để HT có những phần thưởng khích lệ cho những người có công khó đặc biệt mà ít ai biết đến.

Đề Nghị #20 – Đừng bao giờ tìm cách làm cho người nào đó có mặc cảm để khiến họ cảm thấy phải dấn thân làm việc một cách gượng ép, hoặc thách thức họ bằng những lời dua nịnh. Nếu sau khi cầu nguyện và khuyến khích cách chính chắn người nào đó bước vào chức vụ mà họ vẫn từ chối cơ hội, thì cứ để Chúa làm việc trong lòng họ, đừng ép nài nữa. Khi giao cho người nào một công việc, hãy chọn người có khả năng hay phương tiện thích hợp để họ “sở hữu công việc”, tức là để cho họ nhận thấy công việc đó thích hợp với năng khiếu hay ơn tứ của mình, nhờ đó họ mới hăng say trong công việc mà không cần ai khích lệ hay nhắc nhở.

Đề Nghị #21 – Trước những hành vi tội lỗi, phải can đảm đối phó (đối chất, confront), đừng bỏ qua, và đừng giả bộ như không hay biết. Làm điều đó đúng theo cách thức và tinh thần mà Lời Chúa dạy. Phải nói cho người có tội thấy rõ lòng lo ngại chân thành của người lãnh đạo đối với đời sống họ và đối với sự toàn vẹn của hội thánh, hầu cho người có tội không tiếp tục sống trong sự sai lầm của hầu cho sự làm chứng của hội thánh không bị người đời chỉ trích. Nếu người thuộc viên tiếp tục trong đời sống tội lỗi, thì thà rằng hội thánh bị mất một người mà ngăn chặn được ảnh hưởng xấu gây tai hại đến toàn hội thánh và loại bỏ được những gì ngăn trở công việc của Đức Thánh Linh.

Đề Nghị #22 — Tạo những liên hệ với các tín hữu thuộc văn hoá khác và với những vị Giáo sĩ đang phục vụ ở xa. Đến lúc nào đó, hội thánh mình sẽ trở thành khá giả hơn rất nhiều hội thánh ở những quốc gia nghèo khổ (ví dụ ở Ấn độ, Pakistan,…). Nên nghĩ đến việc tạo nên mối liên kết anh em trong Chúa với một vài hội thánh nghèo hơn thuộc văn hóa khác hay quốc gia khác (“hội thánh chị em”, sister’s churches). Bày tỏ tình bạn với họ cách thực tế bằng sự đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể (dâng hiến cho việc xây dựng cơ sở, giúp trả lương cho mục sư trẻ đang lo mở chi hội mới, …) và cầu nguyện cho những nhu cầu của họ.

Đề nghị #23 – Cầu xin Thánh Linh ban cho con cái Chúa có tấm lòng cởi mở và nhạy cảm trước quyền năng của Đức Thánh Linh, sự hướng dẩn của Ngài, và sự vận hành của Đức Chúa Trời trong hội thánh. Thường nhắc nhở tín hữu biết mong muốn sự làm việc của Chúa Thánh Linh trong đời sống mình, tìm kiếm và kinh nghiệm được sự tương giao gần gũi với Đấng Christ. Tập trung mọi nổ lực vào việc gầy dựng đức tin của tín hữu để mỗi lứa tuổi và mỗi trình độ (người mới tin Chúa hay người trưởng thành) đều được nuôi dưỡng cách thích đáng, không có hạng người nào cảm thấy bị bỏ bê.

Đề Nghị #24 – Luôn nhớ là sự sống và tăng trưởng của hội thánh nằm trong sự tể trị tối thượng và sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Trách nhiệm chúng ta (người lãnh đạo) chỉ là dự phần cách tích cực với sự kiên nhẫn của Chúa – trông đợi, chờ xem, làm việc theo đường lối (gương của Đấng Christ) và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Trước tiên, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài chớ không phải tranh đua với những hội thánh khác để giành được một số tín đồ cho đông. Đặt mục tiêu cho công việc của mình là sẽ làm mọi điều theo tinh thần và các đức tánh của Chúa Giêxu cũng như vì vinh hiển Danh Đức Chúa Trời. Amen.

Mục sư Nguyễn Duy Tân

Biên soạn theo tài liệu của MS Douglas D. Webster


Comments

24 Đề Nghị Thực Tế Giúp Xây Dựng HT — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *