HomeGDĐT GÂY DỰNG ĐỨC TINGDĐT.Bài Viết NgắnLịch Sử Bài “Tín Điều Các Sứ Đồ”

LỊCH SỬ BÀI “TÍN ĐIỀU CÁC SỨ ĐỒ”

Cứ mỗi đầu tháng, trước khi dự Lễ Tiệc Thánh, tất cả con dân Chúa cùng đứng lên đọc bài Tín Điều Các Sứ Đồ.  Nhiều người học thuộc lòng bài đọc quan trọng và đầy ý nghĩa nầy. Tuy nhiên, ít người biết về lịch sử và nguồn gốc của bài đó. Tại sao có bài Tín Điều nầy? Và nó đã hình thành ra làm sao?

Bài Tín Điều Các Sứ Đồ trong tiếng Anh là Apostle Creed. Chữ “Creed” phát xuất từ tiếng La-tinh, nghĩa là “tôi tin”. Như vậy, bài nầy mang ý nghĩa là một lời tuyên xưng “những gì tôi tin” hay lời khẳng định giáo lý mà chúng ta hoàn toàn tin cậy. Chúng ta cần nhớ rằng Bài Tín Điều Các Sứ Đồ không phải do chính các sứ đồ của Chúa Giê-xu viết, mà là những lời đặt nền tảng trên sự dạy dỗ của các sứ đồ.

Hội Thánh của Chúa Giê-xu được hình thành trong thập niên 30 sau công nguyên sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Từ một nhóm rất nhỏ đã phát triển không ngừng do tấm lòng yêu mến Chúa và sốt sắng truyền bá phúc âm của Ngài. Điều cốt yếu họ rao giảng là Đức Chúa Giê-xu đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại.

Nhưng chẳng bao lâu sau đó, Hội Thánh buổi ban đầu đối diện với những cuộc bách hại tàn khốc của 9 hoàng đế La-mã ròng rã suốt ba thế kỷ. Rất nhiều tín đồ bị giết hại. Rất nhiều Hội Thánh bị làm cho tan rã, cho đến nỗi con cái Chúa phải chui xuống hầm để trốn tránh. Lịch sử gọi thời gian đó là Hội Thánh Trầm Lặng. Nhưng dù biết bao phong ba bão táp, niềm tin của tín đồ buổi ban đầu vẫn cứ vững vàng, tinh khiết.

Cho đến năm 312 sau công nguyên, hoàng đế Constantine của La-mã được Chúa chinh phục, trở nên một người tin nhận Ngài. Và ông đã tôn cao Đạo Chúa thành một quốc giáo. Hội Thánh được tự do. Nhà thờ mọc lên như nấm. Hàng giáo phẩm được nể vì, được trả lương để thi hành chức vụ. Tuy nhiên, lịch sử đã cho biết đây chính là thời kỳ đen tối, phát sinh rất nhiều giáo lý sai lầm, rất nhiều quan điểm thần học lệt lạc khiến cho nhiều người bề ngoài vẫn tỏ ra sùng kính, nhưng niềm tin nơi Chúa đã dần dần phôi phai, ngờ vực. Hai giáo phái xuất hiện nổi bật nhất trong thời gian từ năm 313-451 là phái Trí Huệ (Gnosticism) và phái Marcion. Hai giáo phái nầy làn tràn khắp nơi, dạy dỗ nhiều tà thuyết hoàn toàn ngược lại với giáo lý của Hội Thánh. Cho nên, để chống lại các tà thuyết và giữ vững niềm tin chính thống, các giáo phụ đã soạn ra bài Tín Điều Các Sứ Đồ.

Chúng ta sẽ tự hỏi những tà phái nầy đã dạy dỗ những gì khiến cho các bậc giáo phụ của Hội Thánh ban đầu phải bận tâm như thế? Phái Trí Huệ chối bỏ sự nhập thể của Chúa Giê-xu và từ khước sự cứu rỗi của Ngài trên thập tự giá. Còn tà phái Marcion không chấp nhận Cựu Ước, không tin Chúa Cứu Thế do một nữ đồng trinh sanh ra, họ cũng không tin có sự sống lại của thân thể mà chỉ có sự cứu rỗi của linh hồn.

Bản tóm lược niềm tin đầu tiên được viết bằng tiếng Hi-lạp vào khoảng năm 200 do giáo phụ Irenaeus. Đến năm 220, giáo phụ Tertullian soạn lại bằng tiếng La-tinh. Nhưng từ ngữ “tín điều các sứ đồ” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 390 sau công nguyên, trong một lá thư của Ambrose viết cho giáo hoàng Siricius. Vào năm 400 sau công nguyên, giám mục Augustine của Bắc Phi đã thừa nhận bản tín điều nầy và được phổ biến rộng rãi đến những vùng thuộc Tây Âu như Pháp, Bỉ, Ý-đại-lợi và Đức. Nhưng người có công hoàn thành một Bài Tín Điều Các Sứ Đồ để được xử dụng cho đến ngày nay trên toàn thế giới là ông Pirminius, người Thụy Sĩ, vào khoảng năm 750 sau công nguyên.

Đọc bài Tín Điều Các Sứ Đồ chúng ta sẽ thấy có bốn lần lặp lại chữ “Tôi tin”. Phía sau hai từ ngữ đó là những giáo lý căn bản mà tín đồ qua mọi thời đại sẵn lòng sống chết để bảo vệ. Đây không phải là một phần của Kinh Thánh, mà là một bảng tổng kết tất cả những gì Kinh Thánh dạy bảo.

Suốt 2000 năm qua, và mãi mãi cho đến khi Chúa Giê-xu tái lâm, những gì đã ghi trong Bài Tín Điều nầy sẽ không cần được biến cải, bởi vì niềm tin mà người Cơ-đốc đặt để nơi Chúa Cứu Thế, là Đấng “hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi”.

Thong Tran – 07.02.2016 – Nguồn: AmazingGraceBlogger


Comments

Lịch Sử Bài “Tín Điều Các Sứ Đồ” — 2 Comments

  1. Có người hỏi tôi rằng vì sao trong bài tín điều các sứ đồ có câu chúa xuống âm phủ vậy trong kinh thánh tin lành có chổ nào ghi là sau khi chết chúa xuống âm phủ không? Xin dẫn chứng giùm
    Cám ơn rất nhiều

    • Xin bạn xem bài viết ngày 5/52017 nhé. Cám ơn bạn đã nêu lên một thắc mắc mà nhiều Cơ đốc nhân xưa nay đã quan tâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *