HomePTLĐ PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO HTPTLĐ.Phát Triển Đức TánhBH – “Bình Tĩnh Để Tránh Hoặc Đối Phó Với Xung Đột” (Phương Pháp Tĩnh Tâm 4T)

saigon-traffic

Bài Học #4:  “Bình Tĩnh Để Tránh hoặc Đối Phó với Xung Đột” – Mục sư Nguyễn Duy Tân

(Loạt Bài Học “Giải Quyết Xung Đột”)

(Phương Pháp Tập Trung Tư Tưởng Để Được Tĩnh Tâm)

“Tôi đã làm cho linh hồn tôi êm dịu an tịnh,
Như con trẻ dứt sữa bên mẹ mình;
Linh hồn ở trong mình tôi cũng như con trẻ dứt sữa vậy. (Thi-thiên 131:2)

Lo lắng, lo sợ là những nguyên nhân đưa đến những áp lực tinh thần (stress), xích mích, xung đột trong gia đình và xã hội. Người ta hay sợ mất quyền lợi, sợ mất chén cơm, sợ mất chức, mất việc làm,… nên sinh ra tinh thần ghanh tị, ghanh ghét, nghi ngờ, tranh đấu, hơn thua, chơi xấu, nói xấu, tìm cách hại nhau… để rồi tự tạo nên những căng thẳng hay áp lực chính trong đầu óc họ. Muốn bớt stress, giảm xung đột trong gia đình và Hội thánh, chúng ta cần biết cách nào giảm bớt sự lo lắng và hờn giận.

Khi chúng ta đang lo âu hay bực tức, ai cũng khuyên chúng ta bình tĩnh, bỏ qua, đừng giận, đừng lo, đừng buồn… Nhưng ít ai chỉ cho chúng ta cách nào để hết lo, hết giận. Muốn đạt đến trạng thái bình tĩnhkhông lo phiền trước tiên chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa ban cho bình an, nhịn nhục, thỏa long, v.v. Nhưng, nhiều khi vì bản tính xác thịt và yếu đuối, chúng ta vẫn cảm thấy lo âu, bục tức.

Nếu được hỏi tại sao chúng ta bị stress thì ai cũng đỗ thừa cho hoàn cảnh hay cho người khác. Thật sự, nguyên nhân của những bực bội và căng thẳng (stress) là vì đầu óc của chúng ta cứ tiếp tục suy nghĩ đến những điều làm cho chúng ta lo lắng buồn phiền. Càng suy nghĩ, chúng ta càng sợ, càng tức, càng cảm thấy áp lực đè nặng. Đó là một vòng lẩn quẩn mà nhiều người không biết cách thoát ra! Các tâm lý gia bảo họ đừng suy nghĩ đến những điều tiêu cực đó nữa nhưng không chỉ cho họ cách nào ngừng suy nghĩ. Phương pháp luyện tập tĩnh tâm mà tôi chia sẻ sau đây sẽ giúp cho các bạn ngừng những suy nghĩ có hại để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đó. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta nên dành một ít thì giờ dùng một vài phương pháp mà tôi chia sẻ để tập luyện thường xuyên hầu cho có thói quen kiểm soát sự suy nghĩ và những cảm xúc của mình, để khi có cần thì chúng ta có thể giữ cho mình được tĩnh tâm hay bình tĩnh hầu ngăn ngừa những xung đột hay đối phó với những bối cảnh đầy áp lực có thể xảy đến cách bất ngờ.

  1. Làm Sao Được Tĩnh Tâm (Luyện Tập Trung Tư Tưởng).

Người Việt có câu “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Đôi khi cuộc đời chúng ta gặp nhiều sóng gió nổi lên, dồn dập, khiến cho chúng ta cảm thấy không đủ sức chịu đựng nếu tinh thần thiếu bình tịnh và tự chủ. Chúng ta nhận thấy, khi gió to bão lớn nổi lên, nhiều cây cối bị gãy cành, tróc gốc, nhưng có một số cây dường như không hề hấn gì.  Con người chúng ta cũng vậy, khi gặp chung một hoàn cảnh và đứng trước những áp lực nào đó của cuộc đời, một số người giữ được bình tĩnh và sáng suốt; trong khi đó một số người khác thì cảm thấy bị áp lực nặng nề, bối rối, lo lắng, tức giận hoặc có những hành động thiếu khôn ngoan. Lý do là áp lực không đến từ bối cành bên ngoài hay từ người khác, nhưng đến từ chính tâm trí chúng ta, đến từ những suy nghĩ trong đầu óc của chúng ta. Đó là tin vui, vì nếu nó đến từ bên ngoài thì chúng ta khó mà kiểm soát được hoàn cảnh hay hành động của người khác, ngược lại chúng ta chỉ là “con rối” và người khác là kẻ giật dây điều khiển cảm xúc của chúng ta. Nhưng vì nó đến từ tâm trí chúng ta, nên chúng ta có thể tự kiểm soát được những áp lực và cảm xúc mạnh mà mình cảm nhận được.

Nếu bạn cảm thấy mình thiếu bình tĩnh, dễ bối rối, nóng nãy, dể nổi giận, phản ứng cách thiếu sáng suốt trước những áp lực và thách thức của cuộc đời, thì đây là một vài phương pháp rất đơn giản để giúp bạn luyện tinh thần. Nhưng biết phương pháp là một việc, muốn đạt được kết quả mong muốn bạn cần phải kiên nhẫn dành thì giờ thường xuyên luyện tập mỗi ngày, thì mới có thể trở thành người bình tĩnh, trưởng thành và có óc sáng suốt trước những thách thức nhỏ lớn của cuộc sống. Dù cần thường xuyên luyện tập, nhưng những phương pháp nầy thật sự không đòi hỏi nhiều thời gian luyện tập như yoga (thiền), zen, hay những phương pháp khác. Vì tôi dám chắc nếu bạn hiểu được những gì tôi chia sẻ thì ngay sau khi học bài học nầy, bạn có thể áp dụng ngay vài phương pháp đơn giản để tự kiểm soát được cảm xúc của mình cách hiệu quả!

Tĩnh tâm là gì? Tĩnh tâm không phải là một phương pháp mà là một trạng thái của tâm hồn, là kết quả của việc luyện tập mà tôi sẽ nói đến.  Việc luyện tập nầy có mục đích giúp cho chúng ta được tĩnh tâm, tức là có một tinh thần yên tĩnh, có óc suy nghĩ sáng suốt, làm được những quyết định khôn ngoan, nhanh lẹ, chính xác và hữu hiệu trước những sóng gió của cuộc đời.  Trạng thái tĩnh tâm cũng giúp cho những cảm xúc của chúng ta ít bị xao động, trầm tĩnh trước những thách thức, không nóng giận, lo âu, sợ hãi v.v.  Tinh thần được bình tĩnh giúp chúng ta biết thỏa lòng với cuộc sống thực tại, và bình an trong mọi hoàn cảnh, bớt căng thẳng trước những áp lực (stress) của đời sống, nhờ đó tránh được nhiều rắc rối do những hành động thiếu suy nghĩ gây nên, cũng như giúp ngừa được nhiều bệnh tật do sự lo lắng, hờn giận, và căng thẳng tinh thần gây ra.

Khía cạnh khoa họcTrước khi nói về phương pháp nầy, tôi xin quý bạn chú ý đến một khía cạnh khoa học nầy, vì nó rất quan trọng cho bài học.  Chúng ta thường nghe nói rằng bộ óc chúng ta có hai phần: bộ óc bên hữu là phần dành cho những cảm xúc, nó làm việc nhiều khi chúng ta cảm thấy lo sợ, áp lực tinh thần, bối rối, bực tức, nóng giận, đó là phần óc của chủ quan v.v.  Bộ óc bên trái là phần dành cho lý trí, khi chúng ta suy nghĩ, tính toán, tìm giải pháp, lắng nghe, chú ý, nhận xét, v.v. Đó là phần óc của khách quan.   Thường thường thì bộ óc chúng ta chỉ có khả năng hoạt động một bên mà thôi.  Đó là lợi điểm, cho nên khi chúng ta đang lo lắng, sợ hãi hay nóng giận (đang dùng óc bên phải) mà chúng ta có thể “switch” hay chuyển được sự suy nghĩ hay những hoạt động từ bên phải qua bên trái bằng cách tập trung tư tưởng vào sự lắng nghe, nhận xét, ghi chép,… thì lúc đó bộ óc bên phải ngưng làm việc, tức thì chúng ta bớt lo lắng hay nóng giận.

Ví dụ điển hình: Đây là một cách đơn giản giúp cho hai đứa trẻ đang giận nhau lấy lại bình tĩnh. Hãy bảo chúng đứng xa ra, mỗi đứa đếm từ 10 đến 1, khi làm vậy chúng phải dùng bộ óc bên trái trong khi bộ óc bên phải không còn suy nghĩ đến cái chuyện làm chúng bực tức khi nãy nữa. Đó là một cách tĩnh tâm đơn giản nhất !

Vì vậy, những phương pháp đưa đến tĩnh tâm mà tôi chia sẻ có mục đích đơn giản là giúp cho các bạn tập chuyển (switch) những hoạt động từ bộ óc bên phải qua bên trái khi có cần, để bạn có thể giảm bớt cách tức thời những cảm xúc có tai hại cho sức khoẻ và đời sống mình.

Khi học biết vài phương pháp nầy và thực hành (tập luyện) mỗi ngày, chúng ta có thể thực hiện điều đó (chuyển hoạt động của bộ óc) rất dễ dàng và nhanh chóng, nhờ đó chúng ta có thể lấy lại bình tĩnh nhanh hơn, dễ dàng hơn, và đạt đến trạng thái tĩnh tâm cho tâm hồn dù hoàn cảnh bên ngoài thay đổi hay đang có nhiều áp lực.

Những phương pháp được nói đến sau đây đều có hiệu lực giúp chúng ta có khả năng chuyển sự chăm chú (focus, chú ý) của chúng ta từ phần óc bên phải (cảm xúc, lo lắng, sợ hải, tức giận,… thuộc thế giới nội tâm) sang phần óc bên trái (lý trí, suy xét, nhận xét khách quan… thuộc thế giới bên ngoài). Mục đích của mỗi phương pháp đều để giúp chúng ta có khả năng chú ý hay tập trung tư tưởng (focus our attention) để nhận xét mọi suy nghĩ, thái độ và hành động của mình, của người khác và mọi sự việc đang diển ra chung quanh chúng ta.  Người làm được những điều đó sẽ thấy sự cải tiến trong sức khoẻ tinh thần và thể xác, trầm tĩnh hơn, có nhiều tự tin để đương đầu (đối phó) với những thách thức, có khả năng chủ động trong mọi hoàn cảnh, và dể đạt đến thành công trong cuộc sống.  Vì cớ đó tôi gọi phương pháp nầy là “Luyện Tập Trung Tư Tưởng” hay nói tắt là ‘‘Phương Pháp 4T”.

2. Cách Luyn Tập Trung Tư Tưởng (T.T.T.T.) Để Được Tĩnh Tâm?

  • T.T.T.T. để được tĩnh tâm không đòi hỏi ta phải ngồi theo kiểu nầy hay kiểu kia, xếp bằng, quỳ, hay đứng, mở mắt hay nhắm mắt, không cần phải đọc đi đọc lại lời kinh kệ nào, không cần một nơi yên tĩnh, có thể thực hiện khi đang đi bộ, đang tập thể dục, đang lái xe, có thể làm bất cứ giờ nào và bất cứ nơi nào.

 

  • T.T.T.T. để được tĩnh tâm không phải là một phương pháp rắc rối duy nhất, nhưng có rất nhiều cách thật đơn giản, mỗi cách đều có áp dụng riêng của nó, nhưng giúp ta đạt được kết quả như nhau.

 

  • T.T.T.T. có mục đích để tập nhận xét những gì đang diển ra chung quanh mình, trong cơ thể hay trong đầu óc của mình. Phải quyết tâm chú ý những chi tiết, nhận xét những diễn tiến (ngoại cuộc) và không để cho đầu óc suy nghĩ đến bất cứ điều gì đang làm cho mình lo lắng, sợ hãi, bực tức, hay bất an (nội tâm). Suy nghĩ là lo lắng.  Người hay lo lắng là người không thể ngừng được những sự suy nghĩ trong đầu óc.  Khi bạn đạt đến khả năng ngừng được những suy nghĩ trong óc, đó là lúc bạn hết lo lắng. Kết quả tối hậu của việc luyện tập nầy là để chúng ta có khả năng ngừng hết mọi sự suy nghĩ trong đầu óc khi cần đối phó với những hoàn cảnh thường tạo nên giao động mạnh cho cảm xúc của chúng ta. Khả năng ngừng suy nghĩ chỉ tập trung vào bối cảnh là trạng thái trong đầu óc một chiến sĩ samurai đang bình tĩnh cầm gươm sẵn sàng chiến đấu. Bạn muốn có được khả năng đó không?  Sau đây là vài phương pháp dể áp dụng nhất để luyện T.T.T.T. (Chú ý, mỗi phương pháp đều có thể hữu dụng cho một số bối cảnh và không thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp).

 

  1. Phương pháp Thứ Nhất: Suy gẫm Lời Chúa: Dành 15-30 phút mỗi ngày để tập trung tư tưởng vào việc đọc Kinh Thánh, suy gẫm đến những điều đang đọc, và giữ cho tâm hồn yên lặng để lắng nghe sự dạy dổ từ Đức Thánh Linh. Khi đang nóng giận, bực tức hay lo lắng mà chịu dành thì giờ đọc và suy gẫm Lời Chúa thì chắc chắn sẽ bớt đi những điều đó. Nhưng tiếc thay, nhiều người lại bỏ qua việc đọc Lời Chúa vì lý do đang tức giận hay lo lắng! Cách cầu nguyện và đọc Kinh Thánh sẽ được bàn đến trong một bài khác. Trong bài nầy tôi chỉ nói đến vắn tắc vậy thôi.

 

  1. Phương Pháp thứ nhì: Nhìn qua cửa sổ: Đó là một phương pháp đơn giản nhất, dành cho những ngày mưa. Ngồi yên nhìn qua cửa sổ, tập trung vào điều gì? – Theo dõi những xe cộ hay người đang qua lại, chim muông, cây cỏ, bong hoa, v.v. trong khi trong đầu không suy nghĩ đến bất cứ điều chi. Việc quan trọng là ghi nhận những sự việc đang xảy ra để giữ cho đầu óc không còn suy nghï đến những điều làm cho mình buồn giận và lo lắng. Nếu cảm thấy tâm trí nhẹ nhàng và các bắp thịt bớt căng thẳng, thì chúng ta đang được tĩnh tâm cách hiệu quả.

 

  1. Phương Pháp thứ 3: T.T.T.T. Giữa Đô Thị náo nhiệt hay một nơi có đông người ồn ào: Chúng ta có thể luyện T.T.T.T. nơi đó được không? Đó là nơi dễ tập luyện nhất, vì có nhiều chi tiết cho ta nhận xét. Ví dụ bạn đang ngồi trên một băng ghế trên lề đường, nơi một góc phố ồn ào, mắt bạn có thể tập trung nhìn những gì đang xảy ra chung quanh. Tai bạn cũng chú ý lắng nghe những tiếng rao hàng trả giá gần xa, nghe rõ tiếng trẻ con đùa giởn, tiếng còi xe đang chạy ngang. Mủi bạn cũng chú ý ngửi những mùi chè bánh, khói thịt nướng gần bên v.v.  Tập luyện nơi đó rất tốt vì ít lắm cả 3 giác quan của bạn phải tập trung sự chú ý vào mọi chi tiết không khác nào bạn là một nhà trinh thám đang quan sát mọi sự để sẵn sàng báo cáo lại cấp trên cách chi tiết những gì đang xảy ra trong thế giới bên ngoài.

 

  1. Phuơng Pháp thứ 4: T.T.T.T. vào một bức hình hoặc tranh vẽ: Đây là cách đơn giản nhất, có lợi trong những ngày mưa gió lạnh lẽo.  Bạn ngồi trước một bức hình hay tranh đẹp và có nhiều chi tiết. Mở mắt nhận xét rõ ràng từng phần của bức tranh, đi qua từng chi tiết, từng nét cọ, từng màu sắc trong 10-15 phút.  Tưởng tượng như bạn là họa sĩ đang vẽ tranh.  Dù hình đó được dùng mỗi ngày, bạn vẫn chăm chú nhận xét mọi chi tiết một cách tò mò như lần đầu tiên.  Cũng đừng quên nhận xét chính tâm trí mình để giữ không cho trí óc lo ra và nghĩ đến điều chi khác.

 

  1. Phương Pháp Thứ 5: Vừa Đi Bộ Vừa T.T.T.T.: Vừa đi vừa nhận xét mọi sự gì mắt đang thấy, tai đang nghe, và mủi đang ngửi được, không khác nào bạn là một nhà báo hay một cảnh sát viên có trách nhiệm nhận xét và ghi lại hết những gì mình quan sát. Nhớ quyết tâm không để cho trí óc suy nghĩ vẫn vơ, hay nghĩ đến những điều dể bận tâm, cũng như không phản ứng trước chuyện gì đang xảy ra (ví dụ như đừng bực bội khi thấy một người ném rác trên lề đường). Cách nầy rất có lợi vì làm đươc 2 điều tốt cùng một lúc: thể dục và luyện T.T.T.T. Có thể T.T.T.T. khi đang lái xe không?  Dĩ nhiên điều đó rất tốt. Vì khi lái xe mà bạn suy nghĩ đến những chuyện làm cho mình buồn bực là bạn đang lo ra và có thể rất nguy hiểm.  Ngược lại, chỉ tập trung tư tưởng vào mọi việc đang xảy ra trước mắt, thấy rõ mọi xe đang chạy nhanh hay chậm lại, thấy đèn thắng sáng lên, thấy có xe đang đổi làn, mắt bạn liết qua liết lại như radar để nhận xét mọi chi tiết, thì lái xe an toàn hơn và bạn cũng đang luyện T.T.T.T. cách tốt đẹp.  Nên lợi dụng cơ hội đang lái xe để luyện T.T.T.T., bạn sẽ tiết kiệm thì giờ cũng như lái xe an toàn hơn.

 

  1. Phương Pháp Thứ 6: T.T.T.T. Vào Hơi Thở: nên nhớ chỉ nhận xét hơi thở, không kiểm soát hay điều khiển phổi hay nhịp thở của mình. Bạn chỉ tập trung chú ý đến hơi thở đang đi ra, đi vào. Nếu muốn tập để tĩnh tâm thì ngồi ghế để làm điều nầy. Phương pháp nầy rất lợi ích cho người vì hay lo lắng mà khó ngủ. Phương pháp nầy tập trên giường sẽ giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ. Vì khi nhắm mắt và chú ý vào hơi thở, đầu óc bạn sẽ mau thấy chán và buồn ngủ. Nếu bạn quên tập trung vào hơi thở, đó là lúc bạn đang suy nghĩ! Nếu tiếp tục, bạn sẽ thấy mình thiếp đi lúc nào mà không hay. Ban đêm bạn cũng có thể tập trung để lắng nghe tiếng tít-tắc của đồng hồ trên tường. Nếu bạn hết nghe tiếng tít tắc đó là vì bạn đang suy nghĩ. Tiếng tít-tắc cũng dễ làm cho bạn mau chán và ngủ hồi nào mà không hay.

 

  1. Phương Pháp thứ 7: T.T.T.T. Vào Hai Mắt Đang Nhắm Lại: Cứ mỗi 4-5 giây 2 mắt chúng ta tự động co rút một cái rất nhẹ. Vì cớ đôi mắt cử động rất là nhẹ nên chúng ta thường không hay biết, chỉ cảm nhận được việc đó khi đầu óc ngừng suy nghĩ và tập trung tư tưởng vào mắt mà thôi. Khi chúng ta không còn cảm thấy (feel) đôi mắt mình cử động nữa, đó là lúc trí óc chúng ta đang lo ra, đang suy nghĩ. Phải tập trung và chú ý trở lại vào đôi mắt. Cách nầy rất lợi ít để giúp chúng ta dể dàng dỗ giấc ngủ. Đây là một phương pháp rất hay cho người khó ngủ vì ban đêm hay suy nghĩ (lo lắng), nhưng nhiều người cần bỏ nhiều thời gian luyện tập mới cảm nhận được sự co rút rất nhẹ của mắt. Khi tập lâu ngày, chúng ta còn khám phá thêm một điều thú vị khác: bạn sẽ nhận thấy trong cơ thể mình có một “năng lực” (làn sóng nhân điện) chạy lên chạy xuống từ đầu đến chân, từ chân lên đầu. Cứ mỗi 4-5 giây thì bạn sẽ cảm nhận đuơọc có một “luồng sóng” tràn vào đầu chúng ta, ngay lúc đó mắt chúng ta co rút một chút, cử động nhẹ.  Nhìn vào mắt một người đang ngủ ngon, chúng ta thấy mắt họ cử động qua lại mỗi 4-5 giây như vậy, các bác sĩ gọi đó là REM (rapid eye movement) khi họ nghiên cứu về giấc ngủ. Khi nào mắt cử động như vậy đó là lúc người ta đang ngủ ngon và có chiêm bao. Giấc ngũ REM rất tốt cho sức khoẻ.  Người trẻ thì giấc ngủ có REM rất dài (60-80%), người lớn tuổi thì giấc ngủ REM càng ngày càng ngắn lại vì phải nằm ngủ lâu mới đạt đến giấc ngủ REM.  Có lẽ khi tập trung tư tưởng vào mắt chúng ta sẽ bước trực tiếp vào giấc ngủ REM.  Nhiều lần tôi nhận thấy khi vừa tập trung vào mắt chừng 1-2 phút là tôi đã ngủ, và ngủ một giấc cho đến sáng.

 

  1. Phương pháp thứ 8: T.T.T.T. Vào Nhân Điện Nơi 2 Bàn tay: Ngồi yên, nhắm mắt, để hai bàn tay thòng xuống giữa hai đùi, xoè hai bàn tay ra, hướng vào nhau nhưng không đụng nhau. Tập trung tư tưởng vào lòng hai bàn tay, dần dần bạn sẽ thấy bàn tay như có điện chạy rần rần và sống động (nhân điện), bàn tay như phồng lên xẹp xuống, có cảm giác như hai miếng nam châm muốn đẫy cho xa nhau. Cứ tập trung vào 2 bàn tay trong 15 phút (chú ý nhận xét cảm giác của nhân điện nơi bàn tay) và ngừng mọi suy nghĩ.  Nếu không thấy cảm giác đó nữa thì đó là lúc đầu óc đang trở sự bận rộn suy nghĩ.  Phải quyết định ngừng suy nghĩ và tập trung trở lại vào cảm giác nhân điện nơi hai bàn tay. Ban đầu nếu khó nhận thấy cảm giác nầy, bạn thử mang găng cao-xu vào (loại găng cao-xu của y tá) sẽ cảm thấy nhân điện dễ hơn. Khi tập đã quen, bạn không cần nhắm mắt, nên bạn có thể dùng phương pháp nầy trong những buổi hội họp đầy căng thẳng.

 

  1. Phương pháp thứ 9: T.T.T.T. Vào Vật Nhọn Đang Châm Vào Ngón Tay: Phương pháp nầy có lợi khi đang ở trong một buổi bàn cãi đầy căng thẳng và xúc động. Bạn dùng đầu nhọn của một cây viết Bic (ball point pen), cầm viết quay mủi viết vào ngón tay cái, dùng ngón cái bấm nhẹ vào mủi viết cho thấy đau ngón tay một chút.  Cái đau đó sẽ giúp ta tĩnh táo hơn và dễ tập trung tư tưởng vào mủi viết. Khi chúng ta cảm thấy bực tức, chúng ta đang tập trung vào óc bên phải (phần của cảm xúc), nhưng khi tập trung sự chú ý vào cái mủi nhọn nơi ngón tay cái, ta đang chuyển sự tập trung vào óc bên trái (phần lý luận và nhận xét), nên sẽ dễ giữ được bình tĩnh và sự sáng suốt trong đầu óc để có thể lắng nghe và nhận định những gì đang diển ra, ví dụ nơi một buổi họp có người đang làm cho bạn hay nhiều người bực tức. Chúng ta có thể dùng một chìa khóa thay vì mủi viết.

 

  1. Phương pháp thứ 10: T.T.T.T. Để Đếm Ngược. Khi áp dụng cho trẻ con: thì bảo chúng đếm ngược từ 10 tới 1 hay từ 20 đến 1. Cho người lớn thì chúng ta có thể đếm từ 100 đến 1, có thể đếm cách 2 số, như 100, 98, 96, 94 v.v., hoặc theo số lẻ khó hơn: 100, 97, 95, 93, 91, 89, 87, v.v. Phương pháp nầy chỉ giúp ta quên ngay những cảm xúc tiêu cực, ngừng suy nghĩ đến những lo lắng, nhưng không thể áp dụng khi đang ở trong một buổi họp đầy căng thẳng, hay đang cần lắng nghe những lời chỉ trích mà mình cần trả lời.

 

  1. Phương pháp Thứ 11: T.T.T.T. Để Nghe Nhạc: Nghe nhạc có ích cho tĩnh tâm không? Mang headphone vào để nghe nhạc êm dịu cũng giúp ta tĩnh tâm và quên đi lo lắng. Nhưng điều trở ngại là khi nghe nhạc nhiều quá, dần dần chúng ta “bị tẫy não” thuộc hết các dòng nhạc, khiến cho đầu óc chúng ta cứ tự động hát suốt ngày như cái máy hát, khó tập trung tư tưởng vào một việc nào đó, như là để học, để nghe giảng hoặc để cầu nguyện, và nhất là khó nghe được tiếng Chúa khi Ngài muốn dạy dỗ hay cảnh báo chúng ta về một điều gì.

 

3. Lợi ích Của Phương Pháp 4T:

  • Bình tĩnh trước áp lực: Khi quen luyện phương pháp 4T rồi, thì bất cứ lúc nào cần thư giản (relax) hoặc cần lấy lại bình tĩnh chúng ta có thể dễ đạt đến trạng thái tĩnh tâm hơn (như trước khi đi ngủ, khi đi thi, khi được thẩm vấn (interviewed), khi gặp chuyện gây cho tinh thần căng thẳng, lo âu, bực tức, lúc đang bị ông chủ rầy la, đang gặp chỉ trích trong phòng họp, bị người khác gây khó khăn, v.v.). Khi đã quen tập tĩnh tâm qua phương pháp 4T nầy, trước một bối cảnh đầy áp lực chúng ta dể tập trung tư tưởng để nhận xét mọi sự việc cách khách quan và cảm thấy bình tĩnh hơn để có thể đối phó với hoàn cảnh cách khôn ngoan và sáng suốt. Chúng ta cũng có thể hành động cách khách quan như một người bình tĩnh và tự chủ vì chúng ta biết nhận xét mọi sự việc, suy nghĩ như người đứng ngoài cuộc và nắm phần chủ động, thay vì phản ứng trước sự việc một cách chủ quan, bối rối và thụ động.

 

  • Trạng thái tĩnh tâm rất cần thiết cho sức khoẻ thể xác và tinh thần, vì sự lo lắng và căng thẳng tinh thần (stress) sinh ra đủ thứ bệnh, như cao áp huyết, loét bao tử, tai biến mạch máu não (stroke), mất ngủ, ung thư, và nhiều bệnh khác. Có nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh rõ ràng sự liên hệ chặc chẻ giửa cảm xúc và sức khoẻ của những cơ quan trong cơ thể. Ví dụ: Bực tức cay đắng sinh ra đau túi mật. Hờn giận sinh bệnh đau gan. Đau khổ, buồn khổ sinh ra bệnh đau tim. Tủi thân, tủi hờn sinh ra yếu lá lách và tiểu đường. Sợ hãi, lo lắng sinh ra đau thận. Nhúc nhác, bực bội sinh ra đau bọng đái. Băng khoăng lo lắng không rõ tương lai sinh ra bệnh bứu cổ.  Lì lợm, cứng lòng, luôn tìm cách bênh vực cho mình sinh ra đau ruột già.  Ghê tởm, chán nản sinh ra đau bao tử v.v. Vì cớ đó chúng ta cần tập để tïnh tâm hầu giúp cho những cảm xúc của chúng ta được quân bình và vững vàng hơn.

 

  • Tïnh tâm giúp cho người tín hữu áp dụng được thiên đàng trong lòng mà Chúa hứa ban cho con cái Ngài. T.T.T.T. giúp chúng ta biết cách lắng lòng xuống, tìm được bình an mà Chúa ban cho. Khi để cho tinh thần đầy bấn loạn, lo âu, sợ hãi, đầy hờn giận, bực tức, chúng ta đánh mất đi sự bình an và vui mừng mà đáng lẽ chúng ta phải có cách tràn đầy trong tâm hồn. Cầu nguyện là môt cách để được tĩnh tâm vì sau khi CN chúng ta thấy bớt buồn lo, sợ häi, hờn giận. Đó là phép lạ, đó là quyền năng Chúa đang hành động nhưng cũng nhờ chúng ta biết tập trung tư tưởng vào những lời hứa của Chúa thay vì vào những điều làm cho chúng ta lo buồn, bối rối và sợ hãi.

 

  • Cầu nguyện chưa đủ để tĩnh tâm sao? Chúng ta phải nhìn nhận rằng có nhiều con cái Chúa dù có cầu nguyện bao nhiêu cũng vẫn thấy không có gì thay đổi vì lòng họ chứa chấp những hờn giận, và không biết tha thứ. Họ chưa học được cách giao phó những nan đề cho Chúa giải quyết, cứ mãi lo nghĩ đến những điều làm cho họ nặng lòng, không dám buông gánh nặng ra để Chúa thế mang. Những người lớn lên trong những hoàn cảnh đầy đau đớn, tủi nhục, trải qua những kinh nghiệm chết chóc, hãi hùng thì dù muốn tin cậy nơi Chúa vẫn khó giử được tâm trí bình tĩnh, khó kiểm soát được những cảm súc xuất phát từ tiềm thức (subconscious mind) sâu kín, nên nhiều khi họ vẫn còn cảm thấy nhúc nhác, sợ hãi, tự ti hay tự kiêu, dể giận, dể nóng giận v.v. Đối với những người đó thì luyện tập trung tư tưởng là một phương pháp rất cần thiết để hổ trợ cho sự cầu nguyện và những thì giờ học hỏi Lời Chúa mỗi ngày, trong khi chờ đợi đời sống thuộc linh họ tăng trưởng hơn, và đạt đến trình độ “tầm thước vóc giạc” giống như Chúa Cứu Thế. Vì khi tâm trí được bình tĩnh thì họ mới có thể sống với những thái độ, hành động và lời nói xứng đáng như Lời Chúa dạy.

 

  • Tâm hồn được an tĩnh giúp chúng ta dể nghe được tiếng nhắc nhở của ĐTL. Chúa sống trong chúng ta qua Đức Thánh Linh (ĐTL). ĐTL là ánh sáng cho lương tâm chúng ta.  Nhưng tại sao chúng ta khó nghe được tiếng phán nhỏ nhẹ của Ngài? Vì những sự lo lắng, những phiền muộn, bực tức và bận tâm của chúng ta là những điều mà các nhà tâm lý gọi là ‘‘sự ồn ào nội tâm’’. Sự ồn ào đó là những sự suy nghĩ vớ vẩn cứ diển ra không ngừng trong tâm trí như cái máy hát diã bị hư, không tắt được.  Đôi khi những ồn ào đó có thể chỉ đơn giản là những tiếng nhạc mà mình đã thu vào đầu óc vì nghe nhạc quá nhiều.  Dù máy mp3 đã tắt nhưng tiếng nhạc vẫn còn ồn ào trong trí óc làm cho chúng ta khó nghe được tiếng Chúa, thường là rất êm dịu và nhỏ nhẹ.  Đó là một lý do nữa khiến chúng ta cần phải tập T.T.T.T. để khi có cần chúng ta có thể tắt hết mọi tiếng ồn ào trong trí óc, tập trung tư tưởng vào sự suy gẩm Lời Chúa, và chú ý đến những lời phán dạy của Ngài.  Samuên khi nghe tiếng Chúa kêu thì thưa rằng: ‘‘Lạy Giêhôva xin hãy phán dạy, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe!’’  Chúng ta cũng phải tập ngừng suy nghĩ, phải lắng nghe thì mới nghe đuợc tiếng phán của Chúa.  Lời Chúa cũng dạy: ‘‘Hãy yên lặng và biết Ta là ĐCT’’ (Thi thiên 46:10).

 

“Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.” (Giê-rê-mi 29:11) .  Chỉ khi nào chúng ta ngồi yên, lắng lòng xuống, thì mới biết Chúa, biết được ý Chúa, hiểu được chương trình (kế hoạch đặc biệt) mà Chúa dành riêng cho mỗi đời sống chúng ta.  Khi nghe một việc gì làm cho mình phật lòng, nếu chúng ta hấp tấp phản ứng thì thường thường là mình làm theo ý riêng và sẽ gây cho hoàn cảnh tệ hại hơn. Nếu chúng ta dành thì giờ cầu nguyện, yên lặng và giữ cho tĩnh tâm, thưa với Chúa: ‘Xin Chúa phán dạy, con đang nghe’ thì chắc chắn së nghe được tiếng phán hay sự soi sáng của Ngài.  Chắc chắn chúng ta sẽ nghe được lời nhắc nhở của Chúa Thánh Linh và sẽ tránh làm những việc đáng tiếc.

  • Chú ý quan trọng: Có vài trường hợp người tín hữu khi tập cho tĩnh tâm lại thấy hồi hộp và lo sợ. Lý do là vì người đó có thể có nhiều điều sai trật trong đời sống hay phạm tội với Chúa.  Khi yên lặng, thì được nghe tiếng ĐTL hay lương tâm cáo trách nên càng thấy bồn chồn lo lắng hơn.  Khi nghe được sự nhắc nhở của Chúa thì nên ăn năn những điều sai quấy mà ĐTL chỉ ra và nhờ Chúa chừa bỏ.  Phải nhờ Chúa giải quyết những điều làm cho mình bất an, ăn năn và xin Chúa tha thứ tội lỗi, xin lỗi người mà mình đã làm cho họ buồn lòng, trả lại vật đánh cắp, v.v. thì lúc ấy bạn mới có được một lương tâm trong sạch và bình an, mới kinh nghiệm được phước hạnh của một tâm hồn được an tĩnh và sức mạnh tinh thần của một người bình tĩnh và tự chủ nhờ luyện tập đều đặn với phương pháp tập trung tư tưởng nầy.

 

Kết luận: Khi bạn bền chí áp dụng một vài phương pháp nầy, thì dần dần bạn sẽ thấy đầu óc mình sáng suốt hơn, dể tập trung tư tưởng và bình tĩnh hơn khi nói chuyện, khi nghe giảng, hoặc khi trình bày một việc gì trước mặt nhiều người. Bạn sẽ kiểm soát được những cảm xúc của mình dể dàng hơn, cảm thấy bình tĩnh hơn trước những thách thức của cuộc sống. Cũng ước mong bạn được sáng suốt hơn để cảm nhận được dễ dàng những sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh khi suy gẩm Lời Chúa hoặc khi cần sự soi sáng của Ngài trong những quyết định quan trọng của đời sống.  Muốn thật hết lòng.


Comments

BH – “Bình Tĩnh Để Tránh Hoặc Đối Phó Với Xung Đột” (Phương Pháp Tĩnh Tâm 4T) — 3 Comments

  1. Cám ơn Chúa vì tài liệu rất quý này. Hết sức quân bình, hợp lý, dễ ứng dụng cho mọi trình độ hiểu biết, trình độ thuộc linh, cá tính. Nguyện Chúa tiếp tục bày tỏ sự khôn ngoan và nhân từ của Ngài qua người viết ( có thể viết thêm nhiều đề tài khác) cũng như người đọc )để được nhận hưởng sự khoan dung Ngài). Ngài là Đấng Ban Cho vô biên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *