“Hãy Cầu Hoà Bình Cho Giê-ru-sa-lem”
Mục sư Nguyễn Duy Tân – © 2023 TinLanhLibrary.info / October 8, 2023
“Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem; Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh.” (Thi thiên 122:6)
Giê-ru-sa-lem và cả xứ Y-sơ-ra-ên đang bị chìm trong khói lửa. Phiến quân Ha-mát đang xâm nhập vào quốc gia nhỏ bé nầy để bắn phá, bắt cóc thường dân, giết cả trẻ con và người già. Họ cũng đã phóng hàng nghìn hoả tiễn vào những nơi có đông người ở. Hàng trăm người dân vô tội đã bị thiệt mạng và thương tích.
Con dân Chúa khắp nơi trên thế giới đang cầu nguyện cho dân tộc nầy, vì dân Do-thái đã và đang gặp nhiều thử thách và đau thương suốt mấy nghìn năm lịch sử của họ. Kẻ thù thật của họ là ma quỷ, luôn tìm đủ mọi cách để mang đến tang thương và chết chóc trên dân tộc nầy, vì họ được Đức Chúa Trời biệt riêng ra khỏi muôn dân, với trách nhiệm bảo tồn và rao truyền kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Ngài, cũng như có những lời hứa ban phước vô cùng đặc biệt cho tổ tông họ là Áp-ra-ham và cho chính họ.
Câu Kinh Thánh trên đây chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời và nhắc chúng ta bày tỏ tình yêu đối với anh em mình. Dưới đây là ý nghĩa và sự dạy dỗ của Lời Chúa thông qua câu này:
Câu này trước tiên khích lệ chúng ta luôn nhớ cầu nguyện cho hòa bình và tìm kiếm hòa bình trong mọi tình huống. Khi cầu nguyện, chúng ta thể hiện lòng mong muốn hòa bình, không chỉ là một tình trạng không chiến tranh, mà còn là sự bình an nội tâm, sự hòa thuận giữa mọi người, lòng khoan dung, và thông cảm trong tất cả các mối quan hệ. Shalom cũng nói đến sức khoẻ lành mạnh và sự thịnh vượng.
Câu này cũng nhắc nhỡ chúng ta không những cầu nguyện cho mình nhưng cũng nghĩ đến hòa bình và phước hạnh cho người khác. Câu này khẳng định rằng ai yêu thương Giê-ru-sa-lem, một biểu tượng về dân tộc Do-thái, sẽ được đáp lại bằng niềm vui và phước hạnh từ Chúa.
Thi thiên 122:6 cũng thể hiện sự kết nối và hiệp một giữa cộng đồng Cơ-đốc với dân tộc được chọn nầy. Qua sự cầu nguyện cho hòa bình và yêu thương đối với dân tộc này, chúng ta thể hiện lòng hiệp thông và tình liên kết giữa những người cùng thờ một Đức Chúa Trời. Ngài đã chọn và yêu thương chúng ta qua dân tộc Do-thái, là con cháu của Áp-ra-ham, một người được nhiều lời hứa đặc biệt từ Ngài (và cũng có kèm theo lời hứa cho chúng ta), chẳng hạn như câu Kinh Thánh sau đây: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa-sả kẻ nào rủa-sả ngươi; và các chi-tộc nơi thế-gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng 12:3)
Khi chúng ta cầu nguyện cho họ thì không khác nào cầu nguyện cho anh em trong gia đình vì chúng ta có cùng một Cha. Dù phần đông dân tộc nầy đang khước từ Chúa Giê-su vì không hiểu rõ rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời của tổ phụ họ, nhưng Ngài không bao giờ bỏ họ và vẫn xem họ là những đứa con đi hoang. Ngày kia chúng ta sẽ chứng kiến sự ăn năn của toàn dân tộc nầy. Chúa đang đau lòng chờ đợi họ trở về với Ngài, nên Ngài rất vui lòng khi thấy chúng ta cầu thay và chúc phước cho họ. Vì cớ đó Ngài hứa rằng ai yêu mến dân tộc nầy sẽ được Ngài ban phước và khiến cho thới thạnh.
Câu nầy cũng nói đến thành Giê-ru-sa-lem là một địa điểm vô cùng đặc biệt trên trái đất, nhưng cũng chiếm một vị thế đặc biệt trong lòng Thiên Chúa. Đây là nơi mà mấy nghìn năm trước, Áp-ra-ham đã dâng con mình là Y-sác cho Đức Chúa Trời, và đây cũng là nơi mà Con của Ngài đã dâng hiến mạng sống mình cho Ngài để chuộc tội cho nhân loại. Đây cũng là nơi Đức Thánh Linh giáng lâm để sáng lập Hội thánh của Đấng Christ và từ đó phát triển Vương quốc Ngài khắp thế giới. Chưa có thành phố nào phải trải qua vô vàn đau đớn bởi những cuộc tấn công không ngừng nghỉ từ đủ mọi kẻ thù. Nhưng Giê-ru-sa-lem vẫn đứng vững suốt hàng nghìn năm qua và sẽ tồn tại đời đời. Chúa yêu thành nầy nên Ngài sẽ trở lại để cai trị thế giới từ thành nầy trong Nghìn năm Bình An. Sau đó Ngài sẽ tiếp tục ngự trong thành Giê-ru-sa-lem Mới đầy vinh hiển để cai trị Vương quốc Thiên Đàng phước hạnh đời đời.
Chúng ta đã hiểu tại sao Ngài yêu mến Giê-ru-sa-lem đến mức độ nào và tại sao Ngài hứa ban phước cho những ai cầu nguyện và chúc phước cho Áp-ra-ham, cho con cháu ông, và cho Giê-ru-sa-lem.
Cầu xin Chúa cho chúng ta có tấm lòng nghĩ đến dân tộc đầy đau khổ nầy vì nhờ họ mà chúng ta được biết Chúa, để luôn cầu xin hoà bình đến với họ. Cũng đừng quên cầu xin cho họ sớm trở lại với Chúa Cứu Thế vì ai chúc phước cho con cháu Áp-ra-ham sẽ được Chúa ban phước lại. Amen.
Comments
“Hãy Cầu Hoà Bình Cho Giê-ru-sa-lem” — No Comments