HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Tự Do Làm Vinh Hiển Cho Đức Chúa Trời” – 1Côr. 10:23 đến 11:1
BH – “Tự do làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời”

(Loạt Bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)

I Côrinhtô 10.23-11.1
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Chúng ta hãy bắt đầu sáng nay bằng cách nói lớn tiếng lời lẽ trong câu 31: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”. Đây là sự dạy nền tảng cho thấy trở thành một Cơ đốc nhân có ý nghĩa như thế nào! Cơ đốc nhân là người không sống vì vinh hiển riêng của mình mà sống để làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
Những nhà Cải chánh và các tín đồ thuộc hệ phái Thanh Giáo đều hiểu rõ nguyên tắc chỉ đạo nầy. Di sản của họ đến với chúng ta theo cách xưng hô và tín điều của họ. Bộ giáo lý ngắn gọn của Westminster căn cứ theo Tín điều Westminster bắt đầu với câu hỏi nầy: Cứu cánh đầu hết của con người là gì. Câu trả lời là: Cứu cánh đầu hết của con người là làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời và tận hưởng Ngài cho đến đời đời”.
Kinh Thánh dạy chúng ta về giá trị của Đức Chúa Trời và khẩn nài chúng ta làm vinh hiển Chúa bằng cách thức chúng ta sống đời sống của chúng ta. Êsai 60.21 chép: “Còn dân ngươi, hết thảy sẽ là công bình. Họ sẽ hưởng được xứ nầy đời đời; ấy là nhánh ta đã trồng, việc tay ta làm để ta được vinh hiển”. Rôma 11.36 chép: “Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng! A-men”. I Côrinhtô 6.20 chép: “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”. Khải huyền 4.11: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên”.
Làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Cụm từ vinh hiển ý cơ bản nói tới “sự rực rỡ, sáng láng”. Cụm từ nầy cũng mô tả giá trị và tính chất quan trọng. Tự điển Webster định nghĩa cụm từ nầy là nét đẹp đẽ và huy hoàng rất lớn. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời có thể được hiểu theo hai cách:
• Thứ nhứt, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là BẨM SINH. Vinh hiển là bản chất của Đức Chúa Trời. Ngài rất vinh hiển. Nếu chúng ta không làm vinh hiển Chúa, điều đó không làm giảm sút đi sự vinh hiển của Ngài. Thực chất, Ngài rất vinh hiển! Vinh hiển không thể bị tách ra khỏi lai lịch của Đức Chúa Trời. Sự vinh hiển của tạo vật là một ảnh ảo sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đấy là lý do tại sao Thi thiên 19.1 chép: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm”.
• Thứ hai, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được TÔN TẶNG. Mặc dù Đức Chúa Trời về thực chất rất là vinh hiển, Kinh Thánh liên tục buộc chúng ta phải dâng hay tôn tặng hoặc dành sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Thí dụ, Thi thiên 29.1-2 chép: “Hỡi các con của Đức Chúa Trời, hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng. Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài; hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giê-hô-va”. Chúng ta không thể làm cho Đức Chúa Trời được thánh khiết hơn như Ngài hiện có, chúng ta không thể làm cho Ngài được mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể công nhận và rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Về thực tế, chúng ta làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách nào? Kinh Thánh đề nghị rất nhiều cách:
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách XƯNG TỘI MÌNH. Giôsuê 7.19 chép: “Giô-suê bèn nói cùng A-can rằng: Hỡi con, xin hãy tôn vinh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, và xưng tội với Ngài” [Bản Kinh Thánh Anh ngữ không ghi là ngợi khen, mà ghi là xưng tội trong câu nầy]. Xưng tội làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời vì việc làm ấy nhìn nhận rằng chúng ta là sai lầm và Ngài là đúng đắn.
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách TIN CẬY VÀO CÁC LỜI HỨA CỦA NGÀI. Rôma 4.20 chép về Ápraham: “Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời được tôn vinh hiển khi chúng ta tin tưởng và tin cậy Lời của Ngài.
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách MANG LẤY TRÁI THUỘC LINH. Chúa Jêsus phán trong Giăng 15.8: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy”. Khi chúng ta đầu phục và để cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời kết lấy trái thuộc linh như “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ…” thì Đức Chúa Trời được vinh hiển (Galati 5.22).
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách DÂNG LÊN LỜI NGỢI KHEN. Thi thiên 50.23 chép: “Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh ta; Còn người nào đi theo đường ngay thẳng, Ta sẽ cho thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời”. Hêbơrơ 13.15 chép: “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời”.
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách CHỊU KHỔ VÌ NGÀI. I Phierơ 4.14 chép: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em”.
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách CẦU NGUYỆN. Chúa Jêsus đã hứa trong Giăng 14.13: “Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con”.
• Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách RAO TRUYỀN ĐẠO CỦA NGÀI. II Têsalônica 3.1 chép: “Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy”.
Nếu bạn có mặt ở đây với chúng tôi trong phần nghiên cứu từng câu một trong sách I Côrinhtô, bạn biết rõ sứ đồ Phaolô đang viết về cách sử dụng sự tự do của chúng ta trong Đấng Christ. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, ông giục giã chúng ta phải nhớ luôn luôn làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời trong phương thức chúng ta sử dụng sự tự do quí báu của chúng ta.
I. Bốn nguyên tắc của sự tự do Cơ đốc (các câu 23-30).
A. GÂY DỰNG TỐT HƠN LÀ HÀI LÒNG (câu 23).
Câu 23 chép: “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt”. Khi Phaolô nói: Mọi sự đều có phép làm ông đang lặp lại những gì ông đã nói rồi ở 6.12. Điều ông nói, ấy là trong vai trò người tín đồ chúng ta không bị ràng buộc bởi luật nghi thức của Cựu Ước. Là Cơ đốc nhân của Tân Ước, chúng ta được tự do làm bất cứ điều chi không bị Kinh Thánh cấm đoán.
Tuy nhiên, vị Sứ đồ đưa ra câu nói “chẳng phải mọi sự đều có ích”. Ông tiếp tục nói rằng dù mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Cụm từ làm gương tốt ra từ chữ Hy lạp oikodomeo có ý nói “xây một ngôi nhà” và vì thế phải “xây lên”. Trong khi chúng ta được tự do để làm nhiều việc, những gì chúng ta làm có thể không có ích và có thể nó sẽ không gây dựng đức tin của chúng ta hay đức tin của nhiều người khác ở chung quanh chúng ta. Có phải gây dựng hay thỏa lòng là động lực của chúng ta? Người chưa được cứu tìm kiếm sự thỏa lòng riêng tư. Người sống để làm đẹp lòng mình và làm phu phỉ những khao khát của xác thịt mình. Những kẻ theo tà giáo trong thời của Phaolô có khuynh hướng nói: “Chúng ta hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (15.32). Đấy là tâm lý “bạn chỉ đi lòng vòng”. Tâm lý ấy bốc mùi ích kỷ và lấy cái tôi làm trung tâm.
Mặt khác, bởi chính sự xác định một Cơ đốc nhân là phải sống giống như Đấng Christ và Chúa Jêsus không sống với phương thức lấy cái tôi làm trọng tâm. Thực vậy, câu nói về sứ mệnh của cá nhân Ngài được thấy ở Mác 10.45, ở đây chép: “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Ở 14.26 Phaolô nói: “Hãy làm hết thảy cho được gây dựng”. Vì vậy, khi đối diện với quyết định có nên thực thi sự tự do Cơ đốc của chúng ta hay không, không phải thắc mắc Kinh Thánh có cấm đoán hay không, chúng ta nên thắc mắc điều nầy có làm gương tốt hay gây dựng không!?! Một lần nữa: Mọi sự tôi có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chỉ vì chúng ta được tự do không có nghĩa là chúng ta luôn luôn thực thi sự tự do của mình. Gây dựng tốt hơn là thỏa lòng.
B. QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC THÌ TỐT HƠN LÀ QUAN TÂM ĐẾN BẢN THÂN MÌNH (câu 24).
Câu 24 chép: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”. Nguyên tắc thứ hai nầy còn đòi hỏi nhiều hơn nguyên tắc thứ nhứt. Không một ai nên tìm lợi cho riêng mình, nghĩa là, người ấy không nên tìm cách gây dựng cho mình trước hết. Thay vì thế, người ấy nên tìm cách vì lợi cho người khác”. Cho nên bạn làm gì để gây dựng cho bạn thì chưa phải là đủ. Chúng ta phải tìm cách gây dựng cho người khác trước tiên.
Hạng người ngồi “hàng ghế đầu” trong nhà thờ, những nhà truyền đạo, các giáo sư, ca đoàn và những người đánh đàn phải rất cẩn thận vì họ không làm những việc chỉ để thỏa mãn cho cá nhân họ. Bạn có nhớ Chúa Jêsus đã phán gì về người dòng Pharisi, họ đưa ra những lời cầu nguyện dài dòng, có phải những việc làm từ thiện và đặt tro lên đầu họ để chứng tỏ sự họ kỉnh kiền không? Ngài phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi” (Mathiơ 6.2, 5, 16).
Đúng là gây dựng khi rao giảng Lời của Đức Chúa Trời. Tôi yêu mến việc rao giảng. Tuy nhiên, tôi phải cẩn trọng vì tôi không giảng chỉ để làm đẹp lòng mình. Tôi giảng để gây dựng bạn. Tôi cần cung ứng cho bạn không những điều tôi phải nói hoặc điều bạn thích nghe, mà còn cung ứng toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời nữa. Tôi không giảng cho tôi đâu; tôi giảng cho bạn đấy.
Một dấu hiệu của sự trưởng thành là đặt tha nhân lên trên hết. Kết quả cho thấy dấu hiệu trưởng thành đang đặt lên chính mình bạn trước hết. Những đứa trẻ còn nhỏ minh họa cho điều nầy rất thường xuyên. Chúng bước vào thế giới nầy nắm chắc với những gì chúng đã tiếp thu và mau chóng học biết hô lớn tiếng lên Của tôi! Tôi có thể nói mấy đứa con của tôi đang lớn lên trưởng thành hơn khi chúng biết chia sẻ mà chưa được dạy cho phải làm như vậy.
Hãy sử dụng sự tự do của bạn để làm ích cho nhiều người khác chớ chẳng phải cho bản thân bạn. Philíp 2.3-4 chép: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”. Vì vậy, hãy quan tâm đến tha nhân thì tốt hơn là chỉ quan tâm đến bản thân mình.
C. TỰ DO TỐT HƠN LÀ THIÊN VỀ VỚI LUẬT PHÁP (các câu 25-27).
Câu 25 chép: “Phàm vật gì bán ở hàng thịt, hãy ăn, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi về việc đó”. Đây là câu trả lời đặc biệt cho câu hỏi của người thành Côrinhtô về việc ăn thịt được đem cúng cho thần tượng. Nếu họ mua ngoài hàng thịt và thấy một miếng thịt ngon họ không cần phải hỏi không biết miếng thịt đó có được cúng cho thần tượng hay không!?! Phaolô nói hãy mua và ăn vật gì bán ở hàng thịt, đừng hỏi chi hết.
Tại sao chứ? Vì cớ lương tâm. Họ không nên đánh thức lương tâm họ với những thắc mắc như vậy. Thịt từ đâu ra thì chẳng có gì khác biệt đâu. Thịt được đem bán tại chợ công khai đã mất ý nghĩa của nó là một của lễ rồi.
Phaolô tiếp tục ở câu 26 trưng dẫn Thi thiên 24.1: “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va”. Phân doạn nầy là sự công nhận chung giữa vòng người Do thái trước bữa ăn. Đức Chúa Trời là Đấng Tiếp Trợ và Ban Cho từng ân tứ tốt lành và các ân tứ của Ngài phải được con cái Ngài thưởng thức. Ngay cả nếu con thú được dâng làm của lễ cho một tà thần, nó vẫn còn là một con thú mà Đức Chúa Trời dự trù để làm thực phẩm cho con người và những người theo tà giáo không thể làm thay đổi mục đích của nó. I Timôthê 4.4-5 chép: “Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được; vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh”.
Thêm nữa, Phaolô nói ở câu 27: “Nếu có người chẳng tin mời anh em, và anh em muốn đi, thì không cứ họ dọn ra đồ gì, hãy ăn đi hết thảy, đừng vì cớ lương tâm mà hỏi chi hết”. Câu nầy cũng rất là quan trọng vì nó dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không nên tự phân rẽ mình ra khỏi những người chưa phải là Cơ đốc nhân. Chúa Jêsus phán ở Mathiơ 10.16: “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bò câu”. Chúng ta cần phải làm bạn với những người chưa tin Chúa.
Chúng ta cần phải đến nhà của họ rồi mời họ đến nhà của chúng ta. Chúng ta làm bạn của họ để làm chứng Đấng Christ cho đời sống của họ. Vì vậy, đối với người thành Côrinhtô Phaolô giải thích rằng khi bạn đến nhà của một người chưa tin Chúa, đừng tỏ ra mình thiên về với luật pháp. Không một người chưa tin Chúa nào dám mời bạn một khi bạn quá cứng ngắt, tự xưng công bình và thiên về với luật pháp. Đừng đưa ra những thắc mắc về thịt. Hãy ăn thịt ấy với thái độ biết ơn rồi trao đổi với họ về Đấng Christ.
Nhiều Cơ đốc nhân tự cô lập mình khỏi thế gian do hình thái thiên về với luật pháp của chính họ. Họ tự áp đặt cho mình những quy điều và luật lệ rồi trở nên quá kiêu căng không hợp với những người chưa được cứu, họ chưa chia sẻ quan điểm của họ. Chúa Jêsus không sống theo phương thức đó. Ngài là Thiết Hữu của hạng tội nhân. Phaolô không sống theo phương thức đó. Ông chủ ý dấn thân vào các mối quan hệ với người chưa được cứu để dẫn dắt họ đến với Đấng Christ. Hãy sử dụng sự tự do của bạn để giúp dẫn đưa nhiều người khác đến với Đấng Christ. Tự do thì tốt hơn là thiên về với luật pháp.
D. HẠ MÌNH THÌ TỐT HƠN LÀ XÉT ĐOÁN (các câu 28-30).
Câu 28 thêm: “Song nếu có ai nói với anh em rằng: Cái nầy đã dâng làm của cúng, thì chớ ăn, vì cớ người đã bảo trước mình, lại vì cớ lương tâm; vì đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va”. Giả dụ trong bữa ăn tối tại tư thất của một người chưa tin Chúa, Phaolô nói thêm: Bạn đang ngồi vào bàn rồi có người đến nói cho bạn biết thịt đã được dâng làm của cúng. Rõ ràng người duy nhứt nói cho bạn biết điều nầy chính là một tín hữu khác, họ vốn quan tâm đến điều ấy. Trong trường hợp đó, Phaolô nói cho họ biết đừng ăn thịt vì cớ người đã bảo trước mình, lại vì cớ lương tâm [của chính bạn]”.
Họ cần phải hạn chế sự tự do của họ để không làm mất lòng người anh em yếu đuối hơn hay châm chọc vào lương tâm của họ. Sự lặp lại Thi thiên 19.1 ở phần cuối câu nầy không thấy có trong bản thảo mà được thêm vào về sau.
Hãy xem kỹ các câu 29-30: “tôi chẳng nói về lương tâm anh em, nhưng về lương tâm người đó. Vả, vì cớ nào sự tự do tôi phải bị lương tâm kẻ khác đoán xét? Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai?” Sự ghi chép như thế nầy khiến cho khó giải thích. Chúng ta hãy xem xét ba ý nghĩa khả thi.
Thứ nhứt, hai câu nầy có ý nói rằng chúng ta cần phải cẩn thận trong việc xét đoán sự tự do của người khác. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không cảm thấy sự tự do can dự vào việc gì đó không có nghĩa là chúng ta sẽ đem những cảm xúc của mình phục theo các tín hữu khác. Trong trường hợp nầy Phaolô hỏi: “Nếu tôi tạ ơn rồi ăn, cớ nào vì một bữa ăn đã cảm ơn mà lại bị chê bai [bị xét đoán bởi người khác]”. Trong phần bàn luận khác về chính đề tài nầy, Phaolô viết ở Rôma 14.3-4: “Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; – song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng”.
Thứ hai, hai câu nầy có ý nói rằng chúng ta không cần phải sử dụng sự tự do của mình để làm dịp vấp phạm. Nói như thế thì phù hợp với văn mạch. Vì cớ lương tâm của người khác tôi sẽ không cố ý làm vấp phạm và khiến cho sự tự do của tôi sẽ bị “xét đoán bởi lương tâm của kẻ khác”. Nói cách khác, thà là tránh đừng ăn thịt hơn là phải lo lắng với việc làm cho một anh em vấp phạm và khiến cho người ấy phải xét đoán bạn bởi chính lương tâm của người ấy.
Thứ ba, hai câu nầy có thể là một cách nói. Trong các tác phẩm của ông, Phaolô thường sử dụng tư thế công kích xa xưa khi đưa ra phần bàn luận của mình, trong đó ông đưa ra những thắc mắc từ quan điểm của đối thủ rồi kế đó phá hủy phần bàn luận ấy với lời đáp rất cụ thể. Đây là phần trong dấu ngoặc: Tại sao tôi lại bị xét đoán bởi lương tâm của ai đó. Nếu tôi hưởng món ăn nầy rồi dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì món ăn đó, sao có người lại hậm hực muốn bỏ thức ăn đó vì người ấy nghĩ tôi sai. Câu trả lời cho phần bàn luận nầy nằm ở câu 31, chúng ta cần phải làm mọi sự vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chớ không phải cho sự thỏa lòng của chính chúng ta.
Tuy nhiên, bạn đang lý giải phân đoạn Kinh Thánh nầy, có một lẽ thật rất là chắc chắn, thà là hạ mình xuống và hạn chế sự tự do của mình vì cớ người khác hơn là bị xét đoán bởi lương tâm của họ.
II. Hai mục đích của sự tự do Cơ đốc (các câu 31-33).
A. MỌI SỰ PHẢI ĐƯỢC LÀM RA VÌ CỚ SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (câu 31).
Giờ đây, chúng ta cần phải quay trở lại với phần trọng tâm của phân đoạn nầy: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”. Dù là ăn thịt có thể hoặc chưa được đem cúng cho thần tượng hay uống một ly rượu hoặc bất cứ thứ gì khác: “hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”. Với mọi sự bạn làm, hãy làm theo một phương thức mà Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh hiển.
I Phierơ 4.11 chép: “Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men”. Côlôse 3.17 chép: “Mặc dầu anh em nói hãy làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.
Bất cứ điều chi đề cập tới nhiều việc hơn là chỉ có đồ ăn và thức uống. Mỗi phương diện trong đời sống của Cơ đốc nhân phải được tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Điều nầy bao gồm công việc, đời sống gia đình, các bộ môn thể thao, âm nhạc, sở thích, tình dục, của cải và những thứ chúng ta ăn và uống.
Đức Chúa Trời sẽ được tôn vinh hiển qua dân sự của Ngài cả trong phước hạnh hay trong kỷ luật. Israel đã từ chối không tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách liên tục quay trở lại với thói thờ lạy hình tượng. Đức Chúa Trời đã để cho họ phải bị đánh bại bởi các kẻ thù rồi hiển nhiên bị dẫn vào cuộc phu tù. Mọi sự nầy đã xảy ra để Đức Chúa Trời được tôn vinh hiển thậm chí trong sự bất tuân của họ. Đức Giêhôva phán trong Êxêchiên 36.23: “Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta, là danh đã bị phạm trong các dân, giữa các dân đó các ngươi đã phạm danh ấy. Chúa Giê-hô-va phán: Như vậy các dân tộc sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va, khi trước mắt chúng nó ta sẽ được tỏ ra thánh bởi các ngươi”.
B. MỌI SỰ PHẢI ĐƯỢC LÀM VÌ ÍCH CỦA CON NGƯỜI (câu 32).
Câu 32 chép: “Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội thánh của Đức Chúa Trời”. Không những sự đầu phục của chúng ta chỉ để tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời, mà còn để giúp đỡ cho nhiều người khác nữa. Phaolô truyền rằng chúng tađừng gây vấp phạm cho bất cứ ai. Chúng ta không nên cố ý gây vấp phạm những kẻ đang ở ngoài Hội thánh, người chưa được cứu, người Do thái và người dân Ngoại tà giáo. Chúng ta cũng không nên làm vấp phạm Hội thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên gây cho các tín hữu khác phải vấp ngã vì cớ sự tự do của chúng ta.
III. Một khuôn mẫu của sự tự do Cơ đốc (các câu 33-11.1).
Phaolô nói trong câu 33: “hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu”. Khi Phaolô nói ông cố gắng để làm đẹp lòng mọi người điều nầy không có nghĩa ông là một kẻ chuyên làm đẹp lòng người ta đâu. Trước tiên và trên hết, ông làm sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Ông đã cung ứng cho người tatoàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời”. Cái điều Phaolô muốn nói ở đây có liên quan đến những gì ông đã nói trong Rôma 12.18: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”. Ông đã ra sức không hề gây cho ai vấp ngã hay phật lòng bởi các hành động của ông.
Phaolô nói ông sống “chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người”. Mục tiêu chính của ông là để họ được cứu. Mục tiêu tối thượng của Phaolô trong sự tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời là ơn cứu rỗi cho kẻ bị hư mất. Khi có nhiều người được cứu, Đức Chúa Trời được tôn vinh hiển.
Chẳng có một sự bất đồng nào trong chương khi Phaolô viết thư tín nầy và hầu hết các giáo sư dạy Kinh Thánh đều đồng ý rằng 11.1 phù hợp hơn với chương 10. Câu nầy chép: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy”. Trong 18 tháng ông ở với người thành Côrinhtô, ông đã chỉ cho họ thấy bằng lời lẽ, thái độ, và tấm gương thể nào họ nên sử dụng sự tự do của họ. Ông có thể nói chắc: Hãy bắt chước tôi. Bạn có cảm thấy dám chắc trong đời sống của mình để bạn có thể nói câu ấy với nhiều người khác không? Tôi mong là như thế. Lý do Phaolô dám nói: Hãy bắt chước tôi là vì ông đang làm hết sức mình đểBắt chước Đấng Christ. Chúng ta hãy kết thúc bằng cách xem lại khuôn mẫu ở Philíp 2.5-11: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.

Comments

BH-“Tự Do Làm Vinh Hiển Cho Đức Chúa Trời” – 1Côr. 10:23 đến 11:1 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *