HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG – Tại Sao Kinh Thánh Là Sách Đáng Học?

Mục sư Nguyễn Duy Tân –  © 2022 TinLanhLibrary.info

Những ngày qua những hội thánh ở Ukraina đang kêu gọi các nước gởi cho họ những cuốn Kinh Thánh bỏ túi vì các người lính của họ cần mỗi người một quyển để mang theo khi ra chiến trường vì họ không có đủ để phân phát. Tại sao những người lính không mang sách gì khác mà chỉ cần Kinh Thánh? Vì Kinh Thánh là quyển sách duy nhất mang đến sự an ủi và khích lệ cho những người đang ở trong những hoàn cảnh đầy sợ hãi, khó khăn, hay áp lực.

Tại sao xưa nay những người khôn ngoan nhất, tất cả các vị tổng thống Mỹ, cũng như những vị mục sư đầy ơn Chúa không ngừng dành thời gian để nghiên cứu Lời Chúa dù đã già nua cao tuổi. Dù Kinh Thánh chỉ là một quyển sách tương đối không quá dày, nhưng những học giả dường như cảm thấy không bao giờ có thể học hết được những lẽ thật được chứa đựng trong đó! Kinh Thánh dường như là một kho tàng đào mãi mà không tìm hết được những châu báu được Chúa giấu kín trong đó. Tại sao mà Kinh Thánh lạ lùng thế? Câu trả lời cho chúng ta là vì…

I. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời:

Tác giả của Thánh Kinh chính là Đức Chúa Trời. Kinh Thánh được xem là bức thơ của Ngài cho nhân loại. Ngài là Đấng vĩ đại vô hạn, nên những gì Ngài truyền đạt qua bức thơ nầy là vô hạn, là không bao giờ chúng ta dám nói rằng mình đã hiểu biết hết Lời Chúa! Dù chúng ta đã có ba bằng tiến sĩ và làm giáo sư trường Kinh Thánh thì vẫn phải tiếp tục nghiên cứu Lời Ngài.

Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, vì không có người nào tự suy nghĩ rồi viết ra một sách nào trong Kinh Thánh. Ngài chính là tác giả, cho nên Kinh Thánh không có những lẽ đạo mâu thuẩn với nhau. Dù có trên 40 người viết, những người thuộc nhiều thời đại trong lịch sử, và xuất thân từ mọi tần lớp trong xã hội, nhưng họ đã viết Lời Chúa như một người mà thôi. Kinh Thánh được viết trong khoảng thời gian dài 1500 năm, với không biết bao nhiêu thay đổi trong lịch sử và văn hoá, nhưng những lẽ thật trong Kinh Thánh không khác nào xuất phát từ một tác giả mà thôi, và tác giả đó chính là Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho nhân loại, là bức thơ tình gởi đến họ để họ biết rằng Ngài yêu họ. Ngài yêu đến nỗi đã ban Con Ngài chết thay cho họ và tha thứ tội lỗi họ. Ngài có mục đích rõ ràng cho nhân loại, có một kế hoạch cứu rỗi lạ lùng dành cho họ, một kế hoạch thực tế và hợp lẽ nhất, một giải pháp cho cuộc sống hiện tại và cuộc sống đời đời vô tận!

Kinh Thánh gồm có những chân lý đầy đủ nhất so với những kinh sách khác trên đời nầy. Lời Chúa là lời vàng ngọc, là ánh sáng của sự khôn ngoan giúp cho người tìm kiếm những lẽ thật đó để biết rõ lối đi, như Đa-vít nói: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi thiên 119:…). Vì Kinh Thánh chứa đựng những lẽ thật xuất phát từ Đức Chúa Trời nên có cặp theo quyền năng lạ lùng của Ngài để mang đến sự biến đổi tích cực trong đời sống những ai dám tin cậy những lẽ thật đó và áp dụng vào đời sống mình.

II. Cả Kinh Thánh được ghi chép do Đức Chúa Trờisoi dẫn:

2 Tim. 4:16a — “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn…” (All Scripture is God-breathed… )

Ở đây Phao-lô nói đến bản Kinh Thánh trong nguyên ngữ. Đức Chúa Trời soi dẫn những tiên tri và những người đã viết xuống như Môi se, Đa-vít, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên, v.v… và các Sứ đồ của Ngài để họ ghi chép xuống.

Soi dẫn = God-breathed = hà hơi. Những gì các người viết Kinh Thánh ghi xuống đều đến từ hơi thở của Đức Chúa Trời, là Lời Ngài phán với họ. Họ ghi chép theo sự soi sáng của Ngài, và nhiều lúc họ ghi xuống những mệnh lệnh rõ ràng từ Ngài, nhất là khi họ ghi rằng: “Có lời của Đức Giê-hô-va phán rằng…” ,“… lời của Đức Giê-hô-va được phán riêng cho thầy tế lễ Ê-xê-chi-ên…”, “Ngài phán cùng ta rằng…”, “Hãy nghe điều Ta phán cùng ngươi…” v.v.

2 Phie 1:21 – “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.

“Cảm động” = Inspired = tiếng Anh có nghĩa như là “thở vô”, nhưng  nguyên văn = nghĩa là “thở ra”, đồng nghĩa với từ “hà hơi”. Lời Thánh Kinh là Lời “ra từ miệng Đức Chúa Trời”. Lời Thánh Kinh không phải do loài người đặt ra nhưng do họ nghe được tiếng phán của Đức Thánh Linh mà chép xuống.

Sự hà hơi đó là nói đến bản Kinh Thánh nguyên bổn. Chúng ta không nên xem bản dịch nào là bản được Đức Chúa Trời “hà hơi” hay “soi dẩn”. Dù rằng các người dịch Kinh Thánh cũng được Chúa Thánh Linh hướng dẫn và soi sáng trong khi họ bàn thảo nhau, nghiên cứu khi biên dịch. Khi Lời Chúa nói rằng “một chấm một nét” cũng không được thay đổi, thì đó không phải nói đến những bản dịch, nên chúng ta không nên bắt bẻ cách thái quá từng chữ từng lời trong các bản dịch khác nhau, ngoại trừ chữ đó thay đổi lẽ thật của Lời Ngài. Những bản dịch khác nhau rất có ích khi chúng ta dùng những bản đó để nghiên cứu Lời Chúa. Nhờ đối chiếu (so sánh) nhiều bản dịch khác nhau chúng ta hiểu rõ hơn những gì Chúa muốn bày tỏ qua Lời Ngài.

Một ví dụ: Trong 2Phierơ 1:21 trên đây, Bản truyền thống 1921 dịch là “bởi ĐTL cảm động” thì trong Bản Dịch Mới dịch là “được ĐTL tác động”. Còn Bản Hiệu Đính và Bản 2011 dịch là “được ĐTL cảm thúc”. Bản Hiện Đại và Bản Diễn Ý dịch là “cảm ứng”, và bản Phổ Thông thì dịch là “soi dẫn” như trong 2Timôthê 4:16. Nhờ so sánh nhiều bản dịch khác nhau mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn những từ hay câu khó hiểu trong Lời Chúa. Chúng ta có thể dùng phần Kinh Thánh trong trang mạng của Viet Christian để tìm thấy ít lắm 8 bản dịch khác nhau bằng Việt Ngữ, rất lợi ích cho việc nghiên cứu Lời Chúa.

III. Kinh Thánh Chứa Đựng Những Chân Lý Lợi Ích Cho Đời Sống:

2 Tim. 3:16 — “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

>> Dạy dỗ: Kinh Thánh cho chúng ta những thông tin và kiến thức mà không có ai hay tôn giáo nào trên đời này dạy, không có tâm lý gia hay triết lý gia nào có thể sánh bằng. Kinh Thánh là tài liệu duy nhất dạy chúng ta về nguồn gốc của loài người, sự sáng tạo trời đất, sự sống đời đời, thiên đàng, địa ngục, cuộc chiến với các thần dữ, sự hiện hữu của thiên sứ, lời tiên tri về lịch sử của nhiều quốc gia, tương lai của thế giới, v.v… Lời Chúa cũng giúp cho chúng ta những giải pháp cho mọi nan đề của cuộc sống đầy phức tạp và những lẽ thật có thể áp dụng trong mọi thời đại, mọi văn hoá, mọi xã hội! Khi chúng ta gặp bất cứ nan đề nào, từ việc bị vu oan đến đau bệnh, nếu tìm đến Lời Chúa, chúng ta mới có thể khám phá được sự khôn ngoan và quyền năng lạ lùng của Lời Ngài là thế nào để giúp cho chúng ta tìm được giải pháp cho những nan đề và sự an ủi mà chúng ta cần.

>> Bẻ trách: “Bẻ trách” là cáo trách bởi chân lý. Đối với người thành tâm thì Lời Chúa có tác dụng thay đổi tâm trí của họ, sửa đổi những tư tưởng và thành kiến đã từng ăn sâu vào tâm khảm của họ, điều chỉnh những phong tục tập quán sai lầm hay thuộc về điều ác. Có một người Hàn quốc kia có tiệm bán rượu. Sau khi tin Chúa ông được Lời Chúa cáo trách nên cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con cần biết ý Chúa về việc tiệm rượu của con. Con sẽ không đăng báo bán tiệm, nhưng nếu có người tự nhiên đến hỏi mua đúng giá $ —— đó thì con tin rằng Ngài muốn con dẹp tiệm nầy để làm việc khác.” Chẳng bao lâu, có người tự nhiên bước vào tiệm đòi mua và sẵn sằng trả giá y như ông chủ nầy đã suy nghĩ. Ông biết đó là ý Chúa nên bằng lòng bán ngay. Có một người Mỹ kia có tiệm bán sách, ông cũng bán những loại sách khiêu dâm cho người lớn. Sau khi tin Chúa ông được lời Chúa cáo trách nên mang tất cả các sách đó ra bãi đậu xe đốt hết. Các nhà báo đến hỏi thăm. Ông nói rằng không ai bảo ông làm hết, chính Lời Chúa muốn ông sửa đổi và làm như vậy.

>> Sửa trị: Là giúp sửa người ta trở lại đường ngay thẳng, để giúp cho họ khỏi phạm tội hoặc bị rơi vào đời sống làm nô lệ cho ma quỷ. Khi lái xe trên đường cao tốc bên Âu Mỹ, chúng ta thấy người ta có gắn những miếng plastic nhô lên để phản chiếu ánh sáng nhưng cũng có mục đích để tạo nên những tiếng rêm bùm bụp khi bánh xe cán lên, làm cho người lái giật mình trở lại con đường thẳng. Lời Chúa cũng cảnh tỉnh chúng ta như vậy. Nhiều người không thích đọc Kinh Thánh vì Lời Chúa sửa dạy tâm trí họ, khiến cho họ khó chịu cũng như không thích vâng lời. Khi phạm luật lưu thông nếu không gặp cảnh sát thì chúng ta không bị phạt. Nhưng nếu không vâng Lời Chúa thì chúng ta không thể nào thoát khỏi con mắt của Đức Thánh Linh là Đấng sẽ sửa dạy chúng ta. Ngài có thể cho chúng ta gặp những bài học đau đớn nếu Ngài yêu thương chúng ta như con và muốn sử dụng đời sống chúng ta.

>> Dạy ta trong sự công bình: Sống theo s công bình là sống đúng theo đường lối thánh sạch mà Chúa dạy. Lời Chúa cũng giúp cho chúng ta biết đâu là đúng, đâu là sai, để chúng ta xa lánh những việc không công bình (tức là tội lỗi). Lời Kinh Thánh giúp chúng ta biết thế nào để sống cách thánh khiết, đẹp lòng Chúa, biết đối xử cách công bình với mọi người, và được Ngài ban phước. Tất cả những điều đó giúp cho người kính sợ Chúa được trở nên người “trọn vẹn” hay có thể nói là người “trưởng thành” trước mặt Ngài.

>> Sắm sẳn để làm việc lành:

C.17 “… hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

“Làm việc lành” không phải chỉ là những “việc phúc đức”, “việc từ thiện”, nhưng là cách bày tỏ chân lý mà chúng ta học từ Lời Chúa qua nếp sống của một người trưởng thành trong Chúa, đơn giản như vậy. Chúa gọi chúng ta là “sự sáng của thế gian” và cách chúng ta chiếu ánh sáng vào thế gian là qua nếp sống, bày tỏ những chân lý mà Chúa dạy qua những hành động và thái độ của mình. Nếu chúng ta siêng năng, say mê đọc, và học hỏi Lời Chúa đều đặn, thì chân lý sẽ dần dần thấm nhuần vào đời sống chúng ta bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Nhờ đó, khi chúng ta tập sống theo chân lý, thì dần dần chân lý trở thành nếp sốngbản tánh mới của chúng ta. Từ đó, chân lý đã được “sắm sẵn” đầy dẫy trong tâm trí sẽ thể hiện qua thái độ, lời ăn tiếng nói và hành động của chúng ta. Đó là cách mà chúng ta bày tỏ việc lành một cách tự nhiên, không gắng gượng qua đời sống mình. Những việc lành đó là những việc làm bày tỏ vinh hiển Danh Chúa.

Làm việc lành” cũng là làm việc Chúa, tức là hầu việc Ngài. Nhiều người muốn được Chúa sử dụng mình vì lý do nào đó, có thể vì ham chức phận, nhưng không chịu bỏ thì giờ để học Lời Ngài. Cũng giống như người không muốn vào đại học, không thích thi cử, nhưng lại muốn có việc làm có lương cao như kỷ sư. Làm sao có thể có chuyện đó? Chúng ta phải chịu cực học hỏi và thi đậu thì mới được xem là “được sắm sẵn” tri thứccó sẵn trình độ để được những công ty mướn vào làm việc. Chúa cũng chờ đợi chúng ta, mong thấy chúng ta sắm sẵn Lời Ngài trong đời sống mình để Ngài sử dụng, nếu Ngài thấy chúng ta có đủ những tiêu chuẩn khác như lòng yêu Chúa và đức tánh khiêm nhường.

Kết thúc:  Tôi biết một thanh niên vùng cao lúc chưa tin Chúa đã nghe Chương Trình Phát Thanh Tin Lành mỗi ngày trong hai năm. Cậu đã hiểu Lời Chúa rất nhiều, nhưng chưa có cơ hội hợp thức hoá niềm tin của mình. Ngày kia cậu gặp được một con cái Chúa, cậu năn nĩ người đó giúp mình tin nhận Chúa. Ngay sau khi tin nhận Ngài, cậu vui mừng gặp ai cậu cũng nói về Chúa và những gì đã học được trong hai năm qua. Lúc đó cậu chỉ mới được 18 tuổi nhưng đã giúp cho cha mẹ tin Chúa và họ được chữa lành bệnh liệt. Chỉ trong một tuần lễ người thanh niên nầy đã giúp cho gần 150 người trong làng tin nhận Chúa. Phần lớn những người này vẫn còn đứng vững cho đến ngày hôm nay, sau hơn 20 năm. Nhờ nghe Chương trình phát thanh Tin Lành, trong hai năm Lời Chúa đã thấm sâu vào đời sống thanh niên nầy và Chân lý đã bộc lộ qua đời sống và lời nói của cậu, nên đã mang đến kết quả vô cùng lớn lao cho Chúa, dù chưa được học qua trường lớp nào.

Tóm lại, nếu chúng ta đọc Lời Chúa và nghiên cứu mỗi ngày thì Lời Ngài sẽ thấm nhuần vào đời sống chúng ta, và những việc lành bắt đầu thể hiện qua đời sống chúng ta một cách tự nhiên. Đời sống chúng ta được biến đổi, và đó là sự trưởng thành của chúng ta. Chúa sẽ khiến cho những lãnh đạo hội thánh sẽ nhận thấy điều đó và sẽ được Ngài thúc giục để giao trách nhiệm hoặc khích lệ chúng ta dự phần vào công việc nhà Ngài. Chúa sẽ không bao giờ bỏ phí ơn tứ và sự hiểu biết của chúng ta, nếu chúng ta là những người khiêm nhường và có trình độ hiểu biết Lời Ngài.

Cầu xin Chúa giúp cho chúng ta thắng hơn sự lười biếng và sợ hãi, để cố gắng học hỏi, sớm được trưởng thành, và được Chúa kêu gọi dự phần vào những công việc nhỏ lớn của Nhà Ngài. Amen.


Comments

BG – Tại Sao Kinh Thánh Là Sách Đáng Học? — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *