HomeGĐTM GIẢI ĐÁP THẮC MẮCGĐTM.Giải Đáp TM Linh TinhThắc Mắc: “Ý Chúa Trong Việc Bắt Thăm và Bỏ Phiếu”

vote

“Ý Chúa Trong Việc Bắt Thăm và Bỏ Phiếu”- Mục sư Nguyễn Duy Tân

THẮC MẮC: Câu Kinh Thánh Châm ngôn 18:18, kính nhờ MS giảng giải để học biết Chúa dạy dân sự thế nào? Cám ơn. Châm. 18:18 ~ “Sự BẮT THĂM dẹp điều tranh tụng, Và phân rẽ những kẻ có quyền thế.”  (Bản Hiệu Đính: “Việc bắt thăm chấm dứt điều tranh tụng, Và phân giải giữa những kẻ có quyền thế.”)

GIẢI ĐÁP: Câu nầy thật sự có ý nghĩa liên hệ đến vụ bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8 tháng 11, 2016 vừa qua. Hai phe Dân Chủ và Cọng Hòa bên nào cũng chỉ trích và chống đối bên kia rất kịch liệt. Phần đông dân chúng thật ra rất bối rối, cho đến những ngày cuối cũng không biết phải bỏ phiếu cho ai. Cuối cùng sau khi mọi người đã BỎ THĂM (bỏ phiếu) và có kết quả, thì ở khắp những thành phố lớn trên nước Mỹ một số người từ vài trăm đến vài nghìn người nổi giận, xuống đường phản đối vì kết quả không đúng ý mình. Thật ra việc đó diễn ra vài ngày rồi người ta cũng sẽ im bặt thôi vì đó không phải là cách để thay đổi quyết định của số đông. Họ không có tinh thần mà lời châm ngôn nầy đã dạy ở đây. Nhưng phần đông dân chúng tại Mỹ tôn trọng phương cách bầu cử cách dân chủ của nước nầy. Sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu thì phải chấm dứt mọi “tranh tụng”. Mọi người phải tôn trọng vị nào đã được bầu lên và phải cho vị đó cơ hội chứng minh qua việc làm của mình. Nếu sau một thời gian, thấy việc họ làm quá sai quấy, thì người ta vẫn có cách để hạ người đó xuống qua việc “trưng cầu dân ý” (referendum).

Việc bỏ thăm để lấy ý kiến của nhiều người là cách giải quyết những bất đồng của những quốc gia dân chủ. Người ta chấp nhận kết quả vì tôn trọng quyết định của số đông. Con cái Chúa tại Mỹ suy nghĩ rằng, dù là phần đông dân số bầu lên người nào hay phe nào, dù xấu hay tốt, đều là do Đức Chúa Trời quyết định hay cho phép. Dù vị tổng thống mới đó sẽ đưa đến nghèo đói hay giàu có, hòa bình hay loạn lạc, có lợi hay có hại cho đạo Chúa… Tất cả đều nằm trong chương trình của Ngài cho quốc gia nầy và cho cả thế giới.

Dù vậy, việc “BỎ THĂM” không phải là cách mà Chúa thường dạy con dân Ngài dùng trong những trường hợp khó xử và cần biết ý Ngài. Ngoài việc các tiên tri cầu hỏi ý Chúa, Ngài cũng cho phép họ dùng cách “BẮT THĂM”, vì khi bắt thăm, kết quả sẽ không do người nào quyết định, nhưng hoàn toàn do Chúa quyết định, dù thấy giống như giải quyết bằng “hên xui may rủi”!

Ngày xưa, để tìm biết ý Chúa các thầy tế lễ thượng phẩm dùng U-rim và Thu-mim từ lúc Môi-se truyền dạy cho họ phương pháp mà ông dùng khi xét xử dân sự (Xuất 28:30). Trong Cựu ước có 7 lần việc đó được nói đến. Đó là hai hòn đá nhỏ, một đen một trắng, luôn được thầy tế lễ thượng phẩm mang trên “bảng đeo ngực” của họ, có thể trong một cái túi nhỏ phía sau, chung với 12 hòn đá nhỏ khác gắn ở phía trước. Khi muốn biết ý Chúa về một vấn đề quan trọng nào đó, thì họ lấy hai hòn đá đó ra, cầu nguyện rồi “rút thăm”. Ý nghĩa của hai chữ nầy gần giống như chữ “có tội” và “vô tội”, và cũng có nghĩa là “có” và “không”.

Salômôn cũng có nói một câu khác để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc “bắt thăm” trong câu châm ngôn trên đây, đó là:

Châm. 16:33 ~ “Người ta bẻ thăm trong vạt áo; Song sự nhất định do nơi Đức Giê-hô-va mà đến.”  Khi có một sự việc gì mà không thể giải quyết bằng cách nào khác, thay vì để cho hai đối phương mạnh bạo phải dùng đến vũ lực, phải đánh nhau hay chém giết nhau để giải quyết, thì người ta đề nghị họ bắt thăm. Dĩ nhiên có nhiều cách để “bắt thăm”. Theo ý của câu nầy, thì người “trọng tài” vô can lấy một nhánh cây giấu trong vạt áo, bẻ làm đôi, khúc dài khúc vắn, chừa hai đầu ra, sau đó hai đương sự đã đồng ý trước sẽ “rút thăm” hay “bắt thăm”. Ví dụ ai trúng cây dài thì thắng. Người ta cũng có thể bỏ một hòn sỏi trắng và một hòn sỏi đen vào trong một cái bao rồi hai đương sự nhắm mắt bắt lấy mỗi người một hạt, ví dụ ai trúng hạt trắng thì thắng, hạt đen thì thua. Thường là sau đó hai bên không còn “tranh tụng” nữa vì đã đồng ý trước về việc đó như là số mạng hay là ý Trời. Người ta cũng có thể dùng những hạt lúc lắc để bắt thăm như vậy.

Trong Chúa, có một số trường hợp tôi nhận thấy cách “bắt thăm” là hay nhất để biết rõ ý Chúa và không có quyền lực của ai hay ý riêng xen vào. Chúng ta thấy điều đó được áp dụng trong Công vụ các Sứ đồ đọan 1, lúc người ta cần một Sứ đồ để thay thế cho Giu-Đa Ích-Ca Ri-ốt đã qua đời:

Công. 1:24-26 ~ “… rồi cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, Ngài biết lòng mọi người, xin tỏ ra cho chúng tôi nội hai người nầy ai là người Chúa đã chọn, đặng dự vào chức vụ sứ đồ, thay vì Giu-đa đã bỏ đặng đi nơi của nó. Đoạn BẮT THĂM, trúng nhằm Ma-thia; người bèn được bổ vào mười một sứ đồ.”

Trong trường hợp nầy, MỌI NGƯỜI đã đồng ý và nhìn nhận có 2 người đầy ơn Chúa, và nan đề là họ không biết người nào mà Chúa đã chọn, vì chỉ cần 1 người mà thôi. Nên sau khi làm điều rất cần thiết là CẦU NGUYỆN thiết tha với Chúa, họ đã bắt thăm. Có lẽ cách làm là viết hai tên rồi bỏ vào hộp, rồi một người thay mặt nhắm mắt mà bắt ra 1 thăm. Và với đức tin nơi Chúa là Đấng cầm quyền trên mọi sự, tất cả đều hoan nghênh Ma-thia, tin rằng ông là người được Chúa chọn theo ý Ngài, hoàn toàn không do may rủi.

Trong Hội Thánh Chúa ngày nay, một số người thích cách “bắt thăm” và chỉ trích phương cách “bỏ phiếu” của các Hội đồng để chọn người phục vụ trong hội thánh địa phương hay trong tổ chức giáo hội. Nhưng, chúng ta không thể “bắt thăm” nếu chưa có DANH SÁCH những người có ơn Chúa. Nếu giao cho vị mục sư quản nhiệm hay ban chấp hành Hội Thánh để chọn danh sách nầy thì đôi khi có thể chấp nhận được, nhưng nhiều lúc cũng gặp khó khăn vì những lý do đến từ xác thịt như phe đảng, vị nễ cá nhân, áp lực từ người quyền thế, từ người có ảnh hưởng mạnh, v.v.  Còn nếu giao cho hội đồng đề nghị lên cách bốc đồng thì những người lanh tay lẹ miệng sẽ đề nghị bạn bè hay phe phái của họ là những người không có ơn Chúa!

Cách tốt nhất là để cho toàn thể hội đồng, gồm những tín hữu (hoặc đại biểu) hợp thức, dành thì giờ cầu nguyện để mỗi người tìm biết ý Chúa, xong rồi mỗi người ghi ra một số tên những người mà họ được Chúa cảm động đề nghị vào danh sách các ứng cử viên. Từ số người được hội đồng bỏ phiếu cao nhất, cọng thêm những người đương nhiệm đang phục vụ, người ta sẽ có một danh sách “ứng cử viên” nhiều ít tuỳ theo nhu cầu. Sau đó thì người ta sẽ tiếp tục bỏ thăm để bầu chọn người có ơn vào chức vụ. Nếu mọi sự diễn ra trong tinh thần trật tự, công bằng và kính sợ Chúa, người ta sẽ thấy Chúa bày tỏ sự CHỌN LỰA CỦA NGÀI qua các lá phiếu xem dường như đến từ sự chọn lựa của những con người.

Tôi nghĩ rằng, nếu hội đồng gặp một trường hợp khó giải quyết, như có hai người đã được bầu tới bầu lui mà họ vẫn được số phiếu bằng nhau (rất là hiếm có). Thi lúc đó mọi người nên tin cậy Chúa, thành tâm cầu nguyện rồi “bắt thăm” để thấy ý Chúa bày tỏ ra. Đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Sau đó mọi người phải chấp nhận ý Chúa, chấm dứt mọi tranh cãi và vui vẻ hoan nghênh người đã được Chúa chọn lựa.


Comments

Thắc Mắc: “Ý Chúa Trong Việc Bắt Thăm và Bỏ Phiếu” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *