HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.4.Đại Tiên Tri.ĐaniênSự Dấy Lên Và Sụp Đổ Của Thế Gian, Phần 3

Mục sư John McArthur / Đoàn Danh soạn dịch. Đa-ni-ên 2.

Tối nay, trước khi chúng ta đến với Tiệc Thánh, tôi muốn đưa sự chú ý của bạn quay trở lại với phần nghiên cứu Sách Đa-ni-ên và chia sẻ các tư tưởng ở chương hai sách Đa-ni-ên, hãy sử dụng chúng một khi tôi lo về Tiệc Thánh tối nay. Vì có một sự kết nối tuyệt vời và rất vinh hiển như tôi nghĩ bạn sẽ thấy.

Đa-ni-ên 2. Chúng ta đã nghiên cứu toàn bộ chương nầy và tôi sẽ không dành thời gian để xem xét phần ôn tập và mọi thứ đâu. Nhưng chỉ cần đi vào ở một số điểm để làm mới lại suy nghĩ của bạn rồi sau đó đến với phần kết của chương.

Hầu như không có một ngày nào trong thế giới của chúng ta, khi ít nhất lần nầy hay lần khác mà bạn không đọc thấy trên báo về thành Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem là tâm điểm chú ý của thế giới trong nhiều năm nay. Và tôi giả sử rằng thậm chí cả thế giới chưa biết và thế giới của những người không hiểu tầm quan trọng của nó không làm sao khác hơn được trừ ra lấy làm kinh ngạc bởi sự cuốn hút mà thế giới đang có đối với thành phố kỳ diệu và cổ kính này. Nếu bạn biết đôi điều về Kinh Thánh, bạn nhìn biết ngay Giê-ru-sa-lem là một nơi rất, rất đặc biệt. Không có thành phố nào như thế trên thế giới. Xuyên suốt lịch sử, đây là mục tiêu chính cho sân khấu trung tâm tấn thảm kịch cứu chuộc.

Trong sách Đa-ni-ên, khi chúng ta nhắm vào bối cảnh, dân Do-thái đã bị dời ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Họ trở thành phu tù trong xứ Ba-by-lôn về phía Đông. Và theo Thi thiên 137:5-6, đây là tiếng kêu la của họ: Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi! Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng thích Giê-ru-sa-lem hơn sự vui vẻ nhất của ta, nguyện lưỡi ta dính nơi ổ gà!

jerusalem2

Ngay cả trong sự phu tù, họ ao ước được về lại thành Giê-ru-sa-lem. Ngay cả trong sự phu tù, họ nói rằng họ sẽ chịu mất mát cái gì đó hơn là mất đi tình cảm lớn lao mà họ dành cho Giê-ru-sa-lem. Có phải đó là lý do không chứ? Có phải đó là những viên gạch và vữa tạo thành các bức tường và toà nhà không? Có phải đúng là thế không? Sao lại là Giê-ru-sa-lem? Cớ sao tấm lòng khao khát lại dành cho thành ấy chứ? Tại sao 70 năm sau đó nó lại là vấn đề chính với Nêhêmi khiến ông quay trở lại rồi tái thiết các bức tường của cổ thành nầy? Tại sao trong các thời hiện đại của chúng ta người Do-thái lại định cư trở lại với xứ Y-sơ-ra-ên ấy để sống trong thành Giê-ru-sa-lem chứ?

Phải, tôi đoán lần thứ nhứt Giê-ru-sa-lem từng được nhắc tới trong Kinh Thánh, thành ấy được nhắc tới ở Sáng thế ký 14 và khiến nó ra cổ xưa. Ở đó chép như sau: Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, sai đem bánh và rượu ra. Vả, vua nầy là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao. Khi ấy thì thành nầy không được gọi là Giê-ru-sa-lem. Thành ấy được gọi là thành Salem. Salem. Bình an. Đây là cái tên rất xưa đặt cho một thành giờ đây là thành Giê-ru-sa-lem.

Phần tham khảo đặc biệt trước tiên đến Giê-ru-sa-lem được thấy ở chương 10 sách Giôsuê: “Khi con cái Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh phu tù ở Ai-cập và được Giô-suê dẫn vào Đất Hứa, họ biết được thành đặc biệt nầy của dân Ca-na-an là Giê-ru-sa-lem. Và Giê-ru-sa-lem đứng như các thành khác, là A-hi và Giê-ri-cô, nằm trên con đường chinh phục của dân Y-sơ-ra-ên”. Đấy là chỗ mà chúng ta trước tiên gặp gỡ thành ấy rồi từ đó trở đi nó thống trị sự dạy của Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời đặt tình cảm của Ngài trên thành ấy một cách lạ lùng. Đức Chúa Trời có các chương trình lớn lao dành cho nó, nhưng ở cuộc tương lai kia kìa. Giê-ru-sa-lem là một địa điểm thật lạ lùng. Giê-ru-sa-lem nằm trên một chỗ cao. Chỗ cao ấy thì vượt lên cao hơn khu vực chung quanh. Và ở ba mặt, Giê-ru-sa-lem bị vây quanh bởi các đồng bằng sâu từ 3 đến 400 feet. Chỉ có một mặt là bằng phẳng và mặt ấy nằm ở phía Bắc. Vậy, chỉ có một cách tấn công hiệu quả thành nầy là từ phía Bắc và nhơn đó nó dễ phòng thủ cho Giê-ru-sa-lem vì chỉ có một con đường mà kẻ thù sẽ đến được từ đó. Nói cách khác, đây là bối cảnh lý tưởng cho một thành phố, một đồn luỹ tự nhiên.

Nó trở thành tài sản của người dân Y-sơ-ra-ên nào đã bước vào xứ Canaan. Nhưng sau đó thì chẳng có nói nhiều về thành ấy. Nó chỉ đứng ở đó. Phải, nếu bạn quay trở lại đủ, đã có một hòn núi nổi tiếng ở giữa thành ấy được gọi là Núi Mô-ri-a. Và Ápraham thực sự chuẩn bị dâng Y-sác con mình trên hòn núi đó khi Đức Chúa Trời tiếp trợ cho một con chiên đực. Phù hợp với việc trước khi trở thành những gì nó phải trở thành, Đức Chúa Trời đã đánh dấu nó là một chỗ để dâng của lễ.

Khi David trở thành vua, ông trị vì ở Hếp-rôn. Và Hếp-rôn ở phía Nam cách 30 dặm và là một thành đồng bằng rất khó phòng thủ. Và David đã trị vì ở Hếp-rôn trong khoảng 7 năm hơn. Rồi ông mới quyết định dời thành phố thủ đô đến Giê-ru-sa-lem và ông đã làm thế theo II Samuên 5: rồi tại Giê-ru-sa-lem, người trị vì trên cả dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa ba mươi ba năm. Và từ đó trở đi trên Núi Si-ôn, là ngọn núi ở giữa thành Giê-ru-sa-lem, đã được xác định là nơi ngự của hoàng đế.

Từ David trở đi, Giê-ru-sa-lem là thủ đô, trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo, trung tâm văn hoá, trung tâm sinh hoạt xã hội của người Do-thái. Và tôi muốn nói thêm, đây là trung tâm chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Đây đúng là con đường từ Giê-ru-sa-lem mà Đấng Mêsi đã giáng sinh. Chính ở bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem mà Ngài đã gục chết. Rồi chính ở bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem mà Ngài đã sống lại. Chính ở ngoài bức tường thành Giê-ru-sa-lem trên Núi Ô-li-ve Ngài đã thăng thiên. Và rồi sau cùng, Ngài sẽ bước vào thành Giê-ru-sa-lem rồi thiết lập ngôi vị của Ngài. Giê-ru-sa-lem trung tâm điểm chương trình của Đức Chúa Trời.

Nhưng khi chúng ta đến với Sách Đa-ni-ên, thành phố phước hạnh kỳ diệu nầy, thành phố nầy Đức Chúa Trời kể trên mọi thành khác đã đánh dấu là một địa điểm trong lịch sử cứu chuộc, địa điểm lạ thường nầy không kéo dài trong ký ức mà trong chương trình của Đức Chúa Trời sẽ được mở ra, thành nầy đã tách rời ra khỏi Đức Chúa Trời. Và trong khi dân sự còn ở trong cảnh phu tù luôn nhớ lại thành Giê-ru-sa-lem, họ chẳng nhớ đến điều gì đã làm cho Giê-ru-sa-lem được cao trọng như thế. Trong khi nhớ đến tình cảm của họ dành cho thành phố, họ đã quên địa điểm của Đức Chúa Trời. Họ yêu thành phố chớ không yêu mến Đức Chúa Trời, vì đấy là thành của Ngài. Và thế là Đức Chúa Trời cất họ ra khỏi thành ấy.

Và kẻ đến bao vây có tên là Nê-bu-cát-nết-sa. Và Nê-bu-cát-nết-sa, vị vua đầy uy lực này, ông ta vì mọi mục đích và dự tính, đã thiết lập đế quốc của người Ba-by-lôn, đế quốc vĩ đại nhất của thế giới trong thời của nó. Nê-bu-cát-nết-sa nầy, đã phá hủy, cướp bóc, rồi đưa dân Giê-ru-sa-lem đi làm phu tù.

Trong Giêrêmi 52:12 ở đây chép:Ngày mồng mười tháng năm, năm thứ mười chín về đời Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, thì Nê-bu-xa-A-đan, quan đầu thị vệ, hầu vua Ba-by-lôn, vào thành Giê-ru-sa-lem. Người sai đốt nhà Đức Giê-hô-va, cung vua, và hết thảy nhà cửa trong thành Giê-ru-sa-lem. Mọi nhà lớn cũng đều phó cho lửa. Rồi cả đạo binh của người Canh-đê thuộc quyền quan đầu thị vệ, phá hết thảy các vách thành chung quanh Giê-ru-sa-lem. Những kẻ rất nghèo trong dân, với những kẻ sống sót đang ở trong thành, những kẻ đã hàng đầu vua Ba-by-lôn, và từ trong đám đông sót lại, thì Nê-bu-xa-A-đan, qua đầu thị vệ, bắt đem đi làm phu tù hết thảy“.

Mọi sự ông ta còn chừa lại là những người rất nghèo khó lại trong đất, đặng trồng vườn nho và làm ruộng. Họ quét sạch địa điểm ấy. Đập bỏ các nhà cửa. Đột phá đền thờ của Đức Chúa Trời. Phá hủy cung điện của nhà vua. Họ xóa sổ thành phố. Nê-bu-cát-nết-sa đã làm điều đó.

Ông ta có hai mục tiêu lớn trong tâm trí. Mục tiêu thứ nhứt của ông ta là phá hủy đền của Đức Chúa Trời. Tại sao chứ? Ông ta muốn bẽ gãy sống lưng tôn giáo của họ. Thứ hai, ông ta phá huỷ cung điện. Làm thế là bẽ gãy ngôi nhà hoàng tộc, trật tự chính trị. Ông ta muốn tiêu diệt tôn giáo và chính trị của họ rồi nhơn đó làm cho họ phải bất lực. Và vào năm 586TC, ông ta đã thành công. Và đó là sự kết thúc của một kỷ nguyên lớn lao.

Ở thời điểm đặc biệt đó trong lịch sử, ở đó khởi sự một thời điểm mà Chúa Jêsus gọi là các thời kỳ của dân Ngoại. Và trong Luca 21:24, Chúa phán rằng:Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn. Bấy giờ Giê-ru-sa-lem tạm thời bị giày đạp bởi các dân Ngoại khi Nê-bu-cát-nết-sa đến và tiêu diệt nó. Và Chúa Jêsus phán ở Luca 21:24 rằng nó sẽ cứ như tình trạng ấy “cho đến chừng nào các kỳ dân Ngoại được trọn”. Vậy, sẽ có khoảng thời gian lịch sử to lớn, trong đó quyền lực của dân Ngoại sẽ có tác động trên thành Giê-ru-sa-lem.

Tôi tin Chúa Jêsus nhắc lại chính sự phán xét nầy ở Mathiơ 23:37. Ngài phán:Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Bây giờ hãy lắng nghe. Ngài phán: Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang! Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!

Nói cách khác, Chúa đang phán như vầy: Giê-ru-sa-lem sẽ hoang vu cho đến chừng các ngươi công nhận Ta là ai và khi ấy các ngươi sẽ thấy ta rồi lúc đó phần cuối của sự hoang vu của thành Giê-ru-sa-lem. Đấng Christ đã nhắc lại rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hoang vu cho đến khi Ngài tái lâm, cho đến khi Ngài đến để dựng nên Vương quốc của Ngài. Và Ngài sẽ chưa đến cho đến khi nào họ chịu công nhận Ngài là ai.

Mục đích là đây. Thì giờ của các dân Ngoại khi ấy sẽ kết thúc với sự đến của Đấng Christ. Và Đấng Christ chưa thể đến cho đến khi dân Do-thái nhìn thấy Ngài vì Ngài là ai, cho đến khi: “Họ nhìn xem Ngài là Đấng họ đã đâm và than khóc về Ngài như con một duy nhứt. Cho đến khi họ nói: “Phước thay cho Ngài là Đấng nhơn danh Chúa mà đến”.

Đấy là lý do tại sao chúng ta tin rằng trước khi Đấng Christ ngự đến và thiết lập Vương quốc của Ngài, trong thời kỳ được biết là kỳ đại nạn sẽ có một cơn phấn hưng rất lớn giữa vòng người Do-thái và Y-sơ-ra-ên sẽ được chuộc. Khải huyền 7:14 cho chúng ta biết điều đó. Vậy, việc khởi sự với Nê-bu-cát-nết-sa, rồi đến với thời kỳ các dân Ngoại nầy khi thành Giê-ru-sa-lem bị giày đạp bởi các dân Ngoại và nó sẽ tồn tại cho tới sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ.

Bạn nói được rồi, có phải những thời kỳ nầy không phải là thời kỳ mà dân Do-thái còn ở trong thành Giê-ru-sa-lem chăng? Phải. Ngay hôm nay là một thời kỳ trong số đó. Người Do-thái đã trở về lại thành Giê-ru-sa-lem 70 năm sau lần phu tù cho người Ba-by-lôn và họ đã tìm cách tái thiết lại thành ấy. Nhưng họ chưa hề có quyền tự do và quyền tự trị mà họ đã có trước đó. Họ đã bị lấn lướt bởi các dân tộc ở chung quanh họ. Thực sự họ đang sống trên tảng băng thật là dày.

Không lâu sau khi họ đã tái thiết thành phố của họ thì việc xảy đến – không những là nó ở dưới quyền kiểm soát của người Mê-đi Ba-tư lúc bấy giờ, mà nó còn ở dưới quyền kiểm soát của người Hy-lạp nữa. Và mặc dù họ có đôi chút quyền tự do để sống ở đó và ăn ở tại đó, người Hy-lạp đã chỉ định một người rất kỳ quặc có tên là Antioch _____ người nầy thường xuyên cai trị họ.

Thế rồi họ phải chịu theo luật lệ của người La-mã và người La-mã cầm quyền trên họ và họ bị lệ thuộc thực sự đối với người La-mã. Ngay cả các vị vua người Y-đu-mê của họ, dòng Hê-rốt, chẳng là gì cả trừ ra là tôi tớ của Rome. Và thế là có những thời kỳ đang khi họ có mặt tại đó, họ chưa có được quyền tự trị mà họ nên có và quyền tự trị tuyệt đối và quyền cai trị chính xứ sở của họ mà Đức Chúa Trời đã hứa với họ ngay từ ban đầu.

Bạn sẽ nhớ lại rằng vào năm 70SC, Titus, con trai của Vespasian, đã đem nhiều binh đoàn La-mã vào thành Giê-ru-sa-lem và ông ta đã huỷ diệt nó một lần nữa. Thực vậy, một số học giả Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng có lẽ họ đã giết 1.100.000 người Do thái trong một lần thảm sát vào năm 70SC.

Rồi sau sự huỷ diệt của năm 70SC, một việc rất thú vị đã diễn ra. Đã có một số dân sót người Do thái. Và họ muốn cầu thay xin sự phục hưng cho thành phố của họ như họ đã cầu nguyện suốt các thời kỳ của dân Ngoại, xin Đức Chúa Trời ban lại thành phố của họ và hết thảy xứ sở của họ để tự do cai trị mà không có một sự can thiệp nào bởi bất kỳ ai khác, bất cứ dân Ngoại nào.

Và họ muốn cầu xin điều nầy, và thế là họ khởi sự tụ họp lại ở một nơi mà đền thờ nguyên thuỷ đứng ở đó. Rồi họ nhóm lại ở đó vào buổi sáng và đến giữa trưa, và đến trưa, rồi đến chiều. Và họ dường như luôn luôn tụ tập lại ở cùng một chỗ đó, số dân sót sau cùng của đền thờ. Rồi nơi đó trở thành nơi cầu nguyện quen thuộc mang lấy danh xưng: Bức Tường Than Khóc. Đây là địa điểm mà họ đến đó để cầu nguyện xin thành phố của họ sẽ được phục hưng và nó không còn biết đến quyền thống trị của các dân Ngoại nữa. Họ cứ than khóc, rên rỉ như tác giả Thi thiên đã nói, cầu thay cho hoà bình của thành Giê-ru-sa-lem, cầu thay xin Đức Chúa Trời gửi đến một đấng cứu tinh, cầu xin rằng Đức Chúa Trời sẽ phá vỡ quyền thống trị của các dân Ngoại để họ tái thiết lại đền thờ của họ và làm chủ lại thành phố của họ.

Thành phố ấy đã bị kiểm soát bởi đủ loại dân khác nhau, Ả-rập, Thổ nhĩ kỳ, thậm chí người Anh nữa. Người Ba-tư đã kiểm soát nó một thời gian ngắn. Họ chưa bao giờ làm chủ nó. Mãi cho đến năm 1948 khi họ trở thành một quốc gia, họ chỉ có một mảng trong nhiều phần ở đó mà thôi. Nhưng họ vẫn chưa nắm được Bức Tường Than Khóc, là chỗ mà họ đã cầu thay thường xuyên cho sự hoà bình của thành Giê-ru-sa-lem.

Đến ngày thứ Tư 7 tháng 6 năm 1967, họ đã phá vỡ sức kháng cự của người Ả-rập, bạn có nhớ không, trong Cuộc Chiến Sáu Ngày và họ đã đến tại Bức Tường Than Khóc. Rồi họ khởi sự cầu nguyện. Và họ bắt đầu hét to lên. Một người trong số họ đã nói: “Trong 2.000 năm dân sự chúng ta đã cầu thay về khoảnh khắc nầy”. Họ  đã đứng tại cổ thành mà nói: “Giờ thì nó thuộc về chúng ta”.

Rồi có người đã nói: “A ha! Thời kỳ các dân Ngoại đã qua rồi. Chẳng còn có quyền thống trị của dân Ngoại trong xứ nữa, và xứ sở, và thành Giê-ru-sa-lem”. Ồ? Có phải bạn nghĩ điều đó là thật sao? Các thời kỳ dân Ngoại không kết thúc khi quân đội nắm lấy Bức Tường Than Khóc. Thời kỳ các dân Ngoại kết thúc khi Đấng Mêsi tái lâm.

Bạn có thể hỏi bất cứ người Do-thái hiểu biết nào tại thành Giê-ru-sa-lem hôm nay, không biết người Do-thái có quyền tự trị tuyệt đối tự do trong xứ sở của họ hoặc giả họ cảm thấy gánh nặng áp bức của dân Ngoại thì bạn sẽ nhận được cùng câu trả lời. Họ cảm thấy gánh nặng áp bức của dân Ngoại. Bạn biết gánh nặng ấy đến từ đâu không? Nó đến từ Liên Hiệp Quốc, về một việc. Nó đến từ sự áp đặt quốc tế mà các nước khác đã đặt trên họ. Còn nhiều nữa, nó đến từ sự hiện diện của đền thờ Hồi giáo đang ngụ ngay trên chính địa điểm có đền thờ từ thời xưa và họ không thể làm một việc gì về nó mà không khởi sự chiến tranh ở vùng Trung đông sẽ trở thành một cuộc tàn sát diệt chủng.

Họ đã làm nhiều việc lạ lùng như cuộc đột kích vào Entebbe và các việc khác mà họ đã làm. Nhưng họ chưa hề đặt một tay trên chính các địa điểm ấy. Rồi ở đó, họ chiếm lấy thành phố của họ với cái vòng tròn to lớn tiêu biểu cho sự xâm chiếm của dân Ngoại. Nó đối diện với họ từng ngày một. Và có một việc bạn xem thấy khi bạn nhìn vào Giê-ru-sa-lem là đền thờ có mái vòm ấy. Đây là chỗ duy nhứt trong cả thành phố có vàng trên mái vòm đó.

Bạn biết thậm chí bạn không thể xây dựng bất cứ thứ gì trong Giê-ru-sa-lem ngày hôm nay nếu không sử dụng đá Giê-ru-sa-lem? Bạn không thể đem bất cứ thứ chi vào trong đó hết. Nó phải thích nghi với luật lệ. Mọi thứ trong đó trông giống như nhau. Trong đó toàn là thứ đá trắng trừ ra nhà thờ mái vòm và đền thờ Hồi giáo Omar. Mái vòm là vàng, đền thờ Hồi giáo là bạc, và nó đứng trên nền của đền thờ.

Và có một dấu hiệu ở bên ngoài đất đền thờ cho tất cả những người Do-thái chính thống. Và dấu hiệu đó nói: “Đừng bước vào đây”. Vi ra-bi trưởng ký tên trên đó. Và lý do là bạn có thể vô tình bước vào nơi chí thánh đó vì họ không dám chắc về vị trí đó.

Nó vẫn còn thuộc quyền cai quản của dân Ngoại. Họ chưa hề có thực sự có quyền tự trị và cai quản mà họ đã bị mất khi Nê-bu-cát-nết-sa đến đó. Và trong tương lai, dân sự, sẽ có một cuộc bao vây của dân Ngoại đối với xứ sở đó không giống như bất cứ cuộc bao vây nào đã từng xảy ra trong quá khứ.

Xachari 12:2 chép: Nầy, ta sẽ khiến Giê-ru-sa-lem làm chén xây xẩm cho mọi dân chung quanh; và khi Giê-ru-sa-lem bị vây, tai nạn sẽ cũng kịp đến Giu-đa. Sẽ có cuộc bao vây chống lại thành phố đó trong kỳ sau rốt. Kinh Thánh chép ở Xachari 14: Nầy, ngày của Đức Giê-hô-va đến, những của cướp ngươi sẽ bị chia giữa ngươi. Vậy ta sẽ nhóm mọi nước lại tranh chiến cùng Giê-ru-sa-lem, và thành sẽ bị lấy, nhà sẽ bị cướp, đờn bà sẽ bị hãm, phân nửa thành sẽ đi làm phu tù; nhưng dân còn lại sẽ không bị trừ bỏ khỏi thành. Bấy giờ Đức Giê-hô-va sẽ ra đánh cùng các nước đó, như Ngài đã đánh trong ngày chiến trận. Trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông; và núi ô-li-ve sẽ bị xé ra chính giữa về phía đông và phía tây”.

Đó là sự đến của Đấng Christ, có phải không? Nhưng trước sự đến đó, sẽ có một sự nhóm lại của nhiều nước tại thành Giê-ru-sa-lem. Có bốn tuyến nơi trận chiến Ạt-ma-ghê-đôn sẽ xảy ra. Một là ở Giê-ru-sa-lem, phía nam Giê-ru-sa-lem, phía bắc Giê-ru-sa-lem, và tại đồng bằng Mê-ghi-đô. Và máu sẽ cao lên đến khớp ngựa trong 200 dặm trong một cuộc xung đột lớn.

Bây giờ, hãy lắng nghe đi. Sự hoà bình của thành Giê-ru-sa-lem vẫn chưa đến. Chưa có gì cả. Và vì vậy sự bình an của Y-sơ-ra-ên đang trông đợi sự hoà bình của thành Giê-ru-sa-lem.

Bây giờ chúng ta đã nghiên cứu trong hai ngày Chúa nhật dòng chảy lịch sử các dân Ngoại từ đế quốc Ba-by-lôn, đế quốc Mê-đi Ba-tư, đến Đế quốc Hy-lạp, Đế quốc La-mã. Và lần cuối cùng, sau khi nhìn vào điềm chiêm bao đã nhận được, giấc mơ được gợi lại, chiêm bao được tỏ ra, chúng ta tập trung một cách đặc biệt, và tôi muốn bạn nhìn lại điều này ngay bây giờ, vào chặng cuối cùng của đế quốc cấp thế giới này. Tôi sẽ không mất nhiều thời gian với nó tối nay. Nhưng tôi muốn chỉ cho bạn thấy một vài điều mà thôi.

Chặng sau cùng được chỉ ra ở câu 33. “Hai chân bằng sắt nói tới Rome, còn hai bàn chân thì một phần bắng sắt và một phần bằng đất sét”. Một phần bằng sắt và một phần bằng đất sét. Bây giờ hãy qua câu 40: Lại có một nước thứ tư”, và có phần giải thích về sự ấy: vì sắt hay đập vỡ và bắt phục mọi vật, thì nước ấy cũng sẽ đập vỡ và nghiền nát như là sắt vậy. Song sự việc chưa kết thúc ở đó.Còn như vua đã thấy bàn chân và ngón chân nửa bằng đất sét nửa bằng sắt”, là thứ vật liệu giòn: ấy là một nước sẽ phải phân chia ra; nhưng trong nước đó sẽ có sức mạnh của sắt, theo như vua đã thấy sắt lộn với đất sét, Những ngón chân nửa sắt nửa đất sét, nước đó cũng nửa mạnh nửa giòn. Vua đã thấy sắt lộn với đất sét, ấy là chúng nó lộn nhau bởi giống loài người; song không dính cùng nhau, cũng như sắt không ăn với đất sét”.

Bây giờ hãy xem đây. Đế quốc cấp thế giới sau cùng là Rome, có đúng không? Nhưng, việc xảy ra ở hai chặng. Phần thứ nhứt hết thảy đều bằng sắt, hai chân, các đế quốc đông và tây phương của Rome. Nhưng chặng sau cùng thay đổi và đó là một sự pha trộn giữa sắt và đất sét. Nó có một nhược điểm cố hữu. Nó rất đa dạng hơn nó từng có vì nhược điểm, giòn, tiêu biểu cho giống con người. Hình thức sau cùng của Đế quốc La-mã sẽ là một tình huống đa dạng cố gắng pha trộn mạnh với yếu và họ không thể cùng tồn tại y như bạn có thể gắn sắt với đất sét. Bạn không thể làm được điều đó. “Hình thức sau cùng sẽ là nửa mạnh nửa giòn”.

Bây giờ hãy nhớ những gì tôi đã nói với bạn tuần trước. Kinh thánh không xét thời kỳ ở giữa. Kinh thánh xét thế giới trong vai trò đế quốc cấp thế giới sau cùng, mạnh và rồi yếu. Rome không hề bị chinh phục bởi bất cứ đế quốc cấp thế giới nào khác. Charlemagne không thể làm được việc ấy. Hitler không thể làm được việc ấy. Napoleon không thể làm được việc ấy. Nga không thể làm được việc ấy. Hoa Kỳ không thể làm được việc ấy. Chúng ta không cai trị thế giới theo những điều kiện đó. Không một quốc gia nào đã từng chiếm lấy địa vị của Rome.

Có phải bạn biết rằng không một quốc gia nào từng chinh phục được Rome? Ở phần phía đông của đế quốc, cần phải tốn 1.500 năm để rồi sau cùng họ cũng đã mất dần. Tôi tin Kinh Thánh cho chúng ta biết họ đã đi vào tình trạng vô chủ. Đầu của họ bị thương giống như thể họ đã chết chỉ để sống lại trong tương lai.

Và tôi tin rằng chúng ta đang nhìn thấy trong liên minh châu Âu, cộng đồng kinh tế châu Âu được gọi là Khối Thị Trường Chung. Khối Thị Trường Chung hiện có 10 quốc gia thành viên. Và Đa-ni-ên nói: “Chặng sau cùng của Đế Quốc La-mã Phục Hưng sẽ là mười ngón chân”. Trùng hợp thú vị chăng? Không, đó là lời tiên tri. Bạn nói sẽ sao một khi họ có thêm các nước khác nữa? Phải, điều đó không làm tôi phiền đâu. Sẽ ra sao nếu một vài nước rút ra? Điều đó cũng không làm tôi lo lắng. Sẽ ra sao nếu toàn bộ khối sẽ sụp đổ? Điều đó cũng không làm tôi lo lắng, bởi vì khối ấy sẽ tụ họp lại với nhau và có mười nước khi Chúa ngự đến. Nhưng nhìn thấy việc ấy xảy ra quả là điều rất thú vị. Chúng ta đã đi vào việc ấy theo chi tiết lần sau cùng.

Đế quốc La-mã đơn giản tan rã, nhưng các ảnh hưởng của nó vẫn còn ở đây thông qua chế độ Giáo Hoàng, Giáo hội Thiên Chúa Giáo La-mã, chế độ nầy trải dài khắp châu Âu và các nơi khác trên thế giới, rồi qua tư tưởng La-mã và luật pháp La-mã. Và nó không nhìn thấy giai đoạn ở giữa, kỷ nguyên Hội thánh. Nhưng điều đó không gây ngạc nhiên vì Cựu Ước chưa bao giờ nhìn thấy kỷ nguyên Hội thánh.

Đó là lý do tại sao trong Êphêsô 3, Phaolô nói: “Đây là một lẽ mầu nhiệm. Đây là một lẽ mầu nhiệm. Tôi là một người lo rao giảng về một lẽ mầu nhiệm, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một sứ điệp cung ứng cho anh em là một lẽ mầu nhiệm. Sự phân phát ân điển của Đức Chúa Trời là một lẽ mầu nhiệm”. Lẽ mầu nhiệm đã được giấu kín. Một lẽ mầu nhiệm là thứ đã bị giấu kín giờ đây đã được tỏ ra.

Cựu Ước không bao giờ nhìn thấy kỷ nguyên Hội thánh. Và vì vậy chúng ta không ngạc nhiên chút nào khi chúng ta tìm gặp một khoảng thời gian trong kỷ nguyên Tân Ước đã không được bàn luận ở đây. Thí dụ, bạn có những phân đoạn trong Cựu Ước tiên báo nhiều việc về Đấng Christ mà một nửa trong số đó là lần đến đầu tiên của Ngài, một nửa trong số đó là lần đến thứ hai của Ngài. Tuy nhiên, Cựu Ước không dành chút thời gian ở chỗ giữa đó. Tại sao chứ? Bởi vì nó không nhìn thấy thời kỳ mầu nhiệm được gọi là kỷ nguyên Hội thánh. Đó là lẽ mầu nhiệm. Đó là điều đã được giấu kín và đã được tỏ ra trong Tân Ước.

Vì vậy, sẽ có một chặng sau cùng của Đế quốc La-mã liên quan đến một liên bang châu Âu dính dáng đến 10 quốc gia về mặt lãnh thổ chiếm lấy những gì từng là Đế quốc La-mã. Giờ đây, chúng ta đang thấy điều đó rất chính xác. Nó kết thúc như thế nào? Nó không kéo dài lâu đâu. Câu 44. “Liên minh La-mã này sẽ nhóm lại với nhau trong kỳ sau rốt”. Và câu ấy chép: Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời“. Hãy dừng ngay ở đó.

Bây giờ hãy lắng nghe. Hết thảy học viên Kinh Thánh đã từng đọc và đồng ý với những gì tôi biết đây là sự thiết lập Vương quốc của Đức Chúa Trời. Bây giờ họ có thể có những khác biệt như chính xác thì khi nào Nước ấy thành hình, nhưng rõ ràng rằng đây là Chúa ở trên trời đang thiết lập một vương quốc.

Nhưng tôi muốn bạn để ý một điều rất thú vị ở đây. Câu 44. “Trong đời các vua nầy”. Bây giờ hãy lắng nghe tôi. “Trong đời các vua nầy”.  Các vua nào chứ? Ông đang nói về việc gì vậy? Không có một vị vua nào được nhắc tới ở đây. Vị vua duy nhất được đề cập đến trong toàn bộ chỗ nầy mà lịch sử đưa ra là Nê-bu-cát-nết-sa, cái đầu bằng vàng. Ông có ý muốn nói gì ở chỗ “Trong đời các vua nầy”? Dường như không phải nói tới những người trước đó. Vậy thì các vua nào mới được?

Người nào không tin vào một vương quốc trên đất của Đấng Christ, người nào không tin Đức Chúa Jêsus Christ sẽ ngự đến và trị vì trong 1.000 năm, họ sử dụng chữ “amillenial”, họ chối bỏ “một ngàn năm” (millennial). Họ nói điều này đề cập đến Vương quốc thuộc linh của Đấng Christ. Và Vương quốc thuộc linh của Đấng Christ sẽ được thiết lập ở trong lòng con người trong thời của bốn vị vua này. Nói cách khác, trong thời kỳ Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hy-lạp và Rome, Vương quốc của Đấng Christ sẽ được thiết lập ở trong lòng người ta trong các vương quốc đó.

Điều đó không thực sự là như thế đâu. Trong chỗ thứ nhứt, đó là những vương quốc, chớ không phải các vị vua. Và cụm từ “các vị vua”, mulchia theo tiếng A-ram, khác xa đối với “các vương quốc”, đó là mulquata. Tiếng A-ram không nói chung cùng một từ ngữ. Và không phải hết thảy chúng đều xác định là phần tham khảo nói tới “các vị vua”, mà thay vì thế chúng nói tới vương quốc. Các vị vua nào mới được?

Phải, sự việc thực sự là dễ dàng nếu bạn nhìn vào đấy. Và bạn quay lại thì bạn sẽ thấy các vị vua chẳng ai khác hơn là mười ngón của bàn chân. Nói cách khác, mười ngón chân tiêu biểu cho mười vị vua trong hình thức sau cùng của Đế quốc La-mã. Mười ngón chân. Ông khởi sự nói tới họ ở câu 42. Rồi khi ấy, ông nói rằng: “Trong đời các vua nầy”. Và ở đó, Đa-ni-ên giải thích quả quyết về bức tranh. Mười ngón chân tiêu biểu cho các vị vua. Bạn đừng quá bị sốc về việc nầy.

Ở Khải huyền 17, hãy lắng nghe điều nầy. Khải huyền là sách Đa-ni-ên trong Tân Ước, cung ứng cho chúng ta bức tranh của tương lai. Ở đó chép: mười cái sừng mà ngươi đã thấy, là mười vì vua. Rồi ở đây ông nói tới cùng một hình ảnh về mười vì vua. Chỉ lần nầy thôi, đó là mười cái sừng.

Nếu bạn đi lướt qua Đa-ni-ên 7, hãy nhìn vào chính sách ấy, bạn sẽ thấy rằng ở phần cuối câu 7 có mười cái sừng. Và chúng ta sẽ thấy hình ảnh ở đây trong tương lai. Nhưng trong câu 7, ở phần cuối, nó có mười sừng. Nếu bạn đi tới ở câu 15 và rồi bạn có thể đọc hết cả chương, bạn sẽ thấy thêm về mười cái sừng đó. Câu 20, mười cái sừng được nhắc lại. Câu 24: “Mười cái sừng”, và đây là chìa khóa mà tôi muốn bạn phải nhìn thấy. Mười cái sừng là mười vua sẽ dấy lên từ nước đó. Bạn có nhận ra chưa?

Đa-ni-ên nhìn thấy thế giới dân Ngoại nầy đã tự kết thúc trong một liên minh có mười vị vua. Và đấy chính xác là điều Đa-ni-ên muốn nói khi ông nói tới “đời các vua đó”. “Trong đời các vua nầy, Chúa sẽ dựng lên vương quốc của Ngài”.

Bây giờ nếu bạn gán cho nó ý nghĩa bốn vương quốc khác, thì không có ý nghĩa. Có phải Đức Chúa Trời dựng lên Vương quốc của Ngài trong thời Đế quốc Ba-by-lôn? Có phải Đức Chúa Trời đã dựng lên Vương quốc của Ngài trong thời Đế quốc Mê-đi Ba-tư? Có phải Đức Chúa Trời đã dựng lên Vương quốc của Ngài trong thời Đế quốc Hy-lạp? Có phải Đức Chúa Trời đã dựng lên Vương quốc của Ngài trong thời Đế quốc La-mã? Tất nhiên là không. Vương quốc của Đức Chúa Trời chưa được thiết lập ở trên đất.

Và một khi toàn bộ bức tranh là một hình ảnh của chính trị, và một khi toàn bộ pho tượng là lịch sử thực tế, bất kể vương quốc sau cùng nào được nhập vào cũng phải là thực tế, thuộc lịch sử, thuộc chính trị và thuộc về đời nầy. Bạn có thấy không? Bạn không thể có một việc thuộc linh được trình bày trong một bộ hình ảnh rất thực tế, thuộc lịch sử. Nước thiên đàng không được dựng lên trong những thời buổi đó, không ở trong hình thức chính trị đời nầy.

Và như vậy trong thời buổi của mười vua sau cùng ấy, khi liên bang La-mã kết lại với nhau. Quí vị ơi, điều nầy rất gần rồi phải không? Bạn nhìn vào châu Âu và bạn thấy cộng đồng kinh tế giờ đây đang kết lại thành một liên bang mười nước và bạn nhìn xem thế giới với thái độ đúng như thế trong lúc nầy đối với Đức Chúa Trời, tôi nói cho bạn biết, chỉ có một việc duy nhứt phải xảy ra trước khi Đấng Christ có thể ngự đến. Và đó là giọng của thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời và chúng ta biến đi. Và điều đó xảy ra ngay khi Ngài ngự đến.

Cái điều xảy ra thêm ở trong câu 44:Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước”. Nước ấy sẽ như thế nào mới được? “Không bao giờ bị hủy diệt”. Nước ấy sẽ không giống như các nước khác. Nước ấy sẽ là một nước không bao giờ bị huỷ diệt. Hết thảy các nước khác đều sẽ bị hủy diệt. Quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác”. Nước ấy sẽ không phải là một nước mau qua và nước khác chiếm chỗ. Song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời“.

Có người thực sự nghĩ rằng đây là Hội thánh. Nghĩ như thế là dại dột đấy. Nghĩ như thế đúng là hoàn toàn dại dột. Đây không thể là Hội thánh. Trong chỗ thứ nhứt, đế quốc La Mã đã tiếp tục nhiều thế kỷ sau khi Hội thánh khởi sự. Hội thánh không hủy diệt được một liên minh mười vua ở Rome. Nghĩ như thế là lố bịch. Đế quốc La-mã vẫn tiếp tục và tiếp tục trên một thời gian rất dài. Thực vậy, có phải bạn biết Đế quốc La Mã đã tiếp tục lâu dài hơn các đế quốc khác trải dài từ Nê-bu-cát-nết-sa đến Chúa Jêsus? Vì vậy, Hội thánh đã không mang lại một cứu cánh cho bất cứ điều gì. Không có bằng chứng nào cho việc ấy.

Đây không phải là Hội thánh. Đây là Vương quốc hiển nhiên thực sự của Đấng Christ ở trên đất. Hội thánh thậm chí không phải là một thực thể chính trị. Chúng ta thậm chí không phù hợp với pho tượng ở đây. Hội thánh không giống như Kinh Thánh chép ở câu 45: Theo như vua đã xem thấy hòn đá đục ra từ núi, chẳng phải bởi tay, đã đập vỡ sắt, đồng, đất sét, bạc, và vàng. Đức Chúa Trời lớn đã cho vua biết sự sau nầy sẽ đến. Điềm chiêm bao nầy là thật, và lời giải nó là chắc chắn“.

Hãy nhớ rằng hòn đá mà Kinh Thánh nói trước trong chương đã đến và đập vỡ pho tượng và nó bị thổi bay thành bụi và hòn đá đầy dẫy cả đất? Hội thánh đã không tiêu diệt một cách thảm khốc các nước ở trên đất. Hội thánh đã không kết thúc kỷ nguyên của các dân Ngoại. Hội thánh đã được sinh ra và rồi đến năm 70SC và các dân ngoại đã chiếm lấy thành Giê-ru-sa-lem. Nó không thể là Hội thánh được.

Hội thánh đã không hề thắng hơn quyền lực dân Ngoại cấp thế giới và Hội thánh sẽ không bao giờ thắng hơn được. Hội thánh không đến và ngay lập tức đầy dẫy cả đất và tiếp quản. Hội thánh chỗi dậy thật lặng lẽ và hiểu biết, không bạo lực, thảm khốc trong một sự tàn phá. Đây chẳng phải là Hội thánh. Hội thánh chưa bao giờ đập tan thành bụi các vương quốc trên thế giới.

Đây là một vương quốc theo nghĩa đen, thuộc thể và thuộc đời nầy mà Đức Chúa Trời dựng lên rồi thời kỳ các dân Ngoại kết thúc. Đây là một Vương quốc chính trị và bạn có thể đọc hết về nó trong Cựu Ước. Đây là một vương quốc thuộc thể. Cựu Ước nói rằng Giê-ru-sa-lem sẽ được xây dựng lại. Y-sơ-ra-ên sẽ được phục hưng trên đất. Sự rủa sã sẽ được dỡ bỏ. Sẽ có thực phẩm dư dật. Sẽ có sức khỏe. Sẽ có sự chữa lành. Sẽ có tỷ lệ sinh cao. Địa hình sẽ thay đổi. Một ngôi đền mới sẽ được xây dựng. Và còn nữa, còn nữa, còn nữa. Đó là một vương quốc theo nghĩa đen, thuộc thể. Chắc chắn sẽ có thực tại thuộc linh cho nó. Nhưng đó là một vương quốc thuộc thể.

Bây giờ chúng ta cần thêm một suy nghĩ nữa, khi ấy chúng ta sẽ kết thúc phân đoạn nầy. Hãy quay lại ở câu 34: Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất”. Việc duy nhất còn lại là khám phá xem ai là hòn đá. Hòn đá đến và hủy diệt mọi sự này và rồi đầy dẫy cả đất.

Vâng, tôi biết đó là ai và bạn cũng vậy. Bởi vì Chúa Jêsus đã phán: “Các ngươi sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy sự cuối cùng của thời kỳ các dân ngoại. “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang! Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Ngài là Đấng duy nhất có quyền kết thúc các thời kỳ của dân Ngoại. Ngài là Đấng duy nhất có thể tiêu diệt các chính phủ trên thế giới. Và Êsai đã nói: “Những nhà cầm quyền sẽ chất trên” gì chứ? Vai Ngài.

Ngài là Đấng duy nhứt có quyền cai trị. Khi trong Khải huyền 5 họ tìm kiếm trên thiên đàng xem ai có thể mở quyển sách ra thì chiên con xuất hiện. Và chiên con có thể mở quyển sách ra. Tại sao chứ? Vì Ngài có quyền mở quyển sách ra vì quyển sách là chứng thư quyền sở hữu đất. Và Ngài và chỉ một mình Ngài có quyền sở hữu đất.

Chính Đấng Christ. Chính mình Đấng Christ, Ngài là hòn đá. Thực vậy, tôi thích điều đó. Trong Sáng thế ký 49:24, Đức Chúa Trời được gọi là vầng đá của Y-sơ-ra-ên. Trong Thi thiên 118:22: Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà. Và Phierơ trích dẫn điều đó và nó đề cập đến Đấng Christ. Chúa Jêsus đã dùng câu đó nói về Ngài. Ngài phán rằng: “Ta là hòn đá mà nhà xây loại ra, nhưng ta đã trở thành đá đầu góc nhà”.

Đức Chúa Trời phán cùng tiên tri Êsai 28:16: Ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quí báu, là nền bền vững. Phaolô đã nói trong I Côrinhtô 10:4, vầng đá ấy là Đấng Christ. Đấng Christ là vầng đá. “Và tôi tin chính sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ, chính Ngài sẽ đập nát quyền thống trị của dân Ngoại”.

Xachari 14 chép: chơn Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve”. Có một sự phân tách trên núi từ đông sang tây. Ngài tách núi ấy rộng ra. Và trong đồng bằng ấy được gọi là Trũng Quyết Định, các dân Ngoại từ khắp nơi trên địa cầu đến đó. Và họ bị phán xét với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Rồi từ đó trở đi, khi phán xét được bày ra cho họ, Đức Chúa Trời dựng lên Vương quốc của Ngài qua Đấng Christ trong thành Giê-ru-sa-lem rồi trị vì trong 1.000 năm và rồi trong cõi đời đời.

Khi nói Ngài không bị đục ra từ tay người, thì có nghĩa là gì? Trước tiên, tôi tin rằng đó là sự phản ảnh sự Giáng Sinh của Ngài qua nữ đồng trinh. Hòn đá này không phải là hòn đá do con người tạo ra. Thứ hai, tôi tin đây là sự phản ảnh về sự sống lại của Ngài, rằng chẳng có một đại biểu con người nào liên quan đến sự phục sinh của Ngài. Quyền phép của chính Ngài đã đưa Ngài ra khỏi mồ mả. Không có một đại biểu con người nào theo tư thế thông thường Ngài đã chào đời. Và không có một đại biểu con người nào cả, Ngài đã sống lại từ kẻ chết.

Và hãy chú ý, khi hòn đá đến, nó không đập vào đầu, hai vai, hoặc bất cứ chỗ nào khác. Song nó đập vào phần sau cùng, phần yếu nhứt, hai bàn chân, và toàn bộ pho tượng dân Ngoại sụm xuống.

Bạn biết đấy, khi bạn khởi sự nghiên cứu Chúa Jêsus là hòn đá, nào, bạn đang nhận lãnh một lẽ thật đáng kinh ngạc đấy. Kinh Thánh chép Ngài là hòn đá va đập. Ngài đến để chà nát. Một hòn đá va đập tan nát hết. Nhưng đồng thời, Ngài là hòn đá phục hồi nữa. Vì không lâu sau khi Ngài đập tan và chà nát mà Ngài còn làm đầy dẫy cả đất nữa.

Bây giờ, hãy lắng nghe điều nầy. Bạn nói Nê-bu-cát-nết-sa đã chiêm bao thấy chiêm bao lạ lùng nầy. Có phải ông ta thực sự hiểu rõ chiêm bao ấy chăng? Hãy nghe. Thần Linh chính của Nê-bu-cát-nết-sa, theo các nhà khảo cổ, là những người đã tìm thấy nhiều thứ về thời kỳ đó, Thần Linh chính của Nê-bu-cát-nết-sa là vị Thần mà ông ta gọi là Bel-Merodach. Bấy giờ Bel-Merodach chúng ta tìm thấy trong khoa khảo cổ. Ông ta có một danh xưng rất đặc biệt. Danh xưng của ông ta là Shadu Rabu. Có phải bạn biết danh xưng ấy có nghĩa gì không? Danh xưng đó có nghĩa là hòn núi lớn.

Nê-bu-cát-nết-sa nghĩ Shadu Rabu, Bel-Merodach là hòn núi lớn. Nhưng Đa-ni-ên nói với ông ta: hòn đã đập vào pho tượng thì hóa ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất“. Thần của vua đã bị thay thế. Và ông sử dụng chính thuật ngữ của vua, Chúa trên trời, thế là ông ta đã hiểu.

Và Đa-ni-ên nói: “Chỉ có một Shadu Rabu duy nhứt và vua chưa thấy Ngài đâu”. Tước hiệu muốn nói tới Đức Chúa Trời toàn năng. Và khi Đa-ni-ên sử dụng tước hiệu nầy trước mặt Nê-bu-cát-nết-sa, hãy tin tôi đi, ông ta đã hiểu rõ tước hiệu ấy. Ông ta hiểu rõ tước hiệu ấy.

Và Nê-bu-cát-nết-sa đã làm việc với đá. Ông là một trong những thợ xây tài ba nhất trong lịch sử cổ đại. Và ông đã hiểu rõ là một hòn đá không đục bởi tay người vì ông ta biết rõ nỗ lực cần thiết để cắt đá bằng tay người là thể nào. Và đây là một hòn đá sắp xãy đến.

Tôi thích điều đó, khi ấy Kinh Thánh chép. Kinh Thánh chép ở câu 35 rằng: gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó. Ngọn gió thổi bay đi hết cả. Tôi tin điều nầy một lần nữa chỉ vào hệ thống lý thuyết của Nê-bu-cát-nết-sa.

Bel-Merodach có giao chiến với Chiamat. Và Chiamat, bạn có thể đọc về hắn, là con rồng của nhiều lộn xộn. Và phương thức Bel-Merodach đánh bại Chiamat là sai trận cuồng phong đến, còn Kinh Thánh chép về gió, khi ấy ngọn gió gấp bốn lần, và rồi ngọn gió gấp bảy lần, rồi thổi con rồng bay đi. Và Đa-ni-ên đã nói khi ngọn gió thổi đến, bạn sẽ không nhìn thấy chi hết. Bạn thấy đấy, Đức Chúa Trời đã ban cho Nê-bu-cát-nết-sa một sự hiện thấy bằng các thuật ngữ của riêng ông để ông hiểu được.

Câu chuyện kết thúc thể nào? Phải, tôi cũng thích việc nầy nữa. Câu 45. Đến đây thì có người sẽ nói: “Nào, tôi có nghe nói một số việc trong thời của tôi. Nhưng việc nầy thì hay hơn”. Đây là một việc hoang đường nhất từng mơ thấy bởi sự tưởng tượng của một số người đã cố gắng xì nó ra giống như thể nó là sự thật vậy. Pho tượng hoang đường, truyện tích thì lố bịch, với một sự lý giải khó tin toàn là tưởng tượng. Và y như ở nơi bạn sinh sống, có một phần ở câu 45 ý nói đóng đinh bạn lên bức tường. Ở đó nói như vầy: Điềm chiêm bao nầy là thật, và lời giải nó là chắc chắn. Đừng lạng quạng với điều nầy. Chẳng có một lỗi nào hết. Chiêm bao ấy rất chắc chắn và rất thật. Chúng ta đã nhìn thấy điềm chiêm bao đã được nhận lấy, chiêm bao được gợi lại, chiêm bao đã được tỏ ra.

Tôi đã nói điều nầy với bạn rồi, chiêm bao được ban thưởng. Hãy xem câu 46. Bấy giờ vua Nê-bu-cát-nết-sa sấp mặt xuống, lạy Đa-ni-ên, và truyền dâng lễ vật cùng đồ thơm cho người”. Bạn nói do đâu mà ông ta lạy Đa-ni-ên? Phải, ông ta không biết Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên, cho nên ông ta hình dung cách duy nhứt tiếp nhận Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên là qua Đa-ni-ên.

“Bấy giờ vua Nê-bu-cát-nết-sa sấp mặt xuống, lạy Đa-ni-ên, và truyền dâng lễ vật cùng đồ thơm cho người. Đoạn, vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm, vì ngươi đã có thể tỏ ra sự kín nhiệm nầy”. Ông nói: “Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần. Đức Chúa Trời của các ngươi là Shadu Rabu. Đức Chúa Trời của các ngươi là Thần Gió. Đức Chúa Trời các ngươi là Đấng tỏ ra những điều kín nhiệm”.

Bạn ơi, tôi muốn bạn biết đây là một sự biến đổi ngắn ngủi. Đây là cảm xúc của khoảnh khắc này bởi vì ông ta phát hiện ra như chúng ta sẽ thấy ngay trong chương tiếp theo. Nhưng trong khoảnh khắc này, ông ta bị choáng ngợp trước sự tỏ ra quyền phép của Đức Chúa Trời qua Đa-ni-ên. Vua bèn tôn Đa-ni-ên lên sang trọng và ban cho người nhiều lễ vật trọng. Vua lập người cai trị cả tỉnh Ba-by-lôn, và làm đầu các quan cai những bác sĩ của Ba-by-lôn“. Bây giờ bạn thấy đấy, sự việc giống như một sự thăng cấp từ chỗ là một gã khố rách áo ôm trở thành người dẫn chương trình. Ông là Thủ Tướng của Đế quốc Ba-by-lôn.

Và tôi thích điều nầy. Khi Đa-ni-ên nhận lãnh một địa vì mới, ông đã hình dung mình đã sử dụng địa vị ấy. Vì thế, ông thỉnh cầu nhà vua rồi ông cử Sa-đơ-rắc, Mê-sác, cùng A-bết-nê-gô bắt tay vào các vụ việc trong tỉnh Ba-by-lôn, còn Đa-ni-ên thì ngồi nơi cửa vua. Ông nói: “Tôi lãnh ba người nầy để họ trở thành các phụ tá cho tôi”, và ông đưa các bạn mình vào những vị trí chiến lược để Đức Chúa Trời đại dụng họ.

Có người chối bỏ toàn bộ sách Đa-ni-ên trên cơ sở duy nhứt nầy. Tôi có đọc một số lời chỉ trích phê phán sách Đa-ni-ên, họ chối bỏ toàn bộ sách theo một cơ sở duy nhứt. Các vua không sấp mình xuống trước mặt các phu tù. Vì vậy, đây là một sự giả mạo. Bạn có muốn biết một việc quan trọng không? Các vua sấp mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời. Đây chẳng phải là một sự giả mạo.

Bạn chưa bao giờ làm việc để nhận lãnh những gì bạn mong muốn trong đời nầy. Nếu bạn chỉ vâng theo Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đặt bạn lên trên những gì bạn từng mơ ước. Điều đó há chẳng thật sao? Bấy giờ Đa-ni-ên đã ngồi ở một cái ghế nhỏ ở đó, trong thành Giê-ru-sa-lem và nói: “Bây giờ ta hình dung làm thế nào để ta có thể trở thành Thủ Tướng của Ba-by-lôn. Trước tiên, ta phải vào vào trường tốt nhứt đã. Kế đó, ta phải gặp gỡ hạng người tốt nhứt đã. Ta phải cưới một thiếu nữ tốt nhứt làm vợ đã. Chiến lược”.

Không, Đa-ni-ên nói: “Tôi không quan tâm đến điều vua nói, tôi không ăn những thứ đó”. Và bạn sẽ nói: “Ồ, Đa-ni-ên ơi, đó không phải là chiến lược”. Và Đa-ni-ên trở thành thủ tướng của Ba-by-lôn vì Đức Chúa Trời đã đặt ông vào đó. Và nếu ông không đặt mình vào đó, ông không phải lo lắng về việc trụ lại. Bởi vì đó chẳng phải là điều ông mong muốn. Đó là những gì Đức Chúa Trời đã ban cho ông. Và bao lâu Đức Chúa Trời ban điều đó cho ông, Đức Chúa Trời sẽ giữ ông ở đó cho đến khi thời thế của ông đã hoàn tất. Đừng tìm kiếm cái gì cả. Nhưng Đức Chúa Trời ban chúng cho bạn khi bạn vâng theo ý chỉ của Ngài.

Hãy cúi đầu bạn xuống với tôi trong một phút khi chúng ta dự Tiệc Thánh của Chúa. Phần cuối của lời tiên tri lạ lùng nầy, ấy là Vương quốc của Đấng Christ, tôi muốn bạn lắng nghe điều nầy, làm đầy dẫy cả đất. Hòn đá làm đầy dẫy cả đất. Chúa chúng ta xứng đáng với việc ấy. Đã đến lúc cho Ngài tể trị và cai trị. Rồi khi tôi trông mong Vương quốc ấy, tôi không thể làm chi khác hơn là cảm động. Tôi muốn có mặt ở đó và bạn cũng thế và hết thảy những kẻ yêu mến Ngài cũng thế.

Nhưng có một việc Ngài đã phán sẽ rất là đặc biệt về vương quốc ấy. Đây là lời lẽ của Chúa Jêsus. Rồi khi họ đang ăn, Chúa Jêsus lấy bánh, chúc phước cho rồi bẻ ra, phân phát cho các môn đồ, Ngài phán: “Hãy cầm lấy mà ăn. Đây là thân thể Ta”. Rồi Ngài lấy chén, dâng lời cảm tạ, ban nó cho họ mà phán rằng: “Hết thảy các ngươi hãy uống đi, vì đây là huyết ta, huyết của giao ước mới đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Ngài đã phán như vầy trong lúc đó: “Ta sẽ không uống nước nho nầy nữa cho đến ngày ta uống nước nho mới với các ngươi trong Vương quốc của Cha ta”.

Đấy là một phần nhỏ của Vương quốc mà tôi trông mong khi dự Tiệc Thánh. Có phải tư tưởng ấy không quan trọng sao? Có Ngài ở đó không? Có thể chúng ta nói tới thập tự giá của Ngài. Và có thể chúng ta yêu mến bàn Tiệc của Chúa, giờ đây hãy lắng nghe, không những là nhìn lại thập tự giá, mà nó còn nhìn tới Vương quốc ở đàng trước nữa kìa. Bạn có thấy không? Khi chúng ta dự Tiệc Thánh với Ngài ở đó, ồ, hãy chúc phước cho danh của Ngài. Tôi biết Ngài đang sốt sắng chờ đợi ngày đó. Tôi tin chúng ta cũng trông đợi ngày ấy nữa.

Lạy Chúa, xin sửa soạn tấm lòng của chúng con, trong giờ nầy. Xin sửa soạn tấm lòng con để nhận lãnh từ Ngài ơn đặc biệt đó, sự khích lệ đặc biệt đó đến khi chúng con bẻ bánh tại bàn Tiệc của Ngài. Và ngay cả khi chúng con nhìn lại, lạy Chúa, và nhớ đến thập tự giá, chúng con cũng trông mong và nhìn thấy Vương quốc khi chúng con cùng dự tiệc nầy với Ngài.

Trong khi đầu của bạn cúi xuống trong một lát, liệu bạn có thể mở lòng mình ra với Chúa để tự xét mình trước bàn tiệc của Ngài không? Tôi tin rằng Phao-lô đang cung ứng cho chúng ta sự dạy dỗ rất hay khi ông nói rằng chúng ta phải chuẩn bị tấm lòng mình để chúng ta không dự tiệc cách không xứng đáng. Và vì vậy, trong chính thì giờ nầy, sửa soạn tấm lòng mình là điều cần thiết chỉ trong một lời cầu nguyện. Nếu có bất cứ điều gì đứng giữa bạn và Chúa, hãy cầu xin Ngài gỡ bỏ điều đó đi.

Có thể là tôi giúp bạn suy nghĩ qua lời cầu nguyện này bằng cách chia sẻ với bạn một số điều để bạn nắm lấy. Chỉ có dâng lên lời cầu nguyện này ở trong tấm lòng của bạn. “Nguyện Chúa thương xót, con xưng ra mọi tội lỗi của con trong ngày nầy, tuần nầy, năm nầy. Mọi tội lỗi của đời sống con. Tội sơ sót và không ký thác. Tội khinh khỉnh, giận dữ. Mọi tội lỗi trong cuộc sống, tình yêu, môi miệng, và cách ăn ở; tội cứng lòng, vô tín, giả hình, và kiêu ngạo; tội bất trung đối với linh hồn người ta. Tội muốn có những quyết định táo bạo trong lý tưởng Đấng Christ. Tội thiếu khát khao và không nhiệt tình thẳng thắn vì sự vinh hiển của Ngài. Tội đem lại sự sỉ nhục cho danh Chúa. Con xưng ra tội lừa dối, bất công, không trung thực trong cách xử sự của con với người khác. Tội bất khiết trong tư tưởng, lời nói và việc làm, tội tham lam. Tội tích trữ nhiều thứ không đúng cách, lãng phí, không tôn kính đối với sự vinh hiển của Ngài. Tội cá nhân và trong gia đình. Tội trong học tập và giải trí. Tội trong việc nghiên cứu lời của Ngài và trong sự chễnh mãng Lời ấy. Tội lỗi trong sự cầu nguyện được trình lên cách dửng dưng nguội lạnh. Tội trong cách sử dụng thời gian không đúng. Tội với những lời nói dối của Satan, trong việc cởi mở lòng mình trước những cám dỗ của hắn. Tội không tỉnh thức khi con biết Ngài đang ở gần. Tội dập tắt Thánh Linh. Tội chống lại sự sáng và tri thức, nghịch cùng lương tâm và những kềm chế của Đức Thánh Linh. Tội chống lại tình yêu thương của Ngài. Con thú nhận hết mọi tội mà con đã biết hoặc chưa biết, cảm thấy và không cảm thấy, đã xưng ra và chưa xưng ra, đã nhớ hay quên, với lòng nhận biết Chúa nhân từ vì Ngài hay tha thứ. Lạy Cha, xin sửa soạn tấm lòng của chúng con, vì Tiệc Thánh của Ngài trong danh Chúa Jêsus. Amen”.


Comments

Sự Dấy Lên Và Sụp Đổ Của Thế Gian, Phần 3 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *