HomeSÁCH BỒI LINH-TÁC GIẢ VNSách: "KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG"Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Phần 1

Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SŨNG” – Tác giả: Mục sư Tiến sĩ Lê Kim Vâng

Phần 1

KINH LUẬT LÀ GÌ?

torah-roll

1.1. ÐỊNH NGHĨA.

Kinh Luật là một hệ thống trật tự gồm luật pháp và luật lệ dùng để quản lý một xã hội. Trong Thánh Kinh, đặc biệt là trong Cựu ước, một bộ luật duy nhất đã được thiết lập do sự khải thị trực tiếp từ Ðức Chúa Trời cho dân sự Ngài áp dụng trong sự thờ phượng của họ, trong sự tương giao của họ với Ngài, và trong sự liên hệ xã hội của họ với nhau.

Dân Do thái không phải là một dân duy nhất có một bộ luật. Những góp nhặt như vậy rất phổ biến trong các dân tộc thời thượng cổ. Những bộ luật nầy nói chung bắt đầu với lời giải thích rằng các thần thánh đã cho vua quyền lực để trị vì, đồng thời cũng công bố rằng một vua anh minh và xuất chúng. Luật vua ban hành có chủ đích bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau. Thường bộ luật được kết thúc bằng một bản liệt kê thưởng và phạt.

Kinh luật, hay là Luật của Môise thì khác với các bộ luật vùng Cận Ðông trong nhiều phương diện. Kinh luật khác hẳn từ nguồn gốc. Qua suốt thời thượng cổ, luật pháp của phần đông các dân tộc bắt nguồn từ những vị thần được xem như của riêng họ và có chủ đích khi được áp dụng. Ngay cả vị thần ở dưới luật pháp cũng có thể bị trừng phạt nếu họ phạm luật, dĩ nhiên ngoại trừ khi họ có đủ quyền lực chiến thắng những người trừng phạt họ. Vua cai trị dưới sự bảo trợ của vị thần mà đền thờ và tài sản vua có thể trông nom được. Dù vua không bị ràng buộc như luật đã viết, nhưng vua có sự liên hệ riêng với vị thần đó. Vì vậy, luật phải được quyết định cho từng trường hợp và tùy theo ý muốn của vua. Gần như trọn đời vua, luật luôn được giữ kín.

Ngược lại, theo quan niệm Thánh Kinh thì Kinh luật đến từ Ðức Chúa Trời, được ban cho từ bản tánh Ngài, là thánh, công chính, và nhân lành. Hơn nữa, ngay từ lúc đầu lãnh đạo dân Do thái tại núi Sinai, Ðức Chúa Trời là Vua vĩ đại đã ban cho họ Kinh luật của Ngài. Kinh luật nầy gắn chặt với dân sự Ngài và Ngài luôn giữ gìn họ. Hơn nữa Kinh luật của Ngài là phổ quát. Các vua Á Ðông thường cố gắng vượt hẳn các vị tiền bối của họ về ý niệm, năng lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Từ đó thường thúc đẩy họ công bố bộ luật. Tuy nhiên Ðức Chúa Trời miêu tả Kinh luật của Ngài như là một sự bày tỏ tình yêu thương đối với dân sự của Ngài (Xuất hành 19:5-6).

Trong nước Do thái, mọi tội phạm đều được xem là chống nghịch với Ðức Chúa Trời.

“Nhưng họ lại quên Chúa là Ðức Chúa Trời của họ, nên Ngài trao họ vào tay Xixêra, tổng chỉ huy quân đội thành Hátxo, vào tay người Philitin, và vào tay vua Môáp, cho những kẻ thù nầy đánh bại họ. Họ van xin Chúa: “Xin Ngài giải cứu chúng con khỏi tay quân thù để chúng con phụng thờ Ngài.” (I Samuên 12:9-10).

Vì vậy Ngài mong muốn dân sự Ngài đều yêu mến Ngài và phụng thờ Ngài.

“Ta ghét, Ta khinh các ngày lễ của các ngươi. Ta không đẹp lòng các buổi nhóm họp trọng thể. Ngay khi các ngươi dâng cho Ta tế lễ thiêu, và tế lễ ngủ cốc, Ta cũng không nhận. Ta chẳng màng đến các sinh tế béo tốt. Hãy cất xa khỏi Ta tiếng ca hát ồn ào, Ta chẳng muốn nghe tiếng đàn hạc của các ngươi! Nhưng hãy để sự xét xử công bình trào lên như nước, sự chính trực của dòng sông không hề cạn!”  (Amốt 5:21-24).

Là một vị Thẩm phán chung cuộc, Ngài kỷ luật những kẻ đã vi phạm Kinh luật Ngài.

“Ðừng bạc đãi ngoại kiều cũng đừng áp bức họ, vì các ngươi đã là ngoại kiều trong xứ Aicập. Ðừng làm cho goá phụ và trẻ mồ côi đau khổ. Nếu các ngươi làm cho họ đau khổ, họ sẽ kêu van Ta và chắc chắn Ta sẽ nghe tiếng kêu của họ. Cơn giận của Ta sẽ nổi lên và Ta sẽ dùng gươm giết các ngươi; như vậy vợ các ngươi sẽ thành góa phụ và con các ngươi sẽ thành mồ côi.” (Xuất hành 22:21-24)

“Ngài bênh vực kẻ mồ côi người góa bụa, yêu mến ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc.” (Phục truyền 10:18)

“Cả hai bên nguyên cáo và bị cáo phải lên nơi thờ phượng Chúa và đứng trước các thầy tế lễ và thẩm phán đương nhiệm.” (Phục truyền 19:17)

Ðất nước hay cộng đồng có trách nhiệm giữ gìn Kinh luật và bảo đảm rằng công lý được thi hành.

“Nếu anh em ruột, con trai, con gái, hay vợ yêu quý của anh chị em, hay người bạn thân nhất đến bí mật dụ dỗ anh chị em, nói rằng:’Chúng ta hãy đi thờ lạy các thần khác’ là thần anh chị em và tổ tiên anh chị em chưa hề biết, thần của các dân tộc sống quanh anh chị em, dù ở gần hay ở xa, từ đầu xứ cho đến cuối xứ) thì anh chị em đừng nhượng bộ hay nghe lời người ấy, cũng không được thương xót, bảo vệ hay che chở. Nhưng anh chị em phải nhất quyết đem người ấy ra xử tử. Anh chị em phải ra tay trước tiên rồi toàn dân tiếp tay xử tử người ấy. Phải lấy đá ném cho chết vì người ấy đã tìm cách làm cho anh chị em lìa bỏ Chúa, Ðức Chúa Trời của anh chị em là Ðấng đã đem anh chị em ra khỏi xứ Aicập, ra khỏi đất nô lệ.” (Phục truyền 13:6-10)

“Các nhân chứng phải là người đầu tiên đưa tay ra xử tử tội nhân, rồi sau đó toàn dân mới tiếp tay. Anh chị em phải diệt trừ tội ác giữa dân mình.” (Phục truyền 17:7)

“Trong thời gian dân Ysơraên ở trong sa mạc, họ bắt được một người đi lượm củi ngày Sabát. Những người chứng kiến người ấy đang lượm củi mang nó đến cho Môise, Arôn và cả hội chúng Ysơraên. Họ giam giữ anh vì chưa rõ phải xử trí thế nào. Chúa phán dạy Môise: ‘Người nầy phải chết. Cả hội chúng phải ném đá người ngoài trại quân.’ Vậy hội chúng đem anh ra ngoài trại quân và ném đá xử tử như lời Chúa đã truyền cho Môi se.” (Dân số 15:32-36)

Kinh luật của Ðức Chúa Trời không giống như luật pháp của các dân tộc thời thượng cổ, nhưng cho thấy đời sống con người có giá trị đặc biệt vì con người được sáng tạo theo hình thể Ngài. Vì vậy Kinh luật phải nhân đạo. Kinh luật tránh làm cho tội phạm trở thành tàn tật và tránh những sự trừng phạt dã man khác. Nạn nhân không được gây nhiều thương tích mà họ đã có trước đó. Các tội phạm không thể hoàn lại ít hơn điều họ đã đánh cắp, đơn giản là vì sự phân biệt giai cấp. Mọi người đều bình đẳng trước Kinh luật của Chúa.

Ðiều đòi hỏi ‘măt đền mắt, răng đền răng’ của Luật Môise không phải là một công bố nhẫn tâm để có một trừng phạt độc ác. Thực ra, đó là một yêu cầu vì sự bình đẳng trước Kinh luật.

“Nhưng nếu gây thương tích trầm trọng thì mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, thương tích đền thương tích, bầm giập đền bầm giập.” (Xuất hành 21:23-24)

Mỗi người phải trả giá cho tội ác mình đã làm.

“Các ngươi không được nhận tiền chuộc mạng của một tên sát nhân đã đủ bằng chứng mắc tội và đáng chết vì nó buộc phải bị xử tử.”  (Dân số 35:31)

Dưới bộ luật của vài dân tộc thế tục đa thần, người giàu thường trả tiền để khỏi bị trừng phạt. Nhưng Kinh luật của Ðức Chúa Trời bảo vệ đặc biệt goá phụ không có khả năng tự vệ, trẻ em, nô lệ và người lạ mồ côi cha không bị đối xử bất công.

“Nếu các ngươi mua một người Hêbơrơ làm nô lệ, người đó sẽ phục vụ trong sáu năm. Nhưng đến năm thứ bãy người đó sẽ được tự do, không cần phải trả tiền chuộc. Nếu một người chủ dùng cây đánh nô lệ nam hay nữ của mình làm người nô lệ chết liền tại chỗ, người chủ phải bị trừng phạt. Nhưng nếu một hai ngày sau người nô lệ nầy dậy được thì chủ khỏi bị trừng phạt, vì nô lệ là tài sản của chủ.”  (Xuất hành 21:2, 20-21).

“Ðừng bạc đãi ngoại kiều cũng đừng áp bức họ, vì các ngươi đã là ngoại kiều trong xứ Aicập. Ðừng làm cho góa phụ và trẻ mồ côi đau khổ. Nếu các ngươi làm cho họ đau khổ, họ sẽ kêu van Ta và chắc chắn Ta sẽ nghe tiếng kêu của họ. Cơn giận của Ta sẽ nổi lên và Ta sẽ dùng gươm giết các ngươi; như vậy vợ các ngươi sẽ thành góa phụ và con các ngươi sẽ thành mô côi.” (Xuất hành 22:21-24)

Một số học giả tham khảo sách Lê vi từ đoạn 17 đến đoạn 26 và xem sách nầy như bộ ‘luật thánh’. Mặc dầu nó không có chứa đựng tất cả những giáo huấn của Chúa về nghi lễ thánh, nhưng nó đề ra nhiều điều Ðức Chúa Trời đòi hỏi. Những chương nầy bao gồm những chi tiết về đạo đức và nghi lễ liên quan đến đền tạm và việc thờ phượng công cộng cũng như điều răn ‘yêu thương kẻ lân cận như chính mình.’

“Ðừng tìm cách báo thù cũng đừng mang oán hận người đồng hương nhưng phải yêu thương người lân cận như chính bản thân mình. Ta là Chúa.”  (Lê vi 19:18)

Dân tộc Do thái có một đặc điểm là bị tách rời khỏi các dân tộc khác. Có nhiều luật cấm thờ phượng tà thần. Vì Ðức Chúa Trời là thánh.

“Các ngươi phải coi các thầy tế lễ là thánh vì họ dâng của lễ cho Ðức Chúa Trời các ngươi. Hãy kể họ là thánh, vì Ta, Chúa là thánh và là Ðấng thánh hóa các ngươi.” (Lêvi 21:8)

Dân Do thái là thánh, và được tách rời khỏi các dân tộc khác.

“Các ngươi phải thánh cho Ta, vì Ta, Chúa là thánh và Ta đã phân cách các ngươi khỏi mọi dân tộc để các ngươi thuộc về Ta.” (Lêvi 20:26)

Sách Phục truyền đôi khi còn được gọi là ‘Bộ luật Phục truyền’.  Sách Phục truyền bao gồm Ðiều răn ‘Yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, linh hồn và sức lực.’ (Phục truyền 6:5)

Kinh luật có giá trị nhiều hơn là một sự ghi chép về nhân đức. Ðó là một sự bày tỏ điều mà Ngài đòi hỏi nơi con người. Ðó là những nguyên tắc đạo đức vĩnh cửu phù hợp với bản chất của chính Ðức Chúa Trời. Vì vậy Kinh luật là bản tóm tắt của luật đạo đức. Do đó, nó công bố những nguyên tắc đạo đức cơ bản và phổ thông.

Ðiều thường được gọi là ‘Dân luật’ bao gồm những luật trong Ngủ kinh (năm sách đầu tiên của Kinh Thánh Cựu ước) đã qui định tư cách đạo đức dân sự và xã hội. Kinh luật là những luật tôn giáo cơ bản từ khi Ðức Chúa Trời là Ðấng ban cho và quản trị muôn loài.

            Có 11 loại luật lệ trong Kinh Thánh Cựu ước:

  1. Mười Ðiều răn của Ðức Chúa Trời
  2. Luật qui định các cấp lãnh đạo
  3. Luật về các đấng tiên tri
  4. Luật qui định quân đội
  5. Luật tôn trọng tội phạm
  6. Các tội ác
  7. Các tội ác chống bản thân con người
  8. Tội ác đối với tài sản người khác
  9. Luật bảo vệ loài vật và con người
  10. Luật bảo vệ quyền cá nhân và gia đình
  11. Luật đạo đức xã hội.

 

***************

1.2. MƯỜI ÐIỀU RĂN CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI.

Khải thị về ý chỉ của Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh Cựu ước và sự soạn thảo công phu sau nầy trong Kinh luật được xem như ‘truyền thống cổ nhân của các trưởng lão’trong Kinh Thánh Tân ước.

“Tại sao môn đệ của Thầy vi phạm truyền thống cổ nhân, không rửa tay trước khi ăn. (Mathiơ 15:2; Mác 7:5).

“Trong việc giữ đạo Do thái, tôi vượt xa hơn nhiều người đồng bào đồng tuổi với tôi. Tôi hết sức nhiệt thành giữ các truyền thống của tổ tiên.”(Galati 1:14)

Kinh luật có thể xử dụng như một Ðiều răn, một lời nói, một sắc lệnh, một sự phán xét, một phong tục, hoặc một sự ngăn cấm. Năm sách đầu tiên trong Kinh thánh (Ngủ Kinh) được kể là những sách luật (Torah) vì những sách nầy dựa vào Mười Ðiều răn mà Chúa đã bày tỏ cho Môise.

Giao ước giữa Ðức Chúa Trời và dân sự của Ngài tại núi Sinai tạo thành nền tảng luật cho dân Do thái. Họ phải tuân theo Kinh luật của Chúa nhờ đó Ðức Chúa Trời mới cứu họ ra khỏi Aicập (Xuất 20:2). Kinh luật bao gồm mọi lãnh vực trong đời sống cộng đồng. Mười Ðiều răn là một món quà của Chúa cho dân sự Ngài. Tuân theo Mười Ðiều răn sẽ được hưởng phước,

“Bây giờ nếu các ngươi vâng phục Ta hoàn toàn và giữ giao ước Ta thì trong tất cả các nước các ngươi sẽ là cơ nghiệp quý giá của Ta. Mặc dầu cả thế gian đều thuộc về Ta riêng các ngươi sẽ là vương quốc thầy tế lễ và là dân tộc thánh cho Ta. Ðó là những lời con phải nói lại cho dân Ysơraên.”(Xuất hành 19:5,6)

… và chuẩn bị cho giao ước cộng đồng một sự lành mạnh và đầy đủ. Mười Ðiều răn là một bản tóm tắt về Kinh luật (Xuất hành 20:2-17; Phục truyền 5:6-21). Trong thời Tân ước, torah không chỉ có nghĩa là Kinh Thánh Cựu ước (Kinh luật thành văn) mà cũng là Kinh luật truyền miệng (không thành văn bản) của dân Do thái nữa.

Có hai loại Kinh luật được tìm thấy trong Kinh Thánh Cựu ước. Loại Kinh luật phổ quát như Mười Ðiều răn qui định những nguyên tắc chung cho đời sống trong cộng đồng giao ước với Chúa. Các điều nầy không có định rõ áp dụng làm sao hay biện pháp trừng phạt như thế nào.

Luật theo trường họp thường bắt đầu bằng chữ  ‘nếu ‘hay chữ ‘khi ‘thường giải quyết với nhiều tình hưống đặc biệt. Nhiều khi nó chỉ rõ một sự trừng phạt vì vi phạm luật. (Xuất hành 21:2-4; 22:1,2,4-5,25)

Mười Ðiều răn là luật cấm ngoại trừ Ðiều răn 4 và 5 (Xuất hành 20:8,11,12). Các Ðiều nầy định nghĩa tiêu cực trọng tâm của giao ước giữa Ðức Chúa Trời và dân sự Ngài. Bốn Ðiều răn đầu tiên liên quan đến Ðức Chúa Trời. Sáu Ðiều còn lại liên quan đến con người. Sống công chính với Chúa bắt buộc người đó sống phải công chính với người lân cận mình.

Trong nhiều trường họp, Chúa Jêsus dùng lời dạy của mình vượt quá lời dạy của người xưa (Mathiơ 5:21-6:48). Người Pharisi đã tố giác Chúa Jêsus và môn đệ Ngài vi phạm truyền thống cổ truyền, không rửa tay trước khi ăn (Mathiơ 15:1-20) và ăn uống chung với phường thâu thuế và những người tội lỗi (Mathiơ 9:11). Mâu thuẩn lớn nhất là vì Chúa Jêsus bác bỏ sự giải thích luật Sabát của họ và nói rằng Con Người là Chúa của ngày Sabát (Mathiơ 12:8) và rằng ngày Sabát được thiết lập cho nhân loại chứ không phải nhân loại cho ngày Sabát (Mác 2:27).

Chúa Jêsus mở đầu cho một kỷ nguyên mới. Chúa Jêsus nói Ngài đến không phải để hủy bỏ Kinh luật, mà để hoàn thành Kinh luật (Mathiơ 5:17-20).

“Kinh luật và Kinh tiên tri được truyền giảng đến đời Giăng. Từ ngày đó, Nước Ðức Chúa Trời được truyền giảng và ai cũng cố sức chen lấn mà vào.” (Luca 16:16).

Vì vậy Kinh luật không còn là nguyên tắc hướng dẫn đến Nước Ðức Chúa Trời nữa. Chúa Jêsus đã chuyển sự hiểu biết về Kinh luật từ ý nghĩa ngoại vi và hợp pháp đến ý nghĩa thuộc linh (Mathiơ 5:21-22, 27-28). Chúa Jêsus tóm tắt cả Kinh luật và lời dạy của các tiên tri với hai nguyên tắc lớn nhất là yêu Chúa và yêu người lân cận (Mathiơ 22:36-40 so sánh với Rôma 13:8; Galati 5:13). Tình yêu đó có thể được nhìn thấy trong sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa chúng ta. Chỉ nhờ sự giúp đở của Chúa Thánh Linh chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu của tình yêu để làm trọn Kinh luật (Galati 5:16; Rôma 8).

Phaolô có sự đấu tranh dai dẳng với Kinh luật. Nhờ từ ngữ ‘Kinh luật’ Phaolô muốn nói lên ý nghĩa Kinh luật của Ðức Chúa Trời được chép trong Cựu ước. Ông cũng nói về một loại luật nhiên nhiên đã có sẳn trong con người (Rôma 7:23, 25). Luật tội lỗi có nghĩa là hạnh kiểm được xác định bằng tội lỗi. Phaolô cũng dùng luật trong ý nghĩa nầy khi ông nói đến luật đức tin, đó là hạnh kiểm được xác định bằng đức tin trong Chúa (Rôma 3:27-28). Phaolô nhìn nhận rằng Kinh luật được ban cho là toàn hảo.

Cho nên Kinh luật là thánh, điều răn cũng là thánh, công chính và tốt lành.. .. Vì chúng ta biết rằng luật là thiêng liêng nhưng tôi là con người xác thịt đã bị bán làm nô lệ cho tội lỗi. (Rôma 7:12, 14) Chúng ta biết Kinh luật là tốt, nếu sử dụng cho đúng. (ITimôthê 1:8).

Sự đòi hỏi của Kinh luật là chỉ rõ tội lỗi của con người. (Rôma 7:7). Vì loài người phạm tội, nên Kinh luật trở thành một sự rủa sả thay vì phước hạnh.(Galati 3:10-13).

Phaolô tin là Kinh luật không cứu được ai (Galati 3:11; Rôma 3:20). Chúa Cứu Thế giải phóng chúng ta khỏi sự trói buộc của tội lỗi nhờ sự chết và sống lại của Ngài (Rôma 8:3,4). Vì vậy, Chúa Cứu Thế đã trở thành cứu cánh của Kinh luật để ban sự công chính cho những người tin. (Rôma 10:4) và đó là đức tin cứu chúng ta chứ không phải Kinh luật. (Êphêsô 2:8,9)

Mười Lời  (một thuật ngữ kỷ thuật có nghĩa là các điều khoản) của giao ước mà Ðức Chúa Trời thiết lập với dân sự Ngài.

“         Môise ở trên núi với Chúa bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh cũng không uống nước. Chúa viết trên hai bảng đá lời của giao ước, tức là Mười Ðiều Răn.” (Xuất hành 34:28).

“         Chúa công bố với anh chị em giao ước của Ngài, tức là ‘Mười Ðiều răn’, là những điều Chúa truyền cho anh chị em phải vâng giữ rồi Ngài viết các điều ấy trên hai bảng đá.” (Phục truyền 4:13)”

“         Chúa viết trên hai bảng đá đó những gì Ngài đã viết trên hai bảng đá trước, tức là Mười Ðiều Răn Ngài đã công bố cho anh chị em từ giữa đám lửa trên núi, vào ngày toàn dân hội họp. Rồi Chúa trao hai bảng đá cho tôi.” (Phục truyền 10:4).

Những luật nầy thường được gọi là ‘Decalogue’ từ chữ Hylạp có nghĩa là ‘mười chữ ‘. Cả mười chữ đều được viết trên hai bảng đá,

“         Sau khi phán dạy Môise những điều nầy trên núi Sinai, Chúa ban cho Môise hai bảng Giao Ước, là hai bảng đá do ngón tay của Ðức Chúa Trời viết lên trên.” (Xuất hành 31:18),  một cho Ðức Chúa Trời và một cho dân Ysơraên.

Mặc dầu Ðức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài “Mười Ðiều Răn” qua Môise tại núi Sinai hơn 3,000 năm qua, những điều nầy vẫn thích hợp cho hôm nay. Nó mang một ý nghĩa bên trong là Ðức Chúa Trời không bao giờ thay đổi. Những luật nầy xuất phát từ Ðức Chúa Trời và từ phẩm chất vĩnh cửu của Ngài, vì vậy giá trị đạo đức không thể thay đổi.

Gần 1,500 năm sau khi Ðức Chúa Trời ban Kinh luật, Chúa Jêsus vẫn vâng giữ, gọi là Ðiều răn và liệt kê năm điều dành cho một người trai trẻ giàu có.

“         “Có một người đến hỏi Chúa Jêsus: “Thưa thầy tôi phải làm điều thiện nào để được sự sống vĩnh phúc?” Ngài đáp: “Tại sao anh hỏi Ta về việc thiện? Chỉ có một Ðấng Toàn thiện mà thôi. Nếu muốn được sự sống ấy hãy giữ các điều răn.” Người đó lại hỏi: “Những điều răn nào?” Chúa Jêsus đáp: “Ðừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cắp, đừng làm chứng dối. Hãy hiếu kính cha mẹ và yêu thương người lân cận như chính mình.” Chàng thanh niên ấy thưa: “Tôi đã giữ tất cả những điều răn nầy, còn thiếu điều nào nữa?” Chúa Jêsus bảo: “Nếu anh muốn được toàn hảo, hãy đi bán hết tài sản, đem cho người nghèo, thì anh sẽ có kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta.” (Mathiơ 19:16-21).

Và trong Bài giảng trên núi, Chúa Jêsus cũng bày tỏ rằng Ngài không phải đến để hủy bỏ điều răn. Ngài đặc biệt nhấn mạnh về luật cấm giết người (Mathiơ 5:21) và tội ngoại tình (Mathiơ 5:27).

Thực sự Chúa Jêsus đã đặt những luật nầy trên một mức cao hơn và đòi hỏi phải giữ mọi khía cạnh tinh thần cũng như pháp định (Mathiơ 5:17-28). Ngài đã đóng dấu ấn đời đời và phán rằng:

“Ðừng nghĩ rằng Ta đến để hủy bỏ Kinh luật và Kinh Tiên tri; Ta đến không phải để hủy bỏ mà để hoàn thành. Vì thật, Ta bảo các con: Cho đến khi nào trời đất qua đi thì một chấm một nét trong Kinh luật cũng không qua đi, cho đến chừng tất cả được thành tựu. Vì thế nếu ai hủy bỏ một điều nhỏ nhất trong các điều răn nầy và dạy người ta làm như thế, người ấy sẽ là nhỏ nhất trong Nước Thiên đàng. Nhưng hễ ai làm theo những điều răn ấy và dạy người khác làm nữa sẽ được kể là lớn trong Nước Thiên đàng.”” (Mathiơ 5:17-19).

Ðức Chúa Trời chí thánh phán ra những Ðiều răn của Ngài từ đỉnh núi Sinai giữa khói và lửa bày tỏ quyền năng của Ngài thấy được, vẻ uy nghi cùng thẫm quyền của Ngài. (Xuất hành 19:16-20:17). Về sau các Ðiều răn nầy được khắc sâu trên hai bảng do chính ngón tay Ðức Chúa Trời viết lên”.

“         Sau khi phán dạy Môise những điều nầy trên núi Sinai, Chúa ban cho Môise hai bảng Giao Ước, là hai bảng đá do ngón tay của Ðức Chúa Trời viết lên trên.” (Xuất hành 31:18).

Bối cảnh kinh hoàng của các hiện tượng chung quanh việc ban Kinh luật được ghi lại nhiều lần trong Kinh Thánh, có lẽ để nhấn mạnh sự long trọng khi ban hành. (Xuất hành 19:16-19; Phục truyền 4:11-12).

Mười Ðiều răn là trọng tâm của Giao Ước đặc biệt giữa Ðức Chúa Trời và dân sự Ngài. Ngài phán cùng họ rằng:

“Bây giờ nếu các ngươi vâng phục Ta hoàn toàn và giữ Giao Ước Ta thì trong tất cả các nước, các ngươi là cơ nghiệp quý giá của Ta. Mặc dầu cả thế gian đều thuộc về Ta.” (Xuất hành 19:5).

Những câu nầy cũng nhấn mạnh rằng sự tuân giữ Ðiều răn là điều căn bản cho sự sống còn của Ysơraên như một dân tộc đặc biệt của Chúa.

Ðức Chúa Trời không có ý định thiết lập Mười Ðiều răn để dân Ysơraên nhờ đó mà được cứu rỗi. Sự gia ơn của Ðức Chúa Trời đã được ban cho nhưng không (Xuất hành 20:1-2). Ðiều nầy đã được bày tỏ trội hẳn qua sự giải cứu họ ra khỏi Aicập, khỏi đất nô lệ.

“Vì Ðức Chúa Trời yêu thương tổ tiên anh chị em và lựa chọn dòng dõi họ nên chính Ngài và quyền năng vô hạn của Ngài đã đem anh chị em ra khỏi xứ Aicập và đánh đuổi những dân tộc lớn mạnh hơn anh chị em, rồi đem anh chị em vào đất của những dân tộc đó và ban đất ấy cho anh chị em làm cơ nghiệp, như anh chị em thấy ngày nay.”” (Phục truyền 4:37).

Vì vậy, trọng tâm của sự liên hệ giao ước đã đặt để một hành động thiên thượng là ‘Ân sủng’. Ðức Chúa Trời đã giáo đầu Mười Ðiều răn bằng sự nhắc nhớ chính Ngài đã giải phóng họ (Xuất hành 20:2).

Mười Ðiều răn (Xuất hành 3-17; Phục truyền 5:7-21) vẫn còn thích hợp đến ngày hôm nay. Thế gian đang tuyệt vọng nhìn thấy danh hiệu và đặc tính của Ðức Chúa Trời được biểu lộ trong đời sống những Cơ đốc nhân còn đang nghiêm chỉnh giữ Lời Ngài. Ðặc biệt Ðiều Răn được ghép chung với những lời dạy của Chúa Cứu Thế vẫn được coi là những lời hướng dẫn tốt nhất để nhân loại biết mà sống đạo hàng ngày.

Dù không có sự đồng ý một cách phổ thông liên quan đến tại sao các đoạn văn trong Mười Ðiều răn (Xuất hành 20:3-17; Phục truyền 5:7-21) phải chia ra làm mười điều như vậy, sự phân chia sau đây có lẽ là phổ biến nhất. Bốn điều đầu tiên nói về sự liên hệ của con người với Ðức Chúa Trời, và sáu điều sau cùng tập chú vào sự liên hệ giữa con người với nhau. Giống như Chúa Jêsus phân biệt hai phần chính đã được nhấn mạnh trong Mười Ðiều răn với sự nhấn mạnh của Ngài về tình yêu đối với Ðức Chúa Trời và tình yêu với người lân cận mình.

“Một trong các chuyên gia Kinh luật đến đó nghe họ tranh luận và thấy Ngài trả lời rất hay, nên hỏi Ngài:”Trong cả các Ðiều răn, điều nào lớn nhất?” Ðức Chúa Jêsus đáp: “Ðây là Ðiều răn lớn nhất: ỏHởi Ysơraên hãy lắng nghe! Chúa, Ðức Chúa Trời chúng ta là Chúa duy nhất. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà yêu kính Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi. Ðây là Ðiều răn thứ hai: ‘Hãy yêu thương người khác như chính mình.’ Không có Ðiều răn nào lớn hơn hai Ðiều nầy.” Chuyên gia Kinh luật nói cùng Ngài:” Thưa Thầy, Thầy nói đúng, chỉ có một Ðức Chúa Trời, ngoài ra không có đấng nào khác. Còn yêu kính Chúa hết lòng, hết trí, hết sức và yêu thương người khác như mình quan trọng hơn là dâng các tế lễ thiêu và mọi tế lễ khác.”Thấy người ấy trả lời khôn ngoan, Ðức Chúa Jêsus bảo rằng:”Ông không xa Nước Ðức Chúa Trời đâu!” Không còn ai dám chất vấn Ngài nữa.”” (Mác 12:28-34).

  1. “Ngoài Ta ra các ngươi không được thờ các thần khác.”(Xuất hành 20:3).

“Ðức Chúa Trời của chúng ta là Chúa có một không hai.” (Phục truyền 6:4) “Chúa là Ðức Chúa Trời của cả trời đất, ngoài Ngài không có thần nào khác.” (Phục truyền 4:39),

vì vậy, tin cậy và thờ lạy những gì gọi là thần khác là không được. Khi đặc điểm của Ðức Chúa Trời hình thành Giao ước căn bản với dân sự Ngài, Ngài đòi hỏi một tấm lòng trung thành tuyệt đối. Và khi ý định trong lòng tôn Ðức Chúa Trời lên trên hết, thì hành động của người ấy sẽ bày tỏ ra ngoài. Rồi những người khác sẽ thấy đặc điểm của Ðức Chúa Trời sẽ giống hệt qua các hành động của dân sự Ngài.

  1. “Các ngươi không được làm cho mình tượng theo hình dạng của bất cứ vật gì ở trên trời cao, ở mặt đất hay ở dưới nước.” (Xuất hành 20:4). Ðiều răn thứ hai là cần thiết bởi vì họ không luôn vâng giữ Ðiều thứ nhất. Dân Ysơraên làm một con bò bằng vàng để thờ lạy ngay khi Ðức Chúa Trời ban Kinh luật cho Môise. Và từ khi dân Ysơraên có nhiều liên hệ với dân đã thờ lạy thần tượng, kể cả ảnh tượng của vua chúa trần gian, Ðức Chúa Trời ban cho họ Kinh luật nầy. Ðức Chúa Trời không phải là Ðấng hữu hình, thấy được.

 

“Từ giữa đám lửa, Chúa phán dạy anh chị em. Anh chị em nghe tiếng nói nhưng không thấy hình dáng nào cả, chỉ nghe được tiếng thôi.” (Phục truyền 4:12)

“Ðức Chúa Trời là Thần Linh nên những người thờ phụng Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phụng.” ( Giăng 4:24).

Vì vậy, thờ hình tượng là trình bày sai về Ngài.

  1. “Các ngươi không được dùng tên Chúa, Ðức Chúa Trời các ngươi cách thiếu tôn kính” (Xuất hành 20:7).

Tên của Ðức Chúa Trời và đặc tính của Ngài không thể tách rời được. Khi dùng Danh thánh của Ngài một cách vô cớ là xúc phạm và khinh dễ Chúa. Ðiều đó có thể là tự khai man trước toà án.

“Ðừng lấy danh Ta thề dối mà xúc phạm đến danh Ðức Chúa Trời các ngươi, Ta là Chúa.”” (Lêviký 19:12)

Tuy nhiên, điều răn nầy cũng áp dụng đối với sự thờ phượng giả hình, dùng danh Chúa để cầu nguyện và ca tụng vô nghĩa.

“Chúa phán: Vì dân nầy đến gần Ta bằng miệng; tôn vinh Ta bằng môi, nhưng lòng thì xa cách Ta. Sự chúng nó kính sợ Ta chỉ là điều răn của loài người, do loài người dạy bảo.”” (Êsai 29:13).

  1. “Phải nhớ ngày Sabát và giữ làm ngày thánh.” (Xuất hành 20:8).

Sabát có nghĩa là ‘nghỉ’ nhưng Ðức Chúa Trời có ý định dùng ngày nầy không những tiêu biểu cho một ngày không có việc làm mà là một ngày dùng để thờ phượng, một ngày biệt riêng các ý nghĩ về vật chất thu được và để suy gẫm về Chúa. Chính Ngài đã đặt ra đường lối nghỉ các công việc của Ngài sau khi tạo dựng muôn vật. Tại sao những Cơ đốc nhân ngày nay lại coi bận việc đời ngang bằng với công việc tâm linh?

  1. “Phải hiếu kính cha mẹ để các ngươi có thể sống lâu trên đất mà Chúa, Ðức Chúa Trời các ngươi ban cho.”(Xuất hành 20:12).

Ðức Chúa Trời thiết lập cha mẹ có thẫm quyền trong một gia đình. Con cái thường nhận được ấn tượng về Chúa từ cha mẹ chúng nó. Cha mẹ bước đi theo Thánh linh, ước muốn lương thiện theo đường lối của Kinh Thánh, sẽ làm gương tốt cho con cái. Con cái muốn làm đẹp lòng Chúa thì phải hiếu kính cha mẹ bất luận sức ép từ thế gian hay bạn bè cùng lứa.

  1. “Không được giết người.” (Xuất hành 20:13). Người nào cần đến người khác, nên bắt đầu với những người trong một mái nhà, sẽ không muốn làm hại người khác. Luật nầy bày tỏ thái độ của Ðức Chúa Trời đối với những người mà Ngài đã dựng nên theo hình thể Ngài. Không một người nào có quyền cất mạng sống của kẻ khác.

“Kẻ làm đổ máu người sẽ bị người khác làm đổ máu lại, vì Ðức Chúa Trời đã dựng nên loài người theo hình ảnh Ngài.”(Sáng thế 9:6).

  1. “Không được tà dâm” (Xuất hành 20:14)

Ðiều răn nầy nói đến tình dục với người phối ngẫu nhưng theo truyền thống không được dùng trong quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Ðiều răn đòi hỏi một sự liên hệ đúng mức với Chúa và với những người khác. Tội ngoại tình chỉ có thể xãy ra khi một người đã chuẩn bị để làm mất lòng người khác, thỏa mãn cho chính họ trên sự phí tổn của người khác. Một thái độ đúng là đặt Chúa trước nhất và không làm hại người khác được kết hợp với nhiều điều răn khác nhau. Một người không tham lam thì không thể lấy vợ hay chồng của người khác. Và ông ta cũng không cho phép tư tưởng tham lam được phát triển trong trí não của mình. Ông ta phải giữ lòng trung thành tuyệt đối với Chúa.

  1. “Không được trộm cắp” (Xuất hành 20:15) Trộm cắp là lấy cái gì không phải là của mình. Ðó có thể là tài sản của người khác, vợ của người khác hay thanh danh của người khác. Luật nầy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những vật bạn có qua những nguồn hợp pháp.

 

  1. “Không được làm chứng dối nghịch người khác” (Xuất hành 20:16).

Một sự liên hệ tốt đòi hỏi sự thành thật và tính lương thiện trong khi nói chuyện với người khác. Cổ nhân có câu: “Lời lành thì tên cũng lành” thường là chuyện đùa thời nay. Nhưng dân sự Ngài phải quý mến thanh danh của họ cũng như của những người khác. Nếu người nào nói xấu ai thì họ sẽ giống như ăn trộm của người đó hay trở thành kẻ giết người.

  1. “Không được tham muốn bất cứ thứ gì của người khác” (Xuất hành 20:17).

Chúa Jêsus chi tiết thêm điều răn nầy khi phán rằng: “Hãy yêu thương người khác như chính mình.” (Mathiơ 22:39). Tiêu cực và tích cực phối hợp với nhau. Bạn không được làm hại người mà bạn phải chăm sóc. Ðiều răn thứ mười là kết quả tự nhiên của Ðiều răn thứ nhất. Nếu lòng chúng ta gắng chặt với Chúa, chúng ta sẽ có một thái độ đúng đối với người khác. Do đó, ham muốn nổi dậy trong lòng chúng ta sẽ làm đau long và mất mát đối với người khác. Ðộng lực đúng (làm đẹp lòng Chúa là Ðấng được tôn trước nhất trong đời sống chúng ta) sẽ có kết quả trong sự vâng phục những điều răn khác (không làm đau lòng người khác).

Chúa Jêsus nới rộng ý kiến thường thấy trong Mười Ðiều răn khi nhấn mạnh thái độ trong lòng: “Phước cho người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Ðức Chúa Trời.”” (Mathiơ 5:8). Cơ đốc nhân được vui mừng trên đất khi các ưu tiên của họ nằm trên đường thẳng.

 


Comments

Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Phần 1 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *