HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy Tân“Kinh Nghiệm Quyền Năng Chúa Trong Đời Sống”

Mục sư Nguyễn Duy Tân, © 2023 TinLanhLibrary.info

Nhiều người có khuynh hướng phân biệt phép lạ CHỮA BỆNH của Chúa với phép lạ GIẢI CỨU hay GIẢI QUYẾT những nan đề trong cuộc sống. Đối với Chúa không có sự khác biệt nào hết. Nếu nan đề nào được Ngài giải quyết cách NHANH CHÓNG và LẠ LÙNG ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, thì đó là sự PHÙ HỘ của Chúa hoặc là PHÉP LẠ do quyền năng của Ngài hành động.

Chúng ta cũng không nên phân biệt nan đề LỚN với nan đề NHỎ. Khi cầu nguyện bằng đức tin, khi Chúa hành động, thì dù Ngài giải quyết chuyện nhỏ thì đó vẫn là phép lạ! Khi Ngài bày tỏ ân điển và quyền năng cách NHIỆM MẦU thì đó là phép lạ. Đối với Chúa, giữa chứng đau bụng thông thường và đau bụng vì ung thư gan không có gì khác nhau. Không có gì khác biệt khi chúng ta bị lạc xâu chìa khoá và bị đi lạc giữa rừng sâu! Chúng ta chỉ cần nắm lấy LỜI HỨA của Chúa (đức tin) và lòng THƯƠNG XÓT của Ngài (ân điển) mà cầu nguyện thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được phép lạ nếu Chúa nhậm lời.

Để có thể nhìn thấy quyền năng của Chúa hành động trong đời sống mình, chúng ta cần nhớ lại một số LẼ THẬT mà Lời Chúa dạy liên hệ đến sự cầu nguyện.
1) – Đức Chúa Trời luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng nhậm lời, và ban cho CON DÂN NGÀI mọi điều mình cầu xin, nếu điều đó đẹp ý Ngài và mang đến vinh hiển cho Danh Ngài. 

IGiăng 5:14-15 “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.”

Đây là một câu Kinh Thánh rất quan trọng vì dạy cho chúng ta nhiều lẽ thật. Chúng ta cần DẠN DĨ mà đến trước mặt Chúa. Nhiều người vì sợ Chúa là Đấng tối cao nên không dám đến cùng Ngài, hoặc không muốn làm phiền Chúa, hay có thể nghĩ rằng mình không xứng đáng nên không dám đến với Chúa để cầu xin cho những nhu cầu của mình. Nhưng Giăng muốn chúng ta dạn dĩ đến gần Chúa mỗi lần có nhu cầu.

Câu nầy cũng nhắc chúng ta cầu nguyện THEO Ý CHÚA, không cầu xin trong tinh thần ích kỷ và theo ý riêng, nhưng chỉ xin những gì mang đến vinh hiển cho Danh Ngài.

Thêm một diều nữa là phải tin rằng chúng ta có thể trình dâng lên Ngài BẤT CỨ VIỆC CHI, “không cứ điều gì” thì Ngài vẫn lắng nghe và ban cho chúng ta. Chúa không xem thường những nan đề NHỎ NHOI, cũng không có việc nào là QUÁ KHÓ hay QUÁ LỚN cho quyền năng của Ngài. Tôi đã cầu nguyện với Chúa khi ở phòng cấp cứu nhưng cũng cầu nguyện khi bị lạc xâu chìa khoá, và nhiều lần kinh nghiệm được sự nhậm lời cách lạ lùng của Ngài.
2)Sự nhậm lời cầu nguyện của Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào ƠN ĐIỂN (lòng thương xót) của Đức Chúa Trời và CÔNG ĐỨC của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá mà thôi. Vì công đức của chính chúng ta không bao giờ đủ xứng đáng để nhận được điều gì mình cầu xin, dù là khi cần tiền bạc hay sự chữa lành. Vậy, điều cần ghi nhớ, khi đến bên Chúa chúng ta phải có thái độ HẠ MÌNH cầu xin Ngài THƯƠNG XÓT mình mà thôi.

3) – Mỗi lần chúng ta cầu nguyện (dù cho một nan đề rất nhỏ hoặc chỉ để tạ ơn Chúa) thì đừng quên rằng chúng ta được bước qua BỨC MÀN ngăn cách (giữa nơi Thánh và nơi Chí Thánh) đã được xé ra làm đôi lúc Chúa tắt hơi trên thập tự giá. Điều đáng biết ơn Chúa hơn là mình đang DẪM LÊN lên HUYẾT của Chúa Giê-su và bước ngang qua XÁC NGÀI. Nhờ đó chúng ta được quyền và dạn dĩ mà vào nơi CHÍ THÁNH, là nơi có Đức Chúa Trời hiện diện, nơi có Ngôi Ơn Phước” (Ngôi Ân Điển, Mercy Seat) của Ngài!

Hêbơrơ 10:19-22 —  “Hỡi anh em, vì chúng ta NHỜ HUYẾT Đức Chúa Jêsus được DẠN vào nơi RẤT THÁNH, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua CÁI MÀN, nghĩa là NGANG QUA XÁC NGÀI, lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng THẬT THÀ với ĐỨC TIN đầy dẫy trọn vẹn, lòng được TƯỚI  SẠCH khỏi lương tâm xấu, thân thể RỬA bằng nước trong, mà ĐẾN GẦN Chúa.

NGÔI ƠN PHƯỚC: Trong thời Cựu Ước, cái nắp đậy Hòm Bản Chứng, có tên là “Nắp thi ân” (nơi mà ân điển được ban cho), còn được gọi là “Mercy seat” hay là “Ngôi ơn phước”. Nơi đó Môi se rải huyết chiên con lên trước khi cầu nguyện. Trong CHIỀU KÍCH thuộc linh, khi nhơn Danh Chúa Giê-su mà cầu nguyện chúng ta đang “đến gần Chúa” gần Ngôi Ơn Phước của Ngài. Bất cứ nơi nào mà chúng ta đang đứng hay quỳ để cầu nguyện, đó là “Nơi Rất Thánh” vì Đức Chúa Trời hiện diện nơi đó sẵn sàng thi ơn cho chúng ta. Dù là trong phòng Zoom hay qua điện thoại cách nhau hàng nghìn dặm, vẫn có sự hiện diện của Ngài khi chúng ta hiệp nhau cầu nguyện. Nơi nào có Chúa hiện diện, nơi đó quyền năng của Ngài được thể hiện và phép lạ sẽ xảy ra!

Thái độ của chúng ta phải thế nào? Phải có “LÒNG THẬT THÀ” = lòng tin đơn sơ như trẻ con. Phải có “ĐỨC TIN đầy dẫy trọn vẹn” = lòng tin không nghi ngờ. Đức tin chúng ta phải TO LỚN như thế nào? Chỉ cần đức tin “BẰNG HẠT CẢI” (Mathiơ 17:20). Nhiều lúc vì đức tin của chúng ta nhỏ bằng một phần mười  của hạt cải nên không kinh nghiệm được phép lạ! Để có “đức tin trọn vẹn”, chỉ cần nhớ lại rằng Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng là VĨ ĐẠI và quyền năng VÔ HẠN thì chúng ta sẽ không còn nghi ngờ. Chính người gặp nan đề và người bệnh cần được nhắc nhở về những lẽ thật nầy để họ được thêm đức tin trước khi cầu nguyện. Nơi nào có đức tin, nơi đó phép lạ sẽ xảy ra!

4)Đấng làm việc lớn khi chúng ta cầu nguyện chính là Đức Thánh Linh.

Êphêsô 3:20Vả, Đức Chúa Trời, bởi QUYỀN LỰC cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.”

QUYỀN LỰC trong chúng ta” đó là quyền lực của Chúa Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời nên quyền lực của Ngài lớn lao VÔ TẬN. Quyền lực lớn lao của chính Đức Chúa Trời ở ngay TRONG LÒNG chúng ta, nên chúng ta không cần phải tìm kiếm một mục sư nào trên TV hay những người DANH TIẾNG ở một quốc gia nào khác để nhờ họ cầu thay cho mình!

Đấng đang ở trong lòng chúng ta, là Đấng SẼ LÀM những việc LỚN LAO và LẠ LÙNG! Khi cầu nguyện, chúng ta nên luôn TRÔNG ĐỢI một sự trả lời LẠ LÙNG và LỚN LAO (= phép lạ, phép mầu) từ Ngài. Khi cầu nguyện, chúng ta phải đến với Ngài với tấm lòng THẬT THÀ (đơn sơ như trẻ con, không nghi ngờ) trông đợi những việc LỚN và KHÓ quá sức tưởng tượng của chúng ta! (Giê-rê-mi 33:3).

Câu nầy cũng nhắc chúng ta cầu xin cho “MỌI VIỆC” tức là MỌI NAN ĐỀ hay NHU CẦU trong cuộc sống. Với thời gian chúng ta sẽ thấy Chúa cũng vẫn bày tỏ lòng thương xót và chăm sóc của Ngài trong những nhu cầu “NHỎ NHOI” mà mình không dám mang ra để làm phiền Ngài. Sự chăm sóc của Ngài cho chúng ta thật ra rất là CHU TOÀN và CHI TIẾT, vì Ngài từng nói rằng một sợi tóc của chúng ta cũng được Ngài gìn giữ không cho rụng xuống đất mà không có lý do! (Lu-ca 21:18).

5) – Chúa luôn sẵn sàng nhậm lời những người yếu đuối như Ê-li và mỗi chúng ta:

Giacơ 5:17-18 –Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.”

Ngày nay cũng vậy, Chúa đã từng nhậm lời khi những con người NHỎvà YẾU ĐUỐI khi họ cầu nguyện xin cho mưa xuống hoặc xin Chúa dừng cơn mưa. Có người cầu nguyện và Chúa đã nhậm lời khiến cho sương mù tan đi, cho gió lùa mây đen đi nơi khác để trời không mưa trong đêm truyền giảng, hoặc trong ngày tổ chức tiệc cưới hầu cho con cái Chúa được vui vẻ.

Lời cầu nguyện bởi đức tin giúp cho nhiều tín hữu kinh nghiệm được vô số việc lạ lùng để chứng minh rằng Đấng đã từng quở sóng gió yên lặng cũng đã chạm đến THẾ GIỚI THỂ CHẤT bên ngoài hoặc bên trong cơ thể của họ khi cầu nguyện. Chúa thật có thương xót và nhậm lời cầu nguyện của những người yếu đuối như Ê-li, cũng như của quý anh chị em và tôi.

Nhiều người đã nhơn Danh Chúa Giê-su truyền lệnh cho NƯỚC rời khỏi các khối u và các tế bào ung thư, hoặc các mụn nước (blisters) đầy đau nhức của bệnh Zona (Giời Leo), và họ đã nhìn thấy khối u teo lại, các mụn nước khô héo trong một thời gian ngắn, trong khi các bác sĩ cho biết nó sẽ hành hạ rất lâu.

6) – Không có gì khác biệt giữa sự cầu nguyện cho NGƯỜI BỆNH với sự cầu nguyện cho những NAN ĐỀ KHÁC.

Cầu nguyện là xin Chúa ban cho những nhu cầu, là cầu xin Ngài giải cứu khi ở trong những hoàn cảnh khó khăn. Cầu nguyện là nài xin QUYỀN NĂNG siêu nhiên (thiêng liêng, vô hình) của Đức Chúa Trời bày tỏ ra, xin quyền năng ấy CHẠM ĐẾN THẾ GIỚI VẬT THỂ hoặc bất kỳ CẢNH NGỘ hay THÁCH THỨC nào mà Cơ Đốc Nhân chúng ta đang đối diện.

Nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào việc tìm kiếm PHÉP LẠ CHỮA BỆNH thì chúng ta có thể QUÊN nhờ cậy Chúa cho tất cả những NAN ĐỀ KHÁC! Nếu GIỚI HẠN quyền năng của Ngài trong sự chữa lành BỆNH TẬT mà thôi thì niềm tin đó có thể bị méo mó (cuồng tín, không lành mạnh) hoặc đưa đến lòng kiêu ngạo.

NGƯỢC LẠI, nếu cho rằng Chúa có thể giải quyết mọi nan đề của đời sống, NGOẠI TRỪ nan đề bệnh tật thì cũng HOÀN TOÀN SAI LẦM! Không có gì giới hạn quyền năng của Ngài! Không có nơi nào trong Kinh Thánh nói rằng sau khi Chúa thăng thiên thì sự chữa lành cơ thể phải vâng theo những định luật tự nhiên, hoặc phải nhờ đến thuốc men và bác sĩ mà thôi. Nếu thật như vậy thì Chúa không công bằng với những tín hữu thuộc 19 thế kỷ trước hoặc ở những quốc gia còn nghèo thiếu hiện nay, vì họ không có đủ bác sĩ tài giỏi và y học tối tân như tại các nước văn minh. Thật vậy, ở những vùng xa xôi còn nghèo thiếu, thì HY VỌNG DUY NHẤT của con dân Chúa là chạy đến nhờ MỤC SƯ của mình CẦU THAY CHO. Vì con cái Chúa thiếu sự cầu thay cho người bệnh mà ở những nơi này người ta phải tìm đến các thầy phù thầy cúng để rồi họ bị gạt, tiền mất tật vẫn mang!

Dù ở xứ văn minh nhất thế giới như nước Mỹ, con cái Chúa vẫn nhờ cậy tôi cầu thay cho họ và con cái họ, vì nhiều lúc họ biết bác sĩ đã bất lực! Tạ ơn Chúa, đó là những lúc mà tôi, trong vai trò là một người chăn, đã nhìn thấy quyền năng chữa lành của Đức Chúa Trời! Sau đó có người nói với tôi: “Mục Sư ơi, Mục Sư có cho chúng tôi một kí lô vàng cũng không mừng cho bằng Mục sư đã cầu nguyện cho con chúng tôi hết bệnh!” Thật ra tôi chỉ là con người yếu đuối. Quý ông bà anh chị em cũng vậy. Quyền năng thuộc về Chúa. Vinh hiển thuộc về Ngài. Ngài làm việc vĩ đại vì đoái thương, lắng nghe,nhậm lời cầu nguyện của những con người yếu đuối như chúng ta, như Môi-se hay Ê-li.

Tóm lại, mỗi con cái Chúa và mỗi tôi tớ Chúa hãy phát triển đức tin qua sự cầu nguyện khi đứng trước BẤT CỨ NAN ĐỀ nào trong đời sống, để nhìn thấy lòng thương xót và quyền năng của Đức Chúa Trời, khi nhơn Danh đại quyền đại năng của Đức Chúa Giê-su Christ!

Cầu xin Chúa giúp cho chúng ta dạn dĩ đến gần Ngôi ơn Phước của Chúa để thường xuyên cầu nguyện cho chính mình, cho anh em mình, và cho người chưa biết Chúa, để BÀY TỎ cho họ sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong chúng ta, QUYỀN PHÉP của Chúa Cứu Thế, và LÒNG THƯƠNG XÓT mà Đức Chúa Trời dành cho mọi người. Amen.


Comments

“Kinh Nghiệm Quyền Năng Chúa Trong Đời Sống” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *