HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-Không Có Chổ Cho Sự Kiêu Ngạo – 1Côr. 1:26-31
Không có chỗ cho sự kiêu ngạo
Loat Bai: “I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI“)
I Côrinhtô 1.26-31
Soan dich: Doan Phan Danh
Tôi thích câu chuyện ngụ ngôn kể về hai con ngỗng sắp sửa bắt đầu xuôi Nam trong chuyến du cư vào mùa thu hàng năm, khi ấy có một con ếch nài xin chúng đem nó theo. Hai con ngỗng nói chúng sẽ bằng lòng đem con ếch theo nếu nó có thể nghĩ ra một cách để chuyên chở. Vì vậy, con ếch mới kiếm một cọng cỏ thật dài và mỗi con ngỗng ngậm một đầu trong khi nó níu phần chính giữa bằng miệng của nó. Hai con ngỗng thực hiện chuyến bay và con ếch cứ bám lấy khi chúng bắt đầu chuyến hành trình xuôi Nam. Chúng tiến hành chuyến đi thì có mấy người ở dưới đất để ý thấy. Mấy người ấy bày tỏ sự khâm phục của họ nơi sự khéo léo đó rồi hỏi thăm xem ai đã thông minh đủ để đạt tới một chương trình như vậy. Con ếch kiêu ngạo kia bèn mở miệng nói: Tôi đấy rồi té xuống đất chết tốt. Phần đạo lý của câu chuyện ngụ ngôn rất là đơn sơ. Khi bạn đang thực hiện một việc lành, hãy kín miệng lại! Những tín đồ dựng nên Hội Thánh Côrinhtô đã có một thời gian khó nhọc trong việc đóng kín miệng của họ.
Họ hay tranh cãi với nhau. Hội Thánh được đánh dấu bằng phân rẽtranh cạnh (các câu 10, 11). Họ bị phân chia ra bởi lòng trung thành đối với các vị Mục sư và giáo sư khác nhau (các câu 10-17). Họ bị phân rẽ ra do tranh đua về triết lý nào thích ứng giữa vòng người Hy lạp (các câu 18-25).
Trong việc nghiên cứu toàn bộ sách I Côrinhtô và nhiều nan đề trong Hội Thánh đầy rối rắm nầy, tôi nhận thấy tội lỗi phổ quát đã tác động vào mọi sự là kiêu ngạo. Vì họ rất kiêu ngạo, họ bị phân chia ra. Vì họ rất kiêu ngạo, họ sẽ không hầu việc nhau. Vì họ rất kiêu ngạo, họ sẽ không giải quyết tình trạng phi đạo đức ở giữa vòng họ. Vì họ rất kiêu ngạo, họ đã xuyên tạc và sai lạc trong mối hôn nhân của họ. Vì họ rất kiêu ngạo, họ đã lạm dụng sự tự do trong Đấng Christ. Vì họ rất kiêu ngạo, họ đã báng bổ Tiệc Thánh. Vì họ rất kiêu ngạo, họ đã hiểu sai mục đích của các ân tứ thuộc linh. Vì họ rất kiêu ngạo, họ đã xem khinh lẽ đạo nói tới sự sống lại. Vì họ rất kiêu ngạo, họ cầm giữ lại các ân tứ của họ đối với công việc của Đức Chúa Trời rất là ích kỷ. Khi bạn suy gẫm nhiều lần phần nghiên cứu sách I Côrinhtô nầy, chúng ta sẽ thường xuyên giải quyết với tội kiêu ngạo.
Rõ ràng là một Hội Thánh kiêu căng, phân rẽ như thế sẽ bị lôi kéo vào sự khoe khoang và tranh cãi. Họ khoe khoang ai là nhà truyền đạo tài ba nhất hoặc triết lý nào có ý nghĩa nhất. Họ khoe khoang những điều mà nhân vật có ảnh hưởng đã noi theo lối suy tưởng của họ. Phaolô đã học biết hết mọi sự nầy trước tiên qua người nhà của Cơ-lô-ê (câu 11).
Vì lẽ đó, lẽ đạo trong phân đoạn nầy và trong thực tế là lẽ đạo của toàn bộ thư tín đã được nói ra trong các câu 29 và 31: “để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời”“ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa”. Tất nhiên, từ ngữ khoe (glory) trong các câu nầy không đề cập tới sự vinh hiển rực rỡ của Đức Chúa Trời, mà đúng hơn nó có nghĩa là “khoe khoang”. Sứ điệp trong sáng của Phaolô cho Hội Thánh đầy rối rắm nầy, ấy là chẳng có chỗ nào cho sự kiêu ngạo trong đời sống của một Cơ đốc nhân. Nếu chúng ta muốn khoe, thì chúng ta nên khoe ở trong Chúa. Để ủng hộ cho vấn đề nầy, Phaolô đưa ra bốn lý do tại sao chúng ta chẳng nên khoe điều chi khác hơn là khoe về Chúa.
I. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta là hạng người bất xứng (câu 26).
A. CHÚNG TA CÓ MỘT SỰ KÊU GỌI TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI.
Trong câu 26, vị Sứ đồ nói: “Hỡi anh em, hãy suy xét rằng…”. Ý ở đây là phải cẩn thận suy xét hay xem xét sự kêu gọi của bạn đến từ Đức Chúa Trời. Mỗi tín đồ đều được Đức Chúa Trời kêu gọi. Câu 2 nói chúng ta được kêu gọi để trở thành hạng thánh đồ. Câu 24 mô tả chúng ta là những người được gọi. Tất nhiên điều nầy chỉ ra sự kêu gọi hiệu quả của Đức Chúa Trời để chúng ta được cứu và lẽ đạo nói tới sự lựa chọn.
Êphêsô 1.4 chép “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời”. I Têsalônica 5.24 chép: “Đấng đã gọi anh em là thành tín…”. Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi vào sự cứu rỗi khi tôi còn là một thiếu niên. Ngài đã ban cho tôi đức tin để tin theo Ngài. Mỗi tín đồ chân chính đều được Đức Chúa Trời kêu gọi. I Phierơ 2.9 chép: Đức Chúa Trời “đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài”. Galati 5.13 chép: “Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do…”. I Côrinhtô 7.15 chép: “…Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn ở trong sự bình an”. I Timôthê 6.12 chép: “Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến…”. I Têsalônica 4.7 chép: “Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy”. I Têsalônica 2.12 chép chúng ta phải: “ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài”.
Chúng ta cần phải suy xét hay xem xét hoặc suy gẫm luôn về ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ sâu sắc về ơn kêu gọi của chúng ta và ơn kêu gọi của các tín hữu khác. Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta, cứu chúng ta và cho chúng ta làm con nuôi trong gia đình của Ngài vì chúng ta thông minh siêu đẳng hay vì chúng ta giàu có hay có quyền lực hoặc vì bề thế gia đình của chúng ta đâu. Thực ra, Phaolô tiếp tục nhắc cho chúng ta nhớ tới sự thực ngược lại, ấy là: “không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng” được kêu gọi. Chúng ta hãy xem xét vấn đề nầy.
B. KHÔNG CÓ NHIỀU NGƯỜI KHÔN NGOAN ĐƯỢC KÊU GỌI.
Như chúng ta đã học tuần qua, xã hội Hy lạp đặt giá trị cao vào việc học tập và tán thành sự khôn ngoan. Họ thường tranh luận các triết học khác nhau tìm cách đạt tới sự khôn ngoan. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn xung quanh, chúng ta nhận biết rằng hầu như Đức Chúa Trời không kêu gọi thành phần tinh túy nhất về giàu có, quyền lực để cứu họ. Dĩ nhiên là có nhiều tín đồ có chỉ số thông minh rất cao, song phần lớn Đức Chúa Trời chẳng kêu gọi những kẻ nào khôn ngoan theo xác thịt.
Để trở thành một tín đồ, cần phải có đức tin, tin cậy đơn sơ nơi Đức Chúa Trời và Lời của Ngài. Chúa Jêsus đã cầu nguyện với Đức Chúa Cha cách công khai trong Mathiơ 11.25: “Hỡi Cha! là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều này với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay”. Ngài đã phán trong Mác 10.15: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ”.
Không phải hết thảy mà là hầu hết người ta đều thích ứng với phạm trù khôn ngoan theo xác thịt chối bỏ Tin lành nói tới Đấng Christ. Sự hiểu biết và khôn ngoan theo đời nầy của họ là một hàng rào ngăn trở quá lớn cho đức tin. Vì thế Rôma 1.22 mô tả họ rất rõ: “Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại”. MacArthur viết:Một tín hữu đơn sơ, không có học cao, không có tài khéo, và vụng về lại tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa, họ trung tín và khiêm nhường bước theo Chúa của họ là khôn ngoan không dò lường được hơn cả vị Tiến sĩ lỗi lạc lại xem khinh Tin lành. Người tín đồ đơn sơ vốn biết rõ ơn tha thứ, tình yêu thương, ân điển, sự sống, sự trông cậy, Lời của Đức Chúa Trời chính mình Đức Chúa Trời, người ấy có thể nhìn thấy cõi đời đời. Còn vị Tiến sĩ vô tín kia, chẳng biết gì hơn sách vỡ, lý trí và kinh nghiệm riêng của mình. Ông ta chẳng thấy gì khác hơn là cuộc sống nầy, và người ta xem ông ta chẳng gì khác hơn là điên dại”.
C. CHẲNG NHIỀU KẺ QUYỀN THỂ ĐƯỢC KÊU GỌI.
Phaolô cũng nói:chẳng nhiều kẻ quyền thế …được kêu gọi. Quyền thế ra từ chữ dunatos, một phát sinh của dunamis, từ đó chúng ta mới có chữ dynamite (động lực). Nói cách khác, chẳng nhiều người năng động, thế lực hay nổi tiếng được kêu gọi vào sự cứu rỗi. Đây là hạng người thành công, họ nắm quyền điều khiển các đại sảnh quyền lực và danh tiếng.
Đây là hạng người năng động và lay động. Họ nắm nhiều quyền lực, giàu có, và ảnh hưởng. Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói về một vận động viên hay một nghệ sĩ hoặc một nhà chính trị thực sự đầu phục đối với Đấng Christ, nhưng phần lớn họ là một ngoại lệ đối với điều luật: chẳng có nhiều kẻ quyền thế được kêu gọi vì kẻ quyền thế chuyên dựa vào khả năng và nổ lực của bản thân mình. Giống như kẻ khôn ngoan theo xác thịt, họ khó mà hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời hay bất kỳ ai khác.
D. CHẲNG NHIỀU KẺ SANG TRỌNG ĐƯỢC KÊU GỌI.
Sang trọng sát nghĩa có ý nói tới “thuộc dòng quý phái” hay “thuộc gia đình thượng lưu”. Điều nầy đề cập tới hạng người nào bởi ưu điểm của gia đình họ là giàu có và quyền thế. Một vài người đã ra đời với sự giàu có và ảnh hưởng rất lớn, họ đã đến với Đấng Christ. Họ sống tự lực chớ không nương cậy nơi Đức Chúa Trời.
Thực vậy, chính đặc điểm của Cơ đốc giáo bắt đầu với hạng người nghèo khổ, yếu đuối thấp hèn. Chúa Jêsus không chào đời trong một cung điện mà trong một chuồng chiên. Ngài không lớn lên với một đời sống giàu có và đặc ân, mà phải lao động với hai bàn tay trong một phân xưởng mộc. Ngài kêu gọi các môn đồ không phải từ những giai cấp cao mà từ hạng người lao động phổ thông. Ngài đã phán trong Luca 7.22 rằng một trong các dấu hiệu cho chức vụ của Ngài là: “Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo”. Mác 12.37 chép: “Đoàn dân đông vui lòng mà nghe Ngài”. Thực vậy, Hội Thánh đầu tiên được dựng lên chủ yếu từ hạng người bình dân. Mà thực như thế, triết gia La mã Celsus đã chế giễu Cơ đốc nhân vào năm 178SC khi ông ta viết:Đừng để cho kẻ thất học đến gần, chẳng ai khôn ngoan và không có ý thức, vì mọi sự ấy chúng ta kể là xấu; còn nếu có ai dốt nát, nếu có ai muốn có học, có ý thức, nếu có ai là dại dột, hãy để cho người ấy dạn dĩ [trở thành một Cơ đốc nhân]. … Chúng ta nhìn thấy họ trong gia đình của chính chúng ta, hạng người tệ hại nhất, vô giáo dục nhất. … Họ sống giống như bầy dơi hay kiến bò ra khỏi tổ của chúng, hay mấy con ếch bu lại quanh một vũng lầy, hoặc mấy con trùng tụ họp lại quanh đống bùn dơ kia”.
Hiển nhiên là Tin lành phát triển ra phía ngoài và phía trên cho tới chừng nào hoàng đế thề trung thành với Đấng Christ. Dầu vậy phần lớn Đức Chúa Trời đã chọn chẳng nhiều kẻ khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Mà đúng hơn, ân điển tối thượng của Ngài đã trải rộng ra cho những kẻ đoạn tuyệt với sự kiêu ngạo và biết công nhận nhu cần của họ.
II. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta làm hổ thẹn thế gian (các câu 27-29).
A. ĐỨC CHÚA TRỜI CHỌN NHỮNG SỰ DẠI ĐỂ LÀM HỔ THẸN NHỮNG KẺ KHÔN (câu 27a).
Ở đây, trong các câu 27-28, Phaolô cung ứng cho chúng ta những câu nói về cách thức Đức Chúa Trời làm hổ thẹn thế gian khi kêu gọi chúng ta làm con cái của Ngài. Ông nói: “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có”. Vì vậy, trước hết, chúng ta hãy nhìn vào câu nói: Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn.
Dại ra từ chữ mora, từ nầy giống như chữđiên dại mà chúng ta đã thấy có trong câu 18, có ý nói: “khờ dại, ngu ngốc, ngớ ngẩn”. Phaolô đã nói rồi với chúng ta trong câu ấy: “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại”. Dường như là dại dột đối với họ khi Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta rồi đã sống lại từ kẻ chết và thậm chí còn dại dột hơn nữa khi chúng ta đem cả đời sống mình dựa theo tín điều đó. Người nào là khôn ngoan trong kỷ nguyên nầy xem Lời của Đức Chúa Trời là một quyển sách cổ xưa đầy dẫy với những huyền thoại mê tín cũng như những điều khoa học và lịch sử không chính xác. Họ xem Hội Thánh như một tập họp con mê tín trong xã hội của chúng ta. Hết thảy mọi điều nầy là những sự dại đối với những ai là khôn ngoan theo con mắt của họ.
Tuy nhiên, một ngày kia những sự dạinầy sẽ trở thành nổi hổ thẹn của họ. Hổ thẹn ở đây có ý nói “mất ơn”. Họ sẽ bị mất ơn cho đến đời đời và gánh chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì họ đã đối xử cách láo xược và đã chối bỏ Tin Lành, Lời và Hội Thánh của Ngài. Họ, những kẻ đã đứng với cái đầu ngước lên trong sự kiêu ngạo, giờ đây sẽ cúi xuống trong tình trạng mất ơn ở trước ngai của Đức Chúa Trời. Khải huyền 20.11-15 mô tả bối cảnh nầy: “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Am phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa”.
B. ĐỨC CHÚA TRỜI CHỌN NHỮNG SỰ YẾU ĐỂ LÀM HỔ THẸN NHỮNG SỰ MẠNH (câu 27b).
Thứ hai, Phaolô nói: “Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh”. Những kẻ năng động, giàu có, quyền thế, bậc cầm quyền, họ sẽ không cúi xuống trước thập tự giá trong đời nầy sẽ bị chà nát bởi thập tự giá ấy trong đời hầu đến. Khi đó, lúc họ đứng ở trước mặt Ngài, với sự hổ thẹn của họ, họ sẽ xưng nhận Ngài. Philíp 2.9-11 chép: “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.
Tôi không làm sao khác hơn được, chỉ có suy nghĩ đến nhân vật mà chúng ta biết là có quyền hành, trẻ tuổi, giàu có trong Mác 10. Chúa Jêsus đã bảo người ấy bán hết của cải anh ta có đi, bố thí tiền bạc cho người nghèo rồi đến mà theo Ngài. Tuy nhiên, câu 22 chép: “Song nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm”. Nếu anh ta không quay trở lại với Đấng Christ sau đó, anh ta sẽ còn buồn rầu nhiều hơn nữa ở ngai phán xét. Anh ta sẽ bị hổ thẹn và mất ơn khi anh ta đối diện với Chúa Jêsus tại ngai phán xét.
C. ĐỨC CHÚA TRỜI CHỌN NHỮNG SỰ KHÔNG CÓ LÀM HỔ THẸN NHỮNG SỰ CÓ (câu 28).
Câu 28 chép: “Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có”. Những sự hèn hạ và khinh bỉ đề cập tới thấp hèn và vô nghĩa. Khinh bỉ ở trong thì hoàn thành (perfect tense) chỉ ra rằng họ liên tục khinh khi. Bạn có bao giờ cảm thấy thấp hèn hay bị thế gian khinh bỉ chưa? Hãy vững lòng. Đức Chúa Trời đã bỏ qua người cao kỳ và mạnh sức mà đã chọn lấy bạn đấy!
Đức Chúa Trời sẽ làm cho những sự có ra không có. Hết thảy quyền lực, tất cả sự giàu có, mọi sự đáng khâm phục, tất cả ảnh hưởng của họ sẽ chẳng là gì cả ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Dường như trong đời nầy họ đã có mọi sự, nhưng họ sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời chẳng có gì hết vì họ đã chối bỏ cái điều có giá trị nhất, ấy là thập tự giá của Đấng Christ.
Thế gian sẽ bị lật đổ. Phần nhiều người có mọi sự sẽ chẳng có chi hết và nhiều người chẳng có chi hết sẽ có mọi sự. Chúa Jêsus phán: “Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu” (Mathiơ 19.30). Còn nhớ Luca 16 không? Ápraham nói với người giàu có kia: “Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình” (câu 25).
Câu 29 cho chúng ta biết lý do tại sao sự nầy phải như vậy: “để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời”. Sự khôn của kẻ khôn, sức mạnh của kẻ mạnh, và ảnh hưởng của kẻ quyền thế sẽ chẳng là gì cả ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không một xác thịt nào, chẳng một thứ xác thịt nào, không một điều chi thuộc thế gian nầy sẽ khoe mình hoặc có bất kỳ một sự khoác lác nào ở trước mặt Chúa.
Không những đấy là sự thực của kẻ vô tín mà cũng rất thực cho hạng tín đồ nữa. Ngay cả chúng ta, những người được gọi làm thánh đồ không thể khoe mình ở trước mặt Đức Chúa Trời. Êphêsô 2.8-9 chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”. Bạn có nắm bắt mọi sự kịp chưa? Chúng ta đã được cứu “bởi ân điển, nhờ đức tin”. Không một điều gì thuộc về bạn cả, thậm chí cả đức tin của chúng ta nữa. Ơn cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn là sự ban cho của Đức Chúa Trời, Ơn của Ngài là ơn dành cho kẻ không xứng đáng, không thể kiếm đâu được. Chúng ta chẳng làm một việc gì hết, sẽ chẳng làm một việc gì hết và sẽ không bao giờ làm một việc gìtrong các việc làm bởi nổ lực của con người sẽ khiến cho chúng ta phải kiêu ngạo và khoe mình ở trước mặt Chúa.
Thực sự chẳng có một chỗ nào dành cho sự kiêu ngạo trong Cơ đốc giáo. Chúng ta chẳng là gì hết khi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta. Những gì chúng ta hiện đang nhìn biết theo xác thịt chẳng là gì hết. Bất cứ điều chi chúng ta sống, có hay làm đều có giá trị đời đời, đấy là tặng phẩm của ân điển Đức Chúa Trời.
III. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với sự giàu có không dò được (câu 30).
Câu 30 chép: “Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta”. Hãy quan sát cho kỹ mệnh đề: “Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bạn đã có chỗ trong Đấng Christ. Đó là phép ẩn dụ thật tuyệt vời – trong Đấng Christ. Cụm từ nầy được sử dụng 87 lần trong Tân Ước. Nó đề cập tới địa vị của chúng ta trong Đấng Christ và mối quan hệ chúng ta có với Đức Chúa Trời qua sự cứu rỗi. Địa vị ấy là nhờ Ngài. “Nhờ Ngài”, chẳng có việc gì phải lo với những “việc làm, tình trạng xứng đáng, hay sự nhơn đức” của chúng ta. Về bản thân chúng ta, chúng ta chẳng có gì để dâng cho Đức Chúa Trời, tuy nhiên bởi ân điển Ngài đã đặt chúng ta trong Đấng Christ. Chúng ta hãy chú ý trong câu nầy bốn phước hạnh của việc ở trong Đấng Christ.
A. TRONG ĐẤNG CHRIST CHÚNG TA CÓ SỰ GIÀU CÓ VỀ SỰ KHÔN NGOAN ĐỨC CHÚA TRỜI.
Chúng ta được cứu không phải vì chúng ta khôn ngoan hơn người nào khác. Chúng ta không thể mặc cả sự khôn ngoan ấy. Chúng ta được cứu chỉ vì ân điển của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã phán: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Tuy nhiên, trong sự cứu rỗi, chúng ta đã nhận lãnh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Hãy lắng nghe Lời của Chúa Jêsus trong Giăng 8.31-32: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta. các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”.
Sự khôn ngoan mà Đấng Christ ban cho thì có liền và tiệm tiến. Chúng ta được ban cho ngay sự khôn ngoan để chọn lấy Đấng Christ khi trở lại đạo. Tuy nhiên, là tín đồ chúng ta tấn tới trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Chúng ta tiếp nhận sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời theo cách tiệm tiến. Giacơ 1.5 chép: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”.
B. TRONG ĐẤNG CHRIST CHÚNG TA CÓ SỰ GIÀU CÓ VỀ SỰ CÔNG BÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Công bình mang ý nghĩa đơn sơ là sống phải lẽ. Từ nầy tương tự với sự nên thánh và nhơn đức. Chúng ta không công bình theo cách tự nhiên đâu. Chúng ta sống bởi bản chất hư hoại và tội lỗi. Tuy nhiên, trong sự cứu rỗi chúng ta nhận lãnh sự công bình của Đấng Christ. Sự công bình của Ngài được áp dụng cho đời sống của chúng ta. II Côrinhtô 5.21 chép: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”. Êsai 61.10 chép: “Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức GIÊ-HÔ-VA, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rể mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới dồi mình bằng châu báu”.
Nhờ Đấng Christ chúng ta được xưng công bình trong ánh mắt của Đức Chúa Trời. Rôma 4.5 chép: “còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình”. Phaolô tuyên bố trong phần làm chứng cá nhân của ông trong Philíp 3.9 rằng ao ước của ông là “được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin”.
C. TRONG ĐẤNG CHRIST CHÚNG TA CÓ SỰ GIÀU CÓ VỀ SỰ NÊN THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Không những chúng ta có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và sự công bình của Đấng Christ, mà còn có sự giàu có về sự nên thánh nữa. Nói như thế có nghĩa là “thánh khiết” hay “biệt riêng ra”. Chúng ta được tuyên bố là công bình ngay giây phút chúng ta tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa. Đấy là phần đầu tiên của sự nên thánh. Tuy nhiên, tiến trình tiếp tục khi chúng ta ngày càng đem đời sống mình đầu phục càng hơn đối với Ngài. Chúng ta ngày càng trở nên giống như Chúa Jêsus hơn. Nói như thế có nghĩa là chúng ta sẽ có một thân thể được làm cho vinh hiển giống như thân thể của Ngài! Giống như con sâu hoá thành bướm, cũng một thể ấy chúng ta sẽ được biến đổi ra giống với ảnh tượng của Đấng Christ. Chúng ta là bụi gai xấu xí, nhưng Đấng Christ bày tỏ ra nơi chúng ta vẽ đẹp của đoá hoa hồng.
D. TRONG ĐẤNG CHRIST CHÚNG TA CÓ SỰ GIÀU CÓ VỀ SỰ CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Sau cùng, trong Chúa Jêsus chúng ta có sự cứu chuộc.Cứu chuộc có ý nghĩa là mua lại. Đấng Christ đã trả giá đầy đủ và trọn vẹn cho mọi tội của chúng ta qua tất cả các thời đại. I Phierơ 1.18-19 chép: “vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít”.
IV. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với sự vinh hiển trong Đấng Christ (câu 31).
Câu 31 là hòn đá góc của phân đoạn Kinh Thánh nầy và của thư tín như một tổng thể: “hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa”. Chúng ta chẳng có gì hết nơi bản thân chúng ta để mà khoe mình trong đó. Ở ngoài Đấng Christ, chúng ta chẳng có giá trị và tốt lành gì hết mà chỉ đáng làm củi cho lửa địa ngục. Thay vì kiêu căng đòi hỏi tầm quan trọng, ý tưởng cùng các thứ triết lý của chính mình, chúng ta phải cúi đầu hạ mình xuống trước mặt Ngài. Như Phaolô đã nói trong Galati 6.14: “Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!”
Chắc chắn câu nầy là phần trưng dẫn Giêrêmi 9.23-24: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Người khôn chớ khoe sự khôn mình; người mạnh chớ khoe sự mạnh mình; người giàu chớ khoe sự giàu mình. Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy”.
Quyển sách vấn đáp Westminster bắt đầu với câu hỏi nầy: Cứu cánh chính của con người là gì? Nói cách khác, đâu là mục đích cho sự sinh tồn của con người? Câu trả lời thì ngắn gọn và súc tích: Cứu cánh chính của con người là làm vinh hiển và thưởng thức Ngài cho đến đời đời”.
Không có một chỗ nào cho sự kiêu ngạo trong Cơ đốc giáo. Chúng ta chẳng là gì cả nếu không có Chúa. Chúng ta chẳng có gì hết trừ ra những gì đã được Chúa ban cho. Chúng ta hãy khoe, phải, không phải khoe về bản thân mình mà khoe nơi Cứu Chúa. Thực vậy, đấy là chức năng của sự thờ phượng thật, công nhận tình trạng thấp kém của mình là loài thọ tạo và khoe mình trong ân điển của Đức Chúa Trời.
***

Comments

BH-Không Có Chổ Cho Sự Kiêu Ngạo – 1Côr. 1:26-31 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *