HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânGiá Trị Của Người Cao Niên

Mục sư Nguyễn Duy Tân – © 2023 TinLanhLibrary.info

Ngày nay, nhiều bạn trẻ khi thấy những người cao tuổi không đuổi kịp với văn hoá và kỷ thuật tân tiến thì nghĩ rằng họ là những người vô dụng trong thế giới văn minh nầy, kể cả trong hội thánh.

Một số những người lớn tuổi cũng suy nghĩ sai lầm rằng, trong thế kỷ thứ 21 nầy những hiểu biết và khả năng của họ đã lỗi thời, nên tự nghĩ rằng cuộc sống còn lại của mình không còn gì lợi ích cho gia đình và xã hội nữa. Kể cả trong hội thánh, họ chỉ đóng vai trò thụ động, ngồi xem người khác lăng xăng trong công việc mà thôi.

Những hội thánh ngày nay càng ngày càng tập trung mọi sinh hoạt và mục vụ vào những người trẻ tuổi để dùng họ trong mọi công việc. Điều đó không có gì sai vì ngày nay thành phần trẻ tuổi càng ngày càng chiếm đa số trong xã hội. Tự nhiên người ta cũng dễ quên sử dụng thành phần lão thành trong hội thánh.

Ngày xưa trong gia đình, ông bà ở đâu thì con cháu ở đó. Nhưng ngày nay, hầu như mọi gia đình đều có con cái đi làm việc nơi xa, các cháu thì luôn bận rộn với việc học hành và các dụng cụ điện tử. Ngay trong gia đình, người lớn tuổi dễ bị mọi người bỏ rơi, khiến cho họ cảm thấy mình trở thành vô dụng. Thật vậy, không ai còn muốn nghe họ kể chuyện, không ai tìm họ để hỏi ý kiến vì suốt ngày ai nấy đều ghì đầu vào cái điện thoại. Nếu cần biết điều gì thì người ta chỉ hỏi Google. Hiện nay người ta còn có thêm một ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, hỏi gì nó cũng có câu trả lời rất rõ ràng và thông minh. Dầu vậy, một điều chắc chắn là cái “GPT” này tuy có đầy kiến thức, nhưng không có kinh nghiệm về cuộc đời như những vị lão thành chung quanh chúng ta, không từng sống, và bị thử thách như những con người thật.

Ngày xưa không có những phương tiện truyền thông như ngày nay, nên những vị cao niên là nguồn thông tin và kiến thức cho con cháu. Ngày nay, họ vẫn có nhiều hiểu biết về cuộc sống, nhiều kinh nghiệm thật giá trị dành cho những người có lòng tôn trọng và muốn học hỏi từ họ. Thời gian không thể làm giảm đi giá trị của những gì họ chia sẻ, những trải nghiệm quý giá của cuộc sống, nhất là những kinh nghiệm theo Chúa và sự hiểu biết Lời Ngài.

Những người cao niên là một thành phần vô cùng quan trọng trong mỗi hội thánh. Mục vụ dành cho người cao niên của hội thánh không nên giới hạn vào việc tạo cơ hội cho họ gặp nhau chỉ để uống cà phê và trò chuyện, v.v… Hội thánh cần tạo ra nhiều cơ hội để những vị cao niên có thể phục vụ Chúa, truyền tải đức tin, và chia sẻ kinh nghiệm theo Chúa của mình cho các thế hệ trẻ hơn trong hội thánh.

Thánh Kinh dạy rõ rằng chúng ta phải tôn trọng những người cao tuổi không phải chỉ vì họ là người già cả, nhưng vì họ có một vai trò quan trọng trong gia đình, trong xã hội, và trong hội thánh. Sau đây là một vài lý do tại sao mọi người phải biết quý trọng giá trị của những người cao niên trong đời sống mình.

  1. h có sự khôn ngoan đến từ kinh nghiệm trong cuộc sống.

Gióp 12:12 – “Người già cả có sự khôn ngoan, Người sống lâu có thêm hiểu biết.

Châm ngôn 23:22-23 – “Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, Đừng khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu. Hãy mua chân lý, sự khôn ngoan, lời khuyên dạy, và sự thông sáng, Đừng bao giờ bán đi!

Những bạn trẻ, những cặp vợ chồng trẻ đừng xem thường những người cao niên mình quen biết hay chính ông bà của mình chỉ vì họ lớn tuổi. Vì họ cũng từng là người có học và nhất là họ nhờ “sống lâu có thêm hiểu biết”, có những kinh nghiệm trong cuộc sống mà mình chưa từng trải qua. Hãy dành thì giờ tâm tình với họ, chia sẻ với họ về những ưu tư, những nan đề của mình, thì chắc chắn có thể học được từ họ những câu ca dao đầy ý nghĩa, những lời khuyên khôn ngoan (wisdom) dựa trên kinh nghiệm trong đời họ, trên kiến thức tổng quát, và sự hiểu biết Lời Chúa. Nhờ đó bạn có thể giải quyết những xung đột, tránh được những lỗi lầm, và nan đề có thể xảy đến trong tương lai. Bạn sẽ học được từ những vị cao niên những kinh nghiệm đức tin quý báu rất lợi ích trong con đường theo Chúa của mình.

Hội thánh đừng “bán rẻ” sự hiểu biết và kinh nghiệm quý báu của họ. Hãy mua chân lý, sự khôn ngoan, lời khuyên dạy, và sự thông sáng của họ với bất cứ giá nào. Hãy quý trọng sự khôn ngoan của họ bằng cách tạo ra những buổi nhóm, những buổi sinh hoạt để họ có cơ hội chia sẻ lại những điều đó cho các thế hệ đến sau.

  1. họ có thể dự phần vào nhiều mục vụ của hội thánh.

Thi-thiên 92:14 – “Dù đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái, Thịnh vượng và xanh tươi.

Trong Chúa, có nhiều người ngày càng cao tuổi thì họ càng trưởng thành hơn trong Chúa, càng “sinh bông trái” Thánh Linh trong đời sống, càng “thịnh vượng” trong sự khôn ngoan và hiểu biết Lời Ngài, càng “xanh tươi”, càng tươi mới trong niềm tin, và càng trở nên nguồn phước tuôn tràn cho con cháu mình, cho xã hội, và cho anh em trong hội thánh, nếu mọi người biết tìm đến họ khi có nhu cần.

Đừng quên rằng trong hội thánh có nhiều mục vụ thích hợp cho những vị cao niên vì họ có nhiều thì giờ và kinh nghiệm hơn những người trẻ tuổi. Họ có đức tin mạnh mẽ hơn, họ có nhiều mối liên hệ trong xã hội. Điều quan trọng là họ có một mối liên hệ mật thiết với Chúa nên Ngài có thể dùng họ như một ống dẫn để ban phước cho mọi người.

Một mục vụ thích hợp mà hội thánh cần khích lệ người cao niên dự phần là BAN CẦU NGUYỆN vì họ có nhiều thì giờ và đức tin. Mọi người trong hội thánh cần có số điện thoại của những “chiến sĩ cầu nguyện” trong ban nầy, để nhờ họ cầu thay khi có nhu cầu trong cuộc sống, khi làm chứng, khi chuẩn bị cho những chương trình của hội thánh, v.v…

Một mục vụ khác thường thấy trong các hội thánh tại Âu Mỹ là MỤC VỤ TÂM VẤN. Nhiều người trưởng thành trong Chúa và người cao niên được dùng trong mục vụ nầy vì họ có thì giờ, có sự kiên nhẫn để lắng nghe, và đã từng trải nhiều thử thách trong cuộc sống nên dễ cảm thông cho sự yếu đuối của người khác. Những người đó có đức tin lâu năm trong Chúa, có sự hiểu biết Lời Chúa, và sự khôn ngoan để an ủi và cầu thay cho những tín hữu nào có nhu cần.

Dĩ nhiên còn rất nhiều mục vụ khác thích hợp cho người cao niên dự phần vào là ban cao niên, ban chứng đạo, ban chăm sóc, ban tiếp tân, ban Cơ-đốc giáo dục, kể cả ban cố vấn…

  1. họ có thể truyền đạt gia tài đức tin của họ cho thế hệ sau.

Thi thiên 71:18 — “Lạy Đức Chúa Trời, dù khi con đã già và tóc bạc rồi, Xin Chúa đừng từ bỏ con cho đến khi con rao truyền sức mạnh của Ngài cho thế hệ mai sau, và quyền năng Ngài cho dòng dõi kế tiếp.

Vì đã từng trải qua nhiều năm tháng trong cuộc đời theo Chúa, những người cao niên có nhiều kinh nghiệm về “sức mạnh” và “quyền năng của Ngài” nên họ có thể làm chứng lại cách mạnh mẽ về những việc lạ lùng và thật mà Chúa đã làm trong đời sống họ. Lời chứng của họ là những minh chứng đầy thuyết phục cho người trẻ hơn trong Chúa về sự thành tín của Đức Chúa Trời, về quyền năng, về lòng thương xót của Ngài, và những đáp ứng diệu kỳ khi một con cái Chúa hết lòng cầu xin và tin cậy nơi Ngài.

Vai trò của hội thánh là tạo nên những cơ hội, những buổi họp mặt thường xuyên để những người lớn tuổi đầy ơn có dịp chia sẻ lại kinh nghiệm đức tin của họ cho “thế hệ mai sau”, làm chứng lại cho “dòng dõi kế tiếp” những ơn lành và quyền năng lạ lùng của Ngài.  

  1. họ có thể truyền lại những hiểu biết về Lời Chúa cho người trẻ hơn.

Timôthê 1:5 – “Ta cũng nhớ đến đức tin chân thành của con, là đức tin trước đã sống trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con; ta tin chắc rằng đức tin ấy nay đang sống trong con.

Ti-mô-thê là một thầy truyền đạo trẻ cùng làm việc với Phao-lô. Thầy được học hỏi Lời Chúa từ chính mẹ mình và từ bà ngoại của mình. Những người lớn tuổi gương mẫu nầy có đức tin mạnh mẽ nơi Chúa, hiểu biết Lời Ngài cách sâu nhiệm nhờ đã từng học hỏi từ Phao-lô nhiều năm trước, và đã truyền lại cho Ti-mô-thê.

Không phải ai càng lớn tuổi thì cũng càng hiểu nhiều Lời Chúa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vị cao niên nhờ sinh hoạt lâu ngày trong hội thánh mà càng được hiểu biết Lời Chúa, càng từng trải quyền năng của Lời Ngài cách thực tế trong đời sống, và càng kinh nghiệm sự mật thiết với Chúa của mình. Vì thế, nhiều người có dư khả năng để chia sẻ Lời Chúa cách sâu nhiệm và sống động. Họ biết áp dụng nhiều lẽ đạo cách thực tế và khôn ngoan khi chia sẻ Lời Chúa cho những người còn trẻ hơn, nhất là còn mới mẽ trong đức tin. Lãnh đạo Hội thánh cần nhờ ơn Chúa để chọn và sử dụng đúng người trong các mục vụ như ban Chăm Sóc, Trường Chúa Nhật, Lớp Giáo Lý, Chứng Đạo, Tâm Vấn, v.v…

Tóm lại, ngày nào những người lớn tuổi trong gia đình còn sống thì các con cháu phải tôn trọng họ bằng cách lắng nghe khi họ chia sẻ kinh nghiệm và tìm biết ý kiến của họ khi gặp những nan đề trong cuộc sống. Ngày nào những vị cao niên trong hội thánh còn sống khoẻ, ngày đó Chúa còn cho phép họ có cơ hội phục vụ. Vì thế, các lãnh đạo hội thánh không nên xem họ là thành phần vô dụng, nhưng phải nhờ ơn Chúa tạo cho họ những cơ hội và phương tiện để phục vụ Ngài, để họ làm chứng lại những kinh nghiệm về quyền năng của Chúa trong đời sống, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về tình yêu và ân điển của Ngài. Hãy mở đường cho họ có cơ hội sử dụng ơn tứ và chia sẻ những hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa cho các thế hệ đến sau.

Hội thánh không quan tâm đến và không sử dụng thành phần cao niên là một hội thánh không lành mạnh. Họ là món quà của Đức Chúa Trời dành cho gia đình và Hội Thánh. Họ là những thành viên tích cực và đáng quý của gia đình, của xã hội, và của hội thánh nếu họ được cơ hội dự phần vào những công việc thích hợp, phục vụ đúng với khả năng và ơn tứ của mình! Hãy chăm sóc họ, hãy trân quý họ vì họ là những kho tàng cần khai thác. Hơn ai hết, họ biết thời gian của mình rất giới hạn, nên chính họ có thể đang nóng lòng chia sớt lại những gì họ đang ấp ủ trong lòng.


Comments

Giá Trị Của Người Cao Niên — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *