HomeSÁCH BỒI LINH-TÁC GIẢ VNĐời Sống Là Một Cuộc Thử Nghiệm

Đời Sống là Một Cuộc Thử Nghiệm (Life is a test).

Mục sư Ngô Việt Tân

Hột xoàn hay kim cương (diamond) là khoáng chất cứng, viên đá cứng. Thành phần hóa học: chỉ có một nguyên tố duy nhất, 100 phần trăm than (carbon – C). Từ Diamond xuất nguồn từ “diamas/adamas” tiếng Hy Lạp, có nghĩa: không thể chiếm ngự, không thể đánh bại, không thể trấn áp, không thể khuất phục. Góc phản xạ của kim cương có tổng cộng 57 cạnh. Trong đó, phần trên gồm có 1 mặt chính (table) 32 cạnh (khía lều che – pavilion facets) và mủi nhọn (kalette). Phần trên để tán xạ ánh sáng thành nhiều màu sắc khác nhau trong khi phần bên có nhiệm vụ phản xạ ánh sáng. Người Trung Hoa thường nói câu châm ngôn về bài học thử thách và rèn luyện trong cuộc sống như: “Hột xoàn không thể chiếu óng ánh nếu không được mài, con người không trưởng thành nếu không trải nghiệm thử thách – a diamond cannot be polished without friction, nor the man perfected without trials”.

Trên phương diện tâm linh, tiến trình kỷ luật và sự trải nghiệm thử thách trong đời sống là điều kiện để kiến tạo sự trưởng thành tâm linh. Thánh Phao-lô chia sẻ ông cầu xin Chúa cất khỏi
“… một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lià xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (2 Cô-rinh-tô 12:7-9).

Tại sao Chúa lại để cái giằm xóc trong đời sống của Phao-lô? Chúng ta có thể rút tỉa ra bài học quý báu cho đời sống theo Chúa như:

1) Thử thách giúp Phao-lô khiêm nhường (humble). 2) Thử thách giúp Phao-lô cảm nhận con người yếu đuối của mình (weakness).
3) Thử thách giúp Phao-lô càng nhờ cậy Chúa hơn (relying on God).

Văn Hào nổi tiếng trên thế giới, Victor Hugo, khi được 48 tuổi, thì bị đày ra ngoài côn đảo Guernsey để sống cô quạnh buồn tẻ 20 năm tại đó. Đây là một nỗi thất vọng cay đắng nhất trong cuộc đời của Victor Hugo.

Nhưng chính vì gặp hoàn cảnh thất vọng buồn thảm này khiến ông có thể viết quyển tiểu thuyết hay nhất và có giá trị nhất, “Les Miserables – Những Con Người Khốn Khổ”.

Nếu không có những ngày buồn thảm, chán đời tại côn đảo Guernsey, tác phẩm “Những Con Người Khốn Khổ” sẽ không hoàn thành được cũng mang tính trải nghiệm cuộc đời đầy thách thức.
Nếu cuộc đời theo Chúa của mỗi chúng ta không gặp thử thách, khó khăn, cám dỗ, hoạn nạn, thiên tai, chiến tranh… thì chúng ta cũng có thể không trưởng thành tâm linh một cách trọn vẹn được. Bức thư của Gia-cơ, một trong những chủ đề được nhấn mạnh là thái độ sống trong đức tin của người tin theo Chúa đặc biệt là khi đối diện với thử thách hay hoạn nạn. Lời khích lệ chân tình trong Gia-cơ 1:2-4 chép:

Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điêù vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.
Người chịu khó, bền lòng, và sống bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế sẽ được Ngài ban phần thưởng cũng như được khen ngợi: “Phước cho người chịu đựng thử thách, vì sau cơn thử luyện sẽ được lãnh mão sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Người yêu kính Ngài” (Gia-cơ 1:12).

Đức Chúa Trời đã kêu gọi Giô-suê làm lãnh tụ thay thế Môi-se để hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào vùng đất hứa Ca-na-an. Nhưng rất tiếc, khi đoàn dân Y-sơ-ra-ên đặt chân lên vùng đất hứa Ca-na-an thì thế hệ già hầu như đã qua đời. Chỉ còn thế hệ trẻ còn sống sót. Thế hệ trẻ này rất là non kém về kinh nghiệm thuộc linh, kinh nghiệm từng trải về những phép lạ, mối liên hệ đức tin, và ơn phước Chúa tuôn tràn trên đồng vắng.

Đức Chúa Trời rèn luyện và dạy dỗ thế hệ trẻ Y-sơ-ra-ên này qua các dân tộc ngoại bang. Trong sách Các Quan xét 3:1,2,4:
Này là các dân tộc mà Đức-Giê-hô-va để còn lại, đặng dùng chúng nó thử thách người Y-sơ-ra-ên nào chưa từng thấy những chiến trận Ca-na-an – Ngài chỉ muốn thử thách các dòng dõi mới của dân Y-sơ-ra-ên, tập cho chúng nó việc chiến trận, nhứt là những kẻ chưa từng thấy chiến trận khi trước. Đức Giê-hô-va dùng các dân tộc này để thử thách Y-sơ-ra-ên, đặng đem thử chúng nó có ý vâng theo các điêù răn mà Ngài cậy Môi-se truyền cho tổ phụ chúng nó chăng.

Mục tiêu giáo huấn thế hệ trẻ Y-sơ-ra-ên là rèn luyện họ trong chiến trận thuộc linh, cũng như Ngài muốn thử nghiệm họ lòng kính yêu Ngài và lòng vâng phục Ngài.

Đời sống là một cuộc thử nghiệm cho tất cả mọi người. Những sự chọn lựa trong cuộc sống của chúng ta là một thử nghiệm về niềm tin. Những sự hưởng thụ của đời là một thử nghiệm về đời sống.

A) Những Sự Chọn Lựa Trong Cuộc Sống Là Một Thử Nghiệm Về Niềm Tin.

Đời sống là một cuộc thử nghiệm. Tại sao con người phải cần trải nghiệm những thách thức hay hoạn nạn trong cuộc đời? Có bao giờ bạn suy nghĩ về:

Lửa thử vàng
Vàng thử đàn bà
Đàn bà thử đàn ông
Sự nghèo đói, túng thiếu thử tình bạn
Hoạn nạn thử đức tin
Chiến tranh thử hoà bình
Sự chết thử lòng tự tin, hi vọng đời đời
Thiên tai thử kiêu ngạo
Kiêu ngạo thử lòng khiêm nhường
Ai có thể thử Đức Chúa Trời đầy quyền năng tể trị tối cao?

Thánh Kinh Cựu Ước ghi chép lại thế nào Đức Chúa Trời đã thử nghiệm Áp-ra-ham về lòng kính yêu Chúa và sự đầu phục của ông. Ngài thử nghiệm Áp-ra-ham về sự vâng lời (Sáng thế 12:1-4). Ngài thử Áp-ra-ham về tâm linh xử thế và lòng nhân ái (Sáng thế 13:8). Ngài thử nghiệm về đức tin của Áp-ra-ham (Sáng thế 15:2-4). Ngài thử nghiệm Áp-ra-ham về tình yêu thương khi Ngài bảo dâng Y-sác làm của tế lễ thiêu (Sáng thế 22:1-3).

Trong 1 Phê-rơ 1:6-9 ghi lại thử thách mà con dân Chúa phải trải nghiệm nhằm “mục đích là chứng tỏ đức tin anh chị em quí hơn vàng, là vật có thể bị hủy diệt được thử trong lửa, để nhờ đó anh chị em được ngợi khen, vinh quang và tôn trọng khi Chúa Cứu Thế Giê-su hiện đến”.

Trong mọi cơn thử thách hay cám dỗ, Chúa hứa rằng “… Ngài sẽ không để anh chị em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng trong khi bị cám dỗ sẽ mở lối thoát để anh chị em có thể chịu đựng được” (1 Cô-rinh-tô 10:13). Chúa cũng hứa ban phần thưởng cho những ai kiên trì chịu đựng thử thách, vượt qua cám dỗ “… sẽ được lãnh mão sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho người kính yêu Ngài” (Gia-cơ 1:12).

Muốn trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta chỉ cần mở tấm lòng tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời sống mình. Nhưng bước đi theo Ngài, và sống đúng theo lời Ngài dạy bảo trong Thánh Kinh là một thách thức. Vì thế, Chúa Giê-su đã nhắc nhở một số điêù rất hệ trọng cho một người muốn dấn thân theo Ngài như:

a) “Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính mạng sống mình, thì không thể nào làm môn đệ Ta” (Luca 14:26). Chúa Giê-su muốn dạy một chân lý là tình yêu thương của Cơ-đốc-nhân dành cho Ngài quan trọng hơn tình yêu thương dành cho người thân trong gia đình mình.

b) “Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta cũng không thể nào làm môn đệ Ta” (Luca 14:27). Chúa Giê-su muốn dạy rằng theo Ngài không chỉ bằng niềm tin trong tâm hồn, nhưng phải sẵn sàng đối diện với những thử thách, khổ nạn, bắt bớ, ngay cả ảnh hưởng đến tính mạng.

c) “Ai trong các ngươi muốn xây một ngôi tháp mà không ngồi xuống tính toán chi phí trước, xem mình có đủ tiền để hoàn thành hay không?” (Luca 14:28). Người có quyết tâm theo Chúa Giê-su cần phải có sự khôn ngoan tính toán cái giá phải trả.

d) “Cũng thế, nếu ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả những gì mình có thì không thể nào làm môn đệ Ta” (Luca 14:33). Điêù kiện mà Chúa Giê-su muốn đòi hỏi môn đệ bước theo Ngài là lòng hi sinh để dấn thân phục vụ nhà Ngài, đặt công việc Ngài là ưu tiên một; bởi vì “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điêù ấy nữa” (Mathiơ 6:33).

Sự giáo huấn của Chúa Cứu Thế trong những câu chuyện ẩn dụ (parables) luôn mang tính giá trị tinh thần và định hướng thuộc linh cho con dân Chúa mà thế gian này không ban cho được. Những câu chuyện ẩn dụ sẽ là nguồn phước hạnh cho những ai thật có lòng khao khát tiếp nhận lời hằng sống của Chúa, những ai có lỗ tai biết lắng nghe, những ai sẵn lòng biến đổi cuộc đời qua chân lý thần hữu của Ngài.

Triết lý giảng dạy của Chúa Giê-su là kiến tạo nhiều cơ hội hầu mỗi con dân Ngài đêù có thể chọn lựa ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống chính mình qua ý chí tự do (free will), chớ không miễn cưỡng như người máy bị điêù khiển. Bởi thế, Chúa Giê-su đã nêu lên hai hình ảnh hay vật thể tương phản nhằm giúp mỗi

Cơ-đốc-nhân thấu hiểu chân lý của phước hạnh và hậu quả của tội lỗi, sống đạo theo nguyên tắc của Vương Quốc Thiên Chúa hay lạc bước theo lối sống trần tục đầy cạm bẫy của sự chết đời đời. Hãy suy gẫm lời giáo huấn của Chúa Giê-su qua các biểu tượng và hình ảnh tương phản như:

1) Cổng hẹp và Cổng rộng
“Hãy vào cổng hẹp, vì cổng rộng và đường lớn dẫn đến hủy hoại, nhiều người đi vào đó. Cổng hẹp và đường dẫn đến sự sống, chỉ có ít người tìm thấy” (Mathiơ 7:13,14).

2) Chúa và Tiền tài
“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hoặc sẽ trọng chủ này mà khinh chủ kia. Các con không thể phục vụ cả Đức Chúa Trời lẫn tiền tài” (Mathiơ 6:24).

3) Tích trử của cải dưới đất và trên trời
“Các con đừng tích trử của cải dưới đất là nơi mối mọt và gì sét làm hủy hoại và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ của cải các con ở trên trời là nơi mối mọt không thể hủy hoại và kẻ trộm cũng không khoét vách lấy được. Vì của cải các con ở đâu, lòng các con cũng ở đó” (Mathiơ 6:19-21).

4) Xây nhà trên Đá hay trên cát
“Vậy, ai nghe lời Ta dạy và làm theo, sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá. Khi mưa đổ xuống, nước lụt dâng lên, cuồng phong ập đến, nhà ấy không sụp đổ vì đã được xây trên nền đá. Còn ai nghe lời Ta dạy, nhưng không làm theo thì giống như một người ngu dại xây nhà mình trên cát. Khi mưa đổ xuống, nước lụt dâng lên, cuồng phong ập đến, thì nhà ấy sụp đổ, hư hại nặng nề” (Mathiơ 7:24-27).

B) Những Sự Hưởng Thụ Của Đời Là Một Thử Nghiệm Về Đời Sống.

Cuộc đời của thánh Augustine đã được ghi chép lại như một đời sống trải nghiệm đầy tính hưởng thụ, trụy lạc, và phóng túng. Ông Patricius là thân phụ của Augustine, bà Monica là mẹ ruột của Augustine và bà là một người tín đồ kính yêu Chúa. Tuy nhiên, chồng của bà Monica rất cứng lòng, mà không chịu tin nhận Chúa.

Khi Augustine vừa được sinh ra, bà Monica đã làm dấu thánh giá trên trán của con trai bà (theo phong tục), tha muối trên môi của con. Khi ông Patricius gần 40 tuổi, ông lập gia đình với bà Monica lúc bà chỉ có 17 tuổi. Khi đã lập gia đình xong, bà luôn giữ lòng sốt sắng và tin kính Chúa.

Augustine là người con rất được nuông chìu, và cha mẹ thương yêu. Với trí thông minh lạ thường, cha mẹ Augustine đã đâù tư nhiều tiền của để ông đi tu nghiệp tại Madaura. Augustine đã học tiếng Latin và Hi-lạp (Greek). Các thầy cô giáo đề nghị ông Patricius nên gởi Augustine đến Carthage để ông tu nghiệp thêm hầu có thể trở thành một luật sư tài giỏi hay một giáo sư lỗi lạc.
Bà Monica không có đồng ý cho Augustine đi tu nghiệp tiếp tục vì ông đã lâm vào lối sống bê tha và trụy lạc khi còn đang theo học ở Madaura. Sau đó, bà Monica suy nghĩ lại về tương lai của Augustine và chấp nhận cho ông lên đường đến Carthage tu nghiệp là một trong những thành phố lớn vào thời Đế quốc La-mã.
Augustine cũng rất thích thú sinh sống ở thành phố lớn có đền thờ, và nhiều biệt thự nguy nga bao bọc chung quanh bởi các vườn hoa. Thành phố Carthage là nơi nỗi tiếng về cờ bạc, ăn chơi, và thờ thần Vergil…

Ông Patricius đã qua đời sau khi tin nhận Chúa. Augustine đã trở thành một sinh viên ưu tú và học giả xuất chúng tại trường. Với nghị lực phấn đấu học tập, ông đã học các môn như Hình học, Âm nhạc, Toán học, Luật pháp La-mã, Rhetoric, và Dialectic. Sự thật là ước nguyện của Augustine là không muốn trở thành Luật sư, mà trở thành Giáo sư.

Trong chương trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời, Ngài đã xức dầu cho bà Monica nhằm trải nghiệm lòng cưu mang và đổ nhiều nước mắt âm thầm cầu nguyện cho con trai mình trong suốt hơn 16 năm. Để rồi Chúa Thánh Linh bắt phục Augustine mở lòng tin nhận Chúa và nhận lãnh sứ mạng rao giảng đạo cứu rỗi.

Nhìn lại cuộc đời của Vua Sa-lô-môn, chúng ta có thể xét nghiệm và rút tiả nhiều bài học quý báu về mục đích và ý nghĩa của đời sống.

1) Thú vui (pleasure)
“Tôi hãy nếm trải những điêù chi mang lại niềm vui trên cõi đời này, xem thử những điêù ấy có chi tốt không. Nhưng tôi khám phá rằng loài người cũng không thỏa mãn với những điêù vui thú ấy” (Giáo huấn 2:1-3).

2) Công trình vĩ đại (works)
“Tôi thực hiện những công trình vĩ đại. Tôi xây dựng những lâu đài, vun trồng những vườn nho. Tôi lập cho mình những vườn hoa và vườn cây đủ mọi loại cây ăn trái” (Giáo huấn 2:4-6).

3) Sự giàu sang (wealth)
“Vậy tôi trở nên sang trọng vượt trội hơn mọi vì vua sống trước tôi tại Giê-ru-sa-lem” (Giáo huấn 2:9).

4) Đàn bà (women)
“Trong số ngàn người nam, tôi tìm được một người, còn trong số ngàn người nữ tôi chẳng tìm được một ai” (Giáo huấn 7:28).

5) Tiền bạc (money)
“Người ham tiền bạc, bao nhiêu tiền bạc cũng không đủ, người ham của cải, lợi nhuận mấy cũng chẳng vừa lòng” (Giáo huấn 5:10).

6) Tri thức và khôn ngoan (knowledge and wisdom)
“Càng thêm khôn ngoan càng lắm ưu phiền, Càng thêm tri thức, càng nhiều khổ tâm” (Giáo huấn 1:18).

3. Đời Sống là Một Sứ Mạng (Life is a mission).

Một trong những sứ mạng quan trọng của người Cơ-đốc là sống thánh khiết nhằm trở nên giống như Chúa Cứu Thế Giê-su, phản ảnh vẽ mỹ đức của Ngài qua nếp sống đạo mỗi ngày. J. Hudson Taylor nói rằng:

Lúc tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là lúc sự nên thánh bắt đầu. Lúc Chúa Cứu Thế Giê-su được yêu kính là lúc sự nên thánh đang tăng trưởng. Nhưng khi đã nhận thức được Chúa Cứu Thế Giê-su không bao giờ vắng bóng nữa thì đó là lúc sự nên thánh đã hoàn thành.

Sự nhận biết của Thiên Chúa quyền năng là nền tảng của đức tin năng động; bởi vì Cơ-đốc-giáo đặt nền tảng trên Chúa Cứu Thế là Đấng đã sống lại và Đấng đang hiện hữu trong cuộc sống của mỗi tín hữu. Chúng ta đang nhìn về định hướng nào cho niềm tin của mình?

_ Hãy nhìn lui (look backward) – Ngài là Đấng Tạo Hóa (Cô-lô-se 1:16).
_ Hãy nhìn tới (look forward) – Ngài lá Đấng Thẩm Phán (2 Cô-rinh-tô 5:10).
_ Hãy nhìn lên (look upward) – Ngài là Vị Cứu Tinh (Phi-líp 2:5-10).
_ Hãy nhìn xuống (look downward) – Ngài là Đấng Nâng Đỡ (Cô-lô-se 1:17).
_ Hãy nhìn phải (look rightward) – Ngài là Vị Giáo Sư Lớn (Mathiơ 23:8).
_ Hãy nhìn trái (look leftward) – Ngài là Đấng Biện Hộ (1 Giăng 2:1).
_ Hãy nhìn vào trong (look inward) – Ngài là sự sống (Ga-la-ti 2:20).

Dù nhìn về hướng nào đi nữa, thì Chúa Cứu Thế vẫn là Thượng Đế có quyền năng tối thượng đáng để chúng ta tôn thờ, kính yêu và phụng vụ hết lòng.

Đời sống là một sứ mạng của hiểu biết đạo, học tập đạo, và sống đạo theo nguyên tắc Thánh Kinh.

A. Vâng giữ Mạng lịnh của Chúa – “và bất cứ điêù gì chúng ta xin đều nhận được, vì chúng ta vâng giữ các điêù răn của Ngài và làm điêù đẹp lòng Ngài” (1 Giăng 3:22 BHD).
B. Phải sống lợi ích cho người khác – “Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Êphêsô 4:32 BHD).
C. Phải kỷ luật với chính mình – “Nhưng tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi giảng dạy cho người khác, mà chính mình lại bị loại bỏ chăng” (1 Côrinhtô 9:27 BHD).
D. Phải ham mến các sự ở trên trời – “… Hãy tìm kiếm những điêù ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời. Hãy chú tâm vào những điêù ở trên trời, đừng chú tâm những điêù ở dưới đất” (Côlôse 3:2 BHD).
E. Phải luôn nhìn xem Chúa Giê-su – “Hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-su, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điêù sĩ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:2 BHD).

Mục Sư Ngô Việt Tân
(TRÍCH TỪ SÁCH ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG TÂM LINH – 2015)

SÁCH SẮP XUẤT BẢN 2016 – 2017:

THÁI ĐỘ CỦA CƠ- ĐỐC NHÂN
BÍ QUYẾT SỐNG THÀNH CÔNG
HẸN HÒ & HÔN NHÂN

SÁCH MỚI 2016
ĐỜI SỐNG SÂU NHIỆM
NHỮNG SỨ ĐIỆP PHẤN HƯNG
https://www.facebook.com/SachTinLanh/


Comments

Đời Sống Là Một Cuộc Thử Nghiệm — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *