HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Cho Những Ngày LễChúc Nhau: Phước – Lộc – Thọ

CHÚC NHAU: PHƯỚC – LỘC – THỌ

Wishing: Blessing – Prosperity – Long Life  (Thánh thi 103:1-17)

Mùa Xuân là Mùa của vui tươi, hi vọng, sức sống, và niềm hạnh phúc cho mọi người. Eliza Cook-Spring mô tả vẽ đẹp mầu nhiệm của Mùa Xuân qua bốn câu thơ:

“Mùa Xuân đến, Mùa Xuân tươi sắc đẹp Tràn trề dâng rạng rở ánh huy hoàng Với lá hoa và cánh bướm vàng vỗ nhịp Biến quê hương tiên cảnh giữa trần gian.” (Thanh Vân dịch)
Spring, Spring, beautiful Spring Laden with glory and light you come; With the leaf, the bloom and the butterfly’s wing Making our earth a fairing home.” (Eliza Cook-Spring).

Đối với người Việt chúng ta, dù đang sinh sống ở bất cứ quốc gia nào hay ở Việt Nam, mỗi dịp Xuân về Tết đến, những người con Việt Nam dù đang sinh sống, làm việc, học tập ở bất cứ nơi đâu đều cố gắng sắp xếp công việc để được về đoàn tụ cùng gia đình trong 3 ngày Tết. Tết cổ truyền là ngày đoàn tụ, là những giây phút cho dân Việt được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của mái ấm gia đình và niềm hạnh phúc của yêu thương và tình cảm . Những Ngày vui Tết quây quần bên gia đình là phong tục mang tính nhân văn cùng với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Vui xuân cũng là điểm hòa hợp giữa tạo vật và Tạo Hóa qua mối tương giao của thế giới tâm linh cho những con người có niềm tin và phúc lành.

Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.

Theo nguyên nghĩa của chữ “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”. Tết Nguyên Đán chính là buổi sớm ngày đầu năm, kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, chào đón một chu kỳ mới. Ngoài ra từ Đán còn có nghĩa là trọn vẹn. Vì thế, Nguyên Đán còn mang một hàm nghĩa rất nhân văn, đó là sự khởi đầu của năm mới tràn đầy tia nắng xuân tươi, hưng phấn, và niềm hi vọng.

Những phong tục Tết Nguyên Đán đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Những tục lệ trò vui trong dịp Tết, chiếc bánh tét, bánh chưng xanh, cành đào, chậu hoa mai đua nhau khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành một phần hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ nhung tha thiết.

Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân coi đây là dịp để tưởng nhớ đến Ông Trời hay Chúa Trời có liên quan đến sự được, mất của mùa màng. Ý niệm biết ơn Trời đã ăn sâu vào lòng dân Việt qua các câu ca dao và tục ngữ như:
“Ơn trời mưa nắng phải thì Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu.”

Dân Việt chúng ta cũng nhận biết Ông Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng Tể Trị muôn loài, và tin rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Ví thế, người Việt chúng ta luôn khẩn xin:
Lạy trời mưa thuận gió hoà
Để cho chiêm tốt mùa tươi em mừng
Ngô khoai chẳng được thì đừng
Có nếp, có tẻ trông chừng có ăn.

Trời nắng hạn cũng khiến con người đáng lo lắng. Trời mưa ngập lụt thì cũng làm điêu đứng mọi người. Vì thế, có người cầu xin Trời:
“Lạy ông nắng lên,
Cho trẻ nó chơi Cho già bắt rận Cho tôi đi cày.”

“Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp.”

Thi sĩ Cơ-đốc Thanh Hữu tuyệt tác bài thơ “Lời Tạ Ơn” nhằm mô tả Ơn Trời thật bao la, Tình Trời rất thành tín, và Nước Trời luôn mở rộng cho những ai muốn tận hưởng hồng ân cứu chuộc của Ngài.

Anh đang sống trong khung trời miễn phí, Biết bao điêù, hưởng thụ chẳng cần mua. Biết bao điêù, sử dụng đến dư thừa, Không phải trả, một đồng xu cắc bạc.
Anh đang sống giữa khung trời bát ngát, Không khí đầy thở mãi chẳng hề ngưng. Dòng sông xanh nước chảy mãi không ngừng, Anh uống mãi không bao giờ khô cạn.
Ôi Thiên Chúa nguồn cung nhu vô hạn, Cho muôn loài, vạn vật, cho phàm nhân. Ngài đưa tay bao sinh vật vui mừng, Ngài lánh mặt, muôn vật đêù bối rối.
…Tạ ơn Chúa, bởi tình yêu thiên hựu Ngài dẫn đường đưa lối đến thiên cung
Dù bảo giông, dù sóng gió mịt mùng Linh Thánh Chúa cầm tay con cùng bước.
Tạ ơn Chúa, Danh Giê-xu uy lực Ban uy quyền chiến đấu thắng ma vương Để phá tan những cám dỗ cản đường Để con bước trọn linh trình hạnh phước.
Tạ ơn Chúa, Ngài thăng thiên về trước Sắm thiên đàng, tiếp rước Cơ Đốc Nhân Ngày tái lâm của Chúa đến rất gần Con trông đợi ngày tương phùng vinh hiển.

Người Việt chúng ta luôn bày tỏ lòng biết ơn với người giúp đỡ mình, Đấng Tạo Hóa nên con người và ban phước cho con người. Bài thơ “Nhớ Nguồn” do tác giả Hồng Ân chia sẻ:
Người ơi, uống nước nhớ nguồn,
Từ dòng suối mát tràn tuôn tháng ngày? Khi người có được hôm nay, Được đời sung túc do tay ai làm? Phải chăng Chúa tạo đời phàm, Trời mây, non nước, muôn ngàn cây xanh? Ngài ban hơi thở trong lành, Cho đàn chim hót trên cành mừng vui… Cho mùa mưa nắng tới lui, Đem nguồn nước mát làm tươi ruộng đồng, Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, Núi rừng muôn thú, biển sông tạo thành… Phải chăng Chúa – Đấng quản canh, Là Cha Tạo Hóa, nhân lành yêu thương? Ai ơi chớ có lạc đường, Làm người nên biết quê hương cội nguồn, Để ta khỏi sống luôn tuồng, Tránh đường hư nát như luồn gió bay!

Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc của năm cũ và kế hoạch cho năm mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Tết còn là sinh nhật của tất cả mọi người, từ già đến trẻ ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở đầu khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ con và các cụ già để chúc, chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được hưởng ân phúc.

Không điều gì hạnh phúc cho bằng khi được
các cháu nội hay cháu ngoại quây quần bên ông bà và cha mẹ để Chúc Tết Ông Bà:
Năm cũ vừa qua
Bước sang năm mới
Hôm nay con tới
Kính chúc Ông Bà
Sống lâu sức khỏe,
Trẻ mãi không già
Yêu thương thuận hòa
Cửa nhà sung túc
Hạnh phúc khang an
Ơn trên thương ban
Suốt năm may mắn
Làm ăn phấn chấn
Phúc, lộc, thọ, tài
Ông bà hưởng trọn
Đôi lời con mọn
Xin kính dâng lên
Ông Bà đừng quên
Lì xì cho con
Năm mới lấy hên
Con xin cám ơn Ông Bà.
Niềm hạnh phúc và mong ước sâu xa trong tâm hồn của những người con hiếu thảo là cầu chúc cho ông bà cũng như cha mẹ mình như lời nguyện cầu:
Mong cho phúc lộc đầu nhà Cầu cho yên ấm, an vui hưởng già Mong cho con cháu đầu nhà Thọ – Lộc – Phúc – Hiếu đủ đầy ấm êm Mong ông trường thọ diên niên
Cho bà thêm tuổi, thêm sức khỏe Chúc ông bà một năm mới sang tràn đầy sức hưởng an vui.

Ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những đồng tiền mừng tuổi để trong giấy hồng (ngày nay gọi là phong bao “lì xì”) cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui. Lời chúc quý báu nhất mà ông bà và cha mẹ dành cho con cháu trong ngày vui xuân là con cháu ngoan hiền, thông minh, vui khỏe, và học hành đỗ đạt.

Dịp Tết, mọi người đêù chúc nhau cách chân tình và nguyện ước như ý:
Chúc bạn có 1 bầu trời sức khỏe, 1 Biển cả tình thương, 1 Đại dương tình bạn, 1 Điệp khúc tình yêu, 1 Người yêu chung thủy, 1 Sự nghiệp sáng ngời, 1 Gia đình thịnh vượng.
– Chúc cả gia đình bạn vạn sự như ý, Tỉ sự như mơ, Triệu triệu bất ngờ, Không chờ cũng đến!
Chúc một năm mới vui vẻ, 12 tháng sức khoẻ, 52 tuần thành công, 365 ngày hạnh phúc, 8.760 giờ tốt lành, 525.600 phút may mắn, 31.536.000 giây như ý.

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất mang tinh thần văn hóa và phong tục trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh. Qua mối giao hoà đó, người Việt chúc nhau:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà. Vài lời cung chúc tân niên mới. Vạn sự an khang vạn sự lành.

1. Phước (Blessing)

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Joshua Becker là một công tử đẹp trai con nhà giàu có. Người ngoài nhìn vào Joshua Becker có thể nhìn thấy hay ấn tượng mọi thứ hào hoa, sự nghiệp thành công, nổi tiếng và đáng để nhiều người ngưỡng mộ. Joshua Becker sống với mức lương cao, cùng một người vợ xinh đẹp lại giỏi giang. Ở tuổi 22, Joshua Becker đã sở hữu biệt thự sang trọng, siêu xe cũng như tận hưởng đủ mọi thứ vật chất trên đời. Nhưng ông cảm nhận thực trạng cuộc sống của đời mình không hề hạnh phúc trong tâm hồn.

Trước những biến động của đời sống chính bản than mình, Joshua Becker đã nhận biết rằng “chính những dục vọng ham muốn về vật chất vô tri vô giác kia đã làm cho cuộc sống trở nên hỗn loạn, bản than bị mê lạc quên đi thứ đáng trân quý nhất của sinh mệnh.” Ông đã từng nghĩ rằng khi ông mua tặng cho người mẹ của ông, cho vợ và con của mình các món quà hàng hiệu xa hoa đắt tiền là điêù tốt đẹp nhất dành cho họ. Nhưng sau đó ông đã nhận thức chính các vật chất đó không mang lại cho mẹ và vợ con nhu cầu tình cảm thiết thực nhất mà chính họ đang cần đó là thời gian ở bên cạnh họ. Alexande Mercereau chia sẻ rằng “Không phải sự gia tăng những thỏa mãn vật chất làm cho ta tốt đẹp hơn, nhưng chính là sự gia tăng những khao khát của tinh thần.” Victor Hugo nói rằng “Niềm hạnh phúc lớn nhất của đời sống là khi chúng ta cảm nhận mình được yêu thương – Life’s greatest happiness is to be convinced we are loved.” Mother Teresa nói “Sự nghèo khổ kinh khủng nhất là sự cô đơn và cảm giác không được yêu thương – The most terrible poverty is loneliness and the feeling of being unloved.”

Vâng, triết lý của một tâm hồn hạnh phúc là sống với triết lý trân quý, rộng lượng, tha thứ và thực thi những giá trị tâm linh nhằm giúp cuộc sống cá nhân cũng như cộng đồng càng tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa chữ “phúc” trong cuộc sống người Việt mang đầy trọn, phong phú về điều tốt lành, điều thuận lợi và việc may mắn. Chữ “phúc” khi kết hợp với một chữ khác tạo nên những ý niệm về sự vui tươi, ấm no, an lành: hạnh phúc, hồng phúc, diễm phúc, tâm phúc, ân phúc, thiên phúc, phúc đức, v.v… Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh mô tả khái niệm ngũ phúc có nghĩa là “Năm thứ hạnh phúc: phú, quý, thọ, khang, ninh.” Phú là giàu có, Quý là sang trọng, Thọ là sống lâu. Khang là mạnh khoẻ. Ninh là an lành và bình yên.

Chữ “phước – bless” theo Tự Điển Việt Nam do Tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ mô tả về “phúc đức” hay điều tốt lành do Trời ban cho người từng làm nhiều việc nhân đức.
Trong Thánh Kinh chữ “phước hạnh – bless” được ghi lại 516 lần và chữ “nguyền rủa – curse” được ghi lại 199 lần. Chữ “phước hạnh” hay “ơn phước” được dung để chào hỏi có tính cách sâu đậm hơn từ ngữ “bình an – peace, shalom”. Các câu Kinh Thánh dưới đây chứa đựng những lời chúc phước và cầu mong hạnh phước nhất trong cộng đồng con dân Chúa với nhau:

a) Lời chúc bình an cho nhau.
Sáng thế 48:20
b) Lời chúc phước cho nhau khi gặp nhau.
Sáng thế 47:7
c) Lời chúc phước khi chia tay.
Sáng thế 24:60
d) Lời chúc phước của các sứ giả.
1 Sa-mu-ên 25:14
e) Lời chúc phước vì lòng biết ơn.
Gióp 31:20
f) Lời chúc phước vào buổi sáng.
Châm ngôn 27:14
g) Lời chúc mừng về sự thịnh vượng.
“Anh thân mến! Tôi cầu chúc anh được thịnh vượng trên mọi mặt, được mạnh khoẻ về phần xác cũng như vẫn thịnh vượng về phần hồn” (3 Giăng 2).
h) Lời cầu xin Chúa ban phước trong sự tôn kính.
2 Sa-mu-ên 14:22
i) Lời chúc phước trong tình bạn.
2 Sa-mu-ên 21:3
Theo Thánh Kinh Cựu Ước, chữ “phước hạnh – bless” trong ngôn từ Hi-bá-lai “barak” có nghĩa “quỳ lạy – kneel.” (2 Sử ký 6:13; Thánh thi 95:6). Trong Thánh Kinh Tân Ước, chữ “phước hạnh – bless” đồng nghĩa với từ Hi-lạp “makarios” nghĩa là được phước (blessed), may mắn (fortunate), hạnh phúc (happy). Kinh Thánh Tân Ước ghi chép 10 lần chữ “có phước, được phước – blessed” và 122 lần trong Cựu Ước chan chứa ý niệm về niềm vui sướng của một người trải nghiệm khi nhận được sự cứu chuộc linh hồn và được làm con cái của Thiên Chúa.

Đức Chúa Trời ban phước cho con người chúng ta như: sự sống, sự giàu có, hoa quả, hay nhiều thứ khác trong đời sống. Sáng thế 1:22,28 ghi rằng “Đức Chúa Trời ban phước cho chúng và bảo: “Hãy sinh sản, tăng thêm; sinh đầy dẫy dưới biển. Các loài chim hãy gia tăng trên đất…Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản gia tăng đầy dẫy mặt đất và thống trị đất. Hãy quản trị loài cá biển, chim trời và tất cả các loài vật bò trên đất.” Ơn phước cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người là giải thoát con người ra khỏi điều gian ác và tội lỗi.

Thiên Chúa lá Đấng luôn quan phòng, chăm sóc và yêu thương con người. Ngài có năm ơn phước để ban cho con người chúng ta như:

1) Thể xác – (physical blessing) bao gồm sức khỏe, sự bảo vệ, và sức mạnh (health, protection, strength).
2) Tài vật – (material blessing) bao gồm việc làm, lợi tức, sự bảo an (work, income, security).
3) Tình cảm – (Emotional blessing) bao gồm niềm niềm vui, sự bình an, hi vọng (joy, peace, hope).
4) Tâm giao (Relational blessing) bao gồm tình yêu, hôn nhân, gia đình (love, marriage, friends).
5) Tâm linh (spiritual blessing) bao gồm sự cứu rỗi, đức tin, ân điển (salvation, faith, grace).

Người theo Chúa muốn nhận ơn phước của Thiên Chúa là những người cần phải:
• “Ở gần Đức Chúa Trời – be near God” (Thánh thi 73:28).
• “Ở trong nhà Ngài – dwell in your house” (Thánh thi 84:4).
• “người tin cậy nơi Ngài – the man who trust in you” (Thánh thi 84:12).
• “Phước cho người nào kính sợ Chúa – Blessed is the man who fears the Lord” (Thánh thi 112:1).
• “vâng lời phụng sự Ngài – they obey and serve him” (Gióp 36:11).
• “phước cho người Ngài rèn luyện – Blessed is the man you discipline, O Lord” (Thánh thi 94:12).
• “Người trung tín được nhiều phước lành – A faithful man will be richly blessed” (Châm ngôn 28:20).
• “Chúa lưu tâm đến chúng ta và sẽ chúc phước cho chúng ta – The Lord remembers us and will bless us” (Thánh thi 115:12).
Ơn phước của Thiên Chúa ban cho con người là phước hạnh về mọi phương diện của đời sống mà Kinh Thánh cho biết rằng “Chúa chúng ta, là Đấng đã ban đủ mọi phúc lành thiêng liêng trên trời cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giê-su.” (Ê-phê-sô 1:3b). Khi đặt lòng tin cậy vào Thiên Chúa, chúng ta không cần phải chạy tìm “phước – lôc – thọ” nữa, mà “…phúc lành và tình yêu thương sẽ theo tôi…” (Thánh thi 23:6b).
Năm Mới đến, mong ước quí vị đón nhận ơn phước của Thiên Chúa thay vì ơn phước của trần thế tạm bợ và bấp bênh này.

2. Lộc (Prosperity)
Lộc có nghĩa là giàu có và thịnh vượng. Theo Tự Điển Việt Nam, chữ “lộc” đồng nghĩa là việc tốt lành do Trời ban cho.
Người Việt chúng ta thường dùng những câu đối Tết liên quan “Phúc-Lộc-Thọ” như:

• Phúc Thọ phồn vinh/ Lộc tài phát đạt.
• Phúc Thọ vô biên/ Lộc tài vô tận.
• Đa tài, đa lộc, đa phú quý/ Đắc thời, đắc lộc, đắc nhân tâm.
• Phúc mãn đường niên tăng phú quý/ Đức lưu quang nhật tiến vinh hoa.
• Tân niên, tân phúc, tân phú quý/ tấn tài, tấn lộc, tấn bình an.
• Lộc biếc, mai vàng, Xuân hạnh phúc/ Đời vui, sống khỏe, Tết an khang.

Con người luôn mong ước một cuộc sống thành công, thịnh vượng, và sung túc. Lời hứa của Chúa cho con dân của Ngài đời sống sung mãn (Giăng 10:10b). Theo trang mạng Biblegateway.com, Kinh Thánh ghi chép khoảng 5467 lời hứa (promises) về những phương diện khác nhau.

Chúng ta có biết rằng Chúa không bao giờ để chúng ta thiếu thốn mà Ngài hằng luôn quan tâm mỗi chúng ta, “Và Đức Chúa Trời của tôi sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho anh chị em theo như sự giàu sang vinh quang của Ngài trong Chúa Cứu Thế Giê-su.” (Phi-líp 4:19).

Đấng tạo dựng nên con người và quản trị con người chính là Đấng có thể ban cho và cất đi. Kinh Thánh chép rằng “Đức Chúa Trời ban cho sự giàu có và tài sản” (Giáo huấn 5:19).
Việt Nam chúng ta thường nghe câu nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Vâng, “Lòng người có nhiều kế hoạch, Nhưng ý định của Chúa mới được thành tựu” (Châm ngôn 19:21). Thật vậy, người nào tin cậy và vâng theo mạng lệnh của Chúa, thì “mọi việc người làm đêù thạnh vượng – whatever he does prospers” (Thánh thi 1:3). Ngài cũng hứa ban ơn phước cho “Con cháu người sẽ cường thịnh… Của cải và giàu có ở trong nhà người – His children will be mighty in the land… Wealth and riches are in his house” (Thánh thi 112:2,3).

Người kính yêu Chúa và làm theo lời Ngài dạy bảo sẽ được nhận lãnh phúc lộc lâu bền. Kinh Thánh chép “Nguyện người công chính được hưng thịnh trong thời đại người…In his days the righteous will flourish” (Thánh thi 72:7). Và “Chúa thỏa mãn nhu cầu của những kẻ kính sợ Ngài – He fulfills the desires of those who fear him” (Thánh thi 145:19).

Phúc lộc của con người sẽ không bao giờ bền vững, không bao giờ bảo đảm; bởi vì Kinh Thánh cho biết rất rõ “Vì không ai biết được điều gì sẽ xảy ra, Nên không ai nói trước được ngày mai.” (Giáo huấn 8:7). “Loài người dù giàu sang cũng không còn mãi – But man, despite his riches, does not endure” (Thánh thi 49:12). Vị Vua Khôn ngoan nhất hoàn cầu khuyến cáo chúng ta một triết lý sống về tiền bạc không mang lại hạnh phúc cho chúng ta:

Người ham tiền bạc, bao nhiêu tiền bạc cũng không đủ, Người ham của cải, lợi nhuận mấy cũng chẳng vừa lòng. Đấy cũng là phù vân, hư ảo. 11 Của cải càng nhiều, Càng lắm người ăn. Người có của được lợi ích gì hơn, Ngoài niềm vui ngắm nhìn của cải? 12 Người làm công lao nhọc, dù ăn ít hay nhiều, Có được giấc ngủ ngon. Nhưng người giàu có dư dả Lại lo lắng ngủ không yên. (Giáo huấn 5:10-12).

Vì thế, con người cần trông cậy vào Chúa Trời là Đấng thương yêu và bảo vệ con người. “CHÚA phán: “Vì chính Ta biết rõ chương trình Ta hoạch định cho các ngươi. Ta có chương trình bình an thịnh vượng cho các ngươi, chứ không phải tai họa. Ta sẽ ban cho các ngươi một tương lai đầy hy vọng.” (Giê-rê-mi 29:11). Sự giàu sang của trần thế này chỉ là tạm thời và bất an, nhưng sự giàu có ở trong ân lành của Thiên Chúa luôn kiến tạo niềm vui tâm hồn, lòng thỏa mãn, sự bình an, và phúc lợi cho mọi người khác.

3. Thọ (Long Life)

Theo sự nghiên cứu về tuổi thọ của nhiều quốc gia trên thế giới, các Nhà Khoa Học cho biết rằng 5 quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới là Nhật Bản, với tuổi thọ trung bình là 83 tuổi, lâu nay người Nhật vẫn là một trong những dân tộc sống thọ nhất thế giới. Đảo Okinawa, vốn thường được gọi là ‘vùng đất của những người bất tử’. Những hòn đảo thuộc phía nam lãnh thổ Nhật Bản này có hơn 400 cụ già sống trên trăm tuổi. Bí quyết giúp người dân nơi đây sống thọ là chế độ ăn uống của họ, theo đó dùng rất nhiều đậu hũ và khoai lang cùng với một ít cá. Các sinh hoạt gắn bó với cộng đồng và hội đoàn hỗ tương khiến đời sống các cụ Nhật Bản vui hưởng tuổi già thanh thản và an lành.

Tây Ban Nha là quốc gia thứ nhì có tuổi thọ trung bình cao khoảng 82,8 tuổi. Người Tây Ban Nha sống thọ bởi vài bí quyết như dùng các ẩm thực Địa Trung Hải, vốn dùng nhiều dầu olive tốt cho tim mạch, rau củ và rượu, và nhất là nghỉ trưa (siesta) đã góp phần giúp cho người dân Tây Ban Nha có tuổi thọ trung bình cao.

Singapore là quốc gia thứ ba có tuổi thọ trung bình họ sống đến 83,1 tuổi. Singapore là nước có hệ thống chăm sóc y tế tân tiến nhất mở ra rộng rãi và điều được gọi là ‘hệ thống y tế thần kỳ’. Một trong những trọng tâm của hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Singapore là y tế dự phòng.

Thụy Sĩ là nước thứ tư có tỉ lệ đàn ông Thụy Sỹ sống thọ hơn ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới với tuổi thọ trung bình là 81. Là một trong những nước giàu nhất châu Âu, hệ thống y tế chất lượng cao, an toàn cá nhân mạnh, cảm giác khoẻ mạnh, và chế độ dinh dưỡng nhiều bơ và sữa cũng là một nhân tố hàng đầu giúp Thụy Sỹ là một trong những nước dẫn đầu về tuổi thọ.

Quốc gia thứ năm có tuổi thọ cao là Hàn Quốc. Theo những nghiên cứu mới đây thì Hàn Quốc sắp trở thành quốc gia đầu tiên đạt mức tuổi thọ 90 tuổi do thành quả của một nền kinh tế mạnh và đang tăng trưởng, dịch vụ y tế rộng rãi và huyết áp thấp hơn các nước phương Tây. Đất nước cũng có chế độ ẩm thực rất giàu thực phẩm lên men vốn được cho rằng sẽ giúp giảm lượng cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch và kiềm chế ung thư. Bí quyết sống thọ của người Hàn quốc là do đồ ăn giàu chất xơ và nhiều dinh dưỡng cũng như người dân Hàn Quốc cho rằng nền văn hóa coi trọng tính cộng đồng và các truyền thống hướng tới cộng đồng cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày ở đất nước này.

Theo Tự Điển Việt Nam do tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ biên soạn, chữ “thọ” có nghĩa là sống lâu, được nhiều tuổi. Người ta làm lễ chúc thọ hay lễ “hạ thọ” cho các cụ tuổi từ 61 đến 69 tuổi, lễ “trung thọ” cho các cụ từ 70 đến 79 tuổi, và lễ hưởng thọ hay thượng thọ cho các cụ từ 80 tuổi đến 100 tuổi.

Chữ “thọ” là ám chỉ cho những người có tuổi tác (tức là cao niên, sống lâu). Chúng ta thường nghe chữ “Mừng thọ” hay “Chúc thọ” do con cháu trong gia đình hoặc than tộc làm lễ mừng thọ cho các cụ. Trong xã hội truyền thống của người Việt, vào dịp đón xuân, gia đình hay gia tộc thường tổ chức khao thượng thọ hay đình làng tổ chức lễ lên lão mang tính xã hội.
Người Việt chúng ta rất tin vào Chúa Trời là Đấng
“Trời thêm tuổi mới năm thêm thọ Xuân khắp càn khôn phúc khắp nhà.”
Triết gia lỗi lạc và khôn ngoan khuyên bảo chúng ta điều thiết yếu cho đời sống tạm gởi nơi trần thế này là:
“Tốt nhất cho loài người là: ăn, uống, và vui thỏa trong công việc mình làm. Tôi nhận thấy đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời 25 Thật vậy, nếu Đức Chúa Trời không ban cho, ai có thể ăn uống, sống an vui trên đời? 26 Vì Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, tri thức, và niềm vui cho người nào đẹp lòng Ngài. Nhưng Ngài giao cho tội nhân công việc nhọc nhằn thu góp của cải để rồi ban lại cho người nào đẹp lòng Ngài. Đây cũng là một điều hư ảo, không thể hiểu nổi, như không ai điều khiển nổi chiều gió vậy.” (Giáo huấn 2:24-26)
Kinh Thánh chép Thiên Chúa là Đấng kéo dài hay cắt ngắn tuổi thọ của con người, vì thế Ngài nói: “Ta sẽ cho người thỏa dạ sống lâu và chỉ cho người thấy sự cứu rỗi – With long life will be I satisfy him and show him my salvation” (Thánh thi 91:16). Và “Ngài cho biết con đường sự sống – You have made known to me the path of life” (Thánh thi 16:11). “Ngài ban năng lực cho người kiệt lực; Ngài thêm sức cho kẻ thiếu sức.” (I-sa 40:29).
Điều răn thứ năm trong mười Điêù răn mà Thiên Chúa dạy rằng “Phải hiếu kính cha mẹ, để các ngươi có thể sống lâu trên đất mà Chúa, Đức Chúa Trời ban cho – Honor your father and your mother, so that you may live long in the land the Lord your God is giving you” (Xuất hành 20:12).
Sống lâu, sống thọ trên trần gian này chỉ là sự tạm thời mà Thánh Kinh cho biết cuộc sống con người được ví như hơi nước, mong manh, và ngắn ngủi. Ví thế, người khôn ngoan cầu Chúa “xin dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, để chúng tôi được long khôn ngoan – Teach us to number our days aright, that we may gain a heart of wisdom” (Thánh thi 90:12). Sống thọ trên trần thế này như người lữ hành, “người xa lạ và lữ khách trên mặt đất” (Hê-bơ-rơ 11:13b), và hãy mong ước một quê hương tốt hơn ở trên trời (Hê-bơ-rơ 11:16). “Vì Ngài ban cho người phước lành vĩnh cửu” (Thánh thi 21:6).
Nguyện xin Thiên Chúa giúp mỗi chúng ta chúc nhau “Phước – Lộc – Thọ” trong ân điển và tình yêu thương của Ngài, hầu chúng ta có thể sống tận hưởng đầy “đủ mọi phúc lành thiêng liêng trên trời” (Ê-phê-sô 1:3b) trong khi sống trên thế gian này, và được Ngài ban thưởng sự sống đời đời nơi Thiên Đàng phước hạnh.

Mục Sư Ngô Việt Tân


Comments

Chúc Nhau: Phước – Lộc – Thọ — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *