HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Đứng Trước Mặt Chúa Jêsus” – 1Côr. 3:10-17
BH-“Đứng trước mặt Chúa Jêsus”
(Loạt Bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)
I Côrinhtô 3.10-17
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Trong bài nghiên cứu tuần rồi, chúng ta đã nhắc tới lẽ đạo nói tới phần thưởng trong câu 8, ở đây chép: “Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau”. Điều nầy mô tả cả sự hiệp một và tính cách cá nhân trong sự thờ phượng Cơ đốc. Trong sự hầu việc Chúa, chúng ta là một. Tất cả những tôi tớ thật của Chúa đều ở trong cùng một đội, với cùng một mục tiêu làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, dù chúng ta phục vụ như một đội, chúng ta được ban thưởng theo từng cá nhân: “ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm”.
Tôi là một huấn luyện viên tình nguyện môn bóng rổ cho trường nữ trung học Cơ đốc của con gái tôi. Một trong những bài học chính tôi tìm cách rèn luyện nơi các vận động viên trẻ tuổi nầy, ấy là bóng rổ cấp thiết là một thể thao toàn đội. Mỗi cầu thủ cần phải ý thức về chỗ đứng của bạn đồng đội mình và họ đang đóng vai trò gì!?! Họ không thể nhìn theo quả bóng hoài. Họ phải nhướng mắt lên tìm kiếm bạn đồng đội của họ. Mặc dầu bóng rổ là môn thể theo toàn đội, ở cuối mùa giải chúng ta sẽ trao những phần thưởng cho từng cá nhân, cầu thủ nào biết cải thiện, chơi hay nhất và cứ thế. Ở cuối mỗi bài tập thực hành, tôi yêu cầu các nữ sinh nói cho tôi biết ai đáng nhận “phần thưởng cầu thủ xốc vác nhất” cho người nào đã thể hiện trong suốt buổi tập. Cũng một thể ấy, chúng ta phục vụ Đấng Christ trong vai trò của một đội lớn, Hội Thánh theo cấp độ thế giới. Tuy nhiên, đến cuối cùng, chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa Jêsus để nhận những phần thưởng của từng cá nhân.
Kinh Thánh gọi chỗ đứng của chúng ta trước mặt Chúa là: ngai phán xét của Đấng Christ. Chỗ đấy là chỗ răn đe, có phải không? Phán xét là một tư tưởng đem lại sự sợ hãi. Thực vậy, có nhiều sự phán xét khác nhau được mô tả trong Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta hãy minh định cho rõ ràng. Ngai phán xét của Đấng Christ là một nơi phán xét dành cho hàng tín đồ. Đây không phải là sự phán xét để xem coi ai được ở trên thiên đàng và ai phải đi địa ngục đâu. Ngai phán xét của Đấng Christ là nơi phán xét những việc làm của chúng ta và chúng ta không được vào thiên đàng như một kết quả của những việc làm, chúng ta cũng không ở lại trong thiên đàng như một kết quả của những việc làm. Thay vì thế, tại ngai phán xét của Đấng Christ những việc làm của chúng ta sẽ bị xét đoán và chúng ta một là nhận lãnh các phần thưởng hay phải gánh chịu việc mất mát phần thưởng.
Có ba phân đoạn Kinh Thánh chính trong Tân Ước mô tả ngai phán xét của Đấng Christ. Phân đoạn của chúng ta ở I Côrinhtô 3 là một trong các phân đoạn ấy. Hy vọng rằng bạn nhớ nội dung từ bài nghiên cứu trong tuần qua. Hội Thánh Côrinhtô chưa trưởng thành về mặt thuộc linh vì hãy còn là xác thịt. Điều nầy được xác định bởi sự thực đã cóghen ghét, tranh cạnh và phân rẽ giữa vòng họ. Họ đã tự sắp hàng theo những bè phái quanh các vị giáo sư dạy Kinh Thánh. Phaolô đã giải thích cho họ biết tất cả các vị Mục sư và giáo sư chẳng khác gì hơn những người phục vụ”, hàng tôi tớ hay“bồi bàn”, họ đem Lời Đức Chúa Trời đến cho họ. Tất cả họ đều là một. Họ là chi thể của cùng một đội. Vì vậy, chẳng cần thiết cho sự phân rẽ ở quanh họ.
Tuy nhiên mỗi người trong số họ, thực vậy mỗi tín đồ sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. Mỗi người sẽnhận phần thưởng của riêng mình tại ngai phán xét của Đấng Christ. Vì thế, chúng ta sẽ xem xét hai tiểu đoạn Kinh Thánh khác dạy về sự kiện nầy trước, rồi kế đó trở lại với phân đoạn chính ở I Côrinhtô.
I. Lời giới thiệu sự kiện (Rôma 14.10-12).
Ở Rôma 14.10-12, Phaolô hỏi: “Nhưng ngươi, sao xét đoán anh em mình? Còn ngươi, sao khinh dể anh em mình? Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời. Bởi có chép rằng: Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời”.
Nội dung của Rôma 14 nói tới sự tự do Cơ đốc và xét đoán nhau vì những sự lựa chọn riêng. Mục đích của vị Sứ đồ, ấy là Đấng Christ là quan án của chúng ta. Ông nhắc cho người Rôma nhớ rằng: “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời”.
Ngai phán xét nầy là như thế nào đây? Theo xã hội của chúng ta, chúng ta có trong trí một chiếc ghế dài, một áo thùng rộng màu đen, và một sự nghiêm nghị xét đoán. Thực vậy, phán xét không phải là đề tài phổ thông giữa vòng những Cơ đốc nhân hiện đại. Hầu hết các Hội Thánh đều muốn nghe loại bài giảng nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời hơn là nói tới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự phán xét là một lẽ đạo nổi bật nhất của Kinh Thánh. Từ ngữ được sử dụng khoảng 72 lần chỉ trong Tân Ước.
Trong khi Kinh Thánh mô tả vài sự phán xét khác nhau, có hai sự phán xét chính: ngai phán xét của Đấng Christngai trắng phán xét. Ngai phán xét của Đấng Christ là dành cho hạng tín đồ. Còn ngai trắng phán xét là dành cho những người không tin Chúa. Nhiều trang web có trang FAQ, một trang dành cho nêu ra những thắc mắc hay có (Frequently Asked Questions). Cho phép tôi cung ứng cho bạn một danh sách FAQ về ngai phán xét của Đấng Christ. Ngai ấy dành cho ai vậy? – Như tôi mới vừa nói, ngai phán xét nầy chỉ dành cho hạng tín đồ. Khi nào thì sự phán xét ấy xảy ra? – Ở một thời điểm sau sự cất lên và trước khi Đấng Christ tái lâm trên đất trong Sự Đến Lần Thứ Hai của Ngài để dựng lên Vương Quốc Thiên Hi Niên. Vương Quốc ấy ở đâu chứ? – Ở trong sự hiện diện của Chúa.
Vì vậy, không nên có sự hiểu lầm, chúng ta phải thắng hơn ba quan niệm sai lầm thường hay có. Thứ nhứt, đấy KHÔNG PHẢI là thời điểm dành cho tội lỗi đi diễu hành đâu. Khi tôi còn là con trẻ, tôi hay đến một cửa hàng sách báo Cơ đốc cùng với mẹ tôi. Họ có một kệ sách gồm những chứng đạo đơn tin lành do Jack Chick soạn rất giống với loại sách hài hước cở nhỏ vậy. Tôi chọn lấy chúng cả thảy. Trong một số chứng đạo đơn nầy, tác giả phác hoạ ra một bối cảnh thật rộng lớn trên trời, giống như một nhà hát trong đó một tội lỗi của chúng ta bị tỏ ra cho mọi người xem thấy. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng không những Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của người tin Chúa, Ngài quên hết thảy. Thi thiên 103.12 chép: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”. Michê 7.19 chép: “Ngài sẽ còn thương xót chúng tôi, giập sự gian ác chúng tôi dưới chân Ngài; và ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển”. Đấng Christ đã trả trọn cái giá dành cho tội lỗi của chúng ta. Ngài là sự làm lành cho mọi tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Trời lấy làm thoả mãn với sự hy sinh của Ngài. Chúng ta sẽ không chịu phán xét đối với những tội lỗi mà Đấng Christ đã trả giá cho rồi.
Thứ hai, đây KHÔNG PHẢI sự phán xét để xem coi chúng ta có được ở trong thiên đàng hay không!?! Phương thức duy nhứt cho bất kỳ ai được vào ở trong thiên đàng là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta không và không thể kiếm được thiên đàng. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 6.37: “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu”. Khi Phaolô mô tả sự cất lên của Hội Thánh trong I Têsalônica 4.17, ông nói: “Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn”.
Thứ ba, đây là thời điểm DUY NHỨT để nhận lãnh hay mất đi phần thưởng. Như Phaolô nói ở đây trong Rôma 14, chúng ta sẽ quì gối xuống và xưng ra bằng môi miệng của mình. Kế đó, mỗi người sẽ phải khai trình việc mình với Đức Chúa Trời”.
II. Lời giải thích về sự kiện (II Côrinhtô 5.10).
Tiểu đoạn Kinh Thánh thứ hai xử lý với ngai phán xét của Đấng Christ là II Côrinhtô 5.10: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt”. Chúng ta hãy phân tích câu nầy rồi tiếp thu những gì chúng ta có thể tiếp thu từ câu Kinh Thánh đó.
A. TRƯỚC TIÊN, HÃY CHÚ Ý TÍNH CHẮC CHẮN CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Phaolô nói: Chúng ta phải…. Điều nầy cho thấy rằng chẳng có ý kiến hay sự chọn lựa nào trong vấn đề nầy hết. Chúng ta có thể trình ra nhiều việc ở trên đất. Bạn có thể nhận được một sự miễn tố từ bồi thẩm đoàn hoặc biện bác về một vé phạt giao thông hay nhiệm vụ làm bài tập ở nhà đã được phân công cho. Tuy nhiên, không có một tín đồ nào sẽ được miễn trừ không đứng trước mặt Chúa Jêsus. Đây là một sự chỉ định mà hết thảy chúng ta đều phải tuân giữ.
B. THỨ HAI, HÃY CHÚ Ý PHẠM VI CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Sự phán xét nầy rất bao quát. Phaolô nói: Chúng ta THẢY… Hết thảy các tín đồ trong mọi thời đại đều sẽ hiện hữu ở đó, từ những kẻ đã chết từ thuở sơ sinh đến những kẻ đã sống trên 100 tuổi, người nổi tiếng và kẻ dốt nát, đàn ông, đàn bà, nam hay nữ. Mọi người được ở trong thiên đàng đều sẽ đứng trước mặt Chúa Jêsus. Tuy nhiên, sự phán xét nầy cũng rất cá nhân. Mỗi người sẽ đứng một mình trước mặt Đấng Christ. Không một ai đứng ở chỗ của người khác. Những người chồng không thể đứng thay cho những người vợ được. Bố mẹ không thể thay cho con cái. Bạn sẽ không có luật sư hay trạng sư biện hộ nào cả. Bạn sẽ đích thân đứng trước mặt Ngài. Hêbơrơ 4.13 chép: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”.
C. THứ BA, HÃY CHÚ Ý ĐỊA ĐIỂM CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Cụm từ ngai phán xét ra từ chữ Hy lạp bema. Bema là nơi các trọng tài của những cuộc thi đấu thế vận sẽ ngồi ở đó. Bạn có thể nhớ lại từ sứ điệp giới thiệu loạt bài nầy nói rằng thành Côrinhtô được đặt trên một eo đất, một vùng đất hẹp giống như phần cổ đứng giữa hai vùng biển. Thành phố tổ chức những trận thi đấu của dân cư tại nơi ấy giống như các trận thi đấu Olympic vậy. Vì thế các cư dân của thành phố Côrinhtô ngay lập tức hiểu rõ bema có ý nghĩa như thế nào rồi.
Bema hay ngai phán xét là một mặt bằng được nâng cao lên ngay giữa đường chạy. Nó phục vụ cho hai mục đích. Thứ nhứt, từ một địa thế cao, vị trọng tài có thể nhìn thấy mọi sự . Không một ai có thể qua mặt họ được. Không một ai có thể cắt góc. Thứ hai, bema cũng là một nơi để phát thưởng nữa. Ở cuối cuộc đua, vận động viên thắng cuộc tiến đến gần ngai phán xét để nhận lãnh phần thưởng của mình, thường là một vòng hoa.
D. THỨ TƯ, HÃY CHÚ Ý QUAN ÁN CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Phaolô nói đây là:ngai phán xét của Đấng Christ. Tôi rất vui sướng vì đây không phải là ngai phán xét của vợ con tôi hay của hội chúng hoặc của người lân cận của tôi. Chúng ta sẽ đứng trước mặt một vị quan án nhơn đức. Không một ai trong chúng ta sẽ tạo được những vị quan án nhơn đức. Chúng ta sẽ để cho bạn bè chúng ta qua đi rồi gán sự hiềm khích lên những kẻ mà chúng ta không ưa thích. Chúa Jêsus không làm như vậy đâu. Ngài rất vô tư. Ngài biết rõ mọi lòng của chúng ta. Ngài biết rõ mọi động lực của chúng ta. Ngài là vị quan án trọn vẹn.
E. THỨ NĂM, HÃY CHÚ Ý MỤC ĐÍCH CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Phaolô nói: mỗi người sẽ nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt”. Mỗi người sẽ nhận lãnh phần thưởng về sự phục vụ Đấng Christ đã làm ra trong xác thịt hay đã làm ra trong suốt cuộc sống của chúng ta ở đây trên đất.
F. THỨ SÁU, HÃY CHÚ Ý CƠ SỞ CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Phaolô nói cho chúng ta biết mỗi tín đồ sẽ được ban thưởng “tuỳ theo điều thiện hay điều ác mình đã làm”. Mọi sự chúng ta đã làm ở trên đất sẽ thích ứng với một trong hai phạm trù. Một là thiện hay là ác. Chẳng có khu vực nào màu xám cả. Mọi việc làm của chúng ta một là có ích hay là có hại, một là xứng đáng hay là bất xứng, một là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hay vì sự vinh quang của chúng ta.
Sự phán xét nầy kể cả các giới hạn đã nêu. Nó sẽ bao trùm hết mọi sự trong cuộc sống, chớ không phải chỉ có sự phục vụ của chúng ta trong Hội Thánh đâu. Chúng ta sẽ bị xét đoán chúng ta đã làm phận sự của mình như thế nào, chúng ta xử sự với gia đình của mình ra sao, chúng ta nắm giữ tài chính của mình như thế nào, chúng ta giúp đỡ cho tha nhân ra sao!?! Cơ sở cho mọi sự nầy là chúng ta có thực hiện những việc nầy theo Thánh Linh hay theo xác thịt!?! Giờ đây với cơ sở hiểu biết ấy từ hai phân đoạn Kinh Thánh khác nói tới ngai phán xét của Đấng Christ, chúng ta hãy quay trở lại với tiểu đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta ở I Côrinhtô 3.10-17.
III. Đánh giá sự kiện (I Côrinhtô 3.10-17).
A. NỘI DUNG (các câu 1-9).
Một lần nữa, Hội Thánh Côrinhtô đã phân rẽ quanh các vị Mục sư và giáo sư dạy Kinh Thánh. Điều nầy đã minh chứng tình trạng chưa trưởng thành của họ về mặt thuộc linh, rằng họ hãy còn là xác thịt. Phaolô hỏi trong câu 4: “Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao?” Ông nhắc cho họ nhớ rằng tất cả những vị giáo sư chẳng là gì hết, chỉ là những người phục vụ” (diakanoi) đấy thôi, những gã bồi bạn đem Lời của Đức Chúa Trời đến cho dân sự và không đáng được tôn vinh đâu.
Ông sử dụng ẩn dụ về sự trồng tỉa mô tả Hội Thánh là ruộng của Đức Chúa Trời. Ông đã trồng và Abôlô đến sau và đã tưới, còn Đức Chúa Trời làm cho Hội Thánh lớn lên. Mỗi người trong số họ, cả Phaolô, Abôlô cùng các cấp lãnh đạo khác đều là một trong công việc của họ, song mỗi ngườisẽ nhận lãnh phần thưởng tùy theo việc họ làm. Điều nầy dẫn tới đề tài phần thưởng tại ngai phán xét của Đấng Christ.
B. PHẦN LOẠI SUY (câu 10).
Ở câu 9, Phaolô chuyển sang phần loại suy thứ hai. Không những Hội Thánh là ruộng của Đức Chúa Trời mà Hội Thánh còn là nhà của Đức Chúa Trời nữa. Với minh hoạ ấy trong trí, ông nói ở câu 10: “Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó”. Cụm từ “tay thợ khéo” ra từ chữ architekton từ đó chúng ta mới có chữ “architect” (kiến trúc). Tuy nhiên, chữ gốc phác hoạ ra những gì chúng ta sẽ gọi là thầu khoán ngày nay, là người vừa thiết kế vừa xây dựng. Tay thợ khéo mô tả rõ công việc.
Khi Phaolô đến tại thành Côrinhtô, ông tiến đến chỗ xây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở đây. Ông nói: Ta đã đặt nền. Ông đã rao giảng Tin lành và nhiều người đã được cứu. Trong 18 tháng trời ông đã lao động để đặt nền đức tin nơi họ. Kế đó, ông nói: mà có kẻ khác cất lên trên. Abôlô đã đến và dạy dỗ cho họ thêm. Dường như là Phierơ đã đến và dạy dỗ cho họ thêm. Mỗi người đang xây dựng trên các công việc của những kẻ đã đến trước họ. Tiếp đến, Phaolô đưa ra một lời cảnh cáo: “nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó”. Chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa Jêsus để trình sổ về phương thức chúng ta xây dựng Hội Thánh.
C. CÁI NỀN (câu 11).
Phaolô nói trong câu 11: “Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ”. Chúng ta cần phải cẩn thận về cách chúng ta xây dựng vì Chúa Jêsus là cái nền. Chúng ta không muốn tầm thường hoá Đấng Christ. Chất lượng của toà nhà sẽ phản ảnh chất lượng của cái nền.
Thêm nữa, Chúa Jêsus là nền tảng duy nhứt sẽ đứng chịu giông bão của cuộc sống. Ông nói trong Mathiơ 7.24-27: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều”. Chúa Jêsus là nền tảng vững chắc duy nhứt mà chúng ta phải xây dựng đời sống mình ở trên Ngài.
D. CẤU TRÚC (câu 12).
Ở câu 10, Phaolô đã cảnh báo: “nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó”. Điều nầy áp dụng trực tiếp cho quí Mục sư cùng các cấp lãnh đạo Hội Thánh, nhưng theo một ý nghĩa điều nầy áp dụng cho hết thảy chúng ta. Chúng ta đang xây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Giờ đây Chúa Jêsus phán với Phierơ trong Mathiơ 16.18, “…ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó”. Tuy nhiên, Ngài đã chọn sử dụng những người nào giúp Ngài xây dựng. Vì vậy, hết thảy chúng ta đều là chi thể trong quá trình khi Chúa Jêsus đang xây dựng thân thể đời đời của Ngài, là Hội Thánh. Vậy, chúng ta sẽ xây dựng như thế nào? Chúng ta sẽ sử dụng loại vật liệu nào? Phaolô nhắc tới một cấu trúc vật chất trong câu 12, “Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy,…” Một trong số các vật liệu nầy đá quí. Chúng không bị hư nát. Tôi dám chắc Phaolô đã có trong trí những toà nhà vĩ đại của thế kỷ đầu tiên hoặc có lẽ đền thờ nguy nga tại thành Jerusalem. Đá quí có thể đề cập tới những thứ ngọc quí song khi đề cập tới toà nhà, chúng có thể nói tới loại đá đắt tiền. Phần nầy trên thế gian mới đây đã có người ở. Những toà nhà cũ nhất trong thành phố của chúng ta chí ít là có cả trăm tuổi rồi.
Tuy nhiên, nếu bạn qua châu Âu, bạn sẽ tham quan những toà nhà có tới hàng trăm và nhiều trăm năm tuổi. Phần lớn những toà nhà ấy đều được dựng lên bằng đá. Ở Nga, tôi đã đi vòng quanh những toà nhà được dựng bằng đá có lát vàng nữa. Đấy là những gì tôi hình dung được khi tôi đọc câu nầy. Một số vật liệu thì TẠM THỜI. Gỗ, cỏ khô, rơm rạ không được lâu bền. Ngay cả loại gỗ cứng nhất chắc chắn sẽ bị hư hoại đi. Cỏ khôrơm rạ đã được sử dụng ở nhiều phần khác nhau trên thế giới để lợp nhà nhưng chúng cần phải được thay thế liên tục. Chúng ta xây nhà bằng vật liệu nào? Bạn đang xây dựng đời sống của mình với vật liệu nào vậy? Ưu tiên một của bạn là gì thế? Bạn để thì giờ ra suy nghĩ và làm theo điều gì? Nó có vĩnh cửu không? Nó có đời đời không? Nó có giống với vàng, bạc, bửu thạch hay giống với gỗ, cỏ khô, rơm rạ?”
E. THẨM TRA (câu 13).
Hãy xem kỹ câu 13: “thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra”. Mỗi toà nhà cần phải được thẩm tra trước khi nó được đưa vào sử dụng. Nó cần phải trải qua những thử nghiệm của nhân viên thẩm tra. Khi cần phải thẩm tra đời sống của chúng ta, Chúa Jêsus là nhân viên thẩm tra. Chất lượng công việc của mỗi tín đồ sẽ được thử nghiệm và công việc của mỗi người sẽ tỏ ra”.
Phaolô nói: ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó. Ngày đó là ngày nào vậy? Ngày của Đức Giêhôva. Ngày mà chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa Jêsus tại bema, ngai phán xét của Đấng Christ. Trong ngày ấy, công việc của từng tín đồ sẽ trình ra trong lửa, nghĩa là “công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra”. Nói cách khác, Chúa Jêsus sẽ thẩm tra mọi công việc của bạn và mọi việc làm của tôi qua ngọn lửa phán xét để xem coi công việc nào còn lại và công việc nào bị thiêu đốt đi. Mỗi lúc tôi đọc câu nầy, tôi có một ký ức rất sắc bén hiện ra trong trí. Khi tôi được 10 hay 11 tuổi, ngôi nhà của bà nội tôi bị cháy đến tận nền. Cùng với nó, lịch sử gia đình cũng bị cháy tiêu. Tôi nhớ cùng đi với cha tôi đến xem lại qua bụi tro, để xem coi có gì còn lại sau ngọn lửa. Chúng tôi tìm được một cái hộp cũ rất cứng chứa một số giấy tờ đã bị tiêu hủy thành tro do hơi nóng. Tuy nhiên, trong cái hộp là một số đồng tiền vàng bị chảy ra, có lẽ là những đồng tiền hoặc có lẽ là một chiếc nhẫn đã bị chảy ra trong ngọn lửa. Giấy tờ bị cháy tiêu hết, nhưng vàng thì còn lại, thậm chí ở một hình thái khác qua ngọn lửa. Điều ấy cung ứng cho tôi một hình ảnh chắc chắn về ngai phán xét của Đấng Christ. Mọi sự sẽ bị thử nghiệm và chỉ những gì thanh sạch sẽ còn lại, mọi thứ khác đều sẽ bị cháy tiêu hết.
F. PHẦN THƯỞNG (các câu 14-15).
Hãy đọc các câu 14-15 một lần nữa: “Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy”. Bất cứ thứ chi còn lại qua ngọn lửa sẽ được ban thưởng. Bất cứ thứ chi đã cháy tiêu đi sẽ bị quên lãng cho đến đời đời.
Tên của tôi bắt đầu với mẫu tự “W”. Mẫu tự thứ hai là “y”. Bạn có thể hình dung ra tôi luôn luôn đứng ở dòng cuối của những cái tên khi đọc theo thứ tự. Tuy nhiên, ở bema nhiều việc sẽ khác đi. Thật khó tưởng tượng điều ấy sẽ giống với cái gì đây! Tôi từng nghe Mục sư Chuck Swindoll mô tả bối cảnh khi chiếc xe tải chở rác khỗng lồ đổ ra toàn bộ mọi công việc trong đời sống của bạn đứng ở trước mặt Chúa Jêsus. Ngài nhìn xem từng việc một và bỏ từng mãnh, từng ngày của đời sống bạn vào cái lò thiêu rác. Mọi thứ vừa cháy tiêu hay vừa được ban thưởng cho. Về bản báo cáo nầy một là bạn nhận lãnh chữ A hay chữ F. Không có chỗ trung gian đâu. Một là tạm thời hoặc là đời đời, một là được thưởng hoặc bị hủy diệt. Những gì bạn đã làm từ một tấm lòng chân thật, với tình yêu thương dành cho tha nhân và để làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời sẽ còn lại với bạn cho đến đời đời. Những gì bạn đã làm từ chỗ ích kỷ, làm đẹp cho xác thịt bạn sẽ bị cháy tiêu đi.
Từng phần trong đời sống của bạn sẽ trải qua ngọn lửa thiên thượng, không những sự phục vụ của bạn trong Hội Thánh mà cả trong gia đình, nơi sở làm, nơi giải trí; mọi sự sẽ bị thử nghiệm với lửa. Một điểm khác nữa, ấy là Chúa Jêsus không nhìn xem bạn đã làm nhiều đến cở nào. Ngài đang nhìn xem lý do tại sao bạn đã làm những điều bạn đã làm. Động lực của bạn là gì thế?
Tôi thích câu nói nầy ở câu 14: “Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình”. Chữ nói tới phần thưởng cũng có ý nói “tiền công” hay “mức thưởng”. Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho sự phục vụ trung tín. Thực vậy, Kinh Thánh nói tới 5 mão triều thiên với đó Đức Chúa Trời ban thưởng cho các tôi tớ của Ngài.
I Côrinhtô 9.25 chép: “Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát”. Mão triều thiên hay hư nát được dành cho kẻ nào chịu xác thịt họ điều khiển. I Têsalônica 2.19 chép: “Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chằng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?” Mão triều thiên vui mừng hay sự hoan hỉ được dành cho người nào cặm cụi cho chia sẻ Tin lành và đưa dẫn nhiều người nam người nữ đến với Đấng Christ. II Timôthê 4.8 chép: “Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài”. Mão triều thiên công bình được dành cho những thánh đồ nào đang khát khao sự tái lâm của Chúa. Bạn có tỉnh thức mỗi ngày trông đợi Đấng Christ, mong mỏi Ngài tái lâm không? Giacơ 1.12 chép: “Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài”. Mão triều thiên sự sống là mão triều của người chiến thắng, dành cho những ai gánh chịu chức vụ nặng nhọc và bền đỗ dưới cơn thử thách. I Phierơ 5.4 chép: “Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo”. Mão triều thiên vinh hiển nầy dành cho người chăn bầy trung tín, là người đã làm phu phỉ ơn Chúa đã kêu gọi họ.
Câu 15 cung ứng cho chúng ta mặt kia của đồng tiền. Câu ấy chép: “Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy”. Một lần nữa, ngai phán xét của Đấng Christ không nói về ơn cứu rỗi. Chỉ những người được cứu mới có mặt ở đó. Tuy nhiên, sẽ có một vài người, có lẽ nhiều người toàn bộ đời sống của họ sẽ bị cháy thiêu mất trước mặt của họ và chẳng có gì còn lại để được ban thưởng. Một câu rất xa xưa nói: Chỉ có một đời sống, không bao lâu nữa sẽ qua đi, chỉ những gì đã được làm cho Đấng Christ mới còn lại mà thôi”.
G. PHẦN ỨNG DỤNG (các câu 16-17).
Bây giờ hãy nhìn vào các câu 16-17: “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ”.
Bạn là đền thờ của Đức Chúa TrờiThánh Linh Đức Chúa Trời ở trong bạn. Kết quả là, Hội Thánh được nhắc tới là đền thờ của Đức Chúa TrờiThánh Linh của Đức Chúa Trời đang ngự trong hết thảy chúng ta. Vì Hội Thánh là đền thờ của Đức Chúa Trời Hội Thánh phải Thánh và Đức Chúa Trời canh giữ đền thờ của Ngài chống lại bất cứ điều chi hay bất kỳ ai muốn phá hủy. Người nào dám bước vào Nơi Chí Thánh trong thời Cựu Ước sẽ dãy chết giống như một hòn đá rơi xuống đất vậy. Đức Chúa Trời ghen tuông vì Hội Thánh của Ngài. Hội Thánh là cô dâu, là dân sự của Ngài. Vậy nên, chúng ta phải đắc thắng bất cứ tình trạng xác thịt nào sẽ gây tác hại cho điều chi là quí báu nhất đối với Ngài.
Cho phép tôi kết thúc với bài thơ rất xưa nầy:
Khi tôi đứng tại ngai phán xét của Đấng Christ
Và Ngài tỏ ra cho tôi thấy chương trình của Ngài.
Chương trình của đời sống tôi vốn dĩ là vậy
Và tôi thấy, Ngài vốn có đường lối của Ngài
Một khi tôi không đem ý chí mình mà đầu phục –
Sẽ có đau buồn trong ánh mắt của Cứu Chúa tôi,
Dù đau buồn, Ngài vẫn cứ yêu thương tôi?
Ngài đã làm cho tôi được giàu có,
Và tôi nghèo khổ khi đứng tại đó,
Chẳng còn chi hết, trừ ra ân điển của Ngài,
Trong khi ký ức trải đi như một thứ bị săn đuổi
Tới những con đường mà tôi theo chẳng kịp.
Khi ấy, tấm lòng quạnh quẽ của tôi liền tan vỡ
Với hai hàng nước mắt mà tôi không thể lau được;
Tôi muốn bụm tay lại ôm lấy mặt,
Tôi muốn cúi cái đầu không có mão triều xuống…
Chúa của những năm tháng đã lìa khỏi tôi,
Tôi đã phí mất chúng, xin nhận lấy tôi,
xin làm tan vỡ tôi, xin nắn đúc tôi
Theo khuôn mẫu mà Ngài đã dự định.

Comments

BH-“Đứng Trước Mặt Chúa Jêsus” – 1Côr. 3:10-17 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *