HomeSÁCH BỒI LINH-TÁC GIẢ MỸSách: "LƯỢC KHẢO CÁC BIẾN CỐ TẬN THẾ"Sách: “LƯỢT KHẢO CÁC BIẾN CỐ TẬN THẾ” – Chương 3

Chương 3: “Hội Thánh Được Cất Lên”

(Sách: “LƯỢT KHẢO CÁC BIẾN CỐ TẬN THẾ”)

Biến cố đầu tiên trong hàng loạt các biến cố thế mạt là việc Hội thánh được cất lên không trung gặp Chúa. Đây là biến cố mở màn cho thời kỳ chung kết. Không ai biết thời điểm của Sự Cất Lên nhưng một khi sự kiện này xảy ra những biến cố khác sẽ tiếp diễn theo một trình tự có thể tiên đoán được. Điều này có nghĩa là sự cất lên là một biến cố đột ngột mà Hội thánh trông chờ. Chúng ta không hề biết biến cố nào sẽ phải đi trước sự cất lên, và như đã trình bày, có nhiều dấu chỉ cho biết sự cất lên sẽ xảy ra trong một tương lai không xa.

A.Bằng Cớ Trong Kinh Thánh.

Sự kiện Hội Thánh được cất lên được đề cập nhiều lần trong Kinh thánh chỉ thị tầm quan trọng của biến cố này. Chúng ta cần xem lại những phân đọan Kinh Thánh chính trước khi có những nhận định đầy đủ về biến cố này. Mở đầu bài diễn giảng cuối cho các môn đệ trước khi chịu thương khó, Chúa Giê-xu đã đoan chắc: “Khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chổ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Gi 14:3). Bối cảnh của những lời tuyên bố này là khi Chúa vừa thiết lập lễ tiệc thánh, sau bữa tiệc với các môn đồ trên phòng cao. Chúa long trọng nói với họ rằng Ngài sắp ra đi để chuẩn bị cho họ một nơi tại nhà Cha, tức là thiên đàng, rồi sau đó Ngài sẽ trở lại đón họ đi với Ngài đến nơi đó, để họ có thể ở cùng Chúa luôn luôn. Phân đoạn kinh Thánh này tiết lộ cho chúng ta biết nhiều điều liên quan đến sự Cất Lên.

Trước hết, đây là một biến cố đã được hoạch định; ngay vào thời điểm Chúa ra đi, Ngài đã dự trù trở lại đón rước các môn đồ. Thứ hai, đây là biến cố chỉ liên quan đến Chúa Giê-xu và những người theo Chúa mà thôi, vì đây là những điều Chúa nói riêng cho các môn đệ. Thứ ba, sự kiện Chúa trở lại đón các môn đệ là sự kiện có tính cách cá nhân. Chính Ngài sẽ trở lại mà không sai thiên sứ đi đón, hoặc cũng không ra lệnh chung cho Hội Thánh đến với Ngài. Thứ tư, sự cất lên là sự kiện Hội Thánh được đem lên khỏi thế gian đến ở với Chúa tại nơi  Ngài đã chuẩn bị, nghĩa là Hội Thánh sẽ không còn ở lại trần gian này nữa, dù lúc đó trần gian có lẽ đã ở trong một tình trạng được cải tiến khá hơn đôi phần.

Một câu Kinh Thánh quan trọng khác nói về sự cất lên là trong ICo 1:7 khi thánh Phao-lô bảo tín hữu Cô-rinh-tô “đang trông đợi kỳ Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta hiện đến”. Ông  đã dùng ý tưởng này làm căn bản thúc đẩy tín hữu Cô-rinh-tô tích cực sống và phục vụ Chúa. Lý do cho cuộc sống tận hiến là lòng trông mong ngày Chúa đến đón rước Hội Thánh Ngài.

Trong thư Phi 3:20 Phao-lô viết về sự cất lên là thời điểm Cơ-đốc nhân sẽ được đem lên đến một nơi họ được làm công dân thật sự, “Nhưng chúng ta là công dân trên trời, ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi cứu Chúa mình là Chúa Cứu thế Giê-xu.” Ý tưởng cơ bản là, vì quê hương thật, quê hương vĩnh cửu của Cơ-đốc nhân là thiên đàng chứ không phải trần gian đau thương đầy xáo trộn này cho nên người tin Chúa sẽ hướng lòng về đó. Vì sự cất lên là thời điểm họ được đem đi cho nên biến cố này trở thành vô cùng quan trọng.

Đề cập đến sự cất lên, tác giả thư Hy-bá nêu ra sự tương phản về mục đích lần đến thứ hai với lần đến thứ nhất của Chúa Cứu Thế Giê-xu như sau: “Chúa Cứu Thế đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài” (Heb. 9:28).  Điều tác giả thư Hy-bá khẳng định là sự kiện Chúa đến lần đầu khi Ngài giáng sinh, mang lấy thân xác con người, sống cuộc đời thầm lặng khiêm nhu, đến cuối cùng chịu chết, bị đóng đinh lên thập tự giá, dâng chính Ngài làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại, sau đó Ngài phục sinh và thăng thiên. Lần trở lại thứ hai, Chúa không làm công tác chuộc tội nữa, nhưng để tiếp rước những người tin thờ Ngài. Trong thư He 10:37, trước giả cũng thêm một lần nữa đề cập đến sự kiện Hội Thánh được cất lên và đó chính là hy vọng lớn lao của con dân Chúa, nhất là trong những ngày bị bách hại: “Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu.”

B.Phân Biệt Sự Cất Lên với Sự Hiện Ra của Chúa Cứu Thế.

Việc Chúa Cứu Thế đến trong biến cố Cất Lên cần phải phân biệt với sự kiện Chúa Hiện Ra sau thời kỳ đại nạn, với một mục đích khác mà chúng ta sẽ bàn vào chi tiết trong một chương sau. Tại đây chúng ta chỉ cần liệt kê một số khác biệt giữa hai lần đến này.

Trước hết, về thời gian thì sự kiện Hội Thánh được cất lên xảy ra trước cơn đại nạn, trong khi sự kiện Chúa Cứu Thế hiện ra xảy ra sau cơn đại nạn. Ma-thi-ơ viết như sau:

“Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Khi ấy điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc sẽ đấm ngực và thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống” (Mat 24:29,30). Điều này nghĩa là khoảng cách giữa hai biến cố ít nhất là bảy năm.

Thứ hai, sự hiện ra được mô tả trong IITe 1:7,8 là, “Chúa Giê-xu từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu.” Hình ảnh này hoàn toàn khác hẳn với Chúa Giê-xu đầy ân sủng khi Ngài đến tiếp rước Hội Thánh trong Sự Cất Lên. Thứ ba, khi Chúa đến trong Sự Hiện Ra, Ngài hiện ra với các thánh như Giu-đe câu 15 ghi rằng “Kìa Chúa ngự đến với muôn vàn thánh đồ”, chứ không phải để tiếp rước các thánh như trong Sự Cất Lên. Thứ tư, trong Sự Hiện Ra Chúa Cứu Thế từ trời giáng hạ xuống tận mặt địa cầu, trên núi Ô-liu tại nơi Ngài đã thăng thiên như Lu-ca ghi lại lời thiên sứ truyền phán các môn đồ, “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi, Giê-xu này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy”, và theo như lời tiên tri trong Xa 14:4, “Trong ngày đó, chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-liu, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía Đông…” Trong khi đó trong sự cất lên Ngài chỉ hiện xuống trên không trung, tiếp rước các thánh được cất lên gặp Ngài như Phao lô diễn tả trong ITê. 4:17, “Kế đó chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.”

C. Sự Hiện Ra Của Chúa Cứu Thế Mô Tả Trong ITe 4:13-18

Phần Kinh Thánh quan trọng nhất đề cập đến sự cất lên là trong ITe 4:13-18 cho nên chúng ta cần lưu ý đặc biệt phân đoạn nà. Khi viết thư Tê-sa-lô-ni-ca, Phao lô mới chỉ từ giã họ một thời gian ngắn chừng vài tuần lễ. Ông buộc phải ra đi vội vã vì bị người Giu-đa bách hạ. Lu-ca đã ghi lại biến cố này trong sách Cong 17:1-10.  Sau đó Phao-lô lưu lại một thời gian ngắn tại Bê-rê (Cong 17:10-14), rồi lại đi A-thên (Cong 17:15-34), cuối cùng đến Cô-rinh-tô là nơi ông viết thư Tê-sa-lô-ni-ca. Lúc đó Ti-mô-thê và Si-la vừa từ thành phố này trở về, báo cáo cho Phao-lô biết mối băn khoăn lo lắng của các thánh đồ về số phận những người đã qua đời trong vòng họ, có lẽ vì sự bách hại giết chóc vẫn tiếp diễn tại đó. Câu hỏi của các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca liên quan đến tình trạng những nguời qua đời vào lúc Chúa đến. Họ tin chính họ sẽ được cất lên với Chúa, nhưng lo lắng cho số phận những người đã chết.

Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4 Phao-lô trả lời cho họ, trước hết ông trấn an, bảo rằng họ không cần phải lo lắng: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như những người khác không có hi vọng” (c.13). Tất cả những người tin Chúa đã qua đời sẽ được đưa lên gặp Chúa trong sự Cất Lên trước cả những người đang còn sống vào thời điểm đó. Đây là biến cố phục sinh của những người đã chết tương tự như biến cố phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu (c.14). Ông đoan chắc, “Này là điều chúng tôi nhờ Lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Chúa Cứu Thế sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn” (c.15-17).

Chúng ta có thể tóm tắt như sau. Khi biến cố Cất Lên xảy ra, sẽ có tiếng kêu lớn của thiên sứ và tiếng kèn thổi vang rồi tất cả những người tin Chúa đã qua đời hoặc còn đang sống đều được biến hóa, được ban cho thân xác mới vinh hiển như thân xác Chúa Giê-xu phục sin. Những người đã chết  sẽ được cất lên trước những người đang sống. Nơi hội ngộ với Chúa là trên không trung chứ không phải một nơi nào trên địa cầu. Khi Phao-lô nói rằng “có tiếng thiên sứ lớn”, có thể đây là tiếng thiên sứ trưởng Mi-chen là đấng tháp tùng Chúa Cứu Thế trở lại địa cầu. Có thể hiểu tiếng kêu lớn ở đây là lệnh truyền cho những người chết sống lại, như Chúa Giê-xu truyền cho La-xa-rơ từ phần mộ bước ra nhưng cũng có thể hiểu đó là tiếng tuyên bố đắc thắng khải hoàn. “Tiếng kèn của Đức Chúa Trời” ở đây có thể chính là “tiếng kèn chót” được đề cập trong ICo 15:52 mô tả tiếng kèn giải phóng. Đối với biến ố Cất Lên này, có khi Cơ Đốc Nhân gọi là “sự cất lên ẩn nhiên” hay ‘bí mật”. Tuy nhiên cách dùng từ “ẩn nhiên” dễ gây ngộ nhận, vì dù chúng ta không biết trước thời điểm, nhưng khi những dấu hiệu xảy ra chúng ta đều có thể nghe tiếng, các thánh đồ cũng nghe và rất có thể cả những người không được cứu cũng nghe nữa, nhưng bị bỏ lại.

D. Sự Phục Sinh Của CácThánh Đồ

Ý tưởng liên quan đến sự phục sinh vào những ngày cuối cùng xuất phát từ lời dạy trong Lời Chúa. Một số các phân đoạn Kinh Thánh đề cập đến sự phục sinh dường như hàm ý rằng cả hai nhóm người công chính lẫn những người không công chính đều phục sinh một lượt. Thí dụ như Gi 5:28,29 chép, “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán.” Trong Cong 24:15, Thánh Phao-lô nói trước Tổng Đốc Phê-lít, “tôi có sự trông cậy này nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy, tức là sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình.” Tuy nhiên trong những phân đoạn Kinh Thánh khác, có cho biết nhiều chi tiết hơn trong văn mạch, bảo rằng chỉ có một nhóm người, nhóm này hay nhóm kia được phục sinh trong một thời điểm đặc biệt nào đó, như phân đoạn Kinh Thánh trong I Tê-sa-lô-ni-ca chúng ta vừa nghiên cứu, trong đó chỉ nói đến “những người chết trong Chúa” mà không đề cập gì đến những người chết chưa được cứu. Kh 20:11-15 cho chúng ta thấy hình ảnh đầy đủ hơn như sau,

“Bấy giờ tôi thấy một toà lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn Sự chết  vá Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.”

Hiển nhiên, có sự phân biệt rõ ràng giữa hai hạng người với hai số phận khác nhau, cho thấy thời điểm phục sinh của cả hai hạng người cũng khác nhau. Hơn nữa Kh 20:6 khẳng định, “Phước thay cho những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất!  Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Chúa Cứu Thế cùng sẽ trị vì với Ngài trong một nghìn năm.” Như vậy, sự phục sinh của những người chết trong Chúa hiển nhiên xảy ra trước một nghìn năm, sau đó tất cả những người không công chính mới phục sinh để chịu phán xét.

Cần phân biệt những thời điểm phục sinh khác nhau của những người được cứu đã quá cố. Như đã trình bày ở phần trên, nhóm người đầu tiên được phục sinh là những người “chết trong Chúa”, sẽ sống lại với thân xác mới trong biến cố “Được Cất Lên.” Hai nhóm khác được phục sinh vào những thời điểm khác sau đó. Một là vào cuối thời kỳ đại nạn bao gồm những người được cứu nhưng đã chết trong bảy năm đại nạn cùng với các thánh thời Cựu Ước. Nhóm kia được sống lại vào cuối thời kỳ một nghìn năm bình an, bao gồm các thánh đã chết trong thời kỳ này. Kinh Thánh không nói riêng biến cố phục sinh này nhưng hàm ý rất  rõ. Nếu các thánh thời Thiên Hy Niên muốn được dự phần phước hạnh vĩnh hằng với các thánh thuộc các thời đại, hiển nhiên họ phải có một thời điểm được phục sinh như các thánh thuộc các thời đại khác.

Khái niệm về thứ tự phục sinh như trên được Phao-lô đề cập trong ICo 15:20-26 như sau:

“Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ, mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ thự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại. Kế đó sự cuối cùng sẽ đến, là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi đế quốc, mọi quyền cai trị và mọi thế lực; vì Ngài phải cầm quyền cho đến khi đặt nhng kẻ thù nghịch dưới chân mình. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng là sự chết.”

Chúng ta  lưu ý điều Thánh Phao- lô bảo rằng, “trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình…” nghĩa là không phải tất cả mọi người đều sống lại đồng loạt. Chúa Cứu Thế là trái đầu mùa, còn những người khác sẽ theo một trình tự đã hoạch định. Dựa trên Kinh thánh, chúng ta ghi nhận có hai sự phục sinh đặc biệt sau đây. Trước hết theo Ma-thi-ơ ký thuật, ngay sau khi Chúa Giê-xu chịu khổ nạn và chịu chết một số các thánh đã phục sinh, “Và nầy, cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, đất thì rúng động, đá lớn bể ra, mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại. Sau khi Đức Chúa Giê-xu đã sống lại, các thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào thành thánh, và hiện ra cho nhiều người thấy” (27:51-53). Mục tiêu của sự sống lại này hiển nhiên là để cung cấp thêm bằng chứng cho sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Đây là những người có lẽ đã qua đời không lâu lắm, có những người thân cũng như bạn hữu biết rõ họ vẫn còn sốn. Bạn hữu sẽ ngạc nhiên biết bao nhiêu khi thấy người quá cố sống, đi lại, sinh hoạt giữa thành phố Giê-ra-sa-lem! Niềm tin chung cho rằng những người này đã không chết nữa – như trường hợp La-xa-rơ và những người bịnh khác được gọi sống lại trong những khung cảnh hoàn toàn khác, mà được đem thẳng lên thiên đàng sau khi đã hoàn tất sứ mạng Chúa giao sau khi họ phục sinh.

Một trường hợp phục sinh đặc biệt khác chưa xảy ra, đó là sự sống lại của “hai người chứng” sẽ sống và chết trong cơn đại nạn, được ghi trong Kh 11:3-12. Hai người này sẽ làm chứng cho Đức Chúa Trời tại Israel trong 1,260 ngày, sau đó sẽ bị “con thú dưới vực sâu” (tức là Antichrist) giết đi vào cuối cơn đại nạn. Xác họ nằm phơi trên đường phố Giê-ru-sa-lem trong ba ngày rưỡi, vì không ai dám đứng ra chôn cất. Nhưng đến cuối mấy ngày đó, sinh khí từ Đức Chúa Trời đến nhập vào và họ sống lại, “đứng thẳng lên” khiến cho những người chứng kiến đều kinh hãi. Hai người được Chúa gọi lên trời trong đám mây.

Như vậy, sự phục sinh trong biến cố “Cất Lên” là một phương diện nằm trong chuỗi những trường hợp phục sinh này. Vào thời gian này, những người được phục sinh đều là những thánh đồ trong kỷ nguyên Hội thánh, nghĩa là từ lễ Ngũ Tuần đến biến cố Cất Lên. Số người được phục sinh sẽ rất lớn, lớn hơn số các thánh đồ hiện đang sống, là những người sẽ được biến hóa mà không phải trải qua sự chết. Nhóm người được biến hóa chỉ gồm thế hệ những người đang sống, trong khi những người được phục sinh là những người in Chúa, nhưng đã qua đời, trải qua nhiều thế hệ kể từ thế kỷ thứ nhất. Cơ hội phục sinh này sẽ là thời gian Cơ Đốc Nhân trông chờ, coi đó là những ngày vui thỏa khi được tái ngộ với những người thân yêu quá vãng cũng như lần đầu gặp mặt các thánh đồ là các thánh nhân quá khứ.

E. Thân Xác Vinh Hiển.

Những người công chính sẽ nhận được thân xác vinh hiển vào lúc họ phục sinh. Kinh Thánh không nói gì về việc phục sinh thân xác những người không được cứu, nhưng nói nhiều đến thân xác những người công chính, là sự kiện chỉ thị khác biệt đã nêu lên giữa hai trường hợp. Nói về sự biến đổi thân xác của người công chính, Phao-lô bảo rằng chúng ta “là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy” (Ro 8:23). Điều đó có nghĩa là các thánh, là những người có tâm linh đã kinh nghiệm sự đổi mới, nóng lòng trông đợi thân xác cũng được biến hóa nên mới. Trong đời này thân xác vẫn còn là một trở lực cho tâm linh đã được cứu chuộc cho nên thân xác cần được biến đổi nhờ sự phục sinh.

Vấn đề này được Phao-lô hướng dẫn chi tiết trong ICo 15:35-54. Ông khởi đầu bằng cách nêu câu hỏi, “Người chết sống lại thể nào? Lấy xác nào mà trở lại?” Sau đó ông mô tả thân thể mới và trong câu 42, ông cho biết đó là thân thể không hư hỏng, không tan rữa. Trong câu 43, ông gọi đó là “thân thể vinh hiển” – nghĩa là được Đức Chúa Trời tôn quí, không bị rủa sả; thân thể đó cũng “mạnh mẽ”, nghĩa là không trở nên mệt mỏi, nhọc nhằn hay bệnh tật. Trong câu 44, ông bảo đó là “thân thể thuộc linh”,  nghĩa là tuy nó rất thật, nhưng nó không bị những định luật tự nhiên giới hạn như thân xác hiện tại của chúng ta, cần ăn, cần nghỉ ngơi, cần thuốc men. Tiếp theo, trong câu 51, 52,  Phao-lô bảo rằng, những người đang sống vào thời điểm đó cũng nhận được thân thể vinh hiển, nhưng do một biến đổi bất ngờ không phải là sự phục sinh. Việc này sẽ xảy ra “trong giây phút, trong nháy mắt” và thân thể biến đổi đó của chúng ta cũng sẽ là thân thể vĩnh cửu, không hư nát.

Phao-lô nói rõ hơn bản chất của thân thể vinh hiển trong Phi 3:21, bảo rằng Đức Chúa Trời “sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển của Ngài.” IGi 3:2 nói đến cùng ý đó, “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.” Như vậy, thân thể vinh hiển của chúng ta sẽ giống như thân thể phục sinh của Chúa Giê-xu. Trong thân thể đó, Chúa có thể vào phòng khi cửa đóng kín (Gi 20:19,26); thoạt biến mất khi đang trò chuyện với môn đồ (Lu 24:30,31); khiến cho môn đồ không nhận ra cho đến khi Ngài cố ý bày tỏ (Lu 24:15,16,31  Gi 20:15,16); thân thể vinh hiển cũng không bị chi phối bởi định luật trọng lực và Chúa được cất lên khỏi đất, biến mất trong đám mây (Cong 1:9). Nhưng đồng thời thân thể của Chúa cũng là thân xác thật, có thể đụng chạm vào (Gi 20:27), Ngài có thể nói (Lu 24:17-32) và ăn uống (Lu 24:30  Gi 21:12-15). Nhưng vậy, thân thể vinh hiển sẽ là những thân xác thật bằng xương bằng thịt, nhưng không chết, không tan rữa, không mệt mỏi, không đau ốm; thân xác vinh hiển này cũng không cần nuôi dưỡng bằng thực phẩm, dù vẫn có khả năng ăn uống bình thường; thân thể vinh hiển cũng không bị ngăn cách hay giới hạn bởi vật chất, bởi các định luật thiên nhiên mà có khả năng biến mất hay xuất hiện tức khắc, có thể cất lên mà không bị luật trọng lực chi phối. Vì Chúa Cứu Thế đã cất lên từ đất lên trời trong lúc thăng thiên cho nên chắc chắn các thánh vinh hiển của Ngài cũng được ban cho khả năng đó. Các thánh đồ cũng sẽ được ban cho thân thể vinh hiển như vậy để có thể cất lên giữa nơi không trung gặp Chúa trong ngày Ngài trở lại.

F. Bất Ngờ Không Báo Trước.

Sự kiện Chúa Cứu Thế trở lại đón Hội thánh sẽ hoàn toàn bất ngờ, không báo trước cho nên Cơ Đốc Nhân sẽ không thể nào có đủ thì giờ làm bù cho những thiếu sót quá khứ, hoặc cố gắng tập trung vào các nhu cầu tâm linh đang bị xao lãng. Lúc đó cũng không còn cơ hội cho những người chưa được cứu quay trở về với Chúa Cứu Thế. Biến cố Chúa Cứu Thế trở lại sẽ xảy ra lúc người ta đang làm những việc thông thường một cách bình thườn. Khía cạnh này đã được trình bày rất rõ ở nhiều chỗ trong Kinh Thánh như trong Lu 12:36-38 khi Chúa dùng hình ảnh người giúp việc thức canh chờ chủ đi dự tiệc cưới trở về. Chúa dạy, “Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh… hoặc canh hai, canh ba, chủ trở về, nếu thấy đầy tớ như vậy thì phước cho họ!” Kể tiếp thí dụ trên, Chúa nói đến một tên trộm ban đêm cạy cửa vào nhà, “nếu chủ nhà hay kẻ trộm đến giờ nào thì sẽ tỉnh thức, chẳng để cho nó đào ngạch nhà đâu” (c.39). Bọn trộm đạo không bao giờ báo trước, nhưng chủ nhà thì lúc nào cũng phải sẵn sàng đối phó. Chúa Giê-xu dạy, “Các ngươi cũng vậy, hãy chực cho sẵn sàng, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.”

Trong một đoạn Kinh Thánh tương ứng, Chúa Giê-xu so sánh ngày Ngài đến với thời của Nô-ê (Lu 17:26,27). Như nước lụt bất ngờ cuốn con người trôi đi không kịp chuẩn bị (vì đang lo ăn uống, vui chơi trong cuộc sống tội lỗi), thì trong ngày của Chúa Cứu Thế trở lại cũng vậy. Chúa so sánh thời kỳ này với thời của Lót (Lu 17:28-29), khi lửa và diêm sinh từ trời bất ngờ đổ xuống khiến dân Sô-đôm không kịp trở tay, bị thiêu cháy tất cả. Ngày Con Người trở lại cũng vậy. Chúa cho biết thêm rằng vào ngày Ngài trở lại, “hai người nằm chung giường, một người được rước đi, một người bị để lại. Hai người đàn bà xay chung cối, một người được rước đi, một người bị để lại” (Lu 17:34,35). Chúa Giê-xu khẳng định rằng mọi người phải chuẩn bị trước cho ngày Chúa lại để không có gì cần phải thu xếp vào phút cuối. Những người chưa được cứu cần được cứu trong khi còn cơ hội; Cơ Đốc Nhân cần tận tâm phục vụ Chúa, luôn luôn hết lòng sống cho Chúa để không bị hổ thẹn khi gặp mặt Ngài.

G.Tòa Phán Xét  Của Chúa Cứu Thế.

Đây là việc phán xét các thánh đồ lúc được cất lên, xảy ra không lâu sau khi gặp Chúa Cứu Thế trên không trung. Mục đích phán xét không phải là để cứu rỗi vì  chỉ liên quan đến những người đã được cứu trong Hội Thánh. Tất cả những người trình diện Chúa Cứu Thế vào lúc này đều là những người đã đặt đức tin cá nhân nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu và đều đã được Đức Chúa Trời thừa nhận là công chính. Nhưng đây là thời điểm Chúa Cứu Thế phán xét thái độ và cuộc sống mỗi người từ khi trở thành Cơ Đốc Nhân.

Từ ngữ chỉ  sự kiện này là “Tòa Án Chúa Cứu Thế” được dùng trong IICo 5:10 và Ro 14:10. Tòa án (bema trong Hy-văn) của thế giới La-mã và Hy-lạp là chiếc ghế thẩm phán, nơi quan tòa ngồi như chỗ Phi-lát ngồi khi công bố án lệnh về Chúa Cứu Thế Giê-xu (Mat 27:19  Gi 19:13); cũng là chỗ Ga-li-ô ngồi khi xét xử Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô (Cong 18:12,16; cf 25:6). Như vậy tòa phán xét của Chúa Cứu Thế là nơi Ngài công bố sự phán xét các thánh đồ thuộc thời đại hội thánh sau khi tất cả đã được cất lên.

   1. Tính cần thiết của sự phán xét.

Kinh thánh cho biết rất rõ, tất cả mọi người dù được cứu hay hư vong đều phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là mỗi người sẽ phải có một thời điểm chịu phán xét và tòa án của Chúa Cứu Thế chính là chỗ phán xét những người được cứu. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh khẳng định tính chất cần thiết phải có sự phán xét này. Trong Mat 12:36 Chúa Giê-xu tuyên bố rằng, “Đến ngày phán xét người ta sẽ khai ra mọi  lời hư không mà mình đã nói”. Đây là một khẳng định chung cho tất cả mọi người. Trong Ga 6:7 Phao-lô nêu lên nguyên tắc mọi người sẽ gặt điều mình đã gieo, rồi  trong Co 3:24,25 ông đặc biệt  nói về Cơ Đốc Nhân “sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng” nhưng những người sai phạm sẽ lãnh hậu quả những việc chính mình đã làm.

Điểm cần lưu ý là cả hai phần Kinh Thánh nêu trên đều xác định có thời điểm phán xét này. Ro 14:10-12 ghi rằng, “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời”, chỉ thị tất cả Cơ Đốc Nhân, không chừa một người nào. IICo 5:10 diễn đạt cùng một ý với những lời như sau: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Chúa Cứu Thế, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.”

  1. Thời điểm phán xét.

Thời điểm phán xét Cơ Đốc Nhân đúng nhất là ngay sau khi được cất  lên hay có thể trong thời gian bảy năm đại nạn trên đất. Trước hết, đây là một suy luận hợp lý, vì nếu sau khi được cất lên có sự phán xét mỗi cuộc sống Cơ Đốc Nhân thì hiển nhiên càng sớm càng tốt. Thứ hai, trong Lu 14:14, Chúa Giê-xu bảo rằng sự đền đáp, thưởng công cho người công chính được thi hành vào lúc “người công bình sống lại”, và đây chính là vào biến cố “cất lên”.  Thứ ba, Cả ICo 4:5 và Kh 22:12 chỉ thị rằng Chúa Cứu Thế sẽ ban thưởng cho những kẻ thuộc Ngài vào lúc Ngài đến đón họ.

  1. Kết quả phán xét.

Kết quả phán xét có thể là sự ban thưởng cho những công việc vừa lòng Chúa hay là một ý thức mất mát vì những việc làm không được Chúa chấp nhận. Sự thưởng phạt này được thánh Phao-lô minh giải trong ICo 3:9-15 qua đó ông nói về những vật liệu xây cất chia làm hai loại. Loại thứ nhât không bị lửa thiêu hủy như “vàng, bạc, bửu thạch” và loại thứ hai bị lửa thiêu rụi, “gỗ, cỏ khô, rơm rạ.” Ông bảo rằng chúng ta là những công nhân, là những tay thợ xây của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể dùng nhng vật liệu ở trong một trong hai hạng mục trên, và rồi lửa của ngày phán xét sẽ phơi bày công trình của mỗi người. Những người xây dựng công trình bằng loại vật liệu ưu hạng sẽ được thưởng nhưng những người dùng vật liệu thấp kém xây dựng công trình cho Chúa sẽ thấy công trình của mình tiêu tan trong lửa, để lại một khoảng trống mất mát hiển nhiên! Tiêu chuẩn định giá các công trình của mỗi người dựa trên câu hỏi “có vừa lòng Chúa không?”. Công trình vừa lòng Chúa được ví như công trình xây dựng bằng “vàng, bạc, đá quí”, nhưng trái lại, công trình Chúa không chấp nhận bị coi là xây dựng bằng “gỗ, cỏ khô, rơm rạ.”

Phân đoạn Kinh Thánh trên không nói rõ sự tưởng thưởng là gì, nhưng những chỗ khác cho biết phần thưởng có thể dưới hình thức các“mão triều thiên.” Năm loại mão triều thiên khác nhau được mô tả trong những phần Kinh Thánh khác nhau liệt kê ra như sau đây: (1) Mão triều thiên không hư nát dành cho những người bắt phục được bản ngã của con người thiên nhiên (ICo 9:25); (2) Mão triều thiên vui mừng dành cho những người đưa người khác đến với Chúa (ITe 2:19); (3) Mão triều thiên của sự công bình dành cho những người yêu mến sự hiện ra của Chúa Cứu Thế (IITi 4:8); (4) Mão triều thiên của sự sống dành cho những người giữ lòng yêu mến Chúa giữa cơn thử thách; và (5) Mão triều thiên vinh hiển dành cho những người chăn tận tụy đối với bầy chiên của Đức Chúa Trời (IPhi 5:4). Trên đây là tất cả các loại mão triều sẽ được ban thưởng hay đó chỉ là một số tượng trưng thì chúng ta không rõ. Tuy nhiên điều chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng xứng đáng với từng người.

Kinh nghiệm bị mất phần thưởng của những người có công trình cả đời bị cháy rụi không liên quan gì đến sự cứu rỗi. Phao-lô đã nói rất rõ điểm này khi ông minh thị bảo rằng “người đó sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy” (ICo 3:15). Người này không mất sự cứu rỗi nhưng mất phần thưởng. Người đó sẽ ở trong tâm trạng xấu hổ, tiếc nuối đã không tận dụng thì giờ và cơ hội trên trần gian để phục vụ Chúa. Dường như Phao-lô nhìn thấy trước tình trạng đó có thể xảy ra cho chính mình, cho nên ông hết sức muốn tránh. Ông viết, “tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác,  mà chính mình phải bị bỏ chăng” (ICo 9:27).  Ông không nói về việc mất sự cứu rỗi, vì không thể mất được, nhưng nói đến việc mất tính chất hữu dụng trong việc xây dựng nhà Chúa, khiến cho ông có thể mất phần thưởng. Mỗi Cơ Đốc Nhân cần biết rõ sự kiện này: chắc chắn sẽ có ngày phán xét, và cuộc đời phí phạm sẽ là cả một sự ngu dại lớn lao khi chúng ta đứng trước Chúa Cứu Thế trong ngày đó.

H. Tiệc Cưới Chiên Con.

Có một biến cố thứ hai xảy ra ngay sau khi các thánh đồ được cất lên. Trong Kh 19:7-9 gọi biến cố này là “Tiệc Cưới Chiên Con” trong đó Chúa Cứu Thế sẽ là Chàng Rể và Hội Thánh sẽ là Cô dâu mới. Biểu tượng chàng rể và cô dâu chỉ thị Chúa Cứu Thế và Hội Thánh cũng thường được dùng ở nhiều chỗ khác trong Tân Ước (Gi 3:29; Ro. 7:4; IICo 11:2  Eph. 5:25-33). Tiệc cưới này là dịp hoan hỉ chào mừng sự kết hợp chính thức giữa Cứu Thế và Hội Thánh trong mối tương giao vĩnh viễn. Từ nay cho đến thời điểm đó thì Hội Thánh và Chúa Cứu Thế vẫn còn phân cách, Hội thánh ở trần gian còn Chúa Cứu Thế trên thiên đàng, nhưng kể từ tiệc cưới thì cả hai sẽ đời đời kết hợp.

  1. Thời điểm.

Tiệc cưới sẽ xảy ra vào khoảng giữa sự Cất Lên và việc Chúa Cứu Thế trở lại địa cầu sau thời gian đại nạn. Tiệc cưới sẽ không xảy ra trước sự cất lên, vì cho đến lúc đó hội thánh và Chiên Con vẫn còn là hai thực thể phân biệt. Tiệc cưới cũng sẽ không đến sau việc Chúa Cứu Thế trở lại sau cơn đại nạn vì những lý do sau. Trước hết, vì Kh 19:11-21 đề cập đến tiệc cưới này trước sự kiện Chúa trở lại địa cầu; và lý do thứ hai là Chúa Cứu Thế khi trở lại, Ngài cùng trở lại với Hội Thánh lúc đó là tân nương. Tiệc cưới có thể theo sau sự phán xét trước tòa án Chúa Cứu Thế, vì trong tiệc cưới, hội thánh bao gồm “những thánh đồ công chính.” Chi tiết này hàm ý rằng sự công chính của hội thánh đã được thẩm định là có giá trị. Tóm lại, ngoài những dữ kiện trên, chúng ta không biết  gì thêm về thời điểm của Tiệc Cưới Chiên Con. Sự kiện trong Khải Huyền 19, phần đề cập đến Tiệc Cưới đặt trước phần mô tả việc Chúa trở lại có thể mang một ý nghĩa đặc biệt. Mặt khác, nếu dựa vào suy luận, chúng ta sẽ thấy tiệc cưới xảy ra trong một thời điểm sớm hơn, nghĩa là ngay sau sự phán xét của Chúa Cứu Thế thì hợp lý hơn; vì hội thánh sẽ luôn luôn cùng hiện diện với Chúa Cứu Thế kể từ lúc phán xét trở về sau cho nên chúng ta không thấy có lý do gì để tiệc cưới phải hoãn lại lâu hơn. Chúng ta chỉ có thể nói chắc chắn về thời điểm này là giữa khoảng Chúa Cứu Thế phán xét và lúc Ngài trở lại sau cơn đại nạn.

  1. Sự phân biệt khả thể.

Một số những người nghiên cứu về các lời tiên tri đưa ra một phân biệt trong sự việc này, gọi một đàng là “lễ cưới Chiên Con” và đàng kia là “tiệc cưới Chiên Con.” Lý do sự phân biệt này tìm thấy trong ba phân đoạn Kinh thánh mô tả tiệc cưới: Mat 22:1-14  25:1-13; và Lu 14:16-24. Người ta giải thích rằng những phần Kinh Thánh trên coi Y-sơ-ra-ên ở trên đất là đang chờ Chúa Cứu Thế là Chàng Rể từ trời trở lại, và hội thánh là Cô Dâu, để có thể khởi sự tiệc cưới. Như vậy, tiệc cưới được coi là xảy ra trên đất trong thời gian một nghìn năm bình an, trong khi chính “lễ cưới Chiên Con “ (Kh 19:7-9) thì lúc Chúa trở lại, đã xảy ra rồi. Theo quan điểm này, thì chỉ sau khi Chúa đến mới có tiệc cưới. Trong lễ cưới chỉ có Chiên Con và hội thánh còn trong Tiệc cưới sau đó, Y-sơ-ra-ên được tham dự như tân khác. Chúng tôi coi quan điểm này là quan điểm có thể chấp nhận (possible) chứ không phải có thể xảy ra (probable). Vấn đề xoay quanh ý nghĩa của ba phân đoạn Kinh Thánh nói về tiệc cưới. Nguời ta có thể hiểu rõ hơn, không phải như những lời tiên đoán về một sự kiện lịch sử đặc thù, nhưng chỉ như một chân lý được bày tỏ qua biểu tượng về tiệc cưới, mà không xácđịnh thời điểm hay thời kỳ đặc biệt cho cơ hội đó. Chỉ có một sự kiện phản bác cách giải thích trên là  sự việc mô tả trong Kh 19:7-9 đã được gọi là “tiệc cưới Chiên Con” (c.9).

Câu hỏi Ôn.

  1. Sự cất lên xảy ra vào thời điểm nào trong trình tự của các biến cố tận thế?
  2. Bốn chân lý nào được trình bày trong Gi 14:2,3 liên quan đến sự cất lên?
  3. Liệt kê bốn khía cạnh khác biệt giữa sự cất lên và Sự Hiện Ra của Chúa Cứu Thế.
  4. Các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca lưu tâm đến khía cạnh nào đối với những đã chết?
  5. Xin liệt kê những chân lý chính trình bày trong ITe 4:13-18 liên quan đến sự cất lên.
  6. Xin nêu lên những lý do dựa trên Kinh Thánh cho niềm tin rằng sự phục sinh của những người chưa được cứu đến sau và cũng phân biệt hẳn với sự phục sinh của những người được cứu.
  7. Sự phục sinh nào xảy ra trước cơn đại nạn và cái nào xảy ra sau cơn đại nạn?
  8. ICo 15:20-24 dạy gì về sự phục sinh?
  9. Bản chất và mục đích sự phục sinh đi kèm với sự chết của Chúa CứuThế là gì ?
  10. Nói hết những gì bạn biết về thân thể vinh hiển của Cơ Đốc Nhân nhận được khi phục sinh.
  11. Tóm tắt những điều Lu 12:36-38 và 17:26-36 dạy về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế.
  12. Những gì sẽ xảy ra tại “Tòa phán xét của Chúa Cứu Thế?”
  13. Dựa vào Kinh Thánh xác định khi nào sự phán xét này xảy ra?
  14. ICo 3:9-15 dạy gì về những kết quả của sự phán xét này?
  15. Liệt kê năm mũ triều thiên đặc biệt và trưng dẫn Kinh Thánh.
  16. Câu “Về phần người đó sẽ được cứu, song dường như qua lửa” có nghĩa gì? (ICo 3:15)
  17. Mục tiêu của “tiệc cưới Chiên Con” là gì?
  18. Dựa vào Kinh Thánh cho biết khi nào tiệc cưới xảy ra.
  19. Tại sao một số các nhà nghiên cứu các lời tiên tri phân biệt giữa ‘Lễ Cưới Chiên Con” và “tiệc cưới Chiên Con”?

Comments

Sách: “LƯỢT KHẢO CÁC BIẾN CỐ TẬN THẾ” – Chương 3 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *