HomeSÁCH BỒI LINH-TÁC GIẢ VNSách: "KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG"Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Phần 2 và Phần 3 (Hết)

the-ten-commandments-27-638

Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Mục sư Tiến sĩ Lê Kim Vâng

Phần 2. KHỞI ÐẦU VÀ CHẤM DỨT KINH LUẬT (Tiếp theo)

2.4. TÍN HỮU Ở DƯỚI KINH LUẬT ÐỂ ÐƯỢC CỨU RỖI?

Tín hữu có ở dưới Kinh luật không? Ðây là câu hỏi nóng bỏng đã có từ thời kỳ của Phaolô; và khi Kinh Thánh đã có một câu trả lời rõ ràng và không nhầm lẫn, hàng ngàn Tín hữu đúng đắn, thành thật vẫn thắc mắc sai lầm về câu hỏi trên. Có người còn dám nói: «Vâng, chúng ta ở dưới Kinh luật để được cứu rỗi. Nếu chúng ta muốn được cứu rỗi, chúng ta phải giữ Kinh luật.» Nhưng Thánh kinh chép:

«Chúng ta biết rằng con người được tuyên xưng công chính không phải vì các việc tuân giữ Kinh luật, nhưng tin vào Chúa Cứu Thế Jêsus, ngay chính chúng ta cũng đã tin Chúa Cứu Thế Jêsus để được tuyên xưng công chính nhờ đức tin nơi Chúa Cứu Thế, không phải nhờ các việc tuân giữ Kinh luật, bởi vì không ai được tuyên xưng công chính nhờ các việc tuân giữ Kinh luật.» (Galati 2:16)

Cũng có một số người khác dạy rằng chúng ta được cứu rỗi bởi ân sủng, nhưng sau đó chúng ta vẫn tiếp tục được cứu nhờ giữ Kinh luật. Nhưng Kinh Thánh chép:

«Vậy tất cả những ai cậy các việc giữ Kinh luật đều bị rủa sả. Vì Kinh Thánh chép: Ðáng rủa thay cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật.» (Galati 3:10)

Nếu chúng ta vẫn giữ Kinh luật thì sự vâng lời của chúng ta phải hoàn hảo, tiếp tục và không bị gián đoạn. Và điều đó đem chúng ta trở lại vấn đề sống động khi chúng ta mới bắt đầu quyển sách nầy. Vấn đề kế đó là, Kinh luật để làm gì? Tại sao Kinh luật được ban cho? Ðiều gì làm cho Kinh luật được trọn vẹn? Nếu nó không thể cứu một người, hay giữ một Tín hữu, hay làm cho một người khá hơn, nhưng chỉ trừng phạt người đó để rồi Kinh luật có mục đích gì? Tôi lập lại, đó là vấn đề Phaolô đã đặt ra:

Thế thì Kinh luật để làm gì? (Galati 3:19)

Câu trả lời là: «Kinh luật thêm vào vì có sự vi phạm.»

Nói khác hơn, Kinh luật được thêm vào để bày tỏ tội lỗi như là một sự vi phạm chống lại Ðức Chúa Trời. Trước khi Kinh luật được ban cho, tội lỗi đã có trong thế gian, nhưng không có sự vi phạm Kinh luật. Ðiều đó rất rõ ràng như Phaolô đã nói trong Rôma:

«Vì lời hứa cho Ápraham hay cho dòng dỏi người rằng người sẽ thừa hưởng thế giới không phải bởi tuân giữ Kinh luật nhưng bởi sự công chính đến từ đức tin. Vì nếu nhờ tuân giữ Kinh luật mà thừa hưởng cơ nghiệp thì đức tin thành vô ích, và lời hứa trở nên vô hiệu lực. Vì Kinh luật gây ra thịnh nộ, ở đâu không có Kinh luật thì cũng không có sự vi phạm.» (Rôma 4:13-15)

Những lời nầy hoàn toàn không sai lầm «Ở đâu không có Kinh luật thì cũng không có sự vi phạm.» Tôi lập lại, tội lỗi đã có trong thế gian trước khi Kinh luật được ban cho, và sự trừng phạt cho tội lỗi là sự chết. Phao lô đã viết trong Rôma một cách rõ ràng:

«Bởi thế, do một người mà tội lỗi vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết; như thế sự chết thâm nhập trong mọi người, vì mọi người đều đã mắc tội.Trước khi có Kinh luật thì  tội đã có trong thế gian rồi, nhưng khi chưa có Kinh luật thì tội cũng không được kể.» (Rôma 5:12,13)

Ðể cho mọi người thấy được bản chất thật sự của tội lỗi mà loài người không nhận biết, Ðức Chúa Trời ban cho loài người Kinh luật. Có ba chữ trong tiếng Hêbơrơ nói về tội lỗi. Chữ phổ biến nhất là HATTAH có nghĩa là ‘mất điểm’. Ðức Chúa Trời đặt một tấm bia theo vị trí của nó, để người ta bắn vào. Nếu người ta bắn không trúng, họ sẽ bị mất điểm. Họ bị mất điểm, một ly cũng như một cây số. Tấm bia Ðức Chúa Trời ban cho có thể gọi đó là Kinh luật. Ðó là sự bày tỏ hoàn hảo ý chỉ hoàn hảo của Ngài. Nếu viên đạn không trúng vào bia thì kể như mất điểm. Bắn sai một cọng tóc cũng kể là mất một điểm. Tấm bia mà Ðức Chúa Trời đặt là Kinh luật, thì thật là cao mà tội nhân không thể với tới. Như vậy phải bắn thật chính xác. Ðến gần quá sẽ không bắn được, vì lời Chúa phán:

«Vậy tất cả những ai cậy các việc tuân giữ Kinh luật đều bị rủa sả. Vì Kinh Thánh chép: Ðáng rủa thay cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật.» (Galati 3:10)

Sự đòi hỏi là tuyệt đối, cho nên phải vâng phục hoàn toàn, phải vâng phục luôn luôn, và không được gián đoạn. Gia cơ chép:

«Vì người nào giữ trọn cả Kinh luật, dù chỉ phạm một điều cũng mắc tội như đã phạm tất cả.» (Giacơ 2:10)

Kinh luật là một. Giống như sợi xích có nhiều mắt xích nối lại, nó vẫn là một sợi xích, chỉ một mắc xích bị đứt sợi dây sẽ bị đứt làm đôi. Ðừng giả định rằng mọi người đều giữ đúng theo Kinh luật, đúng theo Mười Ðiều răn chỉ trừ một thôi cũng được; hoặc đã giữ được trọn đời người chỉ thiếu một phút thôi cũng được. Không, người đó phải là viên đạn trúng mục tiêu, một sự vâng lời trọn vẹn. Tội lỗi là sự hụt mất đối với sự toàn vẹn mà Chúa đòi hỏi.

Chữ thứ hai là AVON có nghĩa là sự thiếu sót hay không đúng qui tắc hay không đều đặn. Ðó là sự lệch lạc ra khỏi đường thẳng, và vì vậy có thể gọi là không thẳng thắn, quanh co, không thật thà.Ï Kinh luật buộc chúng ta phải bước đi hoàn toàn theo đường thẳng, toàn hảo, thiếu một bước sẽ làm chúng ta trở thành tội nhân. Sai lệch một chút thôi ra khỏi con đường thẳng của Kinh luật, Chúa sẽ đặt chúng ta ở dưới sự phán xét của Ngài.

Vi phạm

Chữ thứ ba chỉ về tội lỗi là PESHA được dịch ra là ‘vi phạm’. Nó có nghĩa là vượt qua lãnh vực cấm kỵ. Cũng có nghĩa là đi ngang làn ranh hay vi phạm biên giới. Kinh luật đặt ra một lằn ranh thánh khiết và tuyệt hảo. Nó buộc con người không được vượt quá lằn ranh mà Chúa đã đặt để. Nó cũng giống như những bảng hiệu lưu thông trên đường ‘Private Property – Do Not Trespass – Keep Out – This means you!’  Còn nếu không có hàng rào hay không có đường ranh ngăn cấm của tài sản riêng, thì không ai biết lúc nào mới được vượt qua. Trước khi có Kinh luật, tội lỗi đã có rồi, nhưng lằn ranh chưa được kẻ rõ ràng – không có rào cản được dựng lên cho thấy giới hạn rõ ràng khu vực bị cấm. Rồi Ðức Chúa Trời trồng hàng rào, cho dân Ysơraên Kinh luật Mười Ðiều răn. Ðó là định mức rõ ràng, nếu ra khỏi đó là phạm tội. Trước khi có Kinh luật, tội lỗi đã có sẳn, nhưng không có sự vi phạm Kinh luật. Chúng ta đang ở trong khung cảnh tội lỗi và Kinh luật vì một số thầy dạy luật luôn dùng câu nầy:

Ai phạm tội là người vi phạm Kinh luật vì tội lỗi là vi phạm Kinh luật.” (I Giăng 3:4)

Câu được trích dẫn như là tất cả tội lỗi là vi phạm Kinh luật. Nhưng sự vi phạm, cố ý không vâng phục Kinh luật, chỉ là một khía cạnh của tội lỗi. Cũng có một khía cạnh tiêu cực của tội lỗi: Hụt mất yêu cầu của Kinh luật. Tội bỏ sót cũng nặng như tội can phạm. Nó giống như tội ‘biết việc lành mà không làm’ với tội làm điều ác. Tôi kêu gọi sự chú ý của bạn vào câu I Giăng 3:4 bên trên. Không chỉ nói là: “Tội lỗi là vi phạm Kinh luật mà phần trước của câu nầy là: “Ai phạm tội là người vi phạm Kinh luật.”

Tội lỗi không phải luôn luôn là một sự vi phạm, nhưng nó vẫn là tội trước khi có Kinh luật. Nên nhớ rằng tội lỗi là một sự vi phạm chỉ khi có Kinh luật, như vậy nó còn hơn sự vi phạm nữa. Vi phạm là một định nghĩa hợp pháp cho tội lỗi. Tội lỗi vẫn luôn là trái đạo lý, nhưng không phải là hợp lý. Ðây là điều Kinh luật đã nói đến. Tôi lập lại, một điều có thể sai về đạo lý nhưng không phải là vi phạm Kinh luật.

Nô lệ:

Hãy xem minh họa nầy. Trước đây khoảng 100 năm, việc sở hữu và buôn bán nô lệ là điều hợp pháp tại Hoa kỳ. Bạn có thể sở hữu nô lệ, mua nô lệ, bán nô lệ, đối xữ với nô lệ bằng cách nào tuỳ thích  Ðiều đó hoàn toàn hợp pháp. Ðiều đó không có vi phạm luật nào cả trong các sách vở của chúng ta. Từ khi có tuyên ngôn giải phóng và các điều khoản luật chống nô lệ với sự phạt vạ và trừng phạt thích đáng. Và bây giờ các điều luật đó trở thành bất hợp pháp và buôn người nô lệ là một tội ác. Bây giờ nô lệ hoàn toàn sai, nhưng không phải là bất hợp pháp. Ðiều đó không phải là một sự vi phạm luật pháp. Nhưng khi luật pháp được thêm vào thì nó trở thành một sự vi phạm của luật pháp đó. Tôi lập lại, nô lệ là sai trước khi luật pháp được thông qua và ban hành. Ðó là sai về đạo đức. Nhưng khi luật pháp được thêm vào thì nó không thay đổi bản chất thực hành hay ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức về nô lệ, nhưng chỉ làm cho nó bất hợp pháp cũng như không đạo đức.

Một minh họa khác. Trước Thế chiến thứ I, không có vấn đề vi phạm luật pháp khi mua, bán và uống các loại rượu làm say. Nhưng sau chiến tranh, có luật cấm không được sản xuất rượu, mua, bán các loại rượu kể cả bia như là đồ uống bất hợp pháp, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền và bị giam tù. Tu chính án thứ 18 đã bị bải bỏ và vấn đề rượu được hợp pháp hơn. Luật pháp chống lại rượu không còn nữa. Giờ đây luật được thông qua hay luật bị bải bỏ không ảnh hưởng chút nào đến việc buôn bán rượu có đúng hay sai. Ðiều đó sai về đạo đức trong thời kỳ bị cấm và cũng sai luôn về luật pháp, vì đó là sự vi phạm luật pháp. Nhưng bây giờ thì việc buôn bán rượu dù là đúng về luật pháp, nhưng vẫn sai về đạo đức, kể là việc ác, không bào chửa được, có hậu quả nguy hại khi nó không hợp pháp trong những ngày bị cấm trước kia. Luật pháp không thể thay đổi bản chất đạo đức cho một vấn đề sai từ bản chất.

Không phải nhiều năm qua đã không có luật ngăn ngừa trẻ em lao động, bốc lột nhân công tại các hảng xưởng và đồng lương chết đói. Dĩ nhiên đó là sự sai sót về đạo đức mà còn là bất hợp pháp nữa. Không có luật ngăn cấm các việc làm đó, và nơi nào không luật pháp nơi đó có sự vi phạm. Khi có luật pháp rồi thì cái gì sai về đạo đức cũng sai về luật pháp. Chúng ta đã đứng chửng lại trong trường hợp vi phạm nầy để thấy rằng chúng ta không thể làm luật đạo đức được. Chúng ta không thể thay đổi lòng dạ của con người bằng luật pháp và điều lệ.

Kinh luật không thay đổi được lòng người

Kinh luật có thể kềm chế và ngăn ngừa tội lỗi, nhưng không thể loại bỏ sự thèm muốn phạm tội. Nếu sự trừng phạt một vi phạm Kinh luật đủ khắc khe thì có thể ngăn chận và làm giảm đi sự vi phạm Kinh luật, nhưng cũng không thể thay đổi sự thèm muốn được. Con người sẽ tiếp tục phạm Kinh luật nếu họ thấy họ không bị nguy hiểm, không thấy bị phát hiện hay buộc tội gì cả. Sự cấm đoán có thể ngăn cấm sản xuất và sử dụng các loại làm say, nhưng cũng không thể chấm dứt hay thay đổi lòng thèm muốn rượu. Họ có thể uống thầm lén cố gắng tránh sự phạt vạ của luật. Luật thì ngăn cấm rượu và hình phạt có thể giảm cho một số người, nhưng không thể nào chấm dứt sự thèm khát của họ, và luật đã thất bại trong sự chấm dứt hư hỏng của con người thèm uống để nó nở rộ trong thời kỳ buôn rượu lậu và các quán bán rượu lậu khắp nơi.

Cần phải thay đổi lòng người

Tất cả các điều đó không phải tại vì luật không tốt, không đúng và không công bằng. Trong thế giới mà chúng ta đang ở, chúng ta cần Kinh luật để kềm chế, ngăn ngừa và giảm thiểu tội phạm, chúng ta cần có nhiều luật hơn để thay đổi lòng con người. Có vài điều mà Kinh luật không làm được. Nó cũng không đi riêng lẻ được để cải thiện lòng người tội lỗi. Mục đích chính của nó là chứng minh rằng chúng ta không thể làm cho mình tốt được. Chúng ta không thể nhờ Kinh luật nào để làm cho chúng ta biết yêu kẻ lân cận mình hoặc làm đẹp lòng Chúa. Sứ đồ Phaolô tóm tắt lại khi ông nói:

Vì điều mà Kinh luật không làm được bởi đã bị xác thịt làm cho suy yếu thì Ðức Chúa Trời đã làm bằng cách sai Con Ngài đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt để cho những đòi hỏi công chính của Kinh luật được trọn vẹn trong chúng ta là những người không sống theo xác thịt nhưng theo Thánh Linh.” (Rôma 8:3,4).

            Phaolô nói: “Vì điều mà Kinh luật không làm được”.

Ðiều đó đến thật là bất ngờ, tôi chắc chắn nhiều người đã sai lầm khi nói rằng giữ Kinh luật thì được cứu rỗi. Thật vậy nếu một người giữ đúng Kinh luât của Ðức Chúa Trời một cách hoàn hảo và liên tục không gián đoạn trong đời sống mình, họ được cứu rỗi căn cứ trên sự toàn hảo, thánh khiết vô tội và giữ đúng theo Kinh luật dạy. Nhưng không bao giờ có người nào sống được như vậy. Chúng ta sanh ra với tội lỗi của Ađam và dưới bản án tử hình. Vua Ðavít đã nói:

Thật vậy tôi vốn gian ác từ khi sinh ra, tôi vốn tội lỗi từ khi được hoài thai trong bụng mẹ. (Thi thiên 51:5)

I Các vua 8:46 thì nói:

Khi họ phạm tội cùng Ngài, vì chẳng ai là không phạm tội và Ngài giận họ, phó họ cho quân thù. Chúng bắt họ lưu đày trong xứ của kẻ thù nghịch dù xa hay gần.

Vua Salômôn thì nói:

Mắt tự cao lòng kiêu ngạo, ngọn đèn của kẻ gian ác đều tội lỗi. (Châm ngôn 21:4)

Suy nghĩ điều ngu dại là tội lỗi. Kẻ nhạo báng bị người ta ghê tởm.” (Châm ngôn 24:9)

Vua Ðavít nói:

Chúa từ trên trời nhìn xuống loài người để xem thử có ai khôn ngoan, có ai tìm kiếm Ðức Chúa Trời không? Tất cả đều lầm lạc; chúng nó cùng nhau đều bại hoại. Không có ai làm điều thiện dù một người cũng không.” (Thi thiên 14:2,3)

Ðức Chúa Trời phán không có ai được cứu nhờ việc lành của mình, không có ai được cứu nhờ giữ Kinh luật. Hy vọng duy nhất là ân sủng của Chúa. Muốn được cứu trước nhất phải nhận biết mình bị hư hoại hoàn toàn, biết mình hoàn toàn bất năng làm đẹp lòng Chúa bằng công việc làm theo Kinh luật, loại bỏ tất cả niềm hy vọng tự cứu của mình, phủ phục trước mặt Chúa để được thương xót và ân sủng của Ngài và hát Thánh ca số 196 Vầng Ðá Muôn Ðời

            Xin núp trong Vấng Ðá muôn đời

            Vì tôi phải nứt ra Ngài ôi

            Lòng mong suối huyết kia trào phun

            Từ hông vỡ Chúa xưa tràn tuôn

            Nên những linh dược chửa muôn tội

            Trừ căn ác vốn hay hành tôi

                        Bên gốc thập tự giá tôi quì

                        Bàn tay trắng chẳng bạc vàng chi

                        Nguyền ban áo phủ thân trần tôi

                        Cầu ơn cứu giúp kẻ mồ côi

                        Ðem ác tâm lại suối huyết gội

                        Bằng không chết mất đi Ngài ôi

            Trong lúc tôi còn chút hơi tàn

            Giờ sắp nhắm mắt xa trần gian

            Ðặng bay đến nước chưa từng hay

            Nhìn lên Chúa ở thiên tòa đây

            Vầng đá muôn đời núp bởi tôi

            Nguyền tôi chỉ núp trong Ngài thôi.

Ðây là hy vọng duy nhất của bạn. Hãy bỏ tất cả hy vọng riêng tư của bạn và nói:

            Tôi là như vậy, không một lời bào chửa

            Nhưng huyết Chúa đã đổ vì tôi

            Và Ngài mời tôi đến với Ngài

Ồ Chiên Con của Chúa, tôi xin đến, tôi xin đến!

********************

2.5. TRỞ VỀ VỚI CHÚA JÊSUS ÐỂ ÐƯỢC ÂN SỦNG

VÀ THƯƠNG XÓT SẼ TÌM ÐƯỢC BÌNH AN

“ “Thế thì Kinh luật để làm gì? Kinh luật đã được thêm vào vì sự vi phạm cho đến khi Ðấng, tức là dòng dõi đã hứa, đến…”” (Galati 3:19)

Ðã gần 3500 năm Ðức Chúa Trời đã ban cho dân Ysơraên hai bảng Kinh luật tại núi Sinai, vậy mà từ đó đến nay không có đến một người giữ trọn vẹn Kinh luật. Kinh luật nầy được bày tỏ không sai lầm theo ý chỉ thánh của Ngài và con người tội lỗi không thể giữ nổi nó. Sau 1500 năm khi Ðức Chúa Trời ban cho họ Kinh luật, không một người Ysơraên nào vâng giữ được Kinh luật. Như vậy thì tất cả người Ysơraên đều vi phạm Kinh luật, vì chỉ một vi phạm thôi cũng đủ cho một người bị rủa sả. Tôi xin nhắc lại lời của Phaolô:

“Vậy tất cả những ai cậy các việc tuân giữ Kinh luật đều bị rủa sả. Vì Kinh Thánh chép : Ðáng rủa sả thay cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật.” (Galati 3:10)

Câu nầy có nghĩa cả phổ quát và cá nhân là phải trừng phạt mọi người, vì đòi hỏi của Kinh luật áp dụng cho tất cả mọi người kể cả những người tốt đã và đang sống. Cũng không thể có một người sinh ra trong tội lỗi với tấm lòng sa đọa mà có thể làm đẹp lòng Ðức Chúa Trời vì họ tuân giữ luật pháp. Lại nữa, Kinh thánh nói rằng không có loài xác thịt nào được xưng công chính bởi việc làm theo Kinh luật. Phaolô giải bày trong Galati rằng:

“Như vậy, Kinh luật nghịch lại với các lời hứa của Ðức Chúa Trời sao? Không bao giờ! Vì nếu Kinh luật đã được ban bố có khả năng ban sự sống thì quả là sự công chính nhờ Kinh luật mà ra.

“Nhưng Kinh Thánh công bố: “Tất cả mọi vật đều bị nhốt trong tội lỗi để nhờ đức tin trong Chúa Cứu Thế Jêsus mà lời hứa được ban cho những kẻ tin.” (Galati 3:21-22)

Vậy rất tốt để cân nhắc những lời nầy: Nếu một tội nhân có thể được chấp nhận trước mặt Chúa nhờ có một đời sống vâng phục trọn vẹn Kinh kuật của Chúa, thì họ sẽ không cần ân sủng và sự thương xót của Chúa. Và sự chết của Chúa Cứu Thế hoàn toàn không cần thiết. Vì thế mà Phaolô nói:

“ “Tôi không làm cho ân sủng của Ðức Chúa Trời thành vô hiệu; vì nếu nhờ Kinh luật mà được tuyên xưng công chính thì Chúa Cứu Thế chịu chết là vô ích.”” (Galati 2:21).

Trách nhiệm nào bằng sự phá đổ chống lại Ðức Chúa Trời công chính. Nếu một người có thể đạt được công chính nhờ giữ được Kinh luật thì Ðức Chúa Trời đã nhầm lẫn to lớn khi sai chính Con Ngài xuống trần gian để chịu chết trên cây gổ. Tôi xin nhắc lại, nếu một người có thể tự cứu nhờ công lao của mình, và nhờ vâng phục Kinh luật, thì không cần đến sự hy sinh Con của Ðức Chúa Trời để cứu những người toàn hảo tự cứu mình như vậy. Ðây là sức mạnh trong lời của Phaolô:

“…vì nếu nhờ Kinh luật mà được tuyên xưng công chính thì Chúa Cứu Thế chịu chết là vô ích.” (Galati 2:21)

Sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá là hoàn toàn không cần thiết và không đáng. Vì vậy vấn đề được nêu lên mãi: Nếu Kinh luật không thể xưng công chính, không thánh hóa hay không thỏa mãn, thì tại sao Ðức Chúa Trời lại ban Kinh luật mà Ngài biết rằng không ai có thể giữ được? Ðiều đó có làm giảm giá trị Kinh luật vì nó không cứu được tội nhân không? Có điều nào sai trong Kinh luật tuyệt mỹ của Chúa không? Nếu nó hoàn toàn vô hiệu không đem sự cứu rỗi cho tội nhân? Xin nghe đây! Không có điều gì sai trong Kinh luật cả. Ðiều phiền muộn chỉ ở phía tội nhân thôi. Tiêu chuẩn của Kinh luật là hoàn mỹ và thánh khiết. Phaolô nói rằng:

“ “Cho nên Kinh luật là thánh, điều răn cũng thánh, công chính và tốt lành.”” (Rôma 7:12)

Kinh luật là thánh; vì vậy tội nhân bất khiết không thể tuân giữ được. Kinh luật là công chính; vì vậy Kinh luật trừng phạt tội nhân bất chính. Kinh luật là tốt lành; vì vậy Kinh luật trừng phạt tấm lòng gian ác của con người thiên nhiên. Kinh luật được ban cho để chỉ tội lỗi chứ không phải để giúp con người loại trừ tội lỗi. Kinh luật giúp chúng ta nhìn thấy tội lỗi, chứ không cất tội lỗi đi được. Chính Moody đã dùng minh họa tấm gương. Ông so sánh Kinh luật của Ðức Chúa Trời như một tấm gương để ông nhìn thấy chính mình trong đó. Không có tấm gương con người không thể hình dung được con người thật của mình. Không ai có thể thấy gương mặt thật của mình. Bởi vì con mắt chúng ta chỉ nhìn thấy phía trước và hai bên, nhưng không thể nhìn thấy phía sau được, không ai thấy được gương mặt thật của mình. Khi chúng ta nhìn vào gương, bạn không thấy mặt bạn; bạn chỉ thấy gương mặt phản chiếu trong gương mà thôi. Một tấm ảnh là tấm hình của gương mặt bạn, nhưng thật sự bạn không thấy mặt của bạn. Vậy thì một tấm gương toàn hảo sẽ cho một sự phản chiếu toàn hảo. Không có tấm gương, không ai có thể tưởng tượng mặt mình ra sao, sạch hay dơ, nhưng khi nhìn vào tấm gương người đó sẽ thấy mặt mình dơ hay sạch, có thô kệch hay không.

Trước khi Ðức Chúa Trời ban Kinh luật thánh khiết của Ngài, con người không thể nhận biết mặt mình ra làm sao trước mặt Ðức Chúa Trời. Người đó biết có gì không phải, vì lương tâm anh ta nói cho anh biết. Nhưng anh ta không có biết anh ta phạm tội ra sao, bẩn thiểu như thế nào. Anh ta cũng không có ý niệm về tội lỗi thực sự ra sao. Tại núi Sinai, ngay lúc Chúa ban cho Kinh luật, họ nói: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì Chúa ban cho.” Thật linh hồn họ nghèo nàn, đui mù, tự dối mình. Họ không hiểu biết họ hư hỏng như thế nào, họ thiếu sự giúp đở như thế nào để họ có thể tuân giữ Kinh luật mà họ vừa mới nhận. Do đó để cho họ thấy thực trạng của họ, Ðức Chúa Trời đã ban cho họ Kinh luật toàn hảo như là sự thánh khiết mà Ðức Chúa Trời đòi hỏi họ phải có. Ðó là một sự khải thị cho họ thấy họ thiếu hụt quá nhiều khi họ đến trước mặt Chúa. Kinh luật, thay vì chỉ cho họ thấy họ đã tốt như thế nào, họ phải trở nên tốt như thế nào, họ được tốt nhờ tuân phục Kinh luật, thì họ chỉ gia tăng thêm tội lỗi. Sứ đồ Phaolô biết được bài học lớn nầy nhờ kinh nghiệm Kinh luật thay vì ban cho sự sống thì lại làm cho chết. Trước khi trở lại với Chúa, Phaolô là người nhiệt tâm giữ Kinh luật. Bên ngoài ông giữ Kinh luật là người không chỗ trách được. Không ai có thể buộc tội ông được. Và sau đó ông, mặt đối mặt với Chúa Jêsus, ánh sáng làm lòa mắt ông và ông thấy tất cả sự công chính của ông dưới Kinh luật chỉ là giẻ rách bẩn thỉu, và ông làm chứng trong Rôma 7:10 như sau:

“ “Tôi nhận ra rằng điều răn nhằm đem sự sống thì lại đưa đến chỗ chết.”” (Rôma 7:10)

Phaolô tìm thấy rằng Kinh luật mà ông quá sốt sắng tuân giữ để được sự cứu rỗi, lại là đao phủ và tử hình ông. Ông nói Kinh luật thay vì ban sự sống thì lại giết chết ông:

“ “vì qua điều răn, tội lỗi lợi dụng cơ hội lừa dối tôi và giết chết tôi.”” (Rôma 7:11)

Sau đó Phaolô nhận ra tiêu chuẩn cao của Kinh luật Ðức Chúa Trời và thêm trong câu 12:

“ “Cho nên Kinh luật là thánh, điều răn cũng là thánh, công chính và tốt lành.” (Rôma 7:12).

Mục đích của Kinh luật là chỉ rõ sự thật và bản chất xấu xa của tội lỗi. Kinh luật không tạo ra tội lỗi nhưng bày tỏ trung thực bản chất của tội lỗi. Phaolô tiếp tục lý luận trong Rôma 7 như sau:

     “Vậy điều lành lại trở thành sự chết cho tôi sao? Chẳng hề như vậy; nhưng chính tội lỗi, đã lấy điều lành làm cho tôi chết hầu cho nó hiện rõ ra là tội lỗi.. Như thế qua điều răn, tội lỗi trở thành cực kỳ ác.”” (Rôma 7:13).

Ghi nhớ câu sau cùng. Như thế qua điều răn tội lỗi trở thành cực kỳ ác.” Trước khi có Kinh luật, con người có thể là ngu dốt không biết ý chỉ toàn thiện của Ðức Chúa Trời; nhưng khi Kinh luật đến thì không còn cách nào tự bào chửa cho mình được nữa. Phaolô đã nói lẽ thật nầy trong Rôma 5:20.

“ Kinh luật đến để sự phạm pháp gia tăng; nhưng ở đâu tội lỗi gia tăng thì ân sủng lại càng dồi dào hơn.””

Kinh luật giống như tấm gương bày tỏ tình trạng trung thực của tội nhân khi đã phạm tội.. Không có tấm gương đó, con người không thể thấy mình thật sự như thế nào. Nhưng chỉ một tấm gương có thể làm được, cho chúng ta thấy gương mặt dơ bẩn cần phải được rửa sạch. Nó không thể rửa cho chúng ta. Cầm tấm gương lên và thử sử dụng nó như khăn lau mặt, nó sẽ làm vấy bẩn thêm và làm cho cả mặt đều bẩn. Dùng tấm gương mà lau chỉ làm cho tình trạng xấu hơn thôi. Thay vì là tấm gương chúng ta lấy xà phòng và nước. Cũng vậy đối với Kinh luật được ban cho để chỉ cho con người thấy thực trạng của mình và cần phải tẩy sạch, ngoài ra không có cách nào khác. Bây giờ chúng ta xoay qua ân sủng của Ðức Chúa Trời, khi chúng ta thật sự ăn năn và thú nhận tội lỗi mình để được tẩy sạch bằng nước của sự sống và được quyền năng tái sinh của Thánh Linh.

Tôi nhắc lại và muốn nhắc lại nhiều nữa: công dụng của Kinh luật không phải là cứu tội nhân, nhưng để chỉ cho thấy nhu cầu để được cứu rỗi. Khi Ðức Chúa Trời ban Kinh luật cho dân Ysơraên, họ chưa biết được tính nghiêm trọng của tội lỗi họ. Họ cứ tưởng họ có khả năng và có thể xứng đáng nhận được sự gia ơn của Chúa nhờ đức hạnh và việc làm tốt của họ. Vì vậy Ðức Chúa Trời ban cho họ cả điều kiện, cả luật lệ để thi hành nếu họ nói họ xứng đáng được Chúa ưu đải. Dân Do Thái sống dưới Kinh luật 1600 năm, nhưng không có người Do Thái nào được cứu nhờ tuân giữ Kinh luật. Không một miễn trừ, tất cả đã được cứu nhờ ân sủng bởi đức tin vào sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Jêsus. Khi Chúa ban Kinh luật của Ngài trên núi Sinai, Ngài cũng vạch cho con đường đến Ðền tạm và cách thức dâng của lễ có máu. Những của lễ nầy và Ðền tạm chỉ về sự hầu đến của Ðấng Cứu chuộc. Không phải Chúa chỉ ban cho Kinh luật tại núi Sinai mà không có sự quan phòng tha thứ của Chúa qua con đường đến Ðền tạm với của lễ chuộc tội bằng huyết, nếu không, không một người Do Thái nào được cứu cả.

Ðối với Tín hữu chạy đến với Chúa Cứu Thế, bỏ hết thảy hy vọng tự cứu, thì Chúa Cứu Thế là cứu cánh của Kinh luật. Tuân giữ Kinh luật một cách hoàn hảo không phải là điều kiện của sự cứu rỗi, nhưng xưng ra sự bất chính của mình và tiếp nhận ân sủng của Chúa mới được xưng công chính.

“ “Vì Chúa Cứu Thế là cứu cánh của Kinh luật để ban sự công chính cho những người tin.”” (Rôma 10:4).

Nhớ kỷ điều nầy, Chúa Cứu Thế là cứu cánh của Kinh luật vì sự công chính cho các Tín hữu. Ngài không nói rằng Kinh luật không còn nữa, nhưng cho Tín hữu Kinh luật là cứu cánh có nghĩa là nhờ tuân giữ Kinh luật mới có công chính. Người đó được cứu nhờ ân sủng. Cho nên bây giờ chúng ta không còn ở dưới Kinh luật nữa, mà dưới ân sủng. Tín hữu không còn ở dưới Kinh luật, sự đe dọa và trừng phạt của nó nữa. Chúng ta đã chết đối với Kinh luật (Galati 2:19) được tự do khỏi Kinh luật và được giải phóng khỏi Kinh luật.

Với sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế, chế độ Kinh luật đã chấm dứt, và khi Chúa Jêsus thét lên: “Mọi sự đã được trọn”, Ngài đã đáp ứng nhu cầu của Kinh luật thánh, trả xong án phạt, và cho chúng ta những người tin, sự công chính của Kinh luật được qui cho chúng ta và được ứng nghiệm trong chúng ta.

Nhưng có người hỏi, ngày nay chúng ta không cần có Kinh luật để chỉ cho chúng ta tội nữa sao? Bạn ơi, tôi xin lịch sự hỏi bạn, chúng ta có cần đến với Kinh luật để biết tội là thế nào không? Chắc chắn Kinh luật vẫn còn ở đó để trừng phạt tội nhân, nhưng chúng ta hôm nay có cách để biết bản chất thật của tội lỗi. Nó không chỉ được thấy tại núi Sinai mà thấy ở Gôgôtha. Sau 1600 năm sắm sét của Kinh luật. không một người nào được ban cho Kinh luật mà giữ được Kinh luật, nhưng thay vì sau khi chấm dứt 1600 năm, họ lại phạm trọng tội của thời đại là đóng đinh Chúa Jêsus là Ðấng đã tuân giữ Kinh luật một cách toàn hảo, lên thập tự giá tại Gôgôtha và tử hình Ngài như một tội phạm vi phạm Kinh luật. Sau khi sống nhiều thế kỷ dưới Kinh luật, họ đã chấm dứt bằng cách phạm tội ác của nhiều tội ác, đóng đinh Con của Ðức Chúa Trời. Bạn ơi, nếu bạn thực sự muốn thấy tội nào ở trong con người lỏa thể đồi bại đó, mời bạn theo tôi đến Gôgôtha. Hãy nhìn lên Con Ðức Chúa Trời tuyệt mỹ, vô tội, đang đổ huyết, đang hấp hối và hổ thẹn, bởi vì tội lỗi của chúng ta. Ở đó cho thấy bức tranh của tội lỗi. Ở đó cho thấy tội lỗi là như thế nào và tội nào xứng đáng, vì Ngài gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá. Nếu bạn muốn biết tội lỗi là gì thì xin hãy đến đồi Gôgôtha. Bạn chưa bao giờ ăn năn thực sự tội lỗi bạn cho đến khi bạn thấy tội bạn đã làm cho Ðấng Cứu Thế bị treo lên cây gổ như vậy.

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một Hội Thánh mà Kinh Luật Mười Ðiều răn được đọc mỗi Chúa nhật thờ phượng Chúa. Ðó là điều bắt buộc. Kinh luật đã phán xét và buộc tội tôi nhưng lòng tôi vẫn không thay đổi. Rồi đến một ngày tôi đối diện với Gôgôtha và ân sủng của Chúa, chỉ trong một phút tôi nhìn Ngài đã làm cho lòng bằng đá của tôi tan chảy vì ba mươi mốt năm lòng tôi luôn chống nghịch sự đe dọa của Kinh luật. Một phút chốc tại Gôgôtha đã làm bao nhiêu năm chúng ta sống trong bóng của Sinai và dưới sấm sét của Kinh luật mà không làm nổi. Hãy từ bỏ mọi cố gắng theo ý riêng mình và thú tội với Chúa rằng con là một tội nhân cứng lòng gian ác đáng bị trừng phạt vì con đã phạm hết các Kinh luật của Chúa, rồi quay lại với Ngài để được ân sủng và thương xót. Chắc chắn bạn sẽ tìm được sự bình an.

Xin hát Thánh ca 100 “Gần Thập Tự”:

Jêsus giữ tôi gần thập tự.

Gần hông tuôn huyết suối ra

Lưu xuất ở nơi Gô gô tha

Nghìn thu công hiệu chẳng ngoa.

****************

Phần 3 – MỤC ÐÍCH CỦA KINH LUẬT.

3.1. ÐƯỢC XƯNG CÔNG CHÍNH BỞI ÐỨC TIN CHỨ KHÔNG PHẢI BỞI VIỆC LÀM THEO KINH LUẬT

f83cfc4f-cb90-86f4-95d3b94b1cf6a929

Người Tín hữu trong Chúa Cứu Thế ở dưới Kinh luật hay dưới ân sủng?

Ðây là vấn đề chúng ta đã bàn cải trong chương trước. Trong thời kỳ các sứ đồ, có nhiều cách nhìn của nhiều nhóm khác nhau; và qua Kinh Thánh, vấn đề trở nên trong suốt như pha lê, nhiều sự giải nghĩa vẫn cứ dai dẳng và có nhiều ý kiến khác biệt nhau và rộng trong vấn đề nầy. Nói cách tổng quát, chúng ta có thể phân loại những sai trật liên quan đến Kinh luật và Ân sủng với ba đầu mối chính. Có ba cách giải nghĩa sai lầm do ba trường phái tư tưởng đề xướng.

Trường phái thứ nhấtHợp pháp chủ nghĩa” (Legalism) dạy rằng chúng ta được cứu bởi công việc riêng của mỗi chúng ta, bởi tuân giử Kinh luật và làm theo Mười Ðiều răn. Sai lầm nầy đã có trước các sứ đồ, và Ðức Thánh Linh đã khải thị cho sứ đồ Phaolô viết một bức thư bác bẻ sự sai lầm to lớn hủy diệt linh hồn nầy. Ðó là thư Rôma. Sự tấn công mạnh vào người Rôma đơn giản như thế nầy: chúng ta được cứu nhờ ân sủng hoàn toàn ngoài việc làm của Kinh luật. Ông cho chúng ta một kết luận bằng lập luận ai cũng biết trong câu:

“Vì chúng ta khẳng định rằng loài người được xưng công chính bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm theo Kinh luật.” (Rôma 3:28).

Sự sai lầm thứ nhì có liên quan đến mục vụ của Kinh luật được gọi là trường phái Ðối nghịch với Hợp pháp” (Antinomianism). Từ ngữ thần học “antinomianism” từ chữ anti (đối nghịch) và nomos (luật pháp), và có nghĩa là “đối nghịch với luật pháp”.”Phái nầy dạy rằng vì chúng ta được cứu bởi ân sủng, nên một người sống cách nào hay cư xử thế nào thì cũng giống nhau thôi. Ðiều nầy cũng là một sai lầm đưa đến hủy diệt linh hồn, vả lại Ðức Thánh Linh cũng đã dành cả một sách trong Tân ước để bác bẻ thuyết “đối nghịch với hợp pháp” nầy. Ðó là thơ Giacơ, trong đó Ðức Chúa Trời giải thích rằng dù cho chúng ta được gỉải thoát khỏi Kinh luật của Ðiều răn nhờ công lao của Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng không ra khỏi nếu không luật pháp và trở nên bất pháp, nhưng chúng ta được đặt dưới một luật pháp mới, luật pháp của một đời sống mới, được gọi là luật tự do của hoàng gia. Ðó là luật yêu thương và biết ơn đáp ứng sự cứu rỗi chúng ta nhận được chỉ từ ân sủng mà thôi. Ðiều đó dạy rằng trong khi việc làm không có phần nào trong ân sủng cứu rỗi mà chúng ta nhận được, tuy nhiên công việc làm là kết quả và bông trái của sự cứu rỗi. Thánh Giacơ tóm tắt vấn đề nầy trong một câu rất dễ bị hiểu lầm:

Anh chị em thấy con người được công chính bởi hành động chứ không phải chỉ bởi đức tin mà thôi.” (Giacơ 2:24).

Bây giờ trên mặt phẳng, câu nầy có vẻ như mâu thuẩn với lập luận của Phaolô:

“Vì không một cá nhân nào do việc làm theo Kinh luật được xưng công chính trước mặt Ngài, vì qua Kinh luật người ta nhận biết rõ tội lỗi.” (Rôma 3:20)

Làm sao chúng ta có thể giảng giải lời dạy của Phaolô “xưng công chính bởi ân sủng chứ không phải bởi việc làm”. Và lời dạy của Giacơ “xưng công chính nhờ việc làm” Hai lời dạy đó có mâu thuẩn nhau không? Ðể có thể hiểu rõ được lời Kinh Thánh nầy cũng như lời ở các sách khác, chúng ta phải đặt hai câu hỏi. Thứ nhất ông đang nói chuyện với ai, và thứ nhì là ông đang nói về vần đề gì? Áp dụng nguyên tắc nầy vào lời dạy của Phaolô và Gia cơ. Phaolô trong thơ Rôma đang nói với chúng ta, làm sao một tội nhân có thể được xưng công chính trước mặt Ðức Chúa Trời, và rằng chỉ nhờ đức tin mà thôi. Câu chìa khóa là trước mặt Chúa”. Làm sao một tội nhân được cứu rỗi và được xưng công chính trước mặt Chúa? Câu trả lời là: “Bởi đức tin và chỉ bởi đức tin mà thôi”. Nhưng Giacơ đang tranh luận một vấn đề khác “làm sao một Tín hữu đã được xưng công chính trước mặt Chúa, bây giờ được xưng công chính trước mặt mọi người? Câu trả lời là: Bởi việc làm. Ðức Chúa Trời nhìn thấy đức tin trong lòng của người có tội ăn năn. Và tuyên bố ngưới đó được xưng công chính; nhưng loài người không biết được như vậy, cho đến khi họ thấy được tư cách đạo đức và việc làm của người được cứu ấy. Chúng ta được xưng công chính trước mặt Ðức Chúa Trời bởi đức tin; và chúng ta được xưng công chính trước mặt mọi người chỉ bởi công việc làm của chúng ta mà thôi.  Ðức tin là gốc rể, và việc làm là bông trái.

Cả Phaolô và Giacơ chỉ cho chúng ta thấy đời sống của Abraham như một tấm gương về sự xưng công chính bởi đức tin và bởi việc làm. Phaolô lưu ý chúng ta việc xãy ra trong đời sống Abraham hoàn toàn khác hẳn đối với Gia cơ. Abraham đã được xưng công chính trước mặt Ðức Chúa Trời khi ông tin những điều Ðức Chúa Trời phán liên quan đến đứa con được ban cho theo lời hứa:

Vì Kinh Thánh nói gì? Abraham tin Ðức Chúa Trời và vì thế được kể là công chính.”” (Rôma 4:3)

Ðó là đức tin không có việc làm. Nhưng khi Giacơ dùng Abraham làm tấm gương về xưng công chính bởi việc làm, ông cho chúng ta thấy một kinh nghiệm trong đời sống Abraham sau nhiều năm. Ðó là sự hy sinh con trai ông là Ysác vì ông vâng lời Ðức Chúa Trời. Ðây là một sự bày tỏ đức tin ông một cách công khai.  Bằng hành động dám hy sinh đó ông đã chứng tỏ cho loài người thấy đích thực đức tin của ông trong Chúa. Vì vậy Giacơ nói rằng:

Ápraham, tổ phụ chúng ta chẳng từng được kể là công chính do hành động hiến dâng con mình là Ysác trên bàn thờ sao?” (Giacơ 2:21)

Nên nhớ những lời nầy, khi ông đã hiến dâng con mình xong. Abraham đã được xưng công chính bằng đức tin trước mặt Ðức Chúa Trời hơn ba mươi năm trước đó, nhưng bây giờ, khi ông đã dâng con mình, ông đã xưng đức tin của ông trước mặt mọi người. Ðây là câu trả lời cho sự sai lầm của trường phái “đối nghịch với hợp pháp” khi họ dạy rằng khi chúng ta được cứu bởi ân sủng thì chúng ta sống thế nào cũng được điều đó không quan trọng gì. Ðó là một sai lầm nghiêm trọng không khác gì trường phái “hợp pháp chủ nghĩa”

Có một sai lầm thứ ba trong thời của Phaolô cũng liên quan đến Kinh luật. Thêm vào sự sai lầm của trường phái “hợp pháp chủ nghĩa” và “Ðối nghịch hợp pháp”, đó là trường phái khác được gọi theo ngôn ngữ thần học là “Chủ nghĩa Galati” (Galatianism), vì thường được thấy trong những Hội Thánh tại Galati. Trường phái nầy dạy rằng chúng ta được cứu bởi ân sủng không có việc làm, nhưng sau khi chúng ta được cứu chúng ta phải vâng giữ kinh luật cách trọn vẹn. Nói một cách thông thường, đó là “được cứu bởi đức tin và cũng bởi việc làm theo kinh luật” hay là “được cứu bởi ân sủng và vẫn giữ Kinh luật”.  Ðây là một trò lừa dối xảo quyệt của kẻ thù linh hồn chúng ta, vì, một khi được giải phóng khỏi Kinh luật thì chúng ta sẽ bị đặt trở lại dưới cái ách hợp pháp của sự cứu rỗi cơ bản và cuối cùng. Ðó là sự từ chối dứt khoát sự cứu rỗi nhờ ân sủng, vì cuối cùng sự cứu rỗi của chúng ta sẽ trở nên tùy thuộc vào cách ăn ở của chúng ta và việc làm theo Kinh luật.

Ðể bác bẻ lại sự sai lầm ác ý nầy về “được cứu nhờ ân sủng và cũng bởi việc làm”, Chúa Thánh Linh đã soi sáng cho sứ đồ Phaolô viết cả một thơ tín cho thấy sự sai lầm khủng khiếp khi dự phần vào sự cứu rỗi dựa theo cách ăn ở của mình. Ðó là thơ tín gởi cho người Galati. Người Galati đã tin lời dạy của Phaolô về sự cứu rỗi nhờ ân sủng. Nhưng sau đó nhiều giáo sư giả đến và nói rằng: “Ô, không, Phaolô đã sai rồi; đúng là chúng ta được cứu bởi đức tin đơn sơ không cần việc làm, nhưng sau đó, chúng ta là chính chúng ta. Dù cho cuối cùng bạn đến hay không đến, bây giờ là tùy thuộc nơi bạn và sự vâng giữ trọn vẹn Kinh luật của bạn.” Hãy lắng nghe Phaolô trả lời cho người Galati:

Hởi những người Galati ngu muội, ai đã mê hoặc anh chị em là những người mà việc Chúa Cứu Thế Jêsus bị đóng định trên thập tự giá đã được trình bày tỏ tường trước mắt? Sao anh chị em ngu muội đến thế? Anh chị em đã bắt đầu trong Thánh Linh nay lại muốn hoàn tất theo xác thịt?” (Galati 3:1, 3).

Phaolô hỏi: Cái gì! “Anh chị em nghĩ rằng Ðức Chúa Trời muốn cứu anh chị em nhờ ân sủng của Ngài rồi cho anh chị em hưởng một món quà tuỳ thuộc theo chúng ta?”“ Và lại đập dập mọi cố gắng giữ chặt nó để khỏi mất sự cứu rỗi của chúng ta, ông nói:

Vậy tất cả những ai cậy các việc tuân giữ Kinh luật đều bị rủa sả. Vì Kinh Thánh chép: Ðáng rủa sả thay cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật.”(Galati 3:10)

Nhiều người trong anh chị em tưởng rằng anh chị em có thể giữ được sự cứu rỗi của mình bằng cách ăn ở theo Kinh luật của Chúa, hãy chẩm rải và cẩn thận đọc câu đó, nhấn mạnh những chữ: Ðáng rủa sả, cho ai, tiếp tục, những điều đó. Tôi cũng muốn hỏi anh chị em câu mà Phaolô đã hỏi: Sao anh chị em ngu muội đến thế? Anh chị em đã bắt đầu trong Thánh Linh nay lại muốn hoàn tất theo xác thịt?”

Lẽ thật về ân sủng

Chúng ta đã thấy ba điều sai lầm đã gây tai hại cho Hội Thánh trong những ngày của các sứ đồ, chúng ta quay lại lẽ thật vinh quang giải thoát chúng ta ra khỏi sự rủa sả của Kinh luật, từ đầu cho đến cuối. Bất cứ lúc nào chúng ta giảng rằng chúng ta đã giữ được Kinh luật cũng như được cứu nhờ ân sủng, chúng ta đã bị cáo giảng dạy một lẽ đạo nguy hiểm Chúng ta bị cáo giảng dạy cho phép người ta phạm tội. Nhưng sự cáo buộc đó không phải là điều mới mẻ, vì sứ đồ đã phải đối diện với sự chỉ trích tương tợ. sau lời chứng nầy,

Vì chúng ta khẳng định rằng loài người được xưng công chính bởi đức tin chớ không bởi việc làm theo Kinh luật.”” (Rôma 3:28)

            Phaolô còn báo trước một sự phản đối, nên nói rằng:

Vậy qua đức tin chúng ta phế bỏ Kinh luật sao? Chẳng phải vậy, nhưng ngược lại chúng ta làm vững Kinh luật.” (Rôma 3:31).

Khi chúng ta nói rằng không ai có thể giữ Kinh luật cho trọn vẹn, như vậy chúng ta có làm cho lời chứng nầy bị xuống cấp không? Chúng ta có hủy bỏ Kinh luật không? Chúng ta có cho rằng điều khẳng định đó làm Kinh luật yếu đi không? hay cáo buộc Kinh luật không được hoàn hảo không? Ðiều đó có làm giảm nhẹ Kinh luật không?, khi chúng ta nói rằng Kinh luật thật là cao, rất thánh và hoàn mỹ, không có người nào đạt đến nổi. Chúa ngăn cấm, Phaolô nói. Ðiều quá trái ngược thì thật là đúng. – “Chúng ta thiết lập Kinh luật.”” Chúng ta xác chứng sự toàn hảo của nó, sự thánh khiết và tiêu chuẩn cao của nó, bằng cách đề cao Kinh luật quá cao mà tội nhân không thể đạt nổi. Vì Kinh luật là thánh, tội nhân không thể giữ nổi. Vì Kinh luật là toàn hảo, nên những người không toàn hảo không thể nào thoả mãn đòi hỏi hoàn hảo của Kinh luật được. Bởi vì Kinh luật là công chính, Kinh luật buộc phải trừng phạt những tội nhân bất chính..“Ðúng.” Phaolô nói: “Chúng ta thiết lập Kinh luật.” Chúng ta chứng minh sự toàn hảo của nó.

Ðược bảo vệ nhờ ân sủng

Phaolô biết rõ hơn là sự cứu rỗi nhờ vào chính mình. Ông hoàn toàn ở trong ân sủng của Chúa không chỉ để cứu ông và còn để bảo vệ ông, Ông nói:

Chính vì lý do đó mà ta chịu khổ như ngày nay. Tuy nhiên ta chẳng bao giờ hổ thẹn vì ta biết Ðấng ta đang tin, chắc chắn Ngài thừa khả năng bảo vệ điều ta ủy thác cho đến Ngày Phán xét sau cùng.”” (2 Timôthê 1:12)

Và hơn nữa:

Tôi tin chắc điều nầy, Ðấng đã bắt đầu làm một việc tốt lành trong anh chị em cũng sẽ hoàn thành điều đó cho đến ngày của Chúa Cứu Thế Jêsus.” (Philíp 1:6).

Phaolô nói điều đó hoàn toàn là ân sủng, từ ban đầu cho đến cuối cùng, hay là không phải ân sủng gì cả. Trước khi chấm dứt phần nầy, chúng ta phải trả lời câu hỏi chắc chắn sẽ được nêu lên. Có phải chúng ta không có việc làm cũng không có nghĩa vụ gì trong việc tuân giữ kinh luật của Chúa? Không! Kinh luật vẫn đứng vững để trừng phạt tội lỗi và tội nhân. Nhưng người Tín hữu, đã được giải phóng khỏi sự đoán xét và trừng phạt của Kinh luật, hiện đang sống dưới một Luật mới; được gọi là luật của tự do và yêu thương. Chắc chắn người Tín hữu muốn tuân giữ Kinh luật của Chúa, nhưng động lực hành động của họ đã thay đổi hoàn toàn. Họ không còn cố gắng tuân giữ Kinh luật để được sự cứu rỗi hay là tránh khỏi bị đoán phạt, nhưng họ đang tìm cách giữ Kinh luật để làm đẹp lòng Chúa, vì lòng biết ơn Chúa đã giải thoát họ ra khỏi sự rủa sả của Kinh luật. Luât yêu thương thay cho luật của tội lỗi và sự chết.

Ðây là một minh họa. Trên bàn viết tôi có một cây kim để trước mặt. Nó nằm im trên mặt kính được giữ nguyên nhờ trọng lực từ phía dưới – sức hút của trái đất. Chừng nào trọng lực đó còn, cây kim đó vẫn được giữ chặt như vậy. Nhưng nếu có một lực nào khác, tôi lấy một cục nam châm để phía trên cây kim, và tôi đã khắc phục được trọng lực bằng một lực mạnh hơn – sức hút của nam châm từ bên trên. Tôi không hủy bỏ được trọng lực hay là treo cây kim lửng lờ giữa khoảng không, nhưng nó đã khắc phục được nhờ luật từ bên trên. Trọng lực, sức kéo từ bên dưới, không có gia giảm chút nào; nó vẫn còn đủ sức mạnh cho đến muôn đời. Cũng vậy, khi chúng ta được cứu, chúng ta không khinh bỏ kinh luật và nói rằng chúng ta không còn ở dứơi sức mạnh của nó nữa, nhưng chúng ta bây giờ được ở dứơi một kinh luật cao hơn và đó là luật yêu thương. Người Tín hữu cố làm mọi cách làm đẹp lòng Chúa, chỉ vì tình yêu của Ngài chứ không phải vì sợ đóan phạt. Một câu cho chúng ta thấy rõ được điều đó:

‘‘Vì các điều răn: Ngươi chớ ngoại tình, ngươi chớ giết người, ngươi chớ trộm cắp, ngươi chớ tham lam, và bất cứ điều răn nào khác cũng đều tóm lược trong một câu nầy: “Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình. Tình yêu thương không làm hại người lân cận, cho nên yêu thương là làm trọn Kinh luật.’’ (Rôma 13:9,10)

Nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta sẽ vâng phục Ngài. Nếu chúng ta yêu người lân cận, chúng ta sẽ không làm hại người. Yêu càng nhiều thì Kinh luật càng ít; yêu càng ít thì Kinh luật cần gia tăng thêm. Tại sao chúng ta muốn vâng phục Chúa và tuân giữ Kinh luật của Ngài? Có phải vì chúng ta sợ bị đoán phạt, sợ uốn nắn, sợ mất sự cứu rỗi? Hay là vì “tình yêu trọn vẹn sẽ đánh tan lo sợ” và bây giờ động lực của chúng ta là lòng biết ơn và tình yêu cho sự cứu rỗi to lớn đó. Xin đặt câu hỏi cho chính mình hôm nay: “Tại sao tôi phải sống một đời sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời? Có phải vì sợ hải hay vì tình yêu?”

=  HẾT =

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Comments

Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Phần 2 và Phần 3 (Hết) — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *