HomeSÁCH BỒI LINH-TÁC GIẢ VNSách: "KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG"Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Phần 2

Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Mục sư Tiến sĩ Lê Kim Vâng

*************

Phần 2 — KHỞI ÐẦU VÀ CHẤM DỨT KINH LUẬT

2.1. PHÂN BIỆT GIỮA KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG.

the-ten-commandments-27-638

Tín hữu ở dưới Kinh luật, ở dưới Ân sủng hay là cả hai? Ðây là một thắc mắc đã được nêu lên gần hai ngàn năm qua, mà hàng triệu Tín hữu đã lầm lẫn, và không hiểu được rõ ràng sự phân biệt giữa Kinh luật và Ân sủng. Thánh kinh không có đề cập đến vấn đề nầy. Kinh luật không phải được ban hành để cứu rỗi ai. Chưa có một tội nhân nào trong lịch sử loài người đã được cứu nhờ giữ được Kinh luật. Thực ra, Chúa đã biết, trước khi Ngài ban Kinh luật cho dân Ysơraên, và bảo họ phải vâng phục Kinh luật, rằng không một ai (ngoại trừ chính Chúa Jêsus) có thể tuân giữ Kinh luật một cách trọn vẹn được; đúng, hơn nữa Ngài không bao giờ mong đợi cho người nào tuân giữ Kinh luật cách trọn vẹn. Chúng ta có thể nhân Kinh luật lên bằng con số để chứng minh rằng Thánh Kinh dạy sự bất lực tuyệt đối của Kinh luật để cứu chỉ một tội nhân, hoặc giữ cho chỉ một người thánh được cứu. Chúng tôi không mong các bạn đọc một số câu Kinh Thánh, nhưng chúng tôi phải trích dẫn một ít câu trong số nhiều câu khác. Rôma 3:19 và 20, Phaolô nói:

Nhưng chúng ta biết rằng những điều Kinh Luật dạy là dạy cho người ở dưới Kinh luật để mọi miệng phải ngậm lại và để cả thế gian đều chịu tội trước Ðức Chúa Trời.

 “Vì không một cá nhân nào do việc làm theo Kinh luật được xưng công chính trước mặt Ngài, vì qua Kinh luật người ta biết rõ được tội lỗi.”

Hay là hãy nghe Phaolô nói lại trong câu 28:

Vì chúng ta khẳng định rằng loài người được xưng công chính bởi đức tin chứ không bởi việc làm theo Kinh luật.

Hãy giỡ Galati chúng ta đọc:

Chúng ta biết rằng con người được tuyên xưng công chính không phải vì các việc tuân giữ Kinh luật, nhưng vì tin vào Chúa Cứu Thế Jêsus, ngay chính chúng ta cũng đã tin vào Chúa Cứu Thế Jêsus để được tuyên xưng công chính nhờ đức tin nơi Chúa Cứu Thế, không phải nhờ các việc tuân giữ Kinh luật, bởi vì không ai được tuyên xưng công chính nhờ các việc tuân giữ Kinh luật. (Galati 2:16)

Và trong câu 21, Phaolô đã đóng Kinh luật và nói:

Tôi không làm cho ân sủng của Ðức Chúa Trời thành vô hiệu; vì nếu nhờ Kinh luật mà được tuyên xưng công chính thì Chúa Cứu Thế chịu chết là vô ít. (Galati 2:21)

Một phân đoạn nữa:

Vậy tất cả những ai cậy các việc tuân giữ Kinh luật đều bị rủa sả. Vì Kinh Thánh chép: Ðáng rủa thay cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật”

Vả lại, không có ai nhờ Kinh luật mà được tuyên xứng công chính trước mặt Ðức Chúa Trời, đây là điều hiển nhiên vì:’Người công chính sẽ sống bởi đức tin.

Chúa Cứu Thế đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của Kinh luật khi Ngài chịu rủa sả thay cho chúng ta vì Kinh Thánh chép: Ðáng rủa sả thay cho kẻ bị treo trên cây gổ. (Galati 3:10,11,13)

Nếu những câu Kinh Thánh nầy có ý nghĩa cho tất cả, sẽ bày tỏ sự vô vọng để được cứu rỗi do việc làm của con người hay bởi tuân giữ Kinh Luật của Chúa. Muốn được cứu bằng Kinh luật thì Kinh luật phải được tuân giữ một cách trọn vẹn và liên tục, không có gián đoạn. Và Kinh Luật sẽ áp dụng cho mọi người. Nên nhớ, Kinh luật nói:

Ðáng rủa sả cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật.

Không có miễn trừ nào, vì có chép, “Mọi người” đều phải vâng phục trọn vẹn. Chỉ một tội thôi cũng đã đặt con người dưới sự rủa sả. Phải vâng phục tất cả, không một gián đoạn nào cả. Thánh kinh trong suốt như pha lê rằng Kinh luật không bao giờ được ban cho để cứu một người, không bao giờ được ban cho để xưng nghĩa cho tội nhân, hoặc thánh hóa một người thánh. Chúng tôi xin lập lại, vì vậy Ðức Chúa Trời không hề mong đợi chỉ một người tội nhân tuân giữ Kinh luật, vì Ngài biết khi Ngài ban cho Kinh luật thì Kinh luật đã bất khả thi rồi. Vì vậy, chúng ta đi đến một vấn đề khác: Như vậy tại sao Ðức Chúa Trời lại ban Kinh luât, nếu Kinh luật đó không cứu được ai cũng không làm cho họ khá hơn hay thay đổi lòng của họ. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết sau, nhưng trước nhất chúng ta phải làm thanh thoát một vài hiểu lầm về từ ngữ Kinh luật. Ðiều chúng ta phải hiểu khi nói đến ‘Kinh luật của Ðức Chúa Trời’ hay ‘Kinh luật của Môise’? Nhiều người chỉ nghĩ Mười Ðiều răn khi họ đọc chữ ‘Kinh luật’ trong Kinh Thánh.. Nhưng Kinh Thánh dùng chữ ‘Kinh luật’ để mô tả nhiều việc khác nhau. Ðôi khi chữ ‘Kinh luât’nói chung về Lời của Ðức Chúa Trời. Ðôi khi được dùng để phân biệt các sách của Môise với phần còn lại của Thánh kinh. Chúa Jêsus nói về Kinh luật và các tiên tri (Mathiơ 7:12).

Người Do thái trong thời Chúa Jêsus chia Thánh Kinh Cựu ước ra: (1) Kinh luật; (2) Thánh thi; và (3) tiên tri. Vì vậy Kinh luật gồm năm sách của Môise. Nói chung, năm sách đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước được gọi là Kinh luật, được phân biệt với các sách tiên tri trong Thánh Kinh Cựu ước. Nói riêng, những ý chỉ của Ðức Chúa Trời được ban cho dân Ysơraên qua Môise trên núi Sinai cũng được gọi là Kinh luật. Kinh luật nầy Chúa ban cho dân Ysơraên tại núi Sinai sau khi họ được giải phóng khỏi Aicập là một Ðơn Vị, nhưng bao gồm nhiều điều răn khác nhau. Phần đông tưởng rằng chỉ có Kinh luật Môise đem từ núi xuống là những bảng đá – Mười Ðiều răn – nhưng không phải chỉ bao nhiêu đó. Ðức Chúa Trời cũng ban cho Môise những luật liên quan đến những ngày Lễ hội, ngày thánh, của lễ, của dâng và luật về kiêng ăn, dân luật và khuôn mẫu Ðền tạm. Luật nầy bao gồm điều răn và nội qui khác nhau mà Môise đã nhận lãnh từ trên núi, phải ban ra cùng lúc với Mười Ðiều răn, và được mô tả chi tiết trong Xuất Êdíptô ký từ đoạn 20 đến 34. Tất cả những luật nầy, dân luật, kiêng ăn, tế lễ và luân lý cộng lại trở thành những quyển Kinh luật. Và Kinh luật của Ðức Chúa Trời chỉ có một. Kinh luật của Ðức Chúa Trời là một Ðơn vị. Có nhiều điều răn nhưng tất cá các sách nầy được kết hợp lại thành quyển Kinh luật..

Không phải là hai Kinh luật.

Cũng có nhiều người, vì không hiểu ân sủng của Ðức Chúa Trời và mục đích của Kinh luật, nên phân biệt giữa luật của Môise và Kinh luật của Chúa hay Kinh luật của Ðức Chúa Trời. Họ nói rằng Mười Ðiều răn là Kinh luật của Chúa, trong khi luật liên quan đến nội qui, của dâng, ngày Lễ hội và luật về kiêng ăn là luật của Môise. Họ nói rằng Chúa Jêsus đã hoàn tất luật của Môise, bao gồm các nôi qui, những công việc Ngài làm xong, không có bao gồm Mười Ðiều răn. Tuy nhiên, luật của Môise và Kinh luật của Ðức Chúa Trời là một, và nói rằng luật của Môi se đã hoàn tất và được hủy bỏ tại Gôgôtha chứ không phải là Luật của Ðức Chúa Trời, là hoàn toàn hiểu sai về Kinh Thánh. Sự diễn đạt luật của Môise và Luật của Ðức Chúa Trời có thể dùng thay đổi cho nhau.

Ba phần chủ yếu của Mười Ðiều Răn.

Trong sự liên kết chặt chẻ nầy chúng ta phải nhìn nhận có ba lãnh vực trong quyển Kinh luật và ý nghĩa rộng nhất của nó. Ba phần đó là:

  1. Mười Ðiều Răn là luật đạo đức (Xuất hành 20:1-26)
  2. Xét đoán (dân luật) (Xuất hành 21:1-24)
  3. Các qui tắc (Xuất hành 24-31)

 

Luật về Mười điều răn nói về hạnh kiểm đạo đức của dân Ysơraên và được nêu lên trong Mười Ðiều răn. Phần thứ hai là xét đoán nói về đạo đức xã hội cho nhân dân và dân luật cho đất nước. Phần thứ ba (các qui tắc) nói về các nghĩa vụ tôn giáo và nghi lễ cho đất nước Ysơraên, bao gồm các ngày thánh, của dâng, của lễ. Nhưng tất cả các phần đó là Kinh Luật duy nhất được ban cho bởi một Ðức Chúa Trời duy nhất, tại cùng một địa điểm, cùng một thời gian, cùng một đất nước, cùng một Môise, và cùng một mục đích.

Ðể chỉ rõ sự sai lầm khi phân biệt giữa luật của Môise và Luật của Ðức Chúa Trời trong Mười Ðiều răn, chúng ta cần lưu ý một sự thật có sức thuyết phục nhất. Kinh Thánh không có phân biệt nhưng chỉ dùng từ ‘luật của Môi se’ và ‘Luật của Ðức Chúa Trời’có thể thay đổi nhau. Thí dụ như trong Luca 2:22-24:

‘‘Khi kỳ thanh tẩy theo luật Môise đã hoàn tất, Giôsép và Mari đem hài nhi Jêsus lên Giêrusalem để dâng cho Chúa, như đã ghi trong luật của Ngài, mỗi trưởng nam phải được dâng hiến cho Chúa và để dâng tế lễ theo luật Chúa dạy: ‘Một cặp chim ngói hai con bò câu non.’’

Lưu ý trong đoạn kinh văn nầy Mari nói đem dâng hài nhi Jêsus cho Chúa để làm theo luật của Chúa và dâng của lễ theo đúng luật của Chúa. Tôi hỏi bạn, chỗ nào trong Mười Ðiều răn nói về việc dâng tế lễ cho Chúa? Cũng trong sách Luca 2:39, chúng ta tìm thấy:

« Sau khi làm xong mọi việc theo Luật Chúa ấn định, Giôsép và Mari trở về Galilê, thành Naxarét là thành của mình. »

Vì vậy nếu phân biệt luật cuả Môi se và Luật của Chúa để cho tiện và theo ý riêng của mình là điều do loài người tự tạo ra (nhân tạo), và đó là sự vi phạm về Kinh Thánh. Nếu Chúa Jêsus chỉ làm xong một phần luật pháp, rồi Ngài mới làm trọn luật pháp thì làm sao?

« Vì tội lỗi không còn thống trị anh chị em, bởi anh chị em không ở dưới kinh luật nhưng ở dưới ân sủng. (Rôma 6:14) « nhưng bây giờ chúng ta được thoát khỏi luật » (Rôma 7:6) « Vì trong Chúa Cứu Thế Jêsus luật của Thánh Linh sự sống đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và của sự chết. » (Rôma 8:2)

« Vì bởi kinh luật mà tôi đã chết đối với Kinh luật để sống cho Ðức Chúa Trời. » (Galati 2:19)

Tại sao có Kinh luật?

Một câu hỏi quan trọng được nêu lên, tôi chắc chắên như đã được bày tỏ rằng không thể công chính hóa cho ai, thánh hóa cho ai hay thỏa mãn cho ai. Vấn đề là, tại sao Ðức Chúa Trời ban cho Kinh luật mà loài người không thể giữ được, nhưng chỉ để đoán phạt tội nhân? Phaolô, một nhà dẫn giải về Ân sủng, đã thấy trước câu hỏi đó nên nói trong Galati 3:19 rằng,

« Thế thì Kinh luật để làm gì? »

Ðây là câu hỏi không tránh được, vì Phaolô đã chứng minh trong những chương trước rằng Kinh luật không giúp cứu con người hay thay đổi con người. Như vậy câu hỏi ‘Thế thì Kinh luật để làm gì?’cũng đúng thôi. Kinh luật dùng cho mục đích gì? Phaolô đã trả lời ngay một cách thật là cô đọng, rõ ràng và toàn diện Lời của Chúa. Lý do nào mà Ðức Chúa Trời đã ban Kinh luật nếu không cứu, xưng công chính, thánh hoá hay thỏa mãn được ai? Xin nghe câu trả lời soi sáng nầy:

« … Kinh luật đã được thêm vào vì sự vi phạm cho đến khi Ðấng, tức là dòng dõi đã hứa, đến. Kinh luật được ban bố bởi các thiên sứ và qua một người trung gian. » (Galati 3:19).

Ba Ðiều được thêm vào

Nên nhớ ba điều đã được nói rõ ràng trong câu trả lời của Phaolô, « Kinh luật được thêm vào vì sự vi phạm cho đến khi Ðấng, dòng dõi đã hứa, đến. » như sau:

1/ Khởi đầu Kinh luật – Kinh luật đã được thêm vào – dĩ nhiên được thêm vào cái gì đó đã có từ trước.

2/ Chấm dứt Kinh luật – Kinh luật đã được thêm vào cho đến khi Ðấng, dòng dõi đã hứa, đến. Kinh luật không chỉ có khởi đầu nhưng đã có cho đến khi dòng dõi đến. Như vậy đã có một thời gian khởi đầu trước khi được thêm vào và rồi kéo dài cho đến khi dòng dõi đến. Phaolô cho chúng ta biết ý nghĩa dòng dõi là gì, trong câu 16 như sau:

« Về các lời hứa đã được ban cho Ápraham và dòng dõi ông, Kinh thánh không nói: Cho các dòng dõi ngươi, như là cho nhiều người, nhưng nói: Cho dòng dõi ngươi như là cho một người tức là Chúa Cứu Thế. » (Galati 3:16).

Dòng dõi trong câu nầy là Chúa Cứu Thế, và như vậy chúng ta có thể thay thế « Chúa Cứu Thế » cho « dòng dõi » và chúng ta sẽ đọc là « Kinh luật đã được thêm vào cho đến khi Chúa Cứu Thế đến là Ðấng được lời hứa. »

Công vụ của Kinh luật là ‘Thiên định’. Giăng Báp Tít nói rõ vấn đề nầy như chiều dài của Kinh luật thiên định khi ông giới thiệu Chúa Cứu Thế như sau:

« Thật vậy Kinh luật được ban hành qua Môi se, còn ân sủng và chân lý được hình thành qua Chúa Cứu Thế Jêsus. » (Giăng 1:17).

Chúng ta sẽ trở lại đoạn Kinh văn quan trọng nầy trong phần sau. Bây giờ chúng ta nói về điều thứ ba mà Phaolô đã trả lời cho câu hỏi ‘‘Tại sao có Kinh luật?’’ Ðiều thứ nhất là khởi đầu Kinh luật, điều thứ hai là chấm dứt Kinh luật; và bây giờ là điều thứ ba.

3/ Mục đích của Kinh luật. ‘‘Kinh luật đã được thêm vào vì sự vi phạm’’ Chúng ta có thể đọc là ‘‘để bày tỏ tội lỗi như một sự vi phạm.’’ Trước khi Kinh luật được ban cho thì không có sự vi phạm Kinh luật. Tội lỗi thì có, nỗi loạn cũng có, nhưng không có sự vi phạm Kinh luật vì chưa có Kinh luật. Phaolô quả quyết rõ ràng và đầy đủ như sau:

‘‘Vì Kinh luật gây ra thịnh nộ, ở đâu không có Kinh luật thì cũng không có sự vi phạm.’’ (Rôma 4:15).

Ðiều đó là rõ ràng, trước khi có Kinh luật thì không có sự vi phạm. Chúng ta đặt vấn đề. Như vậy thì không có tội lỗi trước khi Kinh luật đến sao? Có người cho rằng tất cả tội lỗi là sự vi phạm Kinh luật. Vậy thì vi phạm Kinh luật tức là phạm tội; nhưng trước khi Kinh luật đến thì không có tội cũng không có vi phạm Kinh luật, vì chưa có Kinh luật. Vâng, tội lỗi đã có trước khi Kinh luật được ban hành, và tội lỗi chỉ là điều ác và sai, chỉ khủng khiếp, ghê tởm trước khi có Kinh luật cũng như sau khi có Kinh luật. Phaolô đã nói rõ:

‘‘Trước khi có Kinh luật thì tội đã có trong thế gian rồi, nhưng khi chưa có Kinh luật thì tội cũng không được kể.’’  (Rôma 5: 13).

Khi Kinh luật được ban hành thì Kinh luật định nghĩa cho tội lỗi là vi phạm Kinh luật. Mục đích của Kinh luật là chỉ rõ tội lỗi như là sự nổi loạn chống nghịch lại Ðức Chúa Trời., một sự nổi loạn chống nghịch rõ ràng hơn, vì nhờ Kinh luật chúng ta mới biết tội lỗi. Không một câu trong Kinh thánh nói rằng nhờ Kinh luật chúng ta được cứu khỏi tội lỗi. Ðây là điều thứ nhất tội nhân phải học biết rằng không có ai được cứu nhờ cố giữ Kinh luật. Liều thuốc hay nhất là nhận tội trước Kinh luật và chạy đến Chúa Cứu Thế Jêsus để nhờ sự thương xót Chúa mà được cứu rỗi. Không phải bởi công lao tay mình có thể làm trọn Kinh luật Chúa đòi hỏi; vì tội lỗi không ai được cứu chuộc. Bạn được cứu và chỉ một mình bạn mà thôi.

********************

2.2. TÍN HỮU KHÔNG Ở DƯỚI KINH LUẬT MÀ DƯỚI ÂN SỦNG.

Tín hữu có ở dưới Kinh luật hay không?

Ðó là một câu hỏi nóng bỏng trong những ngày của Phaolô; và dầu cho Kinh Thánh vẫn trông suốt trong câu trả lời được Ðức Thánh Linh soi dẫn rằng người Tin Hữu không ở dưới Kinh luật, nhưng ở dưới ân sủng. Người có lòng kiêu ngạo sẽ không chấp nhận ân sủng của Chúa, họ sẽ cố gắng tự cứu mình bằng những việc lành của họ.

Và đó cũng là điều mà Satan muốn loài người làm như vậy. Satan, kẻ thù của linh hồn chúng ta, muốn chúng ta phải có tín ngưỡng, phải làm điều lành. Nó cũng muốn loài người chúng ta phải cố gắng tự tu thân, cố gắng tuân hành Kinh luật, luôn lao động, làm việc khó nhọc, luôn đứng đắn, thành thật và ngoan đạo, cố gắng giữ Mười Ðiều răn và ngày Sabát, cố làm cho mình có giá trị trước mặt Chúa thay vì tiếp nhận ân sủng của Ngài. Nhưng Phaolô nói rằng đó là tin lành khác, và là sự khôn ngoan lường gạt của kẻ thù linh hồn chúng ta, muốn giữ chúng ta luôn là những tội nhân nghèo nàn, vô vọng, không có sự giúp đở, ngăn trở chúng ta đến với Chúa Cứu Thế đầy ân sủng. Theo Phaolô, Kinh luật được ban cho không phải để cứu rỗi, nhưng để chỉ sự ghê sợ của tội lỗi và chúng ta cần phải được thêm vào và thêm vào cái gì? Khi chúng ta thêm cái gì vào, thì cái đó đã có trước rồi mình mới thêm vào được. Khi chúng ta làm bánh: «lấy hai tròng đỏ trứng, và thêm vào hai cúp bột » có nghĩa là trước nhất là có hai cúp bột rồi mới thêm trứng và cái khác vào. Phaolô nói Kinh luật được thêm vào. Thêm cái gì vào? Ðoạn Kinh văn Galati 3:19 chúng ta tìm thấy câu trả lời. Kinh luật được thêm vào Ân sủng của Ðức Chúa Trời. Tại đây Phaolô cho thấy rằng Ápraham sống dưới ân sủng, chớ không phải dưới Kinh luật.

Nên nhớ kỷ Phaolô lập luận:

«Tôi muốn nói thế này: Giao ước đã được Ðức Chúa Trời thiết lập thì Kinh luật, là điều mãi bốn trăm ba mươi năm sau mới có, không thể hủy bỏ giao ước đó và làm cho lời hứa trở nên vô hiệu được. Vì nếu bởi Kinh luật mà hưởng gia tài thì không còn nhờ lời hứa nữa. Nhưng Ðức Chúa Trời đã dùng lời hứa để ban ân phúc cho Ápraham.» (Galati 3:17,18)

Ðây là một đoạn Kinh văn rất là quan trọng. Phaolô nói rằng Kinh luật không được ban cho đến bốn trăm ba mươi năm sau Chúa mới lập giao ước ân sủng với Ápraham. Khi Ápraham còn sống thì không có Kinh luật viết tay, nhưng Ápraham đã hoàn toàn sống dưới ân sủng. Không có sự sai lầm nào cả: «Kinh luật không được ban cho, cho đến bốn trăm ba mươi năm sau Chúa mới lập giao ước với Ápraham.» Giao ước ân sủng với Ápraham là không có điều kiện. Và bốn trăm ba chục năm sau, Ðức Chúa Trời mới thêm Kinh luật vào. Ápraham ở dưới ân sủng, Isác ở dưới ân sủng, Giacốp ở dưới ân sủng, con cái Ysơraên ở dưới ân sủng khi họ làm nô lệ tại Aicập. Họ được giải phóng khỏi Aicập nhờ ân sủng, họ vượt Biển đỏ nhờ ân sủng, và khi họ đến núi Sinai, Ðức Chúa Trời thêm Kinh luật vào. Kinh luật không có truất bỏ ân sủng. Kinh luật không có thay thế ân sủng. Kinh luật không có hủy bỏ lời hứa về ân sủng. Kinh luật được thêm vào và dân Ysơraên vẫn ở dưới ân sủng, khi Ðức Chúa Trời thêm Kinh luật vào. Xin đọc lại Galati 3:17 – sự ban cho Kinh luật không phải là hủy bỏ giao ước về ân sủng đối với dân Ysơraên. Kinh luật được thêm vào ân sủng, để dân Ysơraên ở dưới Kinh luật và Kinh luật kết tội họ, nhưng tạ ơn Ðức Chúa Trời, cũng dưới ân sủng đã có dự phòng cho sự vi phạm Kinh luật. Nếu ân sủng bị cất đi trong khi dân Ysơraên được ban cho Kinh luật thì tất cả họ đều bị hư mất rồi.

Khi nào và ở đâu Kinh luật được thêm vào?

Ðể hiểu được tại sao Ðức Chúa Trời thêm Kinh luật vào ân sủng, chúng ta phải thấy sự sắp đặt để Kinh luật được ban cho, và hoàn cảnh nào đưa đẩy tới. Chúng ta đã có nhiều chi tiết ghi nhận trong Xuất hành 19 và 20. Rất ít Tín hữu biết được những hoàn cảnh dẫn đến sự ban cho Kinh luật. Tôi gợi ý để các bạn đọc đi đọc lại nhiều lần và nghiên cứu Xuất hành đoạn 19. Trong Hội Thánh chúng ta thường chỉ nghe đọc về Mười Ðiều răn, mà không có đọc những câu thật là quan trọng trước và sau khi ban hành Mười Ðiều răn. Xin chúng ta giở ra Xuất hành 19. Dân Ysơraên đã ra khỏi Aicập được ba tháng (Xuất hành 19:1). Thật là ba tháng đầy sóng gió. Một dân tộc được giải phóng ra khỏi nô lệ, được chuộc ra khỏi chết, được cứu nhờ ân sủng, và mới vừa ra khỏi Aicập, họ đã nổi loạn chống lại Ðức Chúa Trời. Chỉ có ba ngày ra khỏi Aicập, chúng ta đọc thấy:

Do đó, dân chúng than phiền với Môise: ‘Chúng tôi lấy gì uống đây?’ (Xuất hành 15:24)

Một lần nữa Ðức Chúa Trời đã giải quyết bằng ân sủng, dẫn họ đến Êlim, nơi đó có mười hai giếng nước và bãy chục cây chà là. Nhưng họ có biết ơn Chúa không? Họ có nhận biết tội lỗi chống nghịch của họ là đáng sợ không? Ồ, không! Khi họ rời khỏi Êlim thoải mái đó, họ đến Sinai hai tháng sau. Họ làm gì ở đây? Một lần nữa họ lằm bằm, chúng ta đọc tiếp:

«Khi ở trong sa mạc toàn dân Ysơraên phiền trách Môise và Arôn. Họ nói với hai ông rằng: «Thà chúng tôi chết vì bàn tay của Chúa trong xứ Aicập khi ngồi quanh nồi thịt và muốn chi có nấy còn hơn là để hai ông đem vào sa mạc để chết đói cả đám! » (Xuất hành 16:2,3)

Bạn có tưởng tượng một dân tộc, được giải phóng ra khỏi nô lệ, được cứu khỏi phải để con cái họ bị ném xuống sông, chuộc họ khỏi mưu đồ của Pharaôn muốn đuổi họ ra khỏi xứ, đã phạm tội chống nghịch với Ðức Chúa Trời? Bạn có thể tưởng tượng dân tộc nầy được giải phóng khỏi nô lệ chưa đầy ba tháng đã kết án Chúa, cũng như kết án Môise và Arôn, đã đem họ vào đồng vắng để giết chết họ không thương xót, cho họ chết đói? Họ tố cáo Môise đã có kế họach gian ác xô đuổi họ khi họ mới được giải phóng. Tại sao Ðức Chúa Trời không trừng phạt hai ông? Tại sao Ðức Chúa Trời không sai lửa từ trời thiêu hủy hai ông? Tại sao Ðức Chúa Trời lại cho phép những người nô lệ được giải phóng nầy tố cáo Ngài một cách độc ác như vậy? Xin nghe câu trả lời! Họ đang ở dưới ân sủng, và không ở dưới Kinh luật! Nếu họ chỉ ở dưới Kinh luật thôi thì Ðức Chúa Trời sẽ kết tội họ trong địa ngục, và lịch sử huy hoàng của Ysơraên không bao giờ được viết cả.

Dân Ysơraên ở dưới ân sủng của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời đã lập giao ước ân sủng với họ qua Ápraham, tổ phụ của họ, vì vậy, thay vì ban cho họ những yêu cầu điên dại của họ và thách thức Ðức Chúa Trời tiêu diệt họ, thì Ngài đã làm ngược lại – Ngài ban cho họ bánh từ trời. Ðó là bánh thương xót và ân sủng của Ðức Chúa Trời.

Một đất nước khát khao

Họ không có cảm kích được ân sủng của Ðức Chúa Trời. Không mấy chốc đất nước nầy lại cáo buộc Ðức Chúa Trời. Xuất hành 17 ghi nhận một đất nước phản loạn trong đồng vắng. Chúng ta hãy nghe họ than phiền:

« … Nhưng vì quá khát nên họ cứ phiền trách Môise và nói: Tại sao ông đem chúng tôi ra khỏi Aicập để cho chúng tôi, con cái chúng tôi và bầy súc vật phải chết khát?» (Xuất hành 17:3)

Có sự cáo buộc dễ sợ nào chống lại Ðức Chúa Trời như vậy không? Nhưng thay vì phán xét, Ðức Chúa Trời đã trả lời cho chọ bằng ân sủng chứ không phải sự trừng phạt theo Kinh luật. Ngài bảo Môise đập vào hòn đá và nước sẽ chảy ra. Ðiều đó đã xãy ra trong vòng ba tháng sau khi họ thấy được sự giải cứu lạ lùng của Chúa. Dân tộc nầy mạnh ở chỗ nào? Câu trả lời rất đơn giản. Họ không biết cũng không nhìn nhận tính nghiêm trọng của tội lỗi họ. Họ không hiểu tính chất và đặc điểm của tội lỗi.. Họ không biết sự trừng phạt đối với sự phản loạn của họ sẽ như thế nào. Họ không đánh giá được sự thật về tình thương xót và ân sủng của Chúa đối với họ. Họ không có cảm biết tội lỗi của họ lớn như thế nào và sự bất năng của họ để sống một đời sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời. Họ nghĩ họ xứng đáng được Chúa đối xử tốt. Họ tưởng tượng họ có khả năng làm theo ý chỉ của Chúa một cách hoàn hảo. Ðây không phải là tội của họ (họ lý luận như vậy) vì họ đói và khát là lỗi của Chúa. Tóm tắc, họ không biết được tính quan trọng của tội lỗi. Vì lý do đó, Ðức Chúa Trời ban cho họ một Kinh luật, một Kinh luật hoàn hảo, cho họ thấy thế nào là tội lỗi.

Quá trình

Ðây là một quá trình lằm bằm, phản loạn và vô ơn mà Ðức Chúa Trời phải ban Kinh luật trên núi Sinai cho dân Ysơraên. Ðức Chúa Trời gọi Môise lên núi, và ban cho ông một sứ điệp truyền lại cho dân Ysơraên.

«Môise lên với Ðức Chúa Trời khi Chúa gọi ông và phán dạy rằng: Ðây là điều con sẽ thuật lại cho nhà Giacốp và nói lại cho dân Ysơraên; Chính các ngươi đã thấy các việc Ta làm trong xứ Aicập và cách Ta đã đem các ngươi đến với Ta.» (Xuất hành 19:3,4).

Hãy quan sát cẩn thận điều mà Chúa đã nhắc nhở họ trước khi Ngài ban cho họ hai bảng đá Mười Ðiều răn. Ngài nhắc họ rằng họ đang ở dưới ân sủng. Mọi việc xãy đến cho họ, giải phóng họ ra khỏi nô lệ Aicập và sự chết, đều là do ân sủng của Chúa. Nếu Ðức Chúa Trời đối xử với họ bằng công lý căn cứ theo Kinh luật, họ sẽ bị hư mất. Vì vậy Chúa nhắc nhở họ, trước khi họ sai lầm trong sự lựa chọn Kinh luật hơn ân sủng, vì tất cả phước hạnh của Chúa đều là ân sủng. Và Chúa cũng nhắc nhở họ về vi trí ở dưới ân sủng, Chúa thêm chữ «Nếu». Ân sủng của Ðức Chúa Trời là vô điều kiện, nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời thêm điều kiện.

«Bây giờ nếu các ngươi vâng phục Ta hoàn toàn và giữ giao ước Ta thì trong tất cả các nước, các ngươi sẽ là cơ nghiệp quí giá của Ta. Mặc dầu cả thế gian đều thuộc về Ta.» (Xuất hành 19:5)

Ðức Chúa Trời bây giờ ban ra một điều mới – Phước hạnh có điều kiện. Ngài nói Ngài sẽ làm cho họ với điều kiện họ phải vâng phục Ngài. Nếu họ vâng phục Ngài và giữ giao ước Ngài thì Ngài sẽ ban phước cho họ.

Loài người thật quá mù quáng? Lịch sử trong ba tháng vừa qua khi ra khỏi Aicập đã chứng minh rằng dân Ysơraên không có vâng phục Chúa hoàn toàn; họ không có giữ giao ước Chúa một cách triệt để. Họ đã thất bại, rồi thất bại, rồi thất bại, nhưng ân sủng của Chúa đã tha thứ cho họ, rồi tha thứ cho họ. Rõ ràng họ không nhận biết tính quan trọng của tội lỗi họ. Họ không đánh giá được ân sủng, nhưng tin rằng họ có thể làm bất cứ việc gì mà Chúa đòi hỏi họ làm. Có người nghĩ rằng khi Ðức Chúa Trời gợi ý ban cho Kinh luật và ban phước tùy theo điều kiện họ có vâng phục hoàn toàn hay không, họ muốn khóc lên: «Ô, không. Ông Môise ơi, xin ông trở lên núi và nói với Chúa rằng chúng tôi không muốn ở dưới Kinh luật mà chúng tôi không thể giữ được; chúng tôi không muốn nhận phước hạnh của Ngài tùy theo sự vâng phục hoàn toàn của chúng tôi, tùy theo công việc làm xứng đáng của chúng tôi. Chúng tôi không xứng đáng, chúng tôi không thể làm theo ý chỉ Ngài cách hoàn toàn được. Ông nói với Chúa, chúng tôi muốn ở dưới ân sủng mà thôi.» Nhưng cho dù hoàn toàn không thể tin được, câu trả lời của dân Ysơraên chắc chắn là ngược lại. Hãy nghe câu trả lời của họ với Chúa:

«Toàn dân đồng thanh trả lời rằng: Chúng tôi sẽ làm theo mọi điều Chúa đã phán dạy. Môise trình lại lời của họ với Chúa.» (Xuất hành 19:8).

Cơ khổ quá, dại dột quá! Cơ khổ quá, mù lòa quá! Họ tưởng rằng họ sẽ giữ được Mười Ðiều răn cho nên họ nói như vậy, «Chúng tôi sẽ làm tất cả các điều răn của Chúa.» Vâng, chúng con sẽ làm, sẽ làm! Ðáng lẽ họ nên nói: «Chúa ôi, chúng con cần ân sủng và sự thương xót chứ không phải Kinh luật, vì chúng con đã nhận thấy chính mình không thể vâng phục Ngài và giữ Ðiều Răn Ngài cách hoàn toàn được.» Chính họ đã chọn ân phước có điều kiện (Nếu) và chọn được ở dưới Kinh luật, vì họ tin rằng họ có thể giữ được Kinh luật mà Chúa ban cho.. Vì vậy Chúa dường như phán rằng, Các ngươi nghĩ các ngươi sẽ giữ được Ðiều răn Ta? Ðược, Ta sẽ ban cho các ngươi Kinh luật. Ta sẽ ban cho các ngươi một bộ luật lệ sẽ bày tỏ hoàn toàn ý chỉ của Ðức Chúa Trời, một sự khải thị hoàn toàn về sự thánh khiết của Ngài, những đòi hỏi phải có để xứng đáng nhận được phước hạnh của Ngài. Ðức Chúa Trời ban cho họ Kinh luật bày tỏ bản chất của tội lỗi và đòi hỏi phải làm trọn vẹn, liên tục, không gián đoạn sự vâng phục của họ, và cũng chỉ sự bất lực của dân Ysơraên tuân giữ Kinh luật.. Ðức Chúa Trời dường như phán rằng nếu các ngươi nghĩ các ngươi sẽ giữ được Ðiều răn của Ta, thì đây Ðiều răn đây nầy, hãy xem coi có làm được hay không.

Ðức Chúa Trời thay đổi thái độ :

Môise trở lên núi với Ðức Chúa Trời và đem theo thỉnh nguyện của dân Ysơraên: «Chúng tôi sẽ làm theo mọi điều Chúa đã phán dạy.» Ðể tỏ cho họ biết sự ngu xuẩn hoàn toàn trong thỉnh nguyện của họ mà họ nói rằng họ sẽ làm mọi điều Chúa đã phán dạy, Ðức Chúa Trời sẽ ban cho họ một Kinh luật để cho họ biết một cách trái ngược rằng loài người không thể được cứu nhờ giữ đúng Kinh luật, nhưng cũng cần nhờ ân sủng của Chúa nữa. Ðó là quá trình vì sao Chúa ban cho Kinh luật và chấm dứt với lời thỉnh nguyện của họ «Tất cả những gì Chúa đã phán dạy chúng tôi sẽ làm trọn.» Dân Ysơraên chọn Kinh luật thay vì ân sủng, và ngay lập tức thái độ của Chúa đối với họ hoàn toàn thay đổi. Bây giờ Chúa giấu mặt Ngài trong đám mây dầy đặc (Xuất 19:9), và sự ban cho Kinh luật cặp theo những điều ngăn cấm, ngăm đe, trừng phạt đến chết, nghi lễ, tiếng nổ vang rền, sấm chớp, khói bao phủ núi Sinai và cả núi rung chuyển dữ dội. Trong khung cảnh phán xét đó, nay Ðức Chúa Trời ban Kinh luật cho họ. Tôi muốn bạn đọc thật kỷ sự mô tả ban cho Kinh luật được ghi trong Xuất 19:9-24. Ðây là một khung cảnh phán xét, ngăm đe và tối tăm. Ðây cũng là hình ảnh cho việc hành xử Kinh luật. Kinh luật chỉ để nói lên sự không hài lòng của Chúa đối với tội lỗi, và Kinh luật không thể cứu người khỏi tội.

*****************

2.3. CON ÐƯỜNG CỨU RỖI.

Nếu bạn muốn nghe chuyện khủng khiếp, rùng rợn, sửng tóc gáy, khiếp đảm và thảm hại, tôi xin đọc cho bạn nghe một đoạn kinh văn nói về sự ban cho Mười Ðiều Răn trên núi Sinai trong Xuất hành19 như sau:

‘‘Vào buổi sáng ngày thứ ba có sắm sét chớp nhoáng, mây đen kịt bao phủ núi và có tiếng kèn thổi vang làm cho mọi người trong doanh trại đều rung sợ. Khói bao phủ núi Sinai, vì Chúa giáng lâm trong lửa. Khói từ núi bay lên như khói từ lò lửa hực và cả núi rung chuyển dữ dội.’’ (Xuất hành 19:16, 18).

Trong khung cảnh thảm hại nầy Ðức Chúa Trời ban cho dân Ysơraên Kinh luật thánh của Ngài. Ðây là sự thay đổi tột cùng của Ðức Chúa Trời khi Ngài đến gần với họ. Trước đó Ngài đối xử với họ bằng ân sủng và sự thương xót, nhưng dân Ysơraên không đánh giá được ân sủng của Ngài, không hiểu được sự nhân từ và sự thương xót của Ngài, cứ tưởng rằng họ có thể nhờ việc làm của họ và sự vâng phục của họ sẽ làm đẹp lòng Chúa. Khi Môise đề nghị để cho họ ở dưới Kinh luật, thì họ nói rằng: ‘‘Tất cả những điều Chúa đã phán chúng tôi sẽ làm trọn. Vì vậy Chúa phán: Các ngươi phải học biết rằng các ngươi chẳng làm được gì cả. Ta sẽ cho các ngươi một Kinh luật, một Kinh luật hoàn chỉnh xem các ngươi có làm trọn không.’’ Nên ghi nhớ sự thay đổi ngay lập tức trong tiếng phán của Ðức Giêhôva cho họ sau khi họ tuyên bố họ không cần ân sủng, vì họ thấy rằng họ có thể tự mình làm được điều đó và giữ được Kinh luật. Hãy nghe kết quả như thế nào:

‘‘Chúa phán với Môise rằng: Ta sẽ đến với con trong đám mây dầy đặc…’’ (Xuất hành 19:9).

Ðám mây bây giờ xuất hiện, che khuất mặt Chúa. Kế đó Chúa phán:

‘‘Con hãy đến với dân Ysơraên và bảo họ làm cho chính mình thánh sạch trong ngày hôm nay và ngày mai, bảo họ giặt áo xống.’’ (Xuất hành 19:10)

Ðây Kinh luật cho ngươi đây. Nó đem đến nghi lễ, thánh lễ, nó đặt một chứơng ngại giữa Chúa và dân sự Ngài. Bây giờ chúng ta theo dỏi phần còn lại:

‘‘Con phải vạch ranh giới xung quanh núi cho dân chúng và bảo họ: Phải cẩn thận đừng lên núi cũng đừng đụng đến chân núi. Ai đụng đến núi phải bị xử tử.’’ (Xuất hành 19:12).

Họ sẽ bị xử tử! Kinh luật đến và cũng là thần chết. Không được đến gần, sẽ bị chết. Như vậy ân sủng có khác hơn không?

‘‘Hởi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các con được yên nghỉ.’’ (Mathiơ 11:28).

            Và ‘‘…người nào đến với Ta, Ta sẽ không bao giờ ruồng bỏ!.’’ (Giăng 6:37). ‘‘Xin hãy đến! Người nào khát hãy đến, người nào muốn hãy nhận nước hằng sống miễn phí.’’ (Khải huyền 22:17).

Ðó là tiếng nói của ân sủng. Nhưng Kinh luật nói: ‘‘Ðừng đụng đến núi, ai đụng đến núi sẽ bị xử tử.’’ (Xuất hành 19:12). Phải tránh xa. Kinh luật thì giết; ân sủng làm cho sống.

‘‘Ai đụng đến núi phải bị xử tử. Người đó sẽ bị ném đá hoặc bị bắn tên cho chết; không ai được đưa tay sờ đến người đó. Dù là người ta hay súc vật, hễ đụng đến núi thì phải chết.’’ (Xuất hành 19:13).

Tình cờ phạm lỗi đụng đến núi là phải chết. Ðó là Kinh luật. Nhưng ân sủng thì nói rằng:

 ‘‘Thưa anh chị em, nếu có ai tình cờ phạm lỗi gì, thì anh chị em là những người thuộc linh, hãy lấy tinh thần nhu mì mà sửa chửa người ấy.’’ (Galati 6:1). Ðó là ân sủng. Kinh luật và ân sủng không chỉ khác nhau nhưng ngược hẳn khi áp dụng đối với tội lỗi.. Trong câu 14 và 15 còn thêm nhiều về nghi lễ và người Ysơraên không được phép gần vợ mình. Nhưng ân sủng nói rằng:

‘‘Hôn nhân phải được mọi người kính trọng, loan phòng phải giữ cho tinh khiết.’’ (Hêbơrơ 13:4).

Và vì vậy chúng ta có thể tiếp tục xem xét đến sự tương phản giữa Kinh luật và Âân sủng. Cân bằng Xuất hành đoạn 19 chúng ta cũng có thêm hình ảnh ảnh hưởng cho Kinh luật về khói và núi rung chuyển dữ dội và mọi người đều run sợ. Hình ảnh nào mà Kinh luật làm như vậy! Kinh luật đem lại sự sợ hải và đặt người ở dưới nô lệ, và đó là cái ách mà Kinh Thánh Tân ước nói rằng ‘‘tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta cũng chẳng từng mang nổi.’’ (Công vụ 15:10).

Bây giờ chúng ta tiếp theo đoạn 20 với Kinh luật đã ban cho trên hai bảng đá. Trong hai câu đầu, Ðức Chúa Trời lại nhắc họ chỉ có một Ðức Chúa Trời, bởi ân sủng, Ngài đã đem họ ra khỏi Aicập, bây giờ Ngài ban cho họ Kinh luật là điều họ cầu xin. Chúng ta hãy nghe những lời sau đây:

‘‘Ðức Chúa Trời công bố những lời nầy: Ta là Chúa, Ðức Chúa Trời của các ngươi, đã đem các ngươi ra khỏi Aicập, khỏi đất nô lệ.’’(Xuất hành 20:1,2).

Ngài nhắc họ đã thật sự ở dưới ân sủng, trước khi Ngài ban cho họ Kinh luật. Ðây là một sự nhắc nhở đau xót và một sự quở trách bén nhọn đối với lòng tự phụ của họ khi họ nói rằng: ‘‘Tất cả những lời Chúa phán chúng tôi sẽ làm được.’’ Giờ đây, hởi con cái Ysơraên, nếu các ngươi muốn được cứu nhờ việc làm, thì đây, Ngài đã ban cho Kinh luật – một loạt các điều răn và ngăn cấm: Ngươi không được…Ngươi không được… Ngươi không được… Ngươi phải…ngươi phải.. v.v… Ðây là Kinh luật cho các ngươi. Hãy sống như vậy nếu ngươi có thể. Ðức Chúa Trời ban cho họ Kinh luật, và một Kinh luật rất tốt đẹp. Không có gì tốt đẹp hơn. Ðây là Kinh luật hoàn hảo và vì Kinh luật là hoàn hảo và công chính, nó phải trừng phạt tất cả những ai vi phạm dù nhẹ nhất và phải đáp ứng sự đòi hỏi của nó.

‘‘Vậy tất cả những ai cậy các việc tuân giữ Kinh luật đều bị rủa sả. Vì Kinh Thánh chép: Ðáng rủa sả thay cho kẻ không bền chí tuân giữ mọi điều đã chép trong Kinh luật..’’ (Galati 3:10)

Ðức Chúa Trời ban cho họ Kinh luật và Kinh luật rủa sả và trừng phạt. Dân Ysơraên đã từ chối ân sủng, vì vậy Kinh luật được thêm vào – Kinh luật không thể cứu. Kinh luật áp dụng cho sự chết; Kinh luật trừng phạt tất cả những ai cố gắng để được cứu bằng việc làm. Chúng ta hãy xem kết quả của các câu sau khi Kinh luật được ban cho. Những câu nầy rất hiếm được đọc trong những Hội Thánh mà Kinh luật được đọc trong mỗi sáng Chúa nhật. Hãy thêm vào, có sấm sét chớp nhoáng, mây đen kịt bao phủ núi, có tiếng kèn thổi vang làm mọi người trong doanh trại đều run sợ.

‘‘Xin chính ông nói với chúng tôi và chúng tôi sẽ nghe lời, xin đừng để Ðức Chúa Trời phán với chúng tôi kẻo chúng tôi chết mất.’’ (Xuất hành 20:19)

Nếu các bạn trung thành giữ mãi Kinh luật, phải giữ tất cả Kinh luật và các lời quở mắng của Kinh luật. Ở đây chúng ta đã thấy khởi đầu của Kinh luật giữa các sấm chớp của sự phán xét và trừng phạt. Ðiều đó cho thấy người đó không thể được cứu bằng việc làm. Kinh luật không thể ban cho bình an, nhưng chỉ có run sợ; Không đem chúng ta đến Ðức Chúa Trời nhưng ngăn cách chúng ta khỏi Ðức Chúa Trời. Kinh luật Ðức Chúa Trời ban cho là hoàn hảo; vì vậy người bất toàn không thể giữ nổi; Kinh luật là thánh, vì vậy con người tội lỗi phải bị trừng phạt.. Là một Kinh luật công chính, vì vậy Kinh luật trừng phạt kẻ phạm luật.

Nếu con người không thể nhờ Kinh luật mà được cứu, thì làm sao người đó được cứu? Chỉ có nhờ ân sủng. Dưới ân sủng nầy dân Ysơraên được giải phóng ra khỏi Aicập. Và ân sủng nầy luôn giữ như hy vọng duy nhất cho dân Ysơraên, dù cho Chúa đã ban cho họ Kinh luật rồi. Kinh luật không thể thay thế cho ân sủng. Ân sủng cũng không thể hủy bỏ để thay thế Kinh luật vào.. Không, ân sủng của Chúa phải được giữ, vì nếu dân Ysơraên chỉ ở dưới Kinh luật, họ sẽ bị hư mất tức khắc. Ðây là sức mạnh trong lời của Phaolô khi trả lời câu hỏi đó. ‘‘Tại sao còn giữ Kinh luật?’’ Chúng ta đã thấy câu trả lời – Kinh luật đã được thêm vào; thêm vào ân sủng. Vì hơn 1600 năm dân Ysơraên ở dưới Kinh luật, nhưng không một người Ysơraên nào được cứu nhờ giữ Kinh luật, nhưng họ đã chấm dứt sau 1600 năm bằng cách phạm một tội ác chính yếu nhất của cả nhân loại là đóng đinh chỉ một Người đã giữ được kinh luật một cách trọn vẹn – chính Chúa Cứu Thế Jêsus. Kinh luật đã được ban cho để chứng minh rằng con người không thể nhờ giữ Kinh luật mà được cứu và vì vậy đã làm cho họ bằng lòng tiếp nhận ân sủng của Chúa, không cần có việc làm của kinh luật. Tại đây chúng ta có khởi điểm của Kinh luật. Kinh luật đã được thêm vào tại núi Sinai, không phải thay thế ân sủng, nhưng thêm vào ân sủng. Mỗi người Tín hữu Ysơraên trong cả thời đại của Kinh luật từ Sinai đến Gôgôtha đều được cứu nhờ ân sủng. Chúng ta đến lúc phải chấm dứt Kinh luật vì Phaolô nói rằng:

‘‘Thế thì Kinh luật để làm gì? Kinh luật đã được thêm vào vì sự vi phạm cho đến khi Ðấng, tức là dòng dõi đã hứa, đến. Kinh luật được ban bố bởi các thiên sứ và qua một người trung gian.’’ (Galati 3:19).

Ý nghĩa về dòng dõi được giải thích trong Galati 3:16:

‘‘Về các lời hứa đã được ban cho Ápraham và dòng dỏi ông Kinh thánh không nói: Cho các dòng dõi ngươi, như là cho nhiều người, nhưng nói: Cho dòng dõi ngươi như là cho một người tức là Chúa Cứu Thế…’’ (Galati 3:16).

Tại Gôgôtha thời kỳ Kinh luật đã chấm dứt. Chúa Cứu Thế Jêsus đã giữ Kinh luật một cách hoàn hảo trong 33 năm và trở thành Con Người hoàn hảo, là Ađam sau cùng, đến Gôgôtha và trả giá đoán phạt của Kinh luật và kêu lên rằng:’Mọi việc đã được trọn.’ chứng minh rằng Ngài đã trả sự trừng phạt là sự chết. Ngài đã sống lại từ trong mồ mả.

Kết quả là hôm nay Tín hữu được ‘giải thoát khỏi Kinh luật’ (Rôma 8:2); ‘‘được thoát khỏi luật.’’ (Rôma 7:6); ‘‘đã chết với Kinh luật’’ (Galati 2:19). Kinh luật không chết, chúng ta đã chết với Kinh luật. Kinh luật vẫn sống nhăng, Ðiều đó chỉ còn là sự diễn đạt về sự thánh khiết hoàn toàn của Chúa và sự đoán phạt đối với tội nhân. Nhưng vì Tín hữu mà Chúa Cứu Thế đã mang hình phạt cho, và bây giờ chúng ta phục vụ Chúa, không phải sợ bị đoán xét hay trừng phạt, nhưng vì tình yêu đối với Chúa Cứu Thế đã đem lại cho chúng ta sự cứu chuộc vĩ đại.

Bây giờ chúng ta có thể đoán trước rằng có người sẽ nói: Có phải chúng ta không cần Kinh luật để chỉ tội nữa? Vâng, Kinh luật chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi là sự vi phạm. Tuy nhiên, đây không phải là câu trả lời trọn vẹn. Trên mặt bằng dường như chúng ta cũng cần có Kinh luật; nhưng hãy nghe đây, chúng ta có điều khác hơn chỉ cho thấy sự khủng khiếp của bản chất loài người không giống như Kinh luật chỉ. Chúng ta có thập tự giá. Hãy nhìn thập tự giá và xem Ngài có tội gì. Chúng ta muốn có một hình ảnh của bản chất con người đồi bại không? Rồi hãy nhìn lại đám người gào thét dưới chân thập tự giá. Bạn có muốn thấy tội là cái gì và tội sẽ làm gì không? Rồi hãy cùng tôi đi từ núi Sinai đến Gôgôtha. Từ đó chúng ta sẽ thấy tội lỗi là như vậy. Ðó là một dân tộc khoe khoang đã ở trong Kinh luật 1600 năm và cuối cùng họ đã đóng đinh Con Ðức Chúa Trời trên cây gổ. Hãy nhìn Ngài đang cúi phục xuống đất trong vườn Ghếtsêmanê, những giọt mồ hôi như giọt máu lớn rơi xuống đất. Cái gì khiến Ngài đến đó? Ðó là tội lỗi của chúng ta. Hãy nhìn Ngài khi Ngài nhìn vào cái chén Cha Ngài ban cho. Cái chén mà tất cả tội lỗi của chúng ta, những thất bại của chúng ta, những lời nói dối và tội ngoại tình của chúng ta đã được vắt vào đó cho đến khi tinh chất cặn bã địa ngục của nó không còn tí nào cả. Lưng Ngài đã bị xoi rãnh bởi những làn roi độc ác. Trán Ngài bị nhiều gai nhọn đâm vào. Hãy nhìn Ngài đang bị họ phỉ nhổ, vả trên má, bứt râu trên càm Ngài. Ði theo Ngài khi họ dẫn Ngài đến đồi Gôgôtha. Hãy nhìn Ngài ở đó với đôi mắt trủng xuống, ngực nặng nề như ‘‘Ðức Chúa Trời đã làm cho Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta mà chúng ta biết Ngài vô tội, mà chúng ta nhờ Ngài được xưng công chính trước mặt Ðức Chúa Trời.’’ Hãy nghe Ngài kêu vang thống thiết đến tận trời cao: Ðức Chúa Trời tôi ôi, Ðức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?’’ Hãy nhìn Ngài khi trút hơi thở cuối cùng. Cái khung cảnh ngọt ngào rung lên trong một giây lát, những cặp mắt sâu hoẳm nhìn chăm chăm một lần nữa với lòng thương xót khi Ngài thốt ra lời cuối cùng ‘‘Mọi việc đã được trọn.’’ Bạn ơi, tại đó bạn có thể nhìn thấy tội lỗi đang làm gì, và nếu bạn không thấy được điều đó, chắc chắn sẽ không còn luật pháp nào có thể bày tỏ cho bạn nữa hết. Kinh luật đã chấm dứt tại Gôgôtha đối với các Tín hữu, bởi vì nó sẽ được thay thế bởi một cái gì đó có thể chỉ cho thấy sự kinh sợ của tội lỗi khi chưa có Kinh luật, tuy nhiên Kinh luật thì thật là hoàn hảo khi chỉ tội.

Hãy nhớ rằng, Ngài là Ðấng vô tội, là Ðấng dựng nên trời đất muôn vật! Ngài phán: ‘‘Trước khi có thế gian đã có Ta.’’ Ngài có từ đầu với Cha Ngài. Ngài có tội lỗi nào đâu. Ở đó bạn sẽ thấy bức tranh mà tội lỗi bị phơi trần trong sự khiếp sợ của nó. Trên thập tự giá chúng ta không chỉ thấy tội lỗi, nhưng còn thấy phương pháp trị liệu nữa. Tại đó Kinh luật cùng sự rủa sả đã chấm dứt sau khi hoàn tất công việc một cách hoàn hảo. Người nào dù đàn ông, đàn bà còn giữ kinh luật trong ngày đó, trong thời đại đó là chưa thấy được thập tự giá với ánh sáng chuộc tội của nó. Nếu nhìn thập tự giá tại Gôgôtha mà một tội nhân thấy dửng dưng, thì Kinh luật cũng chẳng làm gì được. Người nào có thể đứng đó và nhìn tội lỗi thảm hại của mình được Con Ðức Chúa Trời gánh vác mà không cảm động gì cả. Sự giảng dạy về Kinh luật sẽ chẳng bao giờ cứu được ai cho đến khi thập tự giá được dựng lên đúng chỗ của nó. Chúa Jêsus không phán: ‘‘Nếu Kinh luật bị cất đi.’’ nhưng ‘‘khi Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo nhiều người đến với Ta.’’ Giảng về Kinh luật chỉ đem đến sự run sợ và đem nhiều thành viên run sợ vào Hội Thánh, nhưng giảng về thập tự giá là quyền năng của Chúa đem đến sự cứu rỗi.

Vâng, bạn có thể đến với Kinh luật, sự bày tỏ vĩnh viễn của Ðức Chúa Trời là Ngài muốn cho tội nhân không phải được cứu bởi việc làm và sự công chính của mình; nhưng muốn chúng ta phải quay lại với mọi cố gắng của mình đến với công việc trọn vẹn mà Chúa Cứu Thế đã làm trên thập tự giá thì chúng ta sẽ được cứu. Kinh luật chỉ có thể cho bạn thấy tội lỗi của bạn, nhưng không thể cất tội lỗi bạn đi được. Ðây là việc làm của ân sủng. Ðây là con đường cưú rỗi.

(Còn tiếếp)

***************************


Comments

Sách: “KINH LUẬT VÀ ÂN SỦNG” – Phần 2 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *