HomeGDĐT GÂY DỰNG ĐỨC TINGDĐT.Suy Gẫm Lời ChúaLoạt Bài: Suy Gẫm Lời Chúa – “Ngày Sau Rốt”

bible-2

Mục sư Nguyễn Anh Tài – (Đang cập nhật)

Lời Mở Đầu.

Sống trong giai đoạn cuối của thời đại cuối cùng, các diễn tiến thế giới đang ứng nghiệm Lời Kinh thánh dự ngôn liên quan đến hầu hết bình diện của đời sống loài người. Tôi hy vọng chúng ta, là người hầu việc Chúa, nhận biết được thời kỳ mình đang sống để luôn tỉnh thức cầu nguyện và nhiệt tâm phục vụ Hội thánh của Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phierơ, sau khi dành cả đời sống phục vụ Chúa, ông tâm tình “tôi còn ở trong nhà tạm này bao lâu, thì tôi lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em,  là bổn phận của tôi vậy” 2Phierơ 1:13.

Loạt bài suy gẫm này có tính cách gợi ý nhằm giúp cho chức vụ của các tôi tớ Chúa đang phục vụ trong Giáo Hạt Việt Nam Hoa Kỳ. Cầu xin Chúa soi sáng chúng ta khi suy gẫm lời khuyên dạy của Chúa để an tâm vững tiến trên linh trình và kết quả càng hơn trong thiên chức Chúa giao giữa thời kỳ “cuối cùng của muôn vật đã gần” 1Phierơ 4:7 và “ma quỉ biết thì giờ mình chẳng còn bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” Khải 12:12.

Bài #1: “Chúa Giê-xu Cầu Nguyện”

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”  Lu-ca. 23:34.

Họ đây là ai? Và họ không biết điều gì mình đã làm?

*Đó là những thầy tế lễ, thầy thông giáo, người Pharisi, quần chúng. Những người đó lúc bấy giờ không biết điều mình làm đối với Chúa. Họ có được Đức Chúa Cha tha thứ hay không. Thẩm quyền đó thuộc về Chúa.

Nhưng hôm nay một số người biết Chúa là ai? Đó có thể là những người “Được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép đời sau … nhưng lại vấp ngã” vì họ sống theo ý riêng, phạm tội, theo đuổi tham vọng cá nhân thì họ “đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa và làm cho Ngài sĩ nhục tỏ tường” thì hậu quả sẽ ra sao? – Hậu quả cuối cùng là ”phải bị đốt” mà thôi ( Hê 6:6,8).

Từ “bị đốt” trong thư Hêbơrơ liên quan đến “lửa” trong Kinh thánh. Ý dạy dỗ về lửa liên quan đến sự thử nghiệm và sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.

*Thử nghiệm: “Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó, nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra” 1Cô 3 13. Giá trị thật của việc làm sẽ được thử nghiệm bằng lửa .

*Đoán phạt: “Ngài là đám lửa hay thiêu đốt” (Hê. 12 29).

– Hình phạt: Phản loạn của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram: “một ngọn lửa từ Đức Giê-hô-va loè ra thiêu hóa hai trăm năm mươi người đã dâng hương” (Dân 16:35).  Số phận cuối cùng kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời sẽ bị bỏ vào “hồ lửa” (Khải 19:20; 20:10,14). Thế giới này cũng sẽ dành cho lửa (2Phie 3:7-12).

Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu  trên thập tự giá chắc đã được nhậm. Tuy nhiên, những người này phải gánh lấy hậu quả hành động của họ vì thái độ hung-hăng và lòng căm tức kêu gào: “Xin huyết người này đổ lại trên chúng tôi và con cháu chúng tôi” Mt. 27:25. Vào năm 70SC, khi hoàng đế Titus, La-mã  kéo quân vây lấy Giêrusalem và tàn sát tất cả dân cư đến nỗi “huyết của họ lên đến mắt cá”.

Lời Chúa cảnh cáo: “Chớ hề dối mình,Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu, vì  ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Gal 6:7).

Áp dụng:

*Lòng nhân từ của Chúa thật rộng lớn. Chúa Giê-xu có thể dâng lời cầu nguyện xin Đức Chúa Cha tha cho kẻ đã đóng đinh Ngài. Nhưng nên nhớ, kẻ vi phạm sẽ gánh hậu quả về tội lỗi của mình.

*Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương nhưng Ngài cũng là Đấng đoán phạt vì “Ngài chẳng cầm kẻ mắc tội là vô tội.( Nahum 1:3).

*Chỉ có một người được ghi lại có lời cầu nguyện giống Chúa là chấp sự Ê-tiên” “Lạy Chúa xin đừng đổ tội này cho họ!” Công 7:60.

Cầu xin Chúa cho chúng ta được ơn theo gương cầu nguyện của Chúa Giê-xu và chấp sự Ê-tiên.

*********************

Bài # 2 – “Ngày Sau Rốt” 

2 Ti-mô-thê 3:1-5

Ngày 20/11/09 vừa qua một bản Tuyên Ngôn được công bố gồm 4,700 chữ do 150 nhà lãnh đạo Tin lành, Công giáo và Chính thống giáo bày tỏ lập trường quyết tâm bảo vệ tính chất thiêng liêng của con người, công nhận hôn nhân thiết lập bởi một người nam và một người nữ và quyền tự do bày tỏ niềm tin của mình.  Bản tuyên ngôn này xác quyết quan điểm “trả lại cho Sê-sa những gì thuộc Sêsa, nhưng không chấp nhận bất cứ trường hợp nào, trả cho Sê-sa những gì thuộc về Đức Chúa Trời”.  Bản Tuyên Ngôn này được gọi là Bản Tuyên Ngôn Manhattan là địa điểm họp của các nhà lãnh đạo Cơ Đốc.

Đây là tiếng nói đại diện của những người ý thức thời kỳ cuối cùng hay ngày sau rốt mà Thánh Kinh đã nói đến.

  1. “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt”. 2 Ti-mô-thê 3:1.
  • a) Là “thời kỳ khó khăn” Phao-lô trong phân đoạn này vạch rõ một số người chúng ta phải tránh. Đó là người giả hình.

Hội thánh trải qua các thời đại đều có thời kỳ khó khăn mà hầu hết đều có hiện tượng gần giống nhau, đó là quan điểm của con người thay thế chân lý của Đức Chúa Trời như:

– Dưới thời chủ nghĩa thánh lễ, hội thánh thay Chúa (under sacramentalism, the church replaced God)

– Dưới thời chủ nghĩa duy lý, lý luận là chúa (under rationalism, reason was god).

– Dưới chủ nghĩa chính trị, chính phủ là chúa (under politicism, god was the state)

– Dưới chủ nghĩa kinh nghiệm, chúa trở nên kinh nghiệm cá nhân (under experientialism, god became personal experience)

– Dưới chủ nghĩa chủ quan, bản ngã trở nên chúa. (under subjectivism, self has become god)

– Dưới chủ nghĩa thần bí, con người căn cứ trên trực giác và cảm xúc. (under mysticism one determines truth about God by intuition and feeling).

– Đối với chủ nghĩa thực dụng, con người cho rằng điều đúng là sản phẩm của kết quả mình ưa thích. (on pragmatism determines what is true by what produces desired effects).

Các phong trào này nổi lên rồi hạ xuống nhưng ảnh hưởng vẫn còn đó cho nên cuộc chiến cho lẽ thật vẫn phải tiếp tục.

  • b) Là “thời kỳ bội đạo”, là “theo các thần lừa dối, sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì”. 1Ti-mô-thê 4:1-2

Vấn đề này không phải là mới.Tiên tri Giê-rê-mi đã nói: “Ấy là những lời nói dối, mà các tiên tri đó nhơn danh ta truyền ra. Ta chẳng từng sai họ đi, chẳng từng truyền lịnh và chẳng từng phán cùng họ. Họ nói tiên tri đó là theo những sự hiện thấy giả dối, sự bói khoa, sự hư không, và sự lường gạt bởi lòng riêng mình”, ”Chính tiên tri đó sẽ bị diệt bởi gươm dao và đói kém” (Giê-rê-mi 14:14,15).

  • c) Là thời nguy hiểm đến từ bên trong “sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu” (Công Vụ 20:29).

– Lấy lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ dành môn đồ theo họ. C. 31

– “Vậy hãy tỉnh thức” c. 31 – Một vị Mục sư đã giảng: Nếu chúng ta chưa nhận biết thời kỳ này là thời kỳ sau rốt thì chúng ta đang mê ngủ đó. “Wake up! (Hãy tỉnh thức!)

  1. Lời dạy của Chúa Giê-xu.
  • a) Chúa tuyên hứa: “Ta lập hội thánh ta trên đá này, cửa âm phủ không thắng được hội đó” Ma-thi-ơ 18:24. Nhưng Chúa không hứa dân sự của Ngài sẽ thoát khỏi các hiểm họa thuộc linh mà còn trái lại.
  • b) Như lúc khởi đầu chức vụ trong Bài giảng Trên Núi, Chúa cảnh cáo: “Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói cắn xé” Ma-thi-ơ 7:15.
  • c) Chúa cảnh cáo khi gần cuối chức vụ: “Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ. Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều (the increase of – wickedness – lawlessness),thì lòng yêu mến của phần nhiều ngươi sẽ nguội lần. Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên..đến dỗ dành chính người được chọn” Ma-thi-ơ 24:11, 24.

 

  1. Lời cảnh cáo của Phierơ và Giăng trong các thư tín.
  • a) Tiên tri giả, giáo sư giả. “Trong dân chúng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em, họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuộc lấy sự huỷ phá thình lình” (2Phi-e-rơ 2:1-2). Những kẻ này làm gì? – Thay gì lo tưởng đến bầy chiên, họ chỉ lo hớt lông chiên. Thay vì tìm chiên lạc mất dẫn về chuồng, họ trộm cắp chiên trong chuồng khác. Dùng lời dẫn dụ để đạt ý đồ và tham vọng của mình. Họ sẵn sàng làm cho chiên tan lạc, không tiếc bầy để thủ lợi. Họ giống như “kẻ trộm đến để cướp giết và hủy diệt” (Giăng 10:10).
  • b) ”Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến” 1Giăng 2:18. “Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi… Vừa lúc bấy giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ, bởi đó chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng”.

 

  1. Áp dụng.

– “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt” có các hiện tượng này xảy ra, chúng ta có biết hay không? Có lẽ đã nghe nói đến, đã được nhắc nhở.

–  Hãy đề cao cảnh giác bằng cách dành thì giờ cầu nguyện và nghiên cứu lẽ thật này vì hiện nay có quá nhiều điều xảy ra bên trong cũng như bên ngoài hội thánh đang ứng nghiệm trước mắt. Tôi tin chúng ta đang sống trong canh chót của đêm và giờ phút chàng rễ thình lình đến đón tiếp tân phụ là Hội thánh, không còn lâu.

– Đừng bị lừa dối và nghi ngờ. – Lời sứ đồ Phi-e-rơ cảnh cáo: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt ở theo tình dục riêng mình đến mà nói rằng ‘Chớ nào về lời hứa về sự đến của Ngài ở đâu?’” (2 Phi-e-rơ 3:3,4). Xin đừng  ai trong chúng ta bị lừa dối.

– Hãy nhờ cậy quyền năng của Thánh Linh và sống trên lời hứa của Đức Chúa Trời.

“Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác thịt;”

“Con trai con gái các người đều sẽ nói lời tiên tri,

“Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ,

“Và các người già cả sẽ có chiêm bao.” Xin đọc: Công Vụ 2: 17-20 và Giô-ên 2: 28-32.

Cầu xin Chúa đánh thức đời sống của mỗi con dân Chúa trong Giáo Hạt.

******************

Bài #3: Ngày Sau Rốt – “Nhận Diện Tiên Tri Giả”

(2 Phi-e-rơ 2:1)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “ Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm này bao lâu,  thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em,  là bổn phận của tôi vậy”  2Phi-e-rơ 1:13.

Kinh thánh đề cập nhiều về tiên tri giả nhất là trong thời kỳ cuối cùng. Vì bản chất giả dối cho nên khó nhận diện ra họ nếu chúng ta không nắm vững lời Chúa răn dạy. Như mặt hàng giả xem qua thấy giống hàng thật, nhưng khi xem kỹ thì biết đó không có phẩm chất hàng thật.  Còn người giả thuộc linh Kinh thánh dùng từ  “kẻ giả hình”.  Từ ngữ này đến từ nguyên nghĩa là người đóng kịch có nhiều mặt nạ. Khi đóng vai hiền lành, lương thiện thì có bộ mặt nạ dễ thương với lời nói dạ thưa, lễ độ; khi đóng vai ác thì đổi mặt nạ dữ dằn, thô lỗ, phạm thượng.  Chúa Giê-xu quở trách “thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình!” Ngài lên án họ rất gắt gao (Ma-thi-ơ 23). Tất cả mọi sự giả dối đều đến từ kẻ thù của Đức Chúa Trời, đó là ma quỉ vì “ma quỉ vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).

Hạng người giả thường hành động qua một tác nhân khác như trường hợp A-đam và Ê-va, nó đến trong hình dáng con rắn; trong hình dạng người đàn bà trong sách Khải Thị, trong hình con rồng: “chực trước người đàn bà” và kế đó nó “tranh chiến với thiên sứ Mi-chen” (Khải Thị 12), hay giả mạo làm thiên sứ sáng láng khiến cho một số người bị chóa mắt, khâm phục và đi theo nó (2 Cô-rinh-tô11:13,14).

Vì tính chất quan trọng của lời răn bảo này cho nên tôi sẽ khai triển rõ hơn trong một số bài suy gẫm sắp đến. Xin quý tôi tớ Chúa dành thì giờ cùng học chung Lời Chúa, cầu xin Chúa soi sáng để tránh cạm bẫy của các giáo sư giả này đang lẻn vào trong Hội Thánh.

  1. Họ là ai?“Vì mấy người như vậy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối mạo chức sứ đồ của Đấng Christ” 2 Cô-rinh-tô11:13.

* Kinh thánh không ghi hết danh tánh của những người này, tuy nhiên trong thư  II Phi-e-rơ  2 có đề cập đến Ba-la-am, con trai Bô-sô (2 Phi-e-rơ  2:15) và trong thư  II Ti-mô-thê, Phao-lô nêu danh hai người là Hy-mê-nê và Phi-lết (2 Ti-mô-thê 2:17). Họ có thể ở gần, ở trong mối thông công hay có thể là người bạn không xa lạ bao nhiêu của chúng ta.  Nhưng chúng ta có thể nhận diện hạng người này qua lời nói, việc làm và thái độ của họ.

* Phi-e-rơ nêu lên ba yếu tố để nhận biết các tiên tri giả.

Sau khi tâm tình cho biết bổn phận phải răn bảo mà tỉnh thức anh em  trong chương thứ nhất, thì trong cả chương thứ hai của thư tín này ông giải bày cặn kẻ thái độ và hành động của hạng người này hầu cho mọi người có thể nhận biết được . Điều đáng ghi nhận là các lời răn bảo trong chương này có nhiều điểm tương đồng với sách Giu-đe là một sách ngắn trước sách Khải Thị mà tiểu đề của sách này là “Đạo Giả và Thầy Dối”.

2. Hành Động Ra Sao?

a) Lãnh vực hoạt động. – “trong anh em”“Dầu vậy, trong dân chúng cũng có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em…” (2 Phi-e-rơ 2:1a).

* Sau khi đề cập đến lẽ thật là lời tiên tri, Phi-e-rơ chuyển ý bằng từ  “Nhưng” (Dầu vậy) để luận rõ về hành động và thái độ của các tiên tri giả làm sai lạc sứ điệp của Chúa.

* Suốt dòng lịch sử của dân Chúa, hạng người này làm thiệt hại rất nhiều cho bầy chiên của Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước có “thần nói dối” (1 Các Vua 22); “Những kẻ tiên tri nói tiên tri dối, các thầy tế lễ bởi đó mà cầm quyền” (Giê-rê-mi 5: 30-31)…

* Trong thời Chúa Giê-xu. – “tiên tri giả và người Pha-ri-si” gây biết bao thiệt hại cho dân Chúa. Chúa đã rao lời đoán xét về hành động của họ (Lu-ca 11:39-52; Ma-thi-ơ 23:13-36, Mác 12:38-40). Chúa đã cảnh cáo về hạng người này sẽ mạo danh Chúa mà đến dỗ dành dân sự Ngài (Ma-thi-ơ 24:4,5…)

* Họ đến từ trong vòng dân Chúa. Họ cũng giảng dayï, hô hào xưng mình hầu việc Chúa và dẫn dụ ngay kẻ được chọn. Xin Chúa ban cho tôi con Chúa sự hiểu biết để “theo đạo lành và bác lại kẻ chống trả” (Tít 1:9).

b) Hành động – kín giấu hay bí mật“họ sẽ truyền những đạo dối làm hại” (2 Phi-e-rơ 2:1b)– Trong bản Anh ngữ dịch sát nguyên văn hơn “who will secretly introduce destructive heresies” .

* Giáo sư giả không bao giờ thành thật về các hoạt động của mình vì Hội thánh không khi nào chấp nhận nếu biết được bộ mặt thật của họ.

* Họ len lỏi xen vào hội thánh với các danh hiệu của người hầu việc Chúa. Như Giu-đe xác nhận “Vì có mấy kẻ lẻn vào trong vòng chúng ta, là những kẻ bị định đoán phạt từ lâu rồi, kẻ chẳng tin kính đổi ơn Đức Chúa Trời ta ra việc tà-ác, chối Đấng Chủ tể và Chúa có một của chúng ta, là Đức Chúa Giê-xu Christ” Giu-đe câu 4.  Từ “lẻn vào” có nghĩa lén vào mà không ai thấy, không ai hay – (to slip in without being seen)

* Họ làm gì? “truyền những đạo dối làm hại”.  Lời nói, sự dạy dỗ của họ gây tai hại khủng khiếp cho đời sống tâm linh của tôi con Chúa. Nguyên nghĩa của từ này hàm ý sự hư mất của kẻ chọn con đường rộng và khoảng khoát (Ma-thi-ơ 7:13); số phận của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (Giăng 17:12) và sự đoán phạt của “người tội ác, con của sự hư mất hiện ra” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3).

* Giáo sư giả không phải luôn chống đối lẽ thật cách công khai. Vài người trong bọn họ tuyên bố tin Kinh thánh nhưng giải nghĩa theo ý mình gây hoang mang đức tin người khác.

c) Tội phạm đến thân vị Chúa. “Chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình” (2 Phi-e-rơ 2:1c).

* Đây là mức độ cuối cùng của sự hư mất. Chối Chúa là bước mạnh hơn từ chối. Từ “Master – Sovereign Lord – (despotes) có nghĩa Đấng Trị Vì (Ruler) nói đến thẩm quyền cao cả nhất của Chúa. Từ này diễn tả ý nghĩa về một người chủ có toàn quyền trên các đầy tớ. Có 5 lần từ này được dùng chỉ về Đấng Christ được ghi trong Lu-ca 2:29; Công vụ 4:24; 2 Ti-mô-thê 2:21; Giu-đe 4 và Khải Thị 6:10).

* Phi-erơ cho biết dấu hiệu để nhận diện tiên tri giả là họ chối bỏ thẩm quyền làm chủ của Đấng Christ bằng cách tự ý làm theo ý đồ của mình hay kế hoạch riêng của mình.

* Những kẻ đó sẽ “tự mình chuốc lấy sự huỷ phá thình lình” có nghĩa gì? Có nghĩa họ sẽ bị hư mất lúc đối diện với sự chết hay khi Ngày Chúa trở lại (Giăng 12:48;  2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10).

Áp dụng.

* Phải cẩn trọng và nhận biết thời kỳ chúng ta đang sống là thời kỳ cuối cùng vì xảy ra biết bao tai ương dồn dập trên thế giới. Động đất lớn xảy ra mấy hôm nay: tại miền Bắc Cali, xứ Haiti (1/2010). Các nhà lãnh đạo khuynh tả theo hướng tự do phóng khoáng làm suy thoái nền tảng đạo đức chân chính mà các bậc tiền nhân đã dày công xây đấp.

* Phải nghiêm túc nghiên cứu Lời Chúa để có thể phân biện đâu là thật và đâu là giả giữa lúc thời kỳ “vàng thau lẫn lộn”.

* Xin Chúa bảo vệ Hội thánh trong thời kỳ cuối cùng để trình diện một “Hội thánh đầy vinh hiển, không vết không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài”. (Ê-phê-sô 5:27).

**********************

 Bài #4: Ngày Sau RốtPhán Xét Các Giáo Sư Giả

2 Phi-e-rơ 2:3-10

Sứ đồ Phi-erơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm này bao lâu,  thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em,  là bổn phận của tôi vậy”  2Phi-e-rơ 1:13.

  1. Lời cảnh cáo về sự phán xét (c. 3). “sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay”. Dù số phận của giáo sư giả sẽ không bị phán xét đến khi họ chết nhưng bản án nghịch cùng họ đã được Chúa phán quyết từ lâu rồi.

* Lời tuyên bố  về phán quyết đầu tiên của Đức Chúa Trời cho con rắn tại vườn Ê-đen (Sáng 3:13-15).

* Đức Chúa Trời đã kết án  tất cả những ai làm sai lệch lẽ thật từ lâu  (Ê-sai 8:19-21; 28:15; Giê-rê-mi 9:6-9; Khải Thị 21:8,27).  Sách Giu-đe câu 4 cũng xác định rõ  ý này “Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta là những kẻ bị định đoán phạt từ lâu rồi”.

* Một sự thật phũ phàng khi sực tỉnh biết được hậu quả là sự hư mất đời đời dành cho kẻ gian dối qua ý nghĩa “sự hư mất của họ chẳng ngủ” câu 3.  Phi-e-rơ mô tả tình trạng này giống như một tên đao phủ ám ảnh luôn giơ cao lưỡi liềm của sự chết trên kẻ giả mạo Lời Chúa.

2. Chờ sự phán xét cuối cùng (c. 4-8) “họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét” (c.4). Sứ đồ Phi-e-rơ liệt kê 4 sự kiện lịch sử để xác quyết các sự phán xét tương lai là chắc chắn.  Đó là:

-1) Nếu Đức Chúa Trời đã chẳng tiếc thiên sứ đã phạm tội (c. 4);

-2) Nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa mà cứu Nô-ê (c.5);

-3) Nếu Ngài huỷ diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ  khiến hóa ra tro, (c. 6);

-4) Nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót  (c.7) thì Chúa biết cách giải cứu những người tin kính khỏi cơn cám dỗ, và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét. (c.9)

Phi-e-rơ mô tả hạng người này có “lòng tư dục ô-uế, ham mê sự sung sướng xác thịt, khinh dễ quyền phép rất cao, cả gan, tự đắc, nói hỗn đến bậc tôn trọng mà không sợ” (c.10). Đọc các lời này chúng ta liên tưởng đến một nhóm người hiện nay có hành động và lời nói y hệt như lời tiên tri của thư Phi-e-rơ và Giu-đe.  Hơn nữa, họ còn lạm dụng phương tiện truyền thông để chuyển lời nói hỗn hào và ý tưởng xấu xa cho đại chúng. Phi-e-rơ nói: “dẫu thiên sứ, là đấng có sức mạnh quyền phép hơn chúng nó còn không lấy lời nguyền  rủa mà sử đoán các bậc đó trước mặt Chúa” (2:11), cho thấy tính chất tội trọng của “bọn” này sẽ như thể nào.  Giu-đe giải thêm các người này “khinh dễ quyền phép rất cao và nói hỗn các đấng tôn trọng” (c. 8), hàm ý sự việc này liên hệ đến sự khinh dễ quyền phép của chính Chúa.  Do đó, xin hãy thận trọng mà giữ miệng lưỡi mình vì Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu. “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7).

1) Nếu Đức Chúa Trời đã chẳng tiếc thiên sứ đã phạm tội (c. 4)

Từ “Nếu” bắt đầu cho mỗi sự kiện lịch sử để giới thiệu một điều kiện mà thiên sứ và loài người phạm tội với Ngài không thể nào tránh khỏi bị hình phạt. Mọi người phải có trách nhiệm tôn trọng Chúa và Chân lý của Ngài.  Kẻ nào chống trả hay phản loạn đều đã bị định tội phải chịu hình phạt đời đời. (Ma-thi-ơ 24:45,51; 25:14-30 Lu-ca 12:48; 16:1-8.)

Thiên sứ phạm tội như thể nào vẫn là một điều mầu nhiệm của thần học. Thiên sứ Lucifer phạm tội vì muốn chiếm địa vị bình đẳng với Đức Chúa Trời “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời . Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm mình ra bằng Đấng Rất Cao” (Ê-sai 14:121;  Ê-xê-chi-ên 28: 12-19; Lu-ca 10:18).   Có lẽ ở đây Phi-e-rơ không đề cập đến thiên sứ phản loạn ban đầu nhưng đề cập đến bè đảng và đội ngũ của chúng đang hoành hành trong thế gian vào thời kỳ cuối rốt  mà Phao-lô kể rõ trong thư Ê-phê-sô 6:12, “Vì chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”.  Kiêu căng, phản loạn, tham quyền, cậy thế lực là tiêu biểu cho kẻ chống đối với Đức Chúa Trời và Hội thánh Ngài.

2) Thế giới thời xưa bị hủy  diệt chỉ gia đình Nô-ê  được cứu (c.5). Thế giới thời đó bị nước lụt hủy diệt vì “Đức Giê-hôva thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng Thế Ký 6:5-7).

Ngày nay cũng vậy, thế giới chúng ta đang sống đang chờ sự đoán phạt kinh khiếp bội phần hơn của Đức Chúa Trời cũng đang có những kẻ lấy” lời hung ác” phát xuất từ “các ý tưởng xấu xa” của họ mà chúng ta chứng kiến hằng ngày. Trong tình trạng “Thế gian lúc bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời, và đầy dẫy sự hung ác” (Sáng Thế Ký 6:11), Ngài gìn giữ Nô-ê và gia đình ông vì ông là “thầy giảng đạo công bình”.  Giữa một xã hội gian ác, Nô-ê và bảy người trong gia quyến bước đi với Chúa cho nên được Chúa bảo vệ trong một chiếc tàu cứu rỗi giữa cơn ba đào kinh khiếp của nước lụt.

Thầy giảng đạo công bình Nô-ê trung tín giảng trong suốt thời gian đóng tàu, kẻ nhạo báng, hung ác cứ chế nhạo, khinh chê, giễu cợt .  Kết quả: Chỉ có  Nô-ê và gia đình được cứu còn tất cả người khác bị chết mất.  Hãy cẩn trọng vì Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu.

3) Thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy  phá (c. 6).  Hai thành phố này nằm về phía đông nam Biển Chết, là nơi vùng chăn nuôi và hoa mầu trù phú (Sáng Thế Ký 13:8-10). Nhưng vì tội lỗi của dân cư tại đó Chúa đã giáng “mưa diêm sanh và lửa” để tiêu diệt họ (Sáng Thế Ký 19:24,25). Từ “hủy phá hay huỷ diệt” (destruction – katastrophe ) có nghĩa là tiêu huỷ hoàn toàn “total ruin”.  Có hơn 20 lần Kinh Thánh dùng tên hai thành phố này để răn bảo những kẻ không tin kính (Ma-thi-ơ 10:15; 11:23,24; Lu-ca 17: 28-32…).  Chỉ có Lót là người công bình được cứu mà thôi. Chúng ta có phải là người công bình không?

 4) Nguyên tắc phán xét (c. 9-10).  Hàng trăm năm trước sứ đồ Phi-e-rơ, Đức Chúa Trời đã thiết lập một nguyên tắc phán xét rồi. Trong sách Ma-la-chi 3:16- 4:3. Căn bản là Đức Chúa Trời biết cách đoán phạt kẻ ác đồng thời  bảo vệ được người công bình. (Ma-thi-ơ 13:36-43; 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; 5:1-5).  Đối với Phi-e-rơ, điều an ủi là:

* “Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ” (c.9a). Do đó, ai tin kính Chúa sẽ không phải lo sợ (Thi-thiên 27:1;  Giăng 14:27; 2Ti-mô-thê 1:7).

* “Cầm những kẻ không công bình để chờ ngày phán xét” (c.9b). Kẻ ác giống như tên tử tội trong ngục thất chờ chuyển qua giờ phút cuối cùng để lãnh hình phạt của bản án.  Trong khi đó họ vẫn còn tiếp tục phạm tội để chịu sự đoán phatï cuối cùng là hồ lửa và diêm đời đời (Rô-ma 2:3-6; Khải  Huyền 20:11-15; Ma-thi-ơ 11:22,24).

III. Áp Dụng

*  Xin Chúa tỉnh thức dân sự Chúa về ngày sau rốt là thời kỳ chúng ta đang sống và biết phân biện đâu là tiên tri giả, giáo sư giả và đâu là người hầu việc Chúa chân thật.

*  Xin cầu nguyện cho kẻ ác biết ăn năn hầu tránh khỏi sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời và sự hình phạt kinh khiếp của hỏa ngục.

*  Xin Chúa cứu chúng ta không “theo mưu kế của kẻ dữ. Chẳng đứng trong đường tội nhân. Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng. Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm”.  Thi thiên 1:1,2.

*******************

Bài #5: Ngày Sau Rốt – Bản chất hung bạo của giáo sư giả (2Phi-e-rơ 2:10-22).

Sứ đồ Phi-erơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm này bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy” 2Phi-e-rơ 1:13.

Sứ đồ Phi-e-rơ nêu rõ bản chất tội lỗi của nhóm tiên tri giả này là “cả gan, tự đắc, nói hỗn đến các bậc tôn trọng mà không sợ” (c.10b).  Sách Giu-đe câu 8 cho biết thêm thời điểm nào họ đã hành động như vậy.  Đó là trong lúc “mơ màng làm ô uế xác thịt mình, khinh dễ quyền phép rất cao, và nói hỗn các đấng tôn trọng”.  Hai phần Kinh Thánh này thừa nhận khi phạm tội lỗi ô-uế con người không còn lương tri sáng suốt để tự kềm chế nên thốt ra lời phạm thượng. Ví sánh với “thiên sứ có sức mạnh và quyền phép hơn chúng nó, còn không lấy lời nguyền rủa mà xử đoán các bậc đó trước mặt Chúa” (c.11).  Giu-đe cho thấy trường hợp này là lúc thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ giành xác Môi-se không dám lấy lời nhiếc móc nặng nề mà đoán phạt, cho thấy những kẻ này quá sức tồi tệ.

Lời mắng nhiếc – (blaspheme) là lời nói hỗn hào, phạm thượng. Sứ đồ Phao-lô cũng đã từng ở trong sự ngu muội này “ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ hung bạo” và Chúa đã thương xót cứu ông ra khỏi lúc ngu muội chưa tin và biến đổi ông trở nên một tôi tớ thật của Ngài. Tội phạm thượng là một tội trọng trong thời Cựu Ước và phải trả giá bằng sự chết ngoài trại quân. (Lê-vi-ký 24:14-16). Người mắc tội này với Thánh Linh thì “chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời”(Mác 3:29). Xin Chúa cầm giữ môi miệng chúng ta!

Phi-e-rơ và Giu-đe so sánh những kẻ phạm thượng này như:

  1. Loài động vật (animality)

* Nguồn gốc sự cả gan, tự đắc của các tiên tri giả này phát xuất từ bản tính của loài động vật. “Như con vật không biết chi, sinh ra để làm thú vật để bị bắt mà làm thịt, hay chê bai điều mình không biết, rồi chết đi như con vật, dường ấy chúng lãnh lấy tiền công về tội ác mình” (2Phi-e-rơ 2: 12). Giu-đe còn luận thêm  rằng “Song những kẻ này, hễ điều gì không biết thì khinh dễ hết; và những điều chúng nó tự nhiên mà biết cũng như con thú vật vô tri thì dùng mà làm hư mình”.  Trong cái nhìn của Giu-đe, họ giống như thú vật không có khả năng lý luận, sinh động theo bản năng và trực giác cho nên không đóng góp chi cho xã hội loài người về tri thức. Do đó, mục đích của thú vật là chỉ để làm thức ăn cho loài người mà thôi –“bị bắt và làm thịt” (c.12).

* Chế giễu lẽ thật và quyền phép thiên thượng, “thiên sứ… sức mạnh và quyền phép”.  Dù không biết vẫn chê bai, giễu cợt các việc thuộc linh và thiên thượng.  Họ không có tri thức thuộc linh, họ giống như “người cận thị, người mù quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước” (2Phi-e-rơ 1: 9).

* “Lấy sự chơi bời giữa ban ngày làm sung sướng”.

Một định luật chung là tội lỗi thường xảy ra lúc ban đêm hay trong bóng tối. (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:7). Luật La-mã cho phép xã hội ngày xưa dung thứ sự chơi bời phóng đảng trong bóng tối để tránh mọi người nhìn thấy và ảnh hưởng xấu cho xã hội.  Nhưng các giáo sư giả này theo Phi-e-rơ cho biết họ “chơi bời giữa ban ngày”! Có nghĩa họ không còn sợ ai, nêu lên danh tánh mình ra cho mọi người đều biết.  Họ giống như các người tham dự các cuộc biểu tình công khai đòi hỏi quyền tự do tình dục của phe nhóm mình, dù có đi ngược với “cách dùng tự nhiên” (Rô-ma 1:26-28).

* “Cặp mắt chúng nó đầy sự gian dâm” (c.14). Phi-e-rơ chuyển ý hành động của tội lỗi từ bên ngoài xã hội sang sự chứa đựng bên trong thân thể.  Cặp mắt đầy gian dâm cho thấy tình trạng sa-đoạ thuộc linh đã đầy ắp bên trong và biểu lộ ra bên ngoài (Ma-thi-ơ 5:28). Không những phạm tội như thế, những kẻ này dỗ dành những con cái Chúa không vững vàng, là kẻ yếu đức tin (Gia-cơ 1:6) đặng làm theo lối sống buông thả như họ.  Dưới chiêu bài hầu việc Chúa họ chủ yếu nhắm vào những người tín đồ yếu đuối không biết phân biện hay không có lòng tin kính trong Hội thánh. Cách đề phòng hiệu quả nhất là trước tình huống này phải lập vững nền tảng đức tin bằng cách học hỏi  Lời Chúa (1Phi-e-rơ 2:1-3; Êphê-sô 4:14; 1Giăng 2:13).

  1. Tham tiền của và quyền lợi

* “Tham tiền công của tội ác” (c.15).  Ngoài lòng tham dục, Phi-e-rơ cho thấy những giáo sự giả này còn tham lam tiền bạc nữa.  Họ bỏ đường ngay thẳng mà đi sai lạc theo con đường của Ba-la-am. Sách Giu-đe câu 11 đã nêu tên thêm hai nhân vật nữa là Ca-in và Cô-rê.  Họ “bỏ đường ngay thẳng mà đi sai lạc” vì “tham tiền công của tội ác”. Phi-e-rơ so sánh họ giống như Ba-la-am với động lực tham tiền của mà Ba-lác hứa sẽ cho nếu rủa sả dân Chúa. (Dân số ký 22,23).  Dù biết Chúa không cho phép rủa sả dân sự Chúa, nhưng vì vàng bạc Ba-la-am suýt chút nữa đã chết dưới gươm thiên sứ của Đức Giê-hô-va rồi, nếu không có con lừa mở miệng cản ngăn.

* “Theo đường của Ca-in” Giu-đe câu 11. Đây là con đường ganh tị.  Của lễ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Con đường “giận lắm, và gằm nét mặt” đối với Chúa.  Ca-in cuối cùng tra tay giết chết em mình là A-bên. Đây là con đường trơn trợt từ lòng ganh tị đến hành động giết người. Thật khủng khiếp!

* “Sự phản nghịch của Cô-rê” (c.11). Dân số ký chương 16 ghi câu chuyện này. Cô-rê là người bà con của Môi-se có nhiệm vụ quan trọng trong Đền Tạm (Dân số ký 1:50-51; 3:6-8; 18:3; Phục Truyền 10:8).  Vì không được chọn làm thầy tế lễ Cô-rê kết hợp với Đa-than và A-bi-ram cùng 250 người nữa âm mưu phản nghịch Môi-se.  Cô-rê công khai phản đối quyền lãnh đạo mà Đức Chúa Trời ban cho Môi-se.  Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng lớn lao của Ngài bằng cách dùng “đất hả miệng nuốt họ, gia quyến và hết thảy phe Cô-rê cùng tài sản của chúng nó”.  “Rồi một lửa từ Đức Giê-hô-va lòe ra thiêu hóa 250 người dâng hương” (Dân Số ký 16:31-35). Sau đó một số người cảm tình với Cô-rê tiếp tục lằm bằm nghịch cùng Môi-se và A-rôn, hậu quả là một tai vạ xảy đến khiến thêm 14,700 người chết nữa! (Dân Số ký 16:41-50). Thật kinh khiếp!

Áp Dụng  

  1. Đức Chúa Trời là Đấng chân thật, điều chi giả dối là không thuộc về Ngài và không đến bởi Ngài.
  2. Tiên tri giả và giáo sư giả có thể thực hiện công việc của họ nhưng hậu quả chắn chắn sẽ không thể nào thoát khỏi sự hình phạt của Đức Chúa Trời mà Kinh thánh đã chứng minh tỏ tường.Xin Chúa ban cho tôi con Chúa có lòng cẩn trọng và sự khôn ngoan để phân biện hầu tránh khỏi lưới rập của ma quỉ, nhất là chúng ta đang sống trong thời đại cuối cùng trước khi gặp Chúa.

 

*******************

Bài #6: Ngày Sau Rốt – Chân Tướng Của Giáo Sư Giả (2Phi-e-rơ 2:17-22 và Giu-đe 12)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm này bao lâu,  thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em,  là bổn phận của tôi vậy” 2Phi-e-rơ 1:13.

Giu-đe dùng các biểu tượng thiên nhiên mô tả chân tướng và bản chất của tiên tri giả và giáo sư giả.  Có năm biểu tượng sau đây:

I. “Dấu vít trong đám tiệc anh em” (hidden reefs in your love feast) c. 12. Một vài bản dịch mới dùng cụm từ  “vết nhơ trong bữa tiệc yêu thương” nói lên tính chất nguy hiểm ngấm ngầm của hạng người này.  Giống như đá ngầm gần bờ biển có thể đâm thủng dưới lườn tàu bè.  Họ có thể manh nha các hiểm họa dưới dạng thức bữa tiệc yêu thương của Hội Thánh.  Mục đích các bữa tiệc này là gây dựng đức tin (Công Vụ17:11); khích lệ nhau (Hê-bơ-rơ 10:24,25); chăm sóc nhau (Rô-ma 12:10).  Nhưng các tiệc yêu thương này bị lợi dụng và trở nên cớ vấp phạm bởi các giáo sư giả (1Cô-rinh-tô 11:17-22). Họ biểu lộ chân tướng qua hình ảnh “người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình cho no nê, không lo sợ gì” và không nghĩ đến người khác (c.12). Họ giành ăn trên, ngồi trước “bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ phải chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ” (1Cô-rinh-tô 11:21).

II. “Như đám mây không nước, theo gió đưa đi đây đi đó” (cloud without water). Theo diễn tiến tự nhiên mây sẽ đem mưa đến. Nhưng mây không nước chỉ về lời hứa nhiều mà không thực hiện được gì cả.  Sa-lô-môn cũng dạy về ý này “Kẻ nào tự khoe khoang giả dối về lễ vật mình, Tợ như có mây có gió, mà không mưa” (Châm Ngôn 25:14).  Giáo sư giả hứa sẽ mang đến phước hạnh và sự tươi mới nhưng họ không thể thực hiện được.  Phi-e-rơ dùng hình ảnh “suối không nước và những đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi và sự tối tăm mờ mịt để dành cho chúng nó” (c.17). Biểu tượng này dễ hiểu vì mưa rất cần thiết cho dân sống vùng Trung Đông.  Nhiều lúc có mây, có sương từ Địa Trung Hải thổi vào nhưng nhiều lần không có mưa làm cho người dân thất vọng. Giáo sư giả được ví sánh với biểu tượng này.

III. “Như cây tàn mùa thu không trái” (c.12c).  Mùa thu là lúc nhà nông và chủ vườn mong mỏi sẽ thu hoạch lần cuối trong năm.  Nếu không có chi trong ruộng lúa hay khu vườn, họ sẽ thất vọng và chịu cơ hàn trong suốt mùa Đông sắp tới.  Họ phải đợi đến mùa Xuân năm sau để ra công xới đất, bón phân, gieo trồng, tưới nước và đợi chờ cho đến khi đơm bông kết quả. Trong biểu tượng này, cụm từ “như cây tàn mùa thu không có trái” nói lên thực trạng của nỗi thất vọng khi thấy đồng lúa trơ trọi và vườn cây không trái!  Giu-đe ví sánh đạo giả và thầy dối làm một công việc không kết quả chi đến nỗi “hai lần chết” (doubly dead), thứ nhất là không trái vì không có sự sống thuộc linh trong họ và thứ hai là “trốc lên bựt rễ (c.12), có nghĩa chết tận gốc!  Họ giống như những cây bị đứt rễ cho nên không còn sự sống nữa.  Khi Chúa Giê-xu đang giảng dạy thì các môn đồ báo tin cho biết người Pha-ri-si phiền giận vì lời nói ngay thẳng của Ngài.  Chúa đáp rằng: “Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi” (Ma-thi-ơ 15:13); “Bấy giờ cái búa để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm” (3:10; 7:17-20); “thì bị đốt” (13:6). Đối với Chúa là phải dứt khoát. Không được đi giẹo hàng hai, không được nửa nạc nửa mỡ.  Cây thì phải sanh trái, việc làm phải kết quả. Nếu không sẽ bị chặt bỏ.

IV. “Như sóng cuồng dưới biển sôi bọt ô-uế của mình” (c.13). Kinh thánh thường dùng hình ảnh biển cả để nói đến những kẻ không biết Đức Chúa Trời. “..Kẻ ác giống như biển đương động không yên lặng được, thì nước nó chảy ra bùn lầy. Đức Chúa Trời ta đã phán: Những kẻ ác chẳng hưởng sự bình an” (Ê-sai 57:20-21).  Sau cơn sóng gió, nước biển đầy dẫy rác rến tắp vào bờ, làm ô nhiễm môi sinh, gây ảnh hưởng tai hại cho sức khỏe.  Đó là một bức tranh sống động mô tả lời nói trống rỗng, khoe khoang, đời sống ích kỷ giống như sóng cuồng dưới biển chuyển động ồn ào nhưng thực ra chỉ tạo ra bọt nước và rác rến mà thôi.  Không có thực chất, trống rỗng làm mất uy tín của những người phục vụ chân chính.

V. “Như sao đi lạc, sự tối tăm mù mịt đã để dành cho chúng nó đời đời!” (c.13). Sao đi lạc này không phải là một trong các vì sao sáng đi theo một quỉ đạo nhất định của giải ngân hà. Đây muốn nói đến tinh thể như sao băng, vụt lên sáng ngời trong chốc lát rồi tắt ngấm trong tăm tối mù mịt đời đời! (c.13, 6). Sứ đồ Phi-e-rơ xác nhận thực trạng số phận của các tiên tri giả cũng “bị trói buộc bằng xiềng trong nơi tối tăm để chờ sự phán xét , “cầm chúng nó chờ ngày phán xét” và “sự tối tăm mờ mịt đã để dành cho chúng nó” (2Phi-e-rơ 2: 4, 9, 17). Hai vị sứ đồ này thấy kẻ giả dối có cùng chung một số phận là sẽ bị Chúa xét đoán và hư mất đời đời vì họ lầm lạc và làm lầm lạc kẻ khác nữa.

Áp Dụng

1) Nhận định dấu hiệu của ngày sau rốt:

* Báo Orange County Register  ngày 4/2/2010 đăng tin một người con tên Son Nguyen bị cáo đã ra tay giết mẹ (matricide) vì không chịu nỗi áp lực của mẹ muốn con học bác sĩ thay vì dược sĩ!

* Tin tức TV một em 11 tuổi vừa sinh một đứa con nặng 5 lbs làm cho các bác sĩ và tâm lý gia phải điên đầu!

* Động đất 6.0 tại Humboldt , miền bắc Cali gần tiểu bang Oregon ngày 4/2/10, không rõ mức độ hư hại. Trận động đất trước cũng gần vùng đó ngày 9/1/10 gây hư hại $40 triệu Mỹ kim (Báo OC Register ngày  5/2/10).

Đây chỉ là một vài tin tức hằng ngày chứng tỏ thời kỳ chúng ta đang sống. Hãy suy nghĩ và tỉnh thức.

2) Giu-đe đưa ra một bức tranh sống động và rõ ràng các hoạt động của đạo giả và thầy dối cùng số phận của họ trong ngày phán xét để tôi con Chúa có thể nhận thức và đề phòng. Hãy tra xét đời sống và việc làm của họ để khỏi bị lừa dối.  Đừng nghe họ nói, hãy tìm hiểu việc họ làm.

3) Sứ đồ Giăng cảnh tỉnh mọi người “Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi, các con đã nghe nói rằng Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến… Chúng nó từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta” (1Giăng 2:18,19).

******************

Bài #7: Ngày Sau Rốt – Sự Phán Xét Hầu Đến (Giu-đe 14-16)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đờùi phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn trong nhà tạm này bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em,  là bổn phận của tôi vậy” (2Phi-e-rơ 1:13).

“Nầy Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người.”  Đối với người Tây phương, địa ngục là điều cấm kỵ, không phổ thông vì đời sống thoái mái dễ chịu. Với cái nhìn rộng rãi của người Tây phương dễ chấp nhận các quan điểm dị biệt. Nhất là sống trong thời hậu hiện đại (postmodern culture), người ta tin mọi người đều tương đối tốt và hy vọng thiên đàng có đủ chỗ cho tất cả mọi người, ngoài trừ kẻ thật gian ác!

*  Quan điểm theo khuynh hướng chính trị (political correctness) và thần học tương đối đã len lỏi vào Hội thánh gây hoang mang cho những người Cơ-đốc chân chính, họ còn đi xa thêm một bước cho rằng lẽ đạo về địa ngục là một điều hổ thẹn trong thần học nữa.

*  Nhưng một tương phản rõ rệt là Kinh thánh đề cập rất nhiều về sự phán xét và địa ngục được kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước xác định rõ. Cơn đại hồng thủy đã hủy diệt nhân loại thời Nô-ê (Sáng thế ký chương 6-8).

*  “…Mọi sự rủa sả sẽ giáng xuống trên mình ngươi và theo kịp ngươi” (Phục truyền 28:15). “Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói” (Ma-thi-ơ 12:36).  “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:10).

*  Các phân đoạn Thánh Kinh này và còn nhiều chỗ khác chứng tỏ sự phán xét không thể tránh và địa ngục là nơi chốn dành cho kẻ làm ác.

Kinh Tân Ước luận ít nhất có 7 dữ kiện sau đây liên quan đến sự phán xét.

  1. Cuộc phán xét liên quan đến ngày Chúa tái lâm.

 “Vì Ngài đã chỉ định một ngày khi Ngài sẽ lấy công bình đoán xét thế gian..” (Công vụ 17:31).

 “Bởi lòng ngươi cứng cỏi không ăn năn, thì tự chất chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 2:5-8).

  1. Sự phán xét tỏ tường trước mắt mọi người.

“Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người này với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra.” (Ma-thi-ơ 25:32).

*  Không ai có thể che giấu hay trốn tránh được (Ma-thi-ơ 10:26; Mác 4:22).

  1. Sự phán xét của Chúa là công chính và không tây vị.

“Vì trước mặt Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai đâu” (Rô-ma 2:11). Kẻ ác phạm tội tỏ tường và sẽ không thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:21-31; 2:1-3). Ngài được lập lên để đoán xét kẻ sống và kẻ chết (Công Vụ 10:42).

  1. Lời răn bảo về sự phán xét.

*  ”Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28).

Khi cảnh cáo về sự phán xét Đức Chúa Trời cũng đưa ra lời hứa về sự ăn năn.

*  “.. Nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2Phi-e-rơ 3:9).

  1. Sự phán xét của Đức Chúa Trời căn cứ trên luật pháp của Ngài.

*  Kẻ vi phạm luật pháp sẽ chuốc lấy cơn thạnh nộ của Ngài (Rô-ma 3:23; Gia-cơ 2:10).

*  Tín đồ chân thật sẽ không bị phán xét và được cứu bởi đức tin đến công tác cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ” (Lu-ca 18:13,14; Rô-ma 3:23-28).

*  Tên được ghi vào sách sự sống (Khải thị 3:5; 20:12).

  1. Sự phán xét của Đức Chúa Trời xảy ra từng giai đoạn rõ ràng.

  *  Trong bảy năm đại nạn sau khi Chúa tái lâm tiếp nghênh con cái Ngài (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17; Khải thị 3:10).

  1. Sự phán xét Đức Chúa Trời sẽ tuyên án phạt và kẻ ác bị quăng vào địa ngục.

*   Như cỏ lùng bị đốt, địa ngục là nơi khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 13:40-42; 24:50-51; Giăng 5:29).

Do đó, sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời là chắc chắn, địa ngục và hồ lửa là nơi ở hình phạt cuối cùng của kẻ ác, Chúa Giê-xu kể câu chuyện người giàu và La-xa-rơ chết để mô tả nỗi khốn khổ của địa ngục (Lu-ca 16:22-26).

Chúa Giê-xu cũng cảnh cáo kẻ giả hình và sự dạy dỗ sai lạc của thầy thông giáo và người Pha-ri-si rằng họ “không thể nào tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được” (Ma-thi-ơ 23:33; Ma-thi-ơ 16: 6, 11-12).

Sự cảnh cáo đó cũng dành cho tiên tri giả và giáo sư giả, là kẻ nói hầu việc Chúa nhưng lời giảng dạy của họ làm tổn hại cho linh hồn người nghe (Hê-bơ-rơ 10:26-31; 2Phi-e-rơ 2:1,2; 20-21; Khải thị 19:20).

Giu-đe chỉ ra sự giả dối đó đã bị định sẵn cho sự phán xét rồi.

Áp dụng.

1)         Người Á Đông chúng ta có câu: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, có nghĩa điều lành, điều dữ sẽ có ngày bị báo trả.  Người thế gian còn tin quan niệm phán xét công chính, huống chi là con dân Chúa.

2)         Lời Chúa xác định rõ về ngày phán xét và số phận của kẻ ác ở nơi hồ lửa. Vậy hãy tỉnh thức và ăn năn tin nhận Chúa cách chân thật, sống theo lời Chúa dạy hầu tránh khỏi sự phán xét cuối cùng (Rô-ma 8:1).

3)         Bạn đang đứng chỗ nào? Trong Chúa Giê-xu hay ngoài Chúa? Hãy sống và hành động như tôi con chân thật của Chúa.

Mục sư Nguyễn Anh Tài

******************

Bài #8: Ngày Sau Rốtố – Sự Phán Xét Chắc Chắn (Giu-đe 14b -16)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn trong nhà tạm này bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy” (2Phi-e-rơ 1:13).

Hê-nóc đã nói tiên tri về sự phán xét rằng: “Nầy Chúa ngự đến với muôn vàn thánh, đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính mà họ đã phạm cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài”(c.15).

Họ Là Ai?

Là những kẻ mà Giu-đe đề cập trước đó, là “thầy dối, đạo giả”.  Họ có ý định và nói lời sai lạc. Họ coi thường và chế nhạo thẩm quyền thuộc linh.

*  Hê-nóc sống trước thời nước lụt (Sáng Thế Ký 5:21-24). Ông đã nói tiên tri rằng Chúa sẽ phán xét những kẻ giả dối này. Dù lời tiên tri này không được  ghi trong Kinh Thánh Cựu Ước nhưng thư Giu-đe được Thánh Linh hà hơi ghi lại lời này từ trong sách 1 Enoch, là sách mà tín hữu sống trong thế kỷ thứ nhất rất quen thuộc.  Sách này ghi lại phần lịch sử và truyền thống của dân Do-thái và các lời dạy ẩn dụ được truyền tụng trong dân gian của các ra-bi (thầy).

Có ba điều chắc chắn phán xét sẽ xảy ra:

I. Chúa sẽ trở lại phán xét (c.15a)

*  Hê-nóc dùng thể quá khứ trong câu “Chúa ngự đến”.  Chứng tỏ ông thấy khải tượng rất rõ được xem như sự việc đã xảy ra.

*  Và các giáo sư giả chỉ trích, chế giễu “nào ngày Chúa trở lại ở đâu?”(2Phi-e-rơ 3:3).

II. “Chúa sẽ trở lại với muôn vàn thánh” (c.15b).

*  Con dân Chúa được gọi là thánh dân (1Cô-rinh-tô 1:2; 1Tê-sa-lô-ni-ca 3:13).

*  Con dân Chúa sẽ cùng Đấng Christ dự phần phán xét  (Khải Huyền 19:14; Xa-cha-ri 14:5). Tuy nhiên, ở đây ý nói về thiên sứ sẽ dự phần phán xét thì  phù hợp hơn theo thượng hạ văn (Ma-thi-ơ 24:31; Mác 8:38; 2Tê-sa-lô-ni-ca 1:7).

III. Chúa trở lại phán xét mọi người không tin kính.

*  Phán xét vì họ bỏ qua luật lệ Ngài.

*  Động từ “convict” có nghĩa “phô bày”, “quở trách” hay “kết án” những kẻ sai phạm.

*  Kẻ không tin kính gồm kẻ bội đạo và giáo sư giả.

*  Là Đấng phán xét  công chính, Đức Chúa Trời phải đoán phạt họ vì những việc sai phạm của họ, vì cách hành sử sai quấy và lời nói phạm thượng của họ nghịch cùng Ngài” (c.15c).

*  Hê-nóc mô tả sự không tin kính của kẻ bội đạo (2Phi-e-rơ 2:5-6; 3:7).

– Họ khước từ tôn kính Đức Chúa Trời khi sống đời buông thả đạo đức, không kính sợ ai hết và nói lời phạm thượng, chính là họ chất chứa cơn thạnh nộ và sự hình phạt hầu đến (Rô-ma 2:5; Thi thiên 2:2-5; Giăng 3:36; Rô 1:18…).  Hình phạt này xảy đến vì  hành động và lời nói phát xuất từ lòng gian ác của họ.

– Do đó, sự phán xét là điều chắc chắn.

* Tội lỗi do môi miệng: lời nói – họ lằm bằm hay phàn nàn – grumblers – (c.16). Từ này trong bản 70 (Septuagint) dùng mô tả dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm nghịch cùng Đức Chúa Trời và luật lệ Ngài. (Xuất  Ê-díp-tô ký 16:7,8; Dân Số Ký 14:27;29).

* ”Miệng đầy những lời kiêu căng” (c.16).  Họ kiêu căng khi thổi phồng lời nói, gây chú ý và hấp dẫn người nghe nhưng bên trong trống rỗng vì không có lẽ thật hay gây dựng.

* ”Vì lợi hay nịnh hót người ta” (c.16). Giáo sư giả nói những gì người ta thích nghe (2Ti-mô-thê  4:3-4), khéo léo, mánh khóe để trục lợi chứ không quan tâm rao giảng chân lý và gây dựng hội thánh (Thi Thiên 5:9, 12-23; Rô-ma 3:13,16,18).

*  Chúa Giê-xu phán: “Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người”.

Hê-nóc cho biết những giáo sư giả này sẽ bị xét bởi một quan án công bình và bị kết tội họ đã  phạm.

*  Trong phần kinh văn này Giu-đe xác định lời hứa về sự hiện đến của Chúa, và những ai sẽ tháp tùng với Ngài khi Chúa trở lại để phán xét kẻ ác. Tuy nhiên, một câu hỏi chưa được rõ là khi nào Chúa sẽ trở lại?  Chúa Giê-xu có đề cập đến ý này khi các môn đồ hỏi Ngài. Câu trả lời được ghi trong Mác 13:32-37 và Lu-ca 21:34-36 rằng ngày và giờ không ai biết, thiên sứ trên trời hay Con Người cũng không biết, chỉ một mình Cha biết mà thôi.

Do đó, “Vậy hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện để các người được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con Người” (Lu-ca 21:36).

Áp Dụng.

1) Lời Chúa cho biết sự phán xét là chắc chắn, cho nên nhờ Chúa, tôi con Chúa hãy tỉnh thức và cầu nguyện, đừng xem thường những gì Chúa cho là quan trọng.

2) Giu-đe vạch trần thái độ và hành động của giáo sư giả và tiên tri giả mà chúng ta không bao giờ ngờ, vì họ trá hình rất khéo léo. Hãy tỉnh thức và nhờ ơn Chúa phân biện.

3) Bất phục tùng thẩm quyền của Chúa và chống đối người Chúa xức dầu là dấu hiệu của tiên tri giả.

Mục sư Nguyễn Anh Tài.

 ******************************

Bài # 9 – Ngày Sau Rốt – Sách  Lược Để Đối Phó Trong Ngày Sau Rốt (Giu-đe 17-23)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn trong nhà tạm này bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy” (2Phi-e-rơ 1:13).

  1. Hãy nhớ.

Như tiên tri Ê-xê-chi-ên, Giu-đe thấy mình như người lính canh giữ (watchman) cho nhà Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 33:7-9). Mối hiểm nguy đang xảy đến trong nhà Chúa, cho nên Giu-đe khuyến cáo độc giả của ông: “Hãy nhớ lấy những lời mà các sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đã nói trước” (c. 17).  Có ý nhắc hãy cẩn trọng, hãy thực tế nhận định hoàn cảnh vì những kẻ ác đang hoạt động.  Hãy biết phân biện điều phải và điều quấy, giữa lẽ thật và gian dối.

Giu-đe nhắc hãy nhớ giáo sư giả là mối đe dọa thường xuyên từ xưa đối với dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước. (Ê-sai 28: 7; Giê-rê-mi  23:14; Ê-xê-chi-ên 13:4…). Họ làm hại Hội thánh đầu tiên (1Giăng 2:18,19; Khải Thị 2:2-3; 3:9). Họ đang hành động trong Hội thánh ngày nay và sẽ tiếp tục trong tương lai (2Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-4; Khải Thị 13: 19:19-20).  Do đó, sự có mặt của họ không làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng phải đề phòng.

Như Phi-e-rơ, Giu-đe cũng khuyến cáo độc giả của ông “hãy nhớ lẽ thật mà họ đã nghe” (2Phi-erơ 1:12-13).

“những lời mà các sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đã nói trước” (c. 17),  về sự bội đạo.

  1. Lời Chúa và các sứ đồ.

* Chúa Giê-xu đã nói trước “Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé” (Ma-thiơ 7:15 ; 24:11).

* Sứ đồ Phao-lô biện minh chức vụ sứ đồ của ông cho Hội thánh Cô-rinh-tô “Vì mấy người như vậy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, mạo chức sứ đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, chính quỷ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng” (2Cô-rinh-tô11:12-15).

* Sứ đồ Phi-e-rơ  “trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và sẽ có giáo sư trong anh em…” (2Phi-e-rơ 2:2).

* Sứ đồ Giăng khuyên hãy thử cho biết “vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ” (1Giăng 4:1).

* Chúa Giê-xu và các sứ đồ lặp lại nhiều lần về sự dạy dỗ sai lạc của các giáo sư giả len lỏi vào Hội thánh trong ngày sau rốt cho nên phải cẩn trọng vì họ sẽ làm cho Hội thánh chia rẽ để thủ lợi.

* Từ “divisions” nói đến động cơ của các giáo sư giả là đưa đến sự hoang mang vì họ cho rằng họ là trổi hơn những người giảng lẽ thật.  Giống như người Pha-ri-si, họ kiêu ngạo (Lu-ca 16:15; 18 9,11) ; khoe khoang (Ma-thiơ 23:4,5); kể mình thuộc dòng hoàng tộc thuộc linh (Ma-thi-ơ 16:6, 11-12).  Thay vì coi người khác tôn trọng hơn mình là bí quyết của sự hiệp một (Phi-líp 2:1-4), họ tự tôn và hành động theo mưu đồ riêng.  Dĩ nhiên, hậu quả là làm chia rẽ thân thể của Chúa.

*  “Kẻ nhạo báng này bước đi theo lòng ham muốn không tin kính của mình” (c.18). Họ dùng tiêu chuẩn sai lạc phê phán theo ý riêng cho nên trở thành “phe đảng thuộc về xác thịt không có Đức Thánh Linh” (c.19).  Thật ra, họ sống thể xác nhưng tâm linh đã chết vì chưa bao giờ được tái sanh bởi Thánh Linh.  Chỉ nói bằng miệng về sự hầu việc Chúa và từ chối làm công việc thuộc linh.  Họ tự cho mình biết Chúa nhưng công việc của họ chứng tỏ họ khước từ Ngài. (Tít 1:16).

  1. “Hãy tự lập lấy trên nên đức tin rất thánh của mình” (c. 20-21).

* Là Cơ-đốc nhân thuần chính, biết phân biện và giữ khỏi sự sai lạc, chúng ta phải giữ lấy và bước đi trong đường nên thánh, bằng cách tự lập trên nền đức tin rất thánh của mình. Có nghĩa chúng ta vững vàng về các lẽ đạo để phân biệt điều nào là đúng và nhận biết điều nào là sai.

* Nói cách thực tế xây dựng đức tin mình trên Lời Chúa và áp dụng Lời Ngài trong cuộc sống hằng ngày (Công vụ 20:32).

* Công việc xây dựng đức tin và xây dựng Hội thánh là công việc của đức tin thật (Rô-ma 14:19; 1Cô-rinh-tô 14:12,26;  Ê-phê-sô 4:16).

Kế đến, sự nên thánh liên quan đến sinh hoạt tâm linh là  “nhơn Đức Thánh Linh mà cầu nguyện” (c. 20b).  Ý này không có nghĩa cầu nguyện bằng tiếng lạ bèn là cầu nguyện phù hợp với ý muốn của Thánh Linh, tức là ý muốn, sự hướng dẫn và phương thức của Ngài.  Mặc dù ý chỉ của Chúa thật rõ trong Kinh thánh  (Phục truyền 17:19-20; Thi thiên 19:7,11 Ma-thi-ơ 4:4; Lu-ca 11:28; 2Ti-mô-thê 3:16,17)… chúng ta nhiều lúc không biết áp dụng như thế nào trong cuộc sống hằng ngày khi đối phó với nghịch cảnh. Do đó, Thánh Linh sẽ cầu thay cho chúng ta với Đức Chúa Cha những điều không thể nói ra được (Rô-ma 8:26-27).  Nhờ Ngài cầu nguyện có nghĩa chúng ta phú thác cho Ngài, và yên nghỉ trong sự chăm sóc khôn ngoan của Ngài. (Giăng 14:14-17; 1Giăng 5:14-15).

  1. “Hãy giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời” (c.20)

* Động từ “keep -teresate” ở thể mệnh lệnh quá khứ nhấn mạnh tính chất khẩn trương. Giu-đe cho biết thiên sứ và loài người đều đã từng bội đạo (5-19).  Gánh nặng của ông là khuyến giục chúng ta phải chiến đấu để đánh trận thuộc linh hết sức mình.  Ông nêu lên cả hai bình diện sức người (c.21) và sức Chúa (c.1,24) giúp để đạt chiến thắng. Như sứ đồ Phao-lô vậy (Phi-líp 2:12-13).

* Mục sư Spurgeon để câu khẩu hiệu này trước cửa văn phòng ông tại London “Holding, I am held” “A precious truth”.  Dĩ nhiên hai hàng chữ này không thể tách rời nhau được.

Trong khi theo đuổi sự nên thánh chúng ta “phải giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời” (c. 21).

Đây là một nguyên tắc rất quan trọng, có nghĩa mọi sinh hoạt của chúng ta phải ở trong phạm vi chúc phước của Chúa (Rô-ma 5:5; 8:39; 1Giăng 4:16). Nói cách thực tế điều này có nghĩa chúng ta ở trong sự vâng phục Chúa vì phước hạnh thiên thượng chỉ hứa trong lãnh vực vâng phục mà thôi (Giăng 15:9-11; 1Giăng 2:5).  Ngược lại, khi ra khỏi lãnh vực vâng phục thì sẽ bị sửa phạt (Hê-bơ-rơ 12:3-11).

Và cuối cùng khi theo đuổi sự nên thánh “chúng ta trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Giê-xu cho được sự sống đời đời”(c. 21b).  Sự trông đợi này cùng với  tinh thần háo hức, nghênh đón trong hy vọng vì chúng ta sẽ sống vĩnh cửu khi Chúa hồi lai. (1Cô-rinh-tô 1:7; Phi-líp 3:20; 1Phi-e-rơ  4:7; 2Phi-e-rơ 3:11-13).

Áp Dụng.

  1. a) Hãy nhớ các dữ kiện lịch sử và Lời Chúa cùng các sứ đồ khuyến cáo về thời kỳ sau rốt. Tại sao Kinh Thánh lập lại nhiều lần các hiểm họa ngày sau rốt? – Vì chúng ta hay quên và coi thường.
  2. b) Giữ mình trong sự yêu mến Chúa là bí quyết đời sống nên thánh. Vì yêu mến Chúa chúng ta sẽ không làm Chúa buồn hay muốn làm nghịch ý muốn Ngài.
  3. c) Vâng phục Chúa là bí quyết thành công vì ý Chúa là tốt hơn và sẽ đem đến kết quả hơn cho tôi con Chúa. “Người nào bị quở trách thường, lại cứng cổ mình. Sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa” (Châm ngôn 29:1).

 

Mục sư Nguyễn Anh Tài.

++++++++++++++++++

Bài #10 – Ngày Sau Rốt – Cách Hành Sử Đối Với Các Giáo Sư Giả (Giu-đe 22-23)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn trong nhà tạm này bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy” (2Phi-e-rơ 1:13).

Đến đây Giu-đe thay đổi từ chỗ giữ mình đến chỗ đối xử với các giáo sư giả và tiên tri giả này.  Có ba hạng người trong nhóm này mà con dân Chúa phải biết cách đối xử: kẻ hoang mang hay trù trừ, kẻ quyết định nhất thời và kẻ quyết định dứt khoát chọn đường sai lạc.

Làm sao để giúp đỡ những kẻ đe dọa sự hiệp một và an vui của Hội thánh?  Dĩ nhiên bổn phận của tôi con Chúa chẳng những nhận diện họ mà còn tìm cách hướng dẫn họ trở lại con đường chính đáng.  Chúa Giê-xu cũng làm như thế đối với người Pha-ri-si khi Ngài dùng bữa với họ trong khi đó Ngài cũng quở trách nặng sự giả hình của họ (Lu-ca 7:36; 11:37-38).  Chúa luôn sẵn sàng giải nghĩa con đường cứu rỗi cho Ni-cô-đem, một người Pha-ri-si có lòng tìm kiếm sự cứu rỗi (Giăng 3:1-21).  Trong hai câu ngắn này, Giu-đe nêu lên  ba lớp người trong vòng các giáo sư giả này.

  1. “Hãy trách phạt những kẻ này là kẻ trù trừ” (c.22). Những lời nói và hành động của những giáo sư giả khiến một số người trong hội thánh bị hoang mang.  Điều đó đã xảy ra tại Hội thánh Cô-rinh-tô (2Cô-rinh-tô 11:3) và Hội thánh ở Ga-la-ti (Ga-la-ti 3:1-5; 1:6-9) và vẫn còn tiếp tục đến ngày nay.  Khi bị vướng vào mạng lưới giả mạo thì nhiều người bị hoang mang và không nhận thức đâu là thật, đâu là giả.

*  Như chó sói rình mò chiên ngây thơ, giáo sư giả chọn tín đồ mềm yếu (2Ti-mô-thê 3:6), những cá nhân dễ chao đảo hay dễ lung lạc (Gia-cơ 1:6-8; Thi thiên 73:13-16; 77:7-9).  Con dân Chúa phải thương cảm nhưng người này bị lôi kéo giữa sự thật và lời giả dối (Ê-phê-sô 4:14), giữa quyết tâm và trù trừ (Hê-bơ-rơ 3:7-4:13).

* “Hãy trách phạt” ở đây, trong nguyên văn cũng có nghĩa hãy thương xót. Thương xót không có nghĩa bỏ qua sự sai lạc nhưng giúp họ với tấm lòng yêu thương nhưng cũng phải dè giữ.

  1. “Hãy cứu vớt” kẻ quyết định sai lầm nhất thời và “rút họ ra khỏi lửa”.

Để giúp cho hạng người này biết lẽ thật, con dân Chúa đối diện với thách thức lớn hơn. Không chỉ bày tỏ lòng thương xót mà còn phải hạ mình và để lòng tin cậy Chúa với ý thức Chúa đang dùng mình để cứu vớt họ.  Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời là nguồn cứu rỗi  (Thi thiên 3:8; Giô-na 2:9; Giăng 1:12-13) nhưng tôi con Chúa là tác nhân và phương cách Chúa dùng để tiếp xúc tội nhân. (Công vụ 2:37-41; 4:1-4…).

*  “Hỡi anh em, trong vòng anh em nếu có ai lầm lạc cách xa lẽ thật, mà có người khác làm cho nó trở lại thì phải biết rằng kẻ làm cho người có tội, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi” Gia cơ 5:19-20.

* Rút họ ra khỏi lửa” câu 23, mô tả một động tác rất mạnh bằng sức lực. Chắc Giu-đe mượn hình ảnh từ các tiên tri Cựu Ước, nhất là tiên tri A-mốt “Ta đã lật đổ các ngươi…như cai que rút ra khỏi lửa” (you were like a firebrand snatched from  a blaze)” (4:11).

* Giu-đe hình dung lửa địa ngục sẽ nuốt lấy họ nếu không được giựt ra khỏi sự sai lạc đó (Ê-sai 33:14; Ma-thi-ơ 13:42).

* Cách duy nhất để cứu những người này là dập tắt ý tưởng sai lạc trước khi quá muộn.  Điều này chỉ bởi năng quyền của Đức Chúa Trời (2Cô-rinh-tô 10:3-5). Chúa Giê-xu đã thực hiện trong khi Ngài thi hành chức vụ trên đất.  Đối với người không rõ, hoang mang, Chúa kiên nhẫn và nhẹ nhàng trình bày ơn cứu rỗi (Giăng 4:10-26; 6:26-59).  Nhưng đối với kẻ giả hình và giáo sư giả, Ngài thẳng thắn cảnh cáo sự hư mất đang chờ đợi họ. (Ma-thi-ơ  12:1-27; 15:1-15; Lu-ca 11:37-51; Giăng 8:12-59).

III. “Hãy có lòng thương lẫn sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô-uế” Đối với kẻ dứt khoát đi đường sai lạc (câu 23b).

Thỉnh thoảng tôi con Chúa có dịp tiếp xúc với các giáo sư giả này. Họ là những người bị lậm sâu vào sự sai lầm. Có những trường hợp họ nằm trong một hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ, cho nên khi tiếp xúc với họ chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng với “lòng thương lẫn với sợ” (c.23).  “Sợ” phát xuất từ ý thức hiểm họa mà những kẻ này có thể phản ứng bằng cách ngụy biện và cượng giải lẽ đạo hay ý đồ của họ (Ma-thi-ơ 16:6; 12:1; 1Cô-rinh-tô 5:6-7; 15:33; Ga-la-ti 5:7-9).

* Giu-đe dùng từ ngữ rất gợi hình mô tả cách nào khi tiếp xúc với hạng người này, cho thấy mức độ nguy hiểm trong sự tiếp xúc này. “Ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô-uế” (c.23b).

* “Cái áo” (chiton – garment) nói đến áo bên trong dưới lớp áo ngoài, là áo lót. Từ “ô-uế” (polluted by the flesh) nói đến vết dơ do hành động xác thịt xây ra. Giống như không ai muốn cầm đồ dơ của người khác thì chúng ta cũng phải thận trọng khi đến gần những kẻ ô-uế phần tâm linh.

* Nếu Hội thánh không đề cao cảnh giác vấn đề giáo sư giả này thì nó sẽ lây lan và hậu quả sẽ vô cùng nguy hại. Như trường hợp Hội thánh Sạt-đe: “Ta biết công việc ngươi, ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết” (Khải thị 3:1).

Áp Dụng

  1. Trong thời Tân Ước, chúng ta thấy xuất hiện những kẻ chống đối Chúa Giê-xu. Họ là ai? Họ là những thầy tế lễ, thầy dạy luật (thông giáo), người theo dòng Pha-ri-si là những người học biết Kinh Cựu Ước, đang làm công việc trong đền thờ, thường hay hãnh diện về việc giữ luật pháp của Chúa.
  2. Trong lịch sử Hội thánh đầu tiên cũng như hiện nay, có những kẻ chống đối với lẽ thật, làm rối loạn Hội thánh, mà tiêu biểu là đảng Ni-cô-la trong Hội thánh Ê-phê-sô, mà con dân Chúa trong Hội thánh này ghét việc làm của họ mà chínhø Chúa cũng ghét nữa (Khải Thị 2:6). Do đó, chúng ta thận trọng theo lời khuyên của Giu-đe và cũng không dám chấp nhận họ.
  3. Các nhà giải kinh nêu lên mối liên hệ đảng Ni-cô-la này với vị chấp sự có tên là Ni-cô-la trong danh sách 7 vị chấp sự của Hội thánh đầu tiên (Công Vụ 6:5). Nếu như thế thì chúng ta hãy cẩn trọng vì có thể các giáo sư giả này không ở xa chúng ta bao nhiêu.

 

Mục sư Nguyễn Anh Tài.

++++++++++++++++++

Bài #11: Ngày Sau Rốt – Sự Bảo Đảm Của Tín Đồ Thật (Giu-đe 24-25)

 “Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn trong nhà tạm này bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em,  là bổn phận của tôi vậy” (2Phi-e-rơ 1:13).

Vì Đức Chúa Trời là Đấng thành tín trọn vẹn, quyền năng vô cùng và yêu thương tuyết đối, Ngài “có thể gìn giữ anh em khỏi vấp phạm” (c. 24); (Giăng 6:37-40, 44; 1Phi-e-rơ 1:3-5). Kinh thánh có nhiều chỗ ghi lại lời hứa bảo quản của Chúa dành cho con dân Ngài.

* Như  “Vả, Đức Chúa Trời bởi quyền lực cảm động trong chúng ta có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:21). “Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 7:25).

* Theo cái nhìn của con người, con đường đến thiên đàng luôn có lắm trở ngại và nhiều thách thức vì cạm bẫy của ma-quỉ và giáo sư giả (Công vụ 14:22; 2Cô-rinh-tô 6:4-10; Hê-bơ-rơ 11:32-40). Nhưng trong quan điểm của Đức Chúa Trời, con đường này rất bảo đảm và an toàn vì không phải tín đồ có thể tự giữ mình bèn “Ngài là Đấng có thể gìn giữ anh em khỏi vấp phạm.”

Từ gìn giữ (phulasso – keep) được dịch từ chữ có tính cách quân sự, có nghĩa “bảo vệ – to guard” hay  “canh giữ – to watch over”).  Đức Chúa Trời đứng tại trạm canh của Ngài để coi sóc sự an toàn của tín đồ. (Thi thiên 12:7; Châm Ngôn 3:26; 1Cô-rinh-tô 1:8,9) trong khi kẻ thù nghịch tấn công (1Giăng 5:18), “Ngài gìn giữ khỏi vấp ngã mà bị lừa dối bởi kẻ bội đạo”. Thánh Linh sẽ ấn chứng như một dấu hiệu chúng ta thuộc về Ngài, là con dân Ngài (Rô-ma 8:16).

* Lời hứa của sự bảo đảm này thật vĩ đại vì chính Đức Chúa Trời là Đấng đã hứa và xác nhận cho mỗi con dân Ngài. Dù mục đích của Ngài cho tương lai là tuyệt vời nhưng vẫn có sự khổ đau trong hiện tại. Tuy nhiên, Chúa ban luôn ân điển vùa giúp ta có thể chịu nỗi và bảo đảm thành công. Ngay khi kẻ thù tấn công thì trong khi đó “chính Ngài sẽ khiến chúng ta đứng vững”, đặt chúng ta trên nền bền vững của đức tin, khiến chúng ta mạnh mẽ thêm lên.

  1. Chúa “khiến anh em đứng trước mặt vinh hiển mình” (c.24)

* Dấu chứng của đức tin thật là chịu đựng nỗi đến cuối cùng.  Động từ “khiến anh em đứng – histemi” (to make you stand có nghĩa “to present”, “to confirm” or “to establish”). Trong hiện tại chúng ta đứng trong ân điển, trong tương lai chúng ta đứng trong vinh hiển (Cô-lô-se 3:4; 1Phi-e-rơ 5:10).

* Tôïi nhân đứng trước mặt Chúa là điều khiếp đảm. Tiên tri Ê-sai thấy mình là một tội nhân dơ bẩn (Ê-sai 6:5). Ê-xê-chi-ên ngã xuống như người chết (Ê-xê-chi-ên 1:28) Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ kinh hãi trên núi hóa hình (Ma-thi-ơ 17:5-7) Sứ dồ Giăng ngã xuống như chết khi thấy Chúa trong dị tượng (Khải Thị 1:17).

* Để có thể đứng trước sự vinh hiển Chúa, con dân Chúa phải “không chỗ trách được” (c.24). Kinh thánh xác định tội nhân chắc chắn không được vào thiên đàng (Khải Thị 21:8, 27) chỉ ai có “tên trong sách sự sống” mà thôi (22:14-15).

* Cụm từ “không chỗ trách được” – (Amonos – blameless) mô tả tình trạng không còn tội lỗi nữa mà một ngày tương lai con dân Chúa sẽ tận hưởng. Từ này dành cho của lễ “không lỗi không vít” (1Phi-e-rơ 1:19) hoặc  địa vị của tín đồ được Chúa xưng công bình dù chúng ta vẫn còn trong thân thể yếu đuối, tội lỗi này (Rô-ma 4:6-8; 2Cô-rinh-tô 5:21; Tít 3:7). Trên thiên đàng chúng ta sẽ kinh nghiệm một cuộc sống chẳng những không có sự hiện diện của tội lỗi và còn hưởng sự toàn hảo của sự thánh khiết nữa (1Tê-sa-lô-ni-ca 3:13; Khải Thị 21:22-22:5).

  1. Chúa Khiến Anh Em “rất vui mừng” (c.24).

* Sự vui mừng này bao gồm mọi khía cạnh của đời sống trên thiên đàng. Đây là niềm vui thiên thượng của mối liên hệ Cha với Con với tín đồ chân thật (Lu-ca 15:7, 10: Xa-cha-ri 3:17).

* Con dân Chúa sẽ tận hưởng suốt cõi đời đời (Khải Thị 22:3-5).

Để kết thúc bức thư vô cùng quan trọng này, sứ đồ Giu-đe dâng lời cảm tạ ngợi khen Chúa về cứu tỗi hiện này và sự vinh hiển tương lai của tín đồ Đấng Christ  “là Đức Chúa Trời có một, là Cứu Chúa chúng ta, bởi Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa chúng ta, được sự vinh hiển, tôn trọng, thế lực quyền năng thuộc về Ngài từ trước vô cùng và hiện nay cho đến đời! Amen.”

Chỉ có Đức Chúa Trời qua công cuộc cứu chuộc của Chúa Giê-xu mới có thể hoàn tất chương trình này.  Do đó, Giu-đe dành lời ngợi khen dâng lên Chúa Giê-xu. Vinh hiển là gồm tóm tất cả thuộc tánh thiên thượng của đặc tính sáng chói (Xuất Ê-díp-tô ký 33:22). Tôn trọng chỉ về quyền trị vì tuyệt đối của Đức Chúa Cha (Hê-bơ-rơ 1:3; 8:1) và Đức Chúa Con (2Phi-e-rơ 1:16). Thế lực chỉ về thẩm quyền cao trọng và đặc ân làm theo ý muốn của Ngài (Công vụ 3:33-35; Phi-1íp 2:9-11).

* Quyền hạn tối cao trên tất cả muôn loài vạn vật này còn đến đời đời. (Khải Thị 1:8). “Từ trước vô cùng” là sự vĩnh cữu của “quá khứ”; “và hiện nay” là thời hiện đại, và “cho đến đời đời” chỉ về sự vĩnh hằng của cõi tương lai.

Áp Dụng

  1. a) Bạn có biết chắc mình là tín đồ thật chưa? Tín đồ thật có đặc tính như con chiên đơn sơ hiền lành trong bầy chiên của Chúa, là Hội thánh. Chiên nghe tiếng người chăn và theo sau người chăn. Là người hầu việc Chúa, bạn có trung tín với Chúa và với Hội thánh của Ngài không? – Nếu quả thật bạn là tôi con thật của Chúa thì sự bảo đảm của Chúa sẽ là của bạn vì Ngài là Đấng “có thể gìn giữ anh em khỏi vấp phạm”.
  1. b) Một dấu hiệu nữa của sự bảo đảm là sự vui mừng, bình an trong thử thách. “Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 5:12). Bạn là người chịu bắt bớ hay làm công việc bắt bớ?
  1. c) Tôi con thật của Chúa không chỉ sống cho hiện tại mà sống cho tương lai. Dấu hiệu người sống cho tương lai là người “chăm sự ở trên trời”; người tôn vinh Đức Chúa Trời trong đời sống và chức vụ mình và tuân phục ý chỉ Ngài. Là ngươi luôn đặt quyền lợi của Chúa trên quyền lợi cá nhân và sẵn sàng chấp nhận “coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ  vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quý hơn hết” (Phi-líp 3:8).  Bạn đã có những điều này chưa?

Mục sư Nguyễn Anh Tài

+++++++++++++++++

Bài 12: Ngày Sau Rốt –  Số Phận Kẻ Ác”  (2Phi-erơ 3:7)

Sứ đồ Phi-e-rơ sau khi để gần cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông tâm tình: “Nhưng tôi còn trong nhà tạm này bao lâu,  thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em , là bổn phận của tôi vậy” (2Phi-e-rơ 1:13).

Kinh thánh xác định số phận kẻ ác rất rõ ràng:

*  ”Lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và huỷ phá kẻ ác” (2Phi-e-rơ 3:7b).

*  ”Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong” (Thi thiên 1:6).

*  ”Còn ma quỉ là đứa dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải Thị 20:10).

*  Kinh Thánh đã ghi đến 363 lần về kẻ ác, nhiều nhất trong Thi thiên đề cập đến bản chất hung bạo và mưu kế thâm sâu để hại người công bình như: “Kẻ ác vì lòng kiêu ngạo, hăm hở rượt theo người khốn cùng” Thi Thiên 10:2: “ Kẻ ác bộ mặt kiêu ngạo mà rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời (4); hắn chê hết thảy kẻ thù nghịch mình”; hắn ngồi nơi rình rập cửa làng, giết kẻ vô tội trong nơi ẩn khuất (c. 5, c.8); Hắn phục trong nơi kín đáo…hắn  rình rập đặng bắt người khốn cùng (c. 9); Hắn chùm hum và cúi xuống.  Kẻ khốn cùng sa vào vấu hắn (c.10). Chỉ trong một Thi Thiên, chúng ta thấy tư tưởng và hành động của kẻ ác thật khiếp đảm.

*  Duy chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể giải cứu người công bình khỏi sự tàn bạo và độc hại của kẻ ác (Thi Thiên 10:14,15).

Kẻ ác là ai?

Ít nhất có 5 bảng danh sách được ghi trong Kinh Thánh Tân Ước.

Rô-ma 1:28-32; 1Cô-rinh-tô 6:9-10; Ga-la-ti 5:19-21; 2Ti-mô-thê 3:2-4; Khải Thị 21:8, 27.

Sau đây là hai thành phần với một số đặc tính tiêu biểu:

* “Kẻ hèn nhát”  (deiloi- cowardly). Họ là thành phần không chịu đựng nỗi thử nghiệm (Ma-thi-ơ 24:13; Mác 8:5). Họ thất bại khi gặp thử thách đức tin vì chưa có niềm tin thật. “Người lui đi cho hư mất” (Hê-bơ-rơ 10:39).  Nhà giải kinh Swete cho biết đó là “những tín đồ trong Hội thánh, giống như người lính bỏ chạy khi gặp kẻ thù, thất bại khi đối diện với nghịch cảnh và trở nên hèn nhát, trốn chạy không còn ở trong hàng ngũ quân đội của Đấng Christ”. Họ không dám đứng ra bênh vực lẽ thật  và trốn tránh trách nhiệm.

* “Kẻ chẳng tin” – có thể dịch là người không trung tín (unfaithful). (Khải Thị 21:8).

Phao-lô mô tả bản tính của hạng người này trong (2Ti-mô-thê 3:2-4).

Trong ba câu này, Phao-lô nêu lên đến 18 đặc tính của kẻ ác gồm người không tin kính Chúa và bội đạo.

  1. Vì người ta đều tư kỷ” (Lovers of self). Đây nói đến người trong ngày sau rốt.

Từ này trong nguyên văn là”philautos”,  là động từ kép gồm động từ phileo (to have great affection for) và autos (self).  Động từ này không có nghĩa xấu nhưng nó trở nên xấu khi sự yêu thương này trở nên ích kỷ chỉ dành cho mình mà thôi (self). Khi chỉ nghĩ đến mình, thân nhân của mình thì tình yêu này trở nên tư kỷ. Vì tư kỷ sẽ dẫn đến kiêu ngạo và đó là nguồn cội của mọi tội  lỗi khác như sau.

2. “Tham tiền” (lovers of money) là tiêu biểu của lòng tham vật chất. Ở đây Phao-lô không phải nói đến sự làm việc để có tiền sinh sống. Ông còn khuyên nên làm việc vì nếu không làm thì không cũng nên ăn (2Tê-sa-lô-ni-ca 3:10). Phao-lô khuyên có đủ ăn, đủ mặc thì phải thỏa lòng. Nhưng người nào muốn nên giàu có sẽ dễ sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn.”(1Ti-mô-thê 68, 9).

3. “Khoe khoang” (boastful). Đây là hành động bề ngoài của lòng tư kỷ bên trong. Người khoe khoang về những thành công, khoác lác hơn sự thật. Cho mình biết hết mọi việc và lừa dối bằng cách khiến kẻ khác tin họ là khôn ngoan hơn mọi người. “Họ muốn làm thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tự quyết” (1Ti-mô-thê 1:7).

4. “Xấc xược” (arrogant) được mô tả về các người lãnh đạo tôn giáo, “kẻ cậy mình là người công bình và khinh dễ kẻ khác” (Lu-ca 18:9). Gia-cơ và Phi-e-rơ trích trong Châm Ngôn “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6; 1Phi-e-rơ 5:5). Khoe khoang và xấc xược có nhiều hành vi giống nhau hơn là khác biệt.

5. “Hay nói xấu, hay phạm thượng” (revilers dịch từ chữ blasphemos) có nghĩa chính là lạm dụng và vu khống, phỉ báng (slanderous). Khi đưa mình lên tức là hạ người khác xuống. Khi trong lòng mình khinh khi, sẽ bộc lộ ra lời vu oan, nói xấu người khác vì miệng lưỡi luôn vâng theo con tim (Mác 7:21-22).

6. “Nghịch cha mẹ” (disobedient to parents) cụm từ này đã nói lên ý nghĩa của nó. Có thể vì ảnh hưởng xấu của xã hội, trong học đường đã len lỏi vào gia đình. Khi con cái nghịch cha mẹ thì cũng có khuynh hướng nghịch cũng mọi người khác.

7. “Bội bạc” (ungrateful). Từ này cũng tự giải thích rõ. Khi con người lên mình kiêu ngạo thì nghĩ rằng mình xứng đáng nhận mọi điều tốt lành cho nên không cần cám ơn ai cả. Nhiều khi còn chê ít chê nhiều nữa. Nhiều khi không bày tỏ qua lời nói, nhưng kẻ bội bạc khinh khi ngay cả ý nghĩa của ân sủng, vì ân sủng là điều tốt lành ban cho người không xứng đáng đón nhận. Đó là mang tội đối với Chúa (Rô-ma 1:18,21).

8. “Không tin kính” (unholy). Từ “anosias” không có ý nghĩa tôn giáo. Nó được dùng chỉ về người từ chối đem chôn một người chết hoặc người phạm tội loạn luân. Người này được thúc đẩy bởi lòng tư kỷ để thỏa mãn tư dục và đam mê theo đuổi một ý đồ hoặc một tham vọng riêng tư.

9. “Vô tình” (unloving) từ nay dùng thể phủ định trong phạm vi gia đình, xã hội và tình yêu tổ quốc. Kẻ vô tình này không quan tâm đến những người thân yêu mình. Họ quan tâm đến chính họ và những gì có lợi cho họ mà thôi. Kẻ vô tình này là kẻ “không có trái tim”.

  1. “Khó hoà thuận” (irreconcilable) là người từ chối thay đổi dù trong tình huống tuyệt vọng. Họ quyết định theo ý riêng mình bất kể hậu quả tai hại đến đâu, thậm chí làm tan hoang sự nghiệp, mạng sống của mình và gia đình mình. Họ không tha thứ và không muốn được tha thứ. Theo họ thì không có sự thỏa hiệp hay giải hòa. Lòng tư kỷ thái quá và tự mãn tuyệt đối.
  2. 11 “Hay phao-vu” (Malicious).  Nguyên nghĩa là “diabolos”.  Được dùng 34 lần trong Tân Ước đề cập đến danh hiệu của Sa-tan. Từ này cũng có nghĩa là kẻ tố cáo (accuser) mà kẻ hay phao-vu chính là công cụ của Sa-tan.  Nói xấu được xem dường như vô hại nhưng phao-vu là nói xấu với thâm ý hại người. Người phao-vu tự đề bạt quyền lợi mình bằng cách đánh phá danh dự và hạ uy tín người khác.
  1. “Không tiết độ” (without self-control) mô tả một người không thể tự kiềm chế, một kẻ đeo đuổi ý đồ riêng mình, bất chấp lẽ phải và dư luận. Giống như chiếc xe không người lái, phóng bừa bãi, đụng ai nấy chịu. Người tư kỷ trước sau sẽ không kềm chế đời sống và trở nên tội mọi của chính tham vọng mình.

13 “Dữ tợn” (brutal) nói đến sự dã man giống như thú dữ mà bản chất là tấn công kẻ thù và cấu xé ra từng mảnh. Tư kỷ khiến con người trở nên không còn biết xúc cảm, hiểm ác và dẫn đến bạo tàn.

14. “Thù người lành” (haters of good). Đây là sự tuột dốc của người tư kỷ, họ ghét điều đáng phải thương và thương điều đáng ghét. Họ chìm vào mức độ của loài động vật nhưng không giống loài động vật vì họ biết điều tốt nhưng lại chọn khinh dễ và chống đối điều tốt đó. Như Ê-sai 5:20 “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành; gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay”.

  1. “Lường thầy phản bạn” (traitors). Họ phản bội ngay cả người nhà hay bạn thân. Phản bội sẽ đương nhiên đến với người tham tiền của, người khoe khoang và xấc xược. Chúa Giê-xu cùng từng cảnh cáo các môn đồ về hạng người này (Ma-thi-ơ 10:21-22; 24:9-10). Khi Hội thánh bị bắt bớ, tín đồ chân thật đều bị những kẻ này phản bội ngay cả người trong gia đình.
  1. “Hay nóng giận” (reckless). Có nghĩa sống cẩu thả, không coi ai ra gì. Điều này dường như không nguy hiểm bao nhiêu so với các cá tính khác. Tuy nhiên, người này chỉ tập trung về mình và không nghĩ đến ai khác ngoài việc chăm lợi riêng cho mình.
  1. “Lên mình kiêu ngạo” (conceited), từ nay có nghĩa coi mình quá cao. Nguyên văn là “tuphoo” bắt nguồn từ ý bị bao phủ bởi khói mù hay mây đen, đến nỗi không thấy chi ngoài cái thế giới riêng của cá nhân mình. Phao-lô dùng ý này để nói về giáo sư giả dạy dỗ đạo khác..người đó lên mình kiêu ngạo, không biết cho hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy..” (1Ti-mô-thê 6:3-4).
  1. “Ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời”. Bản tính tội lỗi sau cùng của giáo sư giả này rất nguy hiểm. Nguyên nghĩa chỉ có một chữ “philedonos” là chữ kép gồm “philos” (loving – thương yêu) và” hedone” (pleasure – vui chơi, khoái lạc). Cái điều vui sướng của những kẻ này là ngoài các tội lỗi kể trên, họ vui sướng nhìn thấy khổ đau họ gây cho người khác gồm cả người thân trong gia đình và bạn bè thân thích. Không có chỗ cho Đức Chúa Trời trong tâm tư và đời sống của những kẻ chỉ tập trung vào cái tôi của họ. Lucifer sa ngã từ địa vị cao sang trên thiên đàng vì nó trở nên “chúa” của chính mình, từ đó, nó cố gắng cám dỗ nhân loại đi theo hướng hình tượng đó.

 

Áp Dụng

 a) Kẻ gian ác thường mải mê tìm phương hại người từ tinh thần đến thể xác cho nên họ quên đi một ngày nào đó họ phải bị báo trả. Họ giống như đang lái một chiếc xe phóng thật nhanh qua mặt mọi xe khác mà không biết một vực thẩm đang ở phía trước.

b) Chúng ta xem báo chí, nghe tin tức truyền thông hay chứng kiến trước mắt hành động kẻ ác ngang nhiên hành động, họ cứng lòng trước lời khuyên bảo và bị mù lòa trước lẽ thật.

c) Sứ đồ Phao-lô khuyên “Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi” (2Ti-mô-thê 3:5). Còn Giu-đe khuyên “Hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô-uế” (câu 23).

Xin Chúa giúp chúng ta phân biện và cứu chúng ta khỏi lưới rập của kẻ ác.

Mục sư Nguyễn Anh Tài

(Còn tiếp)


Comments

Loạt Bài: Suy Gẫm Lời Chúa – “Ngày Sau Rốt” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *