HomePTLĐ PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO HTCách Soạn Bài Giảng – Cố MS Nguyễn Duy Xuân (c) 1987

© TinLanhLibrary.com 2017

  1. Các thể loại bài giảng:

Khi muốn làm một bài giảng. Trước hết hãy cầu nguyện Chúa chỉ cho một đoạn Kinh Thánh, hay một câu, hoặc đề tài nào mình được Chúa tỏ ra. Nên biết có 5 loại bài giảng:

  1. Bài giảng theo lịch sử
  2. Bài giảng theo ký truyện
  3. Bài giảng theo đề mục
  4. Bài giảng theo một câu gốc
  5. Bài giàng giải nghĩa Kinh Thánh

 

Chú ý: Khi giảng theo câu gốc, có 4 loại bài giảng :

+ Ý quan hệ

+ Chữ quan hệ

+ Lời quan hệ

+ Theo câu ngắn

Bất luận là loại nào, cũng phải tìm đề mục (đề tài) và làm bố cục. Thường thường bố cục có 3 phần chính, mỗi phần có 2 phần nhỏ, cộng với lời tựa và kết luận là 8 phần nhỏ, mỗi phần giảng chừng 4 phút hay 5 phút là đủ.

Bài giảng từ 30 đến 45 phút là đủ, đừng giảng dài, người ta khó chú ý và buồn ngủ, về sau người ta thấy mình lên tòa giảng là họ sẽ sợ mình giảng dài.

Nên giảng phần nào ra phần nấy, đừng nói rồi, nói nữa, lập đi lập lại mãi kéo dài thì giờ. Nên viết bài giảng ra từ chữ, từ tiếng để tập, những chữ nào cần nhấn mạnh cần nói lại hai lần. Khi kết luận là xong, chớ đừng kéo dài dài. Dù ghi hết đầy đủ nhưng tập khi giảng thì đừng nhìn vào bài như đọc.

Mỗi phần lớn nếu được thì có ví dụ ngắn cho rõ ý. Nên nhớ ví dụ giúp làm cho rõ ý, chớ không phải để kể cho vui tai. Nếu không có ví dụ trong mỗi phần thì tìm ví dụ cho phần kết luận cũng được. Đừng dùng quá nhiều ví dụ, và không nên kể những chuyện khôi hài không được tế nhị hay thô tục.

II.-  Những chữ quan hệ thường được dùng đúng vị trí trong mỗi phần. Bài giảng thường có 3 phần chính.

Phần 1: Nguyên nhân, lý do, căn nguyên, cơ hội, nguyên tắc, nguồn gốc, v.v…

Phần 2:  Phương pháp, phương cách, cách thức, thể thức, làm thế nào, tấm lòng, tâm trạng, hành động, công tác, trạng thái, năng lực, v.v…

Phần 3: Kết quả, hiệu quả, ích lợi, phước hạnh, hạnh phước, chung cuộc, v.v…

Chú ý:  Đừng để những chữ này lộn vị trí của nó khi giảng sẽ bị kể như là không đúng phương pháp, ngoại trừ trường hợp nào đặc biệt và có đúng lý do.

Cũng có loại bài giảng chia ra 5 phần, 6 phần, hoặc 9, 10 phần. Loại nầy thì không nên có phần nhỏ. Nếu 10 phần thì mỗi phần giải nghĩa 3 đến 4 phút là vừa.

Nếu 7 phần thì mỗi phần 5 phút là vừa, kết luận vài ba phút nữa là đủ. Nhưng khi có việc cần, hết thì giờ thì nên giảng 30 phút. Nếu thiếu thì giờ nữa thì giảng 10 phút hoặc 15 phút cũng được.

Khi thấy hết thì giờ rồi thì không nên tiếp tục giảng kéo dài. Có một vài vị mục sư đã hết giờ mà cứ giảng kéo dài, đến nổi tín hữu không còn muốn nghe, nhưng còn nhớ tên mục sư ấy rất lâu, và cứ nhắc đi nhắc lại là ông ấy giảng dài. Khi mà người ta nhận thấy mục sư giảng dài, thì dầu cho bài giảng mục sư ấy giảng hay đến đâu, họ cũng nghe không được vì hết đã muốn nghe. Không khác nào người ta đang có tâm sự chi đó thì ăn không thể nào ngon được, mặc dầu trước mặt có đồ ăn ngon.

Vậy nên cố gắng giảng 30 phút là vừa, ngoại trừ một bài giảng đặc biệt có thể đến 45 phút nhưng đừng kéo dài hơn.

III.- Những điều nên tránh khi soạn bài giảng:

Khi làm bài giảng nhớ cố gắng viết cho gọn, và đủ ý, đừng nói dài dòng một câu chuyện hay một ý mà không cần thiết, hoặc nói mênh mông khiến cho người nghe không lãnh hội được mình nói gì. Khi đọc đi đọc lại, nên cắt tỉa bớt những lời không cần thiết một cách không hối tiếc. Đừng viết những câu quá dài gồm nhiều tư tưởng trong một câu. Cắt lại thành những câu ngắn. Thà dùng những câu nói ngắn gọn để diễn tả rõ nghĩa hơn là những câu dài mà phải nói lòng dòng làm cho người nghe rối trí.

Tránh dùng chuyện tiếu lâm, hay lời lẻ không lịch sự, hoặc lời có tánh cách thô tục, hay tục tỉu, nhất là lỡ nói những lời không kịp suy nghĩ trước. Cẩn thận đừng nói mà không suy nghĩ, hoặc có những lời đưa đến sự hiểu lầm, hoặc nói gì mà mình không có ý nói như vậy. VD: “Là con cái Chúa chúng ta đừng bao giờ đọc Lời Chúa” (ý là đừng bao giờ quên đọc Lời Chúa). Chính mình phải nghe rõ những gì mình nói để sửa ngay khi nói lộn.

Tránh dùng những câu chuyện quá dài làm ví dụ, quá phức tạp, phải kể hết 10 phút người ta mới hiểu nhưng mà cuối cùng thì không thấy có áp dụng rõ ràng hay hữu ích cho bài giảng, chỉ phí thì giờ thôi.

Vậy nên cẩn thận khi dùng ví dụ, và dùng lời giảng cho phải cách, lịch sự và phong nhã, tránh nói chuyện tầm phào trên tòa giảng, hoặc hí ngôn, chơi chữ, chuyện chọc cười cho vui nhưng thiếu lịch sự. Đành rằng đôi khi phải có lời vui vui và văn vẻ, nhưng phải nghiêm chỉnh trong lời nói và lời giảng.

Phải nhớ rằng: Mục sư chỉ có 30 phút hoặc 40 phút để giải bày Lời Đức Chúa Trời, thì nên tiết kiệm từng phút để giải bày Lời Chúa để nuôi dưỡng phần tâm linh tín hữu. Tín hữu cần có Lời Đức Chúa Trời, chứ không cần văn hay, chuyện vui, hay tin tức thời sự.

IV.- Nên biết rõ tình trạng thuộc linh của mỗi con chiên trong nhà Chúa, hoàn cảnh họ ra sao, và đời sống họ như thế nào, để nhờ Chúa tìm một khúc Kinh Thánh, một đề tài có thể giảng và ứng dụng thuộc linh cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nuôi dưỡng và an ủi cho tín hữu.

Bài giảng của mục sư như liều thuốc bổ, hoặc thuốc điều trị những chứng bịnh về tâm linh luôn cả bệnh thể xác tín hữu nữa, giúp họ ra khỏi tình trạng khó khăn do tội lỗi họ gây ra, hoặc do ma quỷ đưa đến, gây rối trong đời sống họ. Sau khi làm xong bài giảng, phải thực tập, giảng thử và cầu nguyện để xin Chúa cho giảng đúng theo ý Chúa và trình bày theo sự cho phép và hướng dẫn của Đức Thánh Linh, xin Ngài đặt lời vào môi miệng. Vì Lời làm cho chết nhưng Đức Thánh Linh làm cho sống.

V.- CÁCH SOẠN BÀI GIẢNG VÀ THUYẾT GIẢNG.

Khi muốn soạn một bài giảng theo đề tài hoặc theo một đoạn Kinh Thánh. Bắt đầu bằng sự cầu nguyện, rồi đọc khúc Kinh Thánh mình muốn dùng. Đọc lớn tiếng 5-10 lần. Cầu nguyện xin Chúa dạy dỗ mình thêm những gì mình đã học hiểu. Chính mục sư phải được Lời Chúa cảm động lòng mình, thì mới có thể chạm đến lòng con cái Chúa khi truyền đạt sứ điệp. Bài giảng không phải chỉ nằm trên giấy, nhưng phải đi ngang qua tấm lòng người giảng rồi mới có thể đến với tấm lòng người nghe.

Lấy một tờ giấy, ghi xuống tất cả những chữ quan trọng, những ý tứ quan trọng, những ý có liên hệ với nhau, ghi cả chuyện ví dụ, và những câu chuyện gì mình muốn đề cập đến trong bài giảng ấy.

Xong, bắt đầu quyết định một đề tài, một loại bài giảng mình muốn dùng, chia bố cuộc ra cho thứ tự và hợp lý. Khi làm bố cuộc xong, cho ví dụ vào các phần ấy nếu có, hoặc những câu nói danh tiếng, những câu cách ngôn, tục ngữ nào mình muốn dùng trong tờ giấy nháp ấy. Kế tiếp, bắt đầu viết vào tập bài giảng từ đề mục, câu gốc, lời tựa (nhập đề), các phần, lời kết luận. Nhiều khi lời nhập đề có thể là phần sau cùng mà mình viết thì dễ hơn.

CHÚ Ý: Trong lời tựa thường thường có 3 phần:

  1. Lời mở đầu: cám ơn vị nào mời mình giảng, gời lời chào của Hội Thánh nhà, chào một vài gia đình minh quen biết trong HT, Chào hội chúng, hoặc kể những gì vui có liên hệ đến HT, hoặc chuyện vui xảy ra khi trên đường đến giảng, v.v.
  2. Những sự việc mới xảy ra có liên hệ đến khúc Kinh Thánh, bối cảnh xã hội, hay những việc liên hệ đến đề mục. Có thể bắt đầu bằng một chuyện ngắn vui vui liên hệ đến đề tài hay đề mục.
  3. Nhập đề: Nhập đề là giới thiệu bố cục cho xuôi, cho quán xuyến với nhau từ đầu đến cuối, như một con đường đi xuôi suốt, từ đầu đường đến cuối đường. Mỗi bài giảng là một quyển sách nhỏ nên mọi phần phải có sự mạch lạc và liên hệ với nhau. Cuối phần nầy có thể có vài câu hỏi mà bài giảng sẽ cung cấp lời giải đáp.

 

CHÚ Ý: Kiểm Soát Thì Giờ: Khi giảng nên tự kiểm soát thì giờ luôn luôn, để biết mình đã giảng tới đâu và thì giờ đã trôi qua như thế nào rồi, để có thể bỏ bớt phần không quan trọng cho kịp thì giờ, chớ đừng theo sát bài giảng như đã soạn cứ giảng cho đến hết bài.

Luôn luôn theo dõi thính giả của mình, họ đang nghe như thế nào? Họ có chăm chú không, hay đang ngủ gật? Nếu thấy nhiều người mệt mỏi hay đang ngủ gật thì có thể mời mọi người đứng dậy hát một câu Thánh ca. Hát xong, tiếp tục giảng thêm. Trong tình trạng này, nếu thấy thính giả mệt và buồn ngủ thì nên rút bớt cho ngắn BG là tốt.

CHÚ Ý: Việc ra bộ tịch:  Phải cho đúng. Ví dụ: Chì vế phía đông, tây, nam, bắc thí chỉ cho đúng, chớ đừng nói đông mà tay lại chỉ tây, nói trời mà chỉ xuống. Dù vậy đừng nhăn mặt nhăn mày hay múa tay múa chân nhiều quá. Có những lúc cũng cần diễn tả điều mình nói hay kể nhưng không nên múa meng quá nhiều như hát bộ.

CHÚ Ý: Những Điều Nên Tránh:

  1. Bỏ cho được thói quen tằng hắng, bỏ bớt ừ, ùm, ờ, à…
  2. Khi giảng nhớ đừng khi nào tằng hắng mỗi khi qua phần khác.
  3. Đừng lấy kiếng đeo mắt xuống, rồi lại đeo lên, cứ tái diễn mãi ra thói quen, nếu đeo luôn cũng tốt. Đừng sửa kiếng hoài.
  4. Tránh chấp tay sau lưng mà giảng hoặc cầu nguyện, nếu không chú ý cứ làm như vậy hoài thành ra thói quen, coi không được nhất là không có bục giảng kín.
  5. Đừng bỏ tay vào túi quần lúc giảng. Đừng lúc lắc sâu chìa khóa trong túi, đừng bấm tíc tắc với cây viết. Đừng đi qua đi lại nhiều quá.
  6. Đừng kêu tên hỏi một tín hữu nào một vài việc trong lúc giảng. Nếu hỏi là hỏi chung. Hoặc cần hỏi chuyện hay đố một câu dễ dễ là hỏi các em, …
  7. Đừng hỏi riêng hoặc chung lúc giảng: tôi giảng vậy mà quí vị có hiểu không?
  8. Đừng kể chuyện của một tín hữu nào đang ngồi nghe giảng, nhất là chuyện làm họ mất cở. Đừng kể chuyện nào của con cái mình mà sau đó có thể làm cho chúng xấu hỗ vì bị bạn bè trong HT chọc ghẹo.
  9. Có thể kể chuyện yếu đuối nào đó của mình và rút ra bài học, nhưng đừng kể những chuyện quá xấu khiến cho bị khinh thường vì gương xấu.
  10. Đừng mời người nào cầu nguyện, nếu biết người ấy có tính nhút nhát, chưa dám cầu nguyện tại nhà thờ.
  11. Đừng liên tục nhìn xuống notes hoài, để đọc bài giảng mà mình chưa thuộc. Nếu chưa thuộc thì giảng tự do theo như Đức Thánh Linh cho nói và cứ dạn dĩ ngó ngay thính giả.
  12. Nên ngó qua thính giả phía nầy và phía kia, đừng chỉ ngó một bên thôi, hoặc ngó lên nóc nhà, hoặc ngó vào một người nào đó lâu quá hay nhiều lần, nhất là nhìn vào một bà nào đó.
  13. Đừng dùng tay gãi vào mũi, lỗ tai, gãi háng, gãi đầu, … thường đó là thói quen hoặc bị stress chớ không phải vì ngứa ngáy. Đừng quẹt lỗ mũi, nheo mắt, ho, hay tằng hắng, khịt khẹt (có vị mục sư kia khi giảng mà cứ khịt khẹt hoài, thành thói quen, không sửa được.) Nếu khô cổ thì dừng lại, xin lỗi và uống chút nước.
  14. Đừng giảng lúc thì la hét quá lớn gây khó chịu, lúc thì nói quá nhỏ không ai nghe được. Nhưng đừng giữ giọng quá đều đều dễ buồn ngủ. Cũng đừng nói quá nhanh người ta nghe không kịp. Thà cắt bớt bài giảng hoặc giảng nửa bài tuần sau giảng tiếp chứ đừng giảng nhanh cho hết bài!

 

VI.- VÀI BÀI GIẢNG MẪU:

            >> Bài giảng theo loại giải nghĩa KT, ở đây MS chia khúc KT ra 10 phần:

            (MS Thomas Stebbins, Giảng ở một Hội Đồng Giáo Hạt Hoa Kỳ).

                        Địa chì: Sứ đồ 8:26-40, Đề tài: “10 Bước Dắt người Về Với Chúa “

  1. Hãy chờ dậy: câu 27
  2. Chạy (chạy đến cơ hội) : câu 30
  3. Lại gần (tiếp xúc): câu 29
  4. Nghe (nghe người bày tỏ tâm sự): câu 30a
  5. Mở đầu, nói, hỏi: câu 30b và câu 35
  6. Dùng Kinh Thánh: câu 35
  7. Nói về ĐCT: câu 35
  8. Gíúp người tiếp nhận Chúa: cắt nghĩa Kinh Thánh câu 34
  9. Làm Baptem cho họ: câu 38
  10. Giao phó người cho Chúa: câu 39.

>> Bài giảng theo chủ đề: Đề tài: “Làm Thế Nào Để Được Phước? “

Bài giảng này theo loại đề mục tổng quát: 7 nguyên tắc để được phước.

  1. Tìm kiếm Chúa
  2. Vâng theo Lời Chúa
  3. Cầu nguyện
  4. Yêu thương nhau
  5. Chấp nhận mọi sự khó khăn trên đường tìm Chúa
  6. Dâng mình cho Chúa
  7. Xin Đức Chúa Trời ở cùng.

Loại bài giảng này tổng quát, dễ giảng mình nghĩ sao thì cứ giảng vậy, miễn là đừng lập đi lập lại, hay trùng phần này với phần kia là được.

 

>> Bài giảng cho người ngoại. CÂU GỐC: Philip 2:8, Đề tài: “Ân điển”

  1. Đấng nào có quyền ban cho Ân điển?
  2. Không phải là người
  3. Chính là Đức Chúa Trời
  4. Phước hạnh cho kẻ nhận Ân điển
  5. Đời hiện tại
  6. Đời tương lai
  7. Điều kiện cho kẻ nhận Ân điển
  8. Tin
  9. Nhận
  10. Thời kỳ nào chấm dứt Ân điển
  11. Lúc người qua đời
  12. Khi Chúa tái lâm

 

Bài giảng này là loại đề mục nhưng khó chia cho đúng phương pháp truyền giảng, phải chia bố cuộc sao cho đúng, cái nào trước, cái nào sau để khỏi lẫn lộn và đủ ý. Bài giảng có 8 phần nhỏ, trong 4 phần lớn, vậy hơi dài, phải giảng rút ngắn, nếu giảng cho đủ thì phải hơn 40 phút.

>> Bài giảng theo lối giải nghĩa Kinh Thánh. KT: Sứ đồ 27: 1- 44 

Đề tài:  “Chiếc Tàu Bị Bão”

I./ Duyên cớ tàu bị bão.

  1. Do ma quỉ.
  2. Do người trong tàu không chịu nghe lời Phao lô khuyên.
  3. Ỷ lại nơi sự kinh nghiệm chủ tàu.
  4. Gío xuôi thổi

II./ Tình cảnh tàu bị bão

  1. Bảo càng ngày càng lớn : câu 20a
  2. Người trong tàu đợi: câu 34a
  3. Tài sản mất hết: câu 1a
  4. Tài bị bể phải ràn lại: câu 17
  5. Họ định giết Phao lô: câu 42-43

III./ Phương cách chống lại nạn bão

  1. Hãy vững lòng: câu 22
  2. Đừng sợ: câu 24-25
  3. Hiệp một: câu 16
  4. Bạn tàu phải ở lại trong tàu: câu 30-31
  5. Cắt bỏ tam bản
  6. Hiệp lại ăn uống: câu 36
  7. Quăng lương thực cho nhẹ tàu.

 

Kết luận: Tàu tới bình an và người trong tàu được thoát chết nhờ nghe lời Phaolô khuyên và làm theo.

>> LOẠI BÀI GIẢNG KÝ TRUYỆN:  I Samuen 16:1-13 và câu 17-20

Đề tài : “Cách xử thế của Davit”

  1. Hiếu thảo
  2. Hòa nhã
  3. Biết chọn bạn mà chơi
  4. Dũng
  5. Trí
  6. Niềm tin vững chắc nơi Đức Giê Hô Va
  7. Liêm sĩ
  8. Vị tha
  9. Nhẫn nại
  10. Lòng ân hậu
  11. Cầu vấn Đức Giê Hô Va luôn luôn
  12. Công bằng.

 

>> Loại bài chia 1 câu gốc thành nhiều phần ngắn,  Đọc Giăng 3:16

Đề mục: “Chúa chịu hy sinh”

I./ Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian

II./ Đến nỗi đã ban Con Một của Ngài

III./ Hầu cho hể ai tin Con ấy

VI./ Không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

>> Loại BG THEO Ý QUAN HỆ, Đề tài: “Đức Chúa Trời yêu thương”

I./ Đức Chúa Trời yêu thương ai ? Thế gian

II./ Yêu thương đến mức độ nào? Đến nỗi ban Con một của Ngài

III./ Điều kiện nhận được hưởng sự yêu thương là gì ? Tin Đức Chúa Jesus .

VI./ Kết quả như thế nào ? Không bị hư mất, được sự sống đời đời

>> Loại BG THEO LỜI QUAN HỆ. Đề tài:  “Đức Chúa Trời”

I./ Yêu thương thế gian

II./ Ban Con một

III./ Hễ ai tin Con ấy

VI./ Được sự sống đời đời

>> Loại BG THEO CHỮ QUAN HỆ.

I./ Yêu thương

II./ Ban Con

III./ Ai tin

VI./ Được.

VII.- PHONG CÁCH KHI GIẢNG VÀ LỜI NHẮN NHỦ KHÁC:

Nên đánh dấu những chữ, những tiếng cần nhấn mạnh và cần ra dấu bằng bộ tịch. Mình phải  suy nghĩ trước, những lời nào và chữ nào cần nhấn mạnh thì nên viết lớn và gạch dưới và ghi bên cạnh: “chữ này cần nói lớn”, hoặc chữ nào cần lập lại 2 lần thì ghi “chữ này lập lại 2 lần”,  hoặc chữ nào cần ra dấu bằng tay chỉ lên, chỉ xuống cũng ghi bên cạnh (tay chỉ lên) hoặc vỗ bàn, gõ bàn hoặc tất cả dấu nào khác cũng phải có sự suy nghĩ tính toán trước việc nào mình muốn tỏ ra trong bài giảng đó.

Lưu ý:  Đừng dùng một ngón tay trỏ mà chỉ ngay thính giả, nhiều lần trước mặt họ, đừng làm như vậy. Nên xòe cả bàn tay quơ qua quơ lại nếu muốn bày tỏ điều chi toàn thể tín hữu phải làm. Ở nước ngoài, đừng dùng ngón tay giữa mà chỉ chỏ (một dấu hiệu thô tục).

Phải tập giảng và tập nói lớn tiếng khi mình đang nghiên cứu và soạn bài giảng, và nói giọng lớn và nhấn mạnh những chữ quan hệ cùng những chữ cần nói lớn. Phải nói  lớn mới tỏ ra là một giảng sư uyên bác và hùng hồn. Nếu nói một giọng đều đều hoài, thì sẽ như một bản nhạc êm êm hay lời thôi miên sẽ làm cho người nghe buồn ngủ, bị “gây mê”. Nhiều người tự nhiên không có giọng nói lớn, cần phải tập luyện nói lớn nhưng không la lối thì dần dần mới có thể làm được.

Lưu ý: Khi giảng xong nhớ mời hội chúng đứng lên và cầu nguyện theo ý bài giảng (tùy theo thông lệ của Hội Thánh ở đó). Nếu cần, kêu gọi người nào muốn có quyết định quan trọng nào đó liên hệ đến những thách thức trong bài giảng thì giơ tay lên để mình cầu thay cho họ.

            Khi giảng cho người ngoại thì luôn dành phần vài phút để kêu gọi họ tiếp nhận Chúa vào đời sống, nhớ kêu gọi nhỏ nhẹ, không ép người nào chưa sẵn sàng. Không nên lừa họ bằng cách hỏi ai muốn được về thiên đàng khi qua đời thì giơ tay lên, xong rồi mời những người vừa giơ tay bước lên phía trước để cầu nguyện tin nhận Chúa. Chỉ mời người nào sẵn sàng và tự ý bước lên.

Kết luận: Người giảng là dụng cụ của Chúa Thánh Linh, hãy cầu nguyện để Chúa cai trị hoàn toàn và được đầy dẫy Đức Thánh Linh khi công bố Lời Chúa. Dù vậy, cũng phải dành nhiều thì giờ nghiên cứu Lời Chúa, soạn cho kỷ, rồi giờ chót thì tùy thuộc vào sự hướng dẫn của Ngài. Hãy để cho Đức Thánh Linh tự do nói qua môi miệng bạn.

Cố Mục sư Nguyễn Duy Xuân (1921-1987)

++++++++++++++++++++++++

Ghi chú thêm – Mục sư Nguyễn Duy Tân

Ngày nay, người hầu việc Chúa có thể dùng nhiều bản dịch KT khác nhau, và nhiều ngôn ngữ khác nhau để hiểu rõ hơn về khúc KT mình đang soạn. trang web VietChristian có rất nhiều bản dịch tiếng Việt và Anh như “Bản Dịch Mới”, “Bản Hiệu Đính”, “Bản Dịch 2011”, Bản NIV, Bản American Standard, v.v. Các sách giải nghĩa Thánh Kinh cũng rất hữu ích, và cần nên dùng đến nếu cần, vì tác giả những sách đó cũng đã từng được Đức Thánh Linh soi sáng. Nhưng không nên xem như tất cả những gì trong sách đều là chân lý, phải đọc và lừa lọc ra theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Thánh Kinh Tự điển, Kinh Tiết Sách dẫn không thể thiếu khi nghiên cứu Lời Chúa.

Để cho bài giảng gây nhiều ấn tượng, hãy cố gắng dùng những động từ và danh từ có ý nghĩa ấn tượng, dùng nhiều tỉnh từ đúng chổ sẽ diễn tả sống động hơn những gì mình muốn nói. Dùng hình ảnh trong câu nói sẽ giúp cho người ta dễ nhớ hơn.

VD: Câu đơn giản: “Người nào sống theo Lời Chúa luôn có đời sống phước hạnh.” Câu có động từ ấn tượng: “Người nào hằng ngày ĐÀO BỚI LỜI CHÚA NHƯ TÌM CHÂU BÁU ÁP DỤNG những gì Chúa dạy luôn có đời sống phước hạnh.” Câu có tĩnh từ sống động: “Người nào HẾT LÒNG đào bới Lời Chúa như tìm châu báu và CAN ĐẢM áp dụng những gì Chúa dạy luôn có đời sống TRÀN NGẬP phước hạnh.” Thay vì nói “làm gương tốt” (dù làm gương cũng có hình ảnh cái gương rồi), nhưng có thể nói “giơ cao ngọn đuốc Chân lý trong đời sống”. Thay vì “mang người đến với Chúa” (cũng có hình ảnh rồi) nhưng có thể dùnh hình ảnh ấn tượng hơn: “cứu vớt tội nhân thoát khỏi biển trầm luân

Lập đi lập lại đôi khi cũng cần thiết để tạo ấn tượng và gây cảm xúc: “Quý ông bà có nhớ rằng…., quý ông bà có nhớ rằng…, quý ông bà có nhớ rằng…” Hoặc: “Trong khi chúng ta buông mình trong tội lỗi…, Trong khi chúng ta còn chống lại Chúa…., Trong khi chúng ta còn…., thì…”

Những dụng cụ minh hoạ (audio visual  tools) có thể được dùng như những ví dụ sống động.

VD: Mục sư Tống Thượng Tiết mang một lò than nóng lên toà giảng, bỏ 1 cục than đen vào và quạt, tro bay tứ tung. Nhưng mọi người đều hiểu ý của bài giảng và không bao giờ quên bài giảng ấy.

CD: Dùng một ống chỉ quấn vài vòng xung quanh tay một người ngồi trên ghế, bảo họ bức dây (dễ dàng). Sau đó quấn 10 vòng (bức khó hơn). Sau đó quấn 25 vòng (không bức nổi). Đó là ví dụ về tội lỗi, càng ngày càng nhiều thì khó thoát khỏi quyền lực nó.

Kịch ngắn cũng có thể được sử dụng: Nhiều mục sư Mỹ thỉnh thoảng cũng có nhờ vài tín hữu đóng một kịch ngắn chừng 5 phút trước hay đang khi giảng, như một ví dụ để làm sáng tỏ điểm nào đó trong bài giảng.

 Máy rọi và Power Point: Ngày nay nhiều Mục Sư thích dùng Power Point để chiếu lên những câu gốc đang học đến, những hình ảnh để làm sáng tỏ điểm nào đó trong bài giảng (hình đàn chiên, hình đền tạm, bản đồ, v.v. lấy từ internet nhờ nhà Bác học Google tìm hộ). Dù vậy, không nên dùng nhiều lời nhiều chữ quá, khiến cho con cái Chúa lo ra, vì họ lo đọc trong khi Mục Sư giảng giải. Khi giảng giải, nên cho qua một slide blank (màu đen) không hình. Đôi khi người ta dùng một video ngắn chừng 1-2 phút nếu thích hợp.

Những trang web cung cấp tài liệu cần thiết cho tôi tớ Chúa:

>> Trang web việt ngữ, VietBibleOnline.org, và VietChristian.com cung cấp nhiều tài liệu hữu ích cho việc soạn bài giảng, và nhiều bản dịch KT.

>> Nếu biết tiếng Anh, thì trang BibleHub.org, rất là hữu ích, có tất cả các bản dịch KT tiếng Anh, tiếng Hy lạp, v.v. Có rất nhiều sách giải Kinh thông dụng rất ích lợi.

>> Trang web TinLanhLibrary.com (do MS Tân làm admin) cung cấp nhiều tài liệu ích lợi cho tôi tớ Chúa. Trong facebook cũng có trang TinLanhLibrary.com để đăng những tài liệu mới nhất. Facebook cá nhân: DrTan Duy Nguyen. email: DrTDN@yahoo.com

Cầu xin Chúa giúp bạn mỗi ngày trở thành người thuyết giảng đầy ơn, đưa đến sự biến đổi những đời sống được may mắn nghe bạn chia sẻ Lời Sự Sống của Ngài! Amen!

Mục sư Nguyễn Duy Tân.


Comments

Cách Soạn Bài Giảng – Cố MS Nguyễn Duy Xuân (c) 1987 — 1 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *