HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG-Bài 3.Bản Tính Thuộc Linh Trong Đời Sống (Loạt Bài “Bản Tính Thuộc Linh Lành Mạnh”)

BG – “BẢN TÍNH THUỘC LINH TRONG ĐỜI SỐNG”
(Loạt Bài: Bản Tính Thuộc Linh Lành Mạnh)

Mục sư Nguyễn D. Tân

Hêb. 5:12-14“12 Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. 13 Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. 14 Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.”

Trong các bài trước, chúng ta đã thấy định nghĩa về bản tánh thuộc linh thì không đơn giản. Dù vậy, việc bày tỏ các đặc tính của bản tánh thuộc linh trong đời sống thì dễ thấy hơn. Dựa theo các đặc điểm mà Kinh Thánh nói đến con người thuộc linh, chúng ta có thể xét lại đời sống mình cách cụ thể để biết mình đã là người thuộc linh hay chưa.

Chúng ta sẽ nghiên cứu qua những đặc tính thuộc linh cần có trong đời sống ở giữa xã hội, trong hội thánh và trong gia đình riêng.

Qua bài nầy, chúng ta sẽ nghiên cứu qua bản tính của người tín hữu thuộc linh trong xã hội và hội thánh mà thôi. Bản tính của người tin hữu thuộc linh chân chính phải được bày tỏ (bộc lộ, thể hiện) cách rõ ràng trong 4 khía cạnh của đời sống họ: 1)- Trong cá tính của họ. 2)- Trong sự thông biết Chúa và Lời Chúa của họ. 3)- Trong những thái độ của họ. và 4)- Trong cách ăn ở cư xử đầy khôn ngoan của họ.

1.- Trong bản tính hay cá tính (character) của người ấy.

Chúng ta biết Lời Chúa muốn chúng ta phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh (ĐTL), tức là phải được Đức Thánh Linh hoàn toàn cai trị và kiểm soát (Êph 5:18 “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”).  

Vai trò chính yếu của Đức Thánh Linh khi Ngài đến với Hội thánh là để làm gì? Xem Giăng 16:14Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh Ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.  KT Bản Dịch Mới dịch là Ngài sẽ tôn vinh Ta… Vậy, vai trò của ĐTL là đến để “làm sáng Danh”, hay để “tôn vinh Chúa Cứu Thế”. Thế thì một con người thuộc linh, tức là người đầy dẫy Đức Thánh Linh, được ĐTL cai trị, cũng có trách nhiệm phải làm sáng Danh hay tôn vinh Chúa Cứu Thế qua đời sống mình.

Tôn vinh Chúa là gì? Đó là bày tỏ (hay phơi bày, trình bày, bộc lộ, làm chứng về) những đức tánh của Chúa ra trong đời sống, qua những thái độ và hành động của mình. Bằng cớ một đời sống được Đức Thánh Linh hoàn toàn kiểm soát không phải do đời sống đó bày tỏ chính Đức Thánh Linh, nhưng trong việc phơi bày Chúa Cứu Thế, tức là bày tỏ những đức tính của Đấng Christ, và 9 đặc tánh của Trái Thánh Linh.

Trái của Thánh Linh (Galati 5:23) không phải là những đức tánh của ĐTL, nhưng là sự bày tỏ thật trọn vẹn những đặc tính của Chúa Cứu Thế. Cho nên một Cơ Đốc nhân thuộc linh phải bày tỏ những đức tánh của Chúa Jesus, đó là: “tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ”.

 Vì thế, trong cách ăn ở ứng xử của mình, người tín hữu thuộc linh cần bắt chước Chúa Cứu Thế. Câu hỏi cho chúng ta là nên bắt chướt Chúa hay chỉ cần để cho Chúa Cứu Thế sống qua trung gian chúng ta. Cả hai quan điểm này đều được KT dạy.

Phao-lô tuyên bố rằng: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Gal. 2:20).

Chúng ta cũng được Phierơ khuyến giục phải sống theo gương Chúa: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài. (IPhierơ 2:21) ]

Giăng cũng dạy: “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” (IGiăng 2:6). ]

Nếu chúng ta muốn ĐTL bởi quyền năng Ngài tạo dựng những đức tánh của Chúa Jesus trong đời sống mình, thì chúng ta cũng phải cố gắng bắt chước và sống theo cách Chúa sống. Dĩ nhiên điều đó không phải dễ dàng, nhưng cần tự kỷ luật cao, vâng theo lời Chúa dạy, chiến đấu với chính bản tánh ích kỷ tự nhiên, thắng hơn sự cám dỗ, v.v.  Khi chúng ta vâng lời thực hành những đức tánh Chúa dạy thì ĐTL sẽ áp dụng quyền năng của Ngài giúp cho chúng ta dần dần đạt được những bản tánh của Christ.

Là những môn đệ, chúng ta đương nhiên phải bắt chướt hay sống y như Thầy mình. Sau đây là một vài gợi ý về một số các đức tánh khuôn mẫu của Chúa Jesus mà chúng ta có thể học qua các sách Phúc Âm và suốt đời mình ung đúc, và thực hành cho đến khi mọi người thấy rõ Chúa Cứu Thế qua con người chúng ta.

  • Trong đời sống và chức vụ Chúa luôn bày tỏ lòng nhân từ thương xót người khác (9:3614:1415:3220:348:2Lu 7:13).
  • Tình yêu thương của Chúa đối với dân chúng bao giờ cũng được bộc lộ hết sức rõ ràng (Mác 10:21Lu 19:41).
  • Ngài luôn luôn ra tay cứu giúp kẻ khác trước khi được người ta yêu cầu (Mác 8:712:15Luca13:12-13Giăng 5:6) để cung cấp cả các nhu cầu thuộc thể lẫn thuộc linh của họ (6:1-71).
  • Ngài tìm đến với dân chúng để có thể truyền giảng thông điệp của Đức Chúa Trời cho họ (4:189:3515:10Mac 4:16:2Lu 4:14).
  • Ngài luôn luôn duy trì mối thông công với Cha Ngài trên trời qua sự cầu nguyện (14:23Mác 1:35Luca 5:166:129:182911:1).
  • Ngài yêu bầy chiên (HT) và sẵn sang hy sinh vì chiên, v.v. và  v.

 

Như vậy, thứ 1)- Tính cách của một người thuộc linh được bày tỏ ra trong cá tính.

Thứ 2)- Tính cách thuộc linh cũng bày tỏ …
2.- Trong sự thông biết về Chúa và thông biết Lời Chúa.

Thông biết về Chúa và hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm là đặc điểm khác của người tín hữu thuộc linh. Hiểu biết Lời Chúa cách căn bản chỉ là tính cách của một người còn non trẻ (con đỏ) trong Chúa, còn bú sữa, chưa đủ trình độ để có thể sống còn hay chiến đấu với kẻ thù là ma quỷ. Người tín hữu non trẻ phải nhờ ơn Chúa tiếp tục học hỏi những lẽ đạo sâu nhiệm hơn, mà Phaolô gọi là đồ ăn đặc.

“Đồ ăn đặc” của Lời ĐCT để dành cho các Cơ Đốc nhân đã trưởng thành học hỏi (Hêb. 5:14 Nhưng đồ ăn đặc là để (dành) cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ). Phao-lô trông mong các tín hữu người Côrinhtô, sau 4-5 năm theo Chúa đáng lẽ phải có khả năng tiêu hóa (hiểu) được “đồ ăn đặc” của Lời Đức Chúa Trời, nhưng họ cứ tiếp tục uống “sửa của đạo” mà thôi, và đó là những tín hữu không bình thường, với sức khoẻ thuộc linh không lành mạnh !

“Đồ ăn đặc” của đạo là gì? Đó là những lẽ đạo (chân lý) sâu nhiệm, khó hiểu cho người mới tin Chúa. Có một chủ đề được Phao-lô nói rõ là thịt, là thức ăn đặc, đó là chân lý về Mên-chi-xê-đéc và chức vụ thầy tế lễ của vua ấy (Hêb 5:10-11). Đây là một thí dụ ngay trong Kinh Thánh về thịt, tức là thức ăn đặc của Đạo, và chủ đề đó có thể được chúng ta sử dụng để trắc nghiệm tính cách thuộc linh của chúng ta.

Quý ông bà anh chị em hiểu biết được bao nhiêu về Mên-chi-xê-đéc? Hay là hiện giờ, quý anh chị em hiểu được gì về vua ấy nhiều hơn 2 năm trước đây? Đây không phải là một giáo lý dễ hiểu. Nhưng đó là một giáo lý được dùng để trắc nghiệm, nhằm xác định sự tiến bộ của một người trong vấn đề thông hiểu Lời Chúa, vì sự thông hiểu những lẽ thật sâu nhiệm là một đặc điểm quan trọng của bản tính thuộc linh chân chính.

Bản tính của một người thuộc linh được bày tỏ ra trong cá tính,

Bản tính họ bày tỏ ra trong sự thông biết sâu nhiệm về Chúa và về Lời Chúa,

Bản tính của 1 người thuộc linh cũng bày tỏ …
3.- Trong các thái độ của người ấy. Một Cơ Đốc nhân thuộc linh phải bày tỏ ít nhất là hai thái độ căn bản suốt đời sống của mình.

a. Trước hết là một thái độ biết ơn Chúa. (Êph. 5:20 Phao lô dạy rằng: “Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.”). Lời khuyến cáo nầy được đưa ra ngay sau mệnh lệnh phải đầy dẫy Thánh Linh (Êph. 5:18). Do đó, thái độ biết ơn Chúa là một trong nhiều đặc điểm của một đời sống được đầy dẫy ĐTL, phải luôn luôn có trong đời sống người tín hữu.

Họ phải ‘luôn luôn’ nhận biết ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. (Chữ “vì mọi sự” có nghĩa là khi gặp bất cứ sự việc “tốt” hay “xấu”), không loại trừ lúc nào hay hoàn cảnh nào cả. Chúng ta phải tin chắc và chấp nhận rằng, mọi điều gì hay hoàn cảnh nào xảy đến cho con cái Chúa không phải do hên sui may rủi, hay ngẫu nhiên, hay trùng hợp, nhưng đều do Chúa cho phép xảy ra hay do Chúa ngăn trở, với mục đích để mang đến kết quả tốt đẹp cho họ (theo tinh thần câu KT: ”Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến ĐCT”). Mọi thử thách từ Chúa, hoặc việc ác đến từ người ghanh ghét chúng ta, cũng đều được Chúa dùng để dạy cho chúng ta những bài học quý giá nào đó, hầu giúp chúng ta trưởng thành hơn, mỗi ngày giống Chúa nhiều hơn.

Vì vậy, thái độ lằm bằm, chê bai chỉ trích, bất mãn, phàn nàn, oán trách, thắc mắc với Chúa, đổ thừa đổ lỗi cho người khác, v.v… đều không phải là đặc điểm của một Cơ Đốc nhân thuộc linh. Thái độ phiền trách Chúa về những gì chúng ta không thích hay không hài lòng trong cách Ngài đối xử với chúng ta (cho rằng Chúa bất công) là bản tính của trẻ con, và không phải là đặc điểm của tính cách thuộc linh trưởng thành.

b. Thái độ thứ hai của một Cơ Đốc nhân thuộc linh, là giữ gìn sự hiệp một. Phao-lô day chúng ta hãy “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Êph. 4:3). Từ ngữ ‘giữ gìn’ cho thấy sự hợp nhất đã được ĐTL tạo ra rồi, khi Ngài làm phép báp-tem cho từng tín hữu để ghép chúng ta vào trong thân thể của Chúa là Hội thánh vô hình (HT phổ thông) (ICôr.12:13). Chúng ta được khích lệ không nên phá vỡ nhưng phải cố gắng giữ gìn, duy trì, bảo vệ sự hiệp một đó.

Đương nhiên là việc chúng ta giữ gìn sự hiệp một với các tín hữu ở xa hay ở khắp thế giới thì không phải là nan đề. Do đó, lãnh vực duy nhất mà lời khuyên này quan trọng cho chúng ta, chính là thái độ của chúng ta đối với các tín hữu mà tôi và bạn đang hòa mình tiếp xúc với họ, tức là trong hội thánh sở tại của mình. Chẳng cần nói nhiều, chúng ta đã biết là có rất nhiều vấn đề thực tiễn trong việc giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh giữa chúng ta và các tín hữu mà chúng ta sống chung đụng trong HT!  Nhưng đó là một đòi hỏi quan trọng cho người thuộc linh đã trưởng thành.

Làm thế nào để một Cơ Đốc nhân thuộc linh đóng góp tích cực vào sự hiệp một của Hội thánh? Đó là khi người ấy nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh mà áp dụng các ân tứ thuộc linh của mình trong Hội thánh phổ thông hay HT địa phương. Một Cơ Đốc nhân còn ấu trĩ, thì có thể vì sống theo theo tánh xác thịt của mình mà gây nên sự chia rẽ; còn Cơ Đốc nhân trưởng thành thì tạo sự hiệp một trong HT bằng cách sử dụng các ân tứ thuộc linh của mình (ICôr. 12:25 – Phaolô  dạy “… hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.”)

Chính vì thiếu thái độ mang đến sự hiệp một trong HT, mà người Côrinhtô đã bị Phao-lô cảnh giác gắt gao (ICôr. 3:1-7).  Sự thiếu hiệp một (chia rẽ) đã phát triển giữa vòng các tín hữu ở Côrinhtô. Thay vì nhóm lại thờ phượng Chúa trong sự hiệp nhất, thì họ đã chia ra bốn phe tại HT Côrinhtô, “Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người (hay) nói như vầy: Tôi là môn đồ của Phao-lô; tôi là của A-bô-lô, tôi là của Sê-pha, tôi là của Đấng Christ.” (ICôr. 1:12-13)

[ ]Phe môn đồ của Phao-lô” có lẽ đây là nhóm đông nhất trong Hội thánh. Họ là những người đã nhờ Phao-lô dẫn dắt tin Chúa nên tiếp tục cảm thấy gần gủi với ông. Dường như những người thuộc phe nầy có thái độ ‘quá khích’ hơn cả Phao-lôkhinh rẽ những người không được Phaolô giúp tin Chúa, dù cho họ có nhiều ân tứ đi chăng nữa. Và hậu quả của mọi điều đó là Danh của Chúa đã bị ô nhơ.

 [ ]Phe môn đồ của A-bô-lô” (Công 18:24-28) cũng gồm một số người tin Chúa do cách truyền giảng đầy hùng biện của Abôlô. Có lẽ một số người đã theo ông là vì lời giảng dạy của ông có tính cách “cấp tiến” hơn, thẳng thắng hơn của Phao-lô, hoặc họ được thu hút bởi cung cách có học vấn văn hóa hơn Phaolô.

[ ]Phe môn đồ của Phie-rơ” chắc gồm có các tín hữu người Do-thái bảo thủ và họ đã liên minh với Phierơ là người Dothái mà họ xem như là lãnh đạo của các Sứ đồ và anh hùng của ngày lễ Ngũ Tuần.

 [ ] Còn “Phe môn đồ của Chúa Cứu Thế” có lẽ là nhóm mà người ta khó hòa nhập hơn hết, vì những người trong nhóm này tự hào là những môn đệ “chính hiệu” của Chúa Jesus, chớ không phải chỉ là tín đồ của các môn đệ Ngài mà thôi. Chắc là họ vốn huênh hoang tự cho là mình cao hơn tất cả.

Đó là loại tình hình, thái độ, và những hành động của các tín hữu Côrinhtô mà Phao-lô đã không do dự gán cho họ cái nhãn hiệu là những người “sống theo xác thịt” (ICôr. 3:3), vì nó phá tan sự hiệp một của Thánh Linh.

Đôi khi trong những HT Việt Nam, người ta cũng thấy có sự chia rẽ, vì số người nào đó tự cho mình thuộc giai cấp giàu hơn hay học thức hơn người khác. Đôi khi vì họ khinh anh em mình là người thuộc miền Bắc, miền Trung, miền Nam, miền Thượng, v.v.

Khi một thành viên nào trong Hội thánh mà cứ luôn luôn tạo ra vấn đề (kiếm chuyện để kết án anh em mình, nói xấu, gây sự, quậy phá), hoặc thường xuyên đòi hỏi người khác phải chăm sóc họ, chú ý đến họ, xem họ là quan trọng, phải luôn tôn trọng ý kiến của họ, thì người đó không phải là một người thuộc linh nhưng là người còn “sống theo xác thịt”.

Còn một người phục vụ Chúa bằng những việc làm (hành động tích cực), đầy hy sinh, quên mình, để giúp phát triển sự phấn khởi, an vui phúc lợi cho Hội thánh thì tự chứng minh (bày tỏ) là họ có một đời sống thuộc linh trưởng thành.

Người hay tố cáo (xét đoán) anh em mình là người làm theo ý của ma quỉ hay ý riêng (ý của xác thịt) vì ma quỷ là kẻ hay tố cáo chúng ta (Khải. 12:10). Chăm sóc anh em mình là làm công tác mà Chúa làm qua các con cái trưởng thành của Ngài.

Tóm lại, hai thái độ căn bản của đời sống người tín hữu thuộc linh chân chính, đúng theo Kinh Thánh, là luôn luôn nhìn biết ơn Chúa bất luận gặp hoàn cảnh nào, và cố gắng giữ gìn sự hiệp một (hợp nhất) trong thân thể Đấng Christ, là HT.
Bản tánh của một người thuộc linh được bộc lộ ra… 1) Trong cá tính,  2) Trong sự thông biết về Chúa và về Lời Chúa, 3) Trong thái độ biết ơn và giữ gìn sự hiệp một.

Tính cách thuộc linh cũng bộc lộ…

4.- Trong cách ăn ở ứng xử đầy khôn ngoan của người ấy.

Tính cách thuộc linh cũng phải được chứng minh trong đời sống một cá nhân tín hữu qua cách ăn ở ứng xử đứng đắn, tức là biết cách sử dụng sự hiểu biết của mình một cách phải lẽ, đúng nơi, đúng lúc, và khéo léo như người trưởng thành (Hêb. 5:13-14 – Phao lô trách số con cái Chúa người Dothái là người biết về Chúa quá nhiều nhưng không chịu trưởng thành cho trọn vẹn để giúp cho người khác: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. 13 Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. 14 Nhưng đồ ăn đặc là để (dành) cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.”)

Chúng ta đã học qua rằng việc thông hiểu những lẽ đạo được gọi là “đồ ăn đặc” là điều kiện tiên quyết cho bản tính thuộc linh, nhưng sự hiểu biết đó còn phải được sử dụng cách khôn ngoan mới giúp cho chúng ta trở thành người thuộc linh thật sự.  Các độc giả thư Hêbơrơ vốn không biết xữ sự khôn khéo đúng theo “đạo công bình” (c.13); nghĩa là những  lẽ thật Chúa dạy về cách cư xữ công bình chính trực không được bày tỏ trong đời sống của họ. Hậu quả là gì? Họ không thể phân biệt được tốt, xấu, đúng, sai, gian ác hay tội lỗi (c.14).  Thật ra, xữ sự cách khôn khéo không phải chỉ giới hạn trong khía cạnh tốt xấu, thiện ác mà thôi, nhưng cũng cần bao gồm luôn cho những điều như cao thượng hay thấp kém, những điều tốt nhất so với những điều chỉ là khá tốt.  Một Cơ Đốc nhân thuộc linh cần phải chọn cho mình một lối sống hết sức thận trọng và đôi khi cũng không đơn giản (rắc rối, khó cho người xác thịt hiểu được), để có thể chẳng những sống đúng với những gì Chúa dạy, nhưng cũng còn hữu ích và có lợi cho tha nhân nữa.

Cũng xin nhắc lại là thời gian là một yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành, tức là để đạt đến bản tính thuộc linh trọn vẹn. Nên người tín hữu cần lấy hết ý chí để “luyện tập”, mà luyện tập thì phải cần bỏ ra thời gian để học hỏi, nghiên cứu, suy gẫm, thực hành nhiều lần những điều đã học. Nhờ đó người ấy mới khả dĩ có được những kinh nghiệm theo Chúa và khả năng xử dụng hay áp dụng thật khéo léo những lẽ thật mà Chúa dạy cách đúng chổ và đúng lúc.

 Kết luận: Khi sống giữa xã hội và Hội thánh, là người môn đệ của Chúa, chúng ta có nhiều cơ hội để thực hành những gì Chúa dạy và bày tỏ những đức tánh tốt đẹp của Chúa Cứu Thế trong đời sống, …

1)- qua cá tính ngày càng giống đức tánh của Chúa Cứu Thế,

2)- qua sự thông biết Lời Chúa cách sâu nhiệm,

3)- qua những thái độ biết ơn Chúa và bảo vệ sự hiệp một trong hội thánh, và

4)- qua cách ăn ở cư xữ đầy khôn ngoan của chúng ta.

Nguyền xin Chúa Thánh Linh giúp cho quý ông bà anh chị em mỗi ngày không ngừng trưởng thành trong Chúa, đời sống thuộc linh được trở nên ngày càng giống Chúa nhiều hơn, để mang đến phúc lợi và sự hiệp một cho HT từ nay cho đến lúc Chúa trở lại.


Comments

BG-Bài 3.Bản Tính Thuộc Linh Trong Đời Sống (Loạt Bài “Bản Tính Thuộc Linh Lành Mạnh”) — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *