HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG-Bài 2.Thế Nào Là Người Có Tánh Thuộc Linh? (Loạt Bài “Bản Tính Thuộc Linh…)

“THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CÓ TÁNH THUỘC LINH?”

(Loạt Bài “Đời Sống Thuộc Linh Lành Mạnh”)

Mục Sư Nguyễn Duy Tân

 Kinh Thánh: I Côr. 2:14-16 –14 Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. 15 Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán. 16 Vì ai đã biết ý Chúa, đặng dạy dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ.”

Một người kia đi làm về thấy 1 con chim con nằm nơi gốc cây, ông nghĩ rằng nó bị té khỏi tổ. Ông lấy thang leo lên bỏ nó vào tổ. Vừa tới đất, ông thấy 1 con khác đang nằm dưới đất. Thì ra, con chim mẹ muốn tập cho con nó bay nhảy một mình, sống tự lập, tự lo kiếm ăn. Có lẽ con chim mẹ nầy đuổi con nó đi hơi sớm. Vào tới nhà, ông thấy thằng con đã học xong đại học đang ngồi chơi video game, ông la lên: “Tại sao chơi video hoài, không lo tìm việc làm!”

Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm chuẩn bị cho con chúng ta có đủ kiến thức trước khi chúng rời gia đình. Nhưng, chúng ta có giúp cho chúng đủ trưởng thành trong Chúa trước khi chúng rời khỏi tổ ấm gia đình không? Con chúng ta rất cần trở nên người trưởng thành trong Chúa trước khi rời gia đình để sống một mình trong các trường đại học. Chúng ta biết, 80% thanh niên Tin lành khi lên đại học đều mất đức tin. Tại sao? Vì các bạn trẻ ấy không được ai giúp trở thành những người hiểu biết Chúa sâu nhiệm, những người thuộc linh trưởng thành trong Chúa trước khi vào đại học. Vì cớ đó, phần đông các em không thể sống còn trước những cám dỗ và nhất là trước những đòn tấn công mạnh mẽ của triết lý trần gian đến từ các giáo sư và bạn học. Muốn giúp cho người khác, chính mình chúng ta cần phải trở thành người thuộc linh mạnh mẽ rồi mới có thể giúp cho con cái, vợ chồng và anh chị em khác trong Chúa lớn lên.

Thế nào là “người thuộc linh” (spiritual) hay người có “tính cách hay bản tánh thuộc linh”? Đó là điều chúng ta cùng nhau nghiên cứu hôm nay.

Bản tính thuộc linh là một đề tài rất khó định nghĩa cách chính xác bởi một câu ngắn gọn. Vì ý niệm về bản tính thuộc linh bao gồm nhiều yếu tố, không dễ tóm tắt thành một câu ngắn gọn. Ngay đến câu KT duy nhất trong  1Côrinhtô 2:15 mà nhiều người cho là lời định nghĩa cho bản tính thuộc linh cũng rất khó hiểu: “Nhưng người có tánh thiêng liêng (tánh thuộc linh) xử đoán mọi sự…” (Theo Bản tiếng Anh: “Nhưng người thuộc linh xét đoán (phê phán) mọi sự.”)

Người thuộc linh cần phải có khả năng phê phán hay khảo xét, hay phân biệt mọi sự), tức là biết đâu là phải đâu là trái, cái gì đúng, cái gì sai trong khi chọn lựa hay làm những quyết định.

Vì vậy, trước khi chúng ta thử định nghĩa về “người thuộc linh” hay “bản tính thuộc linh”, chúng ta cần nghiên cứu qua…

  1. Ba yếu tố quan trọng mà bản tính thuộc linh phải có:

 

A. Yếu tố thứ nhấtđó là sự tái sanh. Không ai có thể trở thành người thuộc linh đúng theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh nếu trước hết người ấy chưa từng trải sự tái sinh, tức là đã được ĐTL sinh lại phần tâm linh đã mất khi tổ tông họ phạm tội và khi chính mình họ cũng phạm tội. Lời Chúa nói: “Linh hồn nào phạm tội thì phải chết”, đó là sự chết tâm linh của tất cả mọi tội nhân, trong đó mỗi chúng ta đều đã trải qua.

 

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của riêng mình, chúng ta đón nhận ĐTL vào lòng để cho Ngài làm Chủ, và từ đó Ngài ban cho chúng ta sự sống mới cho tâm linh, tâm linh được sống lại. Nhờ đó chúng ta bắt đầu nhận được những đặc tính mới mẽ, như là sự vui mừng, bình an, v.v. và cũng nhờ quyền năng lạ lùng của ĐTL, chúng ta bắt đầu dần dần phát triển những bản tính thuộc linh mới mẽ giống như bản tính của Chúa. Đó là “bản tính thuộc linh” mà trước khi tin Chúa chúng ta không thể nào có được.

Nếu không có sự tái sanh bởi ĐTL, một người theo đạo cách giả dối sau một thời gian người ta nhận thấy họ cũng có những bản tánh tương tự, nhưng đó chỉ là nhờ cố gắng tự cải cách, tự sửa đổi hay nhờ bắt chướt người khác, hoặc cũng có thể vì lý do nào đó họ giả dối để qua mặt người khác mà thôi. Vậy, người có bản tính thuộc linh chân chính phải thật sự được ĐTL tái sinh trước.

B. Yếu tố thứ hai, là được Đức Thánh Linh cai trị. ĐTL đóng một vai trò then chốt và tích cực trong việc tạo nên bản tính thuộc linh cho người tín hữu. Nói như thế không có nghĩa là các Ngôi khác trong Ba Ngôi ĐCT không có dự phần vào, cũng không phải có nghĩa là bản thân người tín hữu không có trách nhiệm. Vai trò chủ yếu hay chức vụ của ĐTL trong tính cách thuộc linh của người tín hữu bao gồm:

  • Dạy dỗ (Giăng 16:12-25), để giúp người đó hiểu rõ những chân lý của Lời Chúa dạy
  • Hướng dẫn (Rôma 8:19), để giúp họ trong những quyết định/chọn lựa quan trọng
  • Xác nhận (Rôma 8:16), để giúp họ biết chắc mình là con cái ĐCT
  • Cầu thay (Rôma 8:26), để giúp họ cầu xin những gì không thể nói ra
  • Vận dụng các ân tứ thuộc linh (ICôr. 12:7), để giúp họ xử dụng ân tứ khi phục vụ Chúa
  • Tranh chiến chống lại xác thịt ( 5:17), để giúp họ đủ sức thắng hơn cám dỗ và xác thịt.

 

Tất cả các chức vụ này của ĐTL trên đời sống người tín hữu đều tùy thuộc vào việc người tín hữu đó có được “đầy dẫy Đức Thánh Linh” để có thể bày tỏ những đức tánh (tính cách) thuộc linh cách đầy đủ, trọn vẹn trong đời sống hay không (Êph 5:18).

Được đầy dẫy (hay được đổ đầy, be filled with) Đức Thánh Linh là gì? đó là được Đức Thánh Linh cai trị, kiểm soát. Câu KT nói về lẽ đạo đó là:

Êph 5:18 -“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”.  Câu nầy cho thấy sự tương phản và cũng như so sánh (đối chiếu) giữa việc say rượu và được đầy dẫy ĐTL. Một người say rượu bị rượu cai trị kiểm soát làm sao, thì Cơ Đốc nhân được đổ đầy ĐTL cũng được Ngài cai trị, kiểm soát y như vậy.

Ví Dụ: Chắc chúng ta ai cũng từng thấy những người thật nhúc nhát ít dám nói chuyện ở chổ đông người, nhưng nếu hôm đó uống rượu hơi nhiều thì họ bắt đầu nói chuyện thao thao bất tuyệt. Người say rượu đó có những hành động bất thường (không tự nhiên) phải không?

Người được đầy dẫy ĐTL cũng vậy, sẽ hành động theo một cung cách không tự nhiên so với chính họ khi chưa được đầy dẫy ĐTL. Hành động không tự nhiên không có nghĩa là họ dám làm một việc gì sai quấy hay không tốt – nhưng là làm theo một cung cách trái hẳn với nếp sống bình thường của chính người đó.

Vi dụ: Theo nếp sống tự nhiên, một người có thể rất e thẹn nhúc nhác, ăn nói ấp úng; nhưng khi được ĐTL cai trị, người đó mở miệng làm chứng cách dạn dĩ và lưu loát lạ thường, mà chính người đó cũng lấy làm ngạc nhiên.

Ví dụ: Tôi biết anh Thành là người có tật cà lăm khi trò chuyện với mọi người, nhưng khi lần đầu được trách nhiệm chia sẻ Lời Chúa trong giờ TCN thì anh ăn nói lưu loát, không lấp bấp nữa vì anh được đầy dẫy ĐTL, miệng lưỡi anh được ĐTL cai trị, được Ngài ban cho và vận dụng ơn tứ mới. Từ đó anh cũng hết chứng cà lăm luôn khi nói chuyện bình thường.

Được Đức Thánh Linh cai trị, hay kiểm soát là một phần cần thiết của người tin hữu có bản tính thuộc linh.

Tóm lại, 2 yếu tố quan trọng của người thuộc linh chân chính mà chúng ta vừa nói đến là a. được tái sinh.  b. được ĐTL cai trị, và …

C. Yếu tố thứ bathời gian. Nếu con người thuộc linh cần phải có khả năng phê phán hay khảo xét, hay phân biệt mọi sự (ICôr. 2:15), tức là biết đâu là phải đâu là trái, cái gì đúng, cái gì sai, thì người đó cần có thời gian để có thể thu thập được những hiểu biết qua sự học hỏi Lời Chúa và qua kinh nghiệm trong đời sống theo Ngài.  Bản KT diễn ý dịch câu này như sau: “Người có Thánh Linh hiểu giá trị mọi điều; nhưng người khác không hiểu họ”.  Việc “hiểu được giá trị của mọi điều” không thể nào đạt được trong vài hôm vài tuần, cho nên chỉ có thể được thấy rõ trong đời sống một Cơ Đốc nhân trưởng thành mà thôi
Vì thế mà chúng ta có thể nói từ ngữ “trưởng thànhbí quyết quan trọng cho khái niệm về bản tính thuộc linh. Sự trưởng thành là gì? Sự trưởng thành của một Cơ Đốc nhân là sự tăng trưởng mà ĐTL giúp cho người đó phát triển theo thời gian. Người đó lớn lên, từ trạng thái “con đỏ” đến trẻ con, và tiếp tục cho đến khi nên “bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc theo sự đầy đủ của Đấng Christ” (Êph. 4:12), ích lợi cho vương quốc của Chúa.

2. Định Nghĩa Bản Tính Thuộc Linh ?

Sau khi nghiên cứu qua 3 yếu tố nói trên, chúng ta có thể có một định nghĩa ngắn gọn bao gồm các yếu tố vừa nói:

“Bản tính thuộc linh là những phẩm cách của người tín hữu đã được tái sanh, ngày càng giống Chúa Cứu Thế, đạt đến nhờ có mối liên hệ với Đức Thánh Linh ngày càng tăng trưởng theo thời gian, được Ngài cai trị và hướng dẫn mỗi ngày một hoàn hảo hơn.”  

Để hiểu rõ hơn về bản tính thuộc linh của mình, chúng ta cần suy nghĩ đến một vài điều liên hệ sau đây:

A.  Một Cơ Đốc nhân mới theo Chúa có thể được gọi là thuộc linh không? [/b]Không. Tại sao? Bởi vì người ấy chưa có đủ thời gian để tăng trưởng và phát triển trong sự thông hiểu và từng trải theo Chúa. Một tín hữu mới có thể được Đức Thánh Linh cai trị và có tin thần sẵn sàng để Ngài cai trị, nhưng vẫn còn có nhiều phương diện (khu vực) trong đời sống họ có thể chưa được kiểm soát vì chưa trải qua hết tiến trình tăng trưởng thông thường của một Cơ Đốc nhân. Người đó chưa có được sự từng trải và trưởng thành do đã từng đối diện (trực diện) với các vấn đề mà một Cơ đốc nhân bình thường phải đương đầu, cũng như chưa kinh nghiệm được cách Đức Thánh Linh hướng dẫn mình để đối phó với các vấn đề đó.

Ví dụ: Một người mới vừa tin Chúa có thể chưa biết rằng có những anh em yếu đuối hơn mình (nhất là anh em đó đã tin Chúa sau mình) cần được mình làm gương và giúp đỡ. Dù người tín hữu mới đó có thể có lòng sẵn sàng hy sinh quyền tự do của mình nhưng người đó vẫn chưa biết phải sống như thế nào để không làm cớ vấp phạm cho người anh em yếu đuối hơn.

Đức Thánh Linh có thể cai trị kiểm soát đời sống một Cơ Đốc nhân mới tùy theo sự hiểu biết của người ấy ít hay nhiều. Khi sự hiểu biết của người ấy gia tăng, thì kinh nghiệm về sự hướng dẫn của ĐTL cũng gia tăng, và sự tăng trưởng (trưởng thành) của người ấy cũng tăng thêm, để đạt đến mức trưởng thành cần thiết cho bản tính thuộc linh chân chính.

Chúng ta có siêng năng học hỏi Lời Chúa để mỗi ngày tăng thêm sự hiểu biết hầu nhờ đó mình có thể kinh nghiệm cuộc sống theo Chúa bằng đức tin và sự vâng phục hầu có thể tăng trưởng nhanh chóng không?

B. Một Cơ Đốc nhân tin Chúa lâu năm hơn có được xem là người thuộc linh không? Thưa không! Dù người đó có đủ thời gian, nhưng có thể đã không để cho Đức Thánh Linh cai trị hay kiểm soát đời sống mình, hoặc thiếu sự vâng phục Chúa mà chưa được trưởng thành. Nếu người đó không được Đức Thánh Linh kiểm soát trọn vẹn và liên tục, thì người ấy không thể nào trở thành người thuộc linh trưởng thành dù đã tin Chúa lâu năm.

Dĩ nhiên, trong tiến trình tăng trưởng, không phải là tất cả mọi người đều cần một khoảng thời gian bằng nhau. Thời gian tự nó cũng không thể tạo ra được sự trưởng thành, nếu không thì người tin Chúa lâu năm sẽ luôn luôn là người trưởng thành hơn người mới tin Chúa, phải không?

 Đúng ra thì sự tiến bộ và sự tăng trưởng đến mức độ nào đều được mỗi người thực hiện cách khác nhau, với tốc độ khác nhau.

Ví dụ: Một ông kia mới tin nhận Chúa nhưng nhà ở rất xa và kẹt công việc gì đó nên không đến nhóm với HT ngay được. Vị Mục sư bảo ông trong khi chờ đợi, cứ lấy KT sách TL Giăng mỗi ngày đọc chung với gia đình rồi hiệp nhau cầu nguyện, như trò chuyện với Chúa và xin Chúa những gì có cần trong đời sống. Sau 4 tuần, ông và gia đình đến nhóm lại. Ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy ông và vợ đứng trước hội thánh cầu nguyện như những người tin Chúa lâu năm!

Một người tín hữu mới có thể trưởng thành rất nhanh nếu biết dành nhiều thì giờ làm những gì cần làm, ví dụ như là đọc toàn bộ Kinh Thánh 2 lần trong năm đầu, nhóm lại đều đặn, dự phần tất cả mọi buổi nhóm hay huấn luyện, kiên trì tập tành hay thực hành những bản tính cao đẹp mà họ học được trong Lời Chúa, v.v. và nhất là họ có ý chí mạnh mẽ để thắng được bản tánh xác thịt hay lười biếng, ích kỷ, không chịu hy sinh và dấn thân phục vụ. Người đó phải có kỷ luật với chính mình, sẵn sàng chiến đấu với những cám dỗ, không để cho bản ngã cản trở bất cứ sự kiểm soát nào của Đức Thánh Linh. Một người theo Chúa như vậy sẽ trưởng thành nhanh chóng hơn những người khác trong một thời gian rất ngắn.

C. Tiến trình trưởng thành phải phát triển không ngừng. Tiến trình nầy thường có nhiều giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Một người thấy như đã trưởng thành rồi, vẫn còn tiếp tục tăng trưởng, lúc nhanh lúc chậm nhưng người thuộc linh chân chính cứ phải phát triển không ngừng, không dậm chân tại chỗ trong sinh hoạt làm Cơ Đốc nhân của mình. Người ấy có một mối liên hệ cứ ngày càng gần gủi với Chúa, ngày càng giống Chúa hơn trong khi đồng đi với Chúa mình.

Trong cuộc đời này, người thuộc linh chẳng bao giờ đạt tới một cấp bậc thuộc linh nào có thể gọi là quá cao, vượt khỏi một cao điểm lý tưởng nào đó mà mọi người phải đạt tới. Vì thế, bản tính thuộc linh lành mạnh là một mối liên hệ với Thánh Linh đang tăng trưởng và cứ tiếp tục ngày càng tăng trưởng không ngừng.

D. Tình trạng ấu trĩ không cần phải kéo dài. Chúng ta đã “được mua chuộc bằng một giá quá cao” nên không có quyền chọn lựa một lối sống “tin kính rẽ tiền”, xem như mình có quyền không cần phải tăng trưởng. Nhiều người tỏ ra là người “khiêm nhu” khi nói “Tôi chỉ muốn làm tín đồ thường dân”. Họ diện lẽ đó như một lý do chánh đáng để không chịu trưởng thành, nhưng đó chỉ là khiêm nhu giả tạo. Đó là một đời sống thuộc linh không bình thường.

Ví dụ: Bà Chloe Jennings là một người khoẻ mạnh bình thường. Nhưng từ lúc 4 tuổi, sau khi đến thăm một người dì bị bại xuội ngồi xe lăn, Bà Jennings tự nhiên mơ ước được ngồi xe lăn. Bà cảm thấy sống trên xe lăn mới là tự nhiên đối với bà. Từ đó, bà thường chơi những trò chơi nguy hiểm táo bạo với mục đích bị té nặng và xuội 2 chân. Nhiều lần đi ski xuống dốc thật gắt, bà bị té nặng nhưng không bị xuội. Bà còn muốn bác sĩ giải phẫu xương sống để bà bị xuội hai chân nhưng không bác sĩ nào chịu làm điều đó. Bác sĩ cho biết bà có chứng bệnh Body Integrity Identity Disorder (BIID). Nhiều con cái Chúa không muốn có một đời sống trưởng thành bình thườnng, nhưng cứ muốn sống như người bại xuội, muốn tiếp tục sống như trẻ con mới sanh. Chắc họ mang chứng bệnh BIID = “Believer Integrity identity Disorder!”

Khi Phao-lô viết thư 1Côrinhtô cho các tín hữu ở đó, lúc ấy chắc họ đã tin Chúa được khoảng bốn năm năm, nên ông trông mong rằng lúc đó họ đã trở thành những con người thuộc linh khá trưởng thành rồi, vì ông đã dạy cho họ rất nhiều lẽ đạo cần thiết để giúp họ tiếp tục tự tăng trưởng. Nhưng thật ra họ không được như vậy. Cho nên ông lấy làm ngạc nhiên và bất bình khi phải nói với họ như sau: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. 2 Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt.”  (1Côr. 3:12).  Đáng lẽ sau 4-5 năm, tuổi ấu trĩ của họ cũng phải qua đi, nhưng họ cứ dẫm chân tại chổ. Và đó là một triệu chứng thuộc linh không bình thường.

Người thuộc linh bình thường sau một thời gian phải có khả năng ăn được đồ cứng, hiểu được những lẽ đạo sâu nhiệm hơn, để có thể hàng ngày áp dụng hay sống theo những lẽ thật đó. Vì một đời sống thuộc linh cần phải nên bậc thành nhơn (người lớn thuộc linh) thì mới có thể sống làm vinh hiển Danh Chúa, có cơ hội kinh nghiệm được những phước hạnh mà Chúa hứa cho con cái Ngài, và trên hết người thuộc linh hay trưởng thành có một đời sống thu hút được nhiều người đến với Chúa.

Có ai trong chúng ta muốn ngày kia, khi gặp Chúa, bị Chúa quở trách là “đầy tờ vô ích, biếng nhác” vì không dự phần vào công việc chiến đấu với ma quỷ và phát triển Vương quốc của Ngài không?

 Quý ông bà anh chị em phải tự hỏi chính mình rằng, trong mấy năm qua, mình có dẫm chân tại chổ, đã không để cho ĐTL giúp mình trưởng thành mỗi ngày mỗi tốt hơn không?

 Kết luận:

Nhà  bác học lừng danh Albert Einstein nói: “The wold is a dangerous place, not because of those who do evil, but because of those who look on and do nothing.” (Thế giới nầy là một nơi đầy nguy hiểm, không phải vì những người sống cách gian ác, nhưng vì nhiều người cứ đứng nhìn mà không làm gì hết). Thế giới nầy có 2 hạng người, hạng người làm khán giả, ngồi xem và hạng người dấn thân, hành động. Trong HT Chúa cũng có 2 hạng người đó. Người còn là con đỏ hay trẻ trung trong Chúa thì chưa biết làm gì trước những sự gian ác đang diển ra trong xã hội, trong gia đình và nhiều khi trong hội thánh. Người trưởng thành thì biết phân biệt phải trái, đúng sai, biết chiến đấu bằng sự cầu nguyện và hành động theo sự hướng dẫn của ĐTL để ngăn trở hay chống lại sự gian ác. Bạn là người thuộc hạng nào?

Người tín hữu sau khi tin Chúa không thể nào từ năm này sang năm kia tiếp tục sống như người xác thịt, tiếp tục sống như con đỏ. Mỗi chúng ta phải tiếp tục trưởng thành, dù tiến trình đó nhanh hay chậm. Chúng ta phải tiếp tục lớn lên không ngừng, thì sau đó mới xứng đáng được gọi là người thuộc linh, là người có đủ tầm thước vóc giạc để chiến đấu với ma quỷ mà bảo vệ chính mình, gìn giữ gia đình và hội thánh mình.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta cứ tiếp tục học hỏi Lời Chúa không ngừng, sẵn sàng vâng theo Lời Kinh Thánh dạy và sự nhắc nhở của ĐTL, sống theo gương Chúa và để cho ĐTL hoàn toàn cai trị, hầu cho đời sống không ngừng biến đổi, không ngừng trưởng thành, có đủ những đức tánh thuộc linh chân chính, lành mạnh, có đời sống mang đến vinh hiển cho Danh Chúa, từ nay cho đến khi được Chúa ban thưởng trong Nước trời vinh hiển của Ngài. Amen!


Comments

BG-Bài 2.Thế Nào Là Người Có Tánh Thuộc Linh? (Loạt Bài “Bản Tính Thuộc Linh…) — 3 Comments

  1. Cảm ơn Mục sư Tân đã trình bày một loạt bài quan trọng giúp ích rất nhiều cho đời sống thuộc linh của một Cơ-đốc-nhân.
    Xin Chúa tiếp tục soi dẫn Mục sư trong mục vụ thiết yếu nầy!
    Kinh mến,
    Mục sư Bùi Trung Ngôn

  2. Cảm ơn Ms đã khám phá và trình bày cho mọi người được biết con người thuộc linh. Cầu xin Thiên Chúa Chí nhân, Chí ái thêm sức cho Ms.

Leave a Reply to DrTanDuy Nguyen Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *