HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG-Bài 1. Phẩm Cách Thuộc Linh… (Loạt Bài Bản Tính Thuộc Linh Lành Mạnh)

BG – Phẩm Cách Thuộc Linh Lành Mạnh

(Loạt Bài – “Đời Sống Thuộc Linh Lành Mạnh”)

 Mục sư Nguyễn Duy Tân © 2013

KT: I Côr. 2:11-1611 Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. 12 Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; 13 chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng. 14 Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. 15 Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán. 16 Vì ai đã biết ý Chúa, đặng dạy dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ.”

Và : “Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng (thuộc linh) cùng Ngài” (1 Côrinhtô 6:17).

 Nhập đề:  Khi chưa tin Chúa, chúng ta không biết phẩm cách thuộc linh (bản tính thuộc linh) hay đời sống thuộc linh là gì. Chúng ta chỉ sống theo, suy nghĩ theo, và làm theo những phong tục và lề thói mà xã hội và những người chung quanh chúng ta thường làm, hoặc những thói quen mà chúng ta đã có từ lâu, mà không biết đó là bản tính xác thịt.

Khi tin nhận Chúa, Đức Thánh Linh bắt đầu làm một cuộc cách mạng trong đời sống chúng ta và giúp cho chúng ta có những khả năng mới để sống theo Lời Chúa dạy, là những lý lẽ (chân lý) mà thường là hoàn toàn đối nghịch với những gì chúng ta từng suy nghĩ và từng làm trước kia. Chúng ta bắt đầu từ bỏ lối sống cũ và sống theo con người thuộc linh đang dần dần phát triển những phẩm cách hay tính cách thuộc linh mới mẻ trong chúng ta, mỗi ngày một chân chính hơn và lành mạnh hơn.

 Chúng ta có thể nói: “Phát triển một phẩm cách thuộc linh chân chính và lành mạnh” là mục đích mà mỗi tín hữu cần đạt đến và là trọng tâm của mọi sinh hoạt có liên hệ đến đời sống Cơ Đốc nhân chân chính.
Làm sao chúng ta biết rằng mình đang sống với những phẩm cách thuộc linh chân chính như Lời Chúa dạy? Phẩm cách của người thuộc linh phải như thế nào mới gọi là chân chính? Làm thế nào để có một đời sống thuộc linh chân chínhlành mạnh?  Hôm nay, trong thì giờ giới hạn nầy, chúng ta chỉ thử định nghĩa và tìm hiểu sơ những từ ngữ quan trọng và những trường hợp nào mà chữ “thuộc linh” được dùng đến trong KT.

  1. Định nghĩa các từ ngữ then chốt:

  • Chân chính (true) có ý nghĩa là “theo đúng Kinh Thánh, vì đối với Cơ đốc nhân thì chỉ trong Kinh Thánh chúng ta mới có các chân lý đáng tin, đúng nhất, không đổi dời mà mọi tín hữu dù là người thuộc nước nào hay văn hóa nào cũng có thể chấp nhận được . Vì lý do đó, Kinh Thánh phải là “Phương châm” (Kim Chỉ Nam, Compass) và là “Bảng trắc nghiệm” (testing standard) đối với mọi sinh hoạt thuộc linh của người tín hữu.
    • Kinh Thánh là khuôn mẫu duy nhất bày tỏ những phẩm cách thuộc linh chân chính mà chúng ta cần có. Mọi từng trải của đời sống thuộc linh phải được thử nghiệm bởi những chân lý của Kinh Thánh, và nếu có từng trải nào không vượt qua được cuộc trắc nghiệm này, thì đều cần phải loại trừ ra khỏi đời sống.
    • Lẽ dĩ nhiên là nói thì dễ hơn làm, nhưng đây là cách duy nhất để phát triển những phẩm cách thuộc linh chân chính, hay đúng theo Lời Chúa.
  • Lành mạnh (healthy) có ý nghĩa là “quân bình, cân bằng” (balanced). Sinh hoạt thuộc linh lành mạnh của người tín hữu có thể bị phá hoại cách sễ dàng khi vuớng vào một tình trạng mất quân bình trong niềm tin. Việc áp dụng các giáo mà Kinh Thánh dạy vào các sinh hoạt thuộc linh phải cho hợp lẽ nếu không nếp sống Cơ Đốc nhân sẽ mất quân bình.
    • VD: Tôi biết có một bà tín đồ VN ở Mỹ đi đâu cũng mang theo 1 cây thập tự bằng gỗ, cũng nhẹ thôi, chắc dài chừng 1 thước tây, không biết hư thật ra sao, nhưng tôi nghĩ bà muốn làm đúng theo Lời Chúa dạy: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy vác thập tự giá mình mà theo Ta”. Đây là một trường hợp hơi quá lố. Nhưng có rất nhiều điều chúng ta có thể áp dụng thấy có vẽ rất đúng nhưng có thể gây nên tình trạng mất quân bình trong đời sống nếu không suy nghĩ chính chắn trước khi áp dụng những gì Chúa dạy.
    • Ví dụ: Nếu nhấn mạnh quá đáng vào việc xưng tội (như Church of Christ) có thể tạo ra thái độ tự xét mình không lành mạnh và mặc cảm tội lỗi, nhất là khi người tín hữu nghĩ sai rằng mình còn phạm tội là vì chưa chắc được cứu rỗi. Trong khi đó, khi 1 người tín hữu nếu không chú trọng đúng mức đến việc xưng tội với Chúa thì người đó có khuynh hướng ĩ lại, thiếu sự kính sợ Chúa, dễ bị rơi vào cám dỗ, có lòng vô cảm, chai lì đối với tội lỗi.
    • Ví dụ: Vì quá yêu thương một người nào và quá ước muốn cứu họ, một người tín hữu có thể tạo nên những áp lực quá mức khiến cho người thân hữu trốn lánh họ và không muốn tìm hiểu thêm về Đạo Chúa nữa.
    • VD: Tin rằng khi đau bệnh chỉ cần cầu nguyện, không cần uống thuốc hay phẫu thuật, điều đó cũng đưa đến sự thiếu quân bình và nguy hại nữa.
    • VD: Tin rằng ĐTL hoàn toàn trực tiếp hướng dẫn mình trong mọi quyết định của đời sống khiến cho người tín hữu không xem trọng việc đọc và học hỏi Lời Chúa để tìm kiếm ý Ngài.
    • Thế thì quân bình là chìa khóa, là bí quyết để có một đời sống thuộc linh lành mạnh và hữu ích cho Chúa.
  • Thuộc Linh: Trong chữ thuộc linh, thì từ ngữ căn bản là “linh” (spirit), do đó, “thuộc linh” có nghĩa là ‘liên hệ với, hay là thuộc về phần (tâm) linh’. Ý nghĩa của chữ thuộc linh rất rộng rãi, nên sẽ được bàn đến trong phần thứ II tiếp theo đây.

 

  1. Những trường hợp mà chữ “linh” hay “thuộc linh” được sử dụng: Trước khi nói đến người thuộc linh là thế nào, chúng ta xem qua KT để biết chữ “thuộc linh” được dùng trong những trường hợp nào và với những ý nghĩa gì.
  • Trường hợp thứ nhất, chữ “linh” dùng trong chữ “tà linh” (Eph 6:12 – “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”/ Chữ “thần dữ” trong tiếng Anh/Pháp được dịch là “spiritual wickedness” / “esprit du mal” (kẻ ác thuộc linh / linh gian ác, ác linh). (“Car nous n’avons pas à lutter contre des êtres de chair et de sang, mais contre les Puissances, contre les Autorités, contre les Pouvoirs de ce monde des ténèbres, et contre les esprits du mal dans le monde céleste.”) Từ ngữ spiritual hay esprits ở đây không phải nói đến “thần” (gods) nhưng đúng ra là “linh” (spirits), để chỉ về các linh dữ, là đạo quân ma quỉ hay các “tà linh”, là những hữu thể thuộc linh (spiritual beings) như thiên sứ, khác với loài thuộc thể là loài người (human beings).
  • Trong khi Thiên sứ phục vụ Chúa có thể đưọc gọi là “chân linh” thì ma quỷ là các thiên sứ đã phản Chúa là “tà linh”. Chúng tự xưng mình là “thần”, là “thánh” nên người ngoài Chúa gọi chúng ta thần nầy thần nọ, thánh nầy thánh kia rồi sùng kính và thờ phụng mà không biết chúng là những tà linh hay tà thần gian ác.

VD: Ở Thái-lan và Kampuchia có một tà thần mà hiện nay người ta rất là sùng bái và rất “linh”, đó là “thần bốn mặt”. Thần nầy rất “linh” vì người ta thấy xin gì cũng được, từ việc sinh con cho đến làm ăn phát đạt. Nhưng xin cái gì cũng phải có 1 lời hứa cặp theo. Nhưng người nào quên lời hứa không trở lại chùa để đền ơn thì có thể bị nó hành hại tan gia bại sản hoặc là bị bệnh nặng đến chết. Tại sao? Vì bản chất của nó là tà và gian ác.

  1. Khi nói đến luật pháp Môi-se thì Phaolô cũng gọi luật pháp là thiêng liêng” hay “thuộc linh” (Rôm. 7:14“Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.”) Luật pháp được gọi là thiêng liêng hay thuộc linh vì đã được ban cho người Dothái với mục đích tốt là giúp cho họ có một đời sống thuộc linh phong phú hơn những dân tộc khác. Nhiều luật lệ mà Chúa ban cho họ mang một ý nghĩa thuộc linh sâu nhiệm. VD: Luật dạy họ phải rửa tay trước khi ăn, mới nghe qua thì dường như là luật thuộc thể, nhưng luật đó giúp cho người ta thấy ý nghĩa thuộc linh về nhu cầu được rửa tội của họ.

 

  1. Khi Phao lô nói đến “thân thể thuộc linh” của người tín hữu trong tương lai sau khi họ được biến hóa hay sống lại, thì chữ “thân thể thuộc linh” đó tương phản với thân xác tự nhiên (thuộc thể) mà mọi người chúng ta đang có: I Côr.15:44 – “(Thân thể) …đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng (thuộc linh). Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng (thuộc linh)”. Chúng ta biết rồi, thân thể thuộc linh là loại thân thể giống như thân thể của Chúa sau khi Ngài phục sinh, cũng có thịt xương, nhưng có phẩm chất thuộc linh hay thuộc về trời, khác hẳn với thể xác bằng bụi đất của chúng ta hiện nay. Với thể xác nầy, ngày kia chúng ta có thể hiện ra hay biến đi, băng ngang qua các bức tường hay xuyên qua cửa đang đóng giống như Chúa. Điều chắc chắn là thân thể nầy không còn bị giới hạn bởi hấp lực của các hành tinh, có khả năng sống ngoài vũ trụ mà không cần bầu khí tuyển, và nhất là có thể sống đời đời nơi thiên đàng phước hạnh, gần bên Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta.
  2. Khi nói đến cácân tứ thuộc linh Phao lô muốn nói đến những khả năng hay tài năng mà Đức Thánh Linh ban cho mỗi tín hữu cách khác nhau để sử dụng trong khi phục vụ Chúa. Rôm.1:11 – BTT: “Thật vậy, tôi rất mong mỏi đến thăm anh em, đặng thông đồng (chia sẻ) sự ban cho thiêng liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững vàng”, Bản dịch 2011: “Vì tôi rất mong được gặp anh chị em để có thể chia sẻ với anh chị em một số ơn phước thuộc linh, hầu làm vững mạnh đức tin của anh chị em.” Bản dịch NIV: “I long to see you so that I may impart to you some spiritual gift to make you strong”; Cũng xem I Côr. 12:114:1 .

* Ân tứ thuộc linh khác với khả năng thuộc thể dù mới nhìn qua thấy như giống nhau, nhưng thậ ra là khác.

VD: Một người không tin Chúa đàn piano khá giỏi nhờ thực tập trong 15 năm; nhưng một con cái Chúa nhiều khi tập mới 2 năm mà đàn giỏi tương đương vì đó là ơn tứ thuộc linh.

VD: Một cô ca sĩ chưa tin Chúa có tài hát hay (khả năng thuộc thể) được nhiều người yêu chuộng. Sau khi tin Chúa, cô dâng tài năng đó để ca ngợi Chúa thì lời ca chẳng những hay mà còn chạm đến tâm hồn người nghe, thì lúc đó tài năng của cô đã trở thành một ơn tứ thuộc linh mà Chúa sử dụng để mang đến vinh hiển cho Ngài.

*ân tứ thuộc linh” cần có một “môi  tường thuộc linh“ là hội thánh, hoặc bất cứ nơi nào mà con cái Chúa có cơ hội áp dụng những ơn tứ mà gây dựng đức tin cho anh em mình. Chúng ta cần tìm biết mình có ơn tứ nào, và dâng nó cho Chúa để Ngài xử dụng cách có lợi cho HT và cho Chúa. Đừng ai nói tôi không có ơn tứ thuộc linh nào hết. Ai cũng ít nhất có 1 ân tứ. VD: Ơn tứ cầu thay cho anh em mình.

  1. Khi nói đến “Nhà thuộc linh”, Lời Chúa cho chúng ta biết toàn thể các Cơ Đốc nhân chân chính được Chúa Thánh linh kết hợp lại như những viên đá trong một ngôi nhà mà Phierơ gọi là “ngôi nhà thiêng liêng (= nhà thuộc linh), và ông cũng dạy các tín hữu hãy dâng lên các “của lễ thiêng liêng (= của lễ thuộc linh) đẹp ý hay đẹp lòng ĐCT (IPhi 2:5“và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng (nhà thuộc linh), làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng (thuộc linh), nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời.”).  Một trong những của lễ thuộc linh nầy là những ơn tứ mà chúng ta có thể dâng lên như những của lễ đẹp lòng Chúa.

 

  1.    Cơ Đốc nhân dùng các bài thánh ca, biệt thánh ca, như là những bài hát thiêng liêng hay thuộc linh để thờ phượng Chúa và gây dựng đức tin cho nhau. (Côlôse 3:16“Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời”).  Chúng ta thường dùng những bài thánh ca để “hát khen ĐCT” để thờ phượng Chúa tại nhà thờ. Nhưng chúng ta có dùng những bài hát thuộc linh để gây dựng đức tin cho anh em mình, nhất là cho con cháu mình không; hay lúc nào cũng dùng những bài hát đời phàm tục để ru ngủ các cháu bé, hay hát karaoke để giải khuây với bạn bè?

 

  1. Khi nói đến sự “khôn ngoan thuộc linhthì Phao lô muốn nói đến sự biết được ý Chúa cho đời sống cũng như sự hiểu biết những chân lý trong Lời Chúa thay vì chỉ có những kiến thức đến từ thế gian. (Côl. 1:9“Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa.”

 

  1. Khi nói đến các “phước hạnh thuộc linh đó là những phước hạnh đủ loại mà Chúa ban cho con cái Ngài. (Eph 1:3“Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.”) Phước thuộc linh “ở các nơi trên trời” không có nghĩa là khi về thiên đàng mới nhận được. Câu nầy nói “Ngài đã xuống phước” tức là Chúa đã ban cho chúng ta rồi. Phước thuộc linh cũng không có nghĩa là những phước vô hình như là bình an, vui mừng, hạnh phúc v.v., nhưng có nghĩa là phước đến từ trời, tức là bất cứ ơn phước nào chúng ta có do Chúa sắp đặt và ban cho. Vì vậy những phước nầy cũng bao gồm những phước thuộc thể như là công ăn việc làm phát đạt, thoát khỏi 1 tai nạn xe, mua xe cũ mà chạy bền và tốt, được ơn trước mặt chính quyền, có con ngoan ngoãn dễ dạy, học giỏi, v.v.

 

  1. Khi nói đến “phẩm cách thuộc linh” là điều mà chúng ta sẽ nghiên cứu nhiều hơn, thì từ ngữ “thuộc linh” trong trường hợp nầy có một phạm vi hết sức rộng lớn, nói đến các hoạt động của người tín hữu và các mối liên hệ của những tín hữu khi tiếp xúc nhau. Người có những phẫm cách thuộc linh chân chính phải là người đạt đến mức trưởng thành cao độ mỗi ngày càng giống Chúa, xứng đáng với danh hiệu “người thuộc linh”, hay “người thiêng liêng”. VD: Chúng ta có thể nghe ai đó nói “Ông chấp sự nầy thật là ‘thiêng liêng’, một tí rượu ông cũng không uống”.

 

III.  Người thuộc linh là gì. Đó là một từ ngữ trong Tân ước, được dùng khi nói đến người tín hữu với mức độ tăng trưởng và trưởng thành cao độ trong phẩm cách và sinh hoạt của họ.

  1. Thế nào là một người thuộc linh?

Một người thuộc linh trước hết phải là người đã tin nhận Chúa, đã từng trải sự tái sanh (trở nên mới, làm mới lại) do Đức Thánh Linh ban cho và hành động trong người ấy, để nhận được một sự sống mới như một bé sơ sanh, rồi nhờ học hỏi Lời Chúa và quyền năng tái tạo của ĐTL mà dần dần trở nên như trẻ con, và cứ thế tiếp tục tăng trưởng nên một người lớn thuộc linh có tầm thước vóc dáng mạnh mẽ hơn, gọi là người trưởng thành, có khả năng để làm một chiến sĩ thuộc linh sẵn sàng tác chiến trong chiến trường thuộc linh với thế gian và ma quỷ.

Người thuộc linh có những phẩm cách tương phản với con người tự nhiên (=người có tánh xác thịt). Phaolô dạy trong ICôr. 2:14-15 – “14 Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. 15 Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán.”

Người có tánh xác thịt hay người có tánh tự nhiên là con người chưa được tái sanh, chưa được Đức Thánh Linh cai trị, hoặc đã tái sanh nhưng chưa trưởng thành, chưa có đủ trí phán đoán, nên dễ bị dụ dỗ bởi chính tánh xác thịt của mình hay của người khác. Nhưng người thuộc linh lành mạnh và quân bình thì “xử đoán mọi sự”, suy xét mọi lý lẽ, cân nhắc mọi việc để luôn sống đúng theo Lời Chúa dạy (sống cách chân thật) và được đẹp lòng Ngài.

Vì người thuộc linh luôn muốn sống đúng theo lời Chúa dạy, nên người đó học hỏi lời Chúa không ngừng cũng như cố gắng áp dụng những chân lý mà Kinh Thánh dạy trong đời sống một cách lành mạnh và quân bình.

2. Người thuộc linh cũng tìm kiếm sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh: Dù chúng ta cần học hỏi Lời Chúa, nhưng đừng quên chức vụ dạy dỗ của Đức Thánh Linh nếu muốn được học hỏi Lời Chúa cho có kết quả.

Đây là một lãnh vực cần có sự quân bình thuộc linh thích đáng. Có một số người nghĩ rằng được Đức Thánh Linh dạy dỗ là đủ, không cần học hỏi nghiên cứu Lời Chúa; trong khi nhiều người khác thì ngược lại kết luận rằng học hỏi nghiên cứu Lời Chúa là đầy đủkhông cần đến sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh. Người thuộc linh trưởng thành cách lành mạnh và quân bình luôn siêng năng đọc Lời Chúa, đọc nhiều sách giải kinh và nhờ cậy ĐTL soi dẫn trong việc nghiên cứu những chân lý Chúa dạy và tìm kiếm ý Chúa.

Chức vụ dạy dỗ của Đức Thánh Linh về những chân lý của ĐCT là cần thiết. Như mấy câu KT sau đây:

Gi 16:13Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.”

ICo 2:12Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời”

 Hai câu nầy không hề dạy rằng chức vụ ấy luôn luôn có tính cách trực tiếp. Thật vậy, KT không bao giờ đề cập đến các phương tiện đặc biệt duy nhất nào mà Đức Thánh Linh dùng để dạy dỗ chúng ta.

Ngài có thể dạy dỗ chúng ta cách trực tiếp, ví dụ như khi chúng ta đang suy gẫm một đoạn Kinh Thánh nào đó và hiểu được một chổ khó hiểu đó là nhờ được Chúa Thánh linh soi sáng. Nhưng ĐTL cũng có thể dạy dỗ người đó qua các phương tiện trung gian như là các sách báo Cơ đốc, các sách giải Kinh, các giáo viên TCN, các giáo sư TKT, các mục sư, những diển giả trong Radio, TV, CD, DVD, các trang webs Tin lành, uTube, vv..

Khi viết các sách giải Kinh, sách phù dẫn và ngay đến các bộ từ điển KT nữa, thì chính các tác giả hay giáo sư thần đạo cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu các sách khác và cũng được chính Đức Thánh Linh trực tiếp dạy dỗ mà họ soạn ra các sách đó. Nên chúng ta không thể nào cho rằng những sách đó không có giá trị bằng sự soi sáng trực tiếp từ ĐTL cho chính mình.

Chúa Thánh Linh cũng dùng phương tiện trung gian như các mục sư và giáo viên là những người được ĐTL ban cho ơn tứ dạy dỗ để giúp gây dựng Hội thánh qua môi miệng của họ.

Dĩ nhiên, chính Đức Thánh Linh có đích thân thực hiện việc dạy dỗ mỗi chúng ta mặc dầu Ngài có chọn sử dụng các phương tiện trung gian nói trên hay không. Ngài thường phải đích thân làm công tác ấy vì muốn cho chúng ta lãnh hội được chân lý, nhất là ở những nơi mà con cái Ngài bị cấm đoán trong việc huấn luyện, cấm in KT, hay chưa có đủ những phương tiện như các ấn phẩm, tài liệu, sách báo, hay trường KT. Vì cớ đó, trước khi đọc và nghiên cứu Lời Chúa, chúng ta cũng đừng quên cầu xin Ngài trực tiếp dạy dỗ chúng ta theo lượng ân điển mà Ngài dành cho chúng ta trong ngày đó, trong bối cảnh đó hay trong chức vụ nào đó của chúng ta.

 

Kết luận: Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta ý thức được tầm quan trọng của đời sống thuộc linh để tiếp tục nuôi dưỡng con người thuộc linh của mình

  • qua việc đọc Lời Chúa mỗi ngày, nghiên cứu sách báo và các tài liệu Cơ đốc.
  • Nhưng chúng ta cũng đừng quên cầu xin Chúa Thánh linh soi sáng để biết được ý Chúa khi có cần cũng như phát triển sự hiểu biết Lời Chúa mỗi ngày.

 

Cầu xin Chúa ban cho anh chị em sớm trở nên những tín hữu trưởng thành, gương mẩu, có những phẩm cách thuộc linh chân chính và lành mạnh, được Chúa dùng như những dụng cụ hữu hiệu trong sự chiến đấu với quyền lực của ma quỷ và trong những công tác xây dựng nhà Chúa, nhất là trong thời kỳ cuối cùng đầy những cám dỗ và hoạt động mạnh mẽ của quyền lực tối tăm nầy. Amen.


Comments

BG-Bài 1. Phẩm Cách Thuộc Linh… (Loạt Bài Bản Tính Thuộc Linh Lành Mạnh) — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *