HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Cho Những Ngày LễBG-“Năm Mới Cầu Cho Sống Lâu Để Làm Gì?”

Mục sư Nguyễn Duy Tân – © 2017 TinLanhLibrary.com
Kinh thánh: Êsai 38

Nhập đề: Đầu năm, ai ai cũng chúc nhau hai chữ ‘‘sống lâu’’. Nhưng sống lâu để làm gì khi ai nấy đều hiểu câu – ‘sinh-lão-bệnh-tử’ và ‘đời là bễ khổ’ ?

Nếu sống lâu để kéo dài nếp sống nghèo khổ, bệnh tật, đau yếu dài dài thì thật ra không ai muốn sống lâu. Nếu chúng ta vào các viện dưỡng lão thì sẽ thấy nhiều cụ già đang sống lây lất như những cái xác không hồn, kéo dài những chuổi ngày buồn chán và bệnh hoạn, cô đơn không một ai chú ý đến.

Dầu vậy, phần đông con người chúng ta ai cũng muốn sống mãi. Lý do thứ nhất là vì muốn tiếp tục vui sống với con cháu hoặc để hưởng những lạc thú trên đời. Lý do thứ hai, dù rằng nhiều người không có được những thứ nói trên, dù bệnh nặng hay đau đớn, người ta cũng vẫn muốn kéo dài sự sống, tại sao? Tại vì họ sợ chết, hay chưa sẵn sàng ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời.

Voltaire là nhà văn hào Pháp vô thần và chống Chúa cách gắt gao đã từng tuyên bố: “Trong 100 năm nữa người ta sẽ không còn tìm thấy 1 cuốn Kinh Thánh nào trên địa cầu nầy.” Nhưng trước những giờ phút qua đời, người ta kể lại rằng ông vô cùng kinh hãi trước sự chết và đòi bạn hữu mời một vị linh mục đến cho ông xưng tội. Nhưng khổ nỗi, bạn bè của ông không cho làm điều đó vì họ toàn là những người vô thần, và ông đã qua đời trong sự sợ hãi kinh hoàng, với tấm lòng hoàn toàn tuyệt vọng!

Voltaire không tin có địa ngục hay sự phán xét sau cùng, nhưng vẫn sợ hãi và muốn tiếp tục sống. Hy vọng là con cái Chúa chúng ta muốn sống lâu không phải vì lý do sợ chết hay sợ phải đối diện với Chúa, nhưng để sống vì những mục đích chính đáng mà Vua Êxêchia khám phá và làm chứng lại trong đoạn Kinh thánh Êsai 38 nầy.

Qua câu chuyện nầy chúng ta học biết được những lý do chính đáng cần có nếu muốn được sống lâu, và phải có thái độ nào khi được Chúa cho tiếp tục sống lâu trên đất.

I. Lời cầu nguyện của Vua Êxêchia: (Êsai 38:1-3)

a. Hoàn cảnh: vua bị bệnh nặng hầu chết. Nhưng ông may mắn được tiên tri Êsai cho biết trước là ông sắp chết nên ông mới hết lòng và hết đức tin mà cầu nguyện kêu xin cùng Chúa.

b. Ông đã cầu nguyện thế nào mà được Chúa nhậm lời?

>> Thứ nhất, là ông xin Chúa nhớ lại tấm lòng chơn thật trọn lành của ông. Vì lòng ông lúc nào cũng ngay thẳng, trong sạch, không có tư tưởng xấu, không gian xảo quỷ quyệt, giả dối, . . .

>> Thứ nhì, Ông xin Chúa nhớ rằng ông luôn làm điều lành trước mặt Chúa, ông muốn Chúa nhớ đến đời sống đạo đức của ông, những hành động ngay thẳng không gian ác hay đối xử bất công với người nào.

>> Ở đây, vua Êxêchia nhắc lại những công đức của ông không phải để nói rằng mình xứng đáng được chữa lành hay sống lâu. Nhưng ông muốn Chúa thấy rằng ông CÓ LÝ DO CHÁNH ĐÁNG để tiếp tục sống, ông biết rõ mục đích sống của mình là sống ngay thẳng và có những việc lành mang đến vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

>> Ngày nay, chắc chúng ta không dám nói những lời đó vì nhận biết sự bất toàn của mình. Nhưng tạ ơn Chúa, chúng ta không cần dựa trên công đức của mình, nhưng có thể dựa trên công đức và huyết báu của Chúa Cứu Thế mà đến gần Đức Chúa Trời như một người công bình. Chúng ta có thể nhơn danh Chúa mà cầu xin bất cứ điều chi, nhất là xin được chữa lành, vì Chúa Cứu thế đã chịu những roi đòn vì cớ bệnh tật của chúng ta (Êsai 53:5).

>> Xin chú ý rằng Êxêchia không xin được chữa bệnh, cũng không xin được sống thêm ít năm, và cũng không hứa sống lâu để làm gì. Nhưng Chúa biết nhu cầu của ông, biết ông hiểu được mục đích sống của mình, nên Ngài đã nhanh chóng nhậm lời ông! Trong 2Các Vua 20:4-5, các sử gia đã ghi rõ điều đó: “Ê-sai chưa đi khỏi thành trong, có lời của Đức Giê-hô-va phán với người rằng: 5 Hãy trở lại, nói với Ê-xê-chia, vua của dân sự ta rằng: Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Đa-vít, tổ phụ ngươi, phán như vầy: Ta có nghe lời cầu nguyện ngươi, thấy nước mắt của ngươi, này ta sẽ chữa lành cho ngươi; đến ngày thứ ba ngươi sẽ đi lên đền của Đức Giê-hô-va.” Dù Chúa nhậm lời vua, nhưng ông phải chờ 3 ngày mới được hoàn toàn chữa lành. Đều đó nhắc nhở chúng ta mỗi lần cầu xin sự chữa lành, thì cứ tin cậy Chúa và tiếp tục cầu nguyện. Sự chữa lành không phải lúc nào cũng xảy đến ngay trước mắt. Nhiều khi chúng ta cần chờ đợi. Dù phải chờ đợi vài hôm thì chúng ta cũng vẫn ngạc nhiên vì thấy quyền năng của Chúa hành động quá lạ lùng, vì phép lạ lúc nào cũng vượt quá sự hiểu biết bình thường của con người và khoa học.

II. Sự nhậm lời của Chúa: (Êsai 38:4-8)

a. Chúng ta chú ý 2 chữ: ‘nghe’ và ‘thấy’. Đôi khi trong sự cầu nguyện, chúng ta có cảm giác như lời cầu xin của chúng ta không qua khỏi được trần nhà. Nhưng, sự thật là Chúa nghe tất cả và Ngài cũng thấy rõ hoàn cảnh hay tấm lòng của chúng ta, và nhậm lời cầu nguyện trước khi chúng ta mở miệng nói ra.

Ví Dụ: Xưa lắm rồi, một cụ già kia ở Việt Nam rất yêu mến Chúa và dành rất nhiều công sức trong việc xây dựng cơ sở đền thờ. Trong ngày cung hiến đền thờ mới của hội thánh, cụ cảm thấy quá thỏa lòng và vui mừng nên cụ đứng trước hội chúng mà cầu nguyện lớn tiếng rằng: “Chúa ôi, hôm nay con thấy đền thờ Chúa đã xây cất xong, và làm lễ dâng hiến cho Ngài thật vinh hiển, con rất lấy làm thỏa lòng. Nếu giờ nầy Chúa có cho con qua đời, con cũng vui.” Thật như vậy, chỉ một lát sau, là ông cụ bị đột quỵ và qua đời. Người ta nói rằng trong đám tang của ông, dù nhiều người thương tiếc cụ, nhưng không có người nào than khóc vì biết đó là ước nguyện của cụ đã được Chúa nhậm lời.

Nghe câu chuyện nầy ai cũng nghĩ đến việc Chúa nhậm lời cầu nguyện của cụ để cho phép cụ qua đời ngay lúc đó. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng Chúa đã nhậm lời của cụ để cho cụ sống lâu hơn. Có thể trước đó vài năm, khi thấy hội thánh Chúa cần một nơi nhóm họp rộng lớn hơn, cụ đã dự phần dâng hiến, đã cổ động gây quỹ và xây dựng. Vì tuổi già sức yếu, cụ đã xin Chúa cho cụ có thể sống thêm một thời gian cho đến khi cụ làm xong trách nhiệm và thấy đền thờ của Chúa được cung hiến. Chúa đã nhậm lời và gia hạn đời sống cụ sống thêm một thời gian nữa cho đến ngày cung hiến đền thờ. Vì vậy hôm đó Chúa mới đem cụ đi sau khi cụ được tham dự buổi lễ cung hiến đền thờ. Chúa đã nhậm lời và gia hạn sự sống cho một con người vì người đó yêu mến công việc Chúa và có lý do chính đáng để sống và để làm vinh hiển Danh Ngài.

Câu hỏi cho quý ông bà và tôi là: Chúng ta có lý do chánh đáng hay không khi muốn được sống lâu hay khi được Chúa cho tiếp tục sống mạnh sống khoẻ đến ngày hôm nay? Êxêchia và ông cụ nói trên và đã trình bày những lý do chánh đáng nên đã được Chúa nhậm lời họ.

b. Chẳng những cho Êxêchia gia hạn sự sống, Ngài còn có chương trình tốt đẹp cho đời sống ông: Dầu vua Êxêchia không nói ra, nhưng Chúa hiểu rõ những sự mong ước chính đáng của lòng ông nên đã nhậm lời ông:

>> Trước hết Ngài cho đời sống ông kéo dài thêm 15 năm. Trước mặt Chúa, sống thêm một thời gian trên đời là một phước hạnh cho con cái Ngài. Dầu trên đời nầy có người cho rằng “đời là bể khổ”. Nhưng đối với người tin nhận Chúa được sống lâu là có phước, dù họ đang sống trong cảnh khó khăn và đau khổ. Vì lúc nào Chúa cho phép chúng ta sống thêm một năm thì đó là một năm mà chúng ta có cơ hội tốt để sống làm vinh hiển danh Chúa và phục vụ Chúa dù chỉ có thể phục vụ bằng sự cầu nguyện cho công việc nhà Ngài. Nhờ đó, trong đời sau chúng ta sẽ nhận lãnh được những phần thưởng quý báu mà mình có thể vui hưởng đời đời.

>> Ngài cũng sẽ cho ông được sống an lành trong 15 năm đó. Theo chương trình của Chúa, thì Ngài sắp cho phép Vua Asiri tấn công xứ Do Thái và bắt họ đày qua nước khác, nhưng vì cớ đã nhậm lời cầu nguyện của Êxêchia nên Ngài phải thay đổi chương trình và ngăn cản vua Asiri tấn công vào xứ Do thái để cho nước ông được hòa bình thêm 15 năm nữa. Chúng ta thấy, chẳng những Chúa có thể GIA HẠN cho chúng ta được sống lâu hơn, mà nếu cần, Ngài còn có thể GIẢM ĐI NHỮNG HỌAN NẠN và đau khổ mà đáng lẽ chúng ta phải trải qua. Điểm nầy cũng cho chúng ta thấy rõ Chúa là Đấng cai trị trên mọi bậc cầm quyền của thế gian nầy, và khi Ngài muốn, thì Ngài có thể thay đổi dòng lịch sử của một quốc gia hay của cả thế giới. Điều lạ lùng là đôi khi Ngài sẵn sàng làm điều đó vì nhậm lời cầu nguyện của một con người nhỏ bé như chúng ta, là người thuộc về Ngài!

sun-clock-13533011

>> Ngài cũng cho ông một dấu hiệu để xác chứng lời hứa của Ngài để giúp cho Êxêchia được an lòng mà tiếp tục sống. Êsai 38:7 – “7 Nầy là dấu Đức Giê-hô-va ban cho ngươi để nghiệm biết Đức Giê-hô-va sẽ làm hoàn thành lời mình đã phán: 8 trên bàn trắc ảnh A-cha, ta sẽ làm cho bóng mặt trời đang đi và đã đi quá, lui lại mười độ. Vậy thì trên bàn trắc ảnh, bóng mặt trời đã lui lại mười độ mà nó đã đi quá rồi.” Thật là một sự CHĂM SÓC CHU TOÀN của Đức Chúa Trời đối với một con người nhỏ bé trên địa cầu. Dấu hiệu mà Ngài ban cho Êxêchia là Ngài đã khiến cho bóng của mặt trời lui lại 10 độ trên bàn trắc ảnh Acha. Ngày xưa, người ta chưa chế ra đồng hồ chạy máy như Omega hay Longine, nên họ dùng một bản đá có khắc số và những dấu gạch nằm vòng tròn. Cứ mỗi 1 gạch là 1 độ, 10 gạch là 10 độ, 10 độ là 1 tiếng đồng hồ. Tùy theo bóng của mảnh đá hình tam giác được dựng trên bàn đó ngã xuống nơi gạch nào thì người ta có thể biết được thời gian. Khi bóng mặt trời lui lại 10 độ là trái đất phải quay ngược lại 10 độ trên trục của nó. Hàng triệu năm qua, tất cả mọi hành tinh đều phải xoay vần theo những định luật bất di bất dịch mà Đấng Tạo hóa đã đặt ra cho chúng. Nhưng hôm đó, trái đất chẳng những đã ngừng quay mà còn phải quay ngược lại trên trục của nó, khiến cho hôm đó mặt trời lặn xuống trể hơn 1 giờ! Thật, chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo vũ trụ nầy mới có thể làm được việc lớn lao cả thể ấy mà thôi.

Đức Chúa Trời mà Exêchia kêu cầu CŨNG CHÍNH LÀ Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng hôm nay. Ngài sẵn sàng làm những “VIỆC LỚN VÀ KHÓ” vì cớ yêu thương và chăm sóc chúng ta là những con cái bé mọn của Ngài. Ở đây, Ngài sẵn sàng thay đổi ĐỊNH LUẬT BẤT DI BẤT DỊCH của vũ trụ nầy vì cớ một con người nhỏ bé mà Ngài yêu thương. Chúa có thể làm cho quả đất xoay ngược lại được thì CÓ VIỆC CHI KHÁC QUÁ KHÓ cho Ngài chăng? Là người đã 60 tuổi, chúng ta có dám tin rằng Ngài có thể vặn ngược đồng hồ sinh lý để khiến cho trái tim của chúng ta khoẻ và trẻ lại như lúc 20 tuổi chăng? Tôi tin rằng, nếu Chúa đẹp lòng thì Ngài sẵn sàng làm điều đó khi chúng ta nhơn Danh Đức Chúa Jêsus Christ mà nài xin Ngài. Chúa có hứa: “Hãy nhơn Danh Ta mà xin BẤT CỨ ĐIỀU CHI, Ta sẽ làm cho.”

III. Êxêchia có thái độ nào sau khi được Chúa chữa lành?

a. – Từ câu 9 đến câu 20, chúng ta được đọc những lời làm chứng mà vua chép lại về ơn lành và phép lạ mà Chúa làm trong đời sống ông, để ca ngợi ơn Chúa, khuyên mọi người đời sau thêm lòng kính sợ Chúa và trông cậy nơi sự thành tín của Ngài.

b. – Câu 15-17, Sau khi được chữa lành, ông ý thức được con người xấu xa của ông. Ông nhìn nhận đã có sự cay đắng đối với Chúa. Đó là thái độ kiêu ngạo, vì nghĩ rằng ông có đời sống đạo đức nên đáng lẽ Chúa không nên để cho ông bị đau bệnh nặng như vậy. Nhưng khi được Chúa chữa lành, ông ý thức được rằng, ngày nào mà ông còn sống đó là vì Chúa thương xót mà cho phép ông tiếp tục sống, nên ông hứa từ nay sẽ sống trong sự khiêm nhượng và hạ mình trước mặt Chúa.

c. – Câu 18-20, Được sống thêm 15 năm, ông hứa dành cuộc đời còn lại của mình để làm chứng về ơn chữa lành của Chúa cho con cái và cho người đời sau, hứa sống cách nào mang đến vinh hiển cho danh Chúa, và hứa rằng ông và gia đình ông sẽ thờ phượng Ngài qua sự tôn vinh, ngợi khen Ngài không thôi. Trong câu 19-20 ông nói: ‘‘Duy kẻ sống, kẻ sống mới hay tôn vinh Ngài, như tôi làm ngày nay… ĐGHV là Đấng cứu tôi! Trọn đời chúng tôi sẽ đờn và hát trong nhà ĐGHVa!’’ Ngày nào chúng ta còn sống là ngày đó Chúa đang gia hạn sự sống cho chúng ta như đối với Êxêchia, chúng ta có hứa dành đời sống còn lại của mình để phục vụ, thờ phượng Chúa và tìm kiếm sự vinh hiển cho Danh Chúa trọn đời chúng ta chăng?

=========================

Kết luận: Khúc KT nầy nhắc nhở chúng ta rằng, Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng và trông cậy là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ bao la vĩ đại nầy, là Vua của muôn vua, Chúa của muôn chúa. Sự sống và hơi thở của chúng ta nằm trong bàn tay đầy năng quyền của Ngài. Ngày nào chúng ta còn sống là vì ngày đó Chúa cho phép chúng ta sống. Ngày nào Chúa còn cho phép chúng ta sống, đó là để chúng ta sống cho Ngài, như Phaolô nói: “… mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal. 2:19) và “… chúng ta sống là sống cho Chúa, mà có chết là chết cho Chúa.” (Rôm. 14:8).

Theo bài học của Êxêchia, sống cho Chúa là sống trong sự hạ mình, khiêm nhượng, là phục vụ, và làm chứng không ngừng về ơn lành phép lạ của Ngài đến với người chưa biết Chúa.

Sống cho Chúa là có những việc làm và thái độ luôn mang đến vinh hiển cho Danh Ngài.

Sống cho Chúa là ngợi khen Ngài không thôi qua môi miệng mình và thờ phượng Ngài bằng những việc lành của chúng ta.

Nguyện Chúa cho mỗi chúng ta trong Năm Mới nầy đừng muốn sống lâu chỉ để hưởng thụ cách ích kỷ thế giới đẹp đẽ của Ngài, nhưng cho chúng ta ý thức được rằng, ngày nào Chúa còn cho phép chúng ta sống, là để chúng ta dâng đời sống mình phục vụ Chúa, thờ phượng, tôn vinh Chúa và mang đến sự vinh hiển Danh Chúa cho đến khi được gặp Ngài. Amen.


Comments

BG-“Năm Mới Cầu Cho Sống Lâu Để Làm Gì?” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *