HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG – Khiêm Nhường Theo Gương Chúa Giê-su

Mục sư Nguyễn Duy Tân. © 2023 TinLanhLibrary.info

Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” — Math. 11:29.

Còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta…” Math. 20:27.

Khi đọc các sách Phúc Âm, chúng ta thấy rõ sự khiêm nhường trong cuộc đời của Chúa Giê-su, nhất là đọc được những sự dạy dỗ của Ngài về điều đó. Chúng ta thấy Ngài vô cùng mong ước các môn đồ của Ngài phải sống hạ mình và khiêm nhượng như Ngài.

A. Những đoạn Kinh Thánh ghi lại những dạy dỗ về sự hạ mình và khiêm nhường.

  1. Ngay từ lúc bắt đầu chức vụ, Chúa Giê-su đã dạy về sự khiêm nhượng.

Trong Bài Giảng Trên Núi, khi nói về những Phước Lành của Nước Trời, Ngài nói:

Phước cho những người nghèo khó tâm linh, Vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ!Phước cho những người nhu mì, Vì sẽ thừa hưởng đất! (Math. 5:3,5) (Bản Hiệu Đính)

Ngay trong bài giảng đầu tiên, Ngài đã tiết lộ cho chúng ta biết cách bước vào Nước Trời phước hạnh. Đối với những người tự nhìn biết tâm linh mình nghèo thiếu, đối với những người nhu mì, những người nghèo hèn bị xã hội xem thường, thì Nước Trời luôn hoan nghênh chào đón họ. Người quá giàu có và tham lam thì rất khó vào thiên đàng; nhưng người hiền lành, người khiêm nhượng, người không ham gom góp tiền bạc của cải cho bản thân họ, … thì trái đất nầy sẽ là của họ. Đối với cuộc sống trên trời và dưới đất, sự khiêm tốn là bí quyết để được nhận lãnh phước lành của Nước Trời.

  1. Sự yên nghĩ tức là sự bình an là phần thưởng của người khiêm nhường.

Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” — Math. 11:29.

Chúa Giêsu tình nguyện làm một người Thầy gương mẫu. Ngài dạy cho chúng ta hiểu tinh thần nhu mì và khiêm nhường là gì. Ngài xứng đáng làm Thầy, vì Ngài đã sống đúng như lời Ngài dạy. Sự nhu mì và khiêm nhường là một lẽ thật quan trọng nhất mà Ngài muốn chúng ta học theo Ngài. Sự khiêm tốn đem đến sự yên nghỉ hay bình an cho tâm hồn chúng ta, và đó là một trong những phần thưởng dành cho những ai đã được cứu rỗi.

  1. Địa vị của người khiêm nhường trong Nước Thiên đàng:

Các môn đồ có nhiều lần tranh cãi nhau xem ai xứng đáng sẽ là người lớn nhất trong Nước Thiên Đàng. Khi không đồng ý nhau họ bèn đến hỏi Ngài điều đó (Lu-ca 9:46; Ma-thi-ơ 18:3). Ngài bèn đặt một đứa trẻ ở giữa họ và nói:

Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng. Khi nói như vậy, không khác nào Ngài hỏi họ rằng: “Trong đời nầy các con có sẵn sàng trở thành người khiêm nhượng như em bé nầy không?” Nếu trong đời nầy, họ trở nên khiêm nhượng như một em bé thì thì trong Nước Thiên đàng họ sẽ có một địa vị cao trọng! Đó là điểm khác biệt chính giữa các vua chúa trong thế gian và vương quốc Thiên Đàng! Ngài muốn họ hiểu rằng nếu họ muốn nghĩ đến những vinh dự nơi Thiên Đàng, mục đích quan trọng khi làm việc lành hay phục vụ Chúa là phải nghĩ đến sự khiêm nhường. Không khác nào Chúa trả lời cho họ rằng: “Trên đời nầy, ai là kẻ khiêm nhường nhất trong các ngươi, sẽ là người lớn hơn hết trong Nước Thiên Đàng.”

  1. Chức vụ của người khiêm nhường trên thiên đàng.

Hai con trai của Xê-bê-đê đã xin được ngồi bên phải và bên trái của Ngài, vì muốn dành hai chức vụ cao nhất trong Vương quốc của Chúa. Chúa Giê-xu nói rằng điều đó không phải do Ngài quyết định, nhưng là thẩm quyền của Cha, là Đấng sẽ ban chức vụ cho những ai được Ngài huấn luyện trước và phục vụ Ngài trung tín nhất trong đời nầy. Họ không nên tìm kiếm hoặc đòi hỏi được địa vị cao trọng trong nước thiên đàng. Ý nghĩ của họ trong hiện tại phải hướng về công việc duy nhấtcon đường vác thập tự giá và sẵn sàng chịu nhục vì Danh Ngài. Rồi Ngài nói thêm:

kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi… Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta (Math. 20:27)

Sự khiêm nhường, đó là đặc tánh của Đấng Christ, là Đấng vinh hiển đến từ trời, và đó là tiêu chuẩn duy nhất của đời sống những ai muốn được vinh hiển trên Thiên đàng: Người khiêm tốn nhất trên đất nầy, là kẻ sẽ được gần Đức Chúa Giê-su nhất. Vị trí cao trọng trong Hội thánh trên đất nầy cũng được Chúa dành cho những người khiêm tốn nhất.

  1. Sự vinh hiển của những ai sẵn sàng hạ mình:

Nói về những người Pha-ri-si là những người thích ngồi chỗ cao nhất trong nhà hội, Chúa Giê-su nói: “Ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.” (Math. 23:11) Rồi Chúa nói tiếp để dạy chúng ta rằng, con đường duy nhất để được vinh danh trong nước Trời dành cho người nào biết hạ mình và chấp nhận làm việc thấp hèn nhất trong đời nầy. Ngài nói tiếp:Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.” (Math. 23:12)

  1. Trong nước Trời, trong công trường thuộc linh, không có chỗ cho người lên mình.

Vào một dịp khác, trong nhà của một người Pha-ri-si, Ngài kể câu chuyện ngụ ngôn về một vị khách khiêm nhượng trong bữa tiệc cưới. Người đó chọn ngồi chỗ thấp nhất và cuối cùng thì được người ta mời lên chỗ cao hơn (Lu-ca 14:11). Ngài lập lại tiêu chuẩn quan trọng nầy: “Bởi vì ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên.” Tiêu chuẩn nầy là một lẽ thật không thể thay đổi, không có sự lựa chọn nào khác. Người nào muốn được Chúa tôn cao (trong đời nầy hoặc trong đời sau) thì phải tự mình hạ mình xuống. Còn ai thích tự tôn mình lên sẽ bị mất mặt với mọi người khi bị “Chúa hạ xuống”!

  1. Lời cầu nguyện của người khiêm nhượng sẽ được Chúa nhậm.

Sau câu chuyện ngụ ngôn về cách cầu nguyện khác nhau giữa người Pha-ri-si và người thâu thuế, nói về cách thờ phượng của họ và sự nhậm lời cầu nguyện của họ từ Đức Chúa Trời, thì Chúa Giê-su một lần nữa lại lập lại lẽ thật quan trọng đó rằng: “Bất cứ người nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.” (Lu-ca 18:14)

Tại đền thờ, trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời và sự thờ phượng Ngài, mọi lời ca tiếng hát, mọi lời cầu nguyện hay giảng dạy đều là vô giá trị nếu không làm với tấm lòng khiêm nhường sâu xa và chân thật đối với Đức Chúa Trời và loài người.

  1. Sự hạ mình là đức tánh căn bản của người môn đệ.

Một lần kia, sau khi rửa chân cho các môn đồ, Chúa Giêsu nói: Nhưng nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. (Giăng 13:14).

Mệnh lệnh nầy của Chúa cho chúng ta là môn đệ của Ngài là một mệnh lệnh đầy thẩm quyền, hầu như là một việc không tránh khỏi, vì chính Ngài đã làm gương cho chúng ta. Thử hỏi, nơi chiến trường, khi một đại tá hô lên “Tấn công!” và chạy tới, thì có người lính nào ngồi im đó chờ đợi không? Mệnh lệnh và gương của Ngài đã khiến cho đức tánh khiêm nhường của người theo Chúa trở thành một yếu tố căn bản và thiết yếu nhất của đời sống người làm môn đồ của Đấng Christ, tức là của mỗi chúng ta!

  1. Người môn đệ phải sống theo gương phục vụ của Chúa.

Tại bàn Tiệc Thánh, các môn đệ vẫn chưa hiểu lẽ thật và mệnh lệnh nầy nên còn tranh cãi nhau để biết ai là người lớn nhất trong nước Trời! (Lu-c 22:24). Chúa Giê-xu lại dạy:

Về phần các ngươi, đừng làm như vậy; song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai trị phải như kẻ hầu việc. (Lu-ca 22:26) Rồi Ngài nói thêm: Nhưng Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy.

Tức là ngay trong đời này, chính Ngài còn phải phục vụ như người đầy tớ vì vâng phục Cha mình, nên Ngài cũng muốn chúng ta sống theo gương của Ngài, bước đi trên con đường mà Ngài đã mở ra để cho chúng ta bước theo. Con đường của Ngài luôn luôn là con đường của sự khiêm nhường. Nhiều người hãnh diện mình là “tôi tớ Chúa” nhưng trong thực tế, nhiều người quên rằng làm “tôi tớ Chúa” đòi hỏi chúng ta phải làm “tôi tớ của mọi người”, chứ không phải là con đường để được người khác phục vụ mình! Chính là trong tinh thần đó mà Chúa Giê-su đã được đầy ơn và quyền năng để hoàn tất chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

B. Những bài học rút ra từ những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su trên đây:

Tinh thần khiêm nhượng nầy thật rất ít được nghe giảng dạy. Có thể vì có rất ít những người có trách nhiệm dạy dỗ không dám sống hay không có thể khiêm nhường theo gương của Chúa.

Thực hành tinh thần đó cũng hiếm thấy trong con dân Chúa biết bao! Trong khi đó, ai cũng hiểu rằng đức tánh hạ mình và khiêm nhượng là thước đo để nhận biết người nào được trưởng thành và có đời sống giống như Chúa. Nhưng ít ai nghĩ đến, hay khao khát, hoặc cầu xin Chúa giúp cho mình sớm đạt đến mức độ khiêm nhường giống như Chúa!

Thế gian nầy có nhìn thấy Chúa Giê-su qua những môn đệ của Ngài không? Có, nhưng họ đã được nhìn thấy quá ít, ngay cả trong vòng lãnh đạo hội thánh của Ngài!

  1. Lẽ thật quan trọng nhất mà Chúa Giê-su cứ lập đi lập lại nhiều lần, đó là: “Ai muốn làm lớn trong các con, thì hãy làm đầy tớ.” Cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta hiểu được ý Ngài. Chúng ta đều biết một người đầy tớ hay nô lệ trung thành với chủ sống thế nào không? Họ tận tụy làm việc với mục đích mang đến lợi ích cho chủ, làm mọi việc cách chu đáo theo chỉ thị của chủ để làm vui lòng chủ, cảm thấy vui mừng và hạnh phúc khi thấy chủ mình được thịnh vượng và vinh dự. Có nhiều tôi con Chúa hiểu được lẽ thật nầy, nhưng dù cho họ nói rằng mình “phục vụ Chúa” hay có xưng mình là “đầy tớ Chúa” thì trong đời sống họ người ta chỉ thấy họ tìm kiếm vinh dự cho chính mình.

 

Khi Chúa nói “hãy làm đầy tớ” thì chúng ta phải hiểu rằng Ngài muốn nóihãy làm đầy tớ cho người khác, “làm đầy tớ cho anh em mình”, kể cả “làm đầy tớ cho người mà các con không ưa!” Đối với nhiều người trong chúng ta, phục vụ người khác, hay làm đầy tớ cho người khác, không phải là một niềm vui mới mà chúng ta khám phá khi mới theo Chúa. Phục vụ người khác không phải là những việc làm vô cùng thích thú, nhưng là một gánh nặng! Chỉ khi nào chúng ta hoàn toàn đầu phục Chúavâng lời Ngài mà phục vụ như những tôi tớ, như những nô lệ của Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ học biết rằng, qua việc phục vụ người khác, chúng ta đạt đến một sự tự do cao nhất, được giải thoát khỏi một tình trạng nô lệ, — chúng ta được giải thoát khỏi bản ngã ích kỷ của chúng ta.

  1. Chúa Giê-xu cũng kêu gọi chúng ta trở thành tôi tớ của nhau: Nhiều người theo Chúa nhưng tiếp tục sống trong tinh thần ích kỷ nên rất vui khi thấy trong hội thánh có nhiều người vui vẻ phục vụ người khác, nên họ lợi dụng những anh em đó cách tối đa, vì được người khác phục vụ mình thì ai mà không ham? Nhưng Chúa không có chia hội thánh ra hai thành phần, một nhóm thì phục vụ và một nhóm được phục vụ. Cũng vì hiểu sai như vậy mà một số người nghĩ rằng các mục sưban chấp sự là những người có trách nhiệm phục vụ mọi người khác, phải làm bất cứ điều gì mà những tín hữu cần họ, kể cả giúp họ dọn nhà hoặc lấy xe nhà đưa họ đi bác sĩ.

Chúa muốn thấy tất cả con dân Chúa làm tôi tớ cho nhau. Mục sư hay các chấp sự đến thăm viếng mình khi mình đau yếu, nhưng khi người nào trong họ đau yếu thì mình có đến thăm và mang vài trái cam đến biếu cho họ không? Mỗi người trong hội thánh đều có thể làm một việc gì đó để phục vụ anh em mình. Tôi thường nhắc hội thánh: “Mỗi tín hữu, một mục vụ.” Cầu thay cho anh em mình cũng là một mục vụ, một hành động phục vụ! Nếu những tín hữu không ai đến quét dọn lau chùi nhà thờ thì vợ và các con của mục sư phải làm việc đó, trong khi họ đã có nhiều việc khác để làm cho Chúa rồi! Nếu mình không giúp được việc sơn sửa cơ sở của Hội thánh như người khác thì vẫn có thể phục vụ bằng sự dâng hiến cho nhu cầu mua sơn hay các dụng cụ, và đó cũng là một cách phục vụ anh em mình, …

Khi chúng ta không còn đến với nhà Chúa trong tinh thần đòi hỏi người khác phục vụ mình, và bắt đầu dự phần phục vụ mọi người thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được một niềm vui mới. Đó là niềm vui được giải thoát khỏi con người xác thịt ích kỷ của mình, niềm vui của sự ban cho, niềm vui nhận được những phước hạnh mà Chúa đổ xuống trên những đời sống vâng phục Chúa, khiêm nhượng, hạ mình, và làm đầy tớ người khác.

  1. Thách thức cho người muốn bước theo con đường hạ mình của Chúa: Ban đầu, hạ mình để phục vụ có vẻ rất khó khăn: Nguyên nhân là vì niềm tự hào mà xưa nay ai cũng muốn nắm giữ, dù cho họ không có tiền bạc hay kiến thức gì cả. Nhưng một khi chúng ta thật sự hiểu rằng mình là người không ra gì trước sự vĩ đại và vinh quang của Con Đức Chúa Trời, trước gương hạ mình tột độ của Chúa Ngài, và hiểu rằng sự khiêm nhường của mình làm cho Chúa vui lòng thì chúng ta mới có thể vui vẻ bước theo gương Ngài. Lúc đó chúng ta mới cảm thấy nhẹ nhàng khi làm đầy tớ anh em mình, ngay cả khi phục vụ những người mà chúng ta không ưa thích. Khi chúng ta tập trung vào đức tánh khiêm nhường, tập hạ mình xuống và phục vụ, lúc đó chúng ta sẽ hiểu được giá trị của những lời dạy của Chúa Giê-su. Chúng ta sẽ hiểu rằng không có nơi nào quá thấp mà chúng ta không thể hạ xuống, không có việc nào là quá tầm thường mà chúng ta không thể làm, để dự phần vào công việc của Chúa Cứu Thế là Đấng đã làm gương cho chúng ta, như Ngài nói: “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc.”

 

  1. Phước hạnh của con đường hạ mình theo gương Chúa: Thưa quý ông bà anh chị em. Hãy hạ mình xuống, hãy tự hạ mình xuống! Đó là con đường dẫn đến cuộc sống đầy ơn, đầy quyền năng trong sự cầu nguyện và chức vụ, và tràn đầy phước hạnh. Đây là điều mà Chúa Giê-xu đã dạy những môn đồ đã ao ước được làm lớn trong Vương quốc Chúa. Đó là việc của Chúa, đó là thẩm quyền của Ngài. Việc của bạn và tôi là hạ mình và hạ mình xuống. Hãy cẩn thận, trên đời nầy đừng ham, đừng tranh giành hay tìm cách chiếm vị trí nào mà Ngài không muốn bạn ở đó. Chấp nhận địa vị làm đầy tớ Chúa, đó là việc của bạn. Hãy luôn quan tâm đến sự “tự hạ mình” và khiêm nhượng. Hãy xem đó là mục đích của đời sống bạn và những mơ ước (lời cầu nguyện) của bạn.

 

Đức Chúa Trời là thành tín. Ngài luôn nhấc người khiêm nhượng lên. Đức Chúa Trời luôn tìm kiếm, luôn nhìn thấy những người đầy tớ biết tự hạ mình xuống để nâng họ cao lên bằng cách ban cho họ sự vinh quang, ơn tứ, và quyền năng của Ngài. Đó là cách mà Ngài chăm sóc các tôi tớ Ngài. Đó là cách Ngài ban phước cho họ, bởi quyền năng vĩ đại của Ngài, bởi ơn điển, và lòng thương xót của Ngài. Ngài sẽ làm điều đó.

Nhiều người cho rằng sự khiêm tốn và hạ mình sẽ làm cho họ mất đi những gì mà họ cho là quý giá, nhất là vinh dự, tinh thần mạnh mẽ. Nhưng sự khiêm nhường không phải dành cho người yếu đuối. Đó là một đức tánh căn bản trong sự giảng dạy của Chúa Giê-su. Tất cả những sự dạy đỗ đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, để nhận được sự cao quý trong Nước Trời, để xứng đáng được đồng cai trị với Vua của Nước Trời trong tương lai, thì trong đời nầy, phải sống theo gương Ngài, hạ mình xuống, sẵn sàng làm tôi tớ của những người mà Chúa muốn chúng ta làm!

Tóm lại, trên đời nầy, phục vụ trong tinh thần khiêm nhượng không phải là con đường nhục nhã; đó là con đường dẫn đến vinh quang, đến niềm vui mừng vì Đấng Christ đồng hành trong mọi công việc của chúng ta và có quyền năng của Ngài luôn ở trên chúng ta. Chính Con của Đức Chúa Trời cao cả và vĩ đại, mà còn chấp nhận sự thấp hèn tột độ để phục vụ. Huống chi là chúng ta là những môn đệ thấp hèn. Nếu ai có lòng khao khát được trở nên giống như Ngài, và sẵn sàng hạ mình làm đầy tớ người khác, thì được Ngài hứa ban cho họ sự vinh hiển lớn lao, chẳng những ngay trên đất nầy, nhưng cũng sẽ được sự vinh hiển gấp trăm nghìn lần hơn trong cõi đời đời phước hạnh!

Hãy tiếp tục nghiền ngẫm những chân lý mà chúng ta vừa học, suy ngẫm đến những điều đó, cho đến khi lòng chúng ta hiểu biết rõ ràng rằng đức tánh cao quý nhất của những tôi con Ngài là sự khiêm nhường. Cũng hãy nhớ rằng Ngài muốn chúng ta chẳng những hiểu biết mà cũng vâng theo, vì chính Ngài cũng đã sống như vậy.

Cầu xin Đấng nhu mì và khiêm nhượng giúp bạn sống theo gương của Ngài, phục vụ Chúa và anh em mình theo tinh thần khiêm nhường một cách tự nhiên, để kinh nghiệm được phước hạnh, quyền năng (Chữa lành, cứu rỗi linh hồn người thân), cũng như sự thoả lòng trong đời sống theo Chúa của mình. Amen.


Comments

BG – Khiêm Nhường Theo Gương Chúa Giê-su — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *