HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânViếng Thăm Vườn GhếtSêMaNê

Mục Sư Nguyễn Duy Tân

Ngày 28 tháng Giêng, 2017, trời mưa và lạnh không khác nào khí hậu ở Bắc Cali. Nhưng tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi cố gắng đi ra để thăm Ngôi Mộ trống của Chúa thật phước hạnh, và sau đó theo dự định sẽ đến đồi Ôlive về phía đông của cổ thành Giê-ru-sa-lem, cách mộ Chúa chừng 2 cây số. Chúng tôi có thể gọi Taxi nhưng đã quyết định đi bộ để thử xem ngày xưa Chúa Giê-xu phải khó khăn thế nào khi Ngài đi bộ đến đó, vì biết Chúa thường xuyên đến vườn Ghếtsêmanê trên núi Ôlive để cầu nguyện (Luca 22:39). Có đi mới biết đây là một đoạn đường cũng khá xa và cực nhọc. Nhờ đi dọc theo đường Giêricô song song với vách tường thành phía Đông, chúng tôi mới có cơ hội nhìn thấy quang cảnh tuyệt đẹp của đồi Olive, dù ngày nay có nhiều ngôi nhà đã xây cất trên đồi.

Đến ngang với khoảng giữa của vách thành, chúng tôi băng qua đường, và dần theo một con đường để đi về phía Đồi Ôlive, đi trên một cái cầu băng qua thung lũng Kít-rôn xanh tươi. Sau một khúc đường ngắn, chúng tôi bắt đầu thấy nhiều cây ôlive rất cằn cỗi, nhất là bên trái có nhiều cây còn được bảo tồn bên trong những ngôi nhà cổ kính và cạnh một nhà thờ trong đó có mộ của Mari, mẹ Chúa, nơi có đông người Công giáo vào viếng mộ. Những cây ôlive đó ngày xưa cũng thuộc vườn Ghếtsêmanê vì vườn nầy rất rộng. Nhưng chúng tôi còn phải đi lên vài trăm thước nữa và tẻ về phía tay mặt mới đến một mảnh vườn nhỏ khác thuộc về đầu kia của vườn Ghếtsêmanê. Mảnh vườn nầy nằm bên phải của Đền thờ Thống Khổ (Church of Agony), được xây lại năm 1924, trên nền của một ngôi đền thờ được xây vào thế kỷ thứ 14 bởi các Thập tự quân nhưng đã bị quân Hồi giáo tàn phá. Từ thế kỷ thứ 3, người Cơ-đốc đã từng hành hương đến đó để viếng VƯỜN Ghếtsêmanê và TẢNG ĐÁ trong vườn mà người ta tin rằng là nơi Chúa Giê-xu quỳ cầu nguyện trong đêm Ngài bị bắt. Vì thế, từ thế kỷ thứ 4 người ta đã xây một đền thờ nhỏ nơi đó rồi và đền nầy đã bị hư sập vào thế kỷ thứ 7 trong một cơn động đất.

Nơi hông bên phải của đền thờ là một phần của vườn Ghếtsêmanê được bảo vệ và chăm sóc rất kỹ. Nơi mảnh vườn nhỏ nầy còn 8 cây ôlive rất già, ít lắm có trên 1000 năm tuổi. Nhiều chuyên viên tin rằng có cây già trên 2000 năm và chắc chắn đã có mặt ở đó lúc Chúa Giê-xu thường đến vườn nầy để cầu nguyện.

Người ta xây Đền thờ Agony chung quanh tảng đá mà người ta tin rằng là nơi mà Chúa Giê-xu cầu nguyện trong đêm Ngài bị phản. Kinh Thánh diễn tả chỗ mà các môn đồ ngủ quên đến chỗ Chúa cầu nguyện là “cách chừng liệng một cục đá” (Luca 22:41). Tôi nhận thấy từ mảnh vườn nầy đến chỗ tảng đá nơi Chúa cầu nguyện bên trong đền thờ đúng là khoảng chừng liệng một cục đá. Dù biết rằng nhờ lời truyền trong dân gian mà người ta biết đây là tảng đá nơi Chúa đã cầu nguyện, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vô cùng xúc động khi vào bên trong đền thờ và tiến đến gần tảng đá nằm ngay phía trước tòa giảng. Dĩ nhiên, chúng tôi biết tảng đá nầy không có gì đặc biệt, nó chỉ là một mảnh đá cao hơn nền nhà độ 3 tất, rộng khoảng 3 mét, ngang 2 mét, nhưng lòng chúng tôi vẫn thổn thức khi nghĩ đến hình ảnh Chúa quỳ nơi đây, vì yêu chúng ta mà Ngài nằm dài trên tảng đá nầy để thốt lên những lời đầy đau đớn, đến đổi Phierơ, Mác và Giăng ở đó cách một khoảng xa mà có thể nghe rõ ràng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi con! Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý con!” (Luca 22:42) Hòn đá nầy đã từng thấm những giọt mồ hôi pha huyết mà Ngài đã đổ ra trên nó. Thật là một cảm giác đầy xúc động nghẹn ngào khi có cơ hội được sờ chạm đến kỷ vật đầy ý nghĩa nầy.

Dù biết rằng tảng đá nầy không phải là một thánh vật hay linh thiêng nhiệm mầu như một số giáo dân suy nghĩ, nhưng trong tâm hồn tôi không khỏi hiện ra những tư tưởng đầy ý nghĩa. Tảng đá nầy đã cung cấp thêm một bằng chứng sống động khác khiến cho những gì được ghi lại trong các sách Phúc Âm trở nên vô cùng sống động. Vườn Ghếtsêmanê, với những cây ôlive cằn cỗi và tảng đá vẫn còn đó, khiến cho sự kiện Chúa bị bắt và đóng đinh thật ra không còn cảm giác quá xa xưa đối với tôi. 2000 năm dường như được thu ngắn lại. Những gì Phúc âm đã ghi không còn là xa vời hay mờ ảo, nhưng đã trở thành sống động và vô cùng hiện thực trong đầu óc tôi.

Dù quý anh chị em nào chưa được bước chân đến nơi nầy, thì cũng hãy nhớ rằng cuộc đời Chúa Giê-xu không phải là chuyện huyền thoại. Cứu Chúa chúng ta đã hiện diện tại xứ Do-thái và bước chân Ngài đã đi khắp đất nước nhỏ bé nầy để rao báo Phúc Âm và chữa lành người tật bệnh. Ngài đã chấp nhận sống trên một đất nước bị cường quốc gian ác bức hiếp và chịu chết bằng những cách hành hạ đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hãy xem lại các sách Phúc Âm để thấy rõ tại sao Ngài đã chấp nhận sự hy sinh quá lớn lao như thế. Xin thưa, vì Ngài muốn nhân loại thoát khỏi sự đau khổ kinh hoàng đời đời nơi hỏa ngục khi người nào chịu mời Ngài làm Cứu Chúa đời mình. Amen.

Image may contain: table, plant, indoor and outdoor

Image may contain: tree, plant, outdoor and natureImage may contain: sky and outdoor

Image may contain: people standing, sky, mountain, grass, outdoor and nature

 


Comments

Viếng Thăm Vườn GhếtSêMaNê — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *