HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy Tân“Ngày Sa-bát và Ngày Của Chúa” – Mục sư Nguyễn Duy Tân

Quý bạn có biết rằng Sáng Thế ký và Các Sách kinh luật của Môi-se chỉ nói đến luật giữ ngày thứ bảy làm NGÀY NGHỈ chứ không nói đến ngày Sa-bát. Như vậy, lý do nào một số người cho rằng ngày thứ bảy là ngày Sa-bát? Và ngày Sa-bát đúng ra là ngày nào và có ý nghĩa gì? Ngày thứ Bảy theo Dương lịch có phải là ngày Sa-bát hay là ngày nghỉ theo kinh luật của người Do thái không?

Sáng thế ký do Môi se chép có nói đến trong đoạn 2 về Ngày Nghỉ là ngày thứ bảy (đứng hàng thứ bảy, seventh) sau 6 ngày làm việc, là một luật lệ mà Đức Chúa Trời đặt ra. Không có nơi nào cho thấy ngày nghỉ là ngày Sa-bát. Dù trong Mười điều răn ở Xuất Êdíptô ký 20 cũng chỉ nói đến luật về ngày nghỉ, không có nói đến ngày Sa bát. Sau nầy, khi Kinh Thánh bắt đầu dùng chữ Sa bát thì từ ngữ đó chỉ có liên hệ đến những ngày TRĂNG RẰM. Và những ngày trăng rằm thường là những ngày CÓ LỄ LỚN. Như vậy, theo truyền thống của người Do thái thì mỗi tháng chỉ có một ngày Sa-bát chứ không phải mỗi tuần.

Trong thời của Chúa Giê-su, khi Ngài thi hành chức vụ tại Do thái, thì người La mã đang cai trị khắp thế giới trong vùng Biển Địa Trung Hải và Á châu. Thời đó, họ đã dùng lịch của người La mã để tính ngày tháng năm theo chu kỳ của mặt trời gọi là LỊCH JULIAN do hoàng đế Julius công nhận và được sử dụng từ năm 45 trước Chúa. Lịch đó cũng chia tuần lễ ra 7 ngày và dùng tên các HÀNH TINH để đặt cho các ngày y như hiện nay. Lịch Julian được dùng cho đến thế kỷ thứ 16, đến khi người ta điều chỉnh lại một chút cho chính xác hơn theo chu kỳ của mặt trời và được Đức giáo Hoàng Gregory thứ 13 công nhận, từ đó Dương lịch phổ thông khắp thế giới được gọi là dương LỊCH GREGORY.

Trong thời của Chúa Giê-su, người Do thái thì dùng lịch riêng mà họ đã dử dụng TỪ THỜI MÔI-SE, với năm 0 là năm mà người ta suy đoán là năm mà thế giới được tạo dựng nên và dựa theo chu kỳ của MẶT TRĂNG. Khi Chúa Giê-su sinh ra, thì lịch của họ nhằm năm 3760. Cho nên tính đến năm 2018 nầy thì lịch của người Do-thái hiện là năm 5778. Trong thời đó, Trên thế giới, người ta cũng dùng nhiều loại lịch khác như lịch của Ai cập, lịch của Ba tư, lịch Hy lạp, lịch Ấn độ, lịch Trung Hoa (4 mùa 8 tiết), v.v.

Lịch của Do thái và lịch Julian đều chia tuần lễ thành 7 ngày. Nhưng vì lịch Do thái đi theo chu kỳ của mặt trăng nên tính ngày Sa-bát rất rắc rối chứ không phải cứ 7 ngày là ngày Sa bát hoặc Saturday (ngày của hành tinh Saturn) là ngày Sa bát. Tính theo chu kỳ của mặt trăng thì mỗi tháng có 29 đến 30 ngày chứ không phải 30 hay 31 ngày như Dương lịch của Julian (hay của Gregorian như ngày nay). Một năm của lịch Do thái có từ 353 ngày đến 355 ngày thay vì 365 đến 366 ngày như dương lịch. Nên cứ 2 hay 3 năm thì người Do-thái điều chỉnh lại bằng cách cọng thêm một tháng cho thích hợp với chu kỳ của mặt trời (gọi là năm nhuần). Năm nhuần có 13 tháng với 383 đến 385 ngày, tức 18-20 ngày dài hơn dương lịch. Có một số bằng cớ cho thấy ngày xưa, ngày Sa-bát chỉ là MỘT LẦN MỖI THÁNG và nhằm ngày trăng rằm, nên không phải lúc nào Sa-bát cũng rơi vào thứ Bảy theo lịch Julian. Người ta không biết từ lúc nào vì muốn có một truyền thống dân tộc riêng biệt và nổi bật, họ đã bỏ truyền thống ngày Sa-bát mỗi tháng một lần (Sa-bát lớn) và biến nó thành mỗi tuần một lần, vào ngày cuối tuần, xem ngày nghỉ là ngày Sa bát hàng tuần (Sa bát nhỏ), vì theo lịch Do thái, người ta làm công việc trong 6 ngày, từ ngày thứ Nhất (theo lịch Do-thái) đến ngày thứ Sáu, rồi nghỉ ngày thứ Bảy. Trước ảnh hưởng của lịch La mã, người Do-thái chọn ngày Saturday (ngày của hành tinh Saturn theo lịch Julian) làm ngày nghỉ, và ngày thứ nhất trong tuần họ bắt đầu làm việc nhằm ngày Sunday (ngày Mặt trời của Lịch Julian). Vì hai lịch nầy trái trở với nhau, nên những ngày Sa bát hằng tháng thật sự không phải lúc nào cũng đúng với ngày Saturday, và những ngày Sabát hàng tuần theo lịch Do thái (theo mặt trăng) cũng không đúng chu kỳ với những ngày Saturday của lịch La mã (Gregorian ngày nay) theo mặt trời. Ngày xưa, không có bằng cớ nào ngày thứ Bảy được gọi là ngày Sa bát, chỉ gọi là NGÀY NGHỈ và mọi người phải nghỉ ngơi công việc. Theo luật Môi se thì ngày Sabát luôn là ngày có trăng rằm (Sa bát lớn của ngày Lễ). Nếu hôm nay trăng rằm nhằm thứ Ba (Tuesday, ngày Sa bát lớn) thì 4 ngày Saturday kế tiếp không liên hệ gì đến mặt trăng nhưng vẫn được gọi là ngày Sabát theo truyền thống MỚI của Do thái giáo! Vì chịu ảnh hưởng của lịch Julian (La mã), người Do thái chỉ dùng lịch theo mặt trăng cho những ngày lễ chính và những ngày Sa bát lớn vào ngày trăng rằm, nhưng họ đã chọn chu kỳ 7 ngày, sau khi đi làm 6 ngày, từ ngày THỨ NHẤT (Sunday theo lịch Julian) đến ngày THỨ SÁU, cho nên qua ngày THỨ BẢY (Saturday) được xem là ngày nghỉ hay Sa bát nhỏ (bắt đầu 6 giờ chiều thứ 6 đến 5 giờ chiều thứ 7).

Tóm lại, nếu ai tin rằng ngày thứ Bảy (Saturday) là ngày Sa-bát hay Ngày Nghỉ thánh thì phải theo lịch mặt trăng của người Do-thái. Ban đầu, để có ngày Sa bát nhỏ hằng tuần người ta phải thay đổi chu kỳ mỗi lần có trăng rằm (Sa bát lớn), rồi mỗi 7 ngày sau đó là Sa bát nhỏ. Nhưng chu kỳ của mặt trăng không phải là con số chẳng 4X7=28 ngày mà là 29-30 ngày, nên họ phải bắt đầu TÍNH LẠI HÀNG THÁNG, nhất là qua năm nhuần người ta còn thêm vào lịch Do thái tháng thứ 13. Nên người Do thái đã “đơn giản hóa”, chỉ dùng chu kỳ 7 ngày, tức 6 ngày làm việc – một ngày nghỉ để làm ngày Sabát hàng tuần, ĐÚNG VỚI TINH THẦN VÀ NGUYÊN DO mà Đức Chúa Trời đã lập ra ngày nghỉ là ngày đứng hàng thứ 7 sau 6 ngày làm việc để làm ngày thánh. Những người còn giữ truyền thống Do-thái giáo thì vẫn theo lịch mặt trăng để kỷ niệm những ngày Lễ lớn tức ngày Sa-bát lớn (Sa-bát lễ) trong những ngày trăng rằm. Dĩ nhiên, những Sa bát lớn đó hiếm rơi vào ngày Saturday của dương lịch.

Chú ý, đây cũng là lý do vì sao mà người ta tính sai ngày Chúa bị đóng đinh. Chúa bị đóng đinh vào ngày THỨ NĂM (Thursday theo dương lịch) chứ không phải thứ Sáu (Friday). Thứ Năm là ngày trước ngày Sa bát Lớn theo lịch Do thái chứ không phải trước ngày Sa bát nhỏ hàng tuần là Saturday. Tức là tuần lễ đó có hai ngày Sa-bát nối tiếp nhau. Cho nên đến sáng ngày thứ Nhất (Sunday theo dương lịch) khi Chúa sống lại là đúng 3 ngày.

Như vậy, nếu chọn ngày nghỉ cho đúng ngày Sa-bát thì phải theo chu kỳ của mặt trăng, nên ngày Sa-bát không thể lúc nào cũng rơi vào ngày thứ Bảy (Saturday) của Dương lịch được. Như vậy, nếu chọn ngày Saturday của dương lịch để làm ngày Sabát thì không đúng, nhưng chỉ là LÀM theo truyền thống MỚI của Do thái giáo chứ không phải đúng theo Thánh Kinh, vì chọn ngày Saturday làm ngày Sa bát là theo chu kỳ của mặt trời, theo lịch của La mã. Do thái giáo đã chọn ngày Saturday làm ngày Sa-bát là một sự chọn lựa TÙY TIỆN và chỉ đúng cho họ vì họ bắt đầu đi làm vào ngày thứ nhất (Sunday). Cho nên nếu Cơ-đốc nhân truyền thống chọn Ngày Nghỉ là ngày Chúa Nhật (Sunday) cũng là một lựa chọn TÙY TIỆN, nhưng HỢP LÝ HƠN cho các quốc gia dùng dương lịch, vì sau 5 NGÀY làm việc (từ Monday đến Friday, thứ hai đến thứ Sáu theo dương lịch), thì sang ngày thứ Bảy (Saturday) họ chỉ mới đi làm được 5 ngày, nên việc xem ngày Thứ Bảy (Saturday) như là ngày Nghỉ thánh hay là ngày Sa bát thánh thì KHÔNG ĐÚNG THEO LUẬT nghỉ ngơi THEO CHU KỲ 7 NGÀY của Chúa, ngoại trừ mỗi tuần những người đó bắt đầu đi làm việc vào ngày Sunday như người Do thái tại xứ Israel trong thời nay!

Như vậy, người Do thái giữ ngày thứ Bảy (Saturday) là đúng vì họ bắt đầu tuần lễ khi đi làm vào ngày Chúa nhật (Sunday) và gọi đó là ngày thứ nhất. Còn phần đông Cơ đốc nhân trên thế giới bắt đầu đi làm vào Monday, nên biệt riêng ngày “THỨ 7” (seventh) của họ là SUNDAY để làm ngày thánh và ngày nghỉ là hợp lẽ và tiện lợi hơn vì mọi người bắt đầu đi làm đồng một lượt vào Monday, và mọi người dùng ngày cuối tuần là  Sunday để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa. Đó là một lựa chọn chẳng những đúng theo tinh thần làm việc 6 ngày, dành ngày thứ bảy để nghỉ ngơi. “Biệt riêng ra” có nghĩa là “thánh”, biệt riêng ngày Sunday làm ngày thánh vì là ngày nghỉ chứ không phải lấy ngày mặt trời làm ngày nghỉ, để dành riêng cho Chúa. Người Việt chúng ta gọi ngày đó là “Chúa Nhật” rất là hay, theo truyền thống của Pháp và Tây Ban Nha, gọi Chúa Nhật là DIMANCHE và DOMINGO, có nghĩa là “ngày của Chúa”. Chúng ta chọn ngày Chúa Nhật để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa cũng đúng theo truyền thống đã được các hội thánh đầu tiên bắt đầu sau khi Chúa phục sinh và Thánh Linh giáng lâm. Amen.

 

References:

http://thetorah.com/shabbat-of-the-full-moon/

http://thetorah.com/how-and-when-the-seventh-day-became-shabbat/

 

 


Comments

“Ngày Sa-bát và Ngày Của Chúa” – Mục sư Nguyễn Duy Tân — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *