HomeĐÀO SÂU VÀO ĐẠO SỐNGBài Học: “DÁM SỐNG BỞI ĐỨC TIN” Hê-bơ-rơ 11

Mục sư Nguyễn Duy Tân – © 2018 TinLanhLibrary.com

Dẫn nhập:  Nếu một người chưa bao giờ nghe về đạo Chúa nhận được một quyển Kinh Thánh trong tay và bắt đầu đọc suốt trọn bộ Kinh Thánh trong một thời gian, dù không có ai giải nghĩa cho, họ cũng có thể nhận thấy rằng ĐỨC TIN là chủ đề căn bản của quyển sách nầy.

 Vì thế, là Cơ đốc nhân chúng ta cần hiểu rõ về đức tin, nếu không thì chúng ta sẽ không biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, và nhiều khi còn cảm thấy Chúa bất công với mình vì nhìn thấy sao mà cuộc sống của mình còn “khốn nạn” hơn nhiều người khác trên thế gian.

 Chúng ta rất cần học hiểu về đức tin mà Kinh Thánh nói đến, loại đức tin bằng hành động, đức tin không chỉ trong lý trí nhưng chứng minh trong đời sống, đức tin thể hiện bằng những việc làm táo bạo, đầy kiên nhẫn, và can đảm. Nếu muốn có đời sống được lợi ích cho chương trình của Đức Chúa Trời,

chúng ta phải DÁM SỐNG BỞI ĐỨC TIN y như những anh hùng đức tin mà Kinh Thánh ghi lại để làm gương cho chúng ta.

Phần 1 – “Đức Tin Là Gì?”

Có bao giờ quý vị nghĩ rằng khi mình qua đời, trong buổi tang lễ của quý vị người ta sẽ nói những cái tốt nào về quý vị?  Con cái của quý vị sẽ nói gì về quý vị? Họ có nhớ về đức tin của quý vị mạnh mẽ như thế nào không? Họ có nhớ quý vị yêu Chúa hay ham mến Lời Chúa đến mức độ nào không? Họ có nhớ quý vị vâng phục Chúa như thế nào không?

Khi qua đời chúng ta để lại gương gì cho con cháu? Gương đó có đủ sức nặng hay ảnh hưởng để giúp cho con cháu noi theo mà bước đi theo Chúa như chúng ta không?

Đối với tôi, cha mẹ tôi, Ông Bà Mục sư Nguyễn Duy Xuân, là những anh hùng đức tin đã để lại cho tôi nhiều tấm gương mà tôi luôn học đòi theo. Bức hình bìa nầy nhắc tôi câu chuyện mà ba tôi thường kể là vào năm 1945, năm đó ba tôi đã định ngày từ Cao Lãnh lên Bến Cát để cưới má tôi. Nhưng vì bối cảnh chính trị bắt đầu bất an trong vùng nên Chúa đã thúc giục ông quyết định xin với ba má vợ tương lai dời ngày cưới 1 tuần lễ sớm hơn. Mấy hôm trước ngày cưới, ông đã chuẩn bị xong xuôi tay mang một va-li nhỏ từ giả cha mẹ để lên đường. Khi đến bờ sông, thì ông thấy chiếc phà đã rời bến, nhưng còn cách bờ chừng 1 mét rưởi. Không do dự, ông chạy nhanh và nhảy lên được. Ông nói rằng, nếu đến trể chừng 5 giây, chắc ông không dám nhảy. Khi sang bờ bên kia, đến ga xe lửa ông mới biết đó là chiếc xe lửa cuối cùng đi Sài gòn, chỉ dành cho 30 người đi mà thôi, trong khi đã có 200 người đang nối đuôi. Ông cầu nguyện xin Chúa cứu giúp, và Ngài đã mở đường. Khi ông đang hỏi han, chưa kịp vào nối đuôi, thì cổng mở ra, mọi người chen lấn thì ông cùng với những người cuối cùng được vào trong lúc cửa cổng vừa đóng lại. Nếu ông đã bị trể chiếc phà hay không lên được chuyến xe lửa đó thì chắc chắc đám cưới sẽ không thành, và chúng tôi 6 đứa con sẽ không có mặt trên đất nầy! Vì sau đó, tin tức cho biết quê hương ông đã bị chiến tranh giữa Pháp, Nhật, và Việt Minh đã khiến cho vô số người chết và nhiều gia đình bị tãn lạc, đường lên Sài gòn bị cắt đứt. Đúng là khi một người tin cậy Chúa, bước đi bằng đức tin thì Ngài ban bằng các lối của họ. Về sau, khi nhìn lại họ mới thấy được bàn tay che chở của Ngài.

Hêbơrơ 11 nêu cao đức tin của những con người đã qua đời hàng nghìn năm trước, nhưng họ đã để lại cho chúng ta những TẤM GƯƠNG ĐỨC TIN cao đẹp để chứng minh cho chúng ta thấy tầm quan trọng của đức tin trong đủ mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, cũng như giúp cho chúng ta hiểu được đức tin TÁC ĐỘNG thế nào đến đời sống họ và có ẢNH HƯỞNG thế nào đến đời sống chúng ta ngày nay.

1. Đức tin là thấy đuợc những gì mắt thường chưa thấy.

“Đức tin là sự BIẾT CHẮC những gì mình đang TRÔNG MONG, là BẰNG CỚ của những gì mình CHẲNG xem thấy” (Hêbơrơ 11:1).

Đó là câu Kinh Thánh định nghĩa cách chính xác về đức tin của Cơ đốc nhân. Bởi đức tin chúng ta thấy được những gì thế gian không thấy. Thế gian nói: “Tôi thấy thì tôi mới tin!” Chúng ta nói: “Anh tin đi rồi sẽ thấy như tôi!” Là Cơ đốc nhân, chúng ta tin, nên chúng ta thấy được những gì mà người không có đức tin không thấy. Dù con mắt chúng ta không thấy hay chưa thấy những gì Lời Chúa hứa, nhưng vì chúng ta biết rõ Đức Chúa Trời là ai và đáng tin cậy như thế nào nên chúng ta có sự trông mong hay hy vọng cách chắc chắn những gì mà chúng ta CHẲNG XEM THẤY, đúng ra là những gì mà mình CHƯA THẤY. Sự BIẾT CHẮC đó giúp chúng ta thấy đuợc những gì mắt mình chưa thấy không khác nào đã có BẰNG CỚ trong tay. Trong ngành xuất nhập cảng thì người ta gọi “bằng cớ” đó là HÀNG MẪU mà họ đưa trước cho chúng ta một vài kí lô để chúng ta biết được mấy chục tấn hàng mà mình sắp nhận được chắc chắn sẽ như thế nào. Đó là đức tin của những anh hùng trong Hêbơrơ 11 và cũng phải là đức tin của chúng ta hôm nay.

Để có đức tin chắc chắn đó, chúng ta hãy bắt đầu bằng sự “trông mong”.  Trông mong là hy vọng. Hy vọng là đức tin nhỏ, đức tin bằng hạt cải hay nhỏ hơn. Đức tin mới mẻ của một người còn mới trong Chúa chỉ là một hy vọng rằng chúng ta sẽ nhận được những gì Chúa hứa, nhất là những gì mà Ngài hứa ban cho chúng ta trong đời nầy (những phước hạnh vật chất và thuộc linh). Nhưng sau đó, khi chúng ta bắt đầu nhìn thấy những gì mà mình trông mong, hy vọng của mình nhiều lần trở thành sự thật, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng niềm hy vọng yếu đuối đó đã trở thành đức tin mạnh mẽchắc chắn không khác nào đức tin của những thánh đời xưa mà Kinh Thánh đã ghi để làm gương cho chúng ta!

Chúng ta có nghĩ rằng từ khi tác giả sách Hêbơrơ viết xong bức thơ nầy, thì có những con người nào khác cũng có đức tin xứng đáng như những anh hùng mà Kinh Thánh ghi lại hay không? Dĩ nhiên xưa nay đã có vô số những anh hùng đức tin đã dám tin cậy Chúa mà làm những công tác lớn lao, nhiều khi còn vĩ đại hơn các anh hùng mà tên họ được nêu lên trong đoạn Kinh Thánh nầy.

Dĩ nhiên, tôi tin rằng Hêbơrơ đọan 11 nầy không phải là một bản liệt kê có giới hạn, nhưng còn rất nhiều chổ trống, trong đó có khoảng trống dành cho bạn và tôi. Chúng ta có sẵn sàng học biết về Đức Chúa Trời, tập luyện để phát triển đức tin của mình mỗi ngày hầu có thể trở nên những anh hùng đức tin mà Ngài có thể đại dụng trong công việc nhà Ngài hay không?

2. Đức tin luôn được Chúa nhìn thấy.

Câu 2: Ấy là nhờ đức tin mà các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt.”

“Các đấng thuở xưa” là những anh hùng đức tin và những công việc lạ lùng mà họ đã làm bởi đức tin và được Kinh Cựu Ước ghi lại. Nhờ lòng tin cậy lớn lao nơi Chúa và tinh thần dám vâng phục Ngài mà họ đã làm được những kỳ công và để lại cho chúng ta những tấm gương cao quý mà chúng ta cần học đòi theo. Trong hội thánh, người ta thường làm chứng tốt về một số người nào đó vì thấy quyền năng của Chúa trong đời sống họ. Khi tác giả Hê-bơ-rơ ghi rằng họ “đã được lời chứng tốt” thì đó không phải là lời làm chứng tốt từ những con người, nhưng từ chính Đức Chúa Trời đã làm chứng tốt về họ! Ngày kia, khhi đứng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta có nghĩ rằng Đức Chúa Jêsus, là Trạng sư của chúng ta, sẽ làm chứng tốt về chúng ta hay không?

Khi Môi-se dám tin cậy Chúa đứng trước mặt bạo quyền để xin phép cho dân mình được tự do khỏi ách nô lệ, khi Đa-vít dám đứng lên chống lại Gô-li-át, Khi Nê-hê-mi tin cậy Chúa vượt qua mọi trở ngại để xây lại vách thành Giêrusalem, khi Ê-li dám thách đó các tiên tri của Ba-Anh tại núi Cạt-mên,… thì tôi tin rằng trên trời Đức Chúa Trời nhìn thấy việc làm đầy đức tin của họ và có thể Ngài nói với các thiên sứ rằng: “Các ngươi có thấy không? Đó là đứa con ngoan của Ta đấy! Ta rất đẹp lòng về nó!”

Phải, Đức Chúa Trời rất đẹp lòng khi nhìn thấy những con người dám đặt lòng tin nơi Ngài trước những hoàn cảnh đầy đen tối. Ngài yêu họ đến đổi bênh vực họ bằng mọi cách, như bịt miệng sư tử hay đến đứng bên họ trong lò lửa hực, để chứng minh với thế gian rằng Ngài bệnh vực họ vì họ là dân thuộc về Ngài.

Cá nhân tôi chưa từng vào hang sư tử hay lò lửa hừng, nhưng nhiều lần tôi đã kinh nghiệm sự chăm sóc chu toàn của Đức Chúa Trời trong đời sống tôi. Ngài yêu tôi vì tôi dám lấy đức tin mà trông đợi Ngài, nên đã thấy tận mắt những điều lớn lao mà Ngài đã làm để bênh vực tôi mà tôi không thể nào dám tưởng tượng nỗi. Trước hoàn cảnh khó khăn tôi luôn tự khuyên nhủ chính mình và gia đình rằng: Đừng lo, chúng ta không biết Chúa sẽ làm cách nào, nhưng Ngài đã có cách. Hãy kiên nhẩn chờ xem, rồi đây Ngài chắc chắn sẽ làm những việc vô cùng lớn lao. Mà thật vậy, đến thời điểm, Ngài luôn mang đến những giải pháp vô cùng lạ lùng, những việc mà chúng tôi vô cùng kinh ngạc và không thể nào dám nghĩ đến.

Cầu xin Chúa ban cho đức tin của bạn và tôi mỗi ngày được thêm mạnh mẽ để ngày kia khi chúng ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời thì Chúa Cứu Thế sẽ không hổ thẹn mà giới thiệu chúng ta cùng Cha Ngài rằng: “Người nầy là đứa con ngoan của Cha đấy! Con rất vui và hãnh diện về đức tin và đời sống của người ấy!” – Amen!

  1. Đức tin giúp chúng ta biết có Đấng Tạo Hóa.

    Hêbơrơ 11:3 – “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng THẾ GIAN đã làm nên bởi LỜI (Bản NIV dịch: MỆNH LỆNH) của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến.

(“By faith we understand that the universe was formed at God’s command, so that what is seen was not made out of what was visible.” NIV, “… vũ trụ nầy được thành hình bởi MỆNH LỆNH của Đức Chúa Trời…”)

Sở dĩ những anh hùng đức tin có được đức tin mạnh mẽ và làm được những việc vô cùng lớn lao là vì họ biết Đức Chúa Trời của mình là ai. Họ biết Ngài không phải là một ông thần ở dưới đất, hay một ông thần núi hoặc một vị thần ở dưới biển dưới sông. Nhưng họ biết Ngài là ĐẤNG TẠO HÓA đã sáng tạo biển, núi, sông, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, và cả vũ trụ lớn lao vĩ đại nầy. ĐỐI TƯỢNG của đức tin họ là Đức Chúa Trời vĩ đại đó.

Chữ “thế gian” trong câu 3 nầy trong nguyên văn là “AION” là từ Hy lạp nói đến thời gian vô tận, và vũ trụ vĩ đại (universe) trong đó có địa cầu của chúng ta. Ý của tác giả dạy rằng, vũ trụ lớn lao vĩ đại nầy, THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN cũng như tất cả những gì mắt chúng ta THẤY ĐƯỢC, đều đến từ quyền năng VÔ HÌNH không thấy được là Lời hay Mệnh Lệnh của Đức Chúa Trời. Lời đó chính là Ngôi Lời, là Đức Chúa Trời, khi Ngôi Lời hành động thì vũ trụ với hàng tỉ thiên hà trở thành hiện thực. Khi Ngài phán môt tiếng bằng Lời VÔ HÌNH của Ngài thì thời gian của chúng ta, mặt trời mặt trăng và những vật thể HỮU HÌNH khác bắt đầu hiện hữu.

Một số nhà khoa học với đầu óc vô thần ngày nay cũng tin rằng mọi vật thấy được đều tự nhiên xuất phát từ những gì không thấy được, nhưng không chịu nhìn nhận cái không thấy được đó là Đức Chúa Trời, và không tin rằng Ngài hiện hữu. Ngược lại, bởi đức tin, chúng ta thì tin chắc rằng mọi sự mà mắt ta THẤY ĐƯỢC, từ những thiên hà vĩ đại đến những con chim sẻ bé bỏng đều được Đức Chúa Trời THIẾT KẾ cách khôn ngoan tuyệt vời, được Ngài TẠO DỰNG bởi Lời VÔ HÌNH của Ngài cách vô cùng phức tạp và có mục đích, không cần phải trải qua một thời gian dài để “tiến hóa”.

Một số khoa học gia vô thần khác thì cho rằng thế giới hữu hình tự nhiên mà có (cái vô lý thứ 1) và mọi vật hữu hình (có thể chất) đều đến từ những vật có thể chất khác. Nhưng họ không biết các thể chất ban đầu đó đến từ đâu! Từ đâu mà ra!?! Họ chỉ cho rằng, ban đầu thì thể chất đó hổn độn rồi dần dần tự nó phát triển ra hình thể đơn giản, rồi TỰ NÓ TIẾN HÓA, từ vật chất VÔ TRI sinh ra vật có SỰ SỐNG (cái vô lý thứ 2), rồi từ sự sống ĐƠN GIẢN sinh ra sự sống ngày càng PHỨC TẠP hơn qua một tiến trình hàng triệu triệu năm (cái vô lý thứ 3), việc đó hoàn toàn BỞI NHỮNG “TAI NẠN” (accident) và “TÌNH CỜ” (random act of chance) (cái vô lý thứ Tư)!

Trong khi đó, những khoa học gia Cơ-đốc và vô số khoa học gia thông minh khác đều cho rằng Thuyết Tiến Hóa hoàn toàn là một lý thuyết VÔ LÝ và PHẢN KHOA HỌC! Nếu chứng minh điều đó thì rất dài dòng. Nếu lấy cơ thể chúng ta làm ví dụ điển hình, thì chúng ta có thể nói cách đơn giản là cơ thể chúng ta có vô số bộ phận vô cùng phức tạptùy thuộc vào nhau cách chặc chẻ để sinh tồn và hoạt động. Nếu một bộ phận bị hư hại thì có ảnh hưởng tai hại đến những bộ phận khác. Nếu cơ thể nầy tùy thuộc vào những “tai nạn” và “việc tình cờ” để tiến bộ theo “thuyết tiến hóa” thì sự thật mỗi ngày cơ thể chúng ta chỉ “thối hóa” chứ không thể nào “tiến hóa” được! Vì những tai nạn tình cớ thường chỉ làm hại đến các tế bào và bộ phận trong cơ thể lạ kỳ nầy!

Lời quyền năng vô hình của Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người là tạo vật tối linh. Dù bề ngoài người ta có hình thể cao thấp khác nhau, màu da đậm lợt khác nhau, nhưng các tế bào, máu huyết, và những bộ phận bên trong hoàn toàn giống nhaurất khác biệt với các loài thú khác. Từng bộ phận, từng chi tiết, từng tế bào, từng chi tiết bên trong tế bào đều được tạo nên một cách vô cùng phức tạp. Tôi nói “vô cùng” vì thật sự là vô cùng, là infinite! Nên không thể nào vô số cơ chế phức tạp của cơ thể có đủ cơ hội để biến đổi cách “tình cờ” theo chiều hướng có lợi để tiến hóa!  Ví dụ chỉ bên trong một tế bào nhỏ li ti của lá gan chẳn hạn, mà mắt trần không thể nào thấy được, đã có 1000 đến 2000 bộ phận nghìn lần nhỏ hơn tế bào, gọi là Mitochondria. Mỗi mitochondria được các khoa học gia ví sánh như một khu kỷ nghệ sản xuất năng lượng vô cùng phức tạp, có thể nói phức tạp không thua gì một khu kỷ nghệ rộng 2-3 cây số vuống! Xin lập lại: Chì một tế bào nhỏ như vi trùng mà có hàng nghìn khu kỷ nghệ như vậy! Đừng nói chi là một bộ phận như con mắt hay lổ tai của chúng ta thì còn phức tạp biết bao nhiêu triệu lần hơn nữa! Chúng ta có thấy sự vô lý của thuyết tiến hoá chưa? Làm sao một sự thay đổi nhỏ trong một khu kỷ nghệ có thể mang đến ảnh hưởng cho hàng nghìn khu kỷ nghệ khác trong một tế bào, đừng nói chi ảnh hưởng đến 1 tế bào hay ảnh hưởng đến hàng tỷ tỷ tế bào khác trong cả cơ thể?

Những cuộc nghiên cứu về gen của loài người cho thấy nhân loại khắp thế giới có chung một nguồn gốc, và lẽ đạo loài người xuất phát từ 2 người đầu tiên không còn là một nghịch lý so với nghiên cứu về gen. Các khoa học gia về gen còn có thể chứng minh rằng những con người đầu tiên xuất phát từ một vùng đất nằm giữa sông Ơphơrát và Tigơrơ (Iraq), là địa điểm của vườn Êđen, y như Kinh Thánh đã nói đến. (Genesis 2:18-25).

Thật vậy, “khoa học giả tưởng” về “thuyết tiến hóa” chỉ đưa con người đến ngõ cụt tuyệt vọng, và người tin như vậy sẽ tự nhìn thấy chính mình không khác gì một con thú thông minh. Vì cớ đó mà từ lúc thuyết Tiến Hóa của Darwin ra đời thì hàng trăm triệu người đã bị sát hại như những con thú, và hiện nay chúng ta không lạ gì khi nhìn thấy nhiều người có đời sống còn thua loài cầm thú. Nhưng đối với chúng ta, là người có đức tin nơi Chúa, thì khoa học thật luôn đưa chúng ta đến gần hơn với Đấng Tạo Hóa của mình.

Hêbơrơ 11 là bản liệt kê những anh hùng trong Kinh Thánh, nhưng bản liệt kê nầy không có chấm hết. Tôi tin rằng, trên Thiên Đàng Chúa chúng ta có một cái bản rất dài để liệt kê thêm tên những anh hùng đức tin từ thời sau Chúa Giêsu, như là các Sứ đồ, những chấp sự đầy ơn như Ê-tiên, như Phi-líp, Phao-lô, Timôthê, Thánh Augustine, những anh hùng tử vì đạo từ xưa đến nay, những người đầy đức tin khác như Martin Luther, George Muller, Hudson Taylor, Martin Luther King, Billy Graham, v.v. Chúng ta hãy tự hỏi trong bản danh sách đó có tên quý ông bà anh chị em và tôi hay không?

Dĩ nhiên nếu chúng ta muốn có tên mình trong danh sách đó, thì hãy có một đời sống mang đến vinh quang cho Chúa, thì cần có đức tin nơi đối tượng của chúng ta là Đấng Tạo Hóa, và dám để cho Chúa sử dụng đời sống mình, để chính Ngài làm những việc vĩ đại qua đời sống đầy đức tin của chúng ta. Cầu xin Chúa cho đức tin của chúng ta mỗi ngày càng thêm mạnh mẽ để có thể can đảm bảo vệ niềm tin của mình trước những đợt tấn công đầy tuyệt vọng của ma quỷ và của những kẻ vô thần đang tìm đủ cách để chống lại niềm tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời. Amen!

++++++++++++++

Phần 2 – “Tin Là Vâng Lời và Hành Động.”

“Đức tin là sự biết chắc những điều mình đang trông mong…”  Nói mình có đức tin thì dễ nhưng sống và HÀNH ĐỘNG cách thích hợp với đức tin của mình là chuyện khác, tức là phải có đời sống VÂNG PHỤC Chúa bằng hành động và sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy để đạt được những gì mà Đức Chúa Trời đã hứa cho mình và cho con cháu mình. Vì cớ đức tin luôn đi đôi với hiểm nguy, nên nhiều người cũng muốn vâng lời lắm, nhưng KHÔNG DÁM vâng lời, không dám sống bởi đức tin. Dám vâng lời, dám dấn thân, dám hành động, đó là đức tin của những bậc thánh nhân trong Kinh Thánh. Còn đức tin của chúng ta thì thế nào?

  1. Đức tin đưa đến hành động được Chúa chấp nhận? ***

Hêbơrơ 11:4 – “Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy; lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.

Tại sao của lễ của Abên được xem là “MỘT TẾ LỄ TỐT HƠN” của lễ của Ca-in? Ca-in cũng chọn lựa và dâng những hoa quả tốt đẹp và xứng đáng mà ông có công khó để trồng và chăm sóc. Nhưng vì sao của lễ của ông không được xem là tốt đẹp? Có phải cả hai anh em đều dâng của lễ? Cả hai đều thờ phượng hay sao? Nhưng lý do gì của lễ của Ca-in không được nhậm? Vì Đức Chúa Trời không tìm kiếm những con người thực hành những lễ nghi tôn giáo. Ngài không xem trọng hình thức, cũng không chấp nhận ý riêng hay sức riêng trong vấn đề giải quyết tội lỗi.

Tại sao của lễ của A-bên được nhậm? Vì Ngài chỉ nhìn vào tấm lòng, nơi đó Ngài muốn thấy sự hạ mình, tấm lòng ăn năn thật sự, vâng lời và nhìn nhận phương pháp cứu rỗi theo cách của Ngài.Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (Thi. 51:16,17) Ngài muốn thấy đức tin của chúng ta đặt vào kế hoạch cứu rỗi của Ngài, tức là huyết phải đổ ra thì tội nhân mới được tha tội, hoa quả không thể chết thay, chỉ có con sinh tế mới có thể chết thay thì tội chúng ta mới được rửa sạch. Ngài đã nhậm của lễ của A-bên và xưng người là công bình (được tha tội) vì huyết chiên con đã đổ ra. Chữ “nhậm” ở đây có nghĩa là “được nhìn nhận với đặc ân” (looked with favor), với sự thỏa lòng, vì Ngài nhìn thấy chính Con Ngài đang đổ huyết ra thay cho A-bên, như lời Kinh Thánh đã nói, vì Đấng Christ là “Chiên con của Đức Chúa Trời đã bị giết từ buổi sáng thế.”

Tác giả của Hêbơrơ nói “Bởi đức tin Abên dâng của lễ…” Đó là đức tin gì? Abên tin nơi thẩm quyền tối cao của Đức Chúa Trời, nơi quyền quyết định tuyệt đối của Ngài là chỉ có chiên con đổ huyết ra mới xứng đáng làm của lễ cho Ngài. Nếu Ca-in không dâng trái cây, nhưng dâng vàng bạc đắc giá gấp 100 lần con chiên của A-bên thì của lễ của ông vẫn không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Abên đã thờ phượng cách phải lẽ, đã thờ phượng bởi đức tin. Thờ phượng bởi đức tin là thờ phượng bằng tấm lòng đầu phục Chúa, phải ẩn náu trong dòng huyết của Chúa Jêsus, và dẫm trên huyết vô tội của Ngài thì chúng ta mới có thể đến gần Đức Chúa Trời. Không có huyết của Chúa Cứu Thế thì bất cứ hình thức thờ phượng nào cũng sẽ không được Chúa chấp nhận. Như vậy trong thực tế hôm nay, chúng ta thờ phượng Chúa như thế nào để không bị xem là vô ích và không được Chúa chấp nhận? Đó là ca hát nơi đầu môi chót lưỡi, đó là cầu nguyện thao thao bất tuyệt cho người khác nghe, đó là đọc thuộc lòng làu làu nhiều câu KT để phô trương, là dâng hiến nhiều tiền để được khen ngợi, đó là đến nhà thờ cho có mặt nhưng không dự phần dâng hiến trong tinh thần hy sinh, không lắng nghe Lời Chúa để làm theo, không ý thức về sự hiện diện của Ngài, v.v.

A-bên, dù chết rồi, vẫn được Chúa quý trọng và quan tâm, vì Ngài đã lắng nghe tiếng kêu cầu nhỏ nhẹ từ huyết của ông, vì đó là huyết của người tử vì đạo (xem Sáng Thế ký 4:10 Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta.”) Hình thức thờ phượng cao quý nhất trước mặt Chúa là khi bởi đức tin mà một Cơ-đốc nhân sẵn sàng dâng mạng sống mình để chịu đánh đập vì Danh Chúa và bị giết vì đức tin của mình.

Nguyện Chúa cho chúng ta biết thờ phượng Ngài bằng tấm lòng thành thật và sẵn sàng chấp nhận mọi mất mát vì Danh Chúa, bởi đức tin xứng đáng được Ngài đón nhận. Amen.

2. Đức tin là có đời sống vừa lòng Chúa?

C. 5-6 – “Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết; người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở VỪA LÒNG Đức Chúa Trời rồi. 6 “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho ĐẸP Ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải TIN RẰNG CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ TÌM KIẾM Ngài.

Hê-nóc lúc 65 tuổi mới bắt đầu “đồng đi” cùng Đức Chúa Trời tức là sau khi sanh con trai mình là Mê-tu-sê-la. Từ đó ông trung tín bước đi theo Chúa trong 300 năm! Chúa rất đẹp lòng về con người nầy nên ngày kia Chúa đã cất ông đi với Ngài nên Hê-nóc không trải qua sự chết như mọi người khác!

Tại sao Hê-nóc được Chúa cất đi vào nước trời? Vì ông có đời sống VỪA LÒNG CHÚA? Ông sống vừa lòng Chúa vì bởi đức tin ông đã trung tín bước đi với Ngài trong 300 năm. Đó là đức tin gì? Trong câu 6, tác giả nhấn mạnh đến loại đức tin làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nầy, đó là TIN CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI và TÌM KIẾM NGÀI. Điều nầy không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu!

Người không tin có Đức Chúa Trời là người như thế nào? Thi thiên 14:1 — “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành.”  Đa vít cho chúng ta thấy người không tin có Đức Chúa Trời là người dại, vì thế họ có đời sống bại họai, làm những điều ghớm ghiếc! Khi Đa-vít nói: “Chẳng có ai làm điều lành” ông có ý nói rằng khi một người có đầu óc “vô thần” thì họ chỉ tự hại lấy mình và làm những điều mà Đức Chúa Trời ghê tởm, và không có một người nào trong những kẻ ngu dại đó có khả năng làm điều lành. Câu nầy nằm sau cái chấm phẩy nên cũng có những nhà giải kinh cho rằng ý của tác giả nói đến những người khác, tức là những người tin có Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể gọi họ là “người khôn”, dù vậy không có ai trong những “người khôn” đó làm điều lành. Vì cũng trong Thi thiên 14 nầy, trong câu 2,3 tác giả có nói rõ điều đó: “Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người, Đặng xem thử CÓ AI KHÔN NGOAN, Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng. 3 Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; CHẲNG CÓ AI LÀM ĐIỀU LÀNH, Dầu một người cũng không.”  Nếu chúng ta nghĩ rằng mình khôn, biết có Đức Chúa Trời nhưng “bội nghịch” Ngài, không kính sợ Ngài, không vâng lời Ngài thì cũng trở thành kẻ ngu dại.

Chính chúng ta là người nói rằng tôi tin có Đức Chúa Trời nhưng chúng ta có làm điều lành không? Tôi biết có người chẳng những không làm điều lành mà còn làm những việc gớm ghiết trước mặt Chúa. Chúng ta nói mình tin có Đức Chúa Trời nhưng có tìm kiếm ý Ngài hay làm theo ý riêng của mình? Chúng ta nghĩ rằng mình là người khôn ngoan chăng? Nếu mỗi ngày chúng ta sống như không có Ngài, không cần biết Ngài có vui lòng về những thái độ và hành động của mình hay không, tiếp tục làm những điều tội lỗi thì chúng ta cũng không khác nào người vô tín, không có đức tin! Chúng ta hãy xét lại chính đời sống mình để có đời sống xứng đáng là người khôn ngoan và có đức tin thật nơi Chúa!

TÌM KIẾM NGÀI là thế nào? Tìm kiếm Ngài là tìm kiếm chương trình và mọi sự tốt đẹp mà Ngài dành cho những kẻ yêu mến Ngài, là tìm kiếm sự hiện diện của Ngài trong đời sống mình, là tìm kiếm sự yêu thương chăm sóc của Chúa, và tìm cầu ý Ngài, chương trình của Ngài cho đời sống mình. Lời Chúa hứa: Ta yêu mến những người yêu mến ta, Phàm ai tìm kiếm ta sẽ gặp ta.” (Châm. 8:17) “Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.” (Giê 29:12,13), (Math 6:33).

Thật sự trong thời kỳ cuối cùng nầy, chúng ta là người đang theo Chúa đang có cái diểm phúc đặt biệt mà Hê-nóc đã có, đó là được đồng đi với Thánh Linh, cũng sẽ được cất lên trời, và có thể cũng sẽ không phải trải qua cái chết nếu chúng ta còn sống lúc Chúa tái lâm! Cầu xin Chúa cho chúng ta có đời sống biết tìm kiếm Chúa và ý thánh của Ngài, luôn muốn biết rõ chương trình của Ngài để vâng theo, để đồng đi với Ngài từng bước một, từng ngày một, và suốt cuộc đời của chúng ta. Amen.

  1. Đức tin cứu cả gia đình mình.

Hêbơrơ 11:7 – “Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về NHỮNG VIỆC CHƯA THẤY, và người THÀNH TÂM kính sợ, đóng một chiếc tàu để CỨU NHÀ MÌNH; bởi đó người định tội thế gian, và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy.

Đức tin giúp cho Nô-ê bắt đầu đóng tàu trong khi chưa thấy một trận mưa to nào và kiên trì trong công việc đó suốt thời gian dài khoảng 75 năm (theo sự tính toán của các nhà giải Kinh). Bởi đức tin, ông đã rao giảng sự công bình cho một thế hệ gian ác và hoàn toàn không quan tâm đến sứ điệp của ông. Đức tin đã giúp cho ông tiếp tục công việc mà không nản chí ngã lòng, không buồn giận những con người cười chê nhạo báng mình vì ông nhìn thấy họ chỉ là những người sắp chết, nên những lời nói của họ không có giá trị gì đối với ông. Ngày nay quý ông bà anh chị em có biết chắc rằng mình sẽ được lên thiên đàng khi qua đời chăng? Nếu biết chắc thì không nên nản lòng trước bất cứ mọi hoàn cảnh hoặc không mất đức tin khi nghe người ta ngạo cười đạo Chúa, vì bạn biết rõ họ là những người sắp đi vào hồ lửa đời đời!

Đức tin đã giúp cho ông có đủ sự BỀN CHÍ để tập trung mọi sức lực vào những công tác cần thiết để hoàn thành một công trình vĩ đại và lâu dài. Đức tin đó đã giúp cho ông thấy được những gì mà người khác không thấy, trông mong những gì chưa có trong tay, và biết chắc rằng 8 người trong gia đình mình ông và dòng dỏi của ông sau nầy cũng sẽ được sống còn. Nhờ đức tin và việc làm của đức tin mà ông đã ĐƯỢC CHÚA ĐẸP LÒNG. Ngài đã mở trí mở lòng và soi sáng ông cách vô cùng đặc biệt trong việc xây dựng một chiếc tàu vô cùng vĩ đại và chắc chắn mà một con người trong thời đó không thể nào có khả năng để thiết kế và thực hiện. Nhờ đức tin, Nô-ê chẳng những đã giải cứu cả gia đình mình nhưng cũng giải cứu tất cả những loài thú trên đất, và ai nữa? – Ông đã giải cứu con, cháu, chắc, chit, và toàn nhân loại do ba con trai của ông sinh ra!

Nô-ê đã để lại tấm gương kiên trì trong đức tin khi sống giữa một xã hội vô tín, gian ác, và không kính sợ Chúa. Ngày nay, xã hội của chúng ta còn gian ác hơn trong thời của Nô-ê. Nhưng đừng viện cớ là thế gian nầy đã làm lung lay đức tin của chúng ta. Hồi thời Nô-ê, thế gian nầy chỉ có 8 người có đức tin. Chúng ta có lợi thế hơn Nô-ê vì mình đang có hàng tỉ anh em có cùng đức tin và nhiều người đang cầu nguyện cho chúng ta! Chúng ta có thể không ưa người Trung Hoa, nhưng tôi tin rằng hiện tại có hàng triệu Cơ-đốc-nhân người Trung hoa đang cầu nguyện cho nước Việt Nam, vì họ không muốn có chiến tranh với nước chúng ta! Chúng ta cần noi theo gương can đảm và kiên trì của Nô-ê và dám làm môt công tác vĩ đại, dám chấp nhận mọi chống đối và cười chê vì ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm những gì Ngài đã phán.

Cầu xin Chúa cho chúng ta có thể đứng vững trong đức tin, hết sức cố gắng, quyết tâm vượt qua mọi thử thách và chống đối để cứu gia đình, cả con cháu chắc chít của mình nhiều đời về sau, và nhiều người khác nữa chung quanh chúng ta!

Kết luận: Qua 3 tấm gương của những anh hùng đức tin mà chúng ta vừa học, chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời rất đẹp lòng khi thấy một người tin cậy kế hoạch cứu rỗi của Ngài như A-bên, trung tín bước đi theo chương trình và kế hoạch của Chúa cho đời sống mình như Ê-nóc, và bền chí trong công việc mà Chúa giao cho dù phải mất nhiều thời gian và bị nhiều chống đối như Nô-ê đã gặp.

Cầu xin Chúa cho chúng ta được thêm đức tin mạnh mẽ hơn mỗi ngày và có đời sống trung tín và luôn đẹp lòng Chúa. Amen!

+++++++++++++++

Phần 3 – “Động Lực của Đức Tin.”

Khi một người có đức tin và hoàn toàn tin cậy Chúa như Ápraham, thì họ không sống cho hiện tại, nhưng luôn được thúc đẩy bởi một động lực mạnh mẽ để tiến tới không ngừng, để sống vì một tương lai vinh hiển hơn. Động lực đó là lòng HAM MẾN những gì Chúa hứa ban cho họ trong TƯƠNG LAI, đến đổi những gì trong hiện tại không còn sự thu hút mạnh mẽ đối với họ như đối với mọi người khác.

  1. Đức tin là tiến tới không lùi.

Hêbơrơ 11:8-10 – “Bởi đức tin, Áp-ra-ham VÂNG LỜI Chúa gọi, ĐI ĐẾN xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà KHÔNG BIẾT MÌNH ĐI ĐÂU. 9 Bởi đức tin, người KIỀU NGỤ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, Ở TRONG CAC TRẠI, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người.

Bởi đức tin Áp-ra-ham đã sẵn sàng rời bỏ quê hương tại U-rơ xứ Canh đê là quê hương yêu quý, một xứ sở dễ sống với đất đai trù phú, để đi đến một vùng đất mà Đức Chúa Trời hứa cho ông, một nơi mà ông chưa từng đến và mắt chưa từng thấy.

Sống bởi đức tin là sẵn sàng tin cậy Chúa, rời khỏi chỗ mà mình đang cảm thấy tiện nghi, sẵn sàng xa cách người thân, chấp nhận những mất mát, với lòng tin chắc rằng Ngài có đủ quyền năng để lo liệu và cung cấp mọi nhu cầu trong đời sống mình. Sống bởi đức tin là quyết không lùi bước hay quay đầu, chấp nhận những bất tiện và không nản lòng trước mọi hoàn cảnh. Sống bởi đức tin không có bảo đảm nào cho bạn là sẽ thực hiện được những mơ ước riêng tư. Nhưng bạn có thể biết chắc rằng sẽ có Chúa luôn ở cùng bạn và Ngài sẽ mang đến cho mình và con cháu mình những gì mà Ngài đã hứa. Những gì mà Chúa đã dự tính ban cho chúng ta đều là tốt hơn những gì mà chúng ta dành cho mình hay cho con cháu mình.

Sống bằng đức tin có nghĩa là: Tôi muốn trở nên người mà Chúa muốn tôi trở thành. Tôi muốn bước theo chương trình tốt đẹp của Ngài cho đời sống tôi, tin cậy và vâng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chờ đợi thời điểm của Ngài và sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào hay làm công việc nào mà Ngài sẽ dắt dẫn tôi. Chúa là Đấng quyết định nơi ở của chúng ta cũng như công ăn việc làm của chúng ta. Khi tôi học xong nghành y khoa, tôi không biết phải hành nghề ở đâu nên nạp đơn thi bằng hành nghề ở 3 tiểu bang, vì Cali là nơi tôi đang ở thì bằng nầy là khó khăn nhất so với 51 tiểu bang khác. Tôi cầu nguyện với Chúa rằng, nơi nào ma Ngài cho con thi đậu thì con sẽ ở đó và hành nghề cũng như phục vụ Chúa ở đó. Vì trong lòng tôi đã biết Chúa có kêu gọi tôi hầu việc Ngài dù là một bác sĩ. Điều lạ lùng mà Chúa làm là tôi đã thi đậu tại Cali là tiểu bang khó nhất, trong khi 2 tiểu bang kia thì lại bị đánh rớt! Tại sao kỳ lạ vậy? Vì Chúa muốn tôi biết ý Ngài cách rõ ràng, để trong tương lai khi gặp khó khăn, tôi không thắc mắc rằng hay là Chúa cho mình làm ở một trong 2 tiểu bang kia mà mình lại ham ở Cali theo ý riêng của mình? Khi chúng ta tin cậy Chúa và đặt đời sống mình vào tay Ngài, thì Ngài sẽ làm những điều lạ lùng và khó tin như vậy, xin nhắc lại là Chúa cho tôi thi đậu nơi khó nhất và thi rớt nơi hai tiểu bang dễ đậu hơn, vì Ngài muốn cho tôi sinh sống ở Cali và tôi đã sống nơi đó từ năm 1979 và tiếp tục hành nghề bác sĩ cũng như hầu việc Chúa nơi đó từ năm 1984 cho đến nay, dĩ nhiên Cali chỉ là nơi “kiều ngụ tạm thời” của gia đình chúng tôi cho đến khi về Nước Ngài.

Áp ra ham xem nơi mình sinh sống chỉ là xứ mình KIỀU NGỤ và gia đình ông chỉ TẠM TRÚ trong nhà lều. Sống bằng đức tin là xem thế gian nầy như là nơi kiều ngụ tạm thời, như thời gian chờ đợi nơi ở đời đời mà Chúa hứa ban cho mình. Người sống bởi đức tin phải xem nhẹ những của cải và tiền bạc đời nầy. Phải coi mọi thứ như là những giá trị tạm bợ và không thể sánh bằng những phần thưởng vô cùng quý giá còn mãi đời đời trong nước trời mà Chúa hứa ban. Trong những năm từ 1980 người Việt ồ ạt tìm mọi cách để vượt biên bằng đường biển, với ước mơ được đến một nước thứ ba giàu có và sung sướng cho mình và cho con cháu. Nhiều người đã bỏ lại đời sống tiện nghi ở đô thị để mang hết gia đình tạm cư ở một nơi gần biển, giả dạng là dân chài nghèo nàn để chờ ngày lên đường vượt biển. Nhiều khi họ phải sống trong cảnh nghèo thiếu chật vật như vậy rất lâu, nhưng họ không lo ngại, vì họ biết rằng cuộc sống đó chỉ là tạm thời. Trong lòng họ luôn nhìn thấy quốc gia thứ ba sung túc có nhiều cơ hội mà họ sẽ đi đến. Nhờ đó họ chấp nhận được những thiếu thốn khổ cực tạm thời nơi mà họ đang kiều ngụ để chờ ngày vượt biên.

Nguyền xin Chúa cho chúng ta có tinh thần của Ápraham, xem cuộc sống trên đời nầy là tạm thời, mọi sự rồi sẽ qua đi, chấp nhận mọi mất mát và lỗ lã trên con đường đức tin. Xin Ngài cho chúng ta thắng hơn những cám dỗ của xác thịt, nhưng luôn đeo đuổi những giá trị thiêng liêng trường cửu. Amen.

2. Đức tin sinh ra một dòng dõi tin kính.

Hêbơrơ 11:11-12 – “Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi (CAO TUỔI) CÒN CÓ SỨC sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là THÀNH TÍN. 12 Cũng vì đó mà CHỈ MỘT NGƯỜI, lại là một người già yếu, sanh ra MUÔN VÀN CON CHÁU, đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được.

Sa-ra tin cậy lời hứa của Chúa rằng bà sẽ có con dù tuổi đã 90 và Áp-ra-ham đã 100. Bà Sa-ra có phải là một anh hùng đức tin toàn hảo không? Không, bà cũng yếu đuối như chúng ta. Bà nghi ngờ khi Chúa hứa là bà sẽ có thai. Bà đã không có đủ đức tin để chờ đợi đứa con của Lời hứa, muốn thấy liền những gì lòng mình ham muốn. Bà đã ép Áp-ra-ham lấy con đòi là Aga để sinh cho bà một đứa con nuôi là Ích-ma-ên. Thật là một sai lầm vô cùng nguy hiểm. Tại sao? Vì từ Ích-ma-ên sinh ra giống dân Á-rập đông đảo luôn luôn kình chống lại dân Do-thái, tức là phá hại chương trình vô cùng quan trọng của Đức Chúa Trời! Dù dân Á-rập cũng được Chúa ban phước vì Ngài đã hứa với Bà A-ga sẽ ban phước cho con cháu của Ích-ma-ên khi hai mẹ con bị Sa-ra hất hủi. Dù vậy, từ dân tộc Á-rập đã nở thêm ra khối Á-rập đông đúc, đã trở thành một kẻ thù truyền kiếp làm khổ dân Do-thái triền miên, và còn làm khổ cho những dân tộc có niềm tin nơi Đấng Christ! Chỉ có thời gian mới cho chúng ta thấy rõ hậu quả vô cùng nguy hiểm và lâu dài của những hành động thiếu đức tin, tức là khi chúng ta làm theo ý riêng của mình!

Dù Bà Sa-ra phạm tội và Áp-ra-ham cũng đồng lõa trong việc đó, Đức Chúa Trời vẫn KHÔNG THAY ĐỔI lời hứa và chương trình của Ngài và đã ban cho họ một người con như lời Ngài đã hứa. Dù Bà Sa-ra không được phước sống lâu để nhìn thấy các cháu nội của mình, nhưng nhờ lòng ăn năn lỗi lầm và kiên trì trong đức tin nên bà đã mang thai Y-sác, và từ đó đã sinh ra một dòng dõi được chọn vô cùng đông đúc, đông như sao trên trời như cát dưới biển. Hành động thiếu đức tin của Ông Bà Ápraham thật là tai hại, nhưng tôi có thể quả quyết rằng đức tin của họ càng vô cùng quan trọng hơn? Vì đức tin của họ có ảnh hưởng đến hàng tỉ người xưa nay, trong đó có người Việt Cơ-đốc chúng ta. Qua đức tin nơi Chúa Cứu Thế, là con cháu phần xác của Ông Bà, chúng ta cũng đã được trở thành dân của Lời hứa mà Đức Chúa Trời đã nói trước với Ápraham.

Qua gương của Sa-ra, chúng ta học biết rằng khi một người nào tin nhận Chúa, đức tin của người đó chẳng những cứu chính họ nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hàng trăm hàng nghìn người khác là con cháu của người đó về sau. Đó là chưa nói đển những người tin Chúa khác qua lời làm chứng của chính họ hoặc của con cháu họ sau nầy.

Cách đây 250 năm, có 2 người bạn từ nước Anh di cư sang Hoa kỳ để sinh sống. Một người là Cơ-đốc nhân, người kia là vô thần. Cả hai đều học giỏi và thông minh. Nhưng sau 250 năm, mỗi người đều là tổ tông của khoảng 1500 con cháu. Trong vòng con cháu của người Cơ-đốc kia có rất nhiều người làm mục sư, bác sĩ, luật sư, chủ ngân hàng, chính trị gia lỗi lạc, và có một người làm tổng thống Hoa kỳ!  Phần đông đều có đức tin nơi Chúa. Còn trong vòng con cháu người vô thần kia, thì có rất nhiều người vào tù vì cướp của hoặc làm những điều gian ác hay bất hợp pháp, thuộc vào băng đảng, rất nhiều người dốt nát, nghèo thiếu, và không có ai làm mục sư.

Lời Chúa cho biết Ngài hứa ban phước đến ngàn đời (thế hệ) cho những kẻ kính sợ Ngài. Vì thế chúng ta phải hết sức sống đẹp lòng Chúa để làm gương và lưu truyền đức tin cho hàng nghìn con cháu của mình trong tương lai. Khi Chúa nói “ngươi và cả nhà ngươi sẽ được cứu” Chúa muốn nói đến gia đình hiện tại nhưng cũng nói đến tương lai nhiều đời của con cháu chúng ta về sau. Cho nên quyết định của một người tin Chúa thật là quan trọng, vì người đó trở thành tổ tiên của con cháu mình. Một trăm năm sau, con cháu chúng ta từ khướt các tà giáo khác vì lý do họ không thể bỏ Chúa là Chúa của họ và của ông bà cha mẹ họ suốt nhiều đời qua. Dĩ nhiên Chúa sẽ ban phước cho người tin kính Chúa nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm dạy dỗ, bày tỏ gương sống bằng đức tin, cầu thay, và chúc phước cho con cháu mình như các tổ tông của người Do thái đã làm.

Nguyện Chúa ở cùng và luôn nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm vô cùng quan trọng của mỗi chúng ta khi bắt đầu làm chủ một gia đình. Nguyện xin Ngài thêm ơn để chúng ta có thể làm trọn bổn phận của một người tổ tông của hàng nghìn con cháu đang nhìn và sẽ học đòi theo gương đức tin của chúng ta! Amen!

  1. Đức tin là có tầm nhìn xa và kiên trì trong thử thách.                              Hêbơrơ 11:13-16 – “Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, CHƯA NHÂN LÃNH những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó TỪ ĐẰNG XA, xưng mình là kẻ KHÁCH và BỘ HÀNH trên đất. 14 Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đang ĐI TÌM nơi quê hương. 15 Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, 16 nhưng họ ham mến một QUÊ HƯƠNG TỐT HƠN, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã SĂM SẴN cho họ một thành.

Những câu nầy dành cho tất cả các anh hùng đức tin trong thời Cựu Ước. Dù lúc còn sống họ chấp nhận mọi gian nan thử thách và hy sinh xương máu vì Nước Trời, dù sau khi qua đời họ được an nghĩ trong lòng Áp-ra-ham nhưng họ vẫn chưa nhận được những gì mà Chúa đã hứa cho mình. Nhiều người còn không thấy được Đất Hứa trên đất, dĩ nhiên là chưa có sự cứu rỗi toàn vẹn và quê hương vinh hiển trên trời. Tất cả những điều đó đều thuộc về một tương lai thật xa vời, nhưng khi đang sống họ vẫn trung tín trong đức tin, tin cậy lời Chúa và chịu đựng mọi thử thách cho đến lúc qua đời. Lúc họ còn sống, họ đã kiên trì chiến đấu với vô số thử thách hoạn nạn và không bao giờ bỏ cuộc. Vì cớ đó mà Đức Chúa Trời rất hãnh diện về họ và và xưng mình là Đức Chúa Trời của họ.

Bí quyết của những vị anh hùng đó là họ HAM MẾN QUÊ HƯƠNG TRÊN TRỜI hơn là quê hương trên đất, nhìn biết quê hương trên trời là tốt hơn và quý giá hơn. Bí quyết của họ là luôn mơ tưởng đến quê hương đó. Mắt họ luôn tập trung nhìn Chúa và nhìn những phần thưởng quý báu mà Ngài dành cho họ, nên không có điều gì trên đời nầy có thể làm cho họ bị mất tập trung.

Ngày nay chúng ta được may mắn hơn họ vì đang sống trong thời kỳ cuối cùng, chúng ta đã có một tâm linh được đổi mới, chúng ta có quyền năng và sự giúp sức của Đức Thánh Linh, chúng ta đang sắp được thấy quê hương trên trời, được nhận những gì mà Chúa đã hứa cho Áp ra ham. Nên chúng ta không có lý do nào để cứ tiếp tục một cuộc sống đầy thất bại trước cám dỗ, theo Chúa với một đức tin yếu đuối và khập khễnh. Chúng ta không nên tiếp tục làm cho Danh Chúa bị cười chê, để rồi ngày kia phải xấu hổ khi đứng trước mặt Ngài. Hãy sống như Phao-lô nhắc nhở:

Galati 2:20 “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.

Nguyền xin Chúa giúp cho chúng ta luôn hướng mắt ngắm nhìn những phước hạnh trên trời để không còn bị trói buộc bởi tiền của và danh vọng nơi thế gian, để có thể đắc thắng cám dỗ, kiên trì trong thử thách, giữ vững đức tin cho đến ngày được gặp các thánh nhân và Đấng đã hy sinh tánh mạng vì cớ chúng ta. Amen!

++++++++++++++

Phần 4 – “Tin là Tin Cậy Chương Trình của Đức Chúa Trời.”

Nhập đề: Mục đích của đời sống mỗi chúng ta là gi? Những thuyết Tin lành Thịnh vượng cho rằng Chúa cứu chúng ta để chúng ta được phước hạnh và chương trình của Ngài có mục đích để giúp cho chúng ta có một đời sống sung túc, vui vẻ, và khoẻ mạnh. Nhưng sự thật là gì? Đó là Chúa tạo dựng và cứu chúng ta để Ngài có một mối tương giao mật thiết với chúng ta và để chúng ta làm vinh hiển Danh Ngài, tôn vinh Ngài qua môi miệng và đời sống chúng ta. Để làm vinh hiển Danh Ngài, chúng ta phải dám sống bằng đức tin, phải có đời sống hoàn toàn vâng phục ý chỉ của Chúa, giao phó tương lai của mình và của con cháu mình cho Ngài, và chấp nhận mọi hiểm nguy trên con đường vâng phục của mình.

  1. Đức tin là nhìn nhận mọi sự đều thuộc về Chúa.                                       Hêbơrơ 11:17-19 – “Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi BỊ THỬ THÁCH: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, 18 là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu. 19 Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình.

Với đức tin, Áp-ra-ham sẵn sàng dâng con mình cho Đức Chúa Trời làm của lễ thiêu! Đó là HÌNH ẢNH của Đức Chúa Cha sẵn sàng ban Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta trên thập tự giá. Lòng vâng phục của Áp-ra-ham dạy chúng ta rằng, khi sống bởi đức tin thật chúng ta phải sẵn sàng DÂNG HẾT những gì có giá trị và yêu quý nhất của mình cho Chúa, dù rằng không phải lúc nào Chúa cũng muốn chúng ta làm điều đó. Đức tin là không tiếc đối với Chúa bất cứ cái gì mà mình nghĩ là tốt nhất hay thân thương nhất của mình. Áp ra ham thật sự đã sẵn sàng dâng đứa con trai yêu dấu và duy nhất của mình cho Đức Chúa Trời. Dù vậy, Chúa đã kịp thời ngăn trở không cho ông giết con mình. Nên khi Chúa cung cấp một con chiên đực để chết thế cho Ysác, Ápraham cảm thấy rằng con mình “cũng giống như” đã chết mà nay được Chúa cho sống lại để sanh cho mình nhiều con cháu. Điều đó nhắc cho chúng ta rằng những gì chúng ta hiến dâng cho Chúa không thật sự là mất mát lỗ lã nhưng sẽ được Chúa ban lại gấp bội phần hơn.

Nhiều giáo sĩ trẻ tuổi xưa nay đã giao những đứa con còn bé bỏng của mình cho người khác nuôi dưỡng để đi đến những nơi xa xôi mà hầu việc Chúa. Chính cha mẹ của các giáo sĩ nầy cũng vì lòng tin kính Chúa mà họ đã cam lòng chấp nhận việc con mình phải rời xa gia đình để đến một đất nước xa xôi làm giáo sĩ. Con của MS Thomas Stebbins đã học xong bằng bác sĩ nhưng đã hy sinh sang Phi châu làm bác sĩ giáo sĩ cho một bệnh viện thật nghèo nàn. Đó là những của lễ đầy lòng hy sinh và đẹp lòng Chúa mà những bậc làm cha mẹ đã dâng lên cho Ngài. Nhiều giáo sĩ cũng như con cái Chúa vì niềm tin nơi Chúa đã chấp nhận bị tù đày và hành hạ, thậm chí sẵn sàng chịu giết vì Danh Ngài. Mạng sống của họ là của lễ cao quý nhất mà họ sẵn sàng dâng cho Chúa. Bạn có đủ đức tin mạnh mẽ và tinh thần sẵn sàng dâng hiến đời sống mình như thế chưa?

Bởi đức tin, Ápraham sẵn sàng giết con mình để dâng cho Chúa vì tin cậy nơi quyền năng lớn lao của Đức Chúa Trời, là Đấng có thẩm quyền trên sự sống sự chết. Không có nơi nào trong Kinh thánh có nói rằng ông hơi do dự hay năn nĩ Chúa cảm thông. Ông dám vâng lời cách tuyệt đối vì tin rằng Đức Chúa Trời Đấng quyền năng vô cùng vĩ đại sẽ có thể khiến cho con ông sống lại dù đã chết. Đức tin của Ápraham thật là lớn lao khiến cho ông xứng đáng là gương mẫu của đức tin. Chúng ta thử nghĩ, Ysác là đứa con trai duy nhất mà ông đã chờ đợi sau bao nhiêu năm, đứa con quý giá vô cùng vì đó là đứa con mà Chúa đã hứa cho ông, và từ đứa con trai nầy sẽ sinh ra vô số con cháu khác. Dù vậy, trong thâm tâm ông đã quyết định thực hiện việc dâng con mình làm của lễ thiêu cho Chúa. Trong nguyên văn, tác giả dùng chữ “DÂNG” nằm trong thì dĩ vãng – “had offered” (đã có dâng). Điều đó bày tỏ rằng Chúa xem như ông ĐÃ DÂNG con yêu dấu của mình cho Ngài rồi. Thật là một gương đức tin cao quý nhất cho chúng ta, một đức tin hoàn toàn vâng phục và chấp nhận chịu mất mát những gì quý báu nhất trong đời, một đức tin tuyệt đối nơi một Đức Chúa Trời có thẩm quyền tuyệt đối trên sự sống, sự chết, và trên mọi sự trong đời sống mình.

Gia Cơ 2:21-23 nói về đức tin của ông rằng: “Ápraham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao? 22 Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn. 23 Vậy được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người; và người được gọi là bạn của Đức Chúa Trời.” (Sáng 15:6)

Trong câu chuyện nầy, chúng ta cũng nên nhớ đến cậu bé Y-sác. Dù cậu có thắc mắc với cha là sao không thấy cha mang theo một con chiên, nhưng sau đó chúng ta không hề thấy cậu thắc mắc hay kháng cự khi bị người cha trói lại và đặt cậu lên đống củi. Hầu như cậu đã hiểu chuyện gì sắp xảy ra và cậu đã tình nguyện hiến dâng mạng sống mình. Cậu là hình ảnh của Đấng Christ là Đấng đã tự nộp mình cho kẻ thù để chịu đóng đinh như Ngài có báo trước cho các môn đồ mình trong Mathiơ 20:17-19. Rõ ràng chỉ qua câu chuyện nầy, cậu bé Y sác cũng chứng minh cho chúng ta thấy cậu là một anh hùng đức tin. Nếu theo dõi cuộc đời của y-sác, chúng ta cũng sẽ thấy Y-sác là một người nhu mì, bởi lòng tin cậy Chúa lúc nào ông cũng nhường nhịn, cũng chấp nhận phần thua lổ. Ông đào giếng nào cũng bị kẻ hung dữ đến cướp, thế mà lần nào ông cũng nhường cho họ rồi đi đào cái giếng khác, vì tin rằng mất cái nầy Chúa sẽ cho cái khác. Nơi đồng vắng để có nước không phải chuyện dễ, nên người ta mới đi cướp giếng; nhưng ông đào cái nào là cái đó có nước, vì Chúa đáp ứng thái độ nhu mì và đức tin của ông và ban phước cho ông.

Nguyền xin Chúa giúp cho chúng ta là người đã được Chúa cứu chuộc, có đủ can đảm để bày tỏ đức tin của mình cách trọn vẹn bằng những việc làm cụ thể, dám tin rằng Ngài có THẨM QUYỀN TUYỆT ĐỐI trên đời sống chúng ta, có quyền lấy lại, có quyền ban cho chúng ta những gì Ngài hứa, để có thể sẵn sàng chấp nhận những mất mát, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì quý giá nhất cho Ngài, để xứng đáng “được Ngài gọi là bạn của Đức Chúa Trời.” Amen!

  1. Đức tin giúp ta thấy rõ tương lai của con cháu.

Hêbơrơ 11:20-22 – “Bởi đức tin, Y-sác CHÚC PHƯỚC cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự hầu đến. 21 Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, CHÚC PHƯỚC cho hai con của Giô-sép, và nương trên gậy mình mà lạy. 22 Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời nói về việc con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ đi ra, và truyền lịnh VỀ HÀI CỐT mình.

Y-sác, Gia-cốp, và Giô-sép là ba thế hệ tiếp nối theo Áp-ra-ham. Họ đều có cùng một đức tin mạnh mẽ như tổ phụ. Họ đã qua đời mà vẫn chưa thấy được những gì mà Đức Chúa Trời đã hứa, dù vậy lúc gần qua đời, họ vẫn nhìn chăm vào tương lai với đức tin vững vàng nơi Ngài mà tiếp tục chúc phước cho con cháu mình.

Giô-sép khi làm tễ tướng cho vua Pharaôn của Ai cập tin chắc rằng con cháu của chính ông và của anh em mình sẽ nhận được Đất Hứa mà Đức Chúa Trời hứa ban cho tổ phụ họ. Trước khi qua đời ông đã trăn trối với con cháu về việc mang hài cốt của ông đi theo khi họ rời Ai-cập để chôn nơi miền Đất Hứa. Ông căn dặn họ rằng: “Đừng bỏ xương cốt của ta ở Ai-cập. Khi các người rời nơi đây, hãy mang theo cốt của ta với các ngươi.” Cho đến bốn trăm năm sau dân Y-sơ-ra-ên mới được rời Ai-cập để lên đường đi đến Đất Hứa, nhưng lúc sắp qua đời, bởi đức tin, Giô-sép biết rằng dù ông qua đời hôm nay hay dù dân tộc của ông phải chờ đợi hàng trăm năm, thì lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thay đổi.

Đức tin của bạn có bị sa sút theo thời gian chờ đợi không? Sẽ vẫn còn mạnh mẽ khi bạn già nua không? Bạn sẽ bị mất đức tin khi đứng trước khó khăn hay trước cái chết không? Khi một Cơ-đốc nhân qua đời, không có lời hứa nào của Đức Chúa Trời qua đi.

Có một người cha kia suốt đời cầu nguyện cho người con trai hư đốn của mình. Cho đến lúc già nua ông vẫn ngày đêm cầu nguyện cho nó. Khi ông qua đời người con trai trở về dự lễ an táng của ông, xong nó vào phòng của ông có thể để lục lạo xem ông có giấu tiền bạc gì nơi đó không. Nhưng khi nó nhìn bên giường của ông, nó thấy trên sàn nhà có hai dấu mòn lõm xuống, nó nhớ lại người cha đêm nào cũng qùy nơi đó để cầu nguyện cho nó. Tự nhiên nó được Chúa nhắc nhở nên qùy xuống nơi đó ăn năn trở lại với Ngài. Thật, sự chết của con cái Chúa không có ảnh hưởng gì đến những lời hứa của Ngài. Lời Chúa nói: “Hãy tin thì ngươi và cả nhà ngươi sẽ đuợc cứu rỗi” nên Chúa sẽ làm những gì Ngài hứa. Lời Chúa cũng nói: “Phước cho người nào chết là chết trong Chúa” vì những phước hạnh mà Chúa hứa ban đang chờ đợi họ nơi thiên đàng. Người có đức tin thật luôn nhìn thấy những gì quý báu mà mắt trần không thấy được:
2 Côrinhtô 4:18 – “Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.”

Trên thế gian nầy hầu như mọi người đều chăm chú vào những gì mắt họ thấy được, tay họ rờ đến được. Vì ham hố những điều đó mà người ta ganh ghét hay chém giết nhau. Nhiều khi vì quá ham hố mà bỏ tiền ra mua nhiều thứ mang về chỉ để chất chứa, nhưng không bao giờ cần xài hoặc không dám dùng đến. Có người có tánh luyến tiếc không bỏ được những gì không còn giá trị hay hữu dụng, như là những tờ báo cũ, cứ để dành đó chồng chất đầy nhà. Là con cái Chúa, chúng ta phải tập trung và dành dụm những gì có giá trị đời đời và nhất là những thứ không thấy được.

Nguyền xin Chúa ban cho chúng ta đức tin mạnh mẽ của các tổ phụ của dân Do thái, can đảm bước theo gương của họ để tiếp tục trung tín với Ngài trong đức tin. Hãy tiếp tục làm gương tốt và luôn chúc phước cho con cháu cho đến khi gặp Chúa Cứu Thế, gặp các anh hùng đức tin từ xưa đến nay, và nhìn thấy đầy đủ con cháu của chúng ta trong nước Thiên đàng vinh hiển. Amen.

  1. Đức tin sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy.

Hêbơrơ 11:23 – “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một ĐỨA CON XINH TỐT, không sợ chiếu mạng của vua.

Bởi đức tin, cha mẹ của Môi-se đã dám cãi lại lệnh vua để giúp cho con mình thoát chết. Vì kính sợ Chúa tin cậy nơi quyền năng của Ngài mà họ không còn sợ bị vua Pharaôn giết chết như ông ta đã làm cho hàng nghìn gia đình khác. Với đức tin, họ biết Đức Chúa Trời có chương trình nào đó cho Môi-se nhưng lúc đó họ không thể biết được chương trình đó có tầm quan trọng đến cở nào. Không có thiên sứ nào hay tiên tri nào đến gặp họ để nói với họ về tương lai của Môi-se, nhưng vì là những người tin kính Chúa, Ngài cho họ nhìn thấy Môi-se là “một đứa con xinh tốt”, một đứa bé có “tốt tướng” nên tự nhận biết rằng Môi-se sẽ trở nên một con người đặc biệt mà Đức Chúa Trời sẽ sử dụng. Tên Môi se do công chúa Ai-cập đặt có nghĩa là “được cứu ra khỏi nước.” Ý nghĩa đó chắc cũng giúp cho cha mẹ ông nghĩ rằng ông sẽ là người cứu dân tộc ông ra khỏi Ai-cập. Khi ra khỏi Biển Đỏ chắc chắn nhiều người hiểu rõ tại sao ông mang tên Môi-se.

Với niềm tin chắc đó, họ đã hết lòng tìm cách chăm sóc và bảo vệ ông, giấu ông được ba tháng trong khi quân lính tìm bắt và giết tất cả những con trẻ sơ sanh. Cũng bởi đức tin khi được công chúa giao Môi-se cho họ nuôi dưỡng, họ đã cố gắng dạy dỗ ông lúc còn thơ ấu trong đường lối tin kính Chúa cho đến khi “khôn lớn”, có thể khoảng chừng 3 năm. Chữ khôn lớn nầy nói đến sự trưởng thành thuộc linh và có tầm vóc vững vàng trong đức tin dù Môi se còn là một em bé! Nhờ đức tin truyền đạt cho Môi se và gương tốt của họ, dù cho sau đó Môi-se được sống trong nhung lụa của vua Pharaôn trong 40 năm, ông cũng không bao giờ quên nguồn gốc và lòng tin kính Chúa mà cha mẹ đã dạy ông lúc còn bé thơ.

Bởi đức tin, cha mẹ của Môi se không sống theo mắt thấy của họ, dù nhìn thấy những đứa trẻ khác bị giết và cha mẹ nào vi phạm luật vua bị đánh đập tù tội, nhưng họ vẫn mạnh dạn mà che giấu con mình để nó lớn lên làm tôi tớ cho Đức Chúa Trời.

Bởi đức tin Môi se không sống theo mắt thấy của mình, không nhìn xem và ham mến những giàu có sang trọng của thế gian, cũng không nãn chí khi phải ẩn thân trong thiếu thốn ở nhà ông gia mình, kiên nhẫn trong đức tin, và chờ đợi 80 năm mới thấy thời điểm của Chúa để dấn thân làm công việc lớn lao mà Chúa giao cho.

Nguyền xin Chúa cho chúng ta có đủ đức tin, dù hôm nay chưa thấy rõ chương trình của Ngài cho đời sống nhưng luôn biết nhìn xem Chúa và tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài. Xin Chúa cho chúng ta luôn nhờ cậy quyền năng của Ngài và kiên trì trong mọi gian nan thử thách cho đến khi hay cơ hội được Ngài sử dụng. Amen.

++++++++++++++++

Phần 5 – “Tin Là Xem Nhẹ Những Gì Thuộc Về Thế Gian”

Nhập đề: Trong tháng 8, 2018, sau khi cầu nguyện nhiều chúng tôi quyết định dọn dẹp gấp căn nhà villa đang ở để bán và định trong những tháng tới sẽ dọn vào một căn nhà nhỏ hơn để sống trong lúc tuổi già, hầu dễ dàng đi đây đi đó hầu việc Chúa. Chúng tôi chỉ có một thời gian ngắn 10 ngày để dọn dẹp cho kịp chuyến đi Việt Nam theo chương trình đã sắp xếp để huấn luyện các tôi tớ Chúa trong tháng 10. Trong khi dọn dẹp, chúng tôi mới nhận ra là trong 40 năm sống trong căn nhà rộng lớn nầy, chúng tôi đã chất chứa quá nhiều đồ đạc. Có những cái không cần thiết, nhưng bỏ thì cảm thấy uổng nên cứ thế mà cất đó. Khi dọn dẹp, chúng tôi mang ra đem cho người khác hoặc vức bỏ vô số đồ đạc trong tinh thần không luyến tiếc. Sau khi bỏ bớt hết 60% đồ đạc và bán nhà xong chúng tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng, không còn cảm thấy bị trói buộc bởi của cải vật chất nữa.

Là con cái Chúa nếu muốn sống bằng đức tin và kinh nghiệm được phước hạnh của thiên đàng trong cuộc sống, chúng ta phải luôn có cái nhìn khác với người đời về những gì thuộc về thế gian, xem nhẹ tài sản, của cải, danh vọng, quyền thế, v.v…. Các anh hùng đức tin đã để lại cho chúng ta những tấm gương về thái độ của họ trước những gì thuộc về thế gian và những gì mà mọi người trên đời nầy đeo đuổi.

  1. Đức tin là dám khướt từ danh vọng và tội lỗi.

Hêbơrơ 11:24-28 – “Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, BỎ DANH HIỆU mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, 25 đành cùng dân Đức Chúa Trời CHỊU HÀ HIẾP hơn là tạm hưởng sự VUI SƯỚNG của tội lỗi: 26 người coi sự SỈ NHỤC về Đấng Christ là quí hơn của CHÂU BÁU xứ Ê-díp-tô, vì người NGỬA TRÔNG sự ban thưởng. 27 Bởi đức tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận; vì người đứng vững NHƯ THẤY Đấng không thấy được. 28 Bởi đức tin người giữ lễ Vượt Qua và làm phép rưới huyết, hầu cho đấng hủy diệt chẳng hề hại đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên.

Đó là đức tin lạ lùng của Môi-se mà Pha-ra-ôn không thể hiểu nổi. Môi se đã được nuôi dưỡng trong cung điện, lớn lên trong nhung lụa và giàu sang, được học tiếng nói người Ai-cập, văn hóa và tất cả mọi tinh hoa mọi kiến thức tân tiến nhất của loài người trong thời đó, vì trong thời kỳ đó Ai-cập là địa điểm văn mính nhất của nhân loại. Nhưng Môi-se vẫn giữ được niềm tin của dân tộc mình.

Môi-se đã được Lời Chúa xem là một anh hùng đức tin 40 năm trước khi ông gặp Chúa nơi đồng vắng! Lúc là một hoàng tử, đức tin của ông chỉ là đức tin đến từ cha mẹ ông. Đức tin của cha mẹ ông là đức tin của dân tộc Ysơraên, đã được truyền đạt từ đời nầy qua đời kia suốt 400 năm, bắt đầu từ Áp-ra-ham là ông tổ của đức tin, truyền xuống Y-sác, rồi Gia-cốp, rồi 12 con trai của ông, đức tin của Giô-sép, v.v.
Thời xưa, khi chưa có sách vở hay kinh luật, việc dạy dỗ con cháu qua môi miệng và gương sống trong tinh thần kính sợ Chúa và tin cậy Ngài thật vô cùng quan trọng.
Thật ra ngày nay việc đó cũng không kém phần quan trọng đâu, vì con dân Chúa gặp phải nhiều “cạnh tranh” từ internet, sách báo, giáo dục và gương xấu từ thế gian. Nên chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện cho con cháu mình và hết sức dạy dỗ để chúng có thể đứng vững trong đức tin, chẳng những cho đến khi khôn lớn mà còn cho đến lúc già nua!

Dù Môi-se cũng có khả năng trở thành một Pharaôn của nước Ai-cập vĩ đại, nhưng ông xem mọi điều đó như là số không, vì ông biết rõ mình là ai, biết quý trọng địa vị thật của mình là một người thuộc về một dân tộc được chọn của Đức Chúa Trời, và nhất là được làm con cái của Đức Chúa Trời, vĩ đại hơn con vua Pharaôn. Vì cớ đó mà khi đúng giờ đúng lúc, ông đã sẵn sàng xa lìa cung điện như một tên phản thần đáng bị xử tử, và chấp nhận cuộc sống gian khổ của một người chăn chiên. Khi được Chúa kêu gọi, ông đã can đảm trở lại để giải phóng dân tộc mình đang bị Pha-ra-ôn hà hiếp. Là người có đức tin nơi Chúa, bạn có sẵn sàng bỏ hết mọi xa hoa, tiền tài, giàu có và vui sướng của thế gian để hy sinh cuộc đời mà phục vụ Chúa, giải cứu bao linh hồn đang quằn quại dưới ách cai trị của ma quỷ chăng?

Những người dân tộc vùng cao, ngay sau khi tin Chúa thì hầu như 100% đều không luyến tiết quyết định dẹp bỏ ngay bàn thờ ông bà và “bỏ ma” tức là khước từ sự thờ cúng ma quỷ, cũng như tất cả những phù phép, bùa ngải, dị đoan mê tín. Trong khi người Kinh phần đông vì luyến tiếc việc thờ cúng mà chọn con đường “theo ông theo bà” để tiếp tục đi trên con đường vào sự hư mất đời đời!

Áp ra ham đã bỏ hết mọi sự nơi quê hương để ra đi. Khi sống gần Sô-đôm và Gô-mô-rơ, ông chọn nơi ở thô sơ tạm bợ và đầy khó khăn trên vùng cao cho gia đình. Trong khi Lót, cháu ông thì chọn miền đồng bằng phì nhiêu gần thành thị và người tội lỗi. Khi Thiên sứ đến giải cứu họ ra khỏi hai cái thành sắp bị đoán phạt nầy, Chúa muốn ông bà Lót dứt khoát với hai thành đó, là hình ảnh của thế gian, để chạy trốn. Các thiên sứ đã căn dặn kỹ là cứ đâm đầu chạy không quay lại. Nhưng vì luyến tiếc nhà cửa và những của cải mà bao nhiêu năm qua họ gom góp mà bà Lót đã dừng lại để quay đầu nhìn các thành phố đang bị thiêu hủy. Diêm sanh phun lên từ lòng đất càng ngày càng xa. Chúa biết trước nếu họ tiếp tục chạy thì sẽ thoát kịp. Nhưng vì bà Lót dừng lại mà bị diêm sanh dạng lõng còn nóng phun lên từ lòng đất rơi xuống đã phủ lên bà, nên bà đã chết tại chổ, mình mẩy bị bao phủ bằng một lớp muối diêm cứng lại như một bức tượng. Bà đã bị chết không phải bị Chúa phạt nhưng vì thiếu đức tin. Người có đức tin phải vâng lời Chúa cách tuyệt đối, sẵn sàng bỏ hết mọi sự mà theo Chúa, không nhìn lại phía sau, dứt khoát và không luyến tiếc hay quay lại lối sống cũ của thế gian và tội lỗi.

Người đời không thể nào hiểu nổi vì sao nhiều khi chúng ta là con cái Chúa dám bỏ rượu bỏ thuốc, bỏ cả cờ bạc, bỏ tiền bạc của cải, bỏ bằng cấp, bỏ việc làm, nhiều khi còn “bỏ gia đình”, hy sinh quá nhiều thì giờ và công sức để làm những việc dường như vô nghĩa. Đừng để cho những lời chỉ trích hay lý luận của người thế gian làm cho chúng ta bị lung lay đức tin. Cứ tiếp tục vâng lời Chúa, bước đi bằng đức tin, chăm nhìn xem Chúa và những phần thưởng quý báu hơn mà Chúa sẽ ban cho trong đời nầy và đời sau.

Dù Môi-se là một anh hùng đức tin, không có nghĩa ông là người hoàn hảo, nhưng đó là bởi lòng thương xót của Chúa mà thôi. Điều an ủi cho chúng ta là có những lúc ông cũng bị thiếu đức tin nơi Chúa, nhất là lần thứ hai khi dân sự bị thiếu nước trong đồng vắng, thì Chúa bảo ông nói với hòn đá nhưng ông lại đập hòn đá y như lần đầu. Chúa giận không cho ông được vào Đất Hứa vì 7 cái sai của ông trong hành động nầy.

1)- Ông không tin lời Chúa. Có thể ông nghi ngờ rằng làm sao chỉ nói mà đá bể ra được!

2)- không vâng theo Lời Chúa căn dặn rằng chỉ cần nói với hòn đá là đủ.

3)- Ông lại dựa theo kinh nghiệm của mình mà làm thay vì làm theo lời Chúa căn dặn.

4)- Ông làm theo sức riêng mà đi đập hòn đá.

5)- Ông đã cướp lấy vinh hiển của Đức Chúa Trời khi dùng chính sức của ông! (Nếu ông chỉ nói với hòn đá thì Chúa được vinh hiển).  

6)- Lý do khác làm cho ông thiếu sáng suốt là vì ông nổi giận với dân sự khi hầu việc Chúa.

7)- Lỗi quan trọng nhất, là việc làm của ông đã làm cho chương trình của Đức Chúa Trời bị mất đi cái toàn hảo của nó. Vì hòn đá là hình bóng về Đức Chúa Jêsus, Ngài chỉ bị đánh đập một lần đủ cả để mang đến phước hạnh cho chúng ta, sau đó chúng ta chỉ cần nhơn Danh Ngài mà nói hay xin Đức Chúa Trời thì Ngài ban phước cho chúng ta.

Đập hòn đá là một sai lầm vô cùng quan trọng, nên chính ông và người anh là A-rôn phải chết trong đồng vắng và không được bước chân vào Đất Hứa, là điều mà hai ông hết sức mơ ước. Xem Dân số ký 20:12 Đoạn, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu.” Thật, một giây phút yếu đuối nhiều khi mang đến tai hại vô cùng lớn lao cho đời sống mình.

Nguyền xin Chúa ban cho chúng ta luôn bình tỉnh và tin cậy Chúa, sống vì vinh hiển của Chúa, tập trung vào những gì không thấy được, xem nhẹ những gì mà thế gian đeo đuổi, và biết ham mến địa vị và sự giàu có thuộc linh của chúng ta, cũng như những giá trị thuộc linh còn lại đời đời. Amen.

2. Đức tin cách biệt chúng ta với thế gian.

Hêbơrơ 11:29 – “Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển đỏ như đi trên đất khô, còn người Ê-díp-tô thử đi qua, bị nuốt mất tại đó.

Ở đây, tác giả cho chúng ta thấy một bức tranh có hai mặt. Cũng đồng một địa điểm là Biển Đỏ, nhưng có hai kết quả khác nhau: một bên là dân Ysơraên băng ngang qua biển và được thoát nạn an toàn; một bên là dân Aicập bị chết chìm nơi lòng biển. Tại Biển Đỏ, dân Ysơraên đã kinh nghiệm một trong những phép lạ vĩ đại nhất mà Kinh Thánh ghi lại. Trong khi quân đội hùng mạnh của Ai-cập với ngựa xe đầy đủ đuổi rượt kịp và tiến đến gần họ, thì phép lạ đầu tiên mà Chúa làm là trụ mây đang dẫn đường từ phía trước đoàn dân lại di chuyển vòng ngược về phía sau để chặn bước tiến của quân Ai-cập. Sau đó Đức Chúa Trời đã rẽ biển ra làm hai khiến cho có một con đường băng ngang biển để dân sự vượt qua như đi trên đất khô.

Nơi đó nước biển không có cạn như những người vô thần tưởng đâu. Tổ chức khảo cổ BibleArcheology.org cho biết, lòng biển nơi đó sâu khoảng 300 feet (100 mét, cao như một nhà 30-40 tầng), và bề ngang biền nơi đó rộng trên 9 dặm, tức khoảng 15 cây số! Tôi tin rằng khi nhìn thấy con đường mở ra giữa biển, với hai bên là nước cao sừng sửng thì ai cũng run sợ và do dự. Chúa bảo Môi se hãy hối thúc dân sự đi qua. Hàng triệu người Ysơraên đã hối hả bước tới như đi trên đất khô.

Phép lạ thứ ba là gì? Trước khi trả lời, xin kể một câu chuyện. Có một ông thầy giáo vô thần nói với học trò mình rằng việc dân Ysơraên băng qua biển đỏ không phải phép lạ gì cả, vì nơi đó lòng biển chỉ sâu có 3 feet (9 tấc). Nghe vậy một em học sinh Cơ-đốc tức quá về nhà xem lại Kinh Thánh. Đọc đến Xuất. 14:28, em mừng quá ngày hôm sau nói với thầy: “Thưa thầy, rõ ràng câu chuyện dân Ysơ raên qua biển đỏ thật là một phép lạ, vì biển nơi đó chỉ sâu có 9 tấc mà Đức Chúa Trời đã chôn lấp được cả đạo binh của Ai-cập!” Phép lạ thứ 3 là chính Đức Chúa Trời đã chôn vùi đạo binh của Pharaôn và chiến đâu thay cho dân Ngài.

Sau khi mọi người đã qua khỏi biển, trụ mây (là sự hiện diện của Chúa) đã cho phép đạo binh Ai-cập kéo nhau băng qua trên con đường đã mở giữa biển. Ngài làm cho họ rối loạn và chậm lại bước tiến vì khiến cho các bánh của chiến xa bị rời khỏi trục và lúc họ đến chổ sâu nhất thì Ngài đã khiến cho nước biển lấp lại chôn vùi đạo binh đông đảo đó, với cả ngựa xe của họ. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều dấu tích như xe ngưạ và bánh xe có 4 căm bằng sắt của người Ai cập vẫn còn nơi lòng biển để làm bằng chứng cho biến cố lạ lùng nầy.

Trong đời sống, có những lúc chúng ta sẽ thấy như bị cùng đường, tuyệt vọng. Nhưng với đức tin hãy trông cậy Chúa, vì sẽ có những con đường mà Chúa sẽ mở ra để giải cứu chúng ta, nhiều khi con đường đó sẽ vô cùng lạ lùng nhưng cũng vô cùng “dễ sợ” và mạo hiểm. Nhưng chúng ta sẽ biết được đó là con đường của đức tin hay giải pháp duy nhất của Chúa mà chúng ta phải tiến tới vì Chúa không cho chúng ta thấy một lựa chọn nào hay con đường nào khác. Để giúp cho dân Ysơraên có đủ động lực để bước xuống lòng biển và băng qua bên kia, Chúa khiến cho đạo binh của Êdíptô đuổi theo đến gần sát họ, và phía bên kia bờ biển chưa chắc gì không có kẻ thù, nhưng bởi đức tin và sự thúc giục của Chúa họ cứ đí tới dù lo sợ đến đâu! Nhiều khi chúng ta cũng sẽ ở trong hoàn cảnh như vậy, và phải lấy đức tin tiến tới mà thôi.

Anh Lê Ngọc Báu, một sĩ quan trong thời chiến tại VN, khi quân địch bao vây và không còn lối nào thoát, anh đã lấy đức tin cầu nguyện rồi lấy xe Jeep chở gia đình chạy băng qua một bãi mìn để rời khỏi khu vực quân sự. Nhờ đức tin của anh, Chúa đã gìn giữ không cho bánh xe cán lên cái mìn nào, hoặc dù có cán lên thì mìn vẫn không nổ! Sở dĩ có lúc Chúa không cho chúng ta một lựa chọn nào khác là để giúp cho chúng ta dễ nhận biết rằng đó là con đường duy nhất mà chính Chúa mở ra, và chúng ta phải bước tới bằng đức tin. Để rồi khi đi qua xong con đường đó, chúng ta mới nhận ra rằng, Chúa đã đồng đi với chúng ta, giải pháp của Ngài luôn luôn là khôn ngoan, tuyệt vời nhất, và tốt nhất cho đời sống mà Chúa đã vạch ra cho chúng ta trong giai đoạn đó.

Biển đỏ cũng là hình ảnh của phép Báp têm. Đó là hình ảnh dân sự đồng chết (dưới lòng biển Đỏ) và đồng sống lại (ra khỏi biển Đỏ) với Chúa. Biển đỏ là hình ảnh của huyết Chúa đổ ra để rửa sạch tội lỗi của chúng ta giúp chúng ta rời khỏi thế gian tội lỗi. Đức tin để được cứu là đức tin nơi chương trình cứu chuộc nhờ huyết của Con Đức Chúa Trời.

Biển đỏ cũng là hình ảnh thuộc linh của sự lìa bỏ thế gian và tội lỗi. Để hưởng được những phước hạnh của Đất Hứa, dân sự phải rời bỏ Êdíptô là hình ảnh chúng ta phải dứt khoát với thế gian. Chúa không đưa họ đến một nơi biển cạn hay có cây cầu, nhưng Ngài đưa họ đến một nơi sâu nhất, mở đường và sau khi dân sự băng qua, thì Chúa cho biển đóng lại đàng sau, không cho họ có ngã thối lui! Đó là con đường một chiều, con đường dứt khoát với thế gian, Chúa không muốn cho chúng ta ta quay đầu trở lại với đời sống cũ.

Người Êdíptô đuổi theo dân Ysơraên, nhưng họ bị biển lấp lại, không thể nào tiếp tục. Hình ảnh đó cũng cho thấy thế gian không có phần trong nước trời phước hạnh. Huyết của Chiên Con là sự cứu rỗi cho người tin; nhưng là sự định tội hay án phạt cho kẻ chống lại Đức Chúa Trời. Loài người có thể nghĩ rằng họ cũng có tôn giáo, họ cũng làm lành lánh dữ, họ không khác gì chúng ta, hay còn tốt hơn chúng ta, chúng ta cũng không hơn gì họ. Dù vậy, Đức Chúa Trời nhìn thấy đức tin của chúng ta và đó là sự khác biệt. Ngài biết ai là con cái của Ngài và đức tin là điều mang đến phước hạnh cho chúng ta chứ không phải công đức riêng của chúng ta. Đức tin sẽ giúp cho chúng ta được hưởng thiên đàng vĩnh cửu khi chúng ta qua đời hoặc lúc Chúa tái lâm. Nhưng người không tin sẽ không được hưởng Nước Trời, sẽ không nhận được những phước hạnh của lời hứa mà Ngài chỉ dành cho người có đức tin nơi Ngài, và còn chuốc lấy sự đoán phạt trong ngày đoán xét. Đức tin là ranh giới giữa người được cứu và người hư mất, giữa người có đức tin nơi Chúa và người theo một tôn giáo.

Nguyền xin Chúa ban cho chúng ta biết mình thuộc về ai để luôn bưóc đi với Chúa trong sự an tâm và vui mừng, vì Ngài luôn mở đường, luôn giải cứu và chăm sóc những ai đặt đức tin nơi Ngài. Amen.

3. Đức tin phá đỗ những trở ngại và khó khăn vĩ đại.

Hêbơrơ 11:30 – “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày.

Giêricô là thành phố đầu tiên mà dân Ysơraên phải đánh chiếm để bắt đầu bước chân vào Đất Hứa. Thành Giêricô được che chỡ bằng một vách thành kiên cố, cao sừng sửng và vô cùng dày, mà ngày nay chính tôi được chứng kiến dấu vết của tường thành kiên cố nầy khi viếng thăm xứ Do thái. Trước khi vách tường thành Giêricô đổ xuống, dân sự hàng nghìn người đã đi vòng vòng vách thành trong 7 ngày, mỗi ngày 1 vòng, và ngày thứ 7 thì đi 7 vòng. Họ đi trong yên lặng, trăm người như một đồng hành bước theo hòm giao ước do các thầy tế lễ vác đi đàng trước. Họ không có một khí giới trong tay, không có vũ khí hạng nặng nào để phá thành, ngoại trừ các thầy tế lễ thỉnh thoảng thổi kèn lên in ỏi. Dân thành Giêricô từ trên vách nhìn xuống không hiểu dân Do thái đang làm gì, cười chê nhạo báng xem họ như những người điên, và nghĩ rằng đám dân nầy không bao giờ có thể chiếm được thành trì kiên cố của họ bằng cách đó, nhưng họ không biết rằng đó là đức tin và sức mạnh của đức tin qua sự cầu nguyện, là sức mạnh siêu nhiên có khả năng phá đổ mọi đồn lũy, mọi quyền lực, và trở ngại trong đời sống.

Ngày nay, nhiều khi người đời cũng không thể nào hiểu nổi niềm tin của chúng ta. Làm sao họ hiểu được tại sao chúng ta không lên tiếng, không hành động, không phản đối mà cứ cầu nguyện hay kiêng ăn cầu nguyện? Tại sao chúng ta dành quá nhiều thì giờ “đi nhóm” hay để đọc Kinh Thánh? Tại sao chúng ta không xuống đường, không biểu tình, không dùng vũ lực để tranh đấu cho tương lai của cuộc sống thực tế nầy mà cứ nhắm vào tương lai trên trời? Tại sao chúng ta không trả đủa, trả thù mà lại cứ nhịn nhục rồi còn cầu nguyện hay chúc phước cho kẻ thù?

Cầu xin Chúa cho chúng ta, khi đứng trước những nan đề hầu như không thể vượt qua, hoặc cảm thấy hoàn toàn bất lực trước những khó khăn quá lớn, thì luôn nhớ rằng chúng ta chỉ cần yên lặng trong sự cầu nguyện, tin cậy và chờ đợi Chúa quyền năng hành động thì sẽ thấy được kế hoạch khôn ngoan, chiến lược diệu kỳ, và quyền năng vô giới hạn của Đức Chúa Trời phá đỗ mọi đồn lũy. Nhiều người cầu xin quyền năng của Ngài thể hiện trong trường hợp những rắc rối tâm lý, những nan đề trong xã hội. Nhưng sức mạnh vô hình của Ngài cũng phá đổ bất cứ mọi trở ngại, kể cả những khó khăn vật lý trong đời sống chúng ta!

Tường thành Giêricô là một trở ngại vật lý mà Chúa đã phá tan. Một con cái Chúa làm nghề xây dựng ngày kia đã lãnh một công việc với trách nhiệm dọn dẹp chung quanh nhà kia và phải phá tan 10 hòn đá to ra, hòn nào hòn nấy to bằng cái bàn hoặc to hơn. Không ngờ những hòn đá nầy là loại đá cứng nhất. Thử máy nhỏ xong đi mướn máy mạnh hơn, nhưng máy to đưa vào cũng dội ra, thử mãi mấy tiếng đồng hồ mà không thể làm nứt ra được. Mệt quá anh ta bắt đầu cầu nguyện xin Chúa giúp mình vì đã lỡ lãnh công việc nhiều tiền nầy rối. Cầu nguyện xong, anh thử lần nữa, thì anh vô cùng ngạc nhiên, chỉ trong mấy giây đồng hồ, hòn đá đầu tiên đó chẳng những nứt ra làm hai nhưng tự động bể ra thành 10 mảnh nhỏ lớn! Và từ lúc đó, chỉ trong nửa ngày, anh ta đã phá vỡ ra tất cả 9 khối nữa cách dễ dàng! Thật, Chúa có đủ quyền năng để phá đỗ mọi chướng ngại nếu chúng ta lấy đức tin nhờ cậy Ngài.

Kết luận: Cầu xin Chúa cho chúng ta có đủ sự kiên trì trong đức tin, nhịn nhục trước những lời cười chê, xem thường những lời xét đoán hay hăm dọa, chịu đựng những bắt bớ, xem nhẹ sự giàu có danh vọng, dứt khoát với thế gian, kiên nhẫn chịu đựng mọi thử thách, để ngày nào đó những người vô tín sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến mức nào và hiểu rằng không có chuyện gì mà Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta không thể làm được. Amen.

+++++++++++++

Phần 6 – “Đức Tin Biến Chúng Ta Thành Người Mới”

Nhập Đề: Trong thế gian nầy, những quyển sách bán chạy nhất là những quyển sách dạy người ta biết cách làm người, sửa đổi bản thân, tập luyện để có thêm tự tin, có khả năng điều khiển người khác, khắc phục hoàn cảnh, giải quyết nan đề, v.v. Nhưng nhiều người có đọc bao nhiêu cuốn sách rồi thì cuối cùng cũng tánh nào tật nấy.

Trong Chúa, người ta thấy từ thành thị đến thôn quê, từ miền núi đến đồng bằng, nơi nào người ta tìm đuợc đức tin của Tin lành, nơi đó những đời sống được biến đổi cách lạ lùng mà trên đời nầy không bao giờ có thể xảy ra, ví dụ như những con người nghiện ngập mấy mươi năm bởi những chất nghiện độc địa nhất mà lại được giải cứu cách lạ lùng.

Nếu những con người đó và những anh hùng đức tin đã chứng minh cho chúng ta là họ có một đời sống được hoàn toàn thay đổi, thì chúng ta là người “bình thường” đừng bao giờ đầu hàng trước những yếu đuối của mình, nhưng bởi đức tin hãy nhờ cậy quyền năng của Chúa để được trở thành những con người mới, để có đời sống luôn bày tỏ được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

  1. Đức tin phục hồi một dĩ vãng xấu xa.Hêbơrơ 11:31 – “Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám.

Theo chương trình mà quân Ysơraên chuẩn bị đánh chiếm Giêricô, thì họ được lệnh từ Đức Chúa Trời phải tiêu diệt hết mọi loài sống, kể cả đàn bà, con nít và thú vật. Vì cớ đó, người kỵ nữ (gái mãi dâm) tên Ra-háp là dân thành Giêricô không có một chút hy vọng nào để cô và gia đình mình sống còn. Nhất là cô làm cái nghề mà chính xã hội của cô xem thường. Nhưng Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng thương xót và ân điển trên đời sống cô và ban cho cô cơ hội vì cô dám mạo hiểm đặt đức tin nơi Ngài. Bởi đức tin cô Ra-háp đã cho phép các thám tử của dân Ysơraên đến trú ẩn trong nhà mình, giúp họ trốn thoát qua cử sổ vì nhà cô nằm trên vách thành. Vì dám che giấu và còn dám nói dối để bảo vệ sự trốn thoát của các thám tử người Ysơraên cô đã có cơ hội cầu xin họ tha cho cô và cho gia đình mình khi dân Ysơraên đánh chiếm thành Giêricô.

“Thành và tất cả những gì trong ấy đều phó dâng để diệt đi cho CHÚA; chỉ cô gái mãi dâm Ra-háp và tất cả những người cùng hiện diện trong nhà với cô được tha mà thôi, vì cô đã giấu các thám tử chúng ta sai đến.” (Giôsuê 6:17)

Lời cầu xin của cô bày tỏ đức tin của cô nơi Đức Chúa Trời của dân Ysơraên vì cô biết chắc dân tộc của cô sẽ bị tiêu diệt bởi dân của Đức Chúa Trời. Đức tin của cô cũng được thể hiện bằng sự vâng lời, vì cô đã treo môt sợi dây màu đỏ điều nơi cửa sổ nhờ đó chẳng những cô và gia đình được thoát chết nhưng cũng hưởng sự cứu rỗi dành cho con cháu Áp-ra-ham. Sợi dây đỏ điều đó là hình bóng của huyết Đấng Christ đã đổ ra để cứu chuộc một tội nhân có đời sống xấu xa như Ra-háp, cũng như tất cả chúng ta là những tội nhân đáng chết trước mặt Đức Chúa Trời. Ân điển Chúa còn được ban cho cô nhiều hơn nữa, vì sau đó, chẳng những cô và gia đình được thoát chết, nhưng họ cũng là những người dân ngoại đang ở dưới sự đoán phạt lại được trở thành dân Do-thái là dân được chọn của Đức Chúa Trời. Và điều vô cùng đặc biệt là cô đã trở thành mẹ của Bô-ô, Bô-ô là ông Cố của Vua Đa-vít, và như thế Ra-háp đã trở thành tổ tông của Đấng Christ trong phần xác! Thật là một vinh dự có một không hai cho một cô gái mãi dâm! Thật là ân điển của Đức Chúa Trời vô cùng lớn lao không có giới hạn. Sự cứu rổi của Ngài không phân biệt tội nhân nào hoặc hạng người nào trong xã hội nếu họ đặt đức tin mình nơi Chúa.

Nhiều người xưa nay cũng có đời sống còn tồi tệ hơn cả Ra-háp, điển hình là những người nghiện ngập đã từng làm những điều kinh khủng khiến cho xã hội nầy loại bỏ, và chính cha mẹ họ còn không muốn nhìn mặt. Nhưng tạ ơn Chúa, vì lòng thương xót, vì lòng nhân từ, và ân điển vô biên của Ngài, Ngài đã đem họ lên, và còn xử dụng họ như những mục sư chăm sóc những trung tâm cai nghiện, những cán sự cơ đốc giúp giải cứu người đang nghiện. Như Ra-háp, chẳng những họ đã cứu cả gia đình họ mà còn cứu vô số người khác nữa.

Nguyền xin Chúa cho chúng ta có đức tin của Ra-háp, của những vị mục sư như Nguyễn Thế Trung, Nam Quốc Trung, Phạm Đức Trung, Lê Minh Phương, v.v. không xấu hổ hay mặc cảm về quá khứ nghiện ngập và tội lỗi của mình, ăn năn đến với Chúa để nhận lấy hồng ân và lòng thương xót bao la của Ngài. Nguyện xin Chúa cho chúng ta sẵn sàng lìa bỏ mọi sự để theo Chúa, dám làm chuyện táo bạo và nguy hiểm khi tin nhận Chúa để mang chính mình và gia đình mình vào trong đại gia đình của Chúa và thấy được sự cứu rỗi cho linh hồn mình và con cháu mình.

  1. Đức tin biến người yếu đuối thành dũng sỉ. Hêbơrơ 11:32 – “Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri, thì không đủ thì giờ. 33 Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử,

Những anh hùng nầy thật ra không bao giờ dám nghĩ mình là anh hùng. Họ là những người yếu đuối và nhút nhát như chúng ta khi được Chúa sai đi. Họ đã trở nên anh hùng chỉ sau khi làm xong những công việc to tác nhờ bền chí trong đức tin, nhờ lòng tin cậy Chúa, dám hành động, và dám đứng lên làm điều Chúa muốn họ làm.

Khi mới được kêu gọi thì ai cũng e ngại. Gi-đê-ôn không dám nhận lời khen là “dũng sĩ” từ thiên sứ của Đức Chúa Trời. Ông sợ hãi khi được giao cho trách nhiệm nhưng cuối cùng vẫn thắng hơn dân Ma-đi-an. Ba-rác thì không dám lãnh đạo quân đội để chiến đấu nếu không có nữ tiên tri Đêbôra có mặt tại chiến trường với ông (Các Quan Xét 5:1-31). Trong các anh hùng đức tin, không ai có sức mạnh bằng Samsôn, nhưng cũng không có ai yếu đuối như Samsôn trước sắc đẹp phụ nữ. Nhưng tạ ơn Chúa, cuối cùng bởi đức tin và ơn thương xót của Đức Chúa Trời ông được cơ hội chết trong vinh dự khi xô sập ngôi đền khiến cho vô số dân Philitin bỏ mạng. Giép-thê thắng hơn dân Ammôn cách dễ dàng nhưng suýt một chút là ông đã phải giết chết con gái của mình khi nói một lời thề ngu xuẩn, “vô duyên” và thiếu suy nghĩ như nhiều người trong chúng ta. Đa-vít là một cậu thiếu niên mặt mày còn hồng hào, miệng còn hôi sữa, nhưng dám đương đầu với một tên võ sĩ vừa to con lớn xác vừa đầy kinh nghiệm chiến trường, nhưng nhờ nhơn Danh Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời vĩ đại ông đã được thắng hơn.

Không có người nào mà Hêbơrơ 11 nói đến thật sự xứng đáng là anh hùng hoàn hảo theo định nghĩa đời nầy. Tất cả những người đó đều có nhiều nhược điểm. Nhưng, vì lòng thương xót và ân điển lớn lao của Đức Chúa Trời Ngài VẪN XỬ DỤNG HỌ để mang đến kết quả cho chương trình lớn lao của Ngài. Vì tiêu chuẩn của Ngài luôn là bày tỏ sự vinh hiển của Ngài qua những con người yếu đuối. Nghĩ đến những con người yếu đuối đó, tôi luôn cảm thấy được KHÍCH LỆ và thêm CAN ĐẢM khi được Chúa giao cho bất cứ nhiệm vụ nào. Chúng ta đừng e ngại hay sợ hãi khi nhìn vào những khuyết điểm của mình khi được Chúa giao cho trách nhiệm. Tôi thấy những vị mục sư được hội đồng bầu lên làm Hội Trưởng hay Giáo hạt trưởng đều run rẩy lo sợ, nhìn nhận mình không đủ khả năng, và trong dòng nước mắt ràn rụa họ nhờ mọi người cầu thay cho mình. Nhưng không ai từ chối trách nhiệm.

Nguyền xin Chúa cho chúng ta dám bước đi bằng đức tin, giao cuộc đời mình cho Chúa sử dụng để Ngài bắt đầu làm những công việc lớn lao trong đời sống mình. Rồi nhiều lần trong đời sống chúng ta sẽ ngạc nhiên thốt lên: “Ngợi khen Chúa, Ngài quá lạ lùng, quá khôn ngoan! Quyền năng Ngài thật đáng kinh ngạc! Chính Ngài đã làm những điều lớn lao đó chứ không phải tôi!”

3. Đức tin giúp cho người tầm thường làm được việc vĩ đại.  

Hêbơrơ 11:33-35 – “Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử, 34 tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn 35 Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn.

Đó là tác giả nói đến tất cả những anh hùng trong Cựu Ước là những vị vua như Đavít đã bởi đức tin dám đối mặt với kẻ thù to lớn, đông hơn hay mạnh hơn, đã nhơn Danh Đức Giêhôva mà thắng những chiến trận lớn lao. Đó là những anh hùng đã vượt qua những hoàn cảnh đầy hiểm nguy, đầy tuyệt vọng, và cùng đường. Đó là Đaniên thà bị vua bỏ vào hầm có đầy sư tử đói chứ không ngừng công khai cầu nguyện với Đức Chúa Trời mình. Làm thế nào mà những con sư tử đang đói, không phải sư tử hát xiệc hay sư tử của Holywood, mà lại không ăn thịt một con người yếu đuối bị quăng vào hang của chúng? Người không biết Chúa sẽ không thể nào tin rằng đó là chuyện thật. Chúng ta có nghi ngờ về câu chuyện thật nầy không? Người không biết Chúa không thể chấp nhận rằng chuyện của Đaniên hay của ba người bạn của ông bị ném vào một lò lửa hừng hực mà không bị chết cháy là chuyện thật. Nếu không biết Chúa không ai dám tin rằng một người đã chết có thể sống lại được. Làm sao Êli có thể giúp cho đứa con trai của người đàn bà goá ở Sarépta đã chết mà được sống lại (1Các vua 17)? Làm sao Êlixê có thể giúp cho đứa con trai của người nữ Sunem có thể trở lại từ cỏi chết sau mấy ngày? (2 Các vua 4)

Đối với người có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời toàn năng, khi họ kêu cầu Chúa và biết nhờ cậy Ngài thì Đức Chúa Trời sẽ hành động. Vì những người đó dám sống bởi đức tin trong khi nhiều người nghi ngờ và cười chê sự “ngây ngô” của họ. Nhưng, khi Đức Chúa Trời hành động thì KHÔNG CÓ VIỆC CHI NGÀI KHÔNG LÀM ĐƯỢC! Ngày nay Đức Chúa Trời vẫn còn đang làm những việc vô cùng vĩ đại và khó tin cho người vô tín. Chúng ta chỉ cần có một đức tin đơn sơ và nhỏ như hạt cải thì phép lạ sẽ xảy ra. Vì phép lạ không nằm ở nơi sức mạnh của đức tin nhưng ở quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời!

Có một người kia bị kẻ thù đánh bị thương, mất máu, ném xuống biển có nước lạnh cóng. Nhưng khi kêu cầu Chúa thì Ngài làm cho thân thể người đó ấm lại và khoẻ mạnh bình thường trong 15 tiếng đồng hồ cho đến khi có tàu khác vớt lên!

Một người kia vì tin Chúa bị kẻ thù cởi áo treo trên cây ngoài trời tuyết lạnh với bầu không khí dưới không độ. Đêm đó, kẻ thù chứng kiến thấy khi tuyết rơi trên thân người đó thì nó chẳng những tan đi mà còn bốc hơi lên cách lạ lùng. Sáng ra, thấy người đó không chết cóng và thân thể không bị tím bầm. Họ sợ quá thả đi và từ đó không dám bắt bớ người đó nữa.

Kết luận:  Đức tin của những người như vậy và những anh hùng đức tin trong Kinh Thánh đã tạo ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến vô số đời sống xưa nay. Hôm nay, đến lược quý ông bà anh chị em phải tiếp tục sống bởi đức tin để ảnh hưởng cách tích cực đến đời sống những người mới tin Chúa và bao nhiêu người khác chung quanh chúng ta. Nhưng để có đức tin mạnh mẽ đó, thì đời sống chúng ta phải được BIẾN ĐỔI, phải được TRƯỞNG THÀNH càng ngày càng giống Chúa hơn.

Cầu xin Chúa cho chúng ta siêng đọc Lời Chúa, học đòi theo gương các anh hùng đức tin, dám sống bằng đức tin theo gương họ, can đảm vâng phục và làm những gì Chúa muốn chúng ta làm, vì đó là cách mà Chúa sẽ biến đổi chúng ta, từ con người xấu xa yếu đuối trở nên những anh hùng đức tin có những việc làm táo bạo và mạnh mẽ mang đến vinh hiển cho Danh Ngài. Amen.

+++++++++++++

Phần 7 – “Phải Trả Giá Để Trở Thành Anh Hùng Đức Tin”

Dẫn nhập: “Tin Chúa đi sẽ được phước! Gia đình tôi ngày xưa nghèo dữ lắm, từ ngày tin Chúa Ngài cho chúng tôi làm ăn phát đạt khá giả!” Đó không phải là mục đích tối hậu của Chúa khi Ngài cứu chúng ta. Chúa Giê-su không bao giờ hứa cho con cái Ngài một cuộc đời dễ giải khi bước đi theo Ngài, nhưng Ngài thẳng thắng cho chúng ta biết đó là con đường hẹp, con đường của thập tự giá.

Cho nên chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy những người theo Chúa lại có đời sống thường bị thử thách và gian nan. Chúng ta đừng ngạc nhiên hay phàn nàn oán trách Chúa khi gặp những hoàn cảnh khó khăn hay thử thách.      

  1. Đức tin thật nhiều khi phải trả những giá rất đắc.

Hêbơrơ 11:35-38 “Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. 36 Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích, lao tù nữa. 37 Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, 38 thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi trong hang, trong những hầm dưới đất.

Đức tin giúp cho người có đức tin nhìn thấy những phép lạ phi thường khi nó chưa xảy ra, thấy người chết sống lại khi họ còn nằm đó không động đậy. Việc đó không phải chỉ có trong Kinh Thánh, nhưng xảy đến thường xuyên trong lịch sử hội thánh suốt 2000 năm qua và ngay trong thời đại 4.0 nầy.

Một mục sư đầy đức tin vào ngày thứ Bảy kia bước lên một chiếc tàu buồm để sang bờ hồ bên kia để sáng hôm sau truyền giảng cho hội thánh ở đó. Ông thuyền trưởng nói rằng chiều nay chắc chưa đi được vì trời không có chút gió. Ông Mục sư vào phòng cầu nguyện. Cầu xong ông nói với vị thuyền trưởng: Ông căng buồm lên đi, tôi đã cầu nguyện với Chúa và gió sắp lên rồi. Vị thuyền trưởng tức cười trong bụng. Thật vậy chỉ tronrg chốc lát, gió thình lình thổi lên, và đêm đó tàu rời bến nên vị mục sư đã đến kịp giờ truyền giảng. Người có đức tin luôn thấy phép lạ xảy ra trước khi nó xảy đến.

Nhưng đức tin của chúng ta nhiều khi sẽ khiến cho bị thế gian bắt bớ, ghen ghét, cười chê nhạo báng, bị kiện cáo cách oan ức, bị lao tù, bị đày, phải trốn chui trốn nhủi nơi hầm mộ, bị xiềng xích, bị tra tấn, bị ném đá, bị giết, bị thiêu sống hay thú dữ xé xác,… Hiện nay tại Paris và thành Rome, vẫn còn những hầm mộ dưới những thành nầy, là nơi trong thời các Sê-sa cai trị người ta đào bới để lấy đá cẩm thạch, nơi đó vẫn còn hàng triệu mồ mã của những Cơ đốc nhân đã phải lẫn trốn, chết, và được chôn dưới đó vì họ bị bắt bớ vì niềm tin của họ. Có phải vì đức tin họ bị sai trật mà họ gặp những việc đó chăng? Không. Chính vì họ ít quan tâm đến những gì thuộc về đời nầy, xem thường những gì mà người khác cho là có giá trị. Nhưng đối với họ, chính linh hồn họ có giá trị hơn mọi thứ trên thế gian đến đổi thế gian nầy là nơi không đáng, không đủ giá trị cho những con người cao quý như họ. Câu 38 trong Bản NIV nói: “The world was not worthy of them”. Bản New Living dịch: “They were too good for this world”, nghĩa là, “họ quá cao trọng so với thế gian nầy.” Thế gian tồi tàn nầy không xứng đáng làm nơi ở cho những người dân thiên quốc sáng láng hay cho những người con của Đức Chúa Trời vĩ đại cao quý. Và đó là bí quyết vì sao họ có thể giữ vững đức tinchịu nỗi những thử thách nặng nề như vậy. Dù họ được sống trong sung sướng hay chịu lao tù, roi đòn hay tra tấn, họ đều được Chúa vui lòng và những anh hùng đức tin nầy chỉ trông đợi một điều: ngày được về tới quê hương thật của họ, vô cùng quý giá, và đầy phước hạnh trường cửu nơi thiên quốc.

Cũng vì thế mà nhiều khi người ta nhận thấy dường như họ không biết hận thù với những kẻ đối xử tàn ác với họ và họ có vẽ vô cảm trước những bất công và gian ác gây cho họ. Đối với họ, thà họ dành thì giờ chiến đấu cùng quyền lực tối tăm để giải cứu bà con thân hữu họ khỏi sự cai trị của ma quỷ để được một cuộc sống phước hạnh trường cửu. Đối với họ, thà họ dành hết sức lực để chiếm đoạt những tài sản thuộc linh tồn tại đời đời còn hơn là để được đất đai tiền của tạm bợ trên đời nầy. Thà họ dành thì giờ hợp tác với nhau để xây dựng Nước Trời vinh hiển còn hơn là liên kết với người thế gian để rồi bị cám dỗ phải dự phần vào những âm mưu gây đổ máu, vũ lực và những trò lường gạt để hưởng thụ vật chất hay tiền bạc. Không, dưới ánh mặt trời nầy không có nơi nào xứng đáng để con dân của Đức Chúa Trời cao cả sinh sống hay hưởng thụ lâu dài.

Nguyền xin Chúa cho chúng ta cũng có cái nhìn tương tự, để không vì quá ham mê vật chất hay quyền thế mà rơi vào cạm bẩy của Satan, để chúng ta sẵn sàng chấp nhận những mất mát vì đức tin của mình nơi Chúa.

  1. Đức tin kết nối chúng ta với những anh hùng đức tin trong Kinh Thánh.

Hêbơrơ 11:39-40 – “Hết thảy những người đó dầu nhân đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. 40 Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho NGOẠI CHÚNG TA RA họ không đạt đến sự trọn vẹn được.”

Câu nầy nói về tất cả những anh hùng đức tin mà tác giả liệt kê trong đoạn Kinh Thánh nầy, tức là những anh hùng đức tin trong Cựu Ước; nhưng danh sách nầy KHÔNG BỊ GIỚI HẠN và bao gồm luôn những anh hùng từ thời sau Chúa như các Sứ đồ, Ê-tiên, Phao-lô, Ti-mô-thê, những người khác như Martin Luther, Hudson Taylor, A.B. Simpson, Jaffrey, J.D. Olsen, Tống Thượng Tiết, Lê Văn Thái, Đoàn Văn Miêng, Billy Graham, Rick Warren, v.v. kể cả quý bạn và tôi là người đang đóng góp vào việc xây dựng nước Trời trong thời nay! Những anh hùng đức tin trong thời Cựu Ước là những người được Chúa khen ngợi và lấy làm vui lòng nên đời sống họ đã được ghi vào Kinh Thánh để làm gương cho chúng ta. Nhưng họ vẫn còn thiếu một điều: Đó là họ đã sống trong đức tin, đã chịu khổ vì đức tin, “đã xong sự chạy”, nhưng họ VẪN CHƯA NHẬN ĐƯỢC những gì mà Chúa hứa cho họ. Trong khi đó chúng ta ĐÃ NHẬN ĐƯỢC những gì mà Chúa hứa cho họ, ít lắm đã nhận được một phần quan trọng những phước hạnh mà họ đã trông đợi!

Những anh hùng đã sống bởi đức tin, đã chiến đấu trong thử thách, và kiên trì trong đức tin trong khi chưa nhận lãnh những gì Chúa hứa. Họ đều chết trước khi Đấng Christ đến thế gian, trong khi chúng ta thì đã nhận được Ngài, biết Ngài, và được Ngài sống trong tâm hồn mình.

Họ chỉ thấy hình bóng, chúng ta được thấy chính Chúa.

Họ chỉ dâng chiên sinh tế. Chúng ta có Chúa Jêsus là Chiên Sinh Tế của ĐCT.

Họ thấy Chúa Cứu Thế từ xa. Chúng ta biết Ngài cách cá nhân!

Họ chỉ biết Ngài cách sơ sơ. Chúng ta biết quá nhiều về Ngài.

Họ chỉ được nghe đọc Lời Chúa lâu lâu một lần. Chúng ta được có cả bộ KT trong tay!

Họ chỉ thấy một tia sáng leo lét. Chúng ta thấy ánh sáng rực rỡ của Chúa Cứu Thế!

Chúng ta hơn họ quá nhiều! Nếu họ có thể có đời sống đắc thắng và làm những việc lớn lao, thì chúng ta không có lý do nào để có đời sống thất bại trước thử thách và tội lỗi! Đó là bài học mà tác giả muốn chúng ta học qua đoạn Kinh Thánh nầy.

Kết luận cho bài học cuối và cho loạt bài học nầy:

Giáo sĩ Robert Morrison lên tàu sang Trung Hoa ngày 12 tháng 5, năm 1807. Sau khi cố gắng truyền giảng 7 năm, ông chỉ mang được 1 linh hồn về cho Chúa. Sau 27 năm hầu việc Chúa ông qua đời mà kết quả cũng không được bao nhiêu. Dù vậy trong nhật ký ông đã ghi lại rằng ông vẫn tin chắc là Đức Chúa Trời sẽ làm việc lớn lao để cứu hàng triệu người khác tại quốc gia nầy.

Thật vậy, một thời gian sau, một số các giáo sĩ khác, trong đó có Hudson Taylor đã nối tiếp công việc truyền giáo tại đây, và đạo Tin Lành đã dần dần lan truyền khắp lục địa nầy dù gặp nhiều nghi ngờ và chống đối. Sau khi Mao Trạch Đông nắm lấy chánh quyền (1949), lúc đó chỉ có khoảng 700 nghìn Cơ đốc nhân ở Trung Quốc. Ai cũng nghĩ rằng Tin Lành sẽ bị tiêu diệt. Nhưng 30 năm sau, vào năm 1980, số tín hữu đã tăng đến 10 triệu, và hiện nay người ta ước lượng đã có trên 130 triệu tín hữu!

Giáo sĩ Robert Morrison qua đời mà không thấy được những kết quả mà ông mong đợi, nhưng bởi con mắt của đức tin ông biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó. Đó là đức tin “đơn sơ” của những anh hùng đức tin trong Hêbơrơ 11 nầy và trong Hội thánh Chúa khắp thế giới suốt 2000 năm, cũng như ở Việt Nam hơn 120 năm qua. Đức tin họ đơn sơ và thành thật đã tin cậy nơi quyền năng của Chúa, nên chính Ngài đã đáp ứng và làm việc vĩ đại trong đời sống họ.

Những bậc tiền nhân như Giáo sĩ Morrison đã ĐỂ LẠI NHỮNG TẤM GƯƠNG hy sinh và đức tin cao độ cho các thế hệ sau noi theo. Công việc và công khó của họ chưa chấm dứt. Phần thưởng mà Chúa dành cho họ TÙY THUỘC VÀO công việc của những kẻ đi sau đã và đang noi theo gương của họ, trong đó có chúng ta. Đó là lý do tại sao “ngoại chúng ta ra họ không thể đạt đến sự trọn vẹn được.” (c. 40)

Thách thức cho chúng ta: Đức tin của mỗi Cơ đốc nhân đều có liên hệ đến chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Dù đức tin của chúng ta không vĩ đại, nhưng ai cũng có tiềm năng để mang đến sự cứu rỗi cho nhiều người khác. Ai cũng có tiềm năng để trở thành một anh hùng đức tin cho những người thuộc thế hệ trẻ hơn và đến sau chúng ta. Công việc của bạn và tôi chưa chấm dứt khi chúng ta qua đời. Công khó của chúng ta không vô ích đâu, vì sẽ TRỞ NÊN GƯƠNG MẪU cho nhiều thế hệ về sau.

Ai trong chúng ta sẽ là những anh hùng đức tin nối tiếp cho những anh hùng trong Hêbơrơ 11? Tại sao không phải là bạn và tôi? Ai trong chúng ta sẽ là những anh hùng đức tin cho các thế hệ nối tiếp? Tại sao không phải bạn và tôi? Bạn có sẵn sàng đáp lại tiếng gọi hay lệnh sai đi của Chúa không? Tại sao không??? Bạn có dám đứng lên sẵn sàng chịu khổ vì Chúa không? Có sẵn sàng trả giá, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng rời khỏi chỗ đứng dễ chịu của bạn để bước đi bằng đức tin và làm những công việc đầy khó khăn mà Chúa muốn bạn làm không? Bạn có những mơ ước lớn lao cho sự cứu rỗi của con cháu mình và của hàng triệu đồng bào mình không? Có ai đã nghe lệnh sai đi của Chúa bảo đi xuống những vùng nghèo khổ hay lên những miền rừng núi trắc trở để rao truyền Phúc Âm cho người hư mất? Tại sao không phải là bạn? Lý do gì mà bạn phải chần chờ?

Đây là một lý do sẽ giúp cho bạn quyết định. Lời Chúa nói: “Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta…” Thật vậy, những anh hùng đức tin trong Cựu Ước đã có cơ hội làm những việc lớn lao đáng ghi vào Kinh Thánh. Nhưng những việc mà Chúa dành cho chúng ta có khả năng là những “điều tốt hơn”, tức là chúng ta có tiềm năng để làm những VIỆC TO TÁC HƠN những anh hùng đức tin mà tác giả nói đến! Chúng ta có dám tin rằng bởi ân điển và quyền năng vô hạn của Ngài, Đức Chúa Trời có thể làm qua đời sống bạn những việc LỚN LAO HƠN cả những công việc của các anh hùng đã được ghi trong Thánh Kinh chăng?

Bản danh sách Hêbơrơ 11 nầy chưa bị đóng lại, nhưng còn rất nhiều chỗ trống. Trong đó sẽ có tên của bạn hay không?

Chúa sẽ ghi gì trong danh sách đó? “Bởi đức tin, ___________________ (tên của bạn) đã làm gì: __________________________________ và kết quả như sao?

Người anh hùng đức tin Việt Nam kế tiếp trong danh sách nầy sẽ cứu được 50 nghìn người sẽ là ai? Tại sao người đó không phải là ________________ (tên của bạn).

Một mục sư người Phi châu ở Sierra Leone là người muốn mang đạo Chúa cho dân tộc của ông toàn là người Hồi Giáo. 20 năm trước, ông bị đủ thứ bắt bớ tù tội và đánh đập. Nhưng sau 20 năm, ông đã làm hội trưởng của một tổ chức có 400,000 tín hữu.

Nguyền xin Chúa cho mỗi chúng ta đứng lên, DÁM SỐNG BỞI ĐỨC TIN, giơ cao ngọn đuốc Tin Lành để dẫn đưa hàng nghìn người đến với Chúa, và làm gương tốt cho thế hệ đến sau trước khi chúng ta qua đời, hoặc trước khi Chúa Cứu Thế yêu dấu của chúng ta trở lại. Amen.

Mục sư Nguyễn Duy Tân

Tháng 11, 2018


Comments

Bài Học: “DÁM SỐNG BỞI ĐỨC TIN” Hê-bơ-rơ 11 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *