Giấu Lời Chúa Trong Lòng
Giấu Lời Chúa Trong Lòng
Mục sư Nguyễn Duy Tân – © 2018 TinLanhLibrary.com
Nhập đề: Mẹ tôi hiện giờ đã hơn 95 tuổi nhưng tôi tin rằng bà vẫn có thể đọc thuộc lòng nhiều khúc KT như Thi 1, Thi 23, Thi 91, Luca 2, v.v. mà Bà đã học thuộc lòng từ lúc còn bé và vẫn còn dùng những câu Kinh Thánh đó để an ủi những ai đang có nhu cầu.
Tôi nhớ lúc 10 tuổi tôi có tham dự thi học thuộc lòng Thi Thiên 91. Tôi đã thi chung với nhiều người lớn tuổi trong hội thánh và đã đoạt được giải nhất vì không trật một lỗi nào. Ngày nay, sau 58 năm tôi vẫn còn nhớ rất nhiều câu trong đoạn Kinh Thánh đó. Và những câu đó đã từng mang đến rất nhiều an ủi cho đời sống tôi khi gặp hoạn nạn, thử thách.
Ngày nay, nhiều người cho rằng, khi học Lời Chúa điều quan trọng là hiểu ý nghĩa và chân lý của Lời Ngài, chớ không nên học thuộc lòng như con két là cách học cổ hủ. Ðúng là khi học thuộc lòng, phải lập đi lập lại như con két, nhưng con két đọc thuộc mà không hiểu chi; còn con người chúng ta càng thuộc thì càng hiểu Lời Chúa cách sâu nhiệm hơn, càng áp dụng Lời Chúa thì càng kinh nghiệm tình yêu và quyền năng của Ngài nhiều hơn.
Có người cho rằng ngày nay người ta không học Lời Chúa cách tẩy não như ngày xưa. Tẩy não là sao? Đó là khi ai đó bắt buộc người ta học những điều giả dối cho nhiều đến đổi người ta tưởng sự giả dối đó là thật. Nhưng Lời Chúa là chân lý cho nên ai càng học nhiều thì càng hiểu biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải phóng người đó, sẽ có lợi cho người học, giúp họ tránh xa con đường nguy hại của tội lỗi, như lời Đa-vít tự nhắn nhủ chính mình: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa.” (Thi Thiên 119:11).
Hôm nay tôi muốn quý ông bà anh chị em nghiên cứu qua những ích lợi nào mà chúng ta có được khi học thuộc lòng Lời Chúa và giấu Lời Ngài trong lòng.
- Thuộc Lời Chúa giúp cho chúng ta được tinh sạch:
Philíp 1:9,10: ‘’Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự THÔNG BIẾT và sự SUY HIỂU, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được TINH SẠCH không chỗ trách được, cho đến ngày Ðấng Christ.”
Học hỏi Lời Chúa giúp biến đổi đời sống chúng ta, từ những con người ích kỷ trở nên người chan chứa tình yêu thương, từ những con người sống trong tối tăm và dốt nát trên phương diện thuộc linh, trở nên những người có đầy “sự thông biết” và “suy hiểu.”
“THÔNG BIẾT” là knowledge, là biết những gì mà người thế gian nầy không biết được, dù họ là người có học thức trên đời. Ngày 14 tháng 3 vừa qua, nhà khoa học gia Stephen Hawkins lừng danh đã qua đời. Ông là một nhà bác học. Ông học biết rất nhiều, hiểu rộng hơn phần đông mọi người trên thế gian nhất là ngành thiên văn. Nhưng ông không muốn chấp nhận rằng thế giới lạ lùng nầy do Đức Chúa Trời tạo dựng.
“Suy hiểu” là understand, là biết suy nghĩ đến những gì bí ẩn phía sau những điều mắt thấy tai nghe, những bài học phía sau những biến cố hay thử thách, hiểu được những gì giấu kín trong Lời Chúa, hoặc những gì Chúa muốn chúng ta dùng để khích lệ người khác, hoặc nói riêng với chúng ta để chúng ta làm theo hầu cho đời sống ta được biến đổi, được tinh sạch, và thánh hóa.
Để có những sự thông hiểu và suy hiểu đó, chúng ta phải ghi nhớ Lời Chúa trong lòng mình. Để “nhớ”, chúng ta phải học thuộc lòng, để “học” thì chúng ta cần cố gắng, cần quyết tâm và tự kỷ luật. Chúng ta cần lập đi lập lại, cần ghi chép, cần ôn đi ôn lại, cần cầu nguyện để Chúa thêm sức và them ơn.
- Thuộc Lời Chúa giúp cho sự cầu nguyện của chúng ta được thêm hiệu quả:
Giăng 15:7 “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.”
Làm sao Lời Chúa ở trong chúng ta nếu chúng ta không học thuộc lòng những lời dạy của Chúa? Nếu chúng ta không nhớ những lời dạy của Chúa, đôi khi chúng ta không biết cách cầu nguyện, không biết nói lời gì, không biết lúc nào nên cầu, không biết điều chi cần xin, không biết trường hợp nào cần kêu cầu cùng Chúa v.v… Nhờ ghi nhớ Lời Chúa, chúng ta có thể dùng những lẽ thật và Lời hứa của Ngài mà cầu nguyện và nói chuyện với Chúa cách dễ dàng hơn.
Ví dụ: “Chúa ôi, Chúa hứa với chúng con rằng, hãy kêu cầu ta Ta sẽ trả lời …”
Hoặc: “Chúa đã hứa với chúng con “nơi nào có đôi ba người nhóm nhau lại thì có Chúa ở giữa…”
Hoặc: Lời Chúa nói rằng “Bởi lằn roi Ngài chịu chúng con được lành bệnh…” Nhờ có Lời Chúa ở trong chúng ta, chúng ta được ở trong Chúa, chúng ta biết cầu xin theo Lời Chúa, đúng với ý Chúa, theo sự hướng dẫn của Ðức Thánh Linh, vì thế sẽ được Chúa nhậm lời.
- Thuộc lòng Lời Chúa giúp chúng ta dễ làm chứng khi có cần:
Công vụ 8:35,36 – “Hoạn quan cất tiếng nói cùng Phi-líp rằng: Tôi xin hỏi ông, đấng tiên tri đã nói điều đó về ai? Có phải nói về chính mình người chăng, hay là về người nào khác? 35 Phi-líp bèn mở miệng, bắt đầu từ chỗ Kinh Thánh đó mà rao giảng Đức Chúa Jêsus cho người.”
Khi Philíp chạy theo hoạn hoan Êthiôpi, ông không có cuốn Kinh Thánh nào trong tay, nhưng khi nghe ông quan nầy thắc mắc về một câu Kinh Thánh thì ông biết ngay vị quan nầy đang đọc Ê-sai đoạn 53. Ông biết khúc Kinh Thánh đó nói gì và mở miệng bắt đầu nói về Chúa Giêxu… Những người có kinh nghiệm làm chứng đều đồng ý rằng, càng thuộc nhiều câu KT càng dể cho họ làm chứng và dễ có kết quả hơn. Khi chúng ta cầm quyển Kinh Thánh trong tay, thì người thân hữu thường lo sợ và muốn tránh chúng ta. Nhưng khi không có Kinh Thánh trong tay, thì chúng ta dễ đến gần họ, trò chuyện cách tự nhiên cho đến khi có cơ hội thì chúng ta lấy Lời Chúa có sẵn trong lòng mà nói với họ.
- Thuộc Lời Chúa giúp chúng ta tìm được sự khích lệ khi có cần:
Côlôse 3:16, “Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan.”
Chữ “ở đầy trong lòng” trong nguyên văn là “indwell” có nghĩa là Lời Chúa như một nhân vật đang sống bên trong tấm lòng chúng ta. Học thuộc Lời Chúa giúp cho Lời Ngài “ngự trong” chúng ta và trở nên như một vị thầy ở với chúng ta, như là nguồn của khôn ngoan “dư dật” bên trong tâm trí và tình cảm chúng ta. Trong bất cứ bối cảnh nào, dù có cầm một quyển Kinh Thánh trong tay, chưa chắc gì chúng ta có thể tìm được một câu Kinh Thánh nào đó để an ủi hay khích lệ chính mình hoặc để an ủi người khác. Nhưng nhờ đã thuộc nhiều câu Kinh Thánh, Đức Thánh Linh có thể dùng một câu nào đó để nhắc nhở, soi sáng, khích lệ, hay an ủi chúng ta, hoặc Ngài dùng lời nào đó để giúp chúng ta có một lời khuyên đầy khôn ngoan giúp ích cho một người bạn đang cần.
- Thuộc Lời Chúa giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn khi học Kinh Thánh:
2Timôthê 3:16 – “Cả Kinh Thánh đều là bởi Ðức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.”
Thường là Kinh Thánh sẽ tự giải nghĩa Kinh Thánh. Vì tác giả của Kinh Thánh chính là Đức Chúa Trời, nên mọi chân lý đều có sự đồng nhất. Câu nầy làm sáng tỏ câu kia, đoạn nầy giải nghĩa cho đoạn khác. Cho nên khi đọc Kinh Thánh nếu chúng ta đã có học thuộc và hiểu nhiều câu gốc khác nhau, thì sẽ thấy Lời Chúa càng dể hiểu hơn khi nghiên cứu Lời Ngài. Khi đọc và nghiên cứu đoạn nào đó, Đức Thánh Linh sẽ dùng những câu Kinh Thánh mà mình đã học thuộc để giúp chúng ta hiểu được đoạn Kinh Thánh đang học đó cách rõ ràng hơn, sâu nhiệm hơn, và không bị hiểu sai.
- Thuộc Lời Chúa giúp chúng ta khỏi phạm tội và không bị sai lạc:
Thi 119:11 – “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa.”
Thi 37:31 – “Luật pháp của Ðức Chúa Trời người ở trong lòng người; bước người không hề xiêu tó.”
Trước những cám dỗ, nếu chúng ta có Lời Chúa trong lòng thì lương tâm của chúng ta cũng như Đức Thánh Linh sẽ dùng Lời Ngài mà nhắc nhở chúng ta, cảnh tỉnh chúng ta để giúp chúng ta thắng hơn sự cám dỗ từ thế gian và tội lỗi.
Trong thời kỳ cuối cùng nầy, người ta bắt đầu thấy có rất nhiều tà giáo nổi lên y như Lời Chúa đã nói trước. Chúng ta biết tà giáo Mormon và Chứng Nhân Giêhôva rồi. Gần đây, người ta thấy nhiều người Việt Nam đang chạy theo ta giáo “Đức Chúa Trời Mẹ.” Thật ra thì cũng không có gì mới lạ, vì Công Giáo đã thờ Đức Mẹ từ lâu rồi, họ xem Đức Mẹ như là Nữ Vương của Thiên Đàng. Trên hết là Đức Chúa Cha, kế đến là Đức Mẹ, rồi mới đến Đức Chúa Con. Tà giáo mới nầy cũng tin có Đức Chúa Trời Cha, cũng có Đức Chúa Trời Mẹ, và Đức Chúa Con và nhiều lẽ đạo vô cùng sai trật. Nhưng tại sao có nhiều theo? Vì họ tham tiền, nhất là những người ham chức và ham đồng lương cao khi làm mục sư cho tà giáo nầy. Nhiều tín hữu đã theo tà giáo nầy vì họ không hiểu Lời Chúa cách rõ ràng. Vì cớ đó, trong thời kỳ sau rốt nầy, con cái Chúa phải học thuộc Lời Ngài, càng nhiều càng tốt nếu muốn xa lánh đường lầm lạc và gìn giữ linh hồn mình.
- Thuộc Lời Chúa khiến cho đức tin được mạnh mẽ trong cơn thử thách:
Rôma 15:4 – “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.”
Thi Thiên 119:52 – “Hỡi Ðức Giê Hô Va, tôi đã nhớ lại mạng lệnh Ngài khi xưa, nên tôi được an ủi.”
Lời Chúa được chép để dạy dỗ chúng ta. Nhưng nhiều người thường không chịu học bằng lý thuyết, nên Chúa thường dùng những hoàn cảnh khó khăn, những thử thách đầy đau đớn để dạy họ và giúp họ trưởng thành. Trong những hoàn cảnh đầy thử thách và khổ nạn, đối với người có thuộc nhiều Lời Chúa thì những đìều đó sẽ giúp họ học được sự nhịn nhục để chịu đựng những khó khăn, được yên ủi trước thất bại, được mạnh mẽ trong đức tin, và trưởng thành hơn trong Chúa.
Kết luận: Trong khi thế gian ngày nay người ta tìm kiếm lối sống đầy gian ác, ích kỷ, lường gạt lẫn nhau, giành nhau tiền bạc, quyền thế, … để tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc giả tạo, thì chúng ta là con cái Chúa có Lời của Ðức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm để giúp cho chúng ta vững mạnh trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi trạng thái của tâm hồn và cảm xúc, mọi khó khăn và thử thách. Nhưng không phải lúc nào chúng ta của có quyển Kinh Thánh bên mình, không phải lúc nào chúng ta cũng biết chổ nào đúng để đọc khi có cần. Chỉ khi nào Lời Chúa được ghi sẳn trong lòng chúng ta thì Ðức Thánh Linh mới có thể dùng để nhắc nhở chúng ta, mở trí chúng ta, và giúp chúng ta hiểu biết, được yên ủi và đứng vững trong đức tin.
Tôi xin chia sẻ cùng quý ông bà anh chị em một phương pháp hữu hiệu để học thuộc Lời Chúa. Chúng ta cần sử dụng nhiều giác quan của mình để học cho mau thuộc và khó quên. Chúng ta phải…
– dùng tay để viết (chép từng câu vào một quyển tập nhỏ, bỏ túi để học thường xuyên)
– dùng mắt để xem
– dùng miệng để đọc lớn tiếng
– dùng tai để nghe những gì mình đọc
– vừa đọc vừa suy gẫm
– đọc với hết tất cả tình cảm của mình (nhấn mạnh những chữ quan trọng và diễn tả)
– Lập đi lập lại nhiều lần (ít lắm 10 lần, trung bình 15 lần)
– Ôn lại bằng trí nhớ (nhắm mắt lại để đọc, nhờ một người bạn dò bài)
– Cầu nguyện và nhờ cậy Đức Thánh Linh mở lòng mở trí và giúp ghi vào trí nhớ.
Nguyền xin Chúa giúp cho quý ông bà bắt đầu tập học thuộc Lời Ngài để kinh nghiệm được phước hạnh của người giấu Lời Chúa trong lòng mình. Amen.
Comments
Giấu Lời Chúa Trong Lòng — No Comments