HomeGĐTM GIẢI ĐÁP THẮC MẮCGĐTM.Giải Đáp TM Linh TinhGiải Đáp Thắc Mắc – Tại sao không được ăn huyết

Mục sư Nguyễn Duy Tân

T.N. hỏi: “Chúa dạy chúng ta kiêng ăn huyết và thú vật chết ngộp. Vậy con hỏi ta ăn trứng vịt lộn có được không ạ? Các loài cá biển ướp đá không qua mổ thì có coi là thú vật chết ngộp ko ạ?”

Giải Đáp: Trước hết chúng ta nên hiểu rằng Chúa không cấm loài người ăn thịt, chỉ muốn cho chúng ta không nên ăn thịt của những con thú chưa đổ huyết ra hết, hoặc không ăn thú bị giết cách chết ngột vì huyết nó vẫn còn trong thịt. Sau cơn nước lụt Chúa căn dặn Nô-ê cách rõ ràng:

Sáng. 9:3,4 —Phàm vật chi hành động và CÓ SỰ SỐNG thì dùng LÀM ĐỒ ĂN cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh. Song các ngươi không nên ăn thịt CÒN HỒN SỐNG, nghĩa là CÓ MÁU.”

 Như vậy, ngày nay nếu muốn đi sát với Lời Chúa, chúng ta cũng cần biết người ta có làm cho bò heo đổ huyết ra hết trước khi xả ra thành thịt không? Câu trả lời là có. Sau khi cho điện giật, người ta treo con thú lên, quay đầu xuống, thọc huyết cho máu chảy ra hết. Gà vịt cũng được làm như thế. Như vậy chúng ta không nên thắc mắc khi dùng thịt làm đồ ăn.

Nhưng tại sao chúng ta không nên ăn huyết? Trong luật pháp thời Cựu Ước, Lời Chúa dạy:  

Lêviký 17:11 — “Vì SANH MẠNG của xác thịt Ở TRONG HUYẾT; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ ĐẶNG LÀM CỦA LỄ CHUỘC TỘI cho linh hồn mình; vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được.”  (Cũng xem: 2Sử-ký 29:24, Hêbơrơ 9:22)

Vì sanh mạng của mọi loài xác thịt là ở trong huyết, tức là mất hết huyết là thì mọi thú đều chết. Nhờ sanh mạng chết đi mà huyết mới có giá trị để chuộc tội cho tội nhân. Người ta cũng có dùng huyết trong nghi thức thờ phượng nhưng không thể lấy một chút huyết từ con thú còn sống, nhưng nó phải đổ huyết ra hết và hoàn toàn CHẾT ĐI thì lúc đó nó mới được xem là một của lễ. Con sinh tế phải thật sự chết thì mới có giá trị để CHẾT THAY cho tội nhân và huyết nó mới có giá trị để rửa sạch tội lỗi. Vì luật đó mà Chúa Cứu Thế phải chết thật sự trên thập tự giá chứ không ngất đi rồi tĩnh lại như một lý thuyết của những kẻ chống lại lẽ đạo Phục inh của Ngài.

Vì huyết có giá trị để chuộc tội, nên Chúa muốn dân Ngài phải biết quý trọng huyết, không xem huyết của bất cứ loài thú nào NHƯ MỘT THỨC ĂN bình thường. Luật pháp Chúa nói tiếp:

Lêviký 17:12-14 — “Bởi cớ đó ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Trong vòng các ngươi KHÔNG AI NÊN ĂN HUYẾT… Còn nếu ai, … đi săn được một con thú hay là con chim ăn thịt được, thì PHẢI ĐỔ HUYẾT NÓ RA, rồi lấy bụi đất lấp lại; vì sanh mạng của mọi xác thịt, ấy là huyết nó, TRONG HUYẾT CÓ SANH MẠNG.”

Phục truyền cũng nhắc lại:

Phục. 12:15,16 — “Song trong các thành mình, ngươi ĐƯỢC MẶC Ý GIẾT NHỮNG THÚ VẬT VÀ ĂN THỊT NÓ, … Chỉ các ngươi CHỚ ĂN HUYẾT; phải đổ huyết trên đất như nước vậy.”

Về việc cần được CHUYỀN MÁU để cấp cứu (transfusion), có nhóm tà giáo không cho tín hữu họ làm vậy cho rằng chuyền máu không khác nào “ăn huyết”, vì “huyết là linh hồn” nên họ “không hiến linh hồn” của mình cũng “không nhận linh hồn” của người khác! Máu có sự sống, chứ không phải mạng sống cũng không phải là linh hồn, vì linh hồn là vô hình. Sự thật là Chúa muốn người ta quý trọng huyết vì nhờ huyết mà người ta mới sống nên không muốn họ xem huyết như là đồ ăn. Như vậy, được chuyền máu không phải là ăn huyết. Người bị mất máu hiểu rõ rằng nhờ NHẬN ĐƯỢC HUYẾT mình mới tiếp tục sống, vì máu có những tế bào và những chất cần thiết cho sự sống của CƠ THỂ. Còn người hiến máu là người CHIA SẺ SỰ SỐNG của mình cho người khác. Đó là một hành động yêu thương và hy sinh vô cùng cao quý theo gương Đấng Christ. Trong tinh thần đó, các bác sĩ Cơ-đốc người Anh đã tiên phong thử nghiệm chuyền máu từ người nầy sang người kia từ năm 1825 dù gặp nhiều khó khăn trong buổi đầu. Cho đến năm 1885, một bệnh viện ở London mới bắt đầu kêu gọi hiến máu. Kể từ 1901 khi bác sĩ Karl Landsteiner người Áo khám phá các nhóm máu O,A,B thì việc chuyền máu bắt đầu lan rộng sang Hoa kỳ và các nước khác. Hiện tại, dù có một số người vẫn còn bị phản ứng khi chuyền máu, nhưng vô số sinh mạng đã được cứu sống nhờ hơn 85 triệu bọc máu đã được xử dụng hàng năm trên khắp thế giới.

Trong thời Tân Ước nầy, chúng ta có được ăn thịt cá và ăn huyết không? Theo Lời Chúa thì chúng ta có thể ăn bất cứ loại nào, NGOẠI TRỪ HUYẾT và THÚ VẬT CHẾT NGỘT:

Công vụ 10:12 “…. thấy trong đó có những thú bốn cẳng, ĐỦ MỌI LOÀI, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời. Lại có tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, LÀM THỊT VÀ ĂN.”

Công vụ 15:28,29 —  “Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng CHẲNG GÁN GÁNH NẶNG NÀO KHÁC cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy.”

Ăn hột vịt lộn có thể xem như là ăn “vật chết ngột” không? Dĩ nhiên đó là một con vật chết ngột. Nhưng tôi thiết nghĩ đó là một con vật còn quá bé nhỏ không có bao nhiêu huyết để đổ ra, nên không hề chi. Vã lại, bất cứ luật lệ nào mà Đức Chúa Trời lập nên đều có áp dụng trên hai phương diện, thuộc linh và thuộc thể. Trên phương diện thuộc thể, thì người ta không nên ăn huyết vì trong huyết thú vật thường có những loại VI KHUẨN và KÝ SINH TRÙNG có hại cho sức khoẻ chúng ta. Nhưng vì vịt con còn nằm trong vỏ chưa bị ô nhiễm bởi bất cứ vi khuẩn nào nên nó rất sạch, không nên xem là ô uế hay có hại cho sức khoẻ.

Chúng ta có thể ăn huyết heo luộc hay các loại tiết canh không? Dĩ nhiên chúng ta có phép ăn vì mọi sự đều có phép làm, nhưng đó là điều mà Lời Chúa có khuyên cấm cách rõ ràng, nên vì vinh hiển Đức Chúa Trời mà chúng ta đừng ăn (1 Côr. 10:31) cũng như để không gây vấp phạm cho anh em còn yếu đức tin. Mặc khác, vì vịt và heo là loài ăn tạp những đồ dơ dáy nên huyết của chúng có thể bị nhiễm vi trùng và ký sinh trùng, nên nhiều người sau khi ăn tiết canh (huyết tươi) đã bị phản ứng và sinh bệnh cách nguy kịch. Vì cớ đó tốt nhất là không nên ăn huyết tươi hay luột chín để giữ gìn sức khoẻ.

Một cách nhìn khác. Nếu nói việc ăn huyết là phạm tội thì chúng ta cũng không thể hoàn toàn tránh ăn huyết 100%.  Dù con bò hay heo đã được đổ huyết ra thì vẫn còn sót lại một phần huyết khá cao trong thịt nên thịt có màu đỏ. Ngày xưa, người dâng của lễ và các thầy tế lễ được quyền ăn thịt của con sinh tế. Nên, việc bỏ phần huyết đã đổ ra xuống đất là hình bóng cho sự rửa tội, và huyết cần phải đổ ra cho tới khi có thể biết chắc là con sinh tế đã chết thật, chứ không cần phải vắt huyết ra cho hết 100% mới được quyền ăn thịt. Nên chúng ta không nên quá cực đoan trong vấn đề nầy rồi không dám ăn những loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, và một số cá vì còn thấy huyết trong thịt.

Nói đến cá, thì cá cũng là loài có huyết. Khi được làm thịt thì huyết nó cũng đã chảy ra hết, ngoại trừ loại cá ướp lạnh từ ngoài khơi hay cá nhỏ mang đi nấu mà không mổ ruột. Dù vậy, cá không thuộc về những loài thú được dùng để làm của lễ nên không cần phải quan tâm (ý kiến của cá nhân tôi).

Nói tóm lại. Trong thời Tân Ước nầy, nhiều người đồng ý rằng “mọi sự chúng ta được phép làm” nhưng cũng nên vâng lời Chúa để được phước, để giữ gìn sức khoẻ, và không gây cớ vấp phạm cho anh em còn yếu đức tin. Đó là tránh ăn huyết và thú chết ngột. Cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết ơn Ngài vì đã đổ huyết ra để chuộc tội lỗi chúng ta, có sự bình an khi vui hưởng vô số thức ăn mà Chúa cho phép chúng ta dùng để bồi bổ sức khoẻ của thân thể mình. Amen.

Xin trả lời chung một số thắc mắc trong các trang mà bài viết nầy được chia sẻ:

  1. Tà giáo nói đến trong bài là “Chứng Nhân Giê-hô-va.”
  2. Ăn huyết có phạm tội không? Trong thời kỳ ân điển vẫn có thể nói là phạm tội vì luật pháp Chúa là đời đời, nhưng Chúa không thi hành án phạt như thời Cựu Ước vì người tin Chúa được bảo vệ bởi huyết Đấng Christ. Nhưng khi vi phạm bất cứ lẽ thật nào mà Chúa dạy thì chúng ta có hành động không đẹp lòng Chúa, không làm vinh hiển Danh Ngài, làm vấp phạm người yếu đuối, bị mất phước, hoặc có thể chuốc lấy hậu quả tai hại cho đời sống mình.
  3. Khi vâng theo Lời Chúa dạy, chúng ta không có mục đích làm theo luật lệ để được cứu rỗi; nhưng chỉ vì không muốn gây cớ vấp phạm cho người yếu đức tin, muốn được phước và có sức khoẻ tốt. Nhưng điều quan trọng hơn hết là để bày tỏ lòng kính sợ Chúa và làm vinh hiển Danh Ngài.

 


Comments

Giải Đáp Thắc Mắc – Tại sao không được ăn huyết — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *