HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Tình Dục Và Độc Thân” – 1Côr. 7:1-7
BH-“Tình dục và độc thân” – I Côrinhtô 7.1-7
(Loạt Bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Thành Côrinhtô là một thành phố tội lỗi. Thực vậy, “Côrinhtô hoá” là một từ ngữ được đặt ra để nói tới tình trạng say sưa và dâm dục. Nan đề đối với Hội Thánh tại thành Côrinhtô ấy là xã hội đang ảnh hưởng trên Hội Thánh thay vì Hội Thánh ảnh hưởng vào xã hội. Phaolô đã dạy rõ ràng ở 6.12-20 rằng người tin Chúa cần phải tránh sự dâm dục. Ông nói rõ rằng người Côrinhtô nào dính dáng với tà dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái hay bất cứ một quan hệ tình dục sai trái nào khác đang đem Đấng Christ vào mối quan hệ ấy với mình.
Lẽ đạo ấy còn tiếp diễn trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, nhưng điểm quan trọng cần phải lưu ý: Người thành Côrinhtô rõ ràng đã viết cho Phaolô một bức thư với nhiều thắc mắc về sự họ phải sinh sống như thế nào!?! Phaolô viết ở 16.17: “Sê-pha-na, Phốt-tu-na và A-chai-cơ đến đây, tôi lấy làm vui mừng lắm; các người ấy đã bù lại sự anh em thiếu thốn”. Hiển nhiên là mấy người nầy đã trao bức thư ấy cho ông. Đây là lý do tại sao Phaolô bắt đầu ở câu 1 của chương 7: “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em…”.
Thắc mắc thứ nhứt bức thư của họ đưa ra phải xử lý với hôn nhân. Xã hội thành Côrinhtô đã chấp nhận tình dục trước hôn nhân, tà dâm, đồng tính luyến ái, đa thê, và vợ lẽ. Thi sĩ người Rôma là Juvanal (60-140 a.d.) đã viết về những phụ nữ, họ đã chối bỏ tính dục của mình, mặc lấy bao bằng sắt, thích khoe năng lực với bộ ngực để trần, săn heo rừng bằng những mũi giáo. Nói như thế giống như nữ giới cấp tiến trong thời buổi của chúng ta! Trước khi phát triển dòng chảy của phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta hãy học biết đôi điều về lịch sử Luật pháp La mã về hôn nhân. Có bốn loại cả thảy: Contubernium là hôn nhân dành cho hạng nô lệ. Nó có nghĩa là “tình bạn trong lều trại”. Hai nô lệ được phép sống chung với nhau và có con cái. Chủ của họ có thể thay đổi người bạn cùng sống với họ vào bất cứ thời điểm nào hoặc sẽ bán đi một trong hai người. Phần nhiều các Cơ đốc nhân đầu tiên đều là nô lệ sinh sống trong loại quan hệ nầy. Usus là mối hôn nhân thông thường theo luật pháp, trong đó đôi hôn phối sống chung với nhau trong một năm, được coi là đã thành hôn ở dưới luật pháp. Coemptio in manum là mối hôn nhân được sắp đặt, trong đó người cha thực ra đã bán con gái mình cho người chồng trong tương lai. Confarreatio là mối hôn nhân của giai cấp quí tộc, các mối hôn nhân hiện đại của chúng ta được kiến thiết trên nền tảng đó. Cả hai bên gia đình đều lo liệu mọi sự sắp xếp. Một người đứng tuổi nghiêm trang đi kèm với cô dâu và một quí ông đi kèm với chú rễ. Họ trao đổi những lời thề với nhau. Cô dâu có mạng che mặt. Những chiếc nhẫn được trao cho nhau cùng với bó hoa cho cô dâu và một ổ bánh cưới thật đặc biệt.
Trong thời của Phaolô, ly dị cũng rất là bình thường. Thật là bất thường cho ai đó phải ly dị chỉ có 20 lần! Có một phong trào phụ nữ rất năng động góp phần vào tỉ lệ ly dị đó. Giống như ngày hôm nay, nhiều người nam người nữ đã quyết định sống đời sống riêng của họ, bất chấp các lời thệ hứa và ký thác của họ.
Các Hội Thánh đầu tiên đã được hình thành từ những con người nằm trong bốn loại hôn nhân nầy. Có nhiều người đã nếm trải qua nhiều lần ly dị. Có người tin rằng sống độc thân thì thuộc linh hơn là lập gia đình rồi hoàn toàn bỏ trôi về hôn nhân. Hãy chú ý những gì Phaolô nói trong I Timôthê 4.1-4: “Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì, họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy”.
Vì cớ xã hội của thời buổi ấy và vì một số sự dạy đang xoay vòng trong Hội Thánh, các tín hữu thành Côrinhtô đang đưa ra những thắc mắc như: Tôi có nên ly dị người bạn đời của mình để trở thành một Cơ đốc nhân tốt hơn? Tôi có nên ly dị một khi tôi đã thành hôn với một kẻ không tin Chúa? Tôi có nên giữ tình trạng độc thân luôn không? Phaolô trả lời cho các thắc mắc nầy bằng cách chỉ ra 4 phương diện của cuộc sống độc thân:
I. Độc thân là tốt (câu 1).
Một lần nữa, khi đáp ứng với các thắc mắc mà người thành Côrinhtô đưa ra, Phaolô viết ở câu 1: “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em, tôi tưởng rằng đờn ông không đụng đến đờn bà là hay hơn”. Đụng đến đờn bà là đồng nghĩa với giao hợp về tình dục. Nói cách khác, vị sứ đồ đang nói rằng sẽ là quan trọng nếu một Cơ đốc nhân không phải xử lý với tình dục. Chương 6, câu 13 giúp chúng ta hiểu rõ câu nói nầy. Câu nầy nói thân thể là “vì Chúa, và Chúa vì thân thể”. Chúng ta không cần phải sống đời sống để lo làm thoả mãn thân thể của chúng ta. Rôma 6.2 nói cho chúng ta biết chúng ta đã chết đối với tội lỗi. Mục tiêu cuộc sống của chúng ta không phải là đồ ăn, tình dục, ngủ nghê hay bất cứ khoái lạc nào khác cho thân thể. Mục tiêu đời sống của chúng ta phải là Chúa. Thú vị thay, đấy là phương thức mà chúng ta sẽ sống cho đến đời đời trong thân thể của chúng ta đã được mặc lấy vinh hiển .
Phaolô không nói rằng một Cơ đốc nhân đừng bao giờ lập gia đình. Ông đang nói rằng tình trạng độc thân bao lâu thì hay hơn vì người sống độc thân có thể tập trung hoàn toàn vào Chúa. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời dựng nên người đầu tiên, Ngài phán: “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”. Truyền khẩu Do thái dạy rằng hôn nhân là rất lý tưởng và người nào không lập gia đình đang bất chấp mạng lịnh của Đức Chúa Trời phải “sanh sản, thêm nhiều” (Sáng thế ký 1.28).
Trong khi các Cơ đốc nhân người Do thái đều là những người tán thành hôn nhân; mặt khác, các Cơ đốc nhân dân Ngoại, vì cớ sự dạy giả dối cùng những kinh nghiệm xấu xa về hôn nhân lại có khuynh hướng giữ lấy sự độc thân. Mục tiêu của Phaolô, ấy là trong khi giữ độc thân là hay hơn, sống độc thân không khiến cho một người được thuộc linh hơn người đã lập gia đình.
II. Độc thân là thử thách (câu 2).
Câu 2 chép: “Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đờn ông phải có vợ, mỗi người đờn bà phải có chồng”. Trong đời sống độc thân, có mối nguy hiểm lớn lao hơn về sự dâm dục. Mọi người đều có những khao khát về tình dục. Những khát khao nầy thì mạnh mẽ trong một số người nầy hơn trong số người kia. Khao khát về tình dục là lành mạnh và đúng đắn khi được thể hiện ra trong hôn nhân. Tuy nhiên, việc thắng hơn sự cám dỗ về tình dục có thể trở thành một nan đề ghê gớm cho nhiều người sống độc thân. Đây là lý do tại sao Phaolô nói trong câu 9: “vì thà cưới gả còn hơn để cho lửa tình un đốt”.
Một lý do Đức Chúa Trời ban hôn nhân cho chúng ta là để cung ứng đầu ra cho tình dục hợp pháp. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhứt. Hôn nhân không phải là thiết bị dẫn cho việc giải toả về tình dục đâu. Có nhiều lý do trong Kinh Thánh về hôn nhân. Hôn nhân là dành cho SỰ SINH SẢN. Đức Chúa Trời đã bảo Ađam và Êva “hãy sanh sản, thêm nhiều” (Sáng thế ký 1.28). Đức Chúa Trời dự trù cho chúng ta phải nuôi dạy bầy con thật tin kính và dưỡng dục chúng theo các đường lối của Chúa.
Hôn nhân còn dành cho KHOÁI LẠC. Ở câu 3, chúng ta thấy Đức Chúa Trời dự trù cho các đôi hôn phối phải giữ lấy sinh hoạt về tình dục thật đều đặn. Hêbơrơ 13.4 chép: “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế…” Châm ngôn 5.18-19 nói cho chúng ta biết phải “vui thích” với tình yêu của người bạn đời mình. Sách Nhã ca của Vua Solomon thì đầy dẫy với thi văn gợi tình.•Hôn nhân dành cho TÌNH BẠN. Nữ giới đã được dựng nên làm một người giúp đỡ cho nam giới (Sáng thế ký 2.18). Tình bạn là yếu tố chính cho một cuộc hôn nhân tốt lành. Hôn nhân dành cho sự THANH SẠCH. Hôn nhân bảo hộ chúng ta tránh khỏi tình trạng dâm dục bằng cách cung ứng cho chúng ta một lối thoát hoàn toàn cho những khao khát về tình dục.
III. Độc thân không phải dành cho những người đã lập gia đình (các câu 3-5).
Rõ ràng là độc thân là sai trong hôn nhân, nhưng một số người thành Côrinhtô đang thực thi điều nầy vì họ tưởng độc thân làm cho họ được thuộc linh hơn. Đấy là lý do tại sao Phaolô nói trong câu 3: “Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy”.
Làm có nghĩa là “nhượng bộ hay đổi lại”. “Yêu mến” ra từ chữ Hy lạp eunoia. Tiếp đầu ngữ eu có nghĩa là “lành mạnh”. Nous có nghĩa là “tâm trí”. Vì thế eunoia có nghĩa là một “tâm trí lành mạnh”. Chúng ta sẽ nghĩ đến từ ngữ nầy là “sống đàng hoàng, bảo đảm hoặc an ninh”. Tôi thấy ngôn ngữ trong bản dịch KJV rất dễ chịu ở đây khi từ nầy dịch là bổn phận!” Mục đích là, khi người chồng và người vợ giữ lấy mối quan hệ tình dục lành mạnh, họ đang góp phần vào lối sống lành mạnh cho nhau, tự trọng và ý thức rõ về sự an ninh và giá trị.
Đặc biệt hãy chú ý, người chồng đối với vợ phải hết bổn phận” và tương tự người vợ cũng phải “hết bổn phận” đối với chồng. “Hết” có nghĩa gì chứ? Khi chúng ta mắc một món nợ tính theo tháng, chúng ta nói hoá đơn là phải trả. Chúng ta mắc nợ nó. Cũng một ý nghĩa đó, những người làm chồng làm vợ mắc nợ nhau về bổn phận tình dục. Chúng ta có một trách nhiệm phải làm đẹp lòng người bạn đời về mặt tình dục. Câu 4 chép: “Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ”.
Quyền có nghĩa là “quyền hành hay điều khiển”. Trước khi chúng ta lập gia đình, thân thể của chúng ta thuộc về chúng ta. Khi chúng ta thành hôn, chúng ta dâng cho quyền làm chủ riêng biệt kia. Như chúng ta đã tiếp thu vào tuần qua, trong hôn nhân, hai người trở nên một thịt” (6.16; Sáng thế ký 2.24).
Thì hiện tại chỉ ra quyền nầy là liên tiến. Nó bắt đầu ngay lúc nghi thức cưới xin và nó tiếp tục cho đến hết đời. Đây là một trong những lý do tại sao Kinh Thánh ngăn cấm sự tà dâm và ly dị. Khi chúng ta phạm tội tà dâm, khi bạn phá vỡ lời thệ hứa một thịt”, bạn đang ăn cắp từ người bạn đời vì thân thể của bạn không còn thuộc về một mình bạn nữa.
Có một số nhóm Cơ đốc trải qua nhiều năm tháng dạy rằng tình dục chỉ dành cho sự sanh đẻ mà thôi. Tuy nhiên, Phaolô nói cho chúng ta biết rất rõ ràng rằng tình dục không phải là một sự tùy chọn hay một khoản phải trả thêm đâu. Nó đóng một vai trò quan trọng trong một cuộc hôn nhân lành mạnh. Tình dục là sự bày tỏ sâu sắc nhất về tình yêu, sự mật thiết, yếu điểm và sự hiệp một trong hôn nhân.
Câu 5 chép: “Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng”.
Từ chối có nghĩa là “cướp lấy, giành được”. Ở 6.8 chính từ ngữ nầy được dịch là “gian lận”. Nếu chúng ta lấy đi của người bạn đời về mặt tình dục, quả thực chúng ta đang gian lận đối với họ và đang ăn cắp của họ. Câu nầy dạy chúng ta rằng chúng ta không nên phạm tội tà dâm mà gian lận với người bạn đời của mình!
Người thành Côrinhtô đang lấy đi của nhau vì họ tưởng thế là thuộc linh. Nhiều người ngày nay lấy đi của nhau vì những lý do khác. Một số cặp hôn phối đang sử dụng tình dục giống như một PHẦN THƯỞNG vậy. Nếu người bạn đời của họ làm đẹp lòng họ theo một phương thức đặc biệt nào đó, thì họ sẽ thuận cho phép mật thiết về xác thịt. Điều nầy giống hệt với một người cha dạy con cái bé mọn của mình phải sống cho đàng hoàng và làm sạch sẽ phòng ốc thì nó sẽ được sữa và kẹo vậy! Người bạn đời của bạn không phải tìm kiếm bổn phận theo phần xác thịt của bạn, bạn phải lo việc ấy. Cầm giữ lại có nghĩa là gian lận!
Một việc lạ lùng, ấy là sống độc thân xem ra là quan trọng đấy, nhưng trong hôn nhân thì không phải như vậy. Phần nhiều các cặp hôn phối ở những thời điểm khác nhau trong mối hôn nhân của họ không cung ứng sự mật thiết phần xác thịt như nó đáng phải có. Họ quá bận rộn và quá mệt mõi không cung ứng được cho người bạn đời “hết bổn phận” của họ. Câu nầy dạy chúng ta phải biết ưu tiên một cho điều đó!
Phaolô chỉ cung ứng một sự miễn trừ duy nhứt cho những đôi hôn phối phải ngừng lại sự mật thiết về xác thịt một cách tạm thời. Sở dĩ như thế là vì một lý do thuộc linh: “để chuyên việc cầu nguyện” [theo bản Kinh Thánh Anh ngữ còn có kiêng ăn ở đây nữa]. Có những lúc khi chúng ta có một gánh nặng đặc biệt vì một quyết định đặc biệt hay về một con người, hoặc trong sự ăn năn tội hay vì một chuyện buồn đau nào đó. Các loại gánh nặng nầy rất mạnh mẽ đến nỗi chúng ta sẽ gạt qua một bên bất cứ điều gì làm ngăn trở sự cầu nguyện của chúng ta. Trong các trường hợp nầy, chúng ta gạt qua một bên đồ ăn (“kiêng ăn”) và sinh hoạt tình dục đều đặn.
Có tiền lệ lịch sử về sự kiện nầy. Sau khi Đức Chúa Trời lập giao ước của Ngài với Môise trên Núi Sinai, Ngài phải ngự xuống với dân sự: “trong đám mây mịt mịt đi đến ngươi; đặng khi nào ta phán cùng ngươi, thì dân sự nghe và tin cậy ngươi luôn luôn”. Môise đã ban huấn thị cho dân sự phải tắm, giặt áo xống của họ và phải sẵn sàng … chớ đến gần đờn bà, ý nói họ phải dừng lại sinh hoạt tình dục đều đặn vì họ sẽ phải đối diện với Đức Chúa Trời.
Ở một dịp khác, khi đáp ứng với tình trạng gian ác của Giuđa, Đức Chúa Trời đã phán qua tiên tri Giôên: “Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn, đổi ý về sự tai vạ.… Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể! Giôên 2.16: “Hãy nhóm dân sự, biệt riêng hội chúng nên thánh; hãy mời các trưởng lão đến đó! Hãy họp lại các con trẻ và những đứa đang bú vú! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động phòng!” Để cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời, ngay cả những đôi tân hôn cũng phải dừng lại thời kỳ trăng mật của họ.
Vì vậy, Phaolô nói cho chúng ta biết thời điểm duy nhứt chúng ta phải kiêng không sinh hoạt tình dục đều đặn trong mối hôn nhân của mình là vì các mục đích thuộc linh. Và ngay cả trong vòng mục đích ấy, ông đưa ra một số hướng dẫn thực tế. Trước tiên, chúng ta cần phải kiêng với sự ưng thuận. Người vợ không thể quyết định kiêng cử; nàng phải trao đổi điều đó với chồng mình. Người chồng, mặc dù là đầu và là lãnh đạo của gia đình không thể lấy đi của vợ mình mà không trao đổi điều đó trước tiên và nhận được sự ưng thuận của nàng. Điều nầy phải trở thành một quyết định cùng nhau hai người phải đưa ra.
Thứ hai, chúng ta cần phải kiêng cử chỉ tạm thời mà thôi. Có một lượng thời gian đặc biệt mà cả hai vợ chồng đều phải nhất trí. Bạn không phải lui đi khỏi nhau một cách vô thời hạn được. Thứ ba, chỉ khi đó bạn mới chuyên việc cầu nguyện được. Thú vị thay, chuyên ra từ một chữ mà từ đó chúng ta mới có chữ: “trường học” “học giả”“học tập”. Chúng ta cần phải tự kiềm chế về tình dục chỉ trong một thời gian để chúng ta có thể đến “trường” với Đức Chúa Trời. Rồi khi thời gian nầy đã xong, khi khoảng thời gian đã được nhất trí trước đến mức cuối cùng rồi, bạn cần phải “trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỉ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng”.
I Phierơ 5.8 chép: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được”. Satan biết phải cám dỗ chúng ta như thế nào rồi. Hắn biết phải lôi kéo chúng ta xa khỏi người bạn đời và xa khỏi Chúa như thế nào rồi. Thậm chí nếu bạn không bị cám dỗ, người bạn đời của bạn sẽ bị cám dỗ đấy. Vì vậy, điều nầy rất là quan trọng, trừ phi là do ưng thuận tạm thời, trong một thời gian đặc biệt, vì một nhu cần thuộc linh, kiêng cử về tình dục là một công cụ cho Satan. Những Cơ đốc nhân độc thân phải biết kiêng cử về tình dục. Những Cơ đốc nhân đã thành hôn không phải kiêng cử về tình dục! IV. Độc thân là một ân ban từ Đức Chúa Trời (các câu 6-7).
Câu 6 chép: “Ấy đó là sự tôi thuận cho phép, chớ chẳng phải sự tôi truyền biểu”. “Nhượng bộ” ra từ chữ sungnome có nghĩa là “tha thứ, dung xá, hay cho phép”. Chúng ta phải nắm bắt ý nghĩa bằng cách dịch từ ngữ “hiểu biết”. Phaolô vốn hiểu rõ rằng có nhiều ích lợi và khả năng cho cả hai trường hợp: độc thân và hôn nhân. Đức Chúa Trời không hề truyền cho chúng ta một là thế nầy hoặc là thế kia. Ngài không truyền cho người độc thân phải lập gia đình và Ngài chắc chắn không truyền cho người đã có gia đình phải sống độc thân. Nếu bạn đang sống độc thân, điều đó tốt thôi. Nếu bạn đã lập gia đình hay bạn sắp lập gia đình, điều đó cũng tốt thôi. Hãy lập gia đình đi. Mục đích, ấy là tình trạng hôn nhân không quyết định tính cách thuộc linh.
Sự thực chúng ta thấy ở đây, ấy là Đức Chúa Trời ban cho một số tín đồ với tình trạng độc thân. Phaolô nói trong câu 7: “Tôi muốn mọi người đều được giống như tôi; song mỗi người đã được ban riêng cho mình bởi Đức Chúa Trời, người nầy thể nầy, kẻ kia thể khác”. Phaolô ao ước rằng tất cả các tín hữu đều sống độc thân và độc thân giống như ông. Có lẽ ông đã thành hôn một lần rồi. Nếu chúng ta xem lại phần làm chứng của Phaolô ở Công vụ Các Sứ đồ 26.10, ông nói cho chúng ta biết: “Thật tôi đã làm sự nầy tại thành Giê-ru-sa-lem: sau khi đã chịu quyền của các thầy tế lễ cả, thì tôi bỏ tù nhiều người thánh; và lúc họ giết các người đó, tôi cũng đồng một ý”. Điều nầy cho thấy rằng Phaolô đã từng là một thành viên trong Toà Công Luận, là bộ phận tư pháp đã được triệu tập vì sự đóng đinh Chúa Jêsus trên thập tự giá và sự tuận đạo của nhiều tín đồ đầu tiên. Một trong những đòi hỏi dành cho thành viên của Toà Công Luận là họ phải lập gia đình rồi. Vì thế, chúng ta tin Phaolô đã từng thành hôn.
Khi Phaolô trở thành một tín đồ, vợ ông cùng với nhiều thuộc viên khác trong gia đình có thể đã lìa bỏ ông. Vào lúc viết tác phẩm nầy, ông chưa lập gia đình. Hãy chú ý những điều ông nói trong 7.26: “Vậy tôi tưởng vì cớ tai vạ hầu đến, một người nam cứ ở vậy là nên”. Hãy lắng nghe 9.5: “Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao?” Vậy, tất cả các vị sứ đồ đều không phải là chưa lập gia đình, còn Phaolô thì nhất định đã lập gia đình rồi.
Phaolô đã xem tình trạng độc thân và khả năng giữ độc thân của mình là một ân ban đến từ Đức Chúa Trời”. Ông tin Đức Chúa Trời đã khoác lấy cho ông khả năng sống một đời sống độc thân và dâng chính mình ông hết thảy cho sự hầu việc Chúa. Chúa Jêsus cũng đã xem tình trạng độc thân là một ân ban đến từ Đức Chúa Trời nữa. Ngài phán trong Mathiơ 19.12: “Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ; có người hoạn vì tay người ta, và có người tự mình làm nên hoạn vì cớ nước thiên đàng. Người nào lãnh nổi lời ấy thì hãy lãnh lấy”.
Tôi không có ân ban về sự độc thân. Tôi cảm tạ Chúa vì đã thành hôn. Nếu có điều chi xảy ra với vợ tôi, tôi vẫn thích thành hôn một lần nữa. Tuy nhiên, tôi khen ngợi người nào có ân ban về tình trạng sống độc thân. Cha tôi có một người em gái cùng với chồng mình là giáo sĩ thuộc hệ phái Trưởng lão ở Nam Mỹ nhiều năm trước đây. Chồng của bà ấy qua đời đang khi tìm cách cứu một thiếu niên bị chết chìm. Bà đấy không lui đi trong công tác hầu việc Chúa, mà vẫn tiếp tục phục vụ trong vai trò một giáo sĩ ngay sau khi trở thành một goá phụ. Đôi khi những người đã lập gia đình nhìn những kẻ sống độc thân với thái độ thương hại. Một số người đã thành hôn đang có công việc tìm kiếm cho người độc thân một người bạn đời. Chúng ta phải nhớ rằng đối với một số người, tình trạng sống độc thân là một ân ban đến từ Đức Chúa Trời và là một lối sống mà họ đã chọn. Chúng ta đừng thương hại họ, mà thay vì thế hãy tán thưởng công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ.
Phaolô nói: “song mỗi người đã được ban riêng cho mình bởi Đức Chúa Trời, người nầy thể nầy, kẻ kia thể khác”. Nếu bạn có ân ban về một người bạn đời, đừng tách riêng ra khỏi (chàng hay nàng). Nếu bạn có ân ban về tình trạng độc thân, hãy dâng mình trọn vẹn cho Chúa. Tuần tới chúng ta sẽ khám phá nhiều hơn về những câu trả lời của Vị sứ đồ cho những thắc mắc của người thành Côrinhtô về hôn nhân.

Comments

BH-“Tình Dục Và Độc Thân” – 1Côr. 7:1-7 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *