HomePTLĐ PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO HTPTLĐ.Phát Triển Ơn Chăm SócBH-“PHÁT TRIỂN ƠN CHỮA LÀNH”

Giáo sư Mục sư Nguyễn Duy Tân – (Loạt Bài Học – “Người Lãnh Đạo Khéo Chăm Sóc”)

Mục đích bài học: Để hiểu biết đặc ân, thẩm quyền và trách nhiệm của mỗi người tín hữu trong việc cầu nguyện cho mình và cho những anh chị em khác đang đau bệnh, buồn bã, lo lắng, chán đời, đời sống gặp khó khăn, hay đang bị trói buộc bởi bất cứ quyền lực nào.  

Câu gốc: “Trong anh em có ai đau ốm chăng? Hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.” – (Gia-cơ 5:14-15)

            “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; 18 bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành.” – (Mác 16:18)

Nhập đề: Ngày nay Chúa còn chữa lành bằng phép lạ nữa không? Chúa có nhậm lời một “tín hữu bình thường” khi họ đặt tay cầu nguyện cho người bệnh không? Bất cứ tín hữu nào có thể phát triển ơn cầu nguyện chữa bệnh không hay Chúa chỉ ban ơn nầy cho một số người nào đó mà thôi? Phát triển ơn tứ nầy có khó khăn không? Việc đó có cần thiết cho Hội thánh Chúa ngày nay không? Có thích hợp với niềm tin của các giáo phái truyền thống không?…

jesus-heals

  1. Niềm tin căn bàn của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp

 

Việc cầu nguyện chữa bệnh là đặc ân và trách nhiệm của mỗi tín hữu, nhất là tín hữu của Hội TG Phúc Âm Liên Hiệp. Hội C&MA từ xưa đã đặt vai trò chữa lành của Chúa Cứu Thế ngang hàng với 3 chức vụ khác của Ngài và vẫn không có gì thay đổi trong niềm tin đó. Đó là Tin Lành Tứ Diện mà chúng ta thường nghe nhắc đến: Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Đấng Thánh Hóa, Đấng Chữa Lành và Vua sẽ Hồi Lai. Vậy mỗi chúng ta nên sẵn sàng đặt tay cầu thay cho những người bệnh, nhẹ hay nặng, để kinh nghiệm được quyền năng của Đức Chúa Cha, trong Danh đầy năng quyền của Đức Chúa Jesus là Đấng sống trong chúng ta qua Đức Thánh Linh, khi Ngài chạm đến và chữa lành chúng ta. Nhờ đó Hội thánh Chúa có thể mạnh mẽ rao truyền một Phúc Âm đầy quyền năng và hữu hiệu vì những thân hữu thấy được sự thực hữu của Ngài qua sự chữa lành cách siêu nhiên.

  1. S chữa lành bằng lời cầu nguyện vẫn còn hiệu lực

 

  • Một số người tuyên bố là phép lạ và sự chữa lành đã chấm dứt sau khi các sứ đồ qua đời! Lý lẽ đó không đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Tin như thế không có lợi gì cả.
  • Trong thực tế, từ mấy nghìn năm nay, và nhất là gần đây, vô số người khắp thế giới đã nhận được sự chữa lành diệu kỳ trong Danh Chúa Jêsus. Những phép lạ đã xảy ra quá nhiều sau khi cầu nguyện nên không thể cho rằng đó là những trùng hợp.
  • Hiện nay, đang có nhiều tôi tớ Chúa và tín hữu đã đạt đến tỉ số chữa lành khá cao khi họ đặt tay cầu nguyện cho người bệnh. Chính cá nhân tôi, dù biết rằng mình không được Chúa kêu gọi với mục vụ chữa lành, chỉ lấy đức tin mà cầu nguyện xin Chúa thương xót, mà cũng đã kinh nghiệm nhiều lần sự chữa lành lạ lùng của Chúa khi đặt tay cầu nguyện cho một số người, trong đó có người ghiền cần sa, ghiền cờ bạc, trầm cảm, đủ loại bệnh thấp khớp, ung thư ruột, ung thư lá lách, đau tim, sạn thận, bứu buồng trứng, bị “người âm” hành hạ, quỷ ám, v.v. Tôi cũng đã tự đặt tay cầu nguyện cho mình và đã kinh nghiệm sự chữa lành 100% cho ba nơi một lượt: bệnh thấp khớp nơi nuộc lưng, đau nhức nơi cổ (đã hơn 15 năm) và nơi cườm tay (hơn 2 năm). Cho đến nay đã hơn 6 năm mà bệnh không tái phát.
  • Tôi tin chắc chắn rằng Chúa vẫn còn làm phép lạ. Chúa có kêu gọi một số người với sự cảm động trong mục vụ chữa lành thật kết quả. Nhưng bất cứ tín hữu nào cũng có thể lấy đức tin nhơn Danh Chúa, sử dụng thẩm quyền mà Chúa đã ủy nhiệm cho tất cả con cái Ngài để chữa lành cho chính mình và cho người khác. Họ sẽ có cơ hội kinh nghiệm quyền năng của Chúa và dự phần vào việc đưa nhiều người đến với Ngài. Nhiều tôi tớ Chúa hiện nay đang đi đấy đó huấn luyện cho tín đồ, từ trẻ đến già, và rất nhiều “tín đồ thường” đã thực hành và thấy rõ Chúa là Đấng sống và Đấng chữa lành.
  1. Một Vài Hiểu Lầm Cần Được Làm Sáng Tỏ:

 

  • Được Chúa chữa lành một vài bệnh nào đó không có nghĩa là sau đó chúng ta sẽ không còn mắc bệnh nào khác nữa. Mỗi lần đau bệnh, cứ cầu nguyện để kinh nghiệm tình yêu của Chúa và để được sức khoẻ dồi dào mà phục vụ Chúa.
  • Xin Chúa chữa lành không có nghĩa là xin cho sống hoài khỏi chết, trẻ mãi không già. Mạng sống và cuộc đời của chúng ta đã được Chúa định sẵn. Dù chúng ta khoẻ đến đâu cũng có thể về với Chúa khi đã đến thời điểm Ngài đã định.
  • Tìm sự chữa lành bằng quyền năng của Chúa không có nghĩa là không cần đến bác sĩ, thuốc men, hay giải phẫu. Chúa cũng dùng bác sĩ và thuốc men để chữa lành cho chúng ta. Vì cớ đó, trước khi nuốt một viên thuốc nào, chúng ta nên cầu nguyện tạ ơn Chúa cũng như xin Chúa chúc phước cho thuốc để khi uống vào mình hưởng được sự công hiệu, vì không có thuốc nào là công hiệu 100% cho mọi trường hợp. Trước khi đến bác sĩ hay được giải phẫu, chúng ta nên cầu nguyện để Chúa ban cho bác sĩ được khôn ngoan khi định bệnh hay được Chúa điều khiển giúp cho bàn tay họ khéo léo trong lúc giải phẫu.
  • Sự chữa lành không nhất thiết chỉ dành cho người đã tiếp nhận Chúa. Vì vậy, đừng ngần ngại mà cầu nguyện cho người chưa tin nếu họ bằng lòng hay yêu cầu. Sau khi thấy họ được chữa lành, chúng ta có trách nhiệm giúp cho họ hiểu rõ Phúc Âm để họ tiếp nhận Chúa, vì đó là mục đích của Chúa khi chữa lành cho họ.
  • Cầu nguyện cho người bệnh trong Danh Chúa Jêsus, không có nghĩa là tất cả mỗi người phải được chữa lành. Chúa muốn cho người tín hữu kinh nghiệm được sự chữa lành thuộc linh trước khi kinh nghiệm sự chữa lành thuộc thể. Nếu muốn giúp cho người bệnh ăn năn tội lỗi để được chữa lành, thì nên TẾ NHỊ và tôn trọng quyền riêng tư của người bệnh. Nên gặp riêng người đó để có thể giúp họ nhớ lại tội lỗi và ăn năn, đừng lên án hay ép buộc họ xưng tội trước mặt mọi người.

 

  1. Từ đâu có bệnh tật. Nguyên nhân của bệnh tật là tội lỗi và ma quỷ. Vì vậy sau khi một người tin nhận Chúa hoặc được giải cứu khỏi quyền lực của ma quỷ thì họ thường được bớt rất nhiều bệnh. Nét mặt họ hồng hào và sức khoẻ dồi dào hơn.
  • Tội lỗi chẳng những đưa đến sự chết đời đời của linh hồn nhưng cũng đưa đến sự tàn phá cơ thể, còn gọi là sự thoái hóa hay sự chết dần chết mòn từng phần một của cơ thể, và cuối cùng là sự chết của toàn cơ thể.

Rôma 6:23 – tiền công (hậu quả) của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”

  • Tội lỗi có đặc tính di truyền, đã lan từ Ađam và từ tổ tông, đến ông bà cha mẹ, rồi đến chúng ta. Tội lỗi đã khiến cho loài người mắc đủ thứ bệnh, từ tâm linh đến thể xác, từ tâm lý đến tâm thần và di truyền từ đời nầy đến đời khác, do đó tội lỗi và bệnh tật càng ngày càng nhiều hơn và đời sống loài người ngày càng ngắn hơn. Có thể nói một em bé mới sinh ra là đã bắt đầu chết. Nếu không có những tiến bộ vượt bực của ngành Y học thì ngày nay tuổi tác trung bình của loài người chắc là ngắn hơn thời xưa.

Rôma 5:12 – “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” 

  • Tội lỗi khiến cho con người bị mặc cảm, sợ hãi và bất an. Sự sợ hãi đưa đến những bệnh tâm linh (trốn lánh Chúa, ghét Chúa, không vâng phục Chúa, không thích nghe và không hiểu đuợc lẽ thật, không thích sống theo lẽ thật,…). Sự sợ hãi cũng đưa đến sự sợ chết. Vì sợ chết mà loài người thờ ma lạy quỷ, bị chúng áp bức, dọa nhác, nên họ phải thờ cúng và vâng phục các tà thần (ma quỷ), bị ma quỷ cầm quyền hay chiếm ngự. Vì sợ ma quỷ nên có nhiều người bị tà linh gây cho đau bệnh. Uống bùa và ăn đồ cúng cũng là một trong những lý do người ta đã rướt ma quỷ và bệnh tật vào tâm linh và thể xác họ. Được cha mẹ đem “dâng cho chùa” và đặt tên thánh cũng khiến cho người đó bị tà linh xem là đã thuộc về chúng từ lúc nhỏ. Đời sống dâm dục bừa bải cũng đã khiến người ta “chuyền tà linh” cho nhau mà không hay biết.
  • Sợ hãi đưa đến tinh thần ích kỷ, từ đó sinh ra lòng tham lam, ghanh đua, ghen ghét, hờn giận, bực tức,…v.v. Những điều tiêu cực đó luôn có hại cho sức khoẻ, khiến cho người ta mất ăn, mất ngủ, mệt mỏi, giảm tuổi thọ, và sinh ra nhiều bệnh bất trị. Sự thoả lòng, tha thứ và bỏ qua hờn giận luôn đưa đến sự chữa lành.
  • Sợ hãi mang đến lo âu, căng thẳng, áp lực, mặc cảm,… là những cảm xúc luôn gây ra những bệnh hoạn trong cơ thể, như đau tim, đau bao tữ, cao máu, ung thư, tai biến mạch máu não, đột qụy, v.v.…
  • Tội lỗi cũng đưa đến những trục trặc trong tâm trí. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, vì “được hoài thai trong tội lỗi” nhiều người đã mang tánh hung dữ, nóng nãy, có xu hướng gian ác. Một số người có những xu hướng bất thường như chú trọng quá nhiều đến dâm dục, đồng tính, ăn uống quá độ, dễ nghiện rượu hay ma tuý, ghiền cờ bạc… Nên tâm trí và tâm lý của họ cũng cần được giải thoát khỏi tội lỗi và chữa lành bởi quyền năng của Chúa. Nguyên nhân xu hướng dâm dục quá độ có thể đến từ việc lúc nhỏ họ đã nhìn xem hình hay phim dâm ô, bị sờ mó bởi người lớn, v.v.

Tít 1:15 – “Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thầnlương tâm họ là dơ dáy nữa.”

  • Tội lỗi sinh ra những trục trặc trong genes của chúng ta, nên từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, đời sống loài người ngày càng bị thu ngắn lại, hệ miễn nhiểm ngày càng yếu hơn không chống cự nỗi trước các loại ký sinh trùng, vi trùng, vi-rút, ung thư, …
  • Tội lỗi khiến cho loài người sống cách ích kỷ và vô trách nhiệm, làm hư hại và ô nhiễm môi trường, thức ăn, nước uống… è cơ thể mỗi ngày phải đối phó với đủ loại hóa chất và ô nhiễm gây ra đủ thứ tật bệnh, nhất là những bệnh hiễm nghèo bất trị.
  • Chính những loài quỷ dữ (tà linh) nhỏ lớn đủ loại cũng mang đến một số bệnh tật cho loài người, như còm lưng, câm, điếc, mất ngủ, ác mộng, buồn chán, xuống tinh thần, trầm cảm, tiếng nói trong đầu, sợ hãi, hồi hộp, giật mình, run rẩy, điên loạn, nghiện ngập, ghiền xì ke, mê dâm dục, ý muốn tự tử, v.v. Người Việt chúng ta biết rõ điều đó khi thấy ma quỷ bắt người ta bệnh rồi làm cho hết bệnh khi gia đình phải giết gà, giết heo để cúng kiến. Trong những trường hợp đó, chúng ta cần nhơn danh Chúa mà truyền lệnh cho bệnh tật ra khỏi người bệnh không khác nào đang nói chuyện với tà linh. Dù vậy, không phải lúc nào đau bệnh cũng do tà linh, không nên lúc nào cũng tuyên bố như vậy khi chúng ta không biết rõ, chỉ cầu xin Đức Thánh Linh giúp đỡ và chữa lành.
  1. Trong Đấng Christ chúng ta thắng hơn ma quỷ, tội lỗi, và tật bệnh:
  • Sự tái sinh đổi mới là phép lạ lớn nhấtmỗi tín hữu đều đã kinh nghiệm. Khi một người tin nhận Chúa, tội lỗi họ được tha và họ được thoát khỏi sự cai trị của ma quỷ, người ấy kinh nghiệm được sự chữa lành cho những sai trật trong tâm hồn, đổi mới trong tấm lòng và tâm trí, nhận được sự bình an, vui mừng, và trở thành một tạo vật mới. Đó là sự chữa lành trên khía cạnh thuộc linh, và sự chữa lành những bệnh trong thể xác nhiều xảy đến như một kết quả tự nhiên.
  • Chúa Cứu thế đã đổ huyết ra để chuộc tội lỗi của chúng ta. Ngày xưa, khi dâng chiên sinh tế, người ta chỉ làm cho nó đổ huyết chớ không cần đánh đập. Nhưng Chúa Jêsus đã chấp nhận thêm những lằn roi đầy ác nghiệt và đau đớn trong thân thể, để chịu thay cho sự đau đớn do bệnh tật mang đến cho thể xác chúng ta. Ngài đổ huyết để chúng ta được tha tội, Ngài chịu đau đớn để chúng ta được lành bệnh:

Êsai 53:4 “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta…” (trong nguyên văn, chữ “buồn bực” có nghĩa là: đau nhức bực bội khắp thân thể).

Êsai 53:5 — “#1 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, #2 vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. #3 Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, #4 bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.”

Êsai 53:5 là một ĐỊNH LUẬT bao gồm bốn ĐIỀU KHOẢN, 2 điều khoản đầu có liên hệ đến tội lỗi và sự gian ác của chúng ta. Điều khoản thứ 3 cho ta sự bình an Shalom (trong đó cũng có sự chữa lành). Điều khoản thứ 4 cho ta sự chữa lành. Cả 4 điều khoản đều có giá trị bằng nhau, không nên bỏ qua điều khoản thứ 4 nầy, vì Chúa đã gánh chịu những lằn roi vô cùng ác nghiệt để chúng ta được chữa lành, tại sao chúng ta lại nghĩ rằng mình không cần đến?

1 Phi. 2:23 “… Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình (được tha thứ và có khả năng sống cách công bình, không phạm tội); lại nhân (nhờ) những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.”

Xin chú ý động từ “đã được”, nhờ những lằn đòn của Ngài mà chúng ta đã được chữa lành tại thập tự giá. Đó là Lời Chúa, Lời Ngài là Luật pháp. Luật Chúa đã phán, thì Đức Thánh Linh có thể dựa theo đó mà áp dụng (thi hành) nếu chúng ta “nộp đơn” để xin. Bởi đức tin, bất cứ lúc nào chúng ta có thể đến gần Ngôi Ơn Phước mà cầu xin hay nhận lấy sự chữa lành! Không có gì khác biệt giữa việc xin Chúa tha tội với việc xin chữa lành, vì Chúa đã chịu sự sửa phạt thế cho bệnh tật của chúng ta. Khi sự bình an và vui mừng thiên thượng tràn đến thì lo lắng và buồn bã lui đi.  Cũng vậy, khi Đức Thánh Linh phân phát sự chữa lành theo lượng ân điển của Đức Chúa Trời, thì bệnh tật lui đi. Xin sự chữa lành là cầu xin Chúa ban thêm năng lực, hồi phục sức khoẻ và làm cho cơ thể tươi trẻ lại. Nếu một người 60 tuổi có đủ đức tin để xin “cho tim con hay cột sống trẻ lại như hồi 20 tuổi”, thì Đức Thánh Linh có thể thực hiện điều đó dễ dàng nếu Ngài muốn.

  • Satan cũng đã bị đánh bại tại thập tự giá! Quyền lực của nó đã bị diệt trừ. Khi tin nhận Chúa chúng ta được giải thoát khỏi sự cai trị của Satan và các tà linh dưới quyền của nó, vì cớ đó người ta thường thấy những bệnh tật do ma quỷ hay tà linh gây ra cũng chấm dứt khi ma quỷ rời khỏi lòng một người tân tín hữu đã mời Chúa vào lòng! Bệnh tật cũng biến đi khi người tín hữu ăn năn chừa bỏ (khướt từ) những tội lỗi do ma quỷ đưa đến, hoặc khi họ được người khác hay chính mình nhơn Danh Chúa đuổi quỷ (hay tà linh gây bệnh) ra khỏi họ, dù cho đó là viêm khớp, xương sống bị cong, tim yếu, suyển, hay là những chứng nghiện ngập, trầm cảm, hay hồi hộp, v.v.

 

Hãy lấy đức tin đến gần Ngôi ơn phước, hạ mình cầu xin Chúa thương xót, ban cho thêm một chút ân điển của Ngài, và công bố sự đắc thắng trên tội lỗi, trên ma quỷ và bệnh tật.  Hãy đón nhận sự chữa lành và sự hồi phục 100% trong Danh Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, Đấng Hằng Sống và Cứu Chúa đầy quyền năng của chúng ta!

  1. Mạng nhiệm và thẩm quyền của Cơ-đốc-nhân:
  • Mạng nhiệm của Chúa Jêsus Christ khi Ngài đến thế gian, là rao truyền Tin Lành, giải phóng tội nhân khỏi quyền cai trị của ma quỷ và chữa lành bệnh tật.

Luca 4:18-21 — “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa. …  Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.”

Chính từ ngày đó, Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ và làm những gì mà Ngài đã tuyên bố. Hôm nay, qua Đức Thánh Linh, Ngài ở với mỗi chúng ta không phải chỉ để an ủi và dạy dỗ chúng ta, nhưng cũng để tiếp tục nhiệm mạng của Ngài qua đời sống những tín hữu, là môn đệ của Ngài. Xưa nay nhiều người theo Chúa chỉ để đi nhóm lại và cầu nguyện trong tinh thần ích kỷ, nhưng không dâng đời sống để rao truyền Phúc Âm, dự phần giải cứu kẻ bị ma quỷ cầm tù, và cầu nguyện chữa bệnh cho người khác. Đó là lý do tại sao Hội thánh Chúa chậm phát triển. Chỉ khi nào con cái Chúa mở miệng ra làm chứng, thì mới kinh nghiệm được quyền năng biến đổi lòng người của Đức Thánh Linh. Chỉ khi nào chúng ta dám cầu xin và công bố sự chữa lành thì mới thấy quyền năng của Đức Chúa Trời qua sự chữa bệnh. Chỉ khi nào chúng ta dám nhơn Danh Chúa truyền lệnh xua đuổi linh thì mới thấy những đời sống được giải thoát khỏi sự áp bức của ma quỷ.

  • Thẩm quyền Chúa cho con cái Chúa là gì? Chính Chúa Giêsu tuyên bố:

Luca 10:19“Nầy, ta đã ban quyền (= uy quyền, authority) cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp, và mọi quyền (= quyền lực, power) của kẻ nghịch (ma quỷ, quỷ dữ, demons) dưới chân; không gì làm hại các ngươi được.”

(“I have given you authority to trample on snakes and scorpions and to overcome (thắng hơn) all the power of the enemy; nothing will harm you.” (NIV); “… to destroy (phá hũy) all the enemy’s power,… ” (ISV).

Uy quyền nầyuy quyền của Chúa Cứu Thế, uy quyền của Đức Chúa Trời, và uy quyền đó được ban cho chúng ta! Chúng ta có ý thức được tầm quan trọng vô cùng lớn lao của điều đó hay không? Khi tin nhận Ngài, chúng ta được nhận làm con của Đức Chúa Trời, có Đức Thánh Linh tức có Chính Chúa Cứu Thế và quyền lực của Emmnanuên ở cùng. Ngài ở trong chúng ta, chúng ta ở trong Ngài.

Chúng ta chẳng những được Chúa ủy nhiệm cho thẩm quyền hay uy quyền nầy để làm những công việc mà Chúa từng làm, mà chính Ngài cũng sẽ làm việc qua chúng ta. Chẳng những chúng ta có tiềm năng làm những dấu kỳ Chúa làm mà còn làm nhiều hơn Ngài nữa!

Giăng 14:12-14 – “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha. Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho.”

Chúa Jêsus cho biết chúng ta sẽ “làm việc Chúa làm” rồi cũng nói “Ta sẽ làm cho”. Tại sao? Vì chính Chúa sẽ thi hành mạng nhiệm của Ngài qua chúng ta. Chính Chúa Con đã làm sáng Danh Cha khi Ngài còn ở thế gian. Hôm nay Ngài đang tiếp tục làm sáng Danh Cha qua mỗi chúng ta, nhưng chính chúng ta phải giao phó đời sống mình như những dụng cụ sẵn sàng để Chúa sử dụng.

Để “làm việc Chúa làm”, trước hết chúng ta phải đi ra, chúng ta phải nhơn Danh Chúa, chúng ta phải cầu xin, chúng ta phải công bố, chúng ta phải truyền lệnh. Lúc đó Chúa Thánh Linh là Đấng ở bên cạnh chúng ta sẽ làm công việc đầy quyền năng của Chúa Cứu Thế, đúng theo ý nghĩa “Đấng giúp đỡ” mà Chúa Giê-su nói đến trong…

Giăng 16:7 “— “Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu…”

Trong câu nầy (cũng như trong 14:26 và 15:26), Đức Thánh Linh được gọi là “Đấng Yên Ủi”, còn có nghĩa là “Đấng Giúp đỡ” (The Helper), hay Paraklétos (trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là  trạng sư, người cầu thay, người an ủi, người vỗ về, người bênh vực, người giúp đỡ). Trong ý nghĩa “Người giúp đỡ”, Đức Thánh Linh là Đấng đứng bên cạnh chúng ta mỗi phút giây, để giúp đỡ chúng ta thực hiện những gì chúng ta cần làm để phục vụ Chúa, như là mở trí cho người nghe Phúc Âm, làm mềm lòng họ, đuổi quỷ hay chữa lành cho người bệnh. Vì vậy, khi cầu nguyện, chúng ta đừng quên mời Đức Thánh Linh (còn được biết là “Đức Chúa Trời thường bị lãng quên”) giúp đỡ, chạm đến thân thể người bệnh, áp dụng ân điển và luật chữa lành (như Êsai 53:5) trên người bệnh.

  • Một lẽ thật quan trọng: địa vị của người tín hữu được Chúa “nâng cấp” lên cao hơn ma quỷ! Khi chưa tin Chúa, ma quỷ cai trị trên chúng ta là những con người thiên nhiên tội lỗi. Sau khi tin nhận Chúa, chúng ta bước lên địa vị làm con Đức Chúa Trời, được tái tạo trong Chúa Cứu Thế, trở thành em của Chúa Cứu Thế, và được Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại (với Đấng Christ) và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Êphêsô 2:6), “Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em(Hêbơrơ 2:12).

 

Hai câu nầy cũng như nhiều câu khác cho thấy địa vị mới của chúng ta ngang hàng với Chúa Cứu Thế – ít lắm theo cái nhìn của ma quỷ. Dĩ nhiên, ngày kia, trong cõi đời đời chúng ta sẽ được đồng trị với Đấng Christ (Khải. 20:4). Nhưng qua Êphêsô 2:6 Phao-lô cũng có ý cho chúng ta biết rằng ngay trong hiện tại, trong chiều kích thuộc linh, chúng ta cũng đang được đồng ngồi với Đấng Christ trên ngôi cai trị với Ngài, nhờ đó chúng ta có thẩm quyền cai trị trên những gì nằm “dưới chân” chúng ta (ma quỷ và người tội lỗi). Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta được phép “giày đạp dưới chân” (kiểm soát) những gì thuộc cấp dưới như Chúa nói đến trong Luca 10:19. Khi Chúa tạo dựng các thiên sứ, Chúa đã thiết lập tổ chức của thiên sứ như quân đội, nên ma quỷ cũng còn giữ trật tự quân đội đó với đủ thứ cấp bậc. Chúng tôn trọng cấp bậc cai trị tối cao của Chúa Cứu Thế và nễ chúng tađịa vị cao hơn ma quỷ mà Chúa đã ban cho chúng ta! Khi chúng ta nhấn mạnh (xác nhận) với ma quỷ là chúng ta thuộc về Chúa, và là con của Đức Chúa Trời thì ma quỷ phải phục chúng ta, vâng theo mệnh lệnh của chúng ta không khác nào đến từ Chúa. Xem ví dụ của Phao-lô Công 13:4-12.

  • Những thẩm quyền hay đặc ân mà Chúa giao cho chúng ta:

Mác 16:18 – “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; 18 bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành.” (“And these signs will accompany (đi cùng) those who believe: In my name they will drive out demons; they will speak in new tongues; They will pick up snakes with their hands; and when they drink deadly poison, it will not hurt them at all; they will place their hands on sick people, and they will get well.” NIV)

Cáchlấy Danh ta” là nói “Nhơn Danh Đức Chúa Jêsus Christ”. Nhưng đó không phải là một câu nói có phép mầu, không phải là một câu thần chú. Bản tiếng Anh có dùng chữ “In my Name” = “Trong Danh Ta” có nghĩa rằng chúng ta có thẩm quyền “thay mặt Chúa” mà đến với ma quỷ và bệnh tật, như Đavít thay mặt Đức Giê-hô-va mà đến với Gô-li-át. Nói “Nhơn danh Chúa Jêsus” không quan trọng bằng việc hiểu rõ thẩm quyền của mình là người được phép đại diện cho Chúa. Khi người cảnh sát nói “Đứng lại!” thì kẻ gian vâng lời vì chúng biết viên cảnh sát có thẩm quyền thay mặt cho chính phủ. Khi chúng ta truyền lệnh cùng ma quỷ rằng: “Hãy ra khỏi Ông A.!” thì ma quỷ biết chúng ta thay mặt cho Chúa Jêsus mà đuổi chúng, không khác nào chính Chúa Jêsus đang truyền lệnh đó. Ma quỷ và những tà linh linh gây bệnh tật biết rõ điều đó và vâng theo.

Khi chúng ta biết rõ địa vị và thẩm quyền của mình, dám thay mặt Chúa ra lệnh: “Cơn đau nhức phải rời khỏi đầu gối” thì nó sợ mà rời khỏi, hoặc: “Tôi truyền lệnh cho các đốt xương lưng phải trở lại vị trí bình thường và hết đau ngay trong giờ nầy!” thì cơ thể chúng ta vâng theo và hành động vì đó là mệnh lệnh của Chúa, là Đấng Tạo hóa của cơ thể vật lý. Chúng ta có ý thức đến sức mạnh lạ lùng trong lời tuyên bố của chúng ta hay không? Mệnh lệnh chúng ta là lời đầy quyền năng của Đấng đã từng bảo sóng gió yên lặng và sáng tạo vũ trụ!!!  Vì cớ đó, nếu chúng ta nói “Nhơn Danh Chúa Jêsus” mà không biết thẩm quyền mà Chúa giao cho, không hiểu rằng Chúa đang sống trong chúng ta, và đang hành động qua chúng ta, thì mệnh lệnh nào cũng vô ích, và ma quỷ sẽ xem thường những lời nói đó của chúng ta.

Mác 16:18 cũng cho thấy thẩm quyền của kẻ tin chẳng những có ở trên ma quỷ và bệnh tật, nhưng cũng nằm trên những gì độc hại cho cơ thể (luật sinh lý), và trên mọi kẻ ác. Người đời ở dưới quyền ma quỷ nên đương nhiên họ thuộc cấp bậc thấp hơn con cái Chúa. Nhưng chúng ta không cai trị họ, ngược lại còn hạ mình phục vụ họ theo gương Chúa để đem họ đến với Ngài (giảng đạo), giúp giải phóng họ khỏi quyền lực của ma quỷ (đuổi quỷ) và bệnh tật (chữa lành). Dù vậy, khi kẻ hung ác nào có ý muốn hại chúng ta, thì nên nhớ họ không thể hại chúng ta được nếu Chúa không cho phép vì Chúa luôn bênh vực chúng ta! Chúng ta cũng có thẩm quyền của Chúa để ngăn cấm (trói buộc) bất cứ tà linh nào đang dùng họ như những dụng cụ để hại chúng ta.  Nhớ câu nầy: “Tôi là con của Đức Chúa Trời, chủ của ma quỷ và tôi tớ của loài người.” (Curry Blake).  Để kiếm soát bất cứ người nào, chúng ta không chiến đấu với họ (thịt và huyết), chúng ta chiến đấu với ma quỷ đang cai trị họ qua lời cầu nguyện và mệnh lệnh trói buộc hay ngăn cấm nó hành động.

  • Cầu nguyện chữa bệnh cho người ngoại. Khi Chúa bảo chúng ta đặt tay trên kẻ đau, Ngài cũng không nói rõ rằng kẻ đau đó phải là con cái Chúa, hay phải có đức tin, hoặc là người không có tội. Kinh Thánh thường cho thấy Chúa chữa lành tất cả những người bệnh tìm đến Ngài. Nhờ tin điều đó, nhiều người đã cầu nguyện cho người chưa tin hoặc cho người có lòng nghi ngờ nên một số người cũng được chữa lành vì ma quỷ và bệnh tật đã vâng theo mệnh lệnh mà người tín hữu công bố trong Danh Chúa Jêsus. Nhờ thấy quyền năng của Chúa, những người ngoại nầy sau đó cũng đã tin nhận Chúa khi nghe giải nghĩa về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Dù vậy, có nhiều trường hợp người bệnh phải ăn năn xưng tội mình hay làm hòa với hoặc tha thứ cho người từng làm cho họ tổn thương thì bệnh họ mới được lành. Có người đã được chữa lành nhưng sau một thời gian bệnh lại tái phát vì không chịu ăn năn tội lỗi và sống đời sống mang đến vinh hiển cho Danh Chúa. Dù vậy, nên để Đức Thánh Linh cáo trách họ hoặc cố vấn họ về việc đó cách riêng tư, và không nên lên án họ cách công khai khi không rõ lý do tại sao họ chưa được chữa lành. Có nhiều trường hợp sự chữa lành sẽ xảy ra trong vài ngày, hoặc sau vài tuần, không bắt buộc phải xảy đến ngay sau khi cầu nguyện. Đừng ép buộc người bệnh làm gì quá sức hay bảo họ ngừng uống thuốc khi họ chưa thật sự lành hẵn.

 

  1. Những phúc lợi của Cơ-đốc-nhân.

Sự chữa lành bệnh tật là một trong những “phúc lợi” mà Chúa đã dành sẵn cho người Do thái và cho Cơ-đốc nhân.

  • Đa vít tự nhắc nhở chính ông về những phúc lợi mà Chúa dành cho con dân của Ngài.

Thi thiên 103:2,3 – “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài. 3 Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bịnh tật ngươi,…”   Chữ “ân huệ” ở đây nói đến “các đặc ân” mà Chúa dành cho con dân Chúa, mà chúng ta được hưởng bởi ân điển lớn lao của Chúa và bởi công đức của Chúa Jêsus trên thập tự giá mà thôi. Nhiều bản Kinh Thánh tiếng Anh đã dịch chữ “ân huệ” là “benefits” có nghĩa là những “phúc lợi” mà Chúa dành cho con cháu của Ápraham và những kẻ tin. Các phúc lợi chỉ dành cho người nào dám mở miệng xin.

  • Trong thời Cựu Ước người Do thái là một dân tộc duy nhất có rất nhiều phúc lợi mà Đavít nói trong Thi thiên 103. Một trong những phúc lợi mà con cháu Áp-ra-ham được là sự chữa lành bệnh tật. Một vài ví dụ:

Xuất 15:26 – “Ngài phán rằng: Nếu ngươi chăm chỉ nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, lắng tai nghe các điều răn và giữ mọi luật lệ Ngài, thì ta chẳng giáng cho ngươi một trong các bịnh nào mà ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi.”   

Xuất 23:25-26 – “Ngươi hãy hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài sẽ ban ơn cho vật ăn uống của ngươi và tiêu trừ các bịnh hoạn giữa vòng ngươi. Trong xứ ngươi sẽ chẳng có đàn bà sảo thai hay là đàn bà son sẻ. Ta sẽ cho ngươi được trường thọ.”                  

  • Những phúc lợi cho người Dothái và nhiều phúc lợi khác cũng đã được dành cho Cơ-đốc-nhân ngày nay.

            Rôma 8:32 – “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? …”  Không có lý do nào chữ “mọi sự” lại không bao gồm sự chữa lành. Đức Chúa Trời đã ban Con của Ngài để chết thế cho tội lỗi và bệnh tật chúng ta, không lẽ nào ngày nay Ngài tiếc chi mà không ban sự chữa lành cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho sức khoẻ được phục hồi.           

            Rôma 8:37-39 – “Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc (quả quyết) rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền (ma quỷ), việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.” Là con cái Chúa trong thời kỳ ân điển nầy, chúng ta được Chúa yêu thương bằng tình yêu lớn lao diệu kỳ nên có thể đến với Chúa xin Ngài thương xót mà giúp chúng ta thắng hơn mọi quyền lực (ma quỷ, kẻ ác,…) và tội lỗi (là nguyên nhân của sự chết). Sự chết của từng bộ phận gây ra tật bệnh, sự chết của nhiều bộ phận đưa đến sự chết của toàn cơ thể. Chúa đã đắc thắng sự chết, thì Ngài có thể thắng hơn sự chết của bất cứ bộ phận nào trong cơ thể chúng ta!

            Rôma 8:11“Đấng làm cho Đấng Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ ban “sự sống” cho thân thể hay chết của anh em”. Dĩ nhiên, ngày kia dù đã chết chúng ta sẽ sống lại, nhưng ngày nào chúng ta còn sống, chúng ta có phúc lợi nhận được quyền năng phục sinh của Đấng Christ trong thân thể khi chúng ta nhơn Danh Chúa Giê-su mà cầu xin sự chữa lành cho từng cơ quan bị đau bệnh. Ví dụ chúng ta có thể xin Chúa truyền sức sống phục sinh vào lá gan đang chết vì chứng viêm gan C để nó được sống lại, được hồi sinh.

            Êphêsô 1:3 – “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.”Phước “thiêng liêng” không phải chỉ giới hạn đến những phước hạnh thuộc linh hay vô hình, nhưng cũng là những phước hạnh thuộc thể nhưng có nguồn gốc đến từ thiên thượng, thực hiện bởi Đức Thánh Linh như là những phép lạ trong đời sống, trong đó có sự chữa lành bệnh tật bởi công đức của Chúa Cứu Thế.

  • Ví dụ, khi Đức Thánh Linh nhậm lời cầu nguyện và ban cho chúng ta sức khoẻ tốt hay cơ quan miễn dịch mạnh hơn để giết hết những vi trùng gây ra bệnh, thì đó là những ơn phước thiêng liêng. Khi bạn dùng thuốc trụ sinh mà hết bệnh thì đó cũng là một ơn phước thiêng liêng vì không phải ai uống thuốc đó vào cũng hết bệnh. Vì khi uống thuốc, vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân nào đó (ví dụ 30%) mà đối với họ thuốc đó không có hiệu lực. Khi chúng ta cầu xin sự chữa lành thì chính Đức Thánh Linh trực tiếp áp dụng những định luật thiêng liêng (bởi quyền năng) hay định luật vật lý (bởi thuốc men hay y học) để hồi phục sức khỏe cho chúng ta nhanh hơn bình thường. Phép lạ là tốc lực lành bệnh đó. Ví dụ sau khi giải phẩu, bác sĩ nói đầu gối quý vị sẽ đau nhức 3 tháng, nhưng mới có hai tuần là quý vị hết đau và đi đứng bình thường thì đó là vì đã được Chúa đã chữa lành qua cuộc giải phẫu và qua sự hồi phục nhanh chóng của cơ thể! Dù có giải phẩu hay uống thuốc, nếu được chóng lành thì chúng ta nên tạ ơn Chúa vì Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.

Vì vậy, dù được đặt tay cầu nguyện hay nhờ đến bác sĩ hay thuốc men, hoặc thảo dược, chúng ta vẫn có thể cầu xin Chúa chữa lành cách lạ lùng bởi quyền năng siêu nhiên (hay thiêng liêng) của Ngài, và dựa trên những phúc lợi mà Ngài đã hứa ban cho chúng ta !

  1. Cầu nguyện cách nào cho hiệu quả?
  • Những tiêu chuẩn về sự cầu nguyện hay cầu xin bất cứ điều gì từ Chúa là…
    1) – Chúng ta cần hiểu và tin chắc rằng Chúa muốn ban cho chúng ta điều đó.
    2) – Chúng ta cần nhớ rằng nếu Chúa có nhậm lời chúng ta thì đó là hoàn toàn tùy thuộc vào công đức của Chúa Cứu thế. Công đức của chúng ta không bao giờ đủ xứng đáng để nhận được điều gì hay sự chữa lành từ nơi Chúa. Chúng ta chỉ biết hạ mình cầu xin Chúa thương xót mà thôi.

     3) – Mỗi lần chúng ta đến với Chúa mà cầu nguyện (bất cứ cho chuyện gì) nên nhớ là chúng ta đang dẫm lên huyết Chúa Giê-su và bước ngang qua bức màn ngăn cách mà vào nơi Chí Thánh!  “19 Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, 20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, 21 lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, 22 nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.” (Hêbơrơ 10:19-22). Trong chiều kích thuộc linh, bất cứ nơi nào chúng ta đang hiệp lại cầu nguyện là chúng ta đang đến gần ngôi ơn phước, chổ chúng ta đang cầu nguyện là Nơi Chí Thánh, nơi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời!  Nơi nào có Đức Chúa Trời nơi đó quyền năng của Ngài sẽ bày tỏ ra!

4) – Chúng ta lấy đức tin mà cầu xin, tức là đến với Chúa với tấm lòng hoàn toàn tin cậy nơi đức Thành Tín của Ngài, vì Ngài đã hứa thì Ngài sẽ giữ lời. Hãy luôn trông đợi thấy việc lớn và khó. “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì (dù lớn hay khó) Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.” (I Giăng 5:14-15, Giêremi 33:3).
5) – Cầu nguyện xong, chúng ta cứ tin là mình đã nhận đượclớn tiếng tạ ơn Chúa dù chưa thấy được sự trả lời của Ngài. Sự chữa lành không phải lúc nào cũng xảy đến tức thời, nhưng luôn đến sớm hơn sự mong đợi của chúng ta và lạ lùng hơn đìều chúng ta có thể dám nghĩ tới.

  • Làm sao nhận được các phúc lợi mà Chúa dành cho chúng ta? Đây là bí quyết:

Êph 2:8 – “Vả, ấy là NHỜ ÂN ĐIỂN, BỞI ĐỨC TIN, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là SỰ BAN CHO CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.”

“Nhờ ân điển” mà chúng ta được cứu, cũng bởi ân điển mà chúng ta được chữa lành. Chúng ta phải luôn đến với Chúa trong tin thần thành thật hạ mình, nhìn nhận mình không xứng đáng để xin điều gì từ Chúa (nói ra điều đó với Chúa). Nếu Chúa không nhậm lời thì đó cũng là quyền tể trị tối cao của Ngài và chúng ta tiếp tục tin rằng mục đích của Chúa cho đời sống chúng ta vẫn là tốt đẹp nhất.

Bởi đức tin” chúng ta cầu xin sự chữa lành, chỉ cần có đức tin nhỏ như hạt cải chúng ta sẽ bắt đầu kinh nghiệm được những phép lạ diệu kỳ xảy đến trong đời sống mình như lời Chúa hứa, vì Chúa là Đấng làm phép lạ chớ không phải do đức tin chúng ta lớn hơn mọi người.

Êphêsô 3:20 – “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc (trong đó có sự chữa lành) chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.”  “Quyền lực trong chúng ta” đó là quyền lực của Chúa Thánh Linh, lớn lao vô tận vì là quyền lực của Đức Chúa Trời. Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta hãy trông đợi những việc lớn lao mà chúng ta không thể tượng tượng nổi. Dù cho các bác sĩ có nói rằng bệnh trạng của bệnh nhân là bất trị hay hoàn toàn tuyệt vọng, thì đó là cái nhìn giới hạn của loài người và khoa học. Đối với Chúa, không có gì là quá lớn, quá khó khăn hay bất trị.

  • Cầu nguyện cho người bệnh không khác với sự cầu nguyện thông thường. Nói chung cầu nguyện là kêu xin với Chúa khi có nhu cầu. Đó là cầu xin Đức Chúa Trời ban ơn phước hay bày tỏ quyền năng để đáp ứng nhu cầu của chúng ta hầu cho Danh Chúa được vinh hiển. Cầu nguyện là nài xin quyền năng siêu nhiên (thiêng liêng) của Đức Chúa Trời chạm đến bất kỳ cảnh ngộ nào mà Cơ Đốc Nhân chúng ta đang đối diện. Không có nơi nào trong Kinh Thánh nói rằng bệnh tật là ngoại lệ, hay sự chữa lành cơ thể phải theo những định luật tự nhiên, phải nhờ đến thầy thuốc mà thôi. Nếu thật như vậy thì Chúa không công bằng với những tín hữu thuộc 19 thế kỷ trước hay ở những quốc gia chưa văn minh, vì họ không có bác sĩ và y học tối tân như ngày nay. Thật vậy, tại Phi châu là nơi mà đa số đều nghèo và thiếu phương tiện y khoa, người bị bệnh nặng chỉ có một hy vọng, là tìm đến với hội thánh. Ngày nay, Chúa đang dùng nhiều người đầy ơn để chữa lành cho vô số bệnh nhân quá nghèo với những chứng bệnh đầy nguy kịch và bất trị.
  • Cầu nguyện chữa lành thật ra rất đơn giản. Một khi chúng ta đã hiểu rõ về những lời hứa và những phúc lợi mà Chúa dành cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế, chúng ta biết rõ địa điểm mà chúng ta đang đứng, địa vị và thẩm quyền mà Chúa ban cho chúng ta, thì sẽ thấy lời cầu nguyện của mình được nhậm thường hơn vì chúng ta không còn nghi ngờ nữa. Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ bớt cầu kỳ, không dài dòng, đôi khi chỉ là một mệnh lệnh ngắn. Lời cầu nguyện cũng không cần phải được chính xác theo y học như một số người có dạy, không cần có tiếng lạ cặp theo. Chúng ta cũng không cần phải la hét lớn tiếng vì thẩm quyền của chúng ta không nằm trong giọng hét to nhưng trong sự hiểu biết thẩm quyền của mình. Nếu chúng ta cầu nguyện trong lòng, ma quỷ hay bệnh tật cũng biết mà vâng theo. Chúng ta cũng không cần phải xô cho người bệnh ngã lăng, thậm chí cũng không cần nhắm mắt khi cầu nguyện. Những người có kinh nghiệm thường nói vài lời đơn sơ trong 15 đến 30 giây là đủ thấy quyền năng Chúa thể hiện ngay lúc đó hay sau một vài ngày. Nhiều khi người ta cũng không cần chạm đến thân thể, không cần đặt tay vào chổ đau, không cần xức dầu hay rưới “nước thánh” cho người bệnh. Chúng ta cũng không cần có mặt cạnh bên như trường hợp cầu nguyện qua điện thoại hay internet (Skype).
  • Cầu nguyện cho người bệnh là Nhơn Danh Chúa Giê-su mà cầu xin và truyền lệnh cho bệnh tật và tà linh rút lui:

Giăng 14:12-14 – “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha. 13 Các ngươi nhân danh tacầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. 14 Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho.” (“If you shall ask anything in My name, I will do it”) – Khi Chúa nói “Ta sẽ làm cho” thì không thấy có điều kiện nào ngoài “nhân danh Ta”. “Nhơn Danh Chúa Jêsus” là nhận lấy thẩm quyền thay mặt Chúa Jêsus và thẩm quyền đuổi quỷ hay bệnh tật. “Nhơn Danh Chúa Jêsus” là hiểu biết và tin cậy nơi quyền năng của Lời hứa của Đấng Christ, hiểu rằng lời cầu xin của chúng ta sẽ được nhậm bởi công đức của Chúa Giê-su mà thôi chớ không dựa theo công đức riêng hay địa vị của chúng ta. Lời hứa đó không dành riêng cho các sứ đồ hay mục sư, nhưng cũng dành cho mọi con cái Chúa. Cụm từ “điều chi mặc dầu” có thể là bất cứ nhu cầu nào, kể cả xin cho viên sạn thận hay một khối u trong tử cung tan biến đi. Danh của Chúa là “Danh trên hết mọi danh” nên không có danh nào có đủ sức để chống lại quyền năng của Danh Jêsus. Khi người bệnh được chữa lành đó là “chính Chúa Jêsus đang làm cho” chớ không phải nhờ người cầu nguyện danh tiếng, có tuổi cao, có kinh nghiệm, có ơn, có đức tin hay tinh thần mạnh mẽ, hay đã la lớn, múa men, nói tiếng lạ, hay được ma quỷ nễ sợ họ, v.v.!

Giacơ 5:17-18Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.”  Nếu Chúa có thể làm cho mây kéo đến hay kéo đi nới khác thì chúng ta có thể nhơn Danh Chúa Giê-su mà truyền lệnh cho nước rời khỏi khối ung thư. Nếu nước vâng lời di chuyển đi thì ung thư sẽ bị teo lại và chết khô ngay như người ta từng thấy khi có phép lạ. Ngày xưa, khi Chúa rủa sả cây vã không có trái, thì nước dời đi, ngay hôm sau lá cây bị khô héo hết. Ngày nay, nhiều người cũng nhơn Danh Chúa rủa sả những khối ung thư, truyền lệnh cho nước rời khỏi nó và chỉ trong vài ngày nó liền teo và khô lại trước sự ngạc nhiên của bác sĩ. Nếu một trong những lý do người ta mắc bệnh là vì tà linh gây nên, thì cầu nguyện chữa lành cũng là truyền lệnh cho tà linh gây bệnh rời khỏi người bệnh không khác nào khi chúng ta bảo chúng rời khỏi người bị quỷ ám. Khi tà linh rời khỏi người bệnh, người ta có thể thấy người bệnh mửa ra những gì ô uế hôi hám trong cơ thể. Nếu nghi ngờ có quỷ ám, phải mở mắt mà cầu nguyện, đề phòng ma quỷ dùng vũ lực đánh mình hoặc nó làm hại đến người bệnh như bóp cổ hay làm cho họ té ngã.

  • Gia cơ cũng khuyên chúng ta khi đau bệnh thì mời các trưởng lão đến, xức dầu và cầu nguyện. Người bệnh sẽ được lành nhờ đức tin của các trưởng lão.

Giacơ 5:14-16“Trong anh em có ai đau ốm chăng? Hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.”  

Có 4 điều chúng ta có thể làm theo Giacơ: Điều thứ 1: Mời các trưởng lão (mục sư) đến để cầu nguyện thay vì chỉ nghĩ đến bác sĩ. Thứ 2: Mời các trưởng lão là vì họ có đức tin lớn hơn người khác, điều đó bảo đảm cho sự chữa lành, dù rằng đức tin của người bệnh cũng chữa lành cho họ. Thứ 3: nhiều khi người bệnh cần xưng tội mình ra, xưng với các trưởng lão (ví dụ đang hờn giận anh em nào đó) hoặc với người mà mình đã làm cho tổn thương để được họ tha thứ và làm hòa. Thứ 4: cầu nguyện cách sốt sắng, tức là tất cả mọi người luôn nhớ đến người đau mà cầu nguyện cho, cũng như kiên trì cầu nguyện cho đến khi họ bình phục. Khi chúng ta gõ cửa, hãy kiên trì gõ cho đến khi Chúa nhậm lời, nhất là khi bắt đầu thấy có những dấu hiệu tích cực, ví dụ sau khi cầu nguyện thì thấy cơn đau lưng giảm bớt 30%, khi cầu nguỳện người bệnh nghe chổ đau nóng lên, cảm thấy tê, như có điện chạy, v.v. Hãy tạ ơn Chúa và cho người bệnh biết rằng Đức Thánh Linh đã chạm đến họ, đã bắt đầu chữa lành, khuyên họ cầu xin Chúa tiếp tục chữa lành hoặc truyền lệnh cho cơ thể vâng lời Chúa nhận lấy sự chữa lành cho đến khi người bệnh được phục hồi 100%.

  • Chúa Giê-su thì không cần cầu nguyện, vì Ngài chỉ lấy thẩm quyền của Con Đức Chúa Trời mà ra lệnh cho ma quỷ và bệnh tật ra khỏi người bệnh.

Luca 4:35-36 – “Song Đức Chúa Jêsus quở nặng nó, mà rằng: Hãy nín đi, và ra khỏi người nầy. Quỉ bèn vật ngã người giữa đám đông, rồi ra khỏi không làm hại chi đến người. Mọi người đều sững sờ, nói cùng nhau rằng: Ấy là đạo gì đó? Người lấy phép quyền đuổi tà ma, và chúng nó liền ra!” Chúa lấy phép và quyền (with authority and power), Ngài lấy thẩm quyền mà mình có và quyền năng của Đức Chúa Trời mà chữa lành, mà đuổi tà ma. Ngày nay chúng ta cũng có thẩm quyên đó. Dù bắt đầu bằng lời cầu xin Chúa chữa lành chúng ta cũng đừng quên kết thúc bằng cách Nhơn Danh Chúa Giêsu Christ truyền lệnh thì ma quỷ, bệnh tật, và đau nhức sẽ vâng lời mà rời khỏi. VD: “Tôi nhơn Danh Chúa Jêsus Christ ra lệnh cho cơn đau nhức phải rời khỏi đầu gối… viên sạn thận phải ra khỏi thận… tà linh làm cho ho, tà linh gây ung thư ruột… phải rời khỏi người bệnh ngay giờ nầy!…” Có người thắc mắc phải xưng hô như thế nào với ma quỷ. Chúng ta chỉ cần xưng “tôi” hay “ta” và gọi chúng là “ngươi” hay “các ngươi” hay “tà linh” gì đó như “tà linh gây trầm cảm”, “tà linh ghiền xì ke”, “tà linh ho gà”, v.v… Đừng nói “mầy tao” không lịch sự. Ma quỷ sợ chúng ta không phải vì ăn nói như vậy, nhưng vì nó sợ niềm tin vững chắc chủa chúng ta và thẩm quyền của Chúa. Cố gắng tuyên bố với tinh thần dứt khoát và nghiêm chỉnh, nhưng không có nghĩa là phải la hét lớn tiếng, dù đôi khi chính chúng ta cũng phải nói to lên, không phải để tà linh sợ nhưng để giúp cho chính mình cảm thấy thêm mạnh mẽ.

Luca 4:39 – “Ngài bèn nghiêng mình trên người, truyền cho cơn rét, rét liền lìa khỏi.” (Cũng đồng chuyện nầy thì Mathiơ chép: “Ngài bèn rờ tay người bịnh, rét liền mất đi” (Mathiơ 8:15). Nhiều khi chúng ta cũng có thể không cần nói “nhơn Danh Chúa” nhưng chỉ truyền lệnh, vì ma quỷ đã biết chúng ta là “đại diện cho Chúa”. Đối với tà ma và bệnh tật, chúng ta là “đại sứ của Chúa”, có thẩm quyền “thay mặt Chúa” nên chúng phải vâng lời mà làm theo mệnh lệnh của Ngài. Khi chúng ta nói “nhơn Danh Chúa” đó là để cho ma quỷ biết chúng ta thay mặt cho Chúa, cũng như cho chúng biết chúng ta có thẩm quyền thay mặt Chúa. Có lúc người ta chưa truyền lệnh là ma quỷ đã rời khỏi, chưa cầu nguyện là người bệnh đã được lành vì dần dần ma quỷ biết mặt “người đại diện của Chúa” và nó chạy trốn trước vì chúng “biết họ là ai” và họ sẽ làm gì.

  • Các sứ đồ và 70 môn đồ được Chúa sai đi và ban cho quyền năng và thẩm quyền để đuổi quỷ và chữa bệnh trong khi thi hành chức vụ chánh của họ là giảng Tin Lành:

Luca 9:1,2,6“Đức Chúa Jêsus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng (và) phép tắc (thẩm quyền) để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh…. Vậy, các sứ đồ ra đi, từ làng nầy tới làng kia, rao giảng Tin Lành khắp nơi và chữa lành người có bịnh.  Họ được thẩm quyền và quyền năng để chữa bệnh chớ không phải để cầu xin Đức Chúa Trời chữa lành cho người bệnh. Qua sách Công vụ thường không có ghi các sứ đồ cầu nguyện, nhưng thấy họ lấy thẩm quyền Chúa cho rồi nhơn Danh Chúa Giê-su mà truyền lệnh cho người bệnh được lành hoặc chỉ cần đặt tay lên và chữa lành cho họ (Công 3:6-8, 9:34, 9:40, 14:3, 14:10, 16:18, 20:10, 28:8). Với thực hành và kinh nghiệm, nhiều con cái Chúa ngày nay cũng nhận thấy rằng có lúc, vì bận rộn hay vì có đông người cần cầu nguyện, họ không cần cầu nguyện dài dòng, chỉ đơn giản đặt tay trên người bệnh nhơn Danh Chúa mà truyền lệnh cho bệnh tật hay tà linh lìa khỏi cơ thể, hoặc bảo cơ thể hồi phục sức khoẻ thì phép lạ xảy ra.

  • Cầu nguyện từ xa. Trong trường hợp Chúa chữa lành người đầy tớ của ông đội trưởng người La-mã (Mathiơ 8:5-13), Chúa khen ông nầy có đức tin lớn, vì ông ta dám tin rằng Chúa không cần đến nhà ông, chỉ cần từ xa ra lệnh thì người đầy tớ của ông sẽ lành bệnh, và Chúa đã làm điều đó. Người đầy tớ được lành mà không hay biết chuyện gì. Ngày nay, với phương tiện truyền thông tối tân, chúng ta có thể dùng điện thoại nhà, điện thoại di động, Viber, Skypes, FB Messenger,… để cầu thay cho nhau. Chúng ta bảo người bệnh đặt tay vào nơi đau, hoặc nhờ người nhà của họ đặt tay trên người bệnh, bảo họ mở âm thanh điện thoại di động lớn lên, rồi chúng ta từ xa có thể cầu thay cho người bệnh. Không gian xa gần không ảnh hưởng gì đến lời cầu nguyện, vì Chúa là Đấng chữa lành qua Đức Thánh Linh. Nhiều lần từ Hoa kỳ tôi đã cầu nguyện như vậy cho người bệnh tại Việt nam và họ được chữa lành cách lạ lùng. Có người dùng điện thư (email) hoặc lời “chat” qua Skypes hay Facebook chỉ dẫn cho 1 tín hữu mới ở xa xôi đặt tay theo lời chỉ dẫn và đọc bài cầu nguyện mà họ xem trên màn hình hay trên điện thoại, thì người bệnh cũng được chữa lành.
  • Chúng ta nhớ ghi xuống tên họ và ngày tháng mình cầu nguyện, ghi bệnh và những kết quả, theo dõi những người mình cầu nguyện cho để biết họ có thật sự được chữa lành không, tính thành tỉ lệ phần trăm để thấy được tiến bộ trong lời cầu nguyện của mình, cũng như để nhớ mà làm chứng lại cho Danh Chúa được ngợi khen.
  • Tóm lại, cầu nguyện chữa bệnh thật sự rất là đơn giản. Tại những vùng xa xôi quê mùa, những người tín hữu chân chất nhưng với đức tin mạnh mẽ chỉ biết cầu nguyện cách đơn sơ như: “Nhơn Danh Giê-su, hết sốt đi! Hết ngay đi! Đi, đi!” thì người bệnh hết sốt. Hoặc “Nhơn Danh Giê-su, đầu gối mầy phải hết đau! hết đau liền!” Thế là người bệnh hết đau nhức nơi đầu gối. Nhiều em bé đi nhà thờ về nhà bắt chướt cầu nguyện cách đơn sơ và cha mẹ họ hết bệnh. Nhiều em ra đường cầu nguyện cách đơn sơ cho người ngoại và Chúa cũng nhậm lời cách lạ lùng rồi phát giấy mời đến Hội Thánh.

 

Lời nhắc nhở và cảnh báo cuối cùng:

> Khi thấy đã cầu nguyện cho người nào nhiều lần, và cũng đã giúp họ xưng hết tội lỗi, mà bệnh tật vẫn không có gì thay đổi, thì khuyên họ nên có thái độ chấp nhận ý Chúa, dù không hiểu rõ lý do gì Chúa chưa chữa lành. Hãy nhắc họ tin rằng trong chương trình của Chúa cho đời sống họ, mọi sự có thể thấy như không tốt, nhưng sẽ biến nên phước hạnh trong tương lai vĩnh cửu. Khuyên họ cứ tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì những ơn phước khác. Nhơn đức tin mà chịu đựng sự thử thách trong tinh thần bình an và vui vẻ, không phàn nàn cay đắng, xem sự yếu đuối của mình là cơ hội dự phần thương khó với Chúa, như là một đặc ân và phước hạnh. Khuyên họ tiếp tục làm vinh hiển cho Chúa qua sự kiên nhẫn, chịu đựng và vui vẻ của mình. Bàn về việc không được chữa lành, Mục sư Chuck Smith nói: “Tôi nghĩ những lời chứng như thế nầy rất sâu nhiệm: “Tôi cầu nguyện khẩn xin Đức Chúa Trời chữa lành tôi. Tôi biết rằng Ngài có thể chữa lành tôi. Tôi biết Ngài có một mục đích và một kế hoạch cho bệnh tật của tôi. Vì vậy tôi phó thác chính tôi cho ý muốn và chương trình của Ngài. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho tôi, tôi yên nghỉ trong ý muốn Ngài. Tôi sẽ không bối rối hay nổi điên lên vì không được chữa lành. Tôi giao nộp đời tôi cho Ngài”. Phi-e-rơ đã nói: “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời , hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hoá thành tín.” (1 Phi 4:19). Khi bạn đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa, bạn có thể nói: “Tất cả ở trong tay Đức Chúa Trời. Ngài đang làm điều mà Ngài biết là tốt nhất.” Nhiều khi đây lại là một phép lạ lớn hơn.

> Khi thấy Chúa nhậm lời mình nhiều lần, đừng để cho ma quỷ cám dỗ, gieo vào lòng tư tưởng tự cho rằng mình là người rất đặc biệt, là một “đấng tiên tri”, hay được Chúa cho một thẩm quyền đặc biệt hay cao trọng hơn mọi người, rồi sanh lòng kiêu ngạo, khinh thường hay xét đoán anh em mình để rồi mất đi ơn Chúa ban cho. Đây là một điều rất nhiều người đã vi phạm nên việc làm của họ thường bị lên án là “tà giáo” hoặc bị đuổi ra khỏi hội thánh, mất đi cơ hội tiếp tục phục vụ Chúa và rao truyền Phúc Âm. Đừng bao giờ quên rằng Đức Thánh Linh là Đấng hành động; chúng ta chỉ là một dụng cụ hèn mọn trong tay Ngài, nên phải thật lòng sống đời sống thánh khiết và khiêm nhường, nhường vinh hiển cho Chúa mà thôi. Khi chúng ta cầu nguyện cho người bệnh, dù không đuổi quỷ, chúng ta đang khai chiến với ma quỷ, nó sẽ ghét chúng ta và tìm đủ mọi cách để đánh ngã chúng ta, cám dỗ cho chúng ta phạm tội, nhất là tội kiêu ngạo để chúng ta bị mất đi thẩm quyền của Chúa. Hãy xin Chúa giữ gìn, luôn che phủ mình trong dòng huyết báu của Con Ngài, và hãy luôn ăn năn tội với Chúa để được tha, và tiếp tục được Chúa thêm ơn. Nếu chúng ta là lãnh đạo hội thánh, hãy hướng dẫn mọi người khám phá ơn cầu nguyện của họ, giúp họ đừng bị vướng vào con đường tự cao và cẩn thận đối với ma quỷ là kẻ thù đang tìm cách đánh ngã họ! Đặc biệt, chúng ta phải giúp bảo vệ và khuyên can những người mới tin Chúa và trẻ con khi họ tự khám phá được cách cầu nguyện chữa bệnh vì họ rất dễ bị rơi vào cạm bẩy của ma quỷ và xác thịt!

Kết luận:  Dù chúng ta cần hiểu biết về quyền năng và thẩm quyền mà Đức Chúa Trời giao phó cho mình (và cho tất cả mọi con cái Ngài), dù chúng ta có đức tin mạnh mẽ, chúng ta cũng phải thực tập cầu nguyện cho người bệnh, bắt đầu từ những bệnh nhẹ, sau đó “làm gan” cầu nguyện cho người bệnh “nặng” hơn. Bệnh nặng nhẹ là do cảm giác của chúng ta; còn đối với Chúa thì không có gì khác biệt giữa cảm cúm hay ung thư gan! Có thực tập thì dần dần chúng ta mới thấy được mỗi ngày nhiều hơn những phép lạ diệu kỳ mà Chúa sẽ làm. Đức tin của chúng ta mỗi ngày cũng sẽ được lớn mạnh hơn. Lòng trắc ẩn và nhạy cảm của Chúa Cứu Thế trước sự đau khổ của người khác cũng sẽ mỗi ngày đầy dẫy hơn trong lòng chúng ta. Trong tiến trình đó sự cầu nguyện chữa bệnh của chúng ta dần dần sẽ hữu hiệu hơn, lời cầu nguyện chúng ta sẽ đơn giản hơn, chúng ta sẽ dạn dĩ hơn, ma quỷ sẽ “biết mặt” chúng ta, biết thẩm quyền hợp pháp mà chúng ta có và nễ sợ chúng ta hơn (Công vụ 19:13-15). Người đời cũng sẽ có nhiều cơ hội để thấy quyền năng của Chúa qua đời sống chúng ta và chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn khi rao giảng Tin lành.

Chúng ta đừng sống như những người Cơ-đốc thụ động nữa, nhưng như những người lính chiến năng động, đi ra nhơn Danh Chúa mà tấn công kẻ thù của chúng ta là ma quỷ và bệnh tật, tiếp tục thực hiện mục tiêu của Chúa Cứu Thế, là truyển giảng Tin lành Cứu rỗi, nhơn Danh Chúa chữa lành cho người đau, và giải phóng những kẻ bị cầm tù dưới quyền lực của ma quỷ và sự chết. Amen!

Mục sư Bác sĩ Nguyễn Duy Tân

© 2016 – TinLanhLibrary.com


Comments

BH-“PHÁT TRIỂN ƠN CHỮA LÀNH” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *