HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Những Khu Vực Xám” – 1Côr. 8:1-13, Phần 1&2
Những khu vực xám – Phần 1
(Loạt Bài: “I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI”)
I Côrinhtô 8.1-13
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Kinh Thánh rất đặc biệt vì chứa rất nhiều vấn đề. Chúng ta biết tuyệt đối chắc chắn rằng chúng ta không nên giết người, trộm cắp, nói dối, nói xấu, tham lam hay dính dáng đến gian dâm. Chẳng có gì tối nghĩa khi Kinh Thánh dạy rằng đời sống chúng ta cần phải được đánh dấu bởi sự thờ phượng Đức Chúa Trời, hiểu biết Ngôi Lời, yêu thương kẻ lân cận, và giàu ơn trong các mối quan hệ của chúng ta. Cả hai mặt tích cực và tiêu cực, Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta nhiều sự dạy gồm cả trắng và đen.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề trong đó Kinh Thánh chẳng đưa ra một mạng lịnh nào rõ ràng cả. Chúng ta có thể gọi những chỗ nầy là “các khu vực xám”. Chúng không trắng mà cũng chẳng đen. Chẳng có câu trả lời nào là dễ dàng hết. Có những tín hữu thành thực, họ không đồng ý với cách thức lý giải chúng. Một số trường hợp uống rượu, hút thuốc và cờ bạc. Với nhiều hệ phái và nhà thờ, các vấn đề nầy bao gồm cả khiêu vũ, thời trang, xem xinê. Lý do chúng ta phấn đấu với “các khu vực xám”, ấy là chúng đặc biệt không bị cấm trong Kinh Thánh. Chúng ta không thể lấy uy quyền mà nói nghịch với chúng được.
Công vụ Các Sứ đồ 15 mô tả giáo hội nghị đầu tiên của Hội Thánh tại thành Jerusalem. Họ đã nhóm lại để bàn thảo rồi quyết định dân Ngoại khi trở thành Cơ đốc nhân có nên chịu phép cắt bì và tuân giữ Luật pháp Môise hay không, và hoà nhập với các dân Ngoại đã trở lại đạo có sai lầm hay không!?! Các sứ đồ cùng những trưởng lão đã nhóm lại với nhau, họ nghe phần làm chứng từ cả hai nhận định. Sau cùng, Giacơ, Mục sư và là trưởng lão lãnh đạo Hội Thánh tại thành Jerusalem đã nói: “Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời; song khá viết thơ dặn họ kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và huyết” (Công vụ Các Sứ đồ 15.19-20). Đây là một “khu vực xám” cần phải được ổn định một lần đủ cả.
Trong Đấng Christ, chúng ta có sự tự do rất lớn. Chúng ta có sự tự do Cơ đốc. Chúa Jêsus phán trong Giăng 8.31-32: “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”. II Côrinhtô 3.17 chép: “Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó”. Galati 5.1 chép: “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa”.
Có hai thái cực trong “các khu vực xám” nầy. Thái cực thứ nhứt là HÌNH THÁI THIÊN VỀ VỚI LUẬT PHÁP. Người thiên về với luật pháp tin rằng mọi sự phải là trắng và đen, đúng hay sai. Người thiên về với luật pháp sống theo luật lệ thay vì theo Thánh Linh. Người thiên về với luật pháp tuân giữ những bảng danh sách mọi điều mà Cơ đốc nhân thật phải làm theo và không nên làm theo. Người thiên về với luật pháp xem đấy là công việc của họ và theo dõi mọi người sống chung quanh họ. Đời sống của người thiên về với luật pháp bị cai quản bởi luật pháp, chớ không bởi Đức Thánh Linh. Thiên về với luật pháp dập tắt sự tự do.
Thái cực kia là MÔN BÀI. Môn bài nhìn xem mọi sự là trắng. Đấng Christ đã tha thứ cho chúng ta mọi tội lỗi dù bạn đã phạm bao lâu, những gì Kinh Thánh không cấm đoán và bạn không cảm thấy tội lỗi về sự đó, thế là được rồi. I Côrinhtô 8 giúp chúng ta biết cân đối giữa hai thái cực nầy. Bạn có thể nhớ lại rằng người thành Côrinhtô đã viết gửi cho sứ đồ Phaolô một bức thư với nhiều thắc mắc. Ông bắt đầu chương 7 bằng câu nói: “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em…” (7.1). Suốt cả chương 7, ông xử lý với các vấn đề liên quan tới hôn nhân và đời sống độc thân. Tuy nhiên, giờ đây ông bắt đầu chương 8 với: “Luận đến của cúng các thần tượng…” Rõ ràng là người thành Côrinhtô đã có nhiều thắc mắc về hôn nhân, mà còn thắc về vấn đề của cúng các thần tượng nữa. Dường như họ đã bị chia ra về điều nầy, vì vậy họ muốn biết rõ sự dạy của Phaolô.
Để đáp lời, Phaolô đề ra ba lẽ thật về sự thờ lạy hình tượng rồi tiếp đến đưa ra một nguyên tắc để giúp cho tất cả các Cơ đốc nhân biết xử lý với “các khu vực xám”. Chúng ta không có thì giờ để bao quát hết toàn bộ phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, vì vậy chúng ta sẽ xem xét ba lẽ thật về sự thờ lạy hình tượng hôm nay rồi tuần sau sẽ nghiên cứu phần nguyên tắc.
I. Lẽ thật 1. Hiểu biết đem lại sự tự do (các câu 1-3).
A. THẮC MẮC DÀNH CHO PHAOLÔ LÀ “VỀ CỦA CÚNG CÁC HÌNH TƯỢNG” (câu 1a).
Mệnh đề nầy của cúng các thần tượng ra từ một chữ Hy lạp có nghĩa là “con sinh dâng cho hình tượng”. Đặc biệt có những thức ăn làm của lễ dâng cho hình tượng tiêu biểu cho các tà thần của Rôma và Hy lạp. Dân chúng trong đế quốc La mã đều theo đa thần giáo; họ thờ lạy rất nhiều thần. Có những vị thần thực vật, thần mùa màng, thần du lịch, thần công lý, thần phì nhiêu và cứ thế mà còn nhiều nữa. Họ cũng tin khoảng không kia đầy dẫy với tà linh, chúng tìm cách nhập vào và chiếm hữu con người. Một trong những cách thức mà tà linh nhập vào con người là trói buộc họ với thức ăn. Vì vậy những dị giáo nầy đã phát triển cách thực hành thánh hoá thịt của họ bằng cách trước tiên dâng nó cho các hình tượng. Cách thức nầy đã kiếm cho họ sự ưu ái với các thần của họ và nó thanh tẩy đồ ăn đối với các tà linh, làm cho thịt được an toàn khi ăn. Con thú được dùng làm con sinh được chia ra làm ba phần. Phần thứ nhứt sẽ được thiêu trên bàn thờ như của lễ chính. Phần thứ hai được dâng cho các thầy tế lễ (giống như các thầy tế lễ của dân Israel). Phần thứ ba được đem về nhà bởi người thờ lạy sau khi được chúc phước bởi các thầy tế lễ và được chứng nhận là tự do đối với các tà linh. Tất nhiên là các thầy tế lễ không thể ăn hết tất cả thịt mà họ đã nhận lãnh, nên nó được đem ra bán ở ngoài chợ. Đây là phiên chợ bán thịt “thánh”.
Rõ ràng, chỉ có những con thú tốt nhứt mới được dùng làm của lễ, vì vậy thịt nầy phải được chọn trước tiên. Khi nó đã được xác nhận là tự do không thuộc về ma quỉ, nó sẽ được xem là có giá trị. Đây là thịt tốt nhứt sẵn có và được phục vụ tại các đám cưới, tiệc lớn và đủ loại tiệc tùng và các cơ hội khác nữa. Thật là khó khi tránh không ăn thịt đã được dâng cho các hình tượng.
Một nhóm tín đồ ở thành Côrinhtô đã vật vã với việc ăn thứ thịt nầy. Trong lý trí của họ, điều nầy sẽ là phạm thượng khi tiếp xúc với sự thờ lạy hình tượng. Đối với một số người, nó nhắc cho họ nhớ tới đời sống của họ trước kia khi họ còn thờ lạy các tà thần. Họ sợ nhiều người khác sẽ nghĩ họ đã chối bỏ Đấng Christ mà quay lại với tà giáo. Vẫn có nhiều người khác tránh né thứ thịt nầy vì nghĩ nó sẽ làm cho họ kém thuộc linh đi.
Nhóm Cơ đốc khác tại thành Côrinhtô hiểu rõ sự tự do của họ trong Đấng Christ. Họ không bị bối rối bởi thịt kia ra từ đâu!?! Đối với họ, thịt là thịt. Họ biết rõ các tà thần nầy không tồn tại và ma quỉ không thể làm ô uế thức ăn được. Họ tự do ăn và thưởng thức thịt nầy dù đã được dâng cho các hình tượng.
B. PHAOLÔ NÓI CHO CHÚNG TA BIẾT RẰNG “CHÚNG TA ĐỀU CÓ SỰ HAY BIẾT CẢ” (câu 1b).
Hãy nhìn vào câu 1: “Luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả”. Tất cả các tín hữu tại thành Côrinhtô đã có sự hay biết rằng các tà thần đang được thờ lạy trong mấy đền thờ nầy đã không hiện hữu. Họ đã học biết lẽ thật của Đức Chúa Jêsus Christ. Họ đang sống theo những gì Chúa Jêsus đã phán dạy ở Giăng 8.32: “các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”.
Một số người đã được giải phóng hoàn toàn bởi sự hay biết nầy. Sự họ nghiên cứu Kinh Thánh đã thuyết phục họ vì các tà thần nầy không hiện hữu, bất cứ thịt nào được kết với các của lễ đều vô hại và rất tốt khi thưởng thức. Thực vậy, văn mạch khiến tôi phải tin các tín hữu nầy không cứ cách nào đó đã kiêu căng trong niềm tin của họ. Họ có khuynh hướng nhìn xuống đối với anh chị em của họ, những kẻ không được an tâm với việc ăn thứ thịt nầy. Sự hay biết của họ đã làm cho họ ra tự xưng công bình và thái độ ấy làm cho họ hỉnh mũi lên đối với anh chị em của họ trong Hội Thánh.
C. PHAOLÔ NHẮC CHO CHÚNG TA NHỚ RẰNG “SỰ HAY BIẾT SANH KIÊU CĂNG” CÒN “SỰ YÊU THƯƠNG LÀM GƯƠNG TỐT” (các câu 1c-3).
Phaolô nói: “chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả”. Nói cách khác, Hội Thánh cả thảy đều có sự hay biết rằng các tà thần nầy không hiện hữu. Tuy nhiên: “sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt”. Ồ, chúng ta cần sự thông biết về Lời Đức Chúa Trời là dường nào. Tôi đã ở trong chức vụ 20 năm rồi và tôi đã nghiên cứu Kinh Thánh trọn đời sống mình. Tuy nhiên, nếu có một sự thật mà tôi biết chắc, ấy là còn nhiều điều phải nhìn biết hơn là tôi đang biết trong lúc bây giờ nữa! Sự nầy giống như tôi đang leo lên các ngọn núi vậy. Tôi lên tới một đỉnh trong sự hiểu biết của tôi chỉ để nhìn thấy ở đàng xa kia có ngọn núi còn cao hơn cả chỗ tôi đứng đây nữa!
Sứ đồ lỗi lạc Phaolô cứ mãi khao khát sự thông biết về Đức Chúa Trời. Ông đã dâng mình vào sự học hỏi và áp dụng Lời của Đức Chúa Trời. Ông nói ở Rôma 15.4: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy”. Ông cầu nguyện trong Côlôse 1.9 cho họ được “… đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa”. Ông cũng khích lệ họ ở câu 10 càng “càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời”. Ở 3.10 ông bảo họ phải “đổi ra mới theo hình tượng [sự hay biết về] Đấng dựng nên người ấy”.
Hay biết về Lời của Đức Chúa Trời là rất quan trọng. Không may thay, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà trong đó, các cấp lãnh đạo Hội Thánh đang lặng đi không nói được Kinh Thánh. Thay vì thúc giục dân sự lên tới những đỉnh cao lạ lùng của sự thông biết Kinh Thánh, họ lại làm giảm đi sự khôn ngoan vô hạn của Đức Chúa Trời tới mẫu số chung thấp nhất. Vấn đề là người ta không thể làm theo những điều họ không biết. Họ không thể vâng theo những gì họ không hiểu. Chúng ta đang sống ở một thời điểm giống như thời buổi của Ôsê khi Đức Chúa Trời phán: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết” (Ôsê 4.6a). Lý do mà nhiều tín hữu cứ vật vã khó nhọc với tội lỗi như vậy vì họ không biết lẽ thật và thế là họ không được tự do (đối chiếu Giăng 8.32).
Tôi rất biết ơn vì chúng ta có một nhà thờ đã được cung hiến cho việc tìm kiếm lẽ thật quan trọng của Đức Chúa Trời trong Lời không thể sai lầm, được Ngài cảm thúc! Chúng ta có một hội chúng rất sắc sảo về Kinh Thánh. Đồng thời, chúng ta phải canh chừng cẩn thận để chúng ta không kiêu căng. Phaolô nói: Sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt. Khi chúng ta không cân đối sự hay biết với tình yêu thương”, chúng ta sẽ kiêu căng và ngạo mạn.
I Côrinhtô 13.4 chép: “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo”. Sự thông biết thật về Kinh Thánh sẽ không sanh kiêu căng mà sanh ra sự khiêm nhường. Vì chúng ta biết rõ chúng ta là hàng tội nhân bị hư mất chỉ đáng bị xét đoán trong địa ngục và vì chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời trong ân điển lớn lao của Ngài, từ khi sáng thế đã chọn chúng ta để nhờ Đấng Christ mà được cứu, chúng ta đáng phải trở thành hạng người khiêm hạ sống trên bề mặt quả đất. Vì chúng ta hiểu rõ ý nghĩa thật của câu vì Đức Chúa Trời yêu thương… chúng ta cũng phải “yêu thương” như vậy. Có tấm gương nào về điều nầy đẹp hơn các chuyên gia tôn giáo trong thời của Chúa Jêsus không? Những người Do thái nầy chắc chắn đã biết rõ Cựu Ước. Từ thuở còn niên thiếu, họ đã học thuộc lòng các phân đoạn lớn trong kinh Cựu Ước. Họ đã mang những câu Kinh Thánh trên các tấm thẻ đựng trong mấy cái hộp nhỏ đeo trước trán của họ gọi là những lá bùa. Tuy nhiên, họ chẳng biết gì về tình yêu thương của Đức Chúa Trời cả. Hãy xem thí dụ quan trọng của Chúa Jêsus nói về người Samari nhơn lành kia. Người Lê vi và thầy tế lễ đã có sự hay biết rất lớn, nhưng họ chẳng biết gì hầu lo cho người nầy bị bỏ lại mà khỏi chết cả.
Hãy chú ý câu 2: “Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết”. Câu nầy nghe rất hay, có phải không? Cơ đốc nhân nào đi vòng quanh với suy nghĩ mình đang nắm giữ lẽ thật, thực sự lại chưa biết như mình nên biết. Người ấy có sự hay biết đúng đắn song người ấy đang có sự hiểu biết chưa đúng. Thực vậy, như câu 9 chép, người ấy đã trở thành dịp vấp phạm cho nhiều người khác.
Câu 3 chép: “Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó”. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là dấu hiệu của ơn cứu rỗi chơn thật và tình yêu thương của Đức Chúa Trời luôn luôn được tỏ ra qua cách yêu thương những kẻ mà Đức Chúa Trời yêu thương. I Giăng 5.1 chép: “Ai tin Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, thì sanh bởi Đức Chúa Trời; và ai yêu Đức Chúa Trời là Đấng đã sanh ra, thì cũng yêu kẻ đã sanh ra bởi Ngài”. I Giăng 3.14 chép: “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết”.
II. Lẽ thật 2. Hình tượng không có thật (các câu 4-7).
Câu 4 chép: “Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác”. Câu 1 chép: “chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả”. Câu 4 giải thích những điều chúng ta biết, nghĩa là “thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác”. Kể từ sự Sa Ngã của con người, sự thờ lạy hình tượng đã trở thành một nạn dịch và nó đang tiếp tục dù trong kỷ nguyên hậu hiện đại nầy. Hình tượng đã được làm ra đủ kiểu từ đá, gỗ và các vật liệu quí báu. Tuy nhiên, chúng không có thật.
Nguyên nhân chính cho sự phán xét và sự lưu đày Israel là tình trạng tà dâm của Israel khi chạy theo hình tượng. Sau cuộc lưu đày, người Do thái không còn thờ lạy hình tượng nữa. Bài học đã được tiếp thu. Hãy lắng nghe Chúa phán qua tiên tri Giêrêmi: “Như kẻ trộm bị bắt, xấu hổ thể nào, thì nhà Y-sơ-ra-ên, nào vua, nào quan trưởng, nào thầy tế lễ, nào kẻ tiên tri, cũng sẽ xấu hổ thể ấy. Chúng nói với gỗ rằng: Ngài là cha tôi; với đá rằng: Ngài đã sanh ra tôi. Vì chúng đã xây lưng lại cùng ta, mà không xây mặt lại với ta. Đoạn, đến ngày hoạn nạn, chúng sẽ nói rằng: Hãy chỗi dậy, cứu lấy chúng tôi! Vậy chớ nào các thần mà các ngươi đã làm ra cho mình ở đâu? Nếu các thần ấy có thể cứu các ngươi trong kỳ hoạn nạn, thì hãy chỗi dậy mà cứu! Hỡi Giu-đa, vì số các thần ngươi cũng bằng các thành ngươi!” (Giêrêmi 2.26-28).
Hãy nhớ lại Công vụ Các Sứ đồ 19 và cuộc nổi loạn tại thành Êphêsô. Phaolô đã tức tối với đám thợ bạc đã tạo ra nhiều hình tượng chứa trong nhà. Bản án mà họ nghịch lại ông là “các ngươi lại thấy và nghe nói, không những tại thành Ê-phê-sô thôi, gần suốt hết cõi A-si nữa, rằng tên Phao-lô nầy đã khuyên dỗ và trở lòng nhiều người, mà nói rằng các thần bởi tay người ta làm ra chẳng phải là chúa” (câu 26). Thi thiên 115.3-8 chép: “Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm, hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ rẫm; Có chân, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó. Đều giống như nó”.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời đại tiến hoá của chúng ta, người ta đang thực hiện những cuộc hành hương đến các chùa “thánh”. Họ đốt đèn, hát những bài ca rồi trèo lên các bậc thang bằng hai đầu gối để in dấu những mảnh cẩm thạch và đá. Họ đi những khoảng cách xa để nhìn thấy một hình ảnh bị hoen rỉ ở mặt kia của đồng tiền. Tuy nhiên đây tất cả chỉ là công việc của bàn tay con người, chẳng có quyền phép để cứu giúp hay để làm hại ai cả.
Hãy chú ý câu 5: “Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều chúa)”. Điều nầy nói cho chúng ta biết đôi điều về bản chất và số lượng của các hình tượng. Lịch sử thời cổ ghi lại hết danh sách nầy đến danh sách khác về các thần được dựng lên làm hình tượng và được con người thờ lạy. Lịch sử trong Kinh Thánh ghi lại danh xưng của các thần của người Ai cập, người Asiri, người Babylôn, người Canaan và nhiều dân khác nữa. Thậm chí ngày nay, Ấn độ giáo của Ấn độ số lượng thần của họ lên đến hàng ngàn.
Về những vị được gọi là các thần nầy, hầu hết đều chẳng là gì cả song chỉ là những đồ giả theo sự sáng tạo của lý trí và bàn tay của con người. Mặc khác, một số là những sự tỏ ra của ma quỉ nhưng chúng nhất định không phải là thần. Bây giờ hãy đọc câu 6: “về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy”.
Chúng ta không thờ lạy hình tượng được gọi là các thần mà chỉ thờ lạy một Đức Chúa Trời Ngài là Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra. Ngài đã đến với chúng ta quamột Chúa, là Đức Chúa Jêsus Christnhờ Ngài mà chúng ta có sự sống. Đây là câu nói tuyệt vời nhất của vị sứ đồ về sự có một của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Có thể có nhiều tà thần đã được thờ lạy trong thế gian, nhưng về phần chúng ta chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi (câu 5).
Giờ đây Phaolô nói ở câu 7: “Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng; thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế”. Mỗi tín hữu tại thành Côrinhtô không có sự hay biết trọn vẹn nầy. Nhiều tân tín hữu rõ ràng vẫn còn tin đã có nhiều thần khác. Họ không nắm bắt được sự thực là các thần khác mà họ hết lòng thờ lạy là không có thực. Họ tin theo Đấng Christ, tuy nhiên họ chưa nhìn biết các thần khác là không có thực. Họ biết rõ ĐÚNG là chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi; họ không hiểu Ngài ĐÚNG là Vị Thần duy nhứt có một.
Khi các tín hữu nầy đã ăn thứ thịt đã được cúng cho các hình tượng, họ đã cho “lương tâm mình ô uế”, tâm trí họ bị bối rối bởi chỗ mà có thịt đó. Họ không thưởng thức đúng thứ thịt ấy. Khi họ ăn thịt, họ đã ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng. Họ không thể thưởng thức thứ thịt ấy vì cớ ý nghĩa. Tại sao vậy? Vì lương tâm yếu đuối họ bởi đó ra ô uế. Việc ăn thứ thịt đó đã phá rối lương tâm yếu đuối của họ.
Quả là không khôn ngoan hay an toàn khi phá rối lương tâm của bạn. Lương tâm của bạn giống như một ngọn đèn báo trên bảng đồng hồ của xe hơi. Khi nó cháy sáng lên, thì có một vấn đề gì đó cần được nhắc nhở. Bất chấp nó sẽ dẫn tới tai hoạ. Nếu những tín hữu thành Côrinhtô yếu đuối nầy bất chấp lương tâm thì họ sẽ rơi vào chỗ nhầm lẫn, tức tối và có cảm giác tội lỗi. Rôma 14.23 nói tới chính vấn nạn nầy như sau: “Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào, thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi”. Sự dạy là nếu có việc gì dường như là sai đối với bạn, thì việc ấy là sai cho bạn. Giacơ 4.17 chép: “Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”.
III. Lẽ thật 3. Đồ ăn là đồ ăn (câu 8).
Câu 8 chép: “Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì”. Việc ăn hay không ăn thức ăn thì chẳng có quan trọng gì về mặt thuộc linh đâu. Chữ đẹp lòng có nghĩa là “đem đến gần”. Ăn hay không ăn thịt đã được cúng cho thần tượng sẽ đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Làm theo những việc mà Đức Chúa Trời không cấm chẳng ăn thua gì trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Đồ ăn là một trường hợp tốt về vấn đề nầy.
Sự hiểu biết chung chúng buộc chúng ta phải cẩn thận về việc chúng ta phải ăn cái gì và ăn bao nhiêu. Tham ăn là một tội lỗi. Tham ăn là thiếu tiết độ. Ăn không phải là tội. Ấy chẳng phải thứ chi chúng ta nuốt vào là tội lỗi đâu; mà điều chi thải ra từ tấm lòng hư hoại của chúng ta kìa. Chúa Jêsus phán ở Mác 7.15: “Chẳng sự gì từ ngoài người vào trong cơ thể làm dơ dáy người được; nhưng sự gì từ trong người ra, đó là sự làm dơ dáy người”.
Được nuôi dạy là một người Do thái nghiêm ngặt Phierơ đã giữ giới luật về chế độ ăn uống cho tới khi Đức Chúa Trời ban cho ông một sự hiện thấy về các loại thú vật. Chúa bảo Phierơ hãy dậy làm thịt và ăn (Công vụ Các Sứ đồ 10.10-16, 28). Phaolô đã viết cho Timôthê ở I Timôthê 4.4: “Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được”.
Chúng ta không có thì giờ để tóm hết nguyên tắc ở các câu 9-13. Chúng ta sẽ lo phần nầy vào tuần tới. Tuy nhiên, trước khi chúng ta kết thúc, chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi quan trọng:
1. Đâu là một số “khu vực xám” mà tôi đang vật vã với trong đời sống của tôi?
2. Tôi đang nương theo HÌNH THÁI THIÊN VỀ VỚI LUẬT PHÁP hay MÔN BÀI?
3. Có phải sự hay biết về Lời Đức Chúa Trời của tôi khiến cho tôi sanh kiêu ngạo hay làm cho tôi được khiêm nhường?
4. Có phải tôi đang phá rối lương tâm tôi bằng bất cứ phương thức gì không?
+++++++++++++++++++

Những khu vực xám – Phần 2″

(Loạt Bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)
I Côrinhtô 8.1-13
Tuần vừa qua tôi bắt đầu một sứ điệp nhắm vào những câu Kinh Thánh mà chúng ta không có thì giờ để hoàn tất. Vì vậy, hôm nay tôi muốn ôn tóm tắt lại những điều chúng ta đã tiếp thu ở các câu 1-8 tuần rồi và kế đó đào sâu vào phần còn lại của phân đoạn Kinh Thánh.
Chúng ta biết Kinh Thánh rất đặc biệt về nhiều vấn đề. Chúng ta biết mà chẳng chút nghi ngờ rằng chúng ta không nên giết người, trộm cắp, nói dối, nói xấu, tham lam hay dính dáng vào sự gian dâm. Chúng ta cũng biết với sự chắc chắn rằng đời sống của chúng ta sẽ được đánh dấu bằng sự thờ phượng Đức Chúa Trời, hiểu biết Ngôi Lời, yêu mến kẻ lân cận, và giàu ơn trong các mối quan hệ của chúng ta. Cả hai mặt tích cực và tiêu cực, Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta nhiều sự dạy cả trắng và đen.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà Kinh Thánh không nói tới cách trực tiếp. Không có một mạng lịnh nào đen và trắng cả. Tôi gọi những chỗ nầy là “các vùng xám”. Cho phép tôi minh hoạ. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu tôi xuất hiện vào sáng Chúa nhựt tới với một chiếc hoa tai đeo trên lỗ tai của tôi? Phần lớn trong các bạn sẽ lấy làm khó chịu. Có người sẽ nghĩ là trời lạnh lắm. Có người chẳng quan tâm. Sẽ ra sao nếu tôi xăm mình hay khởi sự để cho tóc dài ra rồi cột theo kiểu đuôi ngựa? Một lần nữa, điều nầy sẽ làm cho nhiều người trong các bạn phật lòng vì bạn không muốn vị Mục sư của mình trông giống như vậy. Mặt khác, một số trong các bạn sẽ chẳng thấy những thay đổi ở bề ngoài có chút nhằm nhò nào. Sẽ ra sao nếu tôi muốn uống bia lạnh sau khi cắt bãi cỏ kia? Sẽ ra sao nếu Debra và I muốn có một ly rượu với bữa ăn tối thật ngon? Còn hút một điếu xì gà thì sao nào? Mua vé số thì sao nào? Đi nghỉ hè ở Las Vegas thì sao chứ? Mặc quần sọt và váy ngắn củn cởn thì sao nào? Xem loại phim tốc độ có sao không? Dường như có một danh sách vô tận loại thắc mắc như thế nầy.
Tôi có những ý kiến rất mạnh về tất cả những vấn đề nầy. Tôi có nhiều lý do, phần lớn trong đó dựa theo nguyên tắc của Kinh Thánh tại sao tôi cảm thấy mình phải rao giảng về chúng. Tôi có thể bàn bạc địa vị của tôi từ Kinh Thánh. Tuy nhiên, tôi không thể đưa ra một trường hợp tuyệt đối nào trắng hay đen cho chúng hoặc nghịch lại chúng, vì vậy chúng vẫn nằm trong “những vùng xám”.
“Những vùng xám” chẳng có gì mới đối với Hội Thánh. Công vụ Các Sứ đồ 15 mô tả giáo hội nghị chính thức lần đầu tiên tổ chức tại thành Jerusalem. Họ nhóm lại với nhau để bàn luận và quyết định người dân Ngoại khi trở thành Cơ đốc nhân có nên chịu phép cắt bì và tuân giữ Luật pháp Môise hay không, và hoà nhập với dân Ngoại đã trở lại đạo có gì sai không!?!
Khi đến với “những vùng xám” chúng ta có sự tự do để lựa chọn. Chúa Jêsus đã chịu chết để ban cho chúng ta sự tự do Cơ đốc. Ngài đã phán ở Giăng 8.31-32: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”. II Côrinhtô 3.17 chép: “Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó”. Galati 5.1 chép: “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa”.
Tuần qua, chúng ta đã lưu ý hai thái cực trong “những vùng xám” nầy. Thứ nhứt, THIÊN VỀ VỚI LUẬT PHÁP xem mọi sự là trắng và đen, đúng hay sai. Người thiên về với luật pháp sống bởi những quy định, luật lệ và muốn người khác cũng phải làm theo luật lệ của họ nữa. Thứ hai, có MÔN BÀI. Môn bài xem hầu hết mọi sự là trắng. Đấng Christ đã tha thứ cho chúng ta hết thảy mọi tội, vì vậy bao lâu những gì bạn đang làm không bị cấm tỏ tường trong Kinh Thánh và bạn không cảm thấy tội lỗi về việc làm đó, thì không sao.
“Những vùng xám” to lớn trong Hội Thánh Côrinhtô là vấn đề ăn thịt được cúng cho các thần tượng. Câu 1 chép: “Luận đến của cúng các thần tượng”. Đây là những thức ăn được cúng cho thần tượng tiêu biểu cho các tà thần của Rôma và Hy lạp. Dân chúng trong đế quốc Rôma theo đa thần giáo, họ thờ lạy nhiều vị thần lắm. Họ cũng tin khoảng không kia đầy dẫy với các tà linh cố gắng xâm nhập vào và chiếm hữu con người. Một trong phương thức mà tà linh nhập vào con người là qua việc tự họ gắn bó với đồ ăn.
Vì vậy những kẻ dị giáo nầy đã phát triển cách thực hành làm nên thánh thịt của họ bằng cách dâng nó cho các vị thần linh. Cách thức nầy đem lại cho họ sự ưu ái với các vị thần của họ và nó làm sạch đồ ăn không có tà linh, làm cho thịt ra an toàn khi dùng. Thịt đó là thịt tốt nhứt có sẵn và được phục vụ trong các tiệc cưới, đại tiệc và đủ thứ tiệc cùng những dịp khác nữa. Thật là khó tránh việc ăn thịt đã được đem cúng cho các thần tượng. Tuần qua, chúng ta đã lưu ý ba lẽ thật về thịt được cúng cho các thần tượng. Chúng ta hãy ôn lại chúng một cách mau mắn rồi dành thì giờ tiếp thu nguyên tắc quan trọng cho việc xử lý với “những vùng xám”.
I. Lẽ thật 1: Hiểu biết đem lại sự tự do (các câu 1-3).
Một nhóm Cơ đốc nhân ở thành Côrinhtô đã vật vã với việc ăn thứ thịt nầy. Trong lý trí của họ, tiếp xúc với sự thờ lạy hình tượng là bị ô uế. Nhóm Cơ đốc nhân khác hiểu rõ sự tự do của họ trong Đấng Christ. Họ biết rõ các tà thần nầy không hiện hữu và ma quỉ không thể làm ô uế thức ăn được. Họ ăn cách tự do và tận hưởng thịt nầy là thứ đã được cúng cho thần tượng.
Hãy xem lại câu: ““Luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả”. Tất cả tín hữu thành Côrinhtô đều có sự hay biết rằng các thần được thờ lạy trong những đền thờ nầy đều không hiện hữu. Họ đã học biết lẽ thật nói về Đức Chúa Jêsus Christ. Họ đang sống theo những gì Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 8.32: “các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”.
Phaolô nói: “Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt”. Đừng hiểu lầm. Chúng ta cần phải lớn lên và tấn tới trong sự thông biết về Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang sống trong thời kỳ trong đó Kinh Thánh và đạo thật đang suy giảm dần theo ánh sáng sự chấp nhận của xã hội. Chúng ta đang sống trong thời kỳ giống với thời buổi của Ôsê khi Đức Chúa Trời phán: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết” (Ôsê 4.6a). Lý do nhiều tín hữu đang vật vã khó nhọc với tội lỗi như thế là vì họ chưa biết lẽ thật và vì vậy họ chưa được buông tha (đối chiếu Giăng 8.32).
Tuy nhiên, chúng ta phải canh chừng cách cẩn thận để chúng ta đừng sanh kiêu căng. I Côrinhtô 13.4 chép: “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo”. Sự hay biết thật về Kinh Thánh không nên sanh kiêu căng mà phải sanh sự khiêm nhường.
II. Lẽ thật 2: Thần tượng không có thật (các câu 4-7).
Câu 4 chép: “Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác”. Kể từ sự Sa Ngã của con người, tình trạng thờ lạy hình tượng đã là một nạn dịch và nó cứ tiếp tục thậm chí trong kỷ nguyên hậu hiện đại nầy. Thần tượng đã được làm nên từ đủ thứ đá, gỗ và các vật liệu quí khác. Tuy nhiên, chúng không có thực. Cổ sử ghi lại danh sách nầy đến danh sách khác về cái được gọi là thần tượng được dựng lên làm hình tượng rồi được con người thờ lạy. Sử thánh ghi lại tên tuổi của những tà thần của người Ai cập, người Asiri, người Babylôn, người Canaan và còn nhiều nữa. Thậm chí ngày nay, Ấn độ giáo của Ấn độ số các thần của họ có tới hàng ngàn. Trong tất cả cái được gọi là “thần tượng” nầy phần lớn là hư không chỉ là đồ giả mạo từ sự sáng tạo của lý trí và bàn tay của con người mà thôi. Mặt khác, một số là những cách bày tỏ của ma quỉ nhưng chúng chắc chắn không phải là thần linh. Câu 6 chép: “về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy”.
Phaolô nói ở câu 7: “Nhưng chẳng phải mọi người đều có sự hay biết đó. Một đôi người vì nghĩ thường có thần tượng, nên khi ăn của cúng tế đó cho là của cúng tế thần tượng; thì lương tâm yếu đuối của họ bởi đó ra ô uế”. Mỗi tín hữu tại thành Côrinhtô chưa có sự hiểu biết đầy trọn nầy. Nhiều tân tín hữu rõ ràng đã tin có nhiều thần tượng khác. Tuy vậy, họ không nắm bắt được sự thực là các thần tượng khác mà họ thờ lạy trọn đời sống của họ đều không có thực. Họ đã tin theo Đấng Christ, tuy nhiên họ chưa biết rằng các thần tượng ấy không hiện hữu. Họ vốn biết rõ ĐÚNG chỉ có một Đức Chúa Trời; họ chỉ không hiểu Ngài là Đức Chúa Trời CHÂN THẬT duy nhứt.
III. Lẽ thật 3: Đồ ăn là đồ ăn (câu 8).
Câu 8 chép: “Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì”. Ăn hay không ăn thức ăn thì chẳng có ý nghĩa thuộc linh gì cả. Chữ đẹp lòng có nghĩa là “đem đến gần”. Ăn hay không ăn thịt đã được cúng cho thần tượng sẽ đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Làm theo những việc mà Đức Chúa Trời không cấm chẳng ăn thua gì trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Đồ ăn là một trường hợp tốt về vấn đề nầy. Giờ đây, chúng ta hãy đào sâu vào những câu còn lại của phân đoạn Kinh Thánh nầy rồi tiếp thu một nguyên tắc có thể đem áp dụng cho tất cả “những vùng xám”.
IV. Một nguyên tắc cho những vùng xám. Sự tự do phải bị hạn chế vì cớ nhiều người khác (các câu 9-13).
A. SỰ TỰ DO CÓ THỂ TRỞ THÀNH VẦNG ĐÁ VẤP PHẠM (câu 9).
Câu 9 chép: “Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm”. Là Cơ đốc nhân, chúng ta có sự tự do ăn và uống thứ chi chúng ta chọn lựa. Chúng ta có sự tự do trong cách chúng ta tỏ mình qua sự chọn lựa y phục và cách chúng ta để tóc tai. Tôi không biết Chúa Jêsus có lái chiếc SUV hay không, nhưng tôi có sự tự do để lái một chiếc nếu tôi chọn điều đó. Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ để cho sự tự do thắng hơn tình yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ làm, ăn mặc hay nói bất cứ điều chi sẽ trở thành vầng đá vấp phạm cho Cơ đốc nhân khác.
Từ ngữ phổ thông Hy lạp được dịch là vầng đá vấp phạmskandalon, và từ nầy đề cập đến một cái bẫy, là thứ được gài một cách cố ý. Ở đây chữ là proskomma có ý nói một thứ mà người ta tình cờ vấp phải. Chúng ta không cố ý gài bẫy một ai khác, nhưng chúng ta tình cờ để lại một việc trên con đường của họ khiến cho họ té ngã y như thế. Trong một Hội Thánh nhỏ, nơi tôi được hầu việc Chúa, có đôi vợ chồng chấp sự kia hay hút thuốc lá lắm. Cả hai người đều là Cơ đốc nhân và họ rất trung tín trong chức năng của họ tại Hội Thánh.
Họ đã thực thi quyền tự do của họ để hút thuốc lá, đặc biệt ngay các bậc thềm của nhà thờ. Trong chính Hội Thánh ấy, là một thanh niên mới được cứu đây. Trong một thời gian ngắn, anh ta đã xây khỏi quá khứ theo đời nầy của mình rồi bắt đầu bước theo Đấng Christ. Tuy nhiên, anh ta vẫn còn bám víu vào việc hút thuốc. Anh ta không muốn hút thuốc. Anh ta muốn bỏ. Anh ta có cơn nghiện mà dường như anh ta không thể thắng hơn được. Khi anh ta hút thuốc, anh ta cảm thấy tội lỗi. Lương tâm của anh ta bị xúc phạm. Tuy vậy, mỗi sáng Chúa nhựt khi anh ta đến tại nhà thờ, anh ta đã nhìn thấy hai người nầy, anh ta ca ngợi việc hút thuốc ngay tại bậc thềm của nhà thờ. Họ đã trở thành lời cáo lỗi của anh ta khi mua nhiều thuốc lá là thứ mà anh ta cảm thấy tội lỗi.
Kết quả sau cùng, ấy là tôi đến gặp hai người kia rồi giải thích về tình huống. Họ có sự tự do để hút thuốc, nhưng sự tự do ấy phải bị hạn chế bởi tình yêu thương. Vì họ yêu mến chàng thanh niên nầy và không muốn trở thành vầng đá vấp phạm, họ thôi không hút thuốc ở trước thềm nhà thờ nữa … họ đi qua phía bên kia của nhà thờ! Mục đích là, điều chi thường không là sai trái đối với chúng ta trở thành sai trái nếu nó làm cho một tín hữu ít trưởng thành hơn phải vấp ngã và bị tổn thương.
B. SỰ TỰ DO CỦA CHÚNG TA CÓ THỂ XÚC PHẠM LƯƠNG TÂM CỦA MỘT ANH CHỊ EM YẾU ĐUỐI HƠN (câu 10).
Câu 10 chép: “Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao?” Đây là một minh hoạ rất sinh động. Hãy nhớ rằng những đền thờ hình tượng đều thừa mứa thịt đã được đem bán ở chợ thịt. Dường như họ cũng có nhiều nhà hàng hay sãnh đường cho đại tiệc gắn liền với đền thờ, ở đó thịt nầy đã được dọn ra. Hãy hình dung đền Aphrodite Shrine, Brothel và Three-Star- Steakhouse – nếu bạn ăn 72 ounce [1 ounce=28,35g] thịt, bữa ăn của bạn sẽ được miễn phí .
Vì vậy, một Cơ đốc nhân trưởng thành nào có sự hay biết hay một sự hiểu biết về quyền tự do của mình trong Đấng Christ đi đến nhà hàng đền thờ tà giáo nầy để dự tiệc. Có thể người ấy ngồi ăn ở ngoài hè bên đường phố. Giống như người ấy đang há miệng nhai một miếng thịt tái, một tín hữu đi ngang rồi nhìn thấy ông ta đang ăn trong đền thờ thần tượng.
Mặc dù Cơ đốc nhân trưởng thành có sự tự do để ăn uống ở một nơi như thế, Cơ đốc nhân ít trưởng thành hơn thì không có. Đối với người, việc nầy là sai. Người thường thờ lạy một vị thần giả dối trong đền thờ đó. Người thường đi lại với những kẻ vừa là nữ tư tế vừa là gái điếm. Người thường ăn thứ thịt ấy trong chỗ đó và nó tiêu biểu cho đời sống cũ của người, từ đó mà người đã thoát ra khỏi. Khi người nhìn thấy một Cơ đốc nhân mà mình kính trọng đang ngồi ăn ở đây, như Phaolô nói: “Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao?”
Bắt chước có nghĩa là “xây dựng lên” nhưng không phải theo ý tích cực đâu. Một anh em yếu đuối như thế sẽ được “xây dựng lên” đối với tội lỗi và lương tâm người bị xúc phạm. Lương tâm là một công cụ của Đức Thánh Linh để giữ chúng ta đừng phạm tội. Như tôi đã nói vào tuần qua, lương tâm giống như ngọn đèn báo trên bảng đồng hồ của chiếc xe hơi. Ý thức giữ chúng ta không đi đến những địa điểm và làm theo những việc mà Đức Chúa Trời không muốn chúng ta làm. Khi chúng ta trưởng thành, lương tâm cho phép chúng ta đi và làm nhiều việc vì chúng ta có sức lực và sự khôn ngoan thuộc linh mạnh mẽ hơn.
Chúng ta hãy suy nghĩ tới một minh hoạ rõ nét hơn. Hãy xét thức uống bia rượu trong xã hội xem. Mặc dù Kinh Thánh không hề cấm đoán không cho sử dụng các thức uống về rượu bia, bạn biết đấy trong xã hội của chúng ta có dấu hiệu chung nghịch lại Cơ đốc nhân uống rượu. Vì vậy sẽ ra sao nếu một tín đồ trưởng thành có mặt trong một nhà hàng địa phương. Ông ta biết ông ta có sự tự do để dùng một thức uống bao lâu ông ta không rơi vào chỗ say xỉn. Vì vậy, ông ta gọi một ly rượu hay bia cùng với món thịt. Trong khi ông ta ngồi ở đó với cái ly trên bàn mình, bồi bàn đưa đôi thanh thiếu niên còn trẻ đến từ nhà thờ của ông ta, họ hẹn gặp ở đây. Họ chưa trưởng thành. Lương tâm của họ bảo họ không được uống rượu. Họ chưa mạnh mẽ hay khôn ngoan đủ về mặt thuộc linh cho những sự tự do như thế. Họ sẽ đáp ứng với một trong hai cách. Có thể họ mất đi độ tin cậy nơi người tín đồ trưởng thành nầy hoặc họ sẽ có khuynh hướng nghĩ rằng ông ta uống được thì họ cũng có thể uống được và vì thế xúc phạm đến lương tâm của chính họ.
C. SỰ TỰ DO CỦA CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM CHO MỘT ANH EM YẾU ĐUỐI BỊ HƯ MẤT (câu 11).
Câu 11 chép: “Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho!” Hư mất trong câu nầy nhất định không có nghĩa là chết hay đi địa ngục đâu. Người nầy có thể yếu đuối nhưng người vẫn còn là một anh em ở trong Chúa, đặc biệt một anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho. Thay vì thế hư mất theo ý nầy có nghĩa là “đổ nát, bị hủy diệt”. Có thể là sự tấn tới về mặt thuộc linh của một anh em trong Đấng Christ sẽ bị đổ nát hoặc thậm chí bị hủy diệt vì những hành động của Cơ đốc nhân khác.
Khi mấy đứa con gái của chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi phải coi chừng chúng không cho chơi đùa ngoài đường phố. Chúng chưa trưởng thành đủ để xem chừng những chiếc xe hơi ngay tại chỗ chúng đang chơi đùa. Tuy nhiên, khi chúng lớn thêm lên, chúng tôi không lấy làm lo về chúng nhiều nữa. Thật là khó mà nghĩ được tự nhiên trong phút chốc mà chúng lao ra ngoài đường phố được! Khi chúng lớn lên trong sự trưởng thành, chúng tấn tới trong sự tự do.
Tôi thường dùng điều nầy để giảng cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Tôi thường hay nói với họ rằng những sự tự do của họ sẽ lớn lên cùng với tinh thần trách nhiệm của họ. Khi họ học biết nắm lấy trách nhiệm cho bản thân mình và làm theo những gì họ cần phải làm mà chẳng ai bảo và không làm theo những gì họ không nên làm mà chẳng ai bảo, khi ấy sự tự do của họ sẽ lớn lên. Một phần trong sự tấn tới trong sự tự do là thôi không còn ích kỷ nữa. Con trẻ và thiếu nhi hay nghĩ về thế giới đang xoay tròn ở chung quanh chúng. Khi chúng lớn lên thêm, chúng phải học suy nghĩ đến tha nhân trước tiên và không luôn luôn nhắm về bản thân mình. Đó là sự trưởng thành.
Cũng một nghĩa đó, phô trương sự tự do thuộc linh không phải là một dấu hiệu trưởng thành về mặt thuộc linh đâu. Thay vì thế, nó minh chứng tình trạng chưa trưởng thành về mặt thuộc linh. Ngược lại, người trưởng thành về mặt thuộc linh sẽ bằng lòng giới hạn sự tự do của mình để giữ không làm đổ nát hay hủy diệt đức tin của một anh em kém trưởng thành hơn.
D. LẠM DỤNG SỰ TỰ DO CỦA CHÚNG TA SẼ DẪN ĐẾN BA KẾT QUẢ RẤT THẢM HẠI (câu 12).
Câu 12 chép: “Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ”. Hãy chú ý khi sự tự do của chúng ta trong Đấng Christ trở thành vầng đá vấp phạm thì có ba kết quả. Thứ nhứt, chúng ta phạm tội cùng anh em. Bạn không hề ý thức hay chủ ý nói hoặc làm bất cứ điều chi gây thương tổn cho anh em khác, nhưng nếu bởi sự sử dụng quyền tự do Cơ đốc của mình khiến cho người ấy phải xúc phạm lương tâm của người ấy, bạn đã phạm tội cùng người ấy. Thứ hai, chúng talàm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương. Sự bảo hộ của Đức Thánh Linh trên đời sống của người đó đã bị thương tích. Mục sư A.T. Robertson dịch cụm từ nầy là: “một cú đấm, giống như một cái tát thẳng vào mặt”.
Hãy suy nghĩ về thiếu niên Cơ đốc kia, nó nhìn thấy kẻ mà nó kính trọng đang ngồi uống rượu xem. Lần tới khi người ta trao cho nó một ly rượu, nó quyết định cầm lấy ngay. Mặc dù những ngọn đèn báo sắp tắt rồi, nó vẫn cứ uống. Nó cảm thấy rất tội lỗi về việc nầy. Lương tâm nó đã bị thương tích. Tuy nhiên, nhượng bộ lần kế tiếp sẽ là dễ dàng hơn. Khi ấy, nó phát triển một cái nếm về rượu đến nỗi nó không thể kềm chế và cuối cùng đời sống thuộc linh của nó bị hủy hoại hay hư mất vì một Cơ đốc nhân già dặn hơn thiếu suy nghĩ đã làm cho lương tâm yếu đuối của nó bị thương. Thứ ba, chúng taphạm tội cùng Đấng Christ. Đây là kết quả tai hại nhất. Đây là tội gây cho một anh em kém trưởng thành hơn phải phạm tội. Đây là một lời cảnh cáo rất nghiêm trọng. Phải rất cẩn trọng đấy! Mác 9.42 chép: “Nhưng hễ ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin, phải sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn”.
E. SỰ TỰ DO CỦA CHÚNG TA PHẢI BỊ GIỚI HẠN BỞI TÌNH YÊU THƯƠNG (câu 13).
Vì vậy, đây là nguyên tắc được trình bày rất đơn giãn ở câu 13: “Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi”. Nói cách đơn giãn, sự tự do của chúng ta phải bị hạn chế bởi tình yêu thương. Phaolô rất nghiêm về việc không gây cho anh em khác phải vấp ngã, nếu cần thiết không những ăn thịt cúng cho các thần tượng mà xui vấp phạm thì ông sẽ “chẳng hề ăn thịt” ấy nữa. Thay vì khiến cho ai đó phải vấp ngã, ông sẽ trở thành người ăn chay, không ai sẽ nghĩ lầm là ông đã ăn thịt cúng cho các thần tượng. Mục tiêu của chúng ta là không bao giờ thực thi sự tự do nhưng thay vì thế phải tỏ ra “tình yêu thương”. Còn nhớ câu 1 không? Câu nầy chép: Tình yêu thương làm gương tốt.
Nguyên tắc nầy, nếu khả thi thậm chí còn rất quan trọng cho những ai chấp nhận những địa vị có trách nhiệm trong Hội Thánh. Có nhiều người đang quan sát lối sống của bạn, bạn càng phải nghĩ tới cách cẩn thận thực thi sự tự do. I Phierơ 5.2-3 nói với các vị trưởng lão: “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy”. Giacơ 3.1 chép: “Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn”. Là Mục sư của các bạn, tôi sẽ bị xét đoán bởi tấm gương của tôi bày ra cho các bạn. Tôi sợ rằng mình đã thất bại trong nhiều cách, nhưng cho phép tôi cung ứng cho bạn minh hoạ nầy. Tôi không uống rượu. Ít nhất tôi có thể nói rằng tôi hiếm khi, RẤT hiếm khi uống rượu. Tại sao chứ? Vì Kinh Thánh ngăn cấm điều đó chăng? Không. Vì tôi có lương tâm yếu đuối chăng? Không. Vì tôi sợ các tác động từ phía Hội Thánh sao? Không. Thay vì thế, tôi chọn không uống rượu, tôi chọn giới hạn sự tự do của mình vì tôi biết có nhiều người đang quan sát lối sống của tôi và tôi không muốn trở thành vầng đá vấp phạm cho bất cứ ai.
Chúng ta hết thúc với điều nầy. John MacArthur đã viết một bảng danh sách quan trọng để giúp chúng ta quyết định về “những vùng xám”. Có thừa thải không? Sinh hoạt, hay thói quen kia có cần thiết không? Có quan trọng không? Có lẽ chỉ có một ngăn trở duy nhứt mà chúng ta phải bằng lòng nhượng bộ sao? Hêbơrơ 12.1 chép: “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”. Có thích hợp không? “Mọi sự tôi có phép làm”, Phaolô nói: “nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích” hay thích hợp (I Côrinhtô 6.12). Phải chăng điều chi tôi muốn làm là có ích và hữu dụng, hay đáng ao ước?• Điều đó có đáng thi đua không? “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (I Giăng 2.6). Nếu chúng ta làm theo những điều Đấng Christ lo làm, hành động của chúng ta không những là được phép mà còn đúng đắn và tốt lành nữa. Việc nầy có phải là một gương tốt không? Có phải chúng ta đang đề ra một gương tốt cho nhiều người khác, đặc biệt cho anh chị em yếu đuối hơn? Nếu chúng ta đua tranh với Đấng Christ, nhiều người khác sẽ có thể tranh đua với chúng ta, noi theo gương của chúng ta. I Timôthê 4.12 chép: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ”.
Có phải đây là sự chứng đạo không? Phải chăng sự làm chứng của tôi sẽ nâng đỡ hay ngăn trở đây? Những người chưa tin Chúa có được kéo đến với Đấng Christ hay xây khỏi Ngài bởi những điều mà tôi đã làm không? Liệu việc nầy có giúp tôi biết xử sự với “sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, và lợi dụng thì giờ” (Côlôse 4.5)? Điều nầy có gây dựng không? Liệu tôi có được gây dựng và được trưởng thành trong Đấng Christ; liệu tôi có được mạnh mẽ hơn về mặt thuộc linh không? “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (I Côrinhtô 10.23). •Điều nầy có đáng tôn vinh không? Liệu Chúa sẽ được tôn cao và được làm cho vinh hiển trong những việc tôi làm hay không? Sự vinh hiển và sự tôn cao Đức Chúa Trời sẽ là mục đích tối thượng nằm ở đàng sau mọi sự chúng ta làm. “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Côrinhtô 10.31).

Comments

BH-“Những Khu Vực Xám” – 1Côr. 8:1-13, Phần 1&2 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *