HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Hội Thánh Không Phải Là Chổ Cho Sự Kiêu Ngạo”-1Côr. 4:6-13
BH-“Hội Thánh không phải là chỗ cho sự kiêu ngạo”
(Loạt bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)
I Côrinhtô 4. 6-13
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Bạn có nhớ Vince Lombardi nổi tiếng, huấn luyện viên giàu kinh nghiệm của đội Green Bay Packers trước đây không? Ông là một nhân vật đáng kính nhất trong giới thể thao của mọi thời đại. Tuy nhiên chưa có ai nói ông là một người khiêm nhường cả. Tôi thích câu chuyện nói tới một buổi tối mùa đông, khi ông cùng với vợ mình đang nằm ở trên giường. Thình lình bà nói: Ông Trời ơi, chân Ông lạnh quá. Ông lăn qua nói:Em yêu, ở nhà em có thể gọi anh là Vince.
Những người nam người nữ cao trọng của Đức Chúa Trời luôn luôn được đánh dấu bằng sự khiêm nhường. Chúng ta hãy xem xét một vài trường hợp điển hình:
ÁPRAHAM nói: “mặc dầu tôi đây vốn là tro bụi, song tôi cũng dám cả gan thưa lại cùng Chúa” (Sáng thế ký 18.27).
GIACỐP nói: “Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài” (Sáng thế ký 32.10).
MÔISE nói: “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô?” (Xuất Êdíptô ký 3.11).
GHIĐÊÔN nói: “Than ôi! hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi” (Các Quan Xét 6.15).
GIĂNG BÁPTÍT đã nói khi Chúa Jêsus đến với ông để chịu phép báptêm: “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao!” (Mathiơ 3.14).
PHIERƠ thưa với Chúa Jêsus: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội!” (Luca 5.8).
PHAOLÔ nói: “Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời” (I Côrinhtô 15.9).
CHÚA JÊSUS là tấm gương quan trọng nhất về sự khiêm nhường. Philíp 2.6-8 nói về Ngài: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”.
Tuy nhiên, mọi điều mà lịch sử phong phú nói tới hàng tôi tớ của Đức Chúa Trời dường như chẳng có một tác dụng nào cả trên Hội Thánh Côrinhtô. Họ vẫn sống đầy dẫy với sự kiêu căng, kiêu ngạo nơi các Mục sư mà họ ưa thích, kiêu hãnh nơi triết lý của họ, và cao ngạo trong tín điều của họ. Tôi từng đọc một quyển sách mô tả Phaolô là: “vị sứ đồ với bàn tay thép trong đôi găng bằng nhung”. Trong tiểu đoạn nầy, đôi găng được tháo ra và ông chỉ ra thái độ kiêu căng của họ. Ở đây Phaolô đối chiếu sự kiêu ngạo của Hội Thánh Côrinhtô với sự khiêm nhường của những vị sứ đồ đã hầu việc Chúa giữa vòng họ.
I. Sự kiêu ngạo của người thành Côrinhtô (các câu 6-8).
A. PHAOLÔ NÊU GƯƠNG QUỞ TRÁCH HỘI THÁNH (câu 6).
Câu 6 chép: “Hỡi anh em, ấy là vì cớ anh em, tôi đã dùng những lẽ thật nầy chỉ về chính mình tôi và A-bô-lô, hầu cho anh em học đòi hai chúng tôi, chớ vượt qua lời đã chép, và chớ sanh lòng kiêu ngạo, theo phe người nầy nghịch cùng kẻ khác”. Khi Phaolô nói: những lẽ thật nầy ông đang đề cập tới hình ảnh mà ông đã nêu ra rồi. Ông ví chính mình ông và Abôlô với HẠNG NHÀ NÔNG (3.6-9), THỢ XÂY DỰNG (3.10-15), và HẠNG QUẢN GIA hay QUẢN LÝ (4.1-5). Ông nói những hình ảnh nầy chỉ về ông và Abôlô hầu cho họ chớ nghĩ quá lời đã chéptheo phe người nầy nghịch cùng người khác.
Hãy gạch dưới mệnh đề vượt qua lời đã chép. Đấy là cụm từ chính và quan trọng lắm. Quí Mục sư cùng các cấp lãnh đạo Hội Thánh đều xứng đáng được tôn trọng. I Timôthê 5.17 chép: “Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ”. Tuy nhiên, họ đã làm dụng điều nầy hầu phát triển các phe phái chia rẽ trong Hội Thánh. Họ đã vượt qua lời đã chép. Họ đã sử dụng lòng trung thành của họ vào những chỗ không lành mạnh. Tình yêu và lòng trung thành của họ đã bị hư hỏng với sự kiêu ngạo.
Một trong những dấu hiệu phân biệt về một Cơ đốc nhân trưởng thành, ấy là người suy tưởng theo Kinh Thánh. Người đẩy mọi sự qua bộ lọc Kinh Thánh. Lời của Đức Chúa Trời dẫn dắt người trong giáo lý, mọi quyết định và thái độ. Điều nầy cần phải có thời gian và sự siêng năng. Bạn không thể suy nghĩ theo Kinh Thánh trừ phi bạn biết rõ Kinh Thánh. Bạn không thể biết rõ Kinh Thánh trừ phi bạn dành thì giờ để đọc, nghiên cứu và suy gẫm Kinh Thánh. Nếu một Cơ đốc nhân không biết lời đã chép thì dễ lắm cho người ấy suy nghĩ quá lời đã chép. Sa vào ý kiến của con người lắm kiêu căng là việc rất dễ. Vì lẽ đó, chúng ta phải trở thành hạng người của Ngôi Lời. Chúng ta phải luôn thắc mắc: “Kinh Thánh đang dạy điều gì vậy?”
Một trường hợp quan trọng về điều nầy là lẽ đạo lựa chọn, lẽ đạo nầy rất là khó. Chúng ta dễ dàng cho sự khôn ngoan của con người cao hơn Đức Chúa Trời thay vì nắm lấy Ngài bằng Lời của Ngài. Với sự dạy nầy cùng bất kỳ sự dạy nào khác nữa, thì thắc mắc đáng phải là: Tôi đang tin gì đây? thay vì “Kinh Thánh đang dạy điều gì vậy?” Chúng ta chớ nghĩ quá lời đã chép song phải bằng lòng chấp nhận lời đã chép. Vì người thành Côrinhtô là chưa trưởng thành và không suy nghĩ theo Kinh Thánh, họ trở nên kiêu ngạo rồi “theo phe người nầy nghịch cùng kẻ khác”. Từ ngữ theo có nghĩa là “thổi phồng, bơm phồng lên, trở thành kiêu căng”. Vì cớ lòng trung thành kiêu căng của họ đối cùng Phaolô hay Abôlô, họ đã phát triển những sự chia rẽ giữa họ đến nỗi chẳng có việc gì phải làm với Phaolô hay Abôlô. Thực vậy, Phaolô và Abôlô đã lấy làm kinh khủng bởi mọi điều đã diễn ra theo tên tuổi của họ. Cho phép tôi đưa ra cho bạn thấy một trường hợp: Môise là vị lãnh tụ không ai tranh cãi của Israel khi họ được giải phóng ra khỏi tình trạng nô lệ ở Ai cập. Đức Chúa Trời đã ban cho ông sự khôn ngoan để lãnh đạo và thậm chí khả năng làm ra một số việc lạ lùng trong đồng vắng. Tuy nhiên, một ngày kia Đức Chúa Trời đã cung ứng một sự xức dầu đặc biệt của Thánh Linh cho 70 trưởng lão Israel và họ đã nói tiên tri. Việc xức dầu nầy chỉ cho một thời gian ngắn và họ không còn nói tiên tri nữa. Dầu vậy, hai người: Ên-đátMên-đát cứ tiếp tục nói tiên tri trong trại quân sau khi những người kia không còn nói nữa. Một số người trẻ tuổi trung thành với Môise thấy lo lắng về sự kiện nầy.
Giữa vòng họ là Giôsuê và ông đến gặp Môise mà trình rằng: “Hỡi Môi-se, chúa tôi, hãy cấm chúng nó!” Đấng ban luật pháp đã đáp như sau: “Ngươi ganh cho ta chăng? Ôi! chớ chi cả dân sự của Đức Giê-hô-va đều là người tiên tri, và chớ chi Đức Giê-hô-va ban Thần của Ngài cho họ!” (Dân số ký 11.28-29).
Môise đã quở trách lòng trung thành sai trái đầy sự kiêu ngạo của họ. Tôi có người bạn làm chủ toạ Hội Thánh kia ở tiểu bang khác trong mấy năm trời. Hội Thánh ấy sinh hoạt rất năng động dưới chức vụ lãnh đạo của ông. Sau cùng ông xin từ chức và trở về làm chủ toạ Hội Thánh ở Texas. Sau khi ông rời khỏi Hội Thánh, một vị Mục sư khác đã đến. Ông ấy là một người rất khác biệt và có một phong cách rất khác biệt trong chức vụ. Ông lôi cuốn nhiều người mới vào trong Hội Thánh. Trước khi các thuộc viên “cũ” lâm trận chống lại những thuộc viên “mới”. Họ đã gọi điện cho bạn tôi, giờ đây đang sinh hoạt tại Texas để than phiền về vị Mục sư mới, người mới và những gì đang xảy ra trong Hội Thánh. Sự việc nầy cứ tiếp tục trong một thời gian cho tới khi ông khẳng định họ hãy thôi đừng gọi đến cho ông nữa. Ông bảo họ: một là bước theo vị Mục sư mới kia hoặc hãy ra đi rồi tìm một Hội Thánh khác. Giống như Hội Thánh Côrinhtô với Phaolô và Abôlô, họ đã dựng lên một sự chia rẽ quanh vị Mục sư bạn tôi đang khi ông ấy chẳng muốn như thế.
B. PHAOLÔ QUỞ TRÁCH HỘI THÁNH BẰNG SỰ BÀN BẠC (câu 7).
Câu 7 chép: “Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?” Trước tiên, Phaolô hỏi: “Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác? Chúng ta phải đóng ngoặc đơn câu hỏi nầy:Ngươi có quyền gì khi tự phân rẽ mình bởi những ý kiến đầy kiêu ngạo như thế chứ? Ai đã khiến họ phải hành động như vậy chứ? Một trong những giá trị chính của Cơ đốc giáo là sự hiệp một. Phaolô đã hỏi rồi ở 1.13: “Đấng Christ bị phân rẽ ra sao?” Nhất định là Đấng Christ đã không phân rẽ họ.
Chính Satan, là kẻ thù khiến cho họ phân biệt nhau. Thứ hai, ông hỏi: “Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao?” Mọi sự chúng ta đang sống, mọi thứ chúng ta đang có và mọi điều chúng ta có thể làm đều đã được ban cho chúng ta. Thậm chí bạn đã chịu khó làm việc, bạn đã công nhận rằng Đức Chúa Trời đã ban cho bạn khả năng để làm việc. Giăng Báptít đã nói với Giăng 3.27: “Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được”. Giacơ 1.17 chép: “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào”. Vua David, vào lúc cuối đời mình đã cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật. Hoặc sự giàu có, hoặc sự vinh quang, đều do Chúa mà đến, và Chúa quản trị trên muôn vật; quyền năng và thế lực ở nơi tay Chúa; tay Chúa khiến cho được tôn trọng và ban sức mạnh cho mọi người. Bây giờ, Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! chúng tôi cảm tạ Chúa và ngợi khen danh vinh hiển của Ngài. Nhưng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa. Vì chúng tôi tại trước mặt Chúa vốn là kẻ lạ, và kẻ ở đậu như các tổ phụ chúng tôi; các ngày chúng tôi tại trên đất, khác nào cái bóng, không mong ở lâu được. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! các vật nầy mà chúng tôi đã sắm sửa để cất đền cho danh thánh của Chúa, đều do nơi tay Chúa mà đến, và thảy đều thuộc về Chúa” (I Sử ký 29.11-16).
Thứ ba, Phaolô bàn như sau: “Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?” Nếu bạn chỉ sở hữu những điều đã được Đức Chúa Trời ban cho bạn, tại sao bạn lại ngạo mạn về điều đó? Kiêu ngạo là tự dối mình. Rogers từng nói: Hãy để cho người khác trổi tiếng kèn của bạn lên và âm thanh ấy sẽ vang dội gấp hai lần”.
C. PHAOLÔ QUỞ TRÁCH HỘI THÁNH BẰNG SỰ MỈA MAI (câu 8).
Ở câu 8, Phaolô nói: “Anh em được no đủ, được giàu có rồi, chẳng nhờ chúng tôi, anh em đã khởi sự cai trị; thật mong cho anh em được cai trị, hầu cho chúng tôi cũng cai trị với anh em!” Giờ đây, ông chuyển qua phần khó. Âm điệu nghe rất khó chịu.
Phaolô nói với họ như sau: “Anh em được no đủ, được giàu có rồi” Đấy là cách mà họ đang bước đi. Tại sao bạn cần đến Phaolô? Tại sao bạn cần đến Abôlô? Bạn đã nhận lãnh mọi sự rồi mà! Dường như bạn biết hết mọi sự rồi. Như có người từng nói: Cách tốt nhứt để đối phó với một người hay khoe khoang là nhất trí với người”.
Hạng người nầy vốn no đủ rồi, Phaolô lưu ý: chẳng nhờ chúng tôi, anh em đã khởi sự cai trị. Họ đã bước vào trong nước thiên hi niên của họ rồi. Họ đã hành động giống như họ đã đội mũ triều thiên của thiên đàng rồi vậy!
Ông nói: “thật mong cho anh em được cai trị, hầu cho chúng tôi cũng cai trị với anh em!” Ông ước ao Nước của Đấng Christ thực sự sẽ hiện đến. Ông mong muốn Đấng Christ sẽ tái lâm và tể trị trên đất hầu cho họ có thể đồng trị với nhau. Tuy nhiên, người thành Côrinhtô hiện chưa cai trị và họ chẳng có lý do gì để mà vênh vang hết.
II. Sự khiêm nhường của các Sứ đồ (các câu 9-13).
A. SỨ ĐỒ LÀ TRÒ CHO NGƯỜI TA XEM (câu 9).
Phaolô nói trong câu 9: “Vì chưng Đức Chúa Trời dường đã phơi chúng tôi là các sứ đồ ra, giống như kẻ sau rốt mọi người, giống như tù phải tội chết, làm trò cho thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem vậy”. Những vì sứ đồ là hạng người đặc biệt dành cho một thời điểm đặc biệt trong lịch sử. Đấng Christ đã lựa chọn họ, Đấng Christ đã dạy dỗ và sai phái họ. Sứ mệnh của họ là đề ra nền tảng trên đó Hội Thánh được dựng lên. Họ là hạng người cuối cùng trong một dãy dài các sứ giả nói tiên tri. Tân Ước là sứ điệp của họ. Thực sự Hội Thánh đã được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” (Êphêsô 2.20).
Phaolô nói rằng Đức Chúa Trời đã phơi các sứ đồ ra giống như tù phải tội chết. Ông nói: “chúng tôi bị làm trò cho thế gian xem”. Hãy gạch dưới chữ trò trong câu nầy. Đây là bức tranh được vẽ bằng lời nói. Khi một tướng lãnh La mã chinh phục dân khác, ông phải trở về Rôma trong một cuộc diễu binh. Trong cuộc diễu binh ấy phải có một số tù binh, những kẻ bị bắt dẫn tù, họ bị án tử hình. Họ bị đoàn dân đông chế nhạo, rủa sả, và khạc nhổ vào mặt. Cuối cùng, họ sẽ bị đưa đến quảng trường lớn, ở đó họ sẽ bị những đấu sĩ cùng những dã thú giết chết trước mặt nhiều đoàn dân đông đang reo hò. Buổi trình diễn nầy được gọi là trò. Đấy là những gì Phaolô có trong trí khi ông nghĩ đến các vị sứ đồ.
Đức Chúa Cha đã để cho Chúa Jêsus trở thành trò cho thế gian xem thấy. Ngài bị đánh đập cho tới khi Ngài gần chết. Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự. Ngài bị rủa sả và bị khác nhổ vào mặt rồi sau cùng Ngài gục chết. Các vị sứ đồ cũng đối mặt với một số phận tương tự. Họ bị đám đông nhìn xem như hạng giáo sư vô giá trị với những tư tưởng vô giá trị. Hãy nhớ tại thành A-then khi họ gọi Phaolô là người già mép (Công vụ Các Sứ đồ 17.18). Họ bị chế nhạo, bị đánh đập và bị kết tội chết, giống như Đấng Christ đã bị trước đó vậy. Như bạn biết đấy, vào thời điểm nầy trong cuộc đời của Phaolô, ông đã mang lấy những điều mà ông gọi là đốt dấu vết của Chúa Jêsus (Galati 6.17).
Đấy là cách mà chúng ta phải tự xét lấy mình. Chúng ta không có mặt ở đây để được thế gian yêu mến và tán thưởng. Nếu chúng ta yêu mến Đấng Christ, thế gian sẽ thù ghét chúng ta. Chúa Jêsus ohán trong Giăng 15.18: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi”. Chúng ta chẳng có điều chi để khoe khoang hết, chẳng có điều gì trong thế gian để cảm thấy tự hào cả. Thay vì thế, sự vui mừng của chúng ta đặt vào Chúa Jêsus. Ngài phán trong Mathiơ 5.10-12: “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy”.
B. SỨ ĐỒ LÀ KẺ NGU DẠI (câu 10).
Câu 10 chép: “Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ, nhưng anh em được khôn ngoan trong Đấng Christ; chúng tôi yếu đuối, anh em mạnh mẽ; anh em quí trọng, chúng tôi khinh hèn”. Nói cách khác, Phaolô đang nói:Anh em nghĩ lòng trung thàng của chúng tôi đối với Đấng Christ cũng như Tin Lành của Ngài là dại dột. Anh em bị xấu hổ vì là tôi tớ của Đấng Christ vì anh em đang bám lấy sức mạnh và danh tiếng của thế gian. Họ vẫn còn bám lấy những triết học của đời nầy. Họ vẫn còn ưa thích sự khen ngợi của con người.
Đấy là nan đề vẫn còn phá hoại Hội Thánh ngày hôm nay. Chúng ta muốn có một chân trong nhà thờ và một chân ngoài thế gian. Chúng ta muốn được cứu, nhưng lại làm theo việc riêng mình. Chúng ta không muốn bị xem là ngu dại, “yếu đuối” hay bị xem khinh. Ngược lại, chúng ta muốn người khác nghĩ chúng ta là khôn ngoan”, “mạnh mẽđáng trượng. Ôi, những thái độ tội lỗi nầy đang lún sâu là dường nào!
Chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời vì những lý do sai trái. Chúng ta muốn Ngài chúc phước cho chúng ta. Một số người trong chúng ta đến với nhà thờ ngày hôm nay để chúng ta có thể nhận được một điều phước. Như thế là sai rồi đấy. Chúng ta được phước khi chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không tìm kiếm Ngài để được phước. Chúng ta tìm kiếm Ngài vì Ngài có giá trị hơn tất cả các ơn phước mà chúng ta sẽ nhận lãnh.
Đấy là câu chuyện trong sách Các Quan Xét. Dân sự của Đức Chúa Trời loạn nghịch đến nỗi Đức Giêhôva sẽ khiến họ phải chịu khổ. Khi ấy họ sẽ thất vọng và kêu la với Đức Chúa Trời. Vì vậy Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một quan xét, một đấng cứu tinh để giúp đỡ cho họ. Thế rồi họ lại tự mãn và sa vào tội lỗi rồi kêu la với Đức Chúa Trời một lần nữa. Đây là một cái vòng rất khủng khiếp. Nhiều Cơ đốc nhân sống giống như thế hôm nay. Họ vốn quan tâm nhiều đến phước hạnh của Đức Chúa Trời hơn là quan tâm đến Đức Chúa Trời. Như Vance Havner, một nhà truyền đạo lỗi lạc xưa kia, giờ đây ông đã ở với Chúa, từng nói: Tình trạng thất vọng đúng là một tai hại, nhưng đối với các thánh đồ thì không phải như vậy!
Cách đây không lâu lắm, tôi có gặp một thanh niên giống như trường hợp nầy trong Hội Thánh. Anh ta sẽ nói thẳng cho bạn biết, anh ta là một Cơ đốc nhân tin kính. Tuy nhiên, khi tôi thân cận thêm với anh ta, tôi thấy anh ta chẳng tin vào tính không thể sai lầm hay trọn vẹn của Kinh Thánh. Anh ta thắc mắc về câu chuyện sáng tạo. Anh ta thắc mắc về địa vị tác giả của Chúa. Anh ta thắc mắc về các sự cố mang tính phép lạ. Anh ta rất tôn giáo mà cũng rất kiêu ngạo. Anh ta muốn mình là một Cơ đốc nhân nhưng chìu theo sự khôn ngoan riêng của mình. Anh ta không muốn ai xem anh ta là dại dột, yếu đuối hay bị xem khinh. Thay vì thế, anh ta muốn người khác xem anh ta là khôn ngoan, mạnh mẽđáng trượng”.
Sự thực là trong ánh mắt của người thế gian, chúng ta là kẻ ngu dại. Chúng ta tin vào điều mà chúng ta không xem thấy. Chúng ta chấp nhận lời lẽ của một quyển sách xưa cũ hơn giới học viện hiện đại. Chúng ta dâng hiến mọi tài nguyên của mình, thậm chí cả mạng sống mình cho một lý tưởng mà họ không thể chấp nhận được. Chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta là hạng yếu đuối. Chúng ta không thể sống xứng đáng với lý tưởng của chúng ta. Chúng ta sa ngã, thất bại, rồi vấp ngã thường xuyên trong trận chiến với xác thịt ích kỷ, bê tha của mình. Chúng ta bị xem khinh. Chúng ta bị khi dễ và bị chối bỏ. Tuy nhiên, tôi chẳng làm sao khác hơn là chỉ suy nghĩ đến Đại sảnh đường Đức tin trong Hêbơrơ 11. Tôi nghĩ đến Môise trong các câu 25-26, ông đã chọn “cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi, người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng”. Tôi nghĩ tới nhiều vị anh hùng đức tin vô danh mà câu 38 chép: thế gian không xứng đáng cho họ ở. Vì chúng ta đang đứng trong một dãy dài những người chứng kiến như thế, chúng ta hãy hướng mắt nhìn về Đấng Christ, từ chối sự kiêu ngạo hư không của thế gian mà lo hoàn tất cuộc chạy.
C. SỨ ĐỒ LÀ NHỮNG KẺ CHỊU KHỔ (các câu 11-13a).
Câu 11 chép: “Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó”. Phaolô nói: cho đến bây giờ, cho thấy rằng các tình trạng ngặt nghèo nầy vẫn còn tiếp diễn. Họ liên tục đối mặt với đói khát. Họ luôn luôn chịu cảnh trần mình. Họ hằng biết rõbị vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đólà như thế nào rồi. Họ đã sống ở những cấp độ thấp hèn nghèo khó trong khi các thuộc viên của Hội Thánh Côrinhtô đã sinh sống như những vì vua. Tôi đã trao đổi với một người thời gian qua là chủ toạ một Hội Thánh nhỏ ở vùng quê và làm việc trọn thời gian để chu cấp cho gia đình mình. Ông đã bị quẫn trì vì một chấp sự đã đến gặp rồi nói cho ông biết ông cần phải sắp xếp lại bản thân mình. Ông ta nói với vị mục sư nầy phải mua những bộ côm-lê cho đẹp. Trong hai hàng nước mắt, vị mục sư nầy nói với tôi ông không sao làm được như thế. Mục sư không phải lo liệu về cái bề ngoài! Mục sư là phải lo vâng theo Đấng Christ.
Phaolô nói thêm trong câu 12a: “Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc….”. Các vị sứ đồ không coi việc làm là trọng hơn chức vụ của họ. Phaolô đã nói trong Công vụ Các Sứ đồ 20.34: “Chính anh em biết rằng hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi”. Ông đã nói ở II Têsalônica 3.8: “chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết”. Hết thảy chúng ta đều làm việc cho Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta phải “may trại” để trả các hoá đơn của mình. Cũng cho phép tôi nói thêm rằng chẳng có công việc nào trong Hội Thánh nầy là không xứng đối với bất kỳ ai trong chúng ta.
Phaolô còn nói thêm trong câu 12b-13a: “khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục; khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ”. Bị mắng nhiếc là bị rủa sả hay bị ngược đãi bằng lời nói. Họ phải chịu đựng mọi thứ như thế thì làm sao họ cảm tạ được chứ? Họ bị rủa sả”, “bắt bớvu oan hay vu khống. Tuy nhiên, họ vẫn chúc phước”, nhịn nhụckhuyên dỗ nhiều người khác bước theo con đường thập tự giá.
Giờ đây, bạn nhìn thấy lý do tại sao Phaolô tự mô tả mình trong câu 1 như một nô lệ thấp hèn của Đấng Christ. Tại sao chứ? Các vị sứ đồ vốn biết rõ họ sẽ là đầu trong thế giới hầu đến, vì vậy họ bằng lòng chịu làm rốt trong đời nầy.
D. SỨ ĐỒ LÀ RÁC RẾN (câu 13b).
Hãy chú ý câu 13: “chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người, cho đến ngày nay”. Rác rến ở đây có nghĩa là “lớp bẩn thỉu”. Cặn bã có ý nói tới “rác rưỡi, né tránh”. Đây là những từ đồng nghĩa nói tới rác rưới, cặn bã, đến từ một nơi dơ dáy. Đó là những gì bạn sẽ thấy nơi đáy sọt rác của bạn. Trong văn chương Hy lạp, những từ nầy được dành để nói tới hạng người tồi tệ, thấp kém nhất, sát nghĩa là “rác rưỡi của thế gian”. Chắc chắn đây không phải là một phân đoạn dành cho người có ý thức tìm kiếm, có phải không? Phân đoạn nầy nài mời chúng ta hãy vứt bỏ đi sự kiêu ngạo của đời và hãy đến làm rác rưỡi cho Đấng Christ. Nhưng đó là sứ điệp. Trở thành một Cơ đốc nhân là có thái độ của Phaolô trong Philíp 3.8: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ”.
Những người tin Chúa có thể sống trong thế gian bao lâu chúng ta có thể giữ lấy đức tin của riêng mình. Tuy nhiên, khi chúng ta sống cho Đấng Christ, chúng ta chắc chắn sẽ tạo ra sự mất lòng. Hãy vững lòng đi. II Timôthê 3.12 chép: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ”.
III. Ba bài học cần phải ghi nhớ.
A. KHIÊM NHƯỜNG GIÚP CHÚNG TA NHÌN THẤY BẢN THÂN MÌNH THEO CÁCH THỰC TẾ.
B. KHIÊM NHƯỜNG GIÚP CHÚNG TA CHỊU KHỔ CHO ĐẤNG CHRIST.
C. KHIÊM NHƯỜNG DÀNH MỌI SỰ VINH HIỂN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI.
William Carey, đôi khi được gọi là “tổ phụ của truyền giáo hiện đại” luôn tỏ ra một tinh thần khiêm nhường. Ông đã nghiên cứu công việc truyền giáo của mình trong khi còn là thợ sửa giày ở nước Anh. Về sau, nhiều vinh quang đã chất đống trên ông. Vào một buổi cơm tối kia, một quan chức Anh quốc đến hỏi ông: Phải chăng ông từng là một thợ đóng giày nghèo hèn? Carey đã trả lời với vẽ nghiêm nghị: Ồ không đâu, thưa ông. Tôi chưa hề khéo léo để làm một thợ đóng giày đâu, tôi chỉ là thợ sửa giày mà thôi.

Comments

BH-“Hội Thánh Không Phải Là Chổ Cho Sự Kiêu Ngạo”-1Côr. 4:6-13 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *