HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-“Hiểu Biết Mục Sư Của Bạn” – 1Côr. 4:1-5
BH – “HIỂU BIẾT MỤC SƯ CỦA BẠN”

(Loạt Bài I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)

I Côrinhtô 4.1-5
Đoàn Phan Danh soạn dịch
Tất cả chúng ta đã xem loại “thư dây chuyền” nhưng tôi chưa hề thấy ai chuyển nó đi cho tới khi có bức thư nầy. Bức thư có đề tựa là: Vị Mục Sư Trọn Vẹn. Cho phép tôi chia sẻ với bạn một phần bức thư đó: “Vị Mục sư trọn vẹn giảng đúng 10 phút đồng hồ. Ông xét đoán tội lỗi cách lòng vòng song không hề gây thương tổn tình cảm của bất cứ ai. Ông làm việc từ 8H00 sáng, cho tới giữa đêm và cũng là người giữ cửa nhà thờ. Vị Mục sư trọn vẹn kiếm được 40USD một tuần, mặc loại quần áo đắt tiền, lái xe xịn, mua sắm loại sách thật hay, và dâng 30USD mỗi tuần cho Hội Thánh. Ông được 29 tuổi và có 40 năm kinh nghiệm. Hơn nữa, ông rất điển trai. Vị Mục sư trọn vẹn có một ao ước nóng cháy muốn làm việc với lứa tuổi thanh thiếu niên, và ông để phần lớn thì giờ của mình với các công dân quý tộc. Ông lúc nào cũng mĩm cười với gương mặt rất tin cậy vì ông có một nhận thức khiến ông luôn giữ sự trang trọng đối với Hội Thánh của mình. Ông thực hiện thăm viếng 15 gia đình trong một ngày và luôn luôn có mặt trong văn phòng bắt tay vào việc khi có cần. Vị Mục sư trọn vẹn luôn luôn có thì giờ hội họp với tất cả các thành viên trong Ban Trị Sự. Ông không bỏ qua buổi nhóm của bất cứ ban ngành nào trong Hội Thánh và ông luôn luôn bận rộn chứng đạo cho kẻ chưa biết tới nhà thờ”.
Bài ấy viết thêm như sau: Vị Mục sư trọn vẹn luôn luôn có mặt trong nhà thờ hơn là ở nhà riêng mình. Nếu vị Mục sư của bạn chưa được đánh giá cao, chỉ cần gửi bài viết nầy cho 6 nhà thờ nào đã bị mệt mỏi vì cớ Mục sư của họ. Khi ấy hãy mời vị Mục sư của bạn đến với nhà thờ đứng đầu danh sách. Nếu mọi người cộng tác, trong một tuần bạn sẽ nhận được 1.643 vị Mục sư. Một trong số họ sẽ sống trọn vẹn ngay. Hãy có đức tin nơi bức thư nầy. Một nhà thờ phá vỡ dây chuyền và đã nhận lại vị Mục sư cũ của nó không đầy ba tháng sau.
Các thuộc viên trong Hội Thánh luôn có sự bất hoà khi phải đánh giá vị Mục sư của họ. Có người thì PHÊ PHÁN, đánh giá từng lời nói, hành động hay quyết định cách tiêu cực. Tôi có xem một cuốn phim hoạt hình rất hay cho thấy bà kia tiếp cận với một khách tham quan tại nhà thờ và nói:Hoan nghênh đến với Hội Thánh chúng tôi. Tôi muốn mời ông đến dự lớp Trường Chúa Nhật và tham dự cuộc họp về Mục sư hiện nay của chúng tôi.
Ở một chỗ khác là những thuộc viên, họ THẦN TƯỢNG HOÁ vị Mục sư và đặt ông lên một cái đôn. Tôi đã nhìn thấy có sự tôn kính theo kiểu giáo hoàng dành cho Mục sư của họ, xem lời nói của ông rất có quyền lực mà chẳng bước theo ông ấy.
Bạn đánh giá một vị Mục sư như thế nào? Thật là thú vị khi thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến từ hàng ngũ thuộc viên Hội Thánh trên khắp xứ rồi đưa ra câu hỏi nầy. Chắc chắn là nhiều người sẽ đáp ứng rằng quí Mục sư sẽ được đánh giá theo tầm cỡ địa vị thuộc viên Hội Thánh, sự nhóm lại thờ phượng, tầm cỡ ban trị sự Hội Thánh và Lớp Trường Chúa Nhật, những học vị đã kiếm được, vị thế của hệ phái, sách báo và những bài đã được viết ra và cứ thế.
Đánh giá quí Mục sư chẳng phải là điều mới mẻ đâu. Chúng ta biết Hội Thánh Côrinhtô thường xuyên chơi trò ví sánh nầy. Có người yêu mến Phaolô song chẳng hữu ích gì cho Abôlô. Có người nghĩ Abôlô rất tuyệt vời nhưng đã bị Phaolô và Phierơ bắt phục. Vẫn có nhiều người tin Phierơ là trượng phu. Phaolô viết ở cuối chương 3 ở các câu 21-22: “Vậy, chớ ai khoe mình về loài người, vì mọi sự đều thuộc về anh em: hoặc Phao-lô, hoặc A-bô-lô, hoặc Sê-pha, hoặc thế gian, hoặc sự sống, hoặc sự chết, hoặc những sự bây giờ, hoặc những sự hầu đến. Hết thảy mọi sự đều thuộc về anh em”.
Thay vì đánh giá rồi xếp loại quí Mục sư theo các nhận định riêng của mình, chúng ta phải nhớ rằng hết thảy mọi sự đều thuộc về anh em. Các vị Mục sư đều là ân tứ của Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh. Êphêsô 4.11-12 chép: “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ”.
Trong phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta hôm nay, sứ đồ Phaolô chỉ cho chúng ta thấy quí Mục sư đáng được đánh giá như thế nào theo Kinh Thánh. Trước tiên, chúng ta sẽ học biết lai lịch của Mục sư, tiếp đến là sự đòi hỏi và đánh giá.
I. Lai lịch của một vị Mục sư (câu 1).
Ở câu 1, Phaolô nói: “Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”. Chúng tôi có ý nói tới Phaolô, Abôlô, Phierơ vàmọi người (câu 9). Do sự mở rộng từ ngữ nầy ám chỉ đến tất cả quí Mục sư, giáo sĩ, và bậc trưởng lão đang lãnh đạo Hội Thánh.
Ông nói: “Vậy ai nấy hãy coi chúng tôi…” Coi có nghĩa là “thực hiện một sự đánh giá, lượng xét, tính toán hay kê sổ”. Đây là từ ngữ có tính cách tính toán nhập vào lý trí loại sổ sách cân đối và sắp đặt có trật tự nhiều việc. Trong khi thế gian có thể sắp xếp quí Mục sư theo các giới hạn của sự được lòng người và thành công ở mặt ngoài, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta hai dấu hiệu chỉ ra các sứ giả thực của Ngài.
A. MỤC SƯ LÀ “ĐẦY TỚ CỦA ĐẤNG CHRIST”.
Từ ngữ được dịch là đầy tớ [servant] ở đây ra từ chữ huperetes và là một hình ảnh bằng lời lẽ rất thú vị. Sát nghĩa thì từ ngữ nầy được dịch là: “under-rowers” [bạn chèo] và chỉ ra hạng nô lệ đang lao động ở vị trí trong khoang chèo của một con thuyền lớn. Đây là hạng nô lệ bị xem khinh nhất, vô dụng nhất. Đó là hạng dốt nát, mất quân bình về lý trí và không đáng tin cậy cho các sinh hoạt khác bị đặt dưới các khoang tàu làm công việc chèo chống. Từ nầy thường được sử dụng để nói tới “những kẻ không quan trọng, không đáng kể” hoặc “bậc thấp” như đầy tớ.
Trong chương 3, câu 5 Phaolô sử dụng từ ngữ diakonoi (“tôi tớ”) vẽ ra một hình ảnh nói tới kẻ tôi tớ đang đứng chờ chực tại bàn ăn. Ở đây ông sử dụng huperetes là hạng nô lệ đang chống chèo trong một con tàu. Cả hai đều là những minh hoạ thấp hèn. Giá trị nằm ở trong sứ điệp chớ không nằm trong sứ giả. Phaolô nói điều nầy rất rõ trong 3.7: “Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”.
Hạng đầy tớ chuyên hầu hạ như thế đã hành động hoàn toàn theo ý chỉ của chủ họ. Họ chẳng đưa ra một thắc mắc nào mà chỉ đáp ứng theo sự chỉ dẫn của chủ họ. Đấy là vai trò của một vị mục sư. Người không thắc mắc gì với Chúa mà chỉ vâng theo Ngài. Hãy lắng nghe Phaolô mô tả chức vụ của ông như thế nào trong II Côrinhtô 6.4-10: “Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn; bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhơn từ, bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình, bởi lời chân thật, bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả; dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết; ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!”
Hãy chú ý cách đặc biệt, quí Mục sư là đầy tớ của Đấng Christ. Họ không phải là “đầy tớ của Hội Thánh” mà là đầy tớ của Đấng Christ”. Quí Mục sư phục vụ TRONG nhà thờ nhưng không phải là đầy tớ CỦA nhà thờ. G. Campbell Morgan đã nói như thế nầy: Mọi sự tôi làm là những gì Ngài bảo tôi làm, là công việc của Ngài; và rồi khi công việc trong ngày qua đi, tôi không hề báo cáo cho ban trị sự, tôi tường trình lại cho Ngài.
Khi Chúa Jêsus sai phái 70 môn đồ đi ra từng đôi một, họ đã trở về báo cáo lại với Ngài. Họ không đến gặp Phierơ hay đến với 12 môn đồ mà đến với Chúa Jêsus. Cũng một thể ấy, Mục sư không tường trình lại với Hội Thánh. Người tường trình với Đấng Christ. Hội Thánh có thể viết ngân phiếu, nhưng Chúa làm thoả mãn mọi nhu cần của ông. Người không trả lời với người ta, mà với Đấng Christ. Người chăn không làm việc với bầy chiên mà làm việc với Đấng Chăn Chiên Trưởng.
Tôi muốn Hội Thánh luôn được vui vẻ. Tôi muốn quí vị sẽ được đẹp lòng với chức vụ của tôi. Tuy nhiên vào lúc cuối cùng, tôi sẽ không đứng trước mặt quí vị, mà trước mặt Đấng Christ trong sự phán xét. Cho nên tôi sẽ không thắc mắc điều chi sẽ làm đẹp lòng Hội Thánh mà là điều chi sẽ tôn vinh Chúa.
Mục đích cho thấy “bạn chèo” thì tương đương với nhau. Hết thảy họ đều có phần việc chung là “chèo” trong khoang ấy. Tất cả họ đều có chung một đẳng cấp thấp kém như nhau. Vì lẽ đó người nầy không hề được tôn cao hơn người kia.
B. MỤC SƯ LÀ “KẺ QUẢN TRỊ NHỮNG SỰ MẦU NHIỆM CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”.
Kẻ quản trị ra từ chữ oikonomos. Oikos có nghĩa là: “nhà”. Nomos có nghĩa là “luật pháp”. Từ ngữ kép nầy có ý nói tới “quản gia” hay “giám sát”. Thường thì các gia đình giàu có trong thế kỷ đầu tiên đã thuê những viên quản gia để giám sát và quản trị tài sản, của cải và sự giáo dục cho con cái của họ. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy chàng thanh niên Giôsép đang phục vụ ở một địa vị tương tự trong nhà của Phôtipha. Sáng thế ký 39.6 chép: “Người giao hết của cải mình cho Giô-sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa, trừ ra các phần vật thực của mình ăn mà thôi…” Tất cả những tín hữu đều phải là quản gia các ơn phước của Đức Chúa Trời. I Phierơ 4.10 chép: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời”. Chúng ta là quản gia về thì giờ, ta-lâng và tiền bạc của chúng ta. Chúng ta là “quản gia” hay không thì chẳng thành vấn đề, mà chúng ta có là QUẢN GIA TRUNG TÍN hay không mới là vấn đề.
Tuy nhiên, trong một phương thức đặc biệt, mục sư là “kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời”. Như bạn có thể nhớ lại, khi Kinh Thánh sử dụng từ ngữ “mầu nhiệm” thì nó có ý nói tới “một việc gì đó kín giấu giờ đã được tỏ ra cho mọi người biết qua sự khải thị thiêng liêng”. Thí dụ, sách Êphêsô nói cho chúng ta biết Hội Thánh là một lẽ mầu nhiệm. Kỳ thực người Do thái và dân Ngoại sẽ hiệp với nhau trong một thân đã được giấu kín dưới Giao Ước Cũ nhưng giờ đây đã được tỏ ra rồi.
Nói chung, mọi sự dạy của Kinh Thánh đều là những lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Công việc của Mục sư là rút sự khải thị nầy ra từ Đức Chúa Trời rồi đưa sự ấy vào gia đình của Đức Chúa Trời hầu cho họ có thể lĩnh hội và tấn tới từ khải thị đó. Người cần phải cung ứng cho họ các bữa ăn thuộc linh cân đối tốt mà chẳng giữ lại một điều gì.
Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ Các Sứ đồ 20.20-21: “Anh em biết tôi chẳng trễ nải rao truyền mọi điều ích lợi cho anh em, chẳng dấu điều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia,… giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta”.
II Timôthê 3.16-17 chép: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành?”
Chức năng quản lý của Mục sư là lo công bố ra toàn bộ mưu luận” của Đức Chúa Trời, cả Kinh Thánh chớ không phải chỉ có những mãng vụn vặt. Lý do nhiều Hội Thánh suy yếu về mặt thuộc linh, lìa bỏ đức tin, đầy dẫy với tranh cạnh, không phải là không môn đồ hoá, không phải là thờ phượng quá chân thật, mà là do quí mục sư không giảng dạy toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời”. MacArthur viết: Nhà truyền đạo hay giáo sư nào xem thường những phân đoạn Kinh Thánh nào đó, hoặc vặn cong chúng để trợ giúp tư tưởng và chương trình riêng của mình, là giả mạo Lời của Đức Chúa Trời … Kinh Thánh không phải là cái nhà kho những chỗ xác minh cho ý kiến của loài người; mà đây là nhà kho chứa lẽ thật của Đức Chúa Trời — về kho ấy người hầu việc Đức Chúa Trời là một viên quản gia. Mối quan tâm của người không phải là làm đẹp lòng khán thính giả của mình hay phân phát các quan điểm của riêng mình … Mục sư nào không nghiên cứu Ngôi Lời không thể rao giảng Ngôi Lời cách xứng hiệp cho được. Người không thể vận dụng chính xác những gì người không biết. Theo sự ông quan sát, như Milton lưu ý: “Bầy chiên đói khát ngước mắt nhìn lên, mà không được cho ăn”.
Vì vậy, nếu vị mục sư không đến thăm bạn, hãy tha thứ cho ông ấy. Nếu ông ấy không luôn sẵn sàng để tiếp cuộc điện thoại của bạn, đừng để ý tới sự phiền hà mà chi. Tuy nhiên, nếu bạn thấy ông ấy đang nghiên cứu để ông ấy phải phân tích đúng đắn lời lẽ thật hầu cho công bố ra những sự giàu có không dò lường được của lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời thì phải cảm tạ, ông ấy đang lo hoàn thành bổn phận của mình ở trước mặt Đức Chúa Trời.
II. Sự đòi hỏi nơi một vị Mục sư (câu 2).
Câu 2 chép: “Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành”. Đâu là đòi hỏi duy nhứt đối với chức năng quản lý theo câu nầy? Đúng thế: đó là SỰ TRUNG TÍN. Trên hết mọi sự, người quản lý phải được thấy là trung tín.
Trong phần mô tả sự Phôtipha đánh giá Giôsép, Sáng thế ký 39.3-4 chép: “Chủ thấy Đức Giê-hô-va phù hộ chàng và xui cho mọi việc chi chàng lãnh làm nơi tay đều được thạnh vượng. Vậy, Giô-sép được ơn trước mặt chủ mình; chủ cắt chàng hầu việc, đặt cai quản cửa nhà, và phó của cải mình cho chàng hết”. Giôsép đã tìm kiếm lợi ích của Phôtipha giống như chúng là của riêng ông vậy. Ông đã được thấy là trung tín. 1MacArthur, J. (1996, c1984). 1 Corinthians. Includes indexes. Chicago. Moody Press.
Hãy hình dung trong một phút thôi, bạn và gia đình của bạn đang trên hành trình của một chuyến du hành. Bạn sẽ ra đi trong vài tháng trời. bạn cần yêu cầu ai đó trông coi mọi vụ việc của mình, trả hoá đơn đúng hạn, giữ lấy điều chi bạn yêu cầu, để lo liệu công việc của bạn, v.v… Bạn sẽ chọn loại người nào? Một người thông minh chăng? Một người hình thức chăng? Người có năng khiếu chăng? Có thể lắm, nhưng trên hết mọi sự, tôi sẽ chọn một người trung tín. Đức Chúa Trời cảm nhận theo cùng một phương thức ấy. Đòi hỏi duy nhứt về đầy tớ của Ngài, ấy là họ phải được thấy là trung tín.
Hãy chú ý cẩn thận câu nói: Cái điều người ta trông mong. Đức Chúa Trời có thể sử dụng hạng người có tài và được ơn, nhưng những việc ấy không được trông mong. Đòi hỏi tuyệt đối duy nhứt là sự trung tín. Hãy xem các tham khảo dưới đây về sự trung tín của một số đầy tớ Đấng Christ trong thế kỷ đầu tiên. Hãy xem ở 4.17: Timôthê được phái đến trợ giúp cho Hội Thánh Côrinhtô vì ông được xem làcon yêu dấu và trung thành. Phaolô vốn biết rõ ông có thể tin cậy Timôthê rao giảng trung tín Ngôi Lời và làm vinh hiển cho Chúa.
Phaolô nói về mình ở 7.25 rằng ông “nhờ ơn thương xót của Chúa, tôi được làm người đáng tin”. Ông không lập tài khoản cho lòng trung thành của riêng mình. Nếu ông là trung thành, sở dĩ như thế là vì Đức Chúa Trời đã dựng nên ông như vậy. Đây là lời cầu xin của tôi, ấy là Chúa trong ơn thương xót của Ngài sẽ khiến cho tôi ngày càng đáng tin hơn.
Trong sách Côlôse, Phaolô nhắc tới hai tín đồ đặc biệt được kể là trung thành. Êphápra là một “bạn đồng sự thiết nghĩa với chúng tôi đã dạy anh em; người giúp đỡ chúng tôi như một kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ” (1.7). Tichicơ là “anh em rất yêu của chúng tôi, một người tôi tớ trung thành của Chúa và bạn cùng làm việc với tôi” (4.7). Nếu bạn hữu, gia đình và bạn đồng công của bạn trong Chúa cần phải ghi chú về bạn, liệu họ sẽ mô tả bạn là trung thành chứ?
Vì lẽ đó, tiêu chuẩn duy nhứt theo Kinh Thánh cho việc đánh giá một mục sư là sự trung tín. Không phải ai cũng sẽ là Billy Graham, Chuck Swindoll hay John MacArthur. Tuy nhiên, mỗi vị mục sư đều được kêu gọi chủ yếu là phải giảng dạy Lời của Đức Chúa Trời cách trung tín. Vì vậy, khi bạn đánh giá bất kỳ một vị mục sư nào, thắc mắc duy nhứt bạn cần phải đưa ra là: Có phải ông ấy trung tín với sự kêu gọi của mình không? Nếu ông ấy đang trung tín, bạn phạm tội chống lại Đức Chúa Trời khi than phiền nghịch lại ông ấy vì là một đầy tớ ông ấy đang lo liệu công việc của chủ mình.
III. Sự đánh giá một vị Mục sư (các câu 3-5).
Chúng ta hãy đọc các câu 3-5: “Về phần tôi, hoặc bị anh em xử đoán, hoặc bị tòa án nào của loài người xử đoán, tôi cũng chẳng lấy làm quan hệ gì. Chính tôi chẳng tự xử đoán mình nữa; vì tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội, nhưng tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng là công bình: Đấng xử đoán tôi, ấy là Chúa. Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh”. Bây giờ chúng ta hãy tách tiểu đoạn Kinh Thánh nầy ra làm ba loại đánh giá .
A. SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA CON NGƯỜI (câu 3a).
Phaolô bắt đầu bằng câu nói: “Về phần tôi, hoặc bị anh em xử đoán, hoặc bị tòa án nào của loài người xử đoán, tôi cũng chẳng lấy làm quan hệ gì”. Ông không ngồi quanh quất rồi lo người thành Côrinhtô sẽ nghĩ về ông như thế nào!?! Dù họ khen ngợi hoặc chỉ trích ông, dư luận của họ cũng chẳng quan hệ gì. Thêm nữa, Phaolô không quan tâm đến những gì bất cứ “toà án nào của loài người” hay nhóm người nào nghĩ về ông.
Tại sao chứ? Tại sao Phaolô chẳng màng gì về việc người khác xử đoán ông? Điều nầy chẳng quan hệ gì vì chẳng có một con người nào có thể xét đoán cách chính xác một con người khác. Câu châm ngôn xưa nói rằng: “bạn không thể biết rõ người kia cho tới chừng nào bạn đi một dặm với chiếc giày của người ấy”. Có một lẽ thật ở đây. Chúng ta không thể xét đoán cách chính xác vì chúng ta không có đầy đủ sự hiểu biết. Vì vậy, chúng ta không nên xét đoán người khác, chúng ta cũng không lấy làm lo người ta sẽ nghĩ gì về chúng ta.
Tôi cũng biết qua cách thức quá đáng, độc địa trong tiến trình chính trị suốt mùa bầu xử nầy. Nếu có việc gì rõ ràng, ấy là những nhà chính trị bị lèo lái bởi những điều mà họ xem là dư luận quần chúng thay vì là sự thuyết phục. Hệ thống truyền thông thường nói cho chúng ta biết về những cuộc thăm dò khác nhau và cấp độ tán thưởng. Dường như các nhà chính trị sẽ thay đổi lập trường của họ trên bất cứ vấn đề nào chiếu theo kết quả của những cuộc thăm dò. Bạn không thể làm như thế mà chủ toạ một Hội Thánh. Một người chăn bầy không bị bầy chiên lèo lái. Một vị mục sư không thể lãnh đạo theo kiểu thăm dò được.
B. ĐÁNH GIÁ RIÊNG CỦA MÌNH (các câu 3b-4).
Khi Phaolô suy gẫm về chức vụ của mình, ông nói: “Chính tôi chẳng tự xử đoán mình nữa. vì tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội, nhưng tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng là công bình: Đấng xử đoán tôi, ấy là Chúa” (các câu 3b-4).
Ông không nói mình không có lỗi, thất bại hoặc phạm tội. Ông không có ý nói rằng ông là con người trọn vẹn và không bao giờ bất tuân đối với Chúa. Thay vì thế, khi ông nói: Chính tôi chẳng tự xử đoán mình nữa thì lương tâm ông là thanh sạch ở trước mặt Đức Chúa Trời. Chẳng có một sự loạn nghịch nào trong đời sống của ông.
Chúng ta thường rất dễ dàng hoặc rất khó khăn đối với bản thân mình. Nhiều người trong chúng ta xem đời sống mình qua “tấm kính màu hồng”. Chúng ta gạt bỏ mọi thất bại của mình qua một bên rồi đánh giá rất cao mọi thành tựu của chúng ta. Nhiều người khác vẫn còn khó khăn đối với bản thân họ. Những gì họ đang làm chưa bao giờ là tốt đủ. Đấy là lý do tại sao Phaolô nói: Chính tôi chẳng tự xử đoán mình nữa. Mặc dầu có thể ông chẳng nghĩ tới điều gì mà với nó ông tự xử đoán mình, ông nói: Tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng công bình”. Ông không tin vào sự xét đoán của riêng mình vào điều chi hơn ông tin sự xét đoán của người khác. Vì lẽ đó, ông kết luận rằng sự xét đoán duy nhất có giá trị là sự xét đoán của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Đấng xử đoán tôi, ấy là Chúa”. Sự xét đoán của Đức Chúa Trời là sự xét đoán duy nhứt với đó ông cần phải lo liệu cho bản thân mình.
C. ĐÁNH GIÁ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (câu 5).
Câu 5 chép: “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh”. Thứ nhứt, hãy chú ý rằng chúng ta đã bị CẢNH CÁO không nên xét đoán ai khác: “Vậy, chớ xét đoán sớm quá”. Bản Kinh Thánh NASV lấy thì của tiểu đoạn Kinh Thánh nầy thật đúng và ghi như sau: Đừng tiếp tục đưa ra sự xét đoán trước thời điểm. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7.1: “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét”. Phaolô đã trực tiếp truyền cho Hội Thánh đã bị phân rẽ nầy phải thôi đừng xét đoán các mục sư của họ và xét đoán nhau nữa vì họ không đủ tư cách để xét đoán.
Thứ hai, chúng ta không nên xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến. Đâu làthời điểm? Ấy là khi Chúa đến”, thời điểm nầy dành cho chúng ta. Ấy là khi người tin Chúa sẽ đứng trước ngai phán xét của Đấng Christ và mọi việc làm của chúng ta được trải ngang qua ngọn lửa phán xét của Ngài như chúng ta đã học biết trong chương 3. Khi ấy Chúa Jêsus, với tri thức trọn vẹn của Ngài sẽ “sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người”.
Thứ ba, tại ngai phán xét: “ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh”. Đấy là sự ngợi khen duy nhứt đáng lãnh hội. Đấy là lý do tại sao Phaolô đã nói ở II Côrinhtô 5.9”: “Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa”. Câu nói hoàn thành sứ mệnh của đời sống chúng ta đáng phải nghe thấy là những lời nầy ra từ Đấng Christ: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Mathiơ 25.21, 23).

Comments

BH-“Hiểu Biết Mục Sư Của Bạn” – 1Côr. 4:1-5 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *