Homewww.TIN LANH LIBRARY.comBG GS: Ra Đời Vì Một Mục Đích

Luca 2:1-12

Mục sư David E. Owen / Đoàn Danh soạn dịch

Khi chúng ta nghiên cứu các biến cố cùng những chi tiết xoay quanh sự ra đời của Chúa Jêsus, chúng ta nhận ra rằng có một sự việc lớn lao được thấy có trong các yếu tố của bối cảnh ra đời của Ngài. Thí dụ, sự thực chẳng có một phòng trống nào dành cho họ ở nhà quán cho thấy rằng “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:11). Có lẽ còn hơn thế nữa, các biến cố xoay quanh sự ra đời của Ngài chỉ ra các phương diện liên quan đến sự chết của Ngài. Chúng ta không thể xây dựng lẽ đạo trên các hình bóng và kiểu cách được, nhưng chúng ta biết rõ Chúa Jêsus theo một ý nghĩa đích thực, như Ron Hamilton đã viết: “Ra đời để chịu chết trên đồi Gôgôtha”; và thậm chí trong sự ra đời của Ngài, chúng ta nhìn thấy cái bóng của sự chết Ngài. Cái nôi của Lễ Giáng Sinh chỉ ra thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Chúng ta hãy để ý một số việc về sự ra đời của Ngài và kế đó hãy rút tỉa một số điều tương ứng với sự chết của Ngài.

Ngay tức khắc chúng ta nhìn thấy một sự so sánh cơ bản giữa hai biến cố nầy. Vì trong Luca 2:6-7: “Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng”. Khi ấy chúng ta biết rằng mẹ Ngài đã hạ sanh Ngài. Nhưng chúng ta cũng biết Cha của Ngài đã phó Ngài cho đến chết, vì Kinh thánh nhắc: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho” (Rôma 8:32). Khi chúng ta bắt đầu . . .

A. Chúng ta hãy xem xét các địa điểm dính dáng tới sự ra đời và sự chết của Ngài.

Bếtlêhem nằm cách thành Jerusalem sáu dặm về hướng tây nam, và hai biến cố mà chúng ta đang nói tới có khoảng cách những 33 năm. Tuy nhiên, chúng ta khám phá chỗ giao thoa thú vị của tư tưởng giữa hai địa điểm nầy khi chúng ta nghiên cứu những điểm tương đồng giữa sự ra đời của Chúa Jêsus tại thành Bếtlêhem và sự chết của Ngài tại thành Jerusalem.1. Ở cả hai nơi nầy, chúng ta nhìn thấy đoàn dân đông. Kinh thánh cho chúng ta biết “vì nhà quán không có đủ chỗ ở” (câu 7). Vì cớ thuế má hay cuộc điều tra dân số của Augustus, thành Bếtlêhem đã đầy ắp người không đủ chỗ chứa. Và trong khi sự mến khách, theo một số tác giả, là yếu tố chính trong sinh hoạt của người Do thái, nhà cửa và phòng riêng của khách hết thảy đều đầy ắp từ lâu trước khi Giôsép và Mary đến đó. Ba mươi ba năm sau sự ra đời của Ngài, Kinh thánh nhắc tới một “đoàn dân đông” ở tại thành Jerusalem (Luca 23:1), và khi ấy chúng ta được thuật cho biết khi Chúa Jêsus bị dẫn tới đồi Gôgôtha “Có đoàn dân đông lắm đi theo Đức Chúa Jêsus” (Luca 23:27). Giống như 33 năm trước một cuộc điều tra dân số đã nhóm lại một đoàn dân đông, còn giờ đây, 33 năm sau, một cuộc đóng đinh trên thập tự giá đã nhóm lại một đoàn dân đông. Chúng ta cũng phải đối chiếu “muôn vàn thiên binh với thiên sứ” muốn ngợi khen Ngài ở Luca 2:13 với đoàn dân đông thù ghét Ngài muốn “đóng đinh hắn trên thập tự giá” ở Luca 23:21.

 

2. Ở cả hai nơi nầy chúng ta nhìn thấy ở ngoài trại quân. Từ Hylạp nói tới “nhà quán” ở Luca 2:7 ám chỉ một loại nhà đơn sơ kiểu cách đa dạng được biết như một trạm nghỉ trên sa mạc, và những trạm nghỉ nầy sẽ hiến cho lữ khách sự bảo hộ trong bốn bức tường, một mái nhà, nước uống, một chút tiện nghi nho nhỏ. Theo Cunningham Geikie, thường thì nhà quán bao gồm những căn phòng vuông vức quanh một sân rộng. Nếu đây là trường hợp tại thành Bếtlêhem, khi ấy họ bị buộc phải ra phía ngoài khu vực vuông vức, có rào xung quanh của nhà quán để tìm chỗ sanh Chúa Jêsus. Giống như chẳng có chỗ nào để tiếp nhận Ngài khi ra đời, chẳng có một sự tha thứ nào khi “hãy đóng đinh hắn trên thập tự giá, hãy đóng đinh hắn trên thập tự giá” vậy (Luca 23:21). Và Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus “đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh” (Hêbơrơ 13:12). Giống như họ đã ra ngoài nhà quán vuông vức, có rào xung quanh để Chúa Jêsus ra đời – họ đã ra ngoài bốn bức tường của thành vì sự chết của Ngài.

3. Ở cả hai nơi nầy, chúng ta nhìn thấy những cảnh ngộ tối tăm. Thế rồi khi sự tối tăm ăn luồn vào khắp vùng đồi núi xứ Giuđê và đồng trũng vây quanh thành Bếtlêhem, Mary bắt đầu kinh nghiệm nổi đau và sự buồn rầu của việc sanh nở khi “người sanh con trai đầu lòng” (câu 7). Chúa Jêsus về sau nói tới nổi đau của sự sanh nở khi Ngài phán: “Người đàn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian” (Giăng 16:21). Ngài đã nói như thế về quá trình sanh nở, vui mừng theo sau sự buồn rầu. Và sự ra đời đặc biệt của Ngài đã đem lại sự vui mừng, không những cho một người phụ nữ, mà còn phước hạnh cho cả một thế giới. Tương tự thế, vào thời điểm sự chết của Chúa Jêsus tại thành Jerusalem, Kinh thánh chép rằng “khắp đất đều tối tăm mù mịt” (Mác 15:33). Và “Đức Chúa Jêsus, …là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hêbơrơ 12:2). Ngài biết rõ trong quá trình sự chết của Ngài trên thập tự giá, vui mừng sẽ theo sau sự buồn rầu.

2. Chúng ta hãy xem xét các nhân vật dính dáng vào sự ra đời và trong sự chết của Ngài.

 

Khi đọc về sự ra đời và về sự thương khó của Đấng Christ thì phải quen thuộc với một số nhân vật. Sự đa dạng rõ ràng về phái tính không phải là một giới hạn, vì trong cả hai biến cố kỳ diệu nầy, chúng ta thấy có sự dính dáng của cả nhiều người nam người nữ. Sự đa dạng bầu không khí của vũ trụ không phải là một vấn đề, vì chúng ta thấy có những hữu thể con người và thiên sứ trong đó.

 

  1. Những người có quan hệ mật thiết trong các biến cố nầy. Sau khi Ngài ra đời, hai người có mặt ở gần – một người nam tên là Giôsép và một người nữ tên là Mary. Có lẽ chính Giôsép đã “lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ” (Luca 2:7) khi Mary nhìn theo. Tương tự, sau khi Ngài qua đời, ba người có mặt ở gần – một người tên là Giôsép và hai phụ nữ có tên là Mary. Mác cho chúng ta biết Giôsép người Arimathê “đã mua vải liệm, cất xác Đức Chúa Jêsus xuống khỏi cây thập tự, dùng vải liệm vấn lấy Ngài, rồi để xác trong huyệt đã đục trong hòn đá lớn, đoạn, lăn một hòn đá chận cửa huyệt lại. Vả, Ma-ri Ma-đơ-len cùng Ma-ri mẹ Giô-sê, đều thấy chỗ táng Ngài” (Mác 15:46-47).

 

  1. Những người có quan hệ gắn bó trong hai biến cố nầy. Lòng tôi vẫn còn rung động khi nghe nói tới những người canh, mấy gã chăn chiên, họ đã “trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên” (Luca 2:8). Mỗi người chăn chiên đều bị “dân Ê-díp-tô có tánh gớm ghê” (Sáng thế ký 46:34), song mấy gã chăn chiên đặc biệt nầy đã có đặc ân gắn bó với thiên sứ là Đấng đã loan báo sự ra đời và thăm viếng của Đấng Thánh. Nhưng trong một tư thế tương tự, chúng ta cũng nhìn thấy mấy người đàn bà, khi “ngày Sa-bát qua rồi, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức” xác Chúa Jêsus sau khi Ngài qua đời (Mác 16:1). “Đoạn, họ vào nơi mộ, thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng” (Mác 16:5). Và chính ở đây, chúng ta thấy sự gắn bó của họ với thiên sứ là Đấng loan báo sự đắc thắng của Đấng đã chết giờ đây đã sống lại.

 

  1. Những người có quan hệ mang tính yên ủi trong các biến cố nầy. Vào thời điểm theo sau sự ra đời của Chúa Jêsus, khi thiên sứ của Chúa ngắt ngang sự yên lặng và tĩnh mịch ban đêm, Kinh thánh chép rằng mấy gã chăn chiên “rất sợ hãi” (Luca 2:9). Nhưng rồi chúng ta được cho hay về những lời yên ủi của các hữu thể đời đời nầy, họ nói: “Đừng sợ chi” (Luca 2:10). Đúng là một sự yên ủi khi nhìn biết một Đấng Cứu Thế chào đời (như chúng ta đã đọc thấy ở Luca 2:11), rằng Ngài đã ra khỏi tử cung! Tương tự, trong những ngày sau cái chết của Chúa Jêsus, chúng ta lại thấy một thiên sứ đưa ra một loan báo thật yên ủi cho một số người đang có lòng hoảng sợ. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng mấy người đàn bà nầy “rất sợ hãi” khi họ nhìn thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng. Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: “Đừng sợ chi” (Mác 16:6). Nói khác đi: “Đừng sợ”. Đúng là một sự yên ủi khi nhìn biết “Ngài đã sống lại rồi” (Mác 16:6), rằng Ngài đã ra khỏi mộ địa!

 

III. Chúng ta hãy xem xét những điểm đặc biệt có quan hệ tới sự ra đời và trong sự chết của Ngài.

 

Tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert đã nói: “Đức Chúa Trời ở trong từng chi tiết”. Tôi không tranh cãi gì về câu nói nầy. Thực vậy, khi chúng ta tiếp tục quan sát những sự so sánh đặc biệt nầy giữa sự ra đời và sự qua đời của Chúa Jêsus, tôi càng tin chắc rằng có Đấng  Thiêng Liêng đang hoạch định trong tất cả các chi tiết nầy. Dường như rất rõ ràng là Con Trẻ phước hạnh ở thành Bếtlêhem đã trở thành Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Dường như càng chắc chắn thêm, là chính Jêsus nầy đã ra đời để chịu chết. Chúng ta hãy nhìn vào các khía cạnh đặc biệt tỏ ra vấn đề nầy.

 

  1. Hãy chú ý loại áo xống trong hai tình huống nầy. Kinh thánh cho chúng ta biết ở Luca 2:7 rằng Mary “đã sanh con trai đầu lòng”, và có lẽ Giôsép đã phụ giúp bằng cách bọc con trẻ “bằng khăn”. Trong quyển sách của ông nói về kiểu cách và phong tục của Kinh thánh, James Freeman mô tả quá trình bọc khăn ấy. Ông viết: “Họ quấn chặt cơ thể và tay chân Ngài bằng mấy tấm vải rộng để bảo hộ tứ chi yếu đuối của con trẻ. Cô Rogers, một phụ nữ người Anh (cô đã du lịch sang xứ Palestine), mô tả dáng dấp của một đứa trẻ được quấn quanh người như sau: ‘Đứa trẻ mà tôi ẳm trên tay mình bị bó lại bằng khăn chặt đến nỗi nó hoàn toàn không cục cựa được, và trông giống như một xác ướp vậy”. Với cùng tư thế ấy, sau khi Ngài qua đời rồi, Giôsép người Arimathê: “đã mua vải liệm, cất xác Đức Chúa Jêsus xuống khỏi cây thập tự, dùng vải liệm vấn lấy Ngài”. Không nghi ngờ chi nữa, cơ thể đã bị quấn “đến nỗi không cực cựa được, và trông giống như một xác ướp vậy”.

 

  1. Hãy chú ý đến loại nôi đặc biệt trong hai tình huống nầy. Vào thời điểm Ngài ra đời, Chúa Jêsus được đặt trong máng cỏ. Và tôi sử dụng chữ “cũi” trong cả hai ý nghĩa của từ ngữ – cả giường của con trẻ và máng cho súc vật ăn. Chúng ta nhìn thấy Ngài được đặt trong “máng cỏ” nầy (Luca 2:7), có người cho rằng đó là một mãng đá được cắt ra hay đục ra. James Freeman cho thấy rằng các nhà khảo cổ đã khám phá ra những chiếc máng cỏ trong khu vực đã được “cắt ra khỏi đá vôi và dài khoảng ba feet, rộng mười tám inches, và có bề sâu hai feet”. Giống như Ngài đã được đặt trong một miếng đá lõm sâu như thế sau khi ra đời, Ngài đã được đặt trong một hang đá lõm sâu sau khi Ngài qua đời. Vì Kinh thánh cho chúng ta biết ở trong Mác 15:46 rằng Giôsép người Arimathê “để xác trong huyệt đã đục trong hòn đá lớn”. Và với mọi khả năng, phiến đá bên trong cái hang đá lõm nầy cũng có chiều dài gấp hai lần chiều rộng. Nầy bạn yêu dấu của tôi ơi, tất cả những sự so sánh nầy không thể là trùng hợp ngẫu nhiên được đâu. Tôi nhắc lại rằng sự ấy chỉ cho chúng ta thấy sự thực là Ngài ra đời để chịu chết!

 

  1. Hãy chú ý phần tương phản đặc biệt trong hai tình huống nầy. Khi nhìn vào những so sánh giữa sự ra đời và sự qua đời của Ngài, yếu tố thực sự cảm động trong tất cả mọi sự nầy được thấy rõ ở điểm tương phản. Sau sự ra đời của Đấng Christ, thiên sứ đến phán cùng mấy gã chăn chiên đầy sợ hãi: “Đừng sợ . . . Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ” (Luca 2:10-12). Về mặt cơ bản, họ được truyền cho biết rằng nếu họ nhìn vào phiến đá lõm nhỏ bé kia, họ sẽ tìm gặp Đấng Cứu Thế. Nhưng đây là sự khác biệt then chốt và đáng chú ý. Ba ngày sau khi Đấng Christ qua đời, thiên sứ đến và nói với mấy người đàn bà có lòng sợ hãi kia: “Các ngươi đừng sợ chi cả; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus, là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm” (Mathiơ 28:5-6). Về mặt cơ bản, họ được truyền cho biết rằng nếu họ nhìn vào cái hang đá lõm ấy, họ sẽ không tìm gặp được Chúa. Tại sao chứ? “Vì Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán!” Thực vậy, Ngài đã ra đời để chịu chết, nhưng Ngài chịu chết để sống lại, và giờ đây Ngài hằng sống cho đến đời đời!

 

  1. W. Farrar đã viết: “Giống như phương Đông bắt lấy màu sắc của phương Tây khi mặt trời lặn, cũng vậy, thành Bếtlêhem là khúc dạo đầu cho đồi Gôgôtha, và thậm chí cái nôi của Con Trẻ là báo động đỏ đối với thập tự giá của Đấng Cứu Chuộc”. Farrar đã viết thật đặc biệt về phép cắt bì của Chúa Jêsus, nhưng khi chúng ta quan sát những sự so sánh nhiều như thế nầy, chúng ta nhận ra rằng phép ấy còn ứng dụng cho nhiều việc nữa. Khi chúng ta kỷ niệm Lễ Giáng Sinh một lần nữa trong năm nầy, nếu bạn chỉ nhìn thấy con trẻ của thành Bếtlêhem, bạn đã thiếu sót nhiều lắm. Chúa Jêsus không những là con trẻ nằm trong máng cỏ. Ngài còn là Cứu Chúa của nhân loại nữa đấy!

___________

David E. Owen Là Mục Sư của Hội thánh Baptist Piney Grove ở Acworth, GA

 


Comments

BG GS: Ra Đời Vì Một Mục Đích — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *