BG “DẠY CON TRONG ĐỨC TIN NƠI CHÚA”
Mục sư Nguyễn Duy Tân, © 2023 TinLanhLibrary.info
Dẫn Nhập: Là con cái Chúa, chúng ta biết rõ tương lai đầy hy vọng trong cõi đời đời và những phước hạnh mà Cha Thiên thượng dành cho mình, nên ai cũng muốn cho con cái mình có được niềm tin ấy khi lớn lên. Nhưng làm sao có thể truyền đạt được đức tin cho con cái để chúng cũng tiếp tục có niềm tin thật nơi Chúa?
Nhiều người ngày nay nghĩ rằng phải tôn trọng ý chí tự do của con cái và để cho chúng tự do lựa chọn theo Chúa khi có đủ trí khôn. Nhưng làm sao chúng có thể quyết định nếu không học biết và không hiểu rõ Lời Chúa từ lúc tuổi còn thơ? Đừng quên rằng, trong khi chúng ta không dám dạy cho con mình những lẽ thật của Chúa, thì chúng đã bị đầu độc bởi những lý thuyết giả dối từ thế gian, từ trường học, từ bạn bè xấu, từ tivi và Internet với những thông tin sai lệch, v.v… Làm sao chúng có đủ hiểu biết những lẽ thật mà Chúa dạy để có thể quyết định cho sự cứu rỗi của linh hồn mình?
Ông Bà Johnson là người có đức tin mạnh mẽ và tích cực dự phần các sinh hoạt của hội thánh họ. Nhưng ba đứa con của ông bà khi đến tuổi thiếu niên đã trở nên những đứa con hư hỏng. Ông Bà cảm thấy hoàn toàn thất vọng và mặc cảm về trách nhiệm làm cha mẹ của mình. Thay vì từ bỏ con cái, Ông Bà đã tập trung vào việc củng cố mối quan hệ với chúng bằng cách bày tỏ tình yêu vô điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ mà không phán xét. Họ tiếp tục cầu nguyện cho con cái mình. Sau một thời gian dài và gặp nhiều đau khổ do sự lựa chọn sai lầm của họ, các con của Ông Bà đã ăn năn trở lại cùng Chúa và kết nối mối liên hệ với cha mẹ mình.
Câu chuyện của gia đình Johnson cho thấy tầm quan trọng của việc dạy dỗ Lời Chúa cho con cái khi còn trẻ, sự duy trì nền tảng vững chắc của tình yêu thương, và niềm tin cậy nơi quyền năng và ân điển lớn lao của Chúa.
Sau đây là bảy lời khuyên giúp cho những bậc làm cha mẹ có thể truyền đạt niềm tin nơi Chúa của mình cho con cái và giúp chúng tiếp tục được sống trong sự bảo vệ của Ngài.
- Chúng ta phải dành ưu tiên về thời gian của mình cho con cái:
Thời gian của mình là món quà quý nhất mà chúng ta dành cho con cái. Con cái sẽ không sống mãi bên cạnh chúng ta đâu. Ngày nay, nhiều khi đến 18 tuổi là chúng đã ra khỏi nhà để vào trường đại học hoặc lập gia đình riêng rồi. Vả lại khoảng thời gian dễ cho chúng ta dạy dỗ và ảnh hưởng là lúc chúng còn thơ đến 12 tuổi mà thôi. Nếu chúng ta không bắt đầu sớm thì sau đó sẽ không còn có cơ hội và sẽ rất hối hận khi con chúng bị mất niềm tin nơi Chúa. Vì thế mà Lời Chúa nhắc nhở chúng ta như sau:
Châm ngôn 22:6 – “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”
Chúng ta phải dành nhiều thì giờ tâm tình, vui chơi, và dạy dỗ con cái. Nếu không thì các con chúng ta sẽ nghĩ rằng cha mẹ không yêu thương hay quan tâm đến chúng. Đến lúc chúng ta cần khuyên lơn dạy dỗ thì chúng không còn muốn nghe, vì nghĩ rằng cha mẹ có yêu thương chúng đâu mà dạy.
Ngoài thì giờ giúp cho con cái làm bài tập của trường, chúng ta cũng phải có thời gian tìm hiểu những nhu cầu hay nan đề nhỏ nhặt của chúng, chẳng hạn như bị bạn bè trong trường ức hiếp mỗi ngày. Nếu chúng ta không lắng nghe và có lời khuyên hay hỗ trợ thì những chuyện “nhỏ nhặt” đó có thể đưa đến những hậu quả không tốt trong tương lai của chúng. Nhiều người nghĩ rằng thì giờ là tiền bạc, nhưng con cái chúng ta là những tài sản vô giá mà Chúa giao cho. Vả lại, chúng ta cũng có trách nhiệm đối với Ngài trong sự dạy dỗ và bảo vệ con cái mình.
2. Hãy truyền Lời Chúa và chân lý của Ngài cho con cái mình.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5-7 – “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”
Chúa muốn chúng ta dạy Lời của Lẽ thật cho con cái dù ở bất cứ nơi nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, trong nhà, ngoài đường, và trong bất cứ mọi trường hợp. Phải dùng mọi cơ hội, mọi hoàn cảnh, để giải nghĩa cho con cái thấy được những sự dạy dỗ của Chúa. Chẳng hạn khi các con thấy người vô gia cư ngủ dưới gầm cầu, thì nhắc chúng về ơn lành của Chúa đã cho chúng có nơi ăn chốn ngủ tiện nghi. Khi thấy những bông hoa xinh đẹp, thì chúng ta dạy chúng nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên muôn vật, làm nên mọi thứ cách đẹp đẽ và hữu ích cho cuộc sống. Hãy nhắc nhở thường xuyên về sự khôn ngoan của Chúa, quyền năng, và sự chăm sóc chu đáo của Ngài trong vũ trụ và trong đời sống chúng ta, v.v …
Ngoài việc dạy con bằng lời nói, chúng ta cũng dạy bằng hành động, bằng mọi cử chỉ và thái độ. v.v. Hãy giúp cho các con có cơ hội nhóm lại, học Kinh Thánh, dự phần mọi sinh hoạt của hội thánh. Hằng ngày cũng cố gắng tạo cơ hội trong gia đình để các con được học Lời Chúa (gia đình lễ bái), giải đáp những thắc mắc về niềm tin, giúp chúng hiểu hoặc giải quyết những nan đề trong cuộc sống, v.v. Chúng ta nên tránh chỉ trích nhưng luôn luôn dùng Lời Chúa để làm nền tảng cho những lời dạy dỗ của chúng ta.
3. Đời sống theo Chúa của chúng ta phải thích hợp với đức tin của mình.
Không ai là hoàn toàn, nhưng chúng ta phải cố gắng mỗi ngày tiến tới trên con đường thánh thiện và sống theo những tiêu chuẩn mà Chúa dạy. Con cái chúng ta phải nhìn thấy điều đó để noi theo gương chúng ta.
Có một nhóm mục sư ngồi nói chuyện với nhau, người thì nói tôi thích bản dịch Kinh Thánh này, người nói tôi thích bản dịch Kinh Thánh kia. v.v. Một mục sư kia thì nói: “Tôi thích nhất bản dịch Kinh Thánh của cha tôi.” Mấy mục sư kia lấy làm lạ, hỏi rằng: “Ủa cha của ông cũng có dịch Kinh Thánh nữa sao?” Người đó trả lời: “Ba tôi dịch Kinh Thánh qua chính đời sống của ông ta!” Thật vậy, nếu chúng ta dám sống theo những lời Chúa dạy, dám sống với đức tin mạnh mẽ nơi Ngài thì các con của chúng ta sẽ học biết được những gì Chúa dạy qua đời sống chúng ta, nhờ đó mà tiếp tục lớn lên trong sự tin kính Ngài.
Các con của chúng ta cũng cần nghe cha mẹ làm chứng lại những kinh nghiệm theo Chúa của mình mà chúng không được chứng kiến khi còn nhỏ, để biết về sự chăm sóc và sự nhậm lời cầu nguyện cách lạ lùng của Ngài. Đó là cách dạy dỗ con cái về niềm tin của chúng ta nơi Chúa cách sống động.
4. Đừng ngần ngại nhận lỗi khi mình làm sai.
Nếu vì hiểu lầm hay vì một lý do nào đó mà cha mẹ lỡ làm tổn thương con mình thì cha mẹ nên sẵn sàng nhận lỗi, để con cái thấy rằng cha mẹ chúng là người có bản tính khiêm nhường, làm gương về sự thành thật, và tinh thần chịu trách nhiệm trên hành động của mình. Nhờ đó chúng lớn lên không thành người giả dối, và cũng không hờn giận hay khinh chê cha mẹ mình.
Tuỳ theo lứa tuổi và trình độ hiểu biết, cha mẹ cũng đừng ngần ngại kể lại cho con nghe những lầm lỡ trong quá khứ của của mình, nhắc đến thế nào những lỗi đó đã đưa đến những hậu quả tai hại ra sao, để chúng học kinh nghiệm và không lập lại những lỗi lầm mà cha mẹ đã gặp phải.
5. Phải yêu thương con cái cách vô điều kiện.
Đừng bao giờ nói với con rằng, nếu con cố gắng học giỏi thì ba má sẽ thương, hay nếu con cứ đập phá mấy món đồ chơi hoài thì ba má không thương con nữa, v.v. Đó là dạy con về tình yêu có điều kiện. Ngày nào đó, khi chúng lầm lỡ làm một việc gì quá quan trọng, chúng có thể sẽ nghĩ rằng mình không còn xứng đáng với tình yêu của cha mẹ nữa và có thể sẽ trốn đi khỏi gia đình hoặc tự sát.
Tình thương của cha mẹ phải là tình thương vô điều kiện. Dù chúng ta phải giải nghĩa cho con cái biết nó sai quấy ra sao, biết cha mẹ không chấp nhận những hành động nào, phải kỷ luật cách gắt gao, nhưng chúng phải hiểu rằng tình thương của cha mẹ vẫn không thay đổi. Tình yêu của cha mẹ là tình yêu vô điều kiện, nhưng không có nghĩa là con cái muốn làm gì thì làm, tự do phạm tội. Khi con phạm lỗi thì chúng ta không vui lòng, nhưng vẫn tiếp tục yêu thương và muốn chúng ăn năn chừa lỗi. Nhờ thấy được tình yêu đó từ cha mẹ, chúng có thể hiểu được tình yêu đầy khoan dung và ân điển của Chúa.
6. Phải cố gắng giữ mối tương giao và thông cảm với con cái luôn tốt đẹp.
Nhiều cha mẹ không thể tiếp tục nói chuyện được với con cái rồi nghĩ rằng do dị biệt tuổi tác và văn hoá. Nhưng sự thật là vì hờn giận nhau mà thôi. Vì cớ đó cha mẹ đừng để cho lời ăn tiếng nói và thái độ của con cái làm cho mình bực bội, tức giận rồi không tiếp tục đàm thoại cách bình tĩnh hai chiều với con cái. Cha mẹ cũng phải nhờ Chúa giữ thái độ yêu thương, nghiêm nghị, nhưng không chọc giận con cái qua những lời mắng nhiếc quá đáng, những tát tay quá mạnh, những hành động thiếu kiên nhẫn của mình. Hãy tránh nói những lời mỉa mai khinh thường, những lời nói dai nói dài, “giáo đa thành oán.” Khi oán giận thì chúng không chịu nghe chúng ta nói gì đâu!
Cha mẹ phải kiên nhẫn lắng nghe con cái mình cách thành thật, rồi sau đó bình tĩnh và trong tình yêu thương giải nghĩa cho con cái thấy hậu quả của những việc làm sai trái của chúng. Phải giúp cho chúng hiểu được trách nhiệm của cha mẹ trước mặt Chúa trong việc dạy dỗ và kỷ luật con cái. Chúng phải hiểu đó là vì lợi ích của chúng chứ không phải vì quyền lợi hay vinh dự của cha mẹ. Nếu cha mẹ không dạy dỗ cách bình tĩnh thì không thể truyền đạt được những lẽ thật của Chúa cho con cái mình.
7. Bảo vệ con cái bằng lời cầu nguyện.
Mác 11:24 – “Bởi vậy ta nói cùng các ngươi: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi.”
Nếu chúng ta xin Chúa gìn giữ và biến đổi tấm lòng con cái chúng ta, dâng chúng cho Ngài chăm sóc và sử dụng thì đó là những điều cầu xin đẹp lòng Ngài. Chúng ta nghĩ rằng Chúa sẽ từ chối sao? Cha mẹ nào cầu nguyện nhiều cho con cái không bao giờ thất vọng vì sẽ thấy con mình lớn lên trong sự tin kính Ngài.
Khi chúng ta cầu nguyện và xin Chúa ban phước cho con cái mình, đó là chúng ta đang chúc phước cho chúng như các thánh đời xưa. Hãy chúc cho con cái đủ mọi ơn phước, như là được lớn lên trong sự khôn ngoan, học hành giỏi giang, thành công trong xã hội, bình an, khoẻ mạnh, được Chúa đại dụng đời sống, v.v… Hãy cầu nguyện, chúc phước nhiều hơn thay vì rầy la và đánh đòn. Chúng ta sẽ thấy quyền năng Chúa hành động. Các con chúng ta sẽ được Ngài gìn giữ và trưởng thành trong đức tin và trong ân điển lớn lao của Ngài.
Tóm lại, ai cũng thương con, ai cũng muốn cho con mình được cứu, nhưng hãy dành thì giờ dạy dỗ và truyền đạt đức tin qua đời sống theo những cách nói trên thì chắc chắn chúng ta sẽ được con cái yêu thương, vâng lời, sống theo gương đạo đức của chúng ta, tiếp tục lớn lên trong sự kính sợ Chúa, và sẽ trở nên những con người có đời sống hữu ích cho Nhà Ngài.
Cầu xin Chúa giúp cho chúng ta làm tròn bổn phận những cha mẹ Cơ-đốc, được vui mừng nhìn thấy con cái lớn lên trong đức tin và có đời sống hữu ích cho Nước Trời. Amen.
Comments
BG “DẠY CON TRONG ĐỨC TIN NƠI CHÚA” — No Comments