HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG – Bí Quyết Hạnh Phúc Của Phao-lô

Mục sư Nguyễn Duy Tân –  © 2023 TinLanhLibrary.info

Đầu năm ai cũng chúc chúng ta được nhiều may mắn, sức khoẻ, và của cải để được hạnh phúc. Là một Cơ-đốc nhân, chúng ta không cần ai chúc phước, vì chúng ta có Chúa là chúng ta đã có hạnh phúc và vui mừng thật. Phải không?

Phần lớn nhân loại tin rằng “hạnh phúc hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất và hoàn cảnh.”

Người nghèo nghĩ rằng tôi chỉ cần có nhiều tiền thì sẽ hạnh phúc. Người còn độc thân nghĩ rằng nếu có chồng hay có vợ sẽ hạnh phúc. Người không con thì nghĩ rằng nếu có con sẽ hạnh phúc. Người sống ở VN nghĩ rằng qua được bên Mỹ chắc sẽ hạnh phúc. v.v.

Thật là đáng tiếc cho những ai là Cơ-đốc nhân mà vẫn còn để cho hoàn cảnh định đoạt sự vui mừng hay hạnh phúc trong tâm hồn mình! Những người đó chưa hiểu rằng: Niềm vui và hạnh phúc thật không đến từ vật chất và hoàn cảnh! (X2)

Hôm nay tôi xin nhắc lại một tấm gương của Phao-lô và sự dạy dỗ của ông để thấy được vài bí quyết vì sao ông luôn được hạnh phúc và vui mừng trong mọi hoàn cảnh.

  1. Gương sống trong hạnh phúc của Phao-Lô: (Công vụ 16:16-24)

Ngày kia Phao-lô có nhận được một khải tượng từ Chúa và ông biết chắc được Chúa kêu gọi ông đi đến với người dân ở xứ Ma-xê-đoan để giảng Tinh Lành cho họ (Công vụ 16:9-10). Dù cho Phao-lô và người đồng công với ông là Si-la đã nhận được một trách nhiệm từ Đức Chúa Trời và đã chuẩn bị đến đó hầu việc Ngài, nhưng mọi sự không xảy đến cách suông sẻ cho họ. Chỉ trong vài ngày, họ bị kẻ thù bắt, đánh đập, và nhốt vào ngục, ở chung với những tù nhân hung dữ, chân họ phải bị trói vào sàn nhà bằng xích sắt (Công vụ 16:16-24). Nhưng hãy xem cách phản ứng của họ trong hoàn cảnh khó khăn:

Công vụ 16:25 – “Lối nữa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe.

Trong hoàn cảnh đầy khổ nạn nầy, các tôi tớ Chúa bắt đầu bằng sự cầu nguyện, và đó là bí quyết để tìm được bình an và nhìn thấy quyền năng của Chúa thể hiện. Kế đến, dù thân thể mang đầy thương tích đau đớn và nhức nhối, chân còn bị còng lại bằng dây xích sắt, họ lại có thể lớn tiếng ca hát để ngợi khen Đức Chúa Trời! Nếu chúng ta rơi vào một hoàn cảnh tương tự, khá lắm chắc chúng ta có thể hát nhỏ nhẹ để tự an ủi mình mà thôi. Nhưng trong đêm đó, Phao-lô và Si-la đã hát THẬT LỚN TIẾNG, đến đổi tất cả các tù nhân khác đều nghe họ.

Theo nguyên bản tiếng Hy-lạp, thì chữ “nghe” nầy có ý nghĩa là các tù nhân đều “lóng tai chú ý nghe” từng lời hát của họ! Cách mà hai tù nhân nầy hát cho thấy là họ chẳng những ngợi khen Chúa nhưng cũng có mục đích để làm chứng hay bày tỏ niềm tin của mình cho những tù nhân khác. Có thể trước đó họ nói với nhau: “Ở đây người ta cấm mình giảng dạy, nhưng nếu mình hát thì chắc không ai làm gì mình đâu. Xin Chúa cho lời hát của mình sẽ động chạm đến tấm lòng của những tù nhân nầy. Thôi mình cùng hát đi! Thế là họ hát với hết tâm hồn và hết sức mình, trong tinh thần vui vẻ và đắc thắng, vì tin rằng Chúa sẽ chạm đến những tấm lòng đang đau khổ trong nhà tù nầy.

Chắc chắn là chúng ta chưa có cơ hội hát trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng tại trong nhà thờ, có bao giờ chúng ta hát trong tinh thần để rao giảng Phúc âm, để bày tỏ cho những thân hữu có mặt trong buổi nhóm thấy được niềm VUI MỪNG, BÌNH AN, và HẠNH PHÚC mà Chúa đã ban cho chúng ta không? Nhất là quý anh chị em trong ban hát, quý vị ngợi khen Chúa với thái độ nào? Tất cả chúng ta là hội chúng, khi hát một bài thánh ca nói lên niềm hy vọng và vui mừng của mình thì gương mặt và thái độ của quý vị thế nào? Tôi rất thất vọng khi nhận thấy hầu như phần lớn các ban hát và ca sĩ trong Chúa, khi hát những bài thánh ca đầy ý nghĩa vui mừng, thì thường có một gương mặt không vui vẻ chút nào, chẳng hạn như bài nầy thì gương mặt chúng ta có biểu cảm như thế nào? Gương mặt dài thòng như trái khổ qua hay rạng rở niềm vui?

Một ngày tươi mới, một ngày tươi mới do Chúa Cha ban cho, do Chúa Cha ban cho. Lòng mừng thơ thới, lòng mừng thơ thới, trong tiếng ca rộn ràng, trong nắng mai ngập tràn…

Chúng ta hát “Lòng mừng thơi thới” nhưng trong lòng chúng ta có sự vui mừng thật không? Nếu có thì hãy biểu lộ ra qua giọng hát và nét mặt tươi vui của chúng ta. Người chưa biết Chúa đang ngồi bên cạnh phải thấy được hay cảm nhận được niềm vui mừng thơ thới trong đời sống con dân Ngài.

Dĩ nhiên là hai tôi tớ Chúa trong đoạn Kinh Thánh nầy đã hát cách hết lòng những bài Thánh Ca mà họ thuộc lòng. Thuộc lòng các bài thánh ca rất quan trọng. Nếu cứ nhìn vào sách hay các hình rọi khi hát thì sẽ không bao giờ thuộc. Trong lúc buồn bã ngã lòng, anh em có nhớ bài nào để hát không? Thánh ca giúp cho chúng ta tìm được sự bình an khi lo lắng, tĩnh tâm khi đang bị căng thẳng. Tôi nhớ khi còn nhỏ tôi thường được nằm võng với cha tôi để ngủ trưa, có thể lúc đó ông cần cảm thấy được an tâm trong Chúa nên thường hát một bài thánh ca rất thích hợp khi cái võng đong đưa qua lại:

Kìa thật hồng ân Cha mênh mông như biển lớn lao,
thăm thẳm bát ngát ai đo được nào
– –
Lên thuyền cùng đoạn neo ra khơi bi
n tăm ngay,
Trong dòng hồng ân kia thẳm sâu thay…

Ngày nào đó chúng ta sẽ cần nhớ lại những bài hát đầy ơn quen thuộc khi chính mình cần được khích lệ và an ủi, hoặc để khích lệ anh em mình. Nếu hôm nay, những cơn động đất thay vì xảy ra tại Thổ Nhỉ Kỳ lại xảy đến tại nơi chúng ta đang sống thì chúng ta rất cần những bài thánh ca đó. Không có gì đem đến an ủi cho chúng ta cách hiệu nghiệm bằng Lời Chúa và những bài thánh nhạc! Hôm nay, nếu gặp hoàn cảnh như Phao-lô và Si-la, chúng ta có nhớ được bài nào để hát không? Trong tù làm gì có sách thánh ca hay máy chiếu? Chúng ta có thể hát thuộc lòng một thánh ca nào với đức tin mạnh mẽ và trong tinh thần vui vẽ như Phao-lô và Si-la để làm chứng cho người chưa biết Chúa không? Chẳng hạn bài “Này là tuyện ký tôi”, chúng ta có nằm lòng không?

ĐK: “Này là truyện ký tôi, bản hát của tôi Tôn vinh danh Cứu Chúa không khi nào thôi. Này trang sử tôi, này bản ca của tôi. Ngợi khen Cứu Chúa tôi, không lúc nào thôi.

Những bài thánh ca được xức dầu luôn tác động mạnh mẽ đến người nghe nếu chúng ta hát cách hết lòng. Những tù nhân trong câu chuyện này, vì chú ý lắng nghe hai nhà truyền giáo nầy hát, họ đã được Chúa thăm viếng và ban phước cho. Làm sao biết? Vì khi cơn động đất xảy đến bởi quyền năng của Chúa, thì những dây xích đã bung ra, rơi khỏi chân của Phao-lô và Si-la, nhưng cũng được tháo ra khỏi chân của mọi tù nhân khác!

Công vụ 16:26-28 – “Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả. 27 Người đề lao giựt mình thức dậy, thấy các cửa ngục đều mở, tưởng tù đã trốn hết, bèn rút gươm, toan giết mình. 28 Nhưng Phao-lô kêu người lớn tiếng rằng: Chớ làm hại mình; chúng ta đều còn cả đây.

Chắc chắn Chúa đã khiến cho động đất để giải thoát hai tôi tớ của Ngài và nhưng Ngài cũng cũng có ý định buông tha các tù nhân khác nếu họ muốn thoát thân, nên các dây xích của họ cũng đã được tháo ra và cửa tù cũng đã được mở toang! Nhưng Chúa làm vậy cũng có thể để các tội nhân nầy hiểu rằng Chúa sẵn sàng tha thứ và buông tha họ khỏi ngục tù của tội lỗi.

Nhưng không có một người tù nào lợi dụng cơ hội để chạy trốn! Tại sao? Tôi nghĩ là vì họ quá đổi kinh ngạc, và sửng sốt khi chứng kiến một phép lạ diệu kỳ mà chỉ có Đức Chúa Trời đầy quyền năng của hai nhà truyền giáo nầy mới làm được! Có thể họ muốn ở lại để tìm hiểu thêm về Tin Lành mà hai người nầy rao truyền. Cũng có thể trong tâm hồn họ, họ đã cảm nhận được tự do trong Chúa, không còn quan tâm đến việc chạy trốn khỏi tù như ngày trước nữa!

Chúng ta chú ý điến điểm nầy: Sau khi Phao-lô và Si-la cầu nguyện và ngợi khen Chúa, họ đã KHAI PHÓNG được quyền năng của Đức Chúa Trời, và phép lạ đã xảy ra. Nhiều khi chỉ ngợi khen Danh của Ngài như những lời cầu nguyện ĐẦY ĐỨC TIN và thành thật thì cũng đủ khiến cho quyền năng của ĐCT thể hiện, và làm cho ma quỷ run sợ. Một mục sư người dân tộc chia sẻ rằng, lần nọ họ đang chuẩn bị đuổi quỷ ra khỏi một người kia, khi các tín hữu bắt đầu ca ngợi Chúa thì tà linh tỏ ra rất sợ hãi. Tà linh la lên, bảo họ im đi, đừng rủa sả nó nữa. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, nếu chúng ta ngợi khen Chúa cách thành thật thì chúng ta tự đặt mình trong tư thế nhận được phép lạ và phước hạnh từ Ngài. Ít lắm, sự lo lắng và buồi bã sẽ thối lui; sự bình an, vui mừng, và an ủi sẽ tràn ngập vào trong tâm hồn mình. Vì cớ đó chúng ta có thể nói như Phao-lô trong Phi-líp 4:4, “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi. 

Khi Phao-lô nói “Hãy vui mừng” ông không nói: “hãy cảm thấy vui mừng”, nhưng ý của ông là hãy bày tỏ sự vui mừng” (rejoice) và đó là một mệnh lệnh cho chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh, NẾU chúng ta có sự vui mừng trong tâm hồn, thì “hãy bày tỏ ra” như Phao-lô và Si-la đã làm!

Thế giới chúng ta ngày nay cần biết lẽ thật nầy. Nhân loại đang tìm đủ mọi cách để được vui mừng. Nhưng niềm vui thật chỉ có thể tìm được trong Đức Chúa Trời mà thôi và chỉ có con cái thật của Chúa mới có thể bày tỏ niềm vui từ trong tâm hồn trong bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần không cần phải được kích thích bằng bia rượu. Trong Chúa, chúng ta có thể luôn luôn vui mừng ngợi khen Ngài như Đa-vít:

Thi-thiên 34:1 – “Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn, Sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi.

Khi Đa-vít cũng nói luôn luôn như Phao-lô, ông muốn nhắc rằng chúng ta có thể vui mừng trong mọi hoàn cảnh. Nếu biết được đời sống của Phao-lô, không ai dám tin rằng ông có thể bày tỏ sự vui mừng hay hạnh phúc được, đừng nói chi vui mừng luôn luôn. Vì ông luôn gặp những hoàn cảnh đầy éo le, oan ức, nhục nhã, bội bạc, tù tội, bị đánh đập, roi đòn, ném đá, chìm tàu, v.v. Nhưng ông luôn luôn vui mừng vì ông biết được những bí quyết của hạnh phúc và đã chia sẻ lại cho chúng ta.

  1. Những Bí Quyết Hạnh Phúc Của Phao-lô:

Phao-lô nói ông đã tập và học biết sự thoả lòng trong mọi cảnh ngộ (Phi-líp 4:11) và ông đã nêu ra trong Thơ cho người Phi-líp nầy ít lắm 20 bí quyết giúp cho con dân Chúa có cuộc sống vui vẻ, thoả lòng, và hạnh phúc lâu bền trong Chúa. Đó là những bí quyết vượt thời gian, đã giúp cho chính ông 2000 năm trước và vẫn có giá trị cho chúng ta ngày hôm nay.

Chúng ta nên dành thì giờ đọc lại Thơ Phi-líp với mục đích để tìm thấy những bí quyết về hạnh phúc và vui mừng như những hòn ngọc mà ông đã giấu khắp trong bức thơ nầy của ông. Sau đây tôi chỉ xin nêu lên ba bí quyết đã giúp cho Phao-lô luôn vui vẻ và thoả lòng để chúng ta cùng học hỏi với nhau.

a. Bí quyết thứ nhất của Phao-lô để được Hạnh phúc là học biết Chúa Giê-su.

Đối với thế gian, hạnh phúc là khi người ta có nhiều tài sảnsở hữu mọi thứ mà mọi người mơ ước. Nhưng hạnh phúc trong Chúa là niềm vui không bị lệ thuộc vào ngoại cảnh hay những của cải vật chất trên đời nầy, vì hạnh phúc thật đến từ tình yêu của Chúa và những CỦA BÁU THUỘC LINH không bao giờ mất và không ai có thể cướp lấy!

Đức Chúa Giê-su là Đấng tồn tại đời đời, nên những gì Ngài ban cho chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi. Chính Ngài là nguồn của mọi của báu, có Ngài là có nguồn lợi quý báu nhất. Nên Phao-lô có thể nhất quyết rằng:

Philíp 3:7-8 –Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngàiliều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.

Phao-lô thật ra có rất là nhiều cấp bằng, chức phận và giàu có, nhưng ông xem mọi sự đó như rơm rác, và sẵn sàng buông bỏ hết, miễn là ông được biết Chúa và được chính Chúa Giê-su. Từ ngục tù tăm tối và lạnh lẽo, Phao-lô đã viết thơ người Phi-líp để truyền đạt cho con cái Chúa bí quyết để luôn có niềm vui mừng thật, niềm vui mừng trong mọi tình huống.

Ở trong Chúa là chúng ta sẽ được ở trong sự vui mừng và phước hạnh. Chúa có thể biến đổi sự đau buồn của chúng ta thành lý do để vui mừng. Ông quả quyết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.”  Trong đời sống người theo Chúa, không có việc “hên xui, may rủi”, dù thuận lợi hay khó khăn, cho dù có bị vu oan, tù đày, mất mát, đau bệnh, … Cuối cùng mọi sự sẽ hiệp lại để mang đến kết quả lợi ích cho đời sống những kẻ kính sợ Ngài.

Và đó là bí quyết mà con cái Chúa có thể tìm được niềm phước hạnh và có thể bày tỏ niềm vui của mình trong mọi hoàn cảnh! Đa-vít cũng dạy rằng:

Thi Thiên 5:11 –Nhưng phàm ai nương náu mình nơi Chúa sẽ khoái lạc, Cất tiếng reo mừng đến mãi mãi, Vì Chúa bảo hộ các người ấy; Kẻ nào ái mộ danh Chúa Cũng sẽ nức lòng mừng rỡ nơi Chúa.

Trong mọi hoàn cảnh hãy tiếp tục “nương náu mình nơi Chúa” và “ái mộ Danh Ngài”, không phàn nàn hay oán trách, nhưng tiếp tục tin cậy Chúa. Lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao Đa-vít và Phao-lô có thể “cất tiếng reo mừng” và “nức lòng mừng rở” hát ngợi khen Chúa dù ở trong nghịch cảnh.

b. Bí quyết thứ hai của Phao-lô là ông cảm thấy phước hạnh khi thấy Tin lành được tấn tới và Đấng Christ được vinh hiển.

Ưu tiên số một của Phao-lô trong đời sống là làm thế nào để chính ông được BIẾT CHÚA Giê-su nhiều hơn mỗi ngày và làm cách nào giúp cho mọi người cũng được BIẾT Ngài.

Phi-líp 1:9 — “…điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu.

Vì thế, đối với ông không có gì mang đến cho ông sự vui mừng lớn hơn là thấy Tin Lành được lan rộng xa hơn mỗi ngày, có nhiều người được cứu, và những người tin càng ngày càng hiểu biết Chúa cách sâu nhiệm hơn. Quý ông bà anh chị em có có tấm lòng cưu mang cho những linh hồn đang hư mất TRONG GIA ĐÌNH và CHUNG QUANH mình như Phao-lô không? Hãy tìm đủ mọi cách để giúp cho họ tin Chúa và giúp cho họ sớm biết Ngài nhiều hơn thì mới kinh nghiệm được niềm hạnh phúc giống như của Phao-lô.

Tóm lại, khi cuộc đời chúng ta có một định hướng rõ ràng và tấm lòng có ước muốn sâu sa được biết Chúa nhiều hơn mỗi ngày thì lòng chúng ta sẽ luôn vui mừng như Phao-lô. Khi chúng ta quyết tâm giúp cho nhiều người tin Chúađược biết Chúa nhiều hơn, chúng ta sẽ có một cuộc sống thoả lòng, vui vẽ, và phước hạnh lâu dài như Phao-lô, Đó là bí quyết hạnh phúc thứ hai của Phao-lô.

c. Bí quyết thứ ba của Phao-lô để được hạnh phúc là noi theo gương chịu khổ của Đấng Christ.

Ngày nay chúng ta nghe nhiều người giảng dạy rằng khi có đức tin nơi Chúa Giê-su thì mọi sự sẽ tốt đẹp, đời sống sẽ sung túc và thịnh vượng. Phao-lô không đồng ý với điều đó đâu. Phước của chúng ta không ở trong một đời sống thịnh vượng và đầy đủ vật chất. Chúa Giê-su cũng cho chúng ta biết trước rằng chúng ta sẽ bị thế gian ghen ghét và bắt bớ vì họ cũng ghen ghét Ngài (Giăng 15:18,16:33). Chúng cũng dễ bị ma quỷ ghen ghét, và nó sẽ xúi giục người chưa biết Chúa chống đối và bắt bớ chúng ta. Nhiều lúc chúng ta cũng gặp thử thách, hoạn nạn, và khó khăn.

Dầu vậy, Phao-lô và các sứ đồ đã cho chúng ta thấy rằng họ vẫn tìm được hạnh phúc và vui mừng ngay trong khi họ trải qua những thử thách. Bí quyết được vui mừng của họ là xem những sự đau đớn và khổ nạn là một vinh dự vì chịu khổ vì Danh Chúa, là được Chúa đẹp lòng và xem họ là những người xứng đáng được dự phần hay chia sẻ sự thương khó với Ngài (Phil. 3:10, Rô-ma 5:3-4, Giacơ 1:2-4, 1Phi. 4:13).

1Phierơ 4:13 – “Nhưng anh em dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu thì hãy vui mừng bấy nhiêu; để khi vinh quang của Ngài được bày tỏ, anh em cũng được vui mừng, hoan hỉ.

Phao-lô muốn chúng ta chẳng những nghĩ đến Chúa, mà còn noi theo tâm tình khiêm nhượng của Đấng Christ (Phi-líp 2:5-10) và ông khích lệ chúng ta cũng bắt chướt theo Ngài. Nếu chúng ta noi theo gương Đấng Christ trong sự vâng phục ý Cha, chấp nhận và chịu đựng mọi thử thách thì trong đời nầy chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm vui mừng trong hoạn nạn, tình yêu và sự chăm sóc chu toàn của Ngài.

Đấng Christ đã nêu gương hạ mình và vâng lời Cha mình, vì biết rằng sự đau đớn mà Ngài gánh chịu cuối cùng sẽ đưa Ngài lên địa vị vinh hiển đời đời. Chúng ta cũng vậy, nếu trong đời này chúng ta chịu khổ vì Danh Chúa thì trong đời sau chúng ta cũng sẽ được sống trong niềm hạnh phúc vô biên khi cùng được dự phần sự vinh hiển với Ngài.

Kết Luận: Tóm lại, chúng ta có thể kinh nghiệm được hạnh phúc thật và niềm vui mừng không lệ thuộc vào hoàn cảnh khi chúng ta quyết tâm học biết Chúa nhiều hơn mỗi ngày và quyết định giúp cho nhiều người khác cũng được cứu và được biết Ngài nhiều hơn.

Ngày nào chúng ta còn sống trong thế gian nầy, chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp những thử thách. Bí quyết để tìm được hạnh phúc trong những giây phút đầy đau đớn và hoạn nạnkhông bao giờ đặt niềm tin vào lời hứa của người khác hay của cải đời nầy, nhưng nhìn xem gương của Chúa Cứu Thế và tin cậy lời hứa của Ngài là SS đời đời và những của báu đời đời mà Ngài dành cho chúng ta trong nước Ngài.

Khi chúng ta có được sự vui mừng trong Chúa thì cũng có trách nhiệmbày tỏ sự vui mừng luôn luôn” theo như lời dạy dỗ của Phao-lô. Chúng ta có thể vui mừng luôn luôn khi ngừng nhìn vào những khó khăn, những trở ngại; nhưng tập đếm những ơn phước, nhìn thấy những gì tốt đẹp mà Chúa ban cho, để ngợi khen Chúa và tạ ơn Ngài. Càng tạ ơn Ngài chúng ta sẽ càng được thêm ơn phước và càng được vui mừng!

Nguyền xin Chúa cho chúng ta luôn tìm được niềm vui và phước hạnh trong Chúa và có đời sống luôn tuôn tràn niềm vui mừng và phước hạnh đến anh em mình và đến những người chưa biết Chúa. Amen.


Comments

BG – Bí Quyết Hạnh Phúc Của Phao-lô — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *