HomeGƯƠNG XƯA CÒN MÃI“BA TÔI” / Mục sư Phạm Xuân Tín
“BA TÔI”
Cụ Phạm Xuân Tín, Mục Sư Trí Sự (1912 – 2008)
Nguồn: fb thầy Phạm Xuân Trí.
May be an image of 2 people and people standing
Mở đầu cho quyển Hồi Ký của mình, ba tôi trích dẫn Thi Thiên 66:16: “Xin tất cả những người kính sợ Đức Chúa Trời đến và lắng nghe! Tôi sẽ thuật cho quý vị những điều Ngài đã thực hiện cho linh hồn tôi.” Là một người con, tôi xin lược thuật những điều Đức Chúa Trời đã thực hiện cho cuộc đời ba tôi.
Ba tôi chào đời ngày 4 tháng 9 năm 1912 ở làng Xuân Tuỳ, Quảng Điền, Thừa Thiên (Huế). Theo gia phả dòng họ Phạm Xuân thì ba tôi thuộc đời thứ mười tám, con ông Phạm Văn Kháng. Ba tôi là con trai út, mồ côi mẹ từ lúc còn bé. Cái chết của bà nội tôi đã để lại một ấn tượng sâu đậm và nỗi khắc khoải sâu xa trong tâm hồn ba tôi.
Có thể nói cuộc đời ba tôi bắt đầu bằng việc tìm kiếm chân thần khi chưa tìm được câu trả lời cho những thắc mắc, như: Sau khi người ta chết linh hồn sẽ đi đâu? Làm thế nào để tránh khỏi sự hình phạt đời đời trong cõi đời sau? Những quyển sách đầu tiên giúp ba tôi tiếp xúc với Tin Lành của Đức Chúa Trời là những sách nhỏ được in từ Hà Nội như các sách Phúc Âm, Tranh Minh Tâm. Trước khi tin Chúa ba tôi từng đọc bốn sách Phúc Âm, sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và Tranh Minh Tâm là quyển sách gây ấn tượng nơi ba tôi hơn cả.
Ba tôi từng nằm mộng thấy Chúa hiện ra, gọi đích danh ba tôi và nói: “Hãy theo ta!” Ba tôi đã thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, hai năm nữa con theo Ngài!” Sở dĩ ba tôi trả lời với Chúa như vậy vì muốn hiểu rõ về Chúa trước khi tin và theo Ngài chớ không có ý từ chối hoặc lần lữa. Sau này ba tôi có thắc mắc vì sao tại Tourane (Đà Nẵng) có tín đồ, có nhiều nhà thờ mà chẳng ai làm chứng hoặc mời ba tôi đi nhà thờ trong suốt thời gian ông học ở đó. Mãi đến năm 1933, khi thực tập bán thuốc trong tiệm Âu Dược ở Quảng Ngãi, ba tôi gặp một mục sư Tin Lành, sau nhiều lần nghe ông làm chứng và giải đáp thắc mắc, rồi thêm một thời gian đọc Kinh Thánh, ba tôi quyết định tin Chúa.
Sau khi tin Chúa, ba tôi đã làm ba điều cụ thể. (1)Vất bỏ bao thuốc lá và từ đó về sau chẳng bao giờ hút thuốc. (2)Nói với người khác về niềm tin của mình. (3)Viết thư cho ông nội tôi báo tin mình đã tin Chúa và làm chứng cho ông nội tôi. Ông nội tôi liền gởi thư buộc ba tôi phải bỏ đạo, nếu không bỏ đạo thì không được về nhà. Và thư tiếp theo là nếu không bỏ Chúa thì sẽ không được chia gia tài. Còn ba tôi thì quyết định rằng một khi đã “tin thờ Chúa thì gươm qua cổ ba tôi cũng không bỏ Ngài”.
Tiếp theo giai đoạn tìm Đạo và tin Đạo là giai đoạn ba tôi theo Chúa để trở thành người phục vụ Ngài. Trong giai đoạn đầu sau khi tin Chúa, dù hồi đó không có người chăm sóc đời sống thuộc linh cho ba tôi nhưng Chúa có chương trình của Ngài. Khi ba tôi học xong nghề bào chế thuốc và đang dấn thân vào công cuộc kinh doanh lẫn bào chế thuốc thì Đức Chúa Trời kêu gọi ba tôi đi học Kinh Thánh. Vì vậy năm 1935 sau khi chịu Báp-tem ba tôi từ bỏ nghề nghiệp, đi học Trường Kinh Thánh, đối diện với biết bao khó khăn thách thức để được huấn luyện trở thành người hầu việc Đức Chúa Trời. Trong thời gian học ở Trường Kinh Thánh, ba tôi nặng lòng đối với việc truyền giáo cho người dân tộc tại vùng cao nguyên, những nơi ba tôi từng đến bán thuốc.
Ngày 8 tháng 5 năm 1937 ba tôi lập gia đình với mạ tôi, (cô Nguyễn Thị Sen) là người đồng ý lên vùng cao nguyên cùng ba tôi trong công tác truyền giáo. Ngay trong năm lập gia đình, ba mạ đến Ban Mê Thuột tháng 7 năm 1937, với tư cách truyền đạo tập sự. Thế là ba tôi trở thành nhà truyền giáo và là người đầu tiên đem Phúc Âm đến cho người Ê-đê. Từ những ngày đầu tiên đi gieo giống, trải qua bao nhiêu năm, có người trồng kẻ tưới, cố mục sư Nguyễn Hậu Nhương, cố mục sư Lê Khắc Cung và các mục sư người Ê-đê, cho đến hôm nay hạt giống Tin Lành nẩy nở và kết quả có hơn 150.000 người Ê-đê trở thành con cái của Chúa. Trong một chuyến công tác bản thân tôi được gặp mục sư Yno, ông là một trong những người trí thức Ê-đê đầu tiên tin Chúa và sau này trở thành mục sư cho người Ê-đê. Mục sư Yno mới về với Chúa vài năm trước. Trong thời gian truyền giáo ở Ban Mê Thuột ba tôi cũng có dịp đi Pleiku hoặc qua Cheo Reo (Phú Bổn) tìm hiểu các dân tộc Jơrai, Bahnar, Krung… và giảng Tin Lành cho người Jơrai, nên bị nhà cầm quyền Pháp trục xuất khỏi Cheo Reo.
Năm 1939-1940 ba mạ chúng tôi trở về Đà Nẵng học năm cuối cùng. Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh Thánh, năm 1941 Tổng Liên Hội chính thức cử ba mạ tôi đi vỡ đất mới tại khu vực Pleiku, truyền giáo cho người Jơrai, Bahnar. Công cuộc truyền giáo tại khu vực Pleiku từ năm 1941-1951 thật khó khăn, cam go hơn bất cứ khu vực nào. Khó khăn vì lòng người chai lì, cứng cỏi, mê tín dị đoan. Khó khăn vì đời sống vật chất vô cùng kham khổ, thiếu thốn. Khó khăn vì phạm vi truyền giáo thật rộng lớn, có một thời gian ba tôi phải kiêm luôn cả Pleiku và Ban Mê Thuột trong khi chưa có người đến truyền giáo ở Ban Mê Thuột. Khó khăn vì chiến tranh phải ẩn mình trong rừng sâu hơn bốn mươi ngày, không lương thực, không áo quần, phải luộc cỏ tàu bay mà ăn, phải đóng khố che thân, phải xa cách vợ con hai mươi hai tháng. Sau mười năm truyền giáo tại Pleiku, năm 1950 ba tôi được phong chức mục sư.
Theo sự sắp xếp của Giáo Hội từ 1952-1962 ba mạ tôi truyền giáo cho người Chru ở Dran (Đơn Dương). Tại đây ba tôi vừa lo truyền giáo cho khu vực Đơn Dương, vừa là đoàn trưởng của Đoàn Truyền Giáo trong một khu vực rộng lớn từ Khe Sanh cho đến Túc Trưng.
Trong thời gian truyền giáo cho người dân tộc, ba tôi có cơ hội đi học tại Viện Ngôn Ngữ Philippine (tháng 3 năm 1957) về phương pháp đặt chữ viết cho các dân tộc và soạn sách vần cho người Chru. Sau đó, tháng 9 năm 1959 học về Truyền Đạo cho Thiếu Nhi, và sau này ba tôi được cử làm trưởng ban phát động chương trình Truyền Đạo cho Thiếu Nhi. Cũng trong năm 1959 ba tôi được hội thánh giao phó chức vụ phó hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Do nhu cầu của hội thánh chung năm 1960 ba tôi nhận thêm công tác tại Chẩn Y Viện Tin Lành và dạy ở Thần Học Viện Nha Trang về Trường Chúa Nhật và Truyền Đạo cho Thiếu Nhi trong những năm đầu. Ba tôi gọi đây là một chức vụ chia ba: Truyền giáo – xã hội (Chẩn Y Viện Tin Lành) và huấn luyện (dạy Thần Học Viện).
Sau hơn hai mươi ba năm truyền giáo (1937-1939, 1941-1962), năm 1962 ba tôi chính thức hầu việc Chúa tại Thánh Kinh Thần Học Viện. Trước hết trong cương vị giáo sư, sau đó là giám học và phó viện trưởng. 1969 sau khi từ chức giám đốc Chẩn Y Viện Tin Lành, ba tôi lại phải nhận trách nhiệm trưởng ban Phát Thanh Tin Lành. 1970 thành lập Trung Tâm Truyền Đạo Thiếu Nhi.
Trong thời gian dạy Thần Học Viện, Chúa biết tinh thần ham học hỏi của ba tôi và cho ba tôi có cơ hội học hỏi thêm thần học tại Moore Bible College, Sydney (Úc) năm 1964 và Goshen Biblical Seminary (Mỹ) năm 1972. 1974 trở về Việt Nam tiếp tục dạy thần học tại Thần Học Viện và Trung Tâm Thiếu Nhi.
Năm 1975 ba tôi được hội thánh giao phó chức vụ chủ nhiệm Địa Hạt Nam Trung Bộ, sau này là Giáo Hạt Nam Trung Bộ. Đây là một chức vụ đầy những khó khăn, thách thức và đầy gánh nặng.
Sau năm mươi mốt năm phục vụ Chúa trong hội thánh, ngày 1 tháng 5 năm 1987 ba tôi xin về hưu. Trong những năm tháng hưu hạ ba tôi vẫn có cơ hội thăm viếng và giảng dạy trong các hội thánh. Từ năm 2000 mắt ba tôi mờ dần sau đó hoàn toàn không nhìn thấy nữa. Dầu vậy ba tôi vẫn có thể giảng dạy khi được mời. Vẫn yêu cầu một số thanh niên giúp đỡ ba tôi viết sách trong thời gian ông không nhìn thấy. Hai người trong số đó hiện đang theo học Thánh Kinh Thần Học Viện.
Trong mỗi chặng đường hầu việc Chúa, từ những năm tháng truyền giáo, đến giai đoạn làm thầy giáo, cho đến những ngày tháng hưu hạ, ba tôi luôn gắn bó với công tác biên soạn sách Cơ Đốc. Từ những sách nhỏ đầu tiên bằng tiếng Việt, như quyển Đường Cứu Rỗi và quyển Jêsus Christ (1938) hay tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Jơrai: Tơlơi Ơi Adai (Lời Đức Chúa Trời – 1942) cho đến mười năm dịch Tân Ước và Sáng Thế Ký, Thánh Ca cho người Bahnar và Jơrai, đến những quyển Tiếng Gọi Rừng Rậm, Đời Tận Tụy, Sứ Giả Phục Hưng… cho đến những quyển sách dùng để dạy thiếu nhi như Kíp Lo Truyền Đạo cho Thiếu Nhi, Giải Nghĩa Các Sách Tiên Tri, cho đến những quyển sách giáo khoa dùng để giảng dạy trong Thần Học Viện như Thần Học Căn Bản, Ngũ Kinh, Tìm Hiểu Các Giáo Phái, Thánh Kinh Thần Học, Hệ Thống Thần Học… Có những công trình ngắn ngày nhưng cũng có những công trình nhiều tháng nhiều năm, như bản dịch Kinh Thánh là công trình từ 1970 hoàn tất năm 1990. Hoặc bộ Thánh Kinh Phù Dẫn do ba mạ chúng tôi cùng thực hiện trong thời gian trước khi ba tôi bị loà hoàn toàn. Có những tác phẩm đang được hội thánh sử dụng, có những tác phẩm được các nhà ngôn ngữ học Việt Nam dùng làm nền tảng để tìm hiểu về ngôn ngữ của các dân tộc vùng cao.
Từ tìm đạo, tin đạo, trở thành môn đệ của Chúa, Chúa đã sai ba tôi khi thì ra đi truyền giáo, khi thì ngồi xuống làm người thầy đào tạo và huấn luyện, khi thì dùng môi miệng để rao giảng Tin Lành, khi thì dùng lời Chúa để gây dựng, cảnh cáo con dân của Ngài, khi thì viết bài giảng, viết sách cho tôi tớ và con cái Chúa đọc và sử dụng.
Những năm tháng cuối đời, dù không còn nhìn thấy, đi lại khó khăn nhưng ba tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện, rao giảng, nhờ người cầm bút viết sách. Lòng nhiệt thành của ông không hề suy giảm khi cứ ao ước được rao giảng lời Chúa. Giọng nói của ba tôi không suy giảm khi truyền rao sứ điệp của Ngài. Tiếng cầu nguyện và cầu thay của ba tôi vẫn vang lên hằng ngày. Hai nội dung chính trong lời cầu nguyện của ba tôi là cầu nguyện cho sự phát triển và phục hưng của hội thánh và cầu nguyện cho con cái dâu rể biết dùng cuộc đời để phục vụ Chúa, cầu nguyện cho các cháu, các chắt sớm nhận biết Chúa, tin nhận Ngài.
Ba mạ tôi có tất cả mười người con (sáu trai, bốn gái). Hai con trai về với Chúa trong những năm đi truyền giáo. Tám người còn lại gồm bốn trai bốn gái. Đến nay có thêm bốn dâu, ba rể, mười bốn cháu và bốn chắt.
Con trai, con gái lẫn dâu rể đều được Chúa dùng theo lòng mong ước của ba tôi. Chúng tôi không làm được nhiều việc như ba chúng tôi, nhưng mỗi một người được thừa hưởng và tiếp nối những công việc mà Đức Chúa Trời bày tỏ và muốn thực hiện trong cuộc đời của chúng tôi. Người thì tiếp nối chức vụ chăn bầy trong chức vụ mục sư. Người thì mở rộng biên cương của Nước Chúa qua công tác truyền giáo không phải chỉ cho người Việt Nam mà cho người Bangadesh, rồi đến người Mông Cổ. Người thì dịch thuật, viết sách. Người thì tiếp tục công tác giáo dục Cơ Đốc trong trường thần học. Người thì công tác cho thiếu nhi. Người thì sáng tác bài hát. Những điều mà tất cả chúng tôi, con cái và cháu chắt được thừa hưởng là tinh thần chia sẻ Phúc Âm, nói về Chúa cho những người xung quanh mình, là tinh thần hiệp nhau cầu nguyện gia đình lễ bái, tinh thần ham thích học hỏi lời Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa. Có thể ba tôi đã thoả lòng khi câu Kinh Thánh ước nguyện “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Gia-vê.” (Giô-suê 24:15b) đã được thành tựu qua các con trai, con gái, con dâu, con rể. Mong rằng các cháu, các chắt của ba tôi khi lớn lên cũng sẽ phục sự Đức Gia-vê.
Trong những ngày cuối năm 2007 ba tôi thường xuyên đau nhói trong ngực và khó thở, anh của tôi là Phạm Xuân Nghĩa, bác sĩ truyền giáo ở Mông Cổ trở về thăm gia đình đã ngày đêm chăm sóc ba tôi. Đẹp ý Chúa tối ngày 2 tháng 1 năm 2008, lúc 19 giờ 20 phút ba tôi qua đời cách nhẹ nhàng như chìm vào giấc ngủ. Tất cả mọi người trong gia đình đều nghĩ rằng mạ chúng tôi sẽ về với Chúa trước ba tôi, nhưng Chúa muốn ba tôi đi trước và chúng tôi chỉ biết thuận phục ý muốn của Ngài.
Khuya hôm đó, cả gia đình ngồi lại bên giường đặt thi thể của ba tôi để ôn lại vài kỷ niệm về ba tôi, cùng đọc Kinh Thánh trong 2Ti-mô-thê 4:5-8 và cầu nguyện.
“Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ. Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta. Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”
Anh tôi hỏi các con (cháu nội ngoại) “Ai trong các con biết chắc rằng ông đang ở thiên đàng?” (Các cháu đã giơ tay lên) “Ai trong các con biết chắc rằng ông nhận được mão triều thiên do Chúa ban?” (Các cháu đã giơ tay lên) Anh tôi hỏi: “Làm sao các con biết được điều đó?” Cháu Phạm Xuân Jubilee Thảo Nhi, mười một tuổi, đang theo anh chị tôi truyền giáo tại Mông Cổ đã trả lời: “Đó là lời hứa của Chúa.”
Chúa Giê-xu kêu gọi một số người theo Ngài, huấn luyện họ trở thành những môn đệ của Ngài, và các môn đệ của Chúa đã thực hiện vô số việc lớn lao cho Ngài. Tiên tri Ê-li-sê, học trò của tiên tri Ê-li cũng đã làm được nhiều điều hơn thầy của mình vì ông từng bày tỏ nguyện ước của mình rằng: “Thưa thầy, cho con thừa hưởng được gấp đôi phần Thần linh của thầy.” (Nguyền xin Thần của thầy cảm động tôi được bội phần.) Có lẽ quí tôi tớ Chúa, từng là học trò của ba tôi cũng nói “xin Thần của thầy cảm động tôi gấp đôi.” Chắc quí tín hữu, những người từng nghe ba tôi giảng lời Chúa, có người từng được ba tôi làm chứng, làm Báp-tem, đặt tay cầu nguyện, cử hành hôn lễ, cũng nói “xin Thần của thầy tác động trên trên tôi gấp đôi.” Là con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu chắt, chúng tôi hết lòng xin Chúa cho chúng tôi được thừa hưởng gấp đôi phần Thần linh của cha ông chúng tôi. A-men.
Phạm Xuân Trí

 


Comments

“BA TÔI” / Mục sư Phạm Xuân Tín — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *