HomeTÌM HIỂU PHÚC ÂMTôn Giáo Và Niềm Tin

Tôn Giáo Và Niềm Tin

Kính tặng những tâm hồn

đang khao khát tìm cầu chân lý

 

            Nhìn vào lịch sử nhân loại, trải qua các thời đại, ở bất cứ dân tộc nào,? chúng ta đều thấy có một hình thức tôn giáo hoặc thô sơ hay rất qui mô. Vì thế, nhiều người cho rằng tôn giáo là một bản năng mà Thượng Ðế đã dành cho loài người, chỉ loài người mới có bản năng nầy mà thôi. Chúng ta thấy từ một bộ lạc nhỏ trên vùng cao nguyên hẻo lánh đến các xã hội tân tiến hiện đại, mọi giống dân trên quả địa cầu nầy đều có khuynh hướng tìm về chân lý, tìm về một Ðấng tối cao để có được một giải đáp thỏa đáng cho đời sống tâm linh.

Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người phải vất vã lo cho bản thân, gia đình, và tương lai.? Chúng ta ít có thì giờ suy nghĩ và tìm một trả lời cho các câu hỏi như: Chúng ta từ đâu mà có? Khi qua đời, chúng ta sẽ về đâu? Ý nghĩa của cuộc sống là gì

Nhiều người cho rằng đời sống mình cũng giống như các sinh vật khác, sống cho hiện tại, chết đi là hết, thân xác sẽ trở về với cát? bụi. Bạn có nghĩ như vậy không? Có người lại cho rằng con người cao trọng hơn loài vật vì con người có linh-hồn và có một Ðấng thiêng liêng đang phù hộ, ban phước cho những ai tìm cầu đến Ngài.

Mỗi người trong chúng ta đều có lúc phải dò lòng tự hỏi những câu tương tự như trên. Ðức Phật Thích Ca đã từ bỏ các vinh quang phú quý để tìm chân lý và sự giải thoát cho tâm hồn. Ngài đã đạt được mục tiêu và từ đó Phật giáo ra đời. Người Việt Nam chúng ta, cũng như nhiều dân tộc khác ở vùng Ðông Nam Á, đa số đều theo đạo Phật, chịu nặng ảnh hưỡng của Khổng giáo.

Ai cũng cho rằng mình có đạo, nhưng trên thực tế thử hỏi có bao nhiêu người tự tìm hiểu để biết những điều mình tin một cách rõ-ràng. Có người theo đạo vì truyền thống gia đình, nhiều khi họ không hiểu rõ mục tiêu và cứu cánh của niềm tin của họ là như thế nào. Vì thế họ không biết chắc chắn rằng tôn giáo ấy sẽ giúp ích cho họ những gì hay tôn giáo ấy có thỏa mãn nhu cầu tâm linh của họ hay không.

Giờ đây mời bạn nhìn vào vấn đề với một nhãn quan khác, thử xem chúng ta có tìm được một câu trả lời thỏa đáng hơn, một biện pháp mới hơn, tốt đẹp hơn hay không? Vì tôn giáo là một bản năng mà Thượng Ðế đã ban cho mỗi người trong chúng ta, nên chúng ta phải xử dụng nó một cách hết sức cẩn thận để khỏi phải tiếc hối về sau. Nếu chỉ có một tôn giáo duy nhất thì chúng ta khỏi phải thắc mắc, nhưng nếu có nhiều hơn một, là phải có sự chọn lựa. Huống chi hiện nay có hằng trăm hằng ngàn tôn giáo khác nhau từ những đạo thờ ma quỉ đến những đạo thờ các mãnh thú, vật thọ tạo, hay hiện tượng siêu nhiên… làm thế nào để có thể chọn lựa một tôn giáo thích hợp cho chúng ta?

Chúng ta biết rằng ai cũng muốn chọn cho mình những điều tốt nhất, không ai nghĩ là điều tốt nhất đó để dành cho người khác, còn mình có cái cổ xưa nầy cũng tạm được rồi. Khi lâm trọng bệnh, không ai trong chúng ta lại không muốn tìm một thầy thuốc giỏi nhất, một người chắc chắn sẽ cứu được mạng sống mình. Khi chúng ta ký một giao kèo, chúng ta phải biết rõ là khế ước này sẽ mang lại những gì, chúng ta phải đọc kỹ từng hàng một, kể cả những hàng chữ in rất nhỏ. Chọn lựa tôn giáo cũng vậy, chúng ta phải tìm hiểu lẽ đạo, phải biết cứu cánh của tôn giáo đó là gì, có thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta hay không? Chúng ta có biết rõ những điều chúng ta tin hay không? Và kết quả niềm tin của chúng ta ra sao?? Như vậy chúng ta mới có quyết định sáng suốt, một quyết định có ảnh hưởng đến linh hồn và sự sống đời đời. Chúng ta không thể bịt tai không chịu nghe một người nào đó nói mà lại kết luận là không tin hay không đồng ý được.

Trong cuộc chiến tranh, một y sĩ trên đường hành quân thấy một quân nhân bị thương nằm bên đường, ông ta bảo người y tá dừng xe lại để chăm sóc và chuyển anh thương binh về bệnh viện. Thình lình nơi đó bị pháo kích làm cho y sĩ trên bị thương nặng. Khi chuyển về đến bệnh viện, thì ông qua đời, nhờ đó mà anh thương binh được sống. Nhớ ơn cứu mạng, mỗi năm người quân nhân này đều trở về nơi xưa để dâng hương và tưởng-niệm người quá cố.

Văn hào Khái Hưng trong chuyện “Anh Phải Sống” đã nói lên sự hy sinh lớn lao của một bà mẹ: Ngày kia hai vợ chồng nọ chèo chiếc thuyền con ra giữa giòng sông vớt những khúc gỗ đem bán để nuôi sống gia đình. Thình lình có trận cuồng phong làm đắm thuyền. Hai vợ chồng cố gắng giúp nhau để bơi vào bờ, tuy nhiên sức người không chống nổi dòng nước lũ.? Người vợ biết rằng nếu chồng bà cứ giúp bà như vầy, chắc hai người sẽ cùng chết.? Bà chợt nghĩ đến các con, vì thế bà nói với chồng: “Anh phải sống”, rồi bà buông tay để chồng bà có đủ sức thoát cơn hiểm nghèo, trở về nhà lo dưỡng dục các con thơ. Câu chuyện chấm dứt bằng cảnh người cha bế một đứa con trai ngồi khóc ở bờ sông, hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh, để từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con. Chúng ta nghĩ rằng khi lớn khôn, những người con này chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để khỏi phụ lòng người mẹ yêu dấu của mình, người đã sinh ra mình và còn chịu chết vì mình.

Người Việt Nam thường nói “Trời sanh, Trời dưỡng, Trời phạt, Trời đoái thương…” và ca dao Việt Nam cũng có câu “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày…” Khi hoạn nạn thì kêu Trời cứu giúp…? Tuy nhiên chúng ta ít khi chịu tìm hiểu “Trời” là ai, hay? “Thượng Ðế” là gì. Nhiều người cho rằng ông Trời quá xa: “Kêu Trời không thấu”, hoặc ông Trời quá nghiêm khắc, chúng ta thường nghe “Trời phạt, Trời đánh, Trời hành…” nhiều hơn là “Trời cho, Trời ban”. Rất ít người biết được sự yêu thương vô cùng to tác của Thượng Ðế đối với nhân loại.

Kinh thánh có chép: “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã? ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Ðoạn kinh thánh này là căn bản của đạo Tin Lành? Nó nói lên sự hy sinh của Chúa Giê-xu, Con độc nhất của Ðức Chúa Trời, đã xuống thế gian làm người, chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi của nhân loại để cho bất cứ ai tin vào sự hy sinh và tha thứ đó sẽ được hòa thuận lại với Thượng Ðế, được coi là con của Ngài và được hưởng sự sống trường cửu.

Sự yêu thương của Thượng Ðế đối với nhân loại còn được biểu lộ qua câu chuyện Ðức Chúa Giê-xu kể về người con hoang đàng: Ngày kia, có một người con trai nọ đòi chia nửa phần gia tài của cha mình là người rất giàu có. Anh nầy lấy hết tiền và đi đến một nơi xa, tiêu xài hoang phí tất cả những gì anh có. Xảy có cơn đói kém lớn, anh không tìm được việc làm tốt nên phải xin đi chăn heo nhưng vẫn không đủ ăn, anh ta đói đến nỗi muốn lấy thức ăn của heo để ăn nhưng chủ không cho. Anh chợt nhớ đến cha mình, bèn trở về xin lỗi cha và chỉ mong được cha coi như một người làm công thì cũng hài lòng. Nhưng khi về gần đến nhà, người cha rất vui mừng chạy ra tiếp đón con vào nhà, mở tiệc lớn đãi vì ông cho rằng con mình đã chết mà nay được sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được (Theo Kinh Thánh sách Lu-ca 15:11-24).

Nếu cho rằng chúng ta cần phải có đạo, bạn có đồng ý là chúng ta phải tìm đến và thờ phượng Ðấng tối cao nhất, Ðấng đã tạo dựng vũ trụ, thế gian nầy hay không? Và cứu cánh của tôn giáo đó phải là sự yêu thương, sự tha thứ và? sự cứu rổi hay không?? Bạn có muốn làm hòa với Thượng Ðế tối cao ấy, muốn được hưởng sự tương giao mật thiết với Ngài, muốn được những phước hạnh của Ngài, và nhất là được sự sống đời đời hay không?? Như trong chuyện người con hoang đàng kể trên, Thượng Ðế đang chờ đợi bạn quay trở lại ăn năn tội để được làm con yêu dấu của Ngài. Ðức Chúa Trời sẽ rất vui mừng, các thiên thần trên trời sẽ hoan ca chào đón bạn khi bạn quyết tâm từ bỏ cuộc sống cũ trở về đầu phục Ðấng tối cao, người Cha thiên thượng đầy lòng yêu thương của nhân loại.

Cũng như câu chuyện hy sinh của vị y sĩ đã cứu anh thương binh kể trên hay sự hy sinh của bà mẹ cho tương lai các con mình trong chuyện “Anh phải sống”. Bạn nghĩ thế nào khi người lính nầy? không? mang ơn vị y sĩ đã hy sinh cứu mình? hay những người con trong chuyện “Anh phải sống” chối bỏ tình yêu thương cao cả của mẹ? Kinh Thánh cho biết, Thượng Ðế tạo dựng loài người để tương giao mật thiết với Ngài, để sống trong sự yêu thương, che chở của Ngài. Như người cha yêu thương các con mình, Ngài rất đau lòng khi chúng ta từ chối sự yêu thương ấy, và đi thờ phượng các thần khác.

Mong bạn suy nghĩ và sớm quyết định trở về với Thượng Ðế, để có thể gọi Ngài là Cha. Hay bạn vẫn còn miệt mài với những hư không của cuộc sống? Mai kia khi qua đời bạn sẽ về đâu? Tôn giáo và niềm tin của bạn hiện nay có mang đến cho bạn sự bình an không? Ðức Chúa Giê-xu phán “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ ban cho các con sự bình an” (Trích Kinh Thánh, sách Ma-thi-ơ 11:8). Chúa Giê-xu hiện đang chờ đợi bạn, Ngài mong muốn bạn mở cửa lòng ra để tiếp đón Ngài.

Nếu bạn cảm thấy có sự thúc giục trong lòng, muốn tin nhận Chúa Giê-xu vào lòng để làm chủ đời sống của bạn, xin bạn hãy lập lại những lời nguyện cầu như sau:

“Kính lạy Thượng Ðế là Ðấng yêu thương nhân loại, con biết con là kẻ có tội đáng bị chết mất nhưng Ngài đã ban Con độc sanh của Ngài là Chúa Giê-xu xuống thế, chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc những ai tin nhận Ngài. Xin Ngài tha thứ tội lỗi của con, nhận con như một đứa con hoang-đàng trở lại làm con yêu dấu của Ngài. Xin Ngài ngự vào lòng con, làm chủ đời sống con và thay đổi tấm lòng con để cho con được xứng đáng làm con của Ngài. Con xin thành kính cám ơn Chúa và cầu nguyện trong Danh Cứu Chúa Giê-xu, A-men.”

(A-men có nghĩa là muốn thật hết lòng)

Nếu muốn tìm hiểu thêm hoặc muốn có các tài liệu khác về lẽ đạo, xin bạn liên lạc với các nhà thờ Tin Lành? địa phương của bạn.

Quang Minh

 

 


Comments

Tôn Giáo Và Niềm Tin — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *