HomeMỖI NGÀY MỘT TIA SÁNGTS-Dâng Hiến Cách Phải Lẽ

DÂNG HIẾN CÁCH PHẢI LẼ – (Loạt Bài “Mỗi Ngày Một Tia Sáng”) – Mục sư Nguyễn Duy Tân

Lời Chúa: “Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều.” (2Côr. 9:6)

Có một em thanh niên thắc mắc với các bạn và tôi tớ Chúa trong Facebook rằng, mỗi lần dâng hiến trong giờ thờ phượng em thường nghe người hướng dẫn nhắc đến câu Kinh Thánh nầy để khích lệ tín hữu dâng nhiều. Em nầy cảm thấy bồn chồn làm sao đó, nên hỏi: “Tại sao việc nầy giống như mình chơi đề với Chúa vậy? Có phải là nếu dâng 10.000đ thì được 100.000đ, còn dâng 100.000đ thì Chúa sẽ cho một triệu không?”

Để giúp cho mọi người hiểu cách dâng hiến phải lẽ và đẹp lòng Chúa, tôi xin tóm lượt vài điểm sau đây:

I. NHỮNG SUY NGHĨ KHÔNG ĐÚNG VỀ DÂNG HIẾN:

1. Dâng hiến cho Chúa không phải là một chuyện đầu tư hay cá độ dành cho cuộc đời tạm nầy, không phải mình dâng 10 đồng để được Chúa ban lại 100 đồng.
2. Dâng ít hay nhiều không phải tính bằng số tiền, nhưng bằng tỉ số và thái độ của mình. Một người giàu có một trăm nghìn đô trong quỹ tiết kiệm mà dâng một nghìn đô thì tỉ số chỉ là 1% so với sự giàu có của ông. Còn nếu một người đàn bà nghèo dù chỉ dâng 10 đô nhưng đó là tất cả tài sản của bà thì tỉ số của bà dâng cho Chúa là 100%.
3. Dâng hiến không phải là một cuộc thi để ai nấy tranh nhau xem ai dâng nhiều ai dâng ít. Nhiều hội thánh mỗi tháng thông báo danh sách những người dâng hiến và tổng số tiền mà mỗi người đã dâng, với lý do để “khích lệ” tín hữu thi đua nhau mà dâng hiến.
4. Dâng hiến không phải để khoe khoang sự giàu có hay lòng tốt của mình. Nhiều người không dâng hiến đều đặn mà chỉ dâng khi có lạc quyên cách công khai giữa hội thánh hoặc có thông báo cách rộng rãi.
5. Dâng hiến không phải để thử Chúa xem có được lợi lộc vật chất không. Có người thử dâng một thời gian xem Chúa có ban phước như là làm ăn phát đạt, được tăng lương, v.v. Sau một thời gian, họ thấy không có lợi lộc vật chất nào nên họ ngừng dâng hiến.

II. NHỮNG GÌ CHÚA DẠY VỀ DÂNG HIẾN:

1. Dâng hiến là một cách để thờ phượng, để tôn vinh Chúa. (Châm 3:9-10), (Hêb. 9:1-10).
2. Dâng hiến là một sự bày tỏ lòng biết ơn Chúa. (2Côr. 8:9).
3. Dâng hiến phải theo tinh thần tự nguyện, lòng rộng rãi, vui vẻ mà hiến dâng (2Côr. 8:3-4), (2Côr. 9:7).
4. Dâng hiến phải kín đáo, không nên khoe khoang. (Math. 6:3).
5. Dâng hiến là một sự đầu tư vào cõi đời đời, dâng ít trên đời nầy, nhận lại nhiều trong đời sau. (Math. 6:19-21), (Luca 14:12-14).
6. Dâng hiến là bí quyết để được phước từ Chúa ban cho. Phước mà Chúa hứa không phải chỉ là phước vật chất nhưng cũng là ơn phước thuộc linh. (Malachi 3:8-10).
7. Dâng hiến để xứng đáng với tình yêu của Đấng đã ban cho chúng ta Con yêu dấu của Ngài. (Giăng 3:16).
8. Dâng hiến là một đặc ân của người tín hữu, một cơ hội để được phước. (Công vụ 20:35).
9. Dâng hiến là một khía cạnh của tình yêu Cơ-đốc, là tình yêu hy sinh, chấp nhận mất mác vì yêu anh em, yêu Chúa, hy sinh cho Ngài, và ban cho mà không có mục đích nhận lại. (Math. 25:31-46), (Luca 3:11), (Rôma 12:13), (2Côr. 8:8b), (Giacơ 2:15-17), v.v.
10. Dâng hiến bày tỏ lòng trung thành với Chúa là Vua của đời sống mình. (Math. 6:24).
11. Dâng hiến là một cách bày tỏ tinh thần trách nhiệm và trung thành của một người quản gia khi được Chúa giao cho của cải vật chất. (Luca 6:1-13).
12. Dâng hiến là trả lại cho Chúa những gì thuộc về Chúa. (Malachi 3:8), (Mác 12:13-17).
13. Dâng hiến để dự phần công việc rao truyền Phúc Âm của các tôi tớ Chúa. (Philíp 4:15,16).
14. Dâng hiến không phải chỉ là tiền bạc và của cải, mà là dâng cả thân thể và đời sống. (Rôma 12:1,2).

Tóm lại, sự dâng hiến là một đặc ân dành cho mỗi chúng ta. Chúa chú trọng vào tấm lòng và thái độ của chúng ta để ban phước cho người biết dâng hiến cách phải lẽ.


Comments

TS-Dâng Hiến Cách Phải Lẽ — 2 Comments

  1. Hội Thánh nơi tôi sinh hoạt cũng công khai tiền dâng phàn 1/10 hằng tháng của từng tín hữu, tôi cảm thấy ko thoải mái khi mọi người nhìn vào so sánh dâng nhièu dâng ít. Tôi góp ý Muc sư và dẫn chứng Mathiow 6:3 như bài viết, nhưng Muc sư nói đó là nói về việc bố thí, không phải dâng hiến. Dâng hiến cần phải công khai, minh bạch… nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chịu mỗi khi hội thánh dán bảng kê khai cụ thể như vậy, chẳng khác nào công khai lương, thu nhập của mỗi tín hữu, đó là thông tin nhạy cảm, cá nhân. Có cách nào để giải thích tốt hơn cho Mục sư không ạ?

  2. TLL: Dâng hiến hay bố thí đều là những hành động được Chúa ban thưởng, nên chỉ cần Chúa biểt mà thôi. Nếu loài người biết thì được họ khen ngợi nhưng mất phần thưởng từ Chúa.
    Dù kín đáo, nhưng HT cần ghi chép rỏ ràng vì luật pháp đòi hỏi, nhưng việc thông báo công khai là không cần thiết, vì điều đó chỉ làm cho người dâng ít khó chịu, người dâng nhiều bị cám dỗ lên mình.

Leave a Reply to Ha Le Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *