HomeGĐTM GIẢI ĐÁP THẮC MẮCGĐTM.Giải Đáp TM Linh TinhTHƯỢNG ĐẾ CÓ THẬT KHÔNG?

THƯỢNG ĐẾ CÓ THẬT KHÔNG?
Mục sư TS Lê Kim Vâng

Đây là một vấn đề nan giải, đã làm chảy bao nhiêu mực, tốn bao nhiêu giấy từ trước tới nay. Khuôn khổ nhỏ không cho phép tôi trình bày tận tường mọi khía cạnh vấn đề. Đưới đây chỉ gợi ra một vài khái niệm tổng quát mà thôi.

1/ Một số học giả chủ trương không có Thượng Đế:
Triết gia Ludwig Feuerbech (2804-1872) chủ trương rằng Thượng Đế chỉ là sản phẩm của con người, một sản phẩm tâm lý. Con người muốn được sinh tồn, được hạnh phúc nên ước mong, tưởng tượng ra một Thượng Đế để có chỗ nương tựa, chứ thực ra không có Thượng Đế gì cả.

Nhưng thử hỏi: sao những ước mong ấy, nhưng nhu cầu ấy lại không có thể hướng vào một thực thể hiện hữu, dựa trên một căn bản hiện hữu tức là Thượng Đế?

Khoa học và Sử học gia Karl Marx (1818-1883) cho rằng tôn giáo và nền tản của nó là Thượng Đế khiến cho con người không không lưu ý đến cuộc đời hiện tại và các biến đổi của nó mà lại chú trọng đến các hứa hẹn về đời sau, và như vậy tôn giáo có hiệu lực như một liều thuốc an thần, gây ra một thứ hạnh phúc ảo ảnh chứ không phải là hạnh phúc thật sự. Tôn giáo là thuốc phiện của dân tộc, là tiếng kêu đau khổ của nhân loại đi tìm một niềm an ủi.

Cũng như Feuerbech, Marx cho rằng cho người chế tạo tôn giáo, chế tạo Thượng Đế (Hanskung “Does God exist?” trg 229).
Nhưng chính liều thuốc an thần ấy đã làm cho con người bớt hung hăng chạy theo của cải vật chất, do đó bớt ganh đua nhau, bớt chém giết lẫn nhau, bớt đau khổ.

Không thể chối cãi được rằng con người có những tư tưởng về Thượng Đế, phát minh những ý kiến, hình ảnh, quan niệm về Thượng Đế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Thượng Đế chỉ là sản phẩm của trí óc, suy tư và tưởng tượng của con người.

Còn đối với Sigmund Freud, bác sĩ chuyên khoa về thần kinh (1856-1939) tôn giáo là một ảo mộng hão huyền, biểu trưng một bệnh tâm trí hoặc một tâm trạng còn non yếu.

Nhưng biết đâu ảo mộng ấy lại không có thể thành sự thật được. Điều nầy chình Freud cũng không loại bỏ. (Ibid. trg 301)

2/ Bây giờ chúng ta hãy xem xét các học giả chứng minh có Thượng Đế ra sao?

Triết gia Plato (428-348 TC) và Augustine (354-430 SC) cho rằng chỉ có một Đấng thiêng liêng tối cao mới có thể tạo ra một vũ trụ mỹ thuật tuyệt vời như vậy, chỉ có một Thượng Đế với lòng từ thiện vô biên mới có thể thỏa mãn mọi ham muốn, hạnh phúc toàn vẹn của con người.

Triết gia và khoa học gia Aristotle (384-322 TC) chủ trương rằng chỉ có Thượng Đế mới sáng tạo ra được một vũ trụ trong đó mọi việc đều được xếp đặt thứ tự, ngăn nắp, mọi việc đều có mục đích đã được tiên liệu.

Còn Anselm, triết gia và thần học gia (1033-1109 SC), Descartes, triết gia và khoa học gia (1646-1716 SC), và triết gia Woolff (1679-1754 SC) quả quyết rằng sự hiện hữu của Thượng Đế có thể chứng minh bằng ý nghĩ thuần túy, ý nghĩ phải có một thực tế toàn thiện toàn mỹ. (Ibid. trg. 530).

Sau cùng, triết gia Kant (1724-1804) biện luận rằng không cần phải dùng đến chứng cớ về lý thuyết mà trái lại chỉ cần đứng trên phương diện thục tiễn: phải có Thượng Đế mới có thể dung hòa đạo đức với sự tìm kiếm hạnh phúc hoàn toàn. Đứng trên phương diện đạo dức, Thượng Đế là cần thiết, là tượng trưng cho sự toàn thiện toàn mỹ. (Ibid.trg. 530).

Rõ ràng là các lý luận trên không hoàn toàn thỏa mãn lý trí chúng ta như khi chúng ta chứng minh định luật Pythagore hoặc sự kiện trái đất quay chung quanh mặt trời.

Nhưng thử hỏi, liệu chúng ta có thể dùng riêng lý trí đề chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế được không? Liệu chúng ta có coi Thượng Đế như là một vật mà chúng ta có thể nghiên cứu, quan sát qua kính hiển vi hay viễn vọng kính hay không? Một khi đã coi Thượng Đế như vậy thì liệu Thượng Đế có còn là Thượng Đế nữa không? Trí tuệ, lý trí con người có hạn thì làm sao hiểu nỗi Thượng Đế vì Thượng Đế là vô hạn?

KẾT LUẬN: Không có chứng cớ nào được mọi người chấp nhận liên hệ đến sự có hay không có Thượng Đế. Nhưng không phải vì thế mà đã vội cho rằng không có Thượng Đế. Chúng ta không thể dùng riêng lý trí để chứng mính sự hiện hữu của Thượng Đế theo phương pháp khoa học. Nhưng chúng ta có thể dùng phương pháp khác để chứng minh rằng Thượng Đế là có thực. Đó là đề tài của bài học tiếp theo. Xin hẹn gặp lại.

(CÒN TIẾP)


Comments

THƯỢNG ĐẾ CÓ THẬT KHÔNG? — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *