HomePTLĐ PHÁT TRIỂN LÃNH ĐẠO HTPTLĐ.Phát Triển Đức TánhSự liêm chính của người chăn bầy

1. Sự liên chính trên toà giảng.

“Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jesus Christ; là Đấng được mọi sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen!” (Phi-e-rơ 4: 11).

Chúng ta không ngạc nhiên, khi biết rằng ngày nay nhiều con cái Chúa thích nghe những bài giảng êm tai, những đề tài về sự phước hạnh và thịnh vượng; bởi vì Kinh Thánh Tân Ước cho biết rõ:
“Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai theo tư dục mà nhóm họp các Giáo sư chung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin Lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ” (2 Ti-mô-thê 4: 3-5).
Nhìn vào hiện thực của tình trạng Hội Thánh ngày nay, con dân thật của Đức Chúa Trời không khỏi đau lòng và tuyệt vọng, khi có những người chăn cung cấp thức ăn thuộc linh cho bầy chiều theo tư dục của con chiên. Điều này có nghĩa là con cái Chúa yêu cầu Mục sư giảng dạy điều mà họ thích nghe, thay vì điều mà Chúa muốn Mục sư chuyển tải những thông điệp đến từ Chúa. Con cái Chúa muốn nghe những đề tài như: Làm sao để có được sự an bình cho bản thân, gia đình? Bí quyết sống hạnh phúc và thịnh vượng? Làm thế nào Cơ đốc nhân có thể sống giàu có sung túc, v.v…
Để đáp ứng nhu cầu này, Mục sư cứ việc soạn những bài giảng làm vừa lòng con dân Chúa; tha hồ tâng bốc, ngợi khen con người. Và con dân Chúa có nhiều dịp cười hả hê, vì Mục sư đã làm thoả mãn lòng tư dục của họ. Mục sư thường kể lặp đi lặp lại nhiều lần những câu chuyện đời tư của bản thân mình; ca tụng những người quen thân đã từng giúp đỡ mình trong thuở hàn vi; lên án những người quen biết, bà con bội bạc với mình. Mục sư ca ngợi về cảnh thiên đàng, từ những câu chuyện của người ta nằm chiêm bao kể lại không chứng cứ. Thậm chí, Mục sư còn “thêm mắm thêm muối” về quang cảnh của thiên đàng mà chính bản thân không hề biết rõ; Kinh Thánh cũng không hề nói đến; chẳng hạn như trên thiên đàng vẫn có quán phở và hột xoàn nhiều lắm, vân vân và vân vân. Theo lời dạy của Sứ đồ Phaolô đối với Ti-mô-thê đã nhắc nhở cách mạnh mẽ rằng:
“Hãy biết rằng trong thời kỳ sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy, phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy con hãy lánh xa đi”(2 Ti-mô-thê 3: 1-5).
Theo sự dạy dỗ này, người chăn bầy không thể bóp méo lời của Chúa. Khi giảng lời Chúa, điều tối kỵ là người chia sẻ diễn đạt Kinh Thánh theo ý riêng; hoặc thêm bớt lời của Chúa làm cho lệch lạc chân lý của lẽ thật; cốt để ru ngủ làm êm tai người nghe! Vì vậy, người chăn bầy trước hết phải được mặc lấy áo giáp của sự liêm chính; quyết chống trả những nhu cầu đến từ thế gian; mà nhà đạo diễn chính là Sa-tan. Thành viên của Hội Thánh vẫn có nhiều người sống theo xác thịt. Rất có thể họ vẫn nói rằng họ chỉ muốn nghe lời Chúa, họ cầu nguyện hứa hẹn trước mặt Chúa đủ điều; họ vẫn có thể trích dẫn Kinh Thánh để bảo vệ những nhu cầu theo tư kỷ cá nhân. Nhưng, thực tế họ không muốn nghe những bài giảng cảnh tỉnh; hay ngọn roi quất vào đời sống tội lỗi. Họ không muốn nghe Mục sư nhắc đến Sa-tan hay ma quỷ!
Chính những sự thật bi đát này, người chăn bầy không ngừng học hỏi, tra cứu Kinh Thánh đến nơi đến chốn, trước khi trình bày lời của Chúa; bởi vì sứ mạng của người giảng không phải là phô trương kiến thức của chính mình, hoặc pha trộn kiến thức, đạo đức, triết lý của thế gian. Mục đích của việc rao truyền lời Chúa, là chuyển tải một thông điệp đến từ Chúa cho dân sự của Ngài. Người giảng dạy lời Chúa là làm thế nào hướng cả hội chúng vào một mục đích, là tôn cao Đức Chúa Trời. Muốn làm được trách nhiệm này, không gì khác hơn là tập trung cho sự thờ phượng bằng sự cầu nguyện tìm kiếm và nhờ cậy Đức Thánh Linh một cách hết lòng. Mục sư Lê Văn Thái, cố Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, đã giải bày về tấm lòng của người chăn bầy trên tòa giảng rất chi tiết. Có thể tóm tắt làm ba điểm chính như sau:

a. Sự cầu nguyện:
“Khi muốn giải thích tại sao một cuộc nhóm họp thiếu linh lực, thì chúng ta hay chuyên chú vào bài giảng; thật ra có lẽ nguyên nhân chân chính làm cho tê liệt, chính là mối thông công của chúng ta với Đức Chúa Trời đã chết lạnh. Không gì mạnh mẽ hơn lời cầu nguyện tự nhiên, phát xuất tự đáy linh hồn. Nhưng không có gì lạt lẽo kinh khủng hơn là lời cầu nguyện lướt qua các vấn đề, và chỉ là mớ từ ngữ lộn xộn không đem theo sự bí mật nào của linh hồn. Đừng mời một người cầu nguyện vì vị nể người ấy, mà vì sự cần ích của hội chúng, của cuộc nhóm họp.
Không khó tìm kiếm nguyên nhân sâu xa của một vài nhược điểm trong lời cầu nguyện trên tòa giảng đó. Trước hết nó do sự từng trải thiêng liêng nông cạn của chúng ta. Chúng ta không thể cầu nguyện mạnh mẽ thay cho hội chúng, nếu chúng ta chưa quen biết sâu xa những đường lối mầu nhiệm của linh hồn. Chúng ta cần biết các bệnh hoạn của linh hồn, những lúc nó ô uế, yếu ớt và thất vọng. Ta phải biết tiếng phèn la, rên siết của nó khi nó mắc cạm bẫy của tội lỗi, hoặc khi nó đã chán ngán vì được tự do, phóng túng… Tôi xin nói đến một lý do khác làm cho sự cầu nguyện càng yếu đuối và nông cạn, ấy là người truyền đạo thiếu sự cầu nguyện riêng. Nếu xa lạ với con đường thông công ở phòng riêng, chắc ta sẽ không tìm được con đường ấy nơi công cộng. Người ta không bao giờ học tập cầu nguyện ở nơi công cộng. Họ học tập ở nơi phòng riêng…”
Người chăn bầy còn phải liêm chính ở:

b. Bài giảng:
Hội chúng phải nhận biết rằng chúng ta quyết làm việc đúng đắn, và trong sự giảng dạy của chúng ta có công tra cứu sâu xa, sốt sắng. Họ phải cảm thấy trong bài giảng có sự hiện diện của Chúa hằng sống theo dõi linh hồn trên các đường lối bí ẩn hơn hết của nó, để thi hành chức vụ cứu rỗi của nó; đưa từ sự chết qua sự sống, đến sự sống dư dật; từ ân điển đến ân điển; từ năng lực đến năng lực; từ vinh hiển qua vinh hiển.
“Suốt cả lúc giảng dạy, chúng ta phải giảng như tuyên án. Phải trình bày nội vụ, tìm cách tuyên án, và phải thi hành bản án tức thì. Chúng ta không đứng trên tòa giảng để làm thỏa thích trí tưởng tượng của người nghe, thậm chí không phải để bày dạy cho trí óc, hoặc quấy rối nguồn xúc động, hoặc làm lung lay trí phán đoán. Những điều đó, chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc hành trình. Mục đích tối hậu của chúng ta là cảm hoá ý chí, đặt nó vào con đường khác, làm cho nó bước mau hơn, khiến cho nó ca hát trong các đường lối của Chúa…”

c. Cách giảng:
Chân thành yêu mến thính giả: Không có gì kéo người ta đến cùng Chúa mạnh bằng lòng yêu thương. Vậy, phải để sự yêu thương của chúng ta đối với người đang nghe tràn ra trong lời giảng (Ô-sê 11:4)
Giữ lễ độ: “Đừng bao giờ chê cười, chế giễu phe đảng nào, hoặc tôn giáo nào. Sự chê cười đó sẽ làm mích lòng nhiều người. Đừng quá mạnh bạo nói những giọng tố cáo rằng những người ngồi trong tòa giảng là tội nhân…Việc cáo trách tội lỗi từng người là việc của Đức Thánh Linh (Giăng 16:18). Chớ đứng lên bảo ai thờ hình tượng là ngu; điều đó tuy đúng, nhưng trước hết ta phải tỏ ra lẽ thật, phải giải bày Đấng Christ, rồi dần dần cho người ta thấy việc thờ hình tượng là ngu dại. Ta muốn thính giả có lòng mộ đạo, thì không nên lấy súng mà bắn họ; dầu súng đó chỉ là môi miệng ta, và đạn là lời chê cười, chế giễu, cay đắng của ta.”Tất nhiên, trên tòa giảng còn có nhiều phẩm tính khác đòi hỏi, mà người chăn bầy không thể bỏ qua. Một trong phẩm tính quan trọng nhất đó là “tình yêu thương” đối với người nghe. Nếu thiếu phẩm tính này, thì người rao giảng lời Chúa không thể dẫn dắt người ta đến gần với Chúa được. Sự khác biệt rất xa giữa Hội Thánh của Đức Chúa Trời và thế gian đó chính là tình yêu của Cứu Chúa Jesus.”
Người chăn bầy nhận lãnh sứ mạng rao giảng, là làm thế nào để tình yêu của Chúa Jesus tuôn đổ vào những tấn lòng đang khát khao mong đợi; hầu có thể cứu vớt thêm những linh hồn.

2. Sự liêm chính của người chăn bầy giữa tín hữu và tha nhân
“Người Giám mục lại phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma qủy “(1 Ti-mô-thê 3: 7).
Đó là lời khuyên dạy của sứ đồ Phao Lô, dành cho những người giữ chức vụ Giám mục, tức là người chăn bầy chiên cho Chúa hôm nay. Chức vụ này vô cùng quan trọng, bởi vì tầm ảnh hưởng của nó đối với con dân Chúa cũng như cộng đồng xã hội. Người giữ chức vụ này không phải chỉ giới hạn trong bốn bức tường của nhà thờ, mà còn phải đối đầu với bao nhiêu người chưa tin Chúa ở xung quanh. Mỗi ngày, nếu người chăn bầy thiếu cẩn trọng trong cách giao tiếp, lời nói, hành động thiếu nhờ cậy Chúa, sẽ bị mắc lừa mưu chước của ma quỷ.
Chương trình của Đức Chúa Trời là đem sự cứu rỗi đến với mọi người. Còn kế hoạch của Sa-tan là phá hủy chương trình của Chúa. Công việc của nó là làm thế nào để quyến dụ tất cả con dân Chúa phạm tội, trong đó những người chăn không ngoại lệ. Không dễ dàng cho một Mục sư đối đầu với nhiều hạng người khác nhau trong xã hội. Rất có thể vì sự căm ghét hoặc định kiến về tôn giáo; cũng có thể do sự đối nghịch giữa những người thuộc về Chúa và những người thuộc về thế gian. Cho nên thường có sự tranh chấp ngấm ngầm hoặc công khai mà ma quỉ gieo vào lòng những kẻ chống Chúa.
Là những người chăn mặc lấy sự liêm chính, phải hết sức cẩn trọng đối với nhiều hạng người trong xã hội. Có thể nói đó là cuộc chạm trán của “chiến tranh lạnh” thường xảy ra; mà đôi khi làm cho những người chăn bầy không chịu nổi những sức ép phải từ bỏ chức vụ. Không phải tất cả những người ngoại đều kính nể chức vụ Mục sư hay người lãnh đạo Hội Thánh. Ngày nay, giữa xã hội u Mỹ, người ta không coi trọng chức vụ Mục sư như văn hoá của Á Đông. Có lẽ họ xem thiên chức của Mục sư cũng chỉ như bao nhiêu ngành nghề khác. Chính vì vậy, người chăn bầy cho Chúa phải được tôi luyện trong sự nhịn nhục, giàu lòng yêu thương, nghĩ đến những linh hồn của những người chưa được cứu; mới hy vọng được người ngoại “làm chứng tốt” cho.
Nếu các vị Mục sư lấy trí khôn và kiến thức của con người để đối xử với người ngoại, quan niệm về công bình theo cách nghĩ của người ngoại, thì chắc chắn vị Mục sư đó sẽ không được họ”làm chứng tốt” cho, mà ngược lại còn bị lên án nữa! Để có được tiêu chuẩn này, người chăn bầy phải luôn luôn hạ mình, sống khiêm cung, nhận phần thiệt hại về mình, không tranh cãi, gây gổ với người khác, nhất là phải học cho bằng được đức tính gương mẫu của Chúa Jesus khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Có bao nhiêu người đi qua nhạo báng, sỉ vả, nhiếc móc Chúa; nhưng Ngài đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình đang làm điều gì…”( Lu-ca 23: 34).
Đời sống của người chăn bầy hay người lãnh đạo thuộc linh, có thể nói là tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao về phẩm hạnh; hoàn toàn khác với những người lãnh đạo của thế gian. Bàn về phẩm tính liêm chính của người chăn bầy sống giữa tha nhân, tác giả sách “Người Chăn Bầy Của Đức Chúa Trời”, có đoạn viết:
“Phẩm cách rất quan trọng đối với chức vụ Mục sư. Một người lãnh đạo trong các tập thể khác có thể ăn uống, say sưa, ái tình lăng nhăng…mà vẫn lãnh đạo tốt được. Người Mục sư thì khác. Tư cách của Mục sư là một “công cụ” quan trọng chức nghiệp Mục sư. Tùy theo cách sống của mình mà Mục sư có được chúc phước hay không, con cái Chúa có kính nể và vâng phục hay không. Mục sư có thể giảng rất hùng hồn, quản trị rất hay, nhưng điều ảnh hưởng con dân Chúa hơn hết là chính đời sống của Mục sư. Đời sống của bầy chiên là bản sao của chính đời sống người chăn. Người chăn hãy bắt chước Chúa để con dân Chúa có thể bắt chước người chăn.”
Những suy tư của tác giả về phần trích dẫn này, cho chúng ta bức chân dung đẹp đẽ, xứng đáng là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Sự liêm chính không những chỉ là những lời nói trên bục giảng, mà còn phải được thể hiện trong đời sống sinh hoạt mỗi ngày. Đời sống thực tế có phản ánh đúng những lời rao giảng hay không?
Bao nhiêu năm qua, tôi cứ mãi băn khoăn về một câu hỏi mà dường như chưa có câu trả lời dứt khoát: Tại sao, ngày nay thiên chức của Mục sư không được coi trọng? Khi còn ở trong nước, bản thân gia đình chúng tôi vô cùng kính trọng và yêu thương quý đầy tớ của Chúa. Kính trọng chưa hẳn về kiến thức của lời Chúa, nhưng còn bao nhiêu phương diện khác từ những người chăn này. Họ không có bằng cấp, học vị cao học hay tiến sĩ, rất đơn sơ giữa đời thường. Nhưng từ những đầy tớ của Chúa đó, thường đem lại cho chúng tôi một hình ảnh của sự nhân từ, nhẹ nhàng, một tấm lòng bao dung, rộng mở của tình yêu thương. Khi tiếp xúc với họ, chúng tôi cảm thấy được bình yên vì chúng tôi tin cậy nơi họ.

Tóm lại, tư cách, phẩm hạnh của Mục sư không phải chỉ giới hạn trong bốn bức tường của nhà thờ, nhưng còn phải có ảnh hưởng tốt đối với bà con, thân hữu,cộng đồng xã hội, là những người chưa biết Chúa nữa. Một trong những phẩm hạnh vô cùng quan trọng đó là sự liêm chính. Liêm chính trong mọi phương diện, có thể phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai dựa trên lẽ thật Kinh Thánh. Chính sự liêm chính giúp chúng ta dũng cảm đứng về công lý và lẽ thật cho dù phải chịu bắt bớ hay chống đối. Sự liêm chính là vũ khí mạnh mẽ giúp cho người chăn bầy đứng thẳng trước bất công bà bạo lực. Kinh Thánh đã bày tỏ sự dạy dỗ này rằng:
“Người Giám mục lại phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỷ “(1 Ti-mô-thê 3:7).
“Làm chứng tốt”, không có nghĩa là người chăn bầy sống theo tiêu chuẩn đạo đức của người thế gian; nhưng sống hài hòa giữa mọi người. Tuy nhiên vẫn giữ được các tiêu chuẩn sống đạo của một Cơ Đốc nhân. Do đó, người chăn bầy mang lấy trách nhiệm nặng nề, không những sống đẹp lòng Chúa; mà còn có tiếng tốt đối với mọi người trong cuộc sống mỗi ngày. Một người có tài giỏi bao nhiêu, nói năng hùng biện bao nhiêu; được ơn Chúa trong giảng dạy bao nhiêu; mà không có sự liêm chính, thì sẽ không thể nào hầu việc Chúa được. Sự liêm chính cần thiết như một mùi hương thơm tỏa ra xung quanh; cho mọi người có thể nhận biết được giá trị cao quý của một đầy tớ của Chúa.
Vì vậy, người chăn bầy có thể mất đi tiền bạc, vật chất, và cho dù bị khổ nạn, tù đày, đói cơm, thiếu áo; nhưng trong mọi hoàn cảnh, sự liêm chính không thể đánh mất. Chính vì vậy, mà Sứ đồ Phao Lô đã căn dặn rất kỹ càng cho Ti-mô-thê và Tít trong việc chọn lựa các Mục sư. Sự căn dặn này bao hàm một ý nghĩa sâu sắc, và cẩn trọng: “Không chỗ trách được” (1 Ti-mô-thê 3: 1-7; Tit 1:5-9).

Mục sư Peter Thế Lê


Comments

Sự liêm chính của người chăn bầy — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *